NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Quân Vương – Thuật trị nước

Chương 12: Những Hạng Cầm Quân Và Lính Đánh Thuê

Tác giả: Niccolo Machiavelli
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập
Ads Top

Ở những chương trên, tôi đã đặc biệt kê cứu tính chất của mỗi loại lãnh thổ, mà từ đầu tôi nêu lên. Tôi đã cố giảng giải được phần nào nguyên lý của những cuộc thịnh suy, cùng phơi bày mưu kế những kẻ tìm cách chiếm đoạt và gìn giữ đất đai. Đến đây, phải cứu xét thêm trên bình diện tổng quát, những nguy cơ gặp phải và các phương kế khả dĩ thi hành khi cần.

Như trên đã thường nói, đã là một vị Chúa công phải trị vì trên một nền tảng thật kiên cố, nếu không rất dễ đổ nhào. Những căn bản chính yếu cho bất cứ một chính quyền Quốc gia nào, mới cũ hay hỗn tạp, đều là: pháp luật hoàn mỹ, quân lực hùng mạnh. Ở đâu quân lực yếu hèn không thể có pháp luật hoàn hảo được. Và nếu đã có quân lực mạnh thì có thêm luật pháp tốt là một điều rất hợp lý.

Trong chương này, tôi xin để riêng vấn đề pháp luật, chỉ đề cập tới vấn đề quân lực. Một vị Chúa công muốn bảo toàn đất đai Vương quốc phải có một đạo quân hoặc từ nhân dân trong nước, hoặc thuê mướn ngoại nhân, hoặc chỉ là đoàn quân phụ vệ, hoặc đoàn quân ô hợp đủ các thứ trên. Đoàn quân thuê mướn ngoại nhân và đoàn quân phụ vệ không những chỉ là đám binh sĩ vô giá trị, mà còn có thể là mối hậu họa nguy hiểm nữa. Một nhà lãnh đạo đặt nền tảng chính quyền trên bọn quân thuê mướn chẳng bao giờ có địa vị vững mạnh được. Đám quân này luôn luôn chia rẽ nhau, nhiều dục vọng, vô kỷ luật, kém lòng trung thành, anh hùng rơm lúc ở nhà, ra mặt trận là một lũ hèn nhát trước quân thù. Đối với Thượng đế, họ là lũ bất kính, đối với người, họ là bọn vô lương. Tuy là Chúa, ta cũng chẳng trì hoãn được vận suy đến, hay quân thù khởi cuộc tấn công. Bọn quân này thời bình đang tay phá hại tiền tài của Chúa, gặp thời chiến chúng sẽ không ngăn được kẻ thù tới cướp phá. Sở dĩ có tình trạng này, là vì chúng nào có tình nghĩa, hy vọng gì ở tương lai, với đồng lương ít ỏi của Chúa ban cho để gắn mình vào vị trí hiện tại. Như thế có đủ cho chúng hy sinh tính mạng cho Chúa không? Chúng chỉ sống dưới trướng của Chúa những lúc không có chiến tranh. Một khi chiến tranh bùng nổ, chúng lại muốn trốn tránh hay đào ngũ. Sự kiện này rất dễ hiểu, cứ lấy hiện trạng suy sụp nước Ý làm tỉ dụ. Trong một thời gian quá dài, các chính quyền đã ỷ lại vào lực lượng đội quân đánh thuê. Trong thời gian đó cũng có lúc chúng lập được một vài chiến công nho nhỏ trong nội bộ. Đến khi có quân ngoại xâm tấn công, chúng lộ nguyên chân tướng. Thế nên, Vua Charles nước Pháp khi tiến đánh nước Ý, chỉ mang theo một đoàn chiến sĩ thư sinh cũng đủ chiến thắng. Có người cho rằng người Ý mất nước vì họ có quá nhiều tội lỗi. Nhưng đó không phải là những tội mà họ nghĩ (lỗi đối với Thiên Chúa) mà là những lỗi lầm đã kể ở trên. Tóm lại tất cả tội lỗi đều do các vị Chúa công kế tiếp gây nên, rồi cũng chính các vị ấy gánh chịu, tất cả những hậu quả đớn đau hơn hết.

Thâm ý tôi là muốn trình bày cặn kẽ tất cả những tai họa do sự dùng loại binh sĩ này. Các cấp sĩ quan chỉ huy bọn quân đánh mướn này cũng có người có tài về binh pháp, cũng có hạng rất kém. Nếu họ có tài, ta lại càng không nên tin cậy bởi vì họ luôn luôn cố gắng gây uy thế cá nhân. Như thế họ đã hại ta, tuy chính ta là chủ họ, hoặc họ tự ý gây hấn tiêu diệt những kẻ khác không theo ý muốn của ta. Nếu họ vô tài, uy thế ta lại càng suy sụp nhanh hơn. Nói như thế, tất có người hỏi rằng, vị chỉ huy một binh lực thuê mướn hay chánh quy nào mà chả xử trí như vậy? Tôi sẽ trả lời: Phàm cuộc chiến tranh nào cũng do Vua Chúa trị vì trên một Vương quốc hoặc do Chính phủ cai trị một nước Cộng hòa chủ trương. Nếu là Vương quốc thì chính Chúa công phải đích thân ra mặt trận chỉ huy quân sĩ. Nếu là nước Cộng hòa, Chính phủ sẽ cử một công dân ra giữ trách nhiệm điều khiển chiến sự. Người này không đủ tài ba thì thay thế người khác. Nếu người giữ trọng trách chỉ huy có đủ tài năng can trường, chỉ việc kiềm chế họ trong vòng luật pháp là họ không dám hành động trái đường lối do Chính phủ vạch ra. Kinh nghiệm lịch sử cho ta thấy, chỉ có các Vương quốc hay Cộng hòa Dân quốc có chiến thuật đào luyện quân lực sẵn sàng mới hoàn tất được mỹ mãn những việc lớn. Còn bọn quân đánh thuê chỉ luôn luôn gây thêm đau khổ và thiệt hại. Hơn nữa, một Dân quốc có quân lực của chính mình, sẽ khó bị rơi vào vòng kiềm tỏa độc tài của một công dân hơn là Dân quốc đó có một đoàn quân đánh thuê.

La Mã và Sparte, trong một thời gian dài có quân lực mạnh mẽ và đã giữ được tự do. Dân Thụy Sĩ có quân đội rất hùng cường và họ rất được tự do. Trong những thí dụ lịch sử về những đoàn quân đánh thuê, ta được thấy trường hợp người Carthaginois suýt nữa thì bị đoàn quân đánh mướn của họ tiêu diệt, sau khi chấm dứt trận chiến đấu tiên với người La Mã, dù đoàn quân đó do một vị Tướng Carthaginois chỉ huy. Sau cái chết của Epaminondas dân Thébains đưa Philippe xứ Macédoine lên ngôi Tướng soái thống lãnh quân lực của dân tộc này. Sau khi chiến thắng, ông tước luôn nền tự do của dân Thébains. Tại Milan, sau cái chết của Công tước trị vì, dân chúng thuê Francois Sforza cầm đầu quân lính chống lại người Vénitiens. Vị Tướng này, sau khi chiến thắng kẻ thù tại Caravage, quay lại áp chế chính những chủ cũ của mình. Cha của ông, lúc còn trông coi quân đội phục vụ Nữ hoàng Jeane xứ Naples, đã để quân lực suy sụp quá độ, đến nỗi Nữ hoàng phải cầu cứu đến Vua xứ Aragon để khỏi mất nước. Con dân Vénitiens và Florentins, trong quá khứ đã bành trướng lãnh thổ với những đoàn quân loại đó. Nhưng các vị Tướng thống lãnh quân lực của họ, tuy đã chiến thắng rất nhiều trận, vẫn không lợi dụng địa vị để bước lên ngôi Chúa công. Được như vậy là vì số mệnh đã ưu đãi dân Florentins. Các Tướng soái có tài do họ bầu lên thống lĩnh quân đội, những người có thể tước đoạt nền tự do của dân chúng này, lại không làm được việc đó; hoặc vì họ thất trận, hoặc bị ngăn trở, hoặc tham vọng của họ nhầm chỗ khác. Trong số những kẻ lỡ bị thất trận, có Jean Aucut. Một người đã nói riêng cho tôi biết, nên không bị thất trận, toàn dân Florentins đã bị ông thống trị rồi. Còn Tướng Sforza (cha) lại bị ngăn cản bởi đoàn quân của Braccio luôn luôn chống đối lại ông. Khi Francois Sjorza lên nắm quân đội, ông chuyển tham vọng của mình sang xứ Lombardie. Lúc đó, Braccio đang chống lại Giáo hội và Vương quốc Naples.

Bây giờ ta hãy trở lại những chuyện xảy ra gần đây. Dân Florentins đưa Paul Vitelli lên làm Thống soái. Ông này là một người rất khôn ngoan. Từ một địa vị thấp hèn, dần dần ông đã gây được niềm tin với tất cả mọi người. Nếu đánh thắng được thành Pise, mọi người đều nghĩ rằng dân Florentins bắt buộc phải thần phục ông. Vì, nếu ông trở mặt đầu quân cho địch, họ sẽ bị ở trong tình trạng tuyệt vọng. Còn nếu tiếp tục giữ ông lại, họ bắt buộc phải tuân lệnh ông. Về dân Vénitiens, xét kỹ tiến trình của họ, ta thấy họ chiến đấu một cách anh dũng và khôn khéo, và thường đoạt được chiến thắng, khi chính họ, những nhà quý tộc dẫn đầu, dân chúng theo sau, cùng xông ra trận. Nhưng đến khi chuyển hướng chính trị và bắt đầu tìm cách bành trướng lãnh thổ vào nội địa, họ lại bắt chước thói xấu của các Vương thổ khác trên đất Ý là thuê lính đánh mướn. Trong những bước đầu của cuộc bành trướng trên bộ đó, vì đất đai chưa được rộng lớn lắm và tiếng tăm còn quá lớn lao nên họ không sợ bị Tướng lãnh, Quản quân phản lại. Nhưng đến khi bờ cõi được mở mang rộng rãi nhờ Carmignola, họ bắt đầu thấy đã chọn lầm đường. Sau khi ông này đánh bại được Công tước Milan, họ nhận thấy ông ta khôn khéo và can đảm, nhưng lại không hăng hái lắm khi ra trận. Họ nghĩ ông ta không thể đem thêm chiến thắng cho họ nữa, vì ông ta không hề muốn thế. Họ lại không thể tước chức của ông vì như thế có thể họ sẽ mất hết những đất đai vừa chiếm được. Cuối cùng họ bắt buộc phải hạ sát ông. Sau đó, lần lượt đưa lên thống lãnh quân lực là những Tướng: Barthélemy de Bergame, Robert de San Severino, Bá tước Pitigliano và nhiều người khác nữa. Những người này chỉ có thể làm mất đi đất đai chứ khó lòng lấy thêm được mảnh nào. Và tại Vaila, thảm bại đã đến. Chỉ trong một ngày, dân Véniliens mất hết tất cả những gì họ gom góp, thu lượm được một cách khó nhọc trong tám trăm năm.

Tóm lại, dùng những đoàn quân loại này, đôi khi cũng thu được chút ít thắng lợi nhỏ, một cách vô cùng chậm chạp, Nhưng đến khi thất bại, sự suy sụp đến rất nhanh chóng và tai hại vô cùng.

Qua mấy thí dụ trên, ta thấy nước Ý đã lâu năm được cai trị dựa trên lực lượng của những đạo quân thuê mướn. Tôi muốn trình bày cặn kẽ tình trạng đạo quân ấy từ trên xuống dưới, từ lúc phát khởi đến suốt thời gian bành trướng, để cùng tìm phương cách đối phó.

Như ai cũng biết, từ khi thế lực Đế quốc La Mã (Empire Romain Gennanique) bị đánh bại khỏi đất Ý uy quyền Đức Giáo hoàng lên mạnh. Toàn cõi nước Ý được chia nhiều Tiểu quốc. Ở đa số các Đô thị lớn, nhân dân cầm súng nổi dậy đánh đuổi những kẻ có tước vị quyền quý. Bọn này trước kia đã dựa vào thế lực của Hoàng đế uy hiếp đè nén dân chúng. Giáo hội đã ngầm ủng hộ những cuộc dấy loạn này, với mục đích gây thêm thế lực của Tòa Thánh. Nhiều nơi nhân dân tự lập vùng tự trị.

Đến một lúc, nền thống trị toàn cõi nước Ý nằm trọn trong tay Tòa Thánh và một vài Cộng hòa nhỏ. Nhưng các tu sĩ và kẻ thường dân được bầu lên nắm chính quyền không thông thuộc binh pháp, nên việc đầu tiên là tìm mướn người ngoại bang làm lính.

Người đầu tiên trong bọn Tướng đánh thuê đã gây được tiếng tăm là Alberigo de Como xứ Romagne, sau đó là Braccio và Sforza v.v… Suốt một thời gian dài, các Tướng này đã tung hoành làm mưa làm gió trên toàn cõi đất nước Ý. Từ thời đó đến ngày nay còn nhiều vị Tướng khác tiếp tục xử dụng và chỉ huy những đạo quân loại ấy. Kết quả của những cuộc múa may đẹp mắt do bọn này biểu diễn trong bao năm, là đất đai nước Ý đã liên hồi bị Vua Charles (Pháp) kéo quân tràn ngập tứ phương, Vua Louis (Pháp) cướp phá, Vua Ferdinand (Y Pha Nho) giày xéo, quân đội Thụy Sĩ làm nhục nhã Quốc gia. Bọn chỉ huy đoàn quân đánh thuê trước hết muốn gây uy danh cho mình nên cố tình làm giảm uy danh của đoàn bộ binh, vì đoàn này toàn là hạng người vô Tổ quốc, sống về kỹ nghệ đánh giặc mướn. Họ không đủ sức tạo lập uy thế và cũng không đủ năng lực tự cung phụng nên đã tự thu gọn thành một đoàn kỵ binh với một số quân ít hơn, để được phần dung dưỡng và tạo thêm oai phong. Thế cho nên trong một trại lính có hai chục ngàn người, ta chỉ thấy có hai ngàn bộ binh còn toàn là kỵ binh. Họ còn khôn khéo dung dưỡng nhau trong tinh thần bạc nhược, lười biếng, hèn nhát. Khi xuất trận, họ không có chí quyết tử nên bị kẻ địch bắt làm tù binh rất dễ. Đêm đến, không bao giờ họ dám mở cuộc tấn công. Nếu trận tuyến ngoài thì không dám đánh vào thành nếu ở trong thành thì không dám đánh ra. Chung quanh đồn trại, không bao giờ họ đào hào đắp lũy. Gặp tuyết rét mùa đông, không bao giờ thèm đi tuần tiểu ngoài đồng ruộng. Tất cả điều trên đều phù hợp với mớ quân luật mà họ đã tự đặt ra, cốt để tránh những công tác nặng nhọc và nguy hiểm. Đó là tất cả những duyên cớ làm cho nước Ý trở nên hèn yếu và nhục nhã.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer