NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Chiến Lược IELTS 7.0

Chương 1. Ba Việc Bạn Cần Làm Để Lấy IELTS 7.0

Tác giả: Võ Trung Kiên
Thể loại: Học Ngoại Ngữ
Ads Top

Sau đây là một câu hỏi mà tôi rất hay nhận được từ khi bắt đầu công việc tư vấn học thi IELTS.

“Mình cần lấy IELTS… trong… tháng nhưng hiện tại vẫn không biết bắt đầu từ đâu, và cần chuẩn bị những gì?”

Cảm giác tự mò đường đi có thể là thú vị đối với một số người. Nhưng với tôi thì không hẳn.

Tôi thích những việc rõ ràng như muốn có A thì phải làm B, muốn môn toán đạt điểm cao, phải chịu khó làm bài tập, muốn văn không dưới trung bình, chịu khó đọc và tham khảo cách viết của người khác.

Vậy nên sau một thời gian “vật lộn” với IELTS, tôi rút ra được ba việc cần làm để đạt 7.0. Dù đó là ba việc gì thì theo tôi, việc quan trọng nhất vẫn là nâng cao khả năng Anh ngữ của bạn.

Bạn có thể nghĩ “Hiển nhiên rồi, khỏi nói mình cũng biết.” Tuy nhiên, tôi nói việc này mục đích chính là để nhắc bạn chuyện khác. Hiện giờ, có không ít người không chú ý nâng trình Anh ngữ mà lúc nào cũng chỉ muốn kiếm “tuyệt chiêu” làm bài để tăng band score nhanh chóng. Thực sự, tôi không biết có chiêu nào hiệu quả không.

Nhưng hãy thử nghĩ một chút. IELTS là một bài test được nghiên cứu kỹ lưỡng và được hàng trăm trường đại học trên thế giới tin dùng để đánh giá trình độ Anh ngữ của sinh viên. Nếu có một người trình độ chỉ đáng 6.0, sau khi dùng “tuyệt chiêu” có thể đạt đến 6.5, 7.0 thì bài test IELTS làm sao đủ uy tín để hàng trăm trường đại học chấp nhận.

Thời còn học IELTS, tôi có nghe một chiêu luyện viết mà nhiều bạn vẫn truyền cho nhau: Viết bài essay dựa trên một dàn bài có sẵn. Thường thì dàn ý đó đã có sẵn 100-150 từ, tùy vào đề thi Writing, chỉ cần điền thêm khoảng hơn 100 từ nữa là có bài essay hoàn chỉnh.

Tôi có học cùng một cậu bạn rất giỏi tiếng Anh. Nhưng không biết nghe ai nói, cậu ta cũng học theo kiểu sử dụng dàn bài này. Kết quả là thi Writing ra chỉ được có 6.0. Trong khi đó trình độ của cậu ấy khi thi bình thường chắc chắn đạt trên 7.0 một cách dễ dàng.

Hiện tại, không biết chiêu này còn được sử dụng hay không nhưng thời đó nó đã khiến nhiều người phải ngậm ngùi nhận điểm 6.0, thậm chí còn thấp hơn thế. Bởi vì, thí sinh có chiêu thì giám khảo IELTS cũng có chiêu để phát hiện ra các chiêu và đánh giá chính xác khả năng Anh ngữ của thí sinh.

Vậy nên bạn đừng dành nhiều thời gian để nâng cao trình độ của mình. Không nên dựa vào những chiêu mẹo, vì dù thế nào bạn cũng khó vượt qua được mắt giám khảo.

Ngoài ra, việc xác định thời gian thi giữa các lần cũng khá quan trọng. Nếu mục tiêu của bạn là IELTS 7.0, nhưng sau một thời gian ôn luyện, bạn chỉ đạt 6.5, thì bạn cũng không nên thi lại quá sớm. Cô bạn của tôi đã từng gặp phải cảnh: thi đi thi lại 7 lần nhưng lần nào cũng chỉ được 6.0. Không phải ai cũng gặp phải cảnh “giậm chân tại chỗ” này nhưng cũng không hề hiếm gặp.

Vậy nên trong trường hợp chỉ còn thiếu 0.5 điểm, bạn hãy nên dành tối thiểu 100 giờ học nữa trước khi đăng ký thi lại. Không nên có tâm lý cầu may, kiểu “biết đâu đúng thêm 2, 3 câu nữa là thêm được 0.5 điểm rồi”, vì may mắn không thể định lượng được, còn 100 giờ học thì hoàn toàn có thể.

Dĩ nhiên, mỗi người lại có những câu chuyện khác nhau, tùy trường hợp mà bạn có hướng xử lý linh hoạt nhất.

Việc nâng cao khả năng Anh ngữ là việc quan trọng nhất, nhưng không phải là việc duy nhất. Bởi vì ngay cả những nước nói tiếng Anh như Singapore, Malaysia thì điểm trung bình IELTS của họ cũng chỉ đạt khoảng 7.0 – 7.5, Mỹ vào khoảng 8.0 (Reading 8.0, Listening 7.6, Writing 7.7, Speaking 8.6). Hóa ra người bản xứ nói tiếng Anh trôi chảy nhưng không phải ai cũng lấy được band 9.0. Lý do là họ không làm được ba việc sau đây:

Việc thứ nhất – Biết ngữ pháp

Biết ngữ pháp phục vụ rất nhiều cho bạn trong phần Writing, đây cũng là một phần trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh.

Người bản xứ sử dụng tiếng Anh cũng giống như chúng ta sử dụng tiếng Việt, nghĩa là rất cảm tính, tự cảm thấy viết như vậy là đúng chứ không tư duy theo quy tắc. Vậy nên thỉnh thoảng họ sẽ mắc những nhầm lẫn trong chính tả (spelling) như “alright” thì họ viết thành “allright”, hay “receive” thì họ viết thành “recieve”.

Ví dụ về Grammar, nhiều người hay nhầm lẫn giữa past tense và present perfect tense. Thay vì hỏi “Have you heard from him today?” thì người ta lại thường nói “Did you hear from him today?”

Điều này cũng là dễ hiểu, bởi nếu có ai đó hỏi bạn về ngữ pháp tiếng Việt như “Bổ ngữ, định ngữ là gì?” chắc bạn sẽ rất lúng túng mới đưa ra được câu trả lời hoặc đành “bó tay”.

Tuy nhiên, thế mạnh của học sinh Việt Nam khi học Anh văn là học ngữ pháp rất mau. Do đó, tôi không nghĩ rằng đây là vấn đề lớn đối với bạn.

Việc thứ hai – Academic English

Yếu tố thứ hai – Những nguyên tắc trong văn phong tiếng Anh học thuật phục vụ phần Writing là chủ yếu, và một phần của Reading.

Điều này cũng tương tự như khi chúng ta học văn thời trung học, kiểu văn nghị luận có những yêu cầu về văn phong khác với văn tường thuật.

Để làm tốt bài thi IELTS, văn phong của bạn phải là Academic English – tiếng Anh học thuật.

Sau đây là những nguyên tắc của Academic English mà bạn cần biết và áp dụng trong IELTS Writing Essay Task 2 (Task 1 thì có thể không cần đảm bảo điều thứ 5):

1. Mỗi đoạn văn (paragraph) chỉ nói về một nội dung.

Nội dung này phải được thể hiện trong topic sentence (thường là câu đầu tiên). Ví dụ một đoạn văn có thể có cấu trúc như sau:

My mobile phone is very helpful (topic sentence). Benefit 1. Benefit 2. Benefit 3. (May have a concluding sentence here).

Thêm một lưu ý nữa là những ý triển khai trong đoạn văn phải được bao hàm trong topic sentence, không được nói ý không liên quan tới topic sentence. Như ở ví dụ trên thì ngoài ba câu nói về tiện ích thì chúng ta không được nói những câu không diễn đạt ý “helpful” của mobile phone, như: “It is quite annoying when the alarm goes off in the morning.”

Nếu muốn nói về ý đó thì ta nên để nó vào đoạn sau, nói về “what I don't like about my phone”.

2. Không được dùng personal pronouns

Như các từ chỉ cá nhân như I, You, We, Me, My, Your,…

Việc có được sử dụng từ “I” hay không đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Người bảo được người bảo không. Lúc mới vào đại học, tôi cũng đem vấn đề này ra hỏi các thầy cô trong trường, và họ trả lời thẳng là tuyệt đối không bao giờ được dùng các từ như I, You, My,… trong khi viết bài luận ở đại học. Thậm chí khi đề có hỏi “What do YOU think about…?” hay “to what extent do YOU agree or disagree with…” thì cũng không được sử dụng I, You trong bài viết.

Ngoài ra, theo cảm nhận của cá nhân tôi, việc tránh dùng những từ I, You, We, Me,… sẽ khiến bài viết của mình có vẻ khách quan hơn, có tính học thuật hơn một cách đáng kể.

Ví dụ dưới đây là một đoạn trong bài viết IELTS chủ đề “Lợi ích của Internet”:

Secondly, research becomes more comprehensive. For instance, I do not have to buy lots of reading materials to complete my research. Most of the needed information can be found if I have Internet access.

Để tránh dùng personal pronouns thì có thể sửa thành:

Secondly, research becomes more comprehensive. For instance, it is not necessary for students to buy reading materials to complete their researches. With internet access, most of the needed information can be found quite conveniently without any cost.

3. Không được viết tắt

It's -> It is

They're -> They are

don't -> do not

exam -> examination

4. Tránh dùng các từ Informal, thay bằng những từ Formal

Ví dụ như:

big -> large (chỉ khi tả đồ thị/mức độ, tả đồ vật thì có thể dùng big)

give someone a hand -> help, assist

a little bit -> slightly

a lot of/ lots of -> many/a large amount of (tùy danh từ đếm được hay không đếm được – countable hay uncountable)

5. Phải có mở bài, thân bài, kết bài

Điều này có lẽ đã quá hiển nhiên.

Việc thứ ba – Làm quen với IELTS để cải thiện kỹ năng làm bài

Người bản xứ thường là người rất chủ quan với kỳ thi IELTS. Ông bà ta có câu: “Trăm hay không bằng tay quen”. Vì thế, khi làm quen với IELTS, chúng ta sẽ rút ra được nhiều kỹ năng làm bài.

Phần Reading và Listening IELTS sẽ có một vài điểm rất khó chịu, nếu không có sự đề phòng trước, bạn rất dễ mắc sai sót.

Phần Listening có “thử thách” đánh vần một đoạn mã dài như HF98AJ, hay số điện thoại 10 con số 0414642853. Nhưng nếu không quen nghe, chúng ta sẽ dễ bỏ sót mất một ký tự, dẫn đến sai cả câu dù 9 ký tự còn lại đều nghe đúng hết. Có khi bạn bị đánh lừa vì người nói đổi ý trong đoạn hội thoại. Ban đầu nghe bạn tưởng là đáp án A, sau đó một lúc họ lại đổi ý thành đáp án B.

Vậy nên trước khi thi thì bạn nên làm tối thiểu là 2 cuốn đề Cambridge để làm quen với cách ra đề của IELTS nhé. Đây cũng là việc cuối cùng mà bạn cần làm trước khi thi IELTS để tối ưu hóa điểm số của mình.

Thêm một lưu ý nho nhỏ nữa, đó là bạn không nên nghĩ thẳng thắn quá như “IELTS là để đánh giá khả năng tiếng Anh thôi mà, trình độ có bao nhiêu thì đem ra thi bấy nhiêu, sao phải chuẩn bị/ôn luyện.” Tôi lưu ý việc này vì đã có không ít bạn gửi email đến cho tôi với nội dung tương tự như: “Mai/Tuần sau tớ thi rồi mà không biết nó thế nào, cậu cho tớ lời khuyên được không?”

Với thời gian quá ngắn ngủi như thế thì điều duy nhất bạn có thể làm là dành hết thời gian còn lại để tập trung cho việc thứ ba – tập làm đề mẫu, làm quen với dạng đề, dạng câu hỏi để có được điểm số tối ưu với trình độ sẵn có.

Còn nếu bạn còn hơn 1 tháng nữa mới tới kì thi IELTS thì bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho việc nâng cao trình độ, tập ghi nhớ và làm theo các nguyên tắc của Anh ngữ học thuật. Còn 2 tuần cuối thì bạn hãy bắt đầu luyện đề, làm được khoảng hơn 10 đề trong sách Cambridge là chuẩn.

Bình luận
Ads Footer