NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Dạy con làm giàu – Tập 1

Chương 10: Vẫn Còn Muốn Nhiều Hơn? Đây Là Một Số Việc Phải Làm

Tác giả: Robert Kiyosaki - Sharon Lechter
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Ads Top

Nhiều người không thỏa mãn với 10 bước trên của tôi. Họ thấy chúng có vẻ triết lý hơn là hành động. Tôi nghĩ rằng hiểu được triết lý cũng quan trọng như hành động vậy. Có nhiều người muốn làm mà không suy nghĩ và có những người chỉ muốn nghĩ mà không muốn làm.

Vì vậy với những người “muốn làm” những gì bắt đầu, tôi xin chia sẻ với bạn một số điều tôi đã làm dưới dạng tóm tắt: Hãy ngừng làm những gì bạn đang làm. Nói cách khác, hãy nghỉ tay một chút và suy nghĩ xem cái gì tiến triển còn cái gì không tiến triển. Một định nghĩa của sự điên rồ là làm cùng một việc nhưng lại mong có được một kết quả khác.

Hãy ngưng những gì không tiến triển và tìm xem có gì mới để làm không. Hãy tìm kiếm những ý tưởng mới. Để có những ý tưởng đầu tư, tôi đi đến nhà sách và tìm những cuốn sách nói về các chủ đề khác nhau. Tôi gọi chúng là các công thức. Tôi mua những cuốn sách “làm thế nào để…” nói về những công thức mà tôi không biết gì về chúng cả. Ví dụ như trong hiệu sách, tôi tìm thấy cuốn “16 giải pháp phần trăm” của Joel Moskowitz. Tôi mua cuốn sách và đem về đọc.

HÀNH ĐỘNG!

Ngày kế tiếp, tôi làm theo chính xác những gì cuốn sách đã nói. Từng bước một. Tôi tìm những mối hời bất động sản trong văn phòng luật sư và ngân hàng. Hầu hết mọi người không bắt tay vào hành động, hoặc họ mải nghe theo những điều người khác bàn tán về công thức mới mà họ đang nghiên cứu. Người hàng xóm của tôi cho tôi biết những lý do tại sao “giải pháp 16%” sẽ không tiến triển. Tôi không nghe anh ta vì anh ta chưa bao giờ làm điều đó cả.

Hãy tìm một người đã từng làm những gì bạn muốn làm. Rủ họ đi ăn trưa. Hỏi họ những mẹo nhỏ, những kỹ xảo trong kinh doanh. Về tờ chứng nhận thuế bảo đảm 16%, tôi đã đến sở thuế trong tỉnh và tìm một nhân viên làm việc ở đó. Tôi thấy cô ấy cũng đang đầu tư vào thuế bảo đảm. Ngay lập tức tôi mời cô đi ăn trưa. Cô ấy vui vẻ nói mọi thứ cô biết và phải làm điều đó như thế nào. Sau bữa trưa, cô đã dành suốt buổi chiều dể chỉ vẽ cho tôi. Ngày hôm sau, nhờ sự giúp đỡ của cô mà tôi tìm được hai tài sản lớn và bắt đầu tích lũy được 16% lợi nhuận kể từ đó. Chỉ mất một ngày để đọc sách, một ngày để bắt tay vào việc, 1 giờ ăn trưa và 1 ngày để kiếm được 2 vụ giao dịch lớn.

Hãy đến lớp học. Tôi tìm trong báo thông tin về những lớp học mới mà mình quan tâm. Nhiều lớp không phải mất tiền hay chỉ phải tốn một chi phí nhỏ. Tôi cũng tham gia và trả chi phí cho những hội nghị chuyên dề lớn về những điều mình muốn học. Tôi giàu có và không phải làm việc vất vả, đơn giản là nhờ những khóa học này. Có nhiều người bạn không tham gia học, họ bảo tôi lãng phí tiền bạc, song họ vẫn đang phải nai lưng ra làm việc.

Hãy ra giá. Khi muốn có một mảnh bất động sản, tôi xem xét nhiều tài sản và viết vài dòng ra giá. Nếu bạn không biết một cái giá “hợp lý” là gì thì tôi cũng không biết. Đó là công việc của những nhân viên bất động sản thực sự. Họ đưa ra cái giá. Tôi chỉ phải làm càng ít việc càng tốt.

Một người bạn muốn tôi chỉ cho cô ấy cách mua nhà. Vào ngày thứ Bảy, cô ấy và một nhân viên cùng tôi đi xem xét 6 căn hộ. Bốn căn rất tệ hại, nhưng hai căn còn lại thì khá tốt. Tôi bảo cô ấy hãy ra giá cho cá 6 căn, nhưng chỉ đưa ra nửa giá tiền người chủ nhà đòi hỏi mà thôi. Cô gái và người nhân viên suýt nữa lên cơn đau tim. Họ nghĩ như thế thật khiếm nhã và xúc phạm người bán, nhưng tôi cho rằng thực sự là anh chàng nhân viên kia không muốn phải làm việc vất vả quá. Vì vậy họ không làm gì cả và tiếp tục đi tìm một vụ giao dịch khác tốt hơn.

Không có chuyện ra giá gì hết, và cô bạn của tôi vẫn còn đang tìm kiếm một vụ giao dịch đúng đắn, với một cái giá hợp lý. Như thế bạn sẽ không biết giá hợp lý là bao nhiêu cho đến khi bên kia muốn giao dịch với bạn. Hầu hết những người bán hàng đều ra giá cao. Rất hiếm khi một  người bán hàng đòi cái giá thấp hơn giá trị thực của nó.

Bài học rút ra từ câu chuyện này: Hãy ra giá. Ai không phải là một nhà đầu tư thường không biết cái cảm giác khi bán một thứ gì đó như thế nào. Tôi có một mảnh bất động sản mà tôi muốn bán hàng tháng nay, và tôi sẽ không quan tâm đến đến việc cái giá thấp đến mức nào. Người ta có thể ra giá bằng 10 con lợn và tôi cũng rất hài lòng. Không phải là vì cái giá mà là vì có người quan tâm đến nó. Có thể tôi sẽ phản đối nếu phải trao đổi với một nông trại chăn lợn. Nhưng trò chơi này hoạt động như thế đó. Trò chơi mua bán này rất vui thú. Hãy nhớ điều đó. Nó rất vui thú và nó chỉ là một trò chơi thôi. Hãy ra giá và sẽ có ai đó trả lời: “Được thôi.”

Và tôi luôn chào giá với một ước khoản giải thoát. Trong bất động sản, tôi dùng những từ như “với sự đồng ý của cộng sự kinh doanh.” Tôi không bao giờ nói rõ cộng sự kinh doanh của tôi là ai. Hầu hết mọi người không biết rằng cộng sự kinh doanh của tôi chính là con mèo trong nhà. Nếu họ chấp nhận cái giá mà tôi lại không muốn vụ gia dịch này nữa, tôi sẽ gọi điện về nhà nói chuyện với con mèo của mình. Tôi nói những điều ngớ ngẩn như thế để bạn thấy rằng trò chơi này dễ dàng và đơn giản đến mức vớ vẩn. Rất nhiều người làm cho mọi chuyện phức tạp lên và khiến chúng trở nên nghiêm trọng quá mức.

Tìm một vụ gia dịch có lợi, một việc kinh doanh đúng đắn, những con người thích hợp, những nhà đầu tư tốt hay bất cứ cái gì cũng đều như một cuộc hẹn. Bạn phải tiếp cận thị trường, nói chuyện với nhiều người, trả giá nhiều, thương lượng, phản đối và chấp nhận. Tôi biết có những người chỉ ngồi nhà chờ điện thoại reo, nhưng trừ phi bạn là Cindy Crawford hay Tom Cruise, nếu không tốt nhất là bạn nên đi ra chợ, hoặc ra siêu thị. Tìm kiếm ra giá, phản đối, thương lượng rồi chấp nhận là toàn bộ quá trình diễn biến của gần như mọi việc trên đời.

Hãy chạy bộ, đi bộ hay lái xe đến một vùng nào đó trong khoảng mười phút, cứ một tháng một lần. Tôi đã tìm được một số vụ đầu tư bất động sản tốt nhất khi đang chạy bộ. Cứ một năm tôi lại đến chạy bộ ở một vùng lân cận nhất định. Tôi tìm những thay đổi. Để có lợi nhuận trong một vụ giao dịch cần phải có hai yếu tố: một giá hời và sự thay đổi. Những món hời thì rất nhiều, nhưng chính sự thay đổi mới biến một món hời thành cơ hội đem đến lợi nhuận. Vì vậy mà khi chạy bộ, tôi chạy đến những nơi tôi muốn đầu tư. Sự lặp đi lặp lại này giúp tôi thấy được những thay đổi từ từ. Tôi thấy những tấm bảng bất động sản nằm đó trong một thời gian dài. Như vậy có nghĩa là người bán hàng sẽ dễ đồng ý bán ngôi nhà hơn. Tôi nhìn những chiếc xe chạy ra chạy vào. Tôi đứng lại nói chuyện với tài xế. Tôi tán gẫu với những người phát thư. Những người này có một lượng thông tin rất đáng ngạc nhiên về khu vực ấy.

Tôi tìm đến một khu vực tệ hại, nhất là những nơi mà tin đồn về chúng làm cho người ta sợ hãi tránh xa. Tôi lái xe qua đó vài lần một năm, chờ đợi những dấu hiệu thay đổi tốt. Tôi nói chuyện với những người bán lẻ, nhất là những người mới, và tìm hiểu tại sao họ lại chuyển đến đây. Việc này chỉ mất vài phút trong một tháng và tôi làm chuyện này trong khi đang làm những chuyện khác, ví dụ như tập thể dục hay đi mua sắm chẳng hạn.

Với chứng khoán, tôi thích cuốn sách “Đánh bại hàng phố” của Peter Lynch, nói về công thức thu thập các cổ phần đang tăng giá trị. Tôi thấy mọi quy luật tìm kiếm những thứ có giá trị đều như nhau, bất kể là bất động sản, cổ phần, quỹ công trái chung, những công ty mới hay một vật nuôi mới, một ngôi nhà mới, một người hôn phối mới, hoặc một cơ hội tốt để mua bột giặt…

Quá trình thì luôn giống nhau, bạn phải biết bạn đang tìm kiếm cái gì và khi đó hãy lên đường tìm kiếm nó!

Tại sao những người tiêu dùng luôn bị nghèo? Khi một siêu thị bán giảm giá, ví dụ như giấy vệ sinh chống hạn, thì khách hàng ùa đến mua về tích trữ. Khi thị trường chứng khoán bán hạ giá thì hầu hết lại xem đó là một sự suy sụp hay sai lầm và khách hàng bỏ đi. Khi siêu thị tăng giá, khách hàng đi mua đồ ở chỗ khác. Và khi thị trường chứng khoán tăng giá thì khách hàng lại đổ xô vào mua.

Hãy nhìn cho đúng chỗ. Một người hàng xóm của tôi mua một ngôi nhà với giá 100.000 $. Tôi mua một ngôi nhà tương tự kế bên với giá 50.000 $. Ông ta nói ông đang chờ cho cái giá tăng lên. Tôi bảo ông rằng lợi nhuận được làm ra khi bạn mua chứ không phải lúc bạn bán. Ông ta đi mua nhà với một người môi giới bất động sản không có một tài sản riêng nào cả. Tôi đi mua tại một văn phòng tịch thu tài sản thế nợ ở ngân hàng. Tôi đã trả 500 $ để tham dự một khóa học về vấn đề này. Ông hàng xóm nghĩ rằng 500 $ cho một lớp học đầu tư bất động sản là quá đắt. Ông nói ông không có dư tiền và cũng không có nhiều thời gian. Vì vậy mà ông phải ngồi chờ cho đến khi giá nhà tăng lên…

Còn tôi, đầu tiên tôi tìm người muốn mua, sau đó mới tìm người muốn bán. Một người bạn của tôi đang tìm một miếng đất. Anh ta có tiền và không muốn lãng phí thời gian. Tôi tìm được một miếng đất hơi rộng hơn miếng đất mà anh ấy muốn mua giữ nó lại bằng quyền mua bán cổ phần, gọi điện cho anh bạn tôi và anh ta đồng ý mua một phần của nó. Vì thế tôi bán nó cho anh ta rồi mới mua mảnh đất. Tôi giữ phần đất còn lại làm của mình mà không phải mất thêm đồng nào cả. Bài học rút ra từ câu chuyện này: Hãy mua một cái bánh và cắt làm nhiều phần. Hầu hết mọi người đều tìm kiếm những gì họ có thể mua được, vì thế mà tầm nhìn của họ quá hẹp. Những người suy nghĩ hẹp không có những dịp may lớn. Nếu bạn muốn giàu hơn thì việc đầu tiên là phải nghĩ xa hơn.

Những người bán lẻ thích giảm giá cho người mua số lượng nhiều đơn giản vì hầu hết các nhà kinh doanh đều thích những người chi tiêu lớn. Vì vậy thậm chí nếu bạn quá nhỏ, bạn vẫn có thể suy nghĩ lớn được. Khi công ty tôi gia nhập thị trường máy tính, tôi gọi điện cho vài người bạn và hỏi họ có muốn mua với tôi không. Sau đó chúng tôi đến gặp các nhà buôn và thỏa thuận một vụ giao dịch lớn vì chúng tôi muốn mua nhiều. Với các cổ phần cũng vậy thôi. Những người bé nhỏ thì mãi mãi bé nhỏ vì họ suy nghĩ quá hẹp, làm việc một mình hoặc không hễ làm gì cả.

Hãy học từ lịch sử. Tất cả những công ty lớn trong sở giao dịch chứng khoán đều bắt đầu từ những công ty nhỏ. Mãi đến những năm 60 tuổi đại tá Sander mới làm giàu được. Nhưng Bill Gates lại là một trong những người giàu nhất thế giới khi chưa đến tuổi 30.

Hoạt động luôn chiến thắng sự không hoạt động.

Với tôi, những từ ngữ quan trọng là “được làm” và “làm”. Như tôi đã nói nhiều lần trong cuốn sách này, bạn phải bắt tay vào việc thì bạn mới nhận được một phần thưởng tài chính xứng đáng. Hãy hành động ngay bây giừ đi!

Bình luận
Ads Footer