NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Chiến Lược IELTS 7.0

Chương 1. Kỹ Năng Reading

Tác giả: Võ Trung Kiên
Thể loại: Học Ngoại Ngữ
Ads Top

1. Reading – Cách luyện duy nhất là đọc

Cách luyện Reading rất rõ ràng và đơn giản, là đọc. Học Reading sẽ theo kiểu: có công mài sắt ẮT có ngày nên kim, kiến tha lâu CHẮC CHẮN sẽ đầy tổ. Nếu kiên trì đọc, khả năng đọc của bạn sẽ tiến bộ, chứ không như Listening, nghe nhiều mà nghe không đúng cách thì cũng chỉ giậm chân tại chỗ.

Sử dụng các nguồn thích

Các nguồn thích không nhất thiết phải là những thứ lớn lao mà bạn đam mê, yêu thích, nhiều khi đó chỉ cần là những hứng thú nhất thời thôi.

Ví dụ như bạn vừa xem xong phim Secret Garden, chẳng may “cảm nắng” Ha Ji-won (hay Hyun Bin) thì bạn có thể Google “Secret Garden korean drama”, vào trang wiki của phim, đọc về các thông tin bên lề mà bạn quan tâm. Từ trang wiki của phim dẫn sang xem trang wiki của Ha Ji-won.

Bạn chỉ cần xem những thứ mà bạn thấy thực sự thích thú và muốn tìm hiểu. Vậy nên thường thì mỗi trang wiki như vậy, tôi chỉ xem khoảng 1/3 trang. Như trang của Ha Ji-won, tôi xem các đoạn như: giới thiệu đầu, Career Beginnings và Acting Career (thậm chí, tôi chỉ đọc giai đoạn từ năm 2009 trở đi, còn thời gian trước đó tôi không hứng thú lắm). Xem trang Ha Ji-won, tôi lại phát hiện ra một bộ phim mới là The King 2 Hearts, Ha Ji-won đóng cùng với Lee Seung Ki. Rồi tôi lại vào trang wiki của The King 2 Hearts đọc giới thiệu sơ qua về nội dung và phần Ratings xem phim hot tới mức nào. Trang wiki này, tôi chỉ xem đoạn giới thiệu chung ở phần đầu, không đọc phần Nội dung phim để khi xem phim vẫn còn hứng thú. Rồi nhân tiện, tôi cũng tò mò không biết dạo này Lee Seung Ki có hoạt động phim ảnh hay ca nhạc gì hay không, nên lại lân la qua cả trang wiki của anh ấy để xem tiếp…

Cứ lướt web như vậy, trong vòng 1 tiếng, bạn có thể xem được khoảng hàng chục trang thông tin tiếng Anh. Dù bạn chỉ xem 1/3 hay thậm chí 1/4 mỗi trang thì lượng tiếng Anh bạn tiếp xúc tính ra cũng khoảng 10 trang A4, chả kém gì khi bạn ép mình đọc những thứ mà bạn không thích như trên BBC hay VOA.

Với phương pháp này, thời gian tiếp thu tiếng Anh của bạn sẽ tăng lên gấp bội. Bạn có thể dành 4-5 tiếng trong một đêm lướt web đọc tiếng Anh hăng say mà không muốn nghỉ, không giống như mấy bản tin BBC, mới đọc 15 phút đã muốn nghỉ giải lao… 2 tiếng. Khi đọc nguồn thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ tới việc giải lao nữa vì đây đã là phương pháp học mà chơi, chơi mà học rồi. Lướt web giải trí là việc mà hầu hết chúng ta đều làm hằng ngày và có nhiều người tốn không ít thời gian cho nó. Chỉ cần một thay đổi nho nhỏ, thay vì lướt web tiếng Việt thì bạn lướt web tiếng Anh, khi đó, việc học tiếng Anh sẽ biến thành việc giải trí mà bạn làm hằng ngày.

Bạn đừng hiểu lầm wikipedia là nguồn duy nhất mà tôi khuyên chọn. Chẳng qua vì khi search “Secret Garden korean drama” trang wiki hiện ra đầu tiên nên tôi sử dụng nó thôi. Bạn không nhất thiết phải đọc riêng một nguồn nào cả. Để tìm đọc về thứ mình thích, bạn chỉ cần search Google và chọn ra trang mà mình thấy phù hợp. Trang http://www.allkpop.com là một trang tôi thường ghé xem các tin tức về làng giải trí Hàn Quốc, từ phim ảnh đến ca nhạc và các sao. Thường thì tôi sẽ lướt qua các tiêu đề, lựa chọn các tin hấp dẫn hoặc về các sao mình quan tâm để đọc. Phần này đã ví dụ về phim ảnh Hàn Quốc tương đối nhiều, vì thế tôi sẽ lấy thêm ví dụ về một chủ đề thuộc lĩnh vực khác.

Dynasty Warriors là một game mà tôi rất “nghiền”. Đây là một game hành động lấy cảm hứng từ nhân vật thời Tam Quốc, bạn sẽ điều khiển một tướng, như Quan Vũ hay Tào Tháo đi đánh giặc, tả xung hữu đột, một mình chọi một vạn. Nhờ “nghiền” game và tạo hình của các nhân vật trong phim nên tôi bắt đầu tò mò và muốn tìm hiểu về lịch sử và các nhân vật thời Tam Quốc. Ví dụ một nhân vật mà tôi rất thích là Khổng Minh/Gia Cát Lượng và một quân sư chủ chốt của nhà Thục – Lưu Bị.

Search Google “Zhuge Liang”, xem xong trang wiki và lướt qua khoảng năm trang đầu tiên, tôi thấy có một topic là Is Zhuge Liang overrated? trên trang forum http://www.the-scholars.com, hứa hẹn sẽ có những bài tranh luận hay về khả năng thực sự của Zhuge Liang. Và quả thực trong trang forum đó có rất nhiều thông tin đem đến một góc nhìn khách quan về ông. Theo như trong truyện, các chiến thuật, mưu kế của trận Xích Bích phần lớn là của Gia Cát Lượng, còn theo như các thông tin trong forum bàn luận thì do bên nước Ngô làm hết: “Zhou Yu (Chu Du), Cheng Pu (Trình Phổ) and Huang Gai (Hoàng Cái) did all the tactical planning for the Battle of Chi Bi (Trận Xích Bích)”, “Lu Su (Lỗ Túc) approached Liu Bei (Lưu Bị) with plans for a Joint Defense against Cao Cao (Tào Tháo)”… Đọc tiếp các bài viết về sau thì sẽ phát hiện ra là những thông tin này đều lấy từ chính sử viết bởi Chen Shou (Trần Thọ), sống vào thời Tam Quốc và làm quan triều Tấn (Jin Dynasty), từ đây, tôi có thể tìm đọc tiếp các tài liệu chính sử của Chen Shou…

Vậy là cứ chuyện này dẫn sang chuyện khác, hầu như không có điểm ngừng. Bạn cứ đọc và đọc, càng đọc càng thấy tò mò, hăng say. Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì hiệu suất “cày” tiếng Anh của mình, mới hôm nào bạn còn gò bó “cày” BBC 1-2 bài/ngày đầy ngán ngẩm, bây giờ bạn đang tiếp thu được một lượng tiếng Anh gấp (ít nhất) 20 lần như vậy.

Sử dụng các nguồn cần

Thử tưởng tượng trường hợp một người họ hàng của bạn bị mắc bệnh nan y, cả nhà đã vất vả chạy chữa một thời gian dài nhưng vẫn không thấy dấu hiệu gì tích cực. Người thân của bạn trông ngày càng gầy và yếu đi, bác sĩ không tìm ra được phương pháp nào tích cực hơn cả. Rồi tình cờ, bạn bắt gặp được một tài liệu về đúng căn bệnh đó, đưa ra một phương pháp có thể chữa lành bệnh mà các bác sĩ Việt Nam đã bó tay.

Bạn sẽ làm gì? “Bằng tiếng Anh sao? Chắc không đáng tin đâu, bác sĩ có bằng cấp người ta đã bó tay thì đọc cái này chắc cũng chẳng giải quyết được gì.” Hay bạn sẽ ôm ngay lấy tài liệu đó về và đọc ngày đọc đêm? Nếu đã chọn phương án 2, dù tài liệu có khó hiểu hay cao siêu thế nào, cũng đừng nghĩ “Trình mình không tới, tạm bỏ qua vậy. Chắc cần ra trung tâm học vài khóa Reading for IELTS rồi mới quay lại đọc được” (có thể đây là bài ca muôn thuở của bạn khi gặp tài liệu khó), thay vào đó, bạn hãy nghĩ “Khó thật đấy nhưng mình nhất định phải biết phương pháp này”. Khi đó, bạn sẽ tìm mọi cách và bằng mọi giá để đọc. Bạn có thể đọc đi đọc lại đến chục lần, tra từng từ để hiểu, chứ không như bình thường chỉ mới đọc lại 2-3 lần (có khi chỉ 1 lần), lười tra từ mới và bỏ cuộc.

Bạn đọc như điên chỉ để tìm một câu trả lời (IELTS cũng thế). Tôi cá là 1.000 trang tài liệu chẳng là gì với bạn. Bạn có thể giải quyết nó chỉ trong 3 ngày với trình tiếng Anh trung bình tại thời điểm đó. Sẽ có lúc nhìn lại, bạn chắc chắn phải ngạc nhiên với độ “siêu nhân” của mình.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về nguồn cần. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ bắt gặp nhiều thứ mà mình cần tìm hiểu khác như: cách chăm sóc em bé (cho các bà mẹ), cách tập thể hình (cho các chàng trai). Nguồn cần sẽ cho bạn động lực để đọc các tài liệu tiếng Anh nghiêm túc (formal/academic) hơn nguồn thích. Đây cũng là phương pháp để luyện tập một cách đọc rất giống với IELTS: đọc để tập trung tìm câu trả lời.

2. Reading – Một số điểm cần lưu ý

Giai đoạn đầu đọc sẽ rất chậm

Nếu bạn nào có khởi đầu kém như tôi (chỉ được 5 phẩy môn Anh văn phổ thông) thì khi bắt đầu đọc, tốc độ có thể sẽ rất chậm. 1 tiếng có thể bạn chỉ đọc được khoảng 1/2 trang A4 vì hầu hết câu nào bạn cũng phải tra từng từ, từng chữ mới hiểu được. Tôi đã từng trải qua giai đoạn đó nên tôi hiểu điều đó thế nào.

Nếu trong giai đoạn đó bạn “ngây thơ” nghe theo lời các siêu nhân, lên BBC hay CNN mà “cày” thì nhiều khả năng đó là lần cuối trong đời mà bạn muốn tiếp xúc với tiếng Anh. Người ta hay gọi đó là “đã yếu lại còn ra gió”. Tiếng Anh yếu mà còn ép mình đọc những tin “khủng” trên BBC như “US Missile Defense System Test Fails…” (thử nghiệm lá chắn tên lửa của Mỹ thất bại) – chuyện mà bạn thực sự chẳng quan tâm thì trình độ chưa kịp lên, bạn đã muốn bỏ cuộc rồi.

Vào thời điểm tôi bắt đầu học tiếng Anh là năm 2009, thời Super Junior “phát sốt” với bài Sorry, Sorry. Thú thực, một phần cũng nhờ SJ mà tôi mới có khởi đầu khá suôn sẻ như vậy. Hồi đó Google, bắt đầu tìm hiểu profile (thông tin) của từng thành viên, trên các trang tiếng Việt, thông tin thì lèo tèo, tin tức thì lắt nhắt. Tôi bắt đầu lân la sang các trang tiếng Anh, lướt qua và thấy thông tin của họ đầy đủ và chi tiết hơn hẳn, vì thế tôi quyết định đọc tiếng Anh. Ban đầu là các trang profile của từng thành viên trên wiki, sau đó lại sang các trang tin giải trí bằng tiếng Anh khác.

Thời gian đầu tôi đọc rất chậm. Cả buổi tối chắc chỉ đọc hết được 1 trang wiki của 1 thành viên (chỉ khoảng 2 trang A4). Tuy nhiên, tôi không thấy chán mà ngược lại, rất phấn khích vì biết được nhiều điều thú vị về thần tượng của mình.

Khi đọc các nguồn mà mình không quan tâm như trên BBC, bạn sẽ không thể nào dành cả buổi tối để đọc dò từng dòng, tra từng chữ hết 2 trang A4 như khi bạn làm với nguồn thích được. Dĩ nhiên, nếu bạn gồng mình lên thì bạn vẫn qua được 1 ngày, 2 ngày nhưng đến ngày thứ 3 bảo đảm bạn sẽ bị đuối.

Sau khoảng 2 tuần đến 1 tháng từ khi bắt đầu đọc, tốc độ của bạn sẽ được cải thiện rõ rệt. Bạn sẽ bớt tra từ điển đi đáng kể, nắm bắt ý nhanh hơn (do đã quen hơn với cách hành văn của tiếng Anh) và cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi nhìn thấy “cả đàn chữ” tiếng Anh.

Hãy tập trung vào nội dung mà bạn đang đọc. Đừng tập trung vào học tiếng Anh.

Chắc hẳn bạn đang không hiểu ý của câu “Đừng tập trung vào học tiếng Anh” là thế nào. Ý của tôi là trong khi đọc, bạn không nên và cũng không cần tìm hiểu, tra cứu tiếng Anh quá kỹ, cũng không nên ghi chú từ vựng cấu trúc gì cả.

Ví dụ như khi đọc câu “In December 2009, Hankyung departed from the group after filing a lawsuit against their agency S.M. Entertainment”, bạn không hiểu từ depart và cụm filing a lawsuit, thì bạn chỉ cần tra nhanh biết được depart là rời khỏi, to file a lawsuit là đệ đơn kiện (hay “kiện” cho ngắn gọn). Bạn có thể hiểu đại ý của câu đó là “… Hankyung rời nhóm [SJ] sau khi đệ đơn kiện…”. Như vậy là đủ.

Đừng lẩm nhẩm vài ba lần cho thuộc một từ.

Đừng tra cứu sâu xa quá. Như động từ to file còn các nghĩa khác như…, thường nằm trong cấu trúc như…, còn to depart có 2 giới từ đi cùng là depart for và depart from, danh từ của depart là departure, rồi nhắc đi nhắc lại cho nhớ.

Cũng đừng viết ghi chú (take note).

Nói chung là bạn đừng nghĩ rằng bạn đang học tiếng Anh, mục tiêu của bạn là đọc và hiểu nội dung tài liệu bạn đang đọc.

Bởi nếu kết hợp làm những việc trên, sự tập trung của bạn sẽ hướng vào việc “học tiếng Anh” chứ không phải việc bạn thích là “tìm hiểu về SJ” nữa. Và chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng việc học tiếng Anh, cũng giống như học Toán, học Lý,… vậy, chẳng có mấy hứng thú với bạn. Có thể 10 phút đầu bạn sẽ rất hưng phấn, chuẩn bị giấy bút sổ tay để ghi ngay vào khi gặp gì đó hay ho nhưng cảm giác đó chẳng kéo dài được bao lâu. Thành ra sau 10 phút đầu thì bạn sẽ lại thấy uể oải và ngán ngẩm chẳng khác gì khi đọc BBC.

Nếu bạn có thể vừa đọc vừa tra cứu, ghi chú liên tục trong 3-4 tiếng và vẫn thấy thoải mái thì hãy tiếp tục, vì có thể bạn là một trong số ít những người có tình yêu với ngoại ngữ.

Với tôi, tiếng Anh chỉ là một công cụ để phục vụ công việc và giải trí (việc cần và việc thích), đọc được những thứ cần và thích đọc, nghe được những thứ cần và thích nghe, thế là đủ.

Không nhất thiết phải dịch ra tiếng Việt mới gọi là hiểu

Trong khi đọc sẽ có những từ mà bạn nên hiểu và biết nó theo nghĩa tiếng Anh, không nhất thiết phải dịch ra tiếng Việt. Số lượng những từ kiểu đó trong quá trình đọc của bạn là không ít, nên nếu bỏ qua được thói quen “phải tra tiếng Việt”, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho mình.

Ví dụ như từ “stem cell”, bạn có thể đã bắt gặp từ này ở đâu đó. Đặt nó trong ngữ cảnh, bạn có thể hiểu đơn giản là “a biological (or medical) technology”. Vậy là đủ. Nếu bạn tra tiếng Việt, dịch từ đó ra là “công nghệ tế bào gốc” và nghĩ rằng phải dịch ra như thế mới gọi là hiểu, thì cuối cùng bạn cũng chỉ biết “stem cell” là “tế bào gốc”, “một công nghệ gì đó, liên quan tới y, sinh học”, không rõ ràng hơn “a biological, medical technology” là mấy. Vậy nên, trừ trường hợp bạn muốn tìm hiểu sâu về “stem cell” ở Việt Nam, muốn nghiên cứu xem công nghệ này ở nước ta phát triển như thế nào thì hãy dịch ra tiếng Việt để tra cứu Google. Còn nếu không, việc dịch ra tiếng Việt những từ như vậy cũng sẽ chỉ phí công vô ích, không cần thiết.

Học từ vựng không phải cách tốt để cải thiện Reading

Kiểu học từ vựng mà tôi nói ở đây là kiểu chọn đại ra trong từ điển 10 từ để học, đọc định nghĩa, xem ví dụ và nhẩm cho nhớ,…

Học từ vựng kiểu đó sẽ chẳng giúp được gì cho Reading của bạn cũng như những kỹ năng khác. Lý do đơn giản là vì bạn sẽ quên nó nhanh chóng.

Có thể chia từ vựng thành 2 loại: Loại bạn cần biết và loại bạn không cần biết.

Từ bạn cần biết là những từ thông dụng, được sử dụng rộng rãi (vậy nên bạn mới cần phải biết). Vì nó thông dụng nên trong khi đọc nguồn thích và cần bạn sẽ có cơ hội gặp nó thường xuyên. Bạn có thể tự động nhớ từ đó mà không cần phải học theo phương pháp trên.

Còn nếu từ đó là từ bạn không cần biết, cả năm chắc bạn chỉ gặp 1 lần hoặc không gặp (vì nó không thông dụng, hoặc do quá chuyên ngành). Dù có cố học nó theo phương pháp trên cũng chẳng có ích gì. Nhiều khả năng bạn sẽ cất nó đi và không bao giờ dùng đến hoặc nếu có dùng đến thì lúc đó bạn đã quên mất rồi.

Dù rơi vào trường hợp nào thì việc học từ vựng kiểu như ở trên cũng là không cần thiết. Trong phần sau, tôi sẽ nói kỹ hơn về cách học từ vựng mà không làm bạn tốn công vô ích.

3. Reading – Những điều bạn thắc mắc

Thắc mắc: Mình lườiii!!!

hoặc

Sao mỗi khi mình bắt tay vào học tiếng Anh thì lúc đầu thấy rất hưng phấn nhưng chỉ được một lúc sau mình đã thấy rất chán nản rồi?

Trả lời: Đó là do bạn sử dụng không đúng nguồn tiếng Anh. Nếu người khác nhìn thấy tôi tiếp xúc với tiếng Anh nguồn thích và cần chắc ai cũng sẽ bảo rằng tôi suốt ngày lướt web chơi không chứ chẳng học hành gì cả. Sử dụng nguồn thích và cần sẽ làm việc học cũng giống như chơi vậy. Khi đó bạn sẽ không thể chán hay lười được nữa, vì nói thế chẳng khác nào bảo “Chơi nhiều chán quá!”, “Lười chơi quá đi thôi!”

Thắc mắc: Mình đã làm theo hướng dẫn, đọc những nguồn thích nhưng vẫn bị hai triệu chứng trên.

Trả lời: Có ba trường hợp:

Một là bạn quá cứng nhắc trong việc đọc thứ mình thích. Bạn có thể thích một chủ đề nào đó nhưng không nhất thiết phải ép mình đọc mọi thứ về nó, bạn chỉ cần đọc những thứ mình thực sự thích và có hứng thú tìm hiểu thôi. Như ví dụ ở trên là tôi thích phim Secret Garden nhưng tôi không đọc hết các thông tin về phim đó, mà đọc lướt để chọn ra phần nào có hứng nhất. Còn nếu bạn quá cứng nhắc, ép mình đọc hết mọi thứ về chủ đề đã chọn thì chẳng khác gì đọc những nguồn mình không thích cả.

Hai là bạn không thực sự thích nguồn mình đã chọn. Hãy chọn một nguồn khác thích hợp hơn. Nếu bạn biết mình đam mê việc gì thì hãy thử khám phá, tìm hiểu về việc đó bằng tiếng Anh. Nếu bạn chưa rõ mình đam mê, thích gì thì cũng không sao, bạn chỉ cần để ý xem, hằng ngày bạn giải trí như thế nào, bạn thích lướt web để đọc gì, bây giờ hãy làm mọi việc đó bằng tiếng Anh là được.

Ba là do bạn tập trung vào tiếng Anh nhiều quá. Cách khắc phục như tôi đã nói ở trên, bạn đừng nghĩ là mình đang học tiếng Anh. Hãy tập trung vào việc đọc hiểu thứ bạn thích. Khi cần tra từ thì chỉ cần tra ngắn gọn, hiểu được nội dung và đừng cố lẩm nhẩm học thuộc và nhớ thêm các cấu trúc liên quan…

Thắc mắc: Đọc nhiều như vậy chi bằng đọc ít mà kỹ thì tốt hơn?

Trả lời: Đúng là với cách đọc của tôi, bạn sẽ phải đọc rất nhiều, nhưng với tâm lý thoải mái và muốn đọc, càng đọc bạn sẽ càng thích thú.

Còn đọc “ít mà kỹ” theo tôi hiểu là kiếm một bài viết rồi ngồi ngâm nga nghiên cứu, tra từng từ phân tích từng chữ, nhẩm cho thuộc. Đọc kiểu này là không cần thiết và có nhiều tác dụng phụ có hại.

Việc bạn tra từng từ rồi cố gắng nhớ là việc mất thời gian mà không cần thiết. Nếu đó là từ thông dụng cần nhớ thì khi đọc nhiều theo cách của tôi, nó sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn sẽ tự động nhớ từ đó. Còn nếu từ đó không thông dụng, cả năm chỉ gặp 1 lần thì việc bạn cố nhét nó vào đầu cũng không có ích lợi gì. Nhiều khả năng là chỉ một thời gian sau bạn sẽ quên vì hiếm khi gặp lại và hiếm có cơ hội sử dụng.

Kiểu đọc kỹ còn có tác dụng phụ là làm cho việc đọc trở nên nặng nề, mau chán và bạn không thể đọc lâu được (giống như tôi đã nói trong phần “Hãy tập trung vào nội dung đang đọc. Đừng tập trung vào học tiếng Anh”).

Thắc mắc: Làm sao để biết khi nào nên ngừng kiểu đọc tra từng chữ, khi nào có thể đọc nhanh?

Trả lời: Nguyên tắc là hãy cứ đọc nhanh nhất có thể. Nếu đọc nhanh quá khiến bạn không kiểm soát được nội dung thì bạn có thể điều chỉnh để đọc chậm lại. Thường thì mỗi nguồn tài liệu khác nhau bạn sẽ đọc với tốc độ khác nhau. Như với các trang wiki hay các trang tin trên mạng, bạn có thể đọc rất nhanh, còn khi đọc tài liệu khó như chuyên ngành hay những văn bản đặc biệt thì tốc độ có thể giảm xuống còn 1/2, 1/3.

Chỉ tra những từ mà bạn thích tra hoặc cần tra. Kiểu đọc tra từng chữ là do khi là người mới bắt đầu (beginner), phải tra từng chữ mới hiểu được người viết nói gì. Về sau này, dù vẫn có những từ không biết nhưng bạn có thể hiểu ý của câu văn và vô tư bỏ qua, hoặc tra vì thích thú và tò mò. Đừng ép mình phải tra hết từ mới vì mục đích học tiếng Anh.

Bình luận
Ads Footer