Lỗ Túc ra sức khuyên Lưu Bị chuyển sang hướng đông nam, liên hợp với Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống lại quân Tào.
Lưu Bị sau khi thương nghị với Gia Cát Lượng cũng quyết định dứt khóat.
Phái Gia Cát Lượng theo Lỗ Túc đến Sài Tang yết kiến Tôn Quyền.
Tìm cơ hội hợp tác đôi bên.
1. Chính quyền họ Lưu, một họ lớn thời Tam Quốc. Chính quyền họ Tôn chiếm cứ Giang Đông, nghe nói là hậu duệ của Tôn Vũ, người đã viết binh pháp Tôn Tử.
Người sáng nghiệp là Tôn Kiên, phụ thân của lãnh chúa Tôn Quyền. Tôn Kiên là người Ngô Quận (nay thuộc Triết Giang), trong cuốn Biên niên sử “Tư trị thông giám” có chép, Tôn Kiên đã nổi tiếng từ năm Hỷ Bình thứ 3 đời Hán Ninh đế, trong những quần hùng đời Tam Quốc, kể thứ tự gần như Viên Thiệu, so với Tào Tháo thì sớm hơn mười năm (theo Tư trị thông giám, Tào Tháo nổi tiếng vào năm Quang Hòa thứ 7 nhờ đánh dẹp quân Hoàng Cân).
Tôn Kiên tên chữ là Văn Đài, khi trẻ tuổi đã có biểu hiện lanh lợi vả vũ dũng. Năm mười bảy tuổi, có lần theo cha đến Tiền Đường, gặp ngay phải hải tặc Hồ Ngọc đang cướp bóc của cải công khai ở trên bờ sông, kẻ qua đường và thuyền bè đều không dám lại gần, Tôn Kiên nói với người cha rằng: “Bọn cướp này, có thể đánh được, xin được phép trừng phạt nó”. Không nghe người cha khuyên can, Tôn Kiên một đao nhảy lên bờ, với tay chỉ huy lung tung làm như có nhiều người đi theo. Bọn cướp biển thấy thế tưởng là có quan binh kéo đến, vứt cả của cải lại mà chạy bộ, Tôn Kiên đuổi theo, giết được một tên trong bọn thu lại được hết tài sản, bởi thế tiếng tăm lừng lẫy, quan phủ gọi ra cho làm Giá vệ.
Năm Hỷ Bình thứ 2, Hứa Xương ở quận Cối Kê làm phản tự xưng là Dương Minh hoàng đế, có mấy mươi vạn binh mã, Thứ sử Dương Châu là Tang Mân đã đến đánh dẹp, song lại bị thua. Năm sau Tôn Kiên chủ động tập hợp một đội quân hương dũng, được mấy nghìn người, tăng viện cho Tang Mân. Bởi Tôn Kiên chiến đấu dũng mãnh không ai bằng, mấy lần đại phá quân giặc, không lâu dẹp được loạn Cối Kê, triều đình ban thưởng cho làm quan địa phương.
Khi Hoàng Cân khởi nghĩa Tôn Kiên chiêu mộ nghĩa binh ở Hạ Phì được mấy nghìn người, bèn gia nhập đạo quân của Chu Tuấn, bằng công lao giành được chức quan Biệt bộ tư mã, đấy là chức quan đáng kể đầu tiên của Tôn Kiên.
Năm Trung Bình thứ 3, Khu Tinh người Trường Sa tự xưng là tướng quân, khởi nghĩa với hơn một vạn binh mã, triều đình lệnh cho Tôn Kiên làm Thái thú Trường Sa, dẫn quân hỏi tội Khu Tinh, sau đó ông được phong làm Ô Trình Hầu; Tôn Kiên bởi thế mà có đạo quân riêng của mình. Khi Đổng Trác làm loạn, Tôn Kiên dẫn đạo quân của mình, từ Trường Sa đánh vào Tương Dương, lại tiến lên quận Nam Dương của Dự Châu. Ông ta chém chết Trương Tư, Thái thú Nam Dương đã không cung ứng lương thực cho quân cần vương, đến hội quân với Viên Thuật ở Lỗ Dương. Tôn Kiên đoạt được Nam Dương quận, tặng cho Viên Thuật, cho nên Viên Thuật bèn xin triều đình phong Tôn Kiên làm Phá Lỗ tướng quân bổ nhiệm chức Thứ sử Dự Châu (Dự Châu do quân đoàn nhỏ chiếm đóng, chức Thứ sử ở đấy chẳng có ý nghĩa gì, bởi thế đã có nhiều người lấy đó làm một chức vị không đâu tặng lẫn cho nhau).
Trong quân đoàn Quan Đông, người tích cực hành động nhất trong việc đánh dẹp Đổng Thừa, ngoài Tào Tháo ra, chính là Tôn Kiên. Xét về công lao cụ thể, Tôn Kiên còn hơn cả Tào Tháo. Ông ta không những đánh thắng đại tướng tiên phong Từ Vinh của Đổng Trác mà trong chiến dịch tây tiến, lại một mình chém chết vô địch tướng quân Hoa Hùng, đến cả chiến tướng Lã Bố cũng chịu thua, khiến chính quyền Đổng Trác bị chao đảo.
Tháng 12 năm Sơ Bình Nguyên Niên, Tôn Kiên và thủ lĩnh các đội quân, cùng uống rượu trong doanh trại phía đông thành Lỗ Dương. Đột nhiên được tin báo mấy vạn kỵ binh và bộ binh của Đổng Trác, sẽ đánh Lỗ Dương. Tôn Kiên chẳng chút vội vàng, vẫn ngồi nguyên tại chỗ, chỉ huy bố phòng của quân sĩ. Sau khi mọi người đã vào vị trí chiến đấu, Tôn Kiên mới đứng dậy, dẫn những người thân tín nhất vào thành, thảo luận việc tác chiến. Thuộc hạ thấy ông ta trong lúc nguy cấp như thế, vẫn cười nói mà chỉ huy, chẳng thể không khâm phục.
Tôn Kiên lại cười mà nói rằng: “Ta đâu phải không khẩn trương, chẳng qua là nếu ta đứng lên đi khỏi chỗ ấy, ắt sẽ dẫn theo việc các binh sĩ vội vàng rút lui, như vậy sẽ tranh giành lẫn nhau, có thể bởi thế mà rối loạn, chư vị chẳng thể về lại được trong thành”.
Sau sự kiện này, Tôn Kiên nổi tiếng thiện chiến, lan truyền khắp toàn quốc. Bởi quân lực của Tôn Kiên rất lớn, dẫn đến sự nghi ngờ của Viên Thuật, xảy ra việc cố ý, chậm cung cấp lương thảo để cản trở việc tác chiến.
Tôn Kiên biết vậy rất bực tức, ông một mình một ngựa nhân khi đêm tối qua khỏi chiến tuyến, mau chóng đến thẳng doanh trại của Viên Thuật, thẳng thắn trách cứ việc làm sai lầm của Viên Thuật. Viên Thuật rất hổ thẹn liền hạ lệnh khẩn cấp bổ sung lương thảo. Tôn Kiên lại lập tức phóng ngựa về tiền tuyến trước khi trời sáng để chỉ huy tác chiến. Quân tâm bởi thế càng thêm hăng hái. Đổng Trác phải dùng đến cả Lã Bố cũng chẳng thể ngăn chặn nổi Tôn Kiên, thành Lạc Dương bởi thế mà thất thủ.
Tôn Kiên dẫn quân vào hoàng cung ở Lạc Dương vơ vét. Sách “Tư trị thông giám” có chép: Tôn Kiên ở sân sau hoàng cung, cướp được ngọc tỉ truyền quốc của nhà Hán, bí mật cất đi song Bùi Tùng Chi khi chú giải “Tam quốc chí”, lại rất hoài nghi về việc này, bởi trong đám quần hùng Tam Quốc, Tôn Kiên vốn là người trung liệt, nên chẳng thể tư riêng, huống chi, sau này cũng không thấy có ghi chép về việc người thừa kế chính quyền họ Tôn có ngọc tỉ truyền quốc.
Không lâu liên minh chống Đổng Trác tan rã, Viên Thiệu và Viên Thuật hai anh em đánh lẫn nhau. Viên Thuật đóng đồn ở Nam Dương, phối hợp với Công Tôn Tỏan đánh Viên Thiệu, hình thành thế đối đầu. Viên Thuật lôi kéo Thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu, để chế ngự Viên Thuật. Đội quân Trường Sa của Tôn Kiên, đại bộ phận là người nam Kinh Châu, bởi thế Viên Thuật phái Tôn Kiên đến Kinh Châu, phân hóa và đánh phá lực lượng của Lưu Biểu.
Quân Tôn Kiên ở Đặng Huyện và Phàn Thành, tiến đánh quân Hoàng Tổ của Lưu Biểu, bao vây Tương Dương; Hoàng Tổ dẫn quân cảm tử trong đêm đến cướp trại, lại bị Tôn Kiên đánh bại; Hoàng Tổ chạy đến Thạc Sơn, Tôn Kiên tự mình dẫn quân đuổi theo, không ngờ ở chân núi Thạc Sơn trúng phải mai phục của Lưu Biểu, chết tại trận giữa chốn tên bay và đá nhảy mù mịt, mới ba mươi bảy tuổi.
2. Tôn Sách: Alisanta đại đế của Trung Quốc
Alisanta quốc vương xứ Maxitu, sau khi phụ thân bị ám sát, lúc hai mươi tuổi đã cố gắng thống nhất bộ tộc Maxitu, tiến đánh các xứ khác, thống nhất được Hy Lạp, là một nhà quân sự thiên tài đáng nể, đã chinh phục được Ba Tư và các nước Tiểu Á, cơ hồ đã chạm đến Ấn Độ, sáng lập ra một đại đế quốc chưa từng có trong lịch sử nhân loại lúc bấy giờ, song mới ba mươi tuổi đã ngã bệnh từ trần, vương triều Maxitu bởi thế mà tan rã.
Sau khi Tôn Kiên từ trần, hậu duệ của ông cũng xuất hiện một thiên tài quân sự ít thấy trong lịch sử Trung Quốc, đấy là Tôn Sách, con cả của Tôn Kiên. Năm hai mươi tuổi, anh ta mau chóng nắm toàn bộ quân đội của cha để lại, xây dựng một lực lượng to lớn chưa từng thấv ở đông nam. So với Alisanta đại đế, cái không may của anh ta là, khi mang quân ra ngoài bị ám hại mà mất. Mà cái may là, anh ta có một người em trai ưu tú là Tôn Quyền, tuy chưa thể đại triển hồng đồ, song người ấy đã giữ được giang sơn mà cha anh để lại.
Tôn Kiên mất đi, quân đoàn họ Tôn lúc đó như rắn không đầu may mà được các cựu thần như Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương cùng đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn cùng giúp người cháu của Tôn Kiên và Tôn Bôn tạm thời nắm số quân còn lại, gửi gắm dưới trướng của Viên Thuật, lại đề nghị ngừng chiến với Lưu Biểu. Lưu Biểu vẫn muốn cùng tồn tại hòa bình nên vui vẻ chấp nhận, còn phái người đến doanh trại của địch để dâng lễ viếng Tôn Kiên.
Tôn Kiên có bốn người con trai, đó là Tôn Sách, Tôn Quyền, Tôn Dực, Tôn Khuông. Tôn Sách là anh cả, tên chữ là Bá Phù, vào năm ấy mới mười sáu tuổi, kế thừa được thiên tài quân sự và chí lớn của người cha, hơn nữa lại còn vượt quá. Được sự giúp đỡ của các tướng lĩnh và cựu thần, theo Tôn Bôn tạm thời nương náu dưới trướng Viên Thuật. Ba năm sau cũng là lúc anh ta đã mười chín tuổi, Tôn Sách giành lại quyền lãnh đạo đoàn, cứng rắn quyết định dẫn đội quân cũ của cha tách khỏi Viên Thuật, trở về quê cũ ở Ngô quận, tự lực cánh sinh đứng ở một cõi.
Tam quốc chí có chép: “Tôn Sách là người có dáng tuấn tú hay cười nói, thích rộng rãi mà tiếp thu ý kiến, khéo dùng người, bỏi thế mà quân dân đều vì ông ta mà tận tâm, thậm chí dám nhảy vào chỗ chết. Có được ma lực khiến người ta vì mình mà dám chết, Tôn Sách thực là một nhân tài lãnh đạo bậc nhất ở đời”.
Bởi Viên Thuật bụng dạ nhỏ nhen, xa xỉ tham lam quyền bính, nên Tôn Sách không thể chịu được, đã tuyên bố thóat ly quan hệ với Viên Thuật, chủ động chấm dứt tham dự vào việc tranh bá quyền ở Trung Nguyên, chuyển toàn lực về sửa sang vùng đất Giang Đông của mình ở phía nam Trường Giang.
Đầu tiên Tôn Sách tập trung lực lượng đánh thắng quân của Nghiêm Bạch Hổ đang tự xưng là Thái thú Cối Kê, triệt để nắm quyền thống trị ở Giang Đông, ông ta đưa người cậu của mình là Ngô Cảnh ra làm Thái thú Đan Dương, lại đưa người anh họ là Tôn Bôn là Tôn Phụ làm Thái thú Lư Lăng, rất mau chóng họ Tôn trở thành một thế tộc hàng đầu ở Giang Đông. Ngoài ra ông ta tiếp tục trọng dụng các cựu thần cũ như Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, lại cân nhắc các danh sĩ Giang Đông như Chu Du, Trương Chiêu, Trương Hoành, tạo thành một bộ máy hoàn chỉnh.
Khi Viên Thuật xưng đế, từng đề nghị Tôn Sách đến chi viện, song bị Tôn Sách từ chối. Ông ta còn công khai gửi thông cáo cho những người đứng đầu quận huyện ở Hoài Nam, chỉ trích Viên Thuật dám mạo muội xưng đế, tạo ra tình hình người Hoài Nam thò ơ với Viên Thuật, mà Viên Thuật cũng bởi thế tuyệt giao với Tôn Sách. Năm Kiến An thứ 3, Tôn Sách dâng biểu bày tỏ trung thành với Hán Hiến đế ở Hứa Đô, cùng nhiều cống vật kèm theo. Tào Tháo lấy thế làm mừng, còn đặc biệt tiến cử với triều đình bổ nhiệm Tôn Sách làm Thảo nghịch tướng quân, phong làm Ngô Hầu. Lại còn đặc biệt đem cháu gái của mình gả cho Tôn Khuông, em trai Tôn Sách, hai bên thành ra quan hệ dâu gia với nhau.
Sau khi Viên Thuật bị diệt vong, Tôn Sách vẫn có quan hệ hữu hảo với Tào Tháo, còn Tào Tháo muốn biến Tôn Sách thành người kìm chế Lưu Biểu ở Kinh Châu. Không lâu, Tôn Sách bởi triệt để ngăn cản quân Kinh Châu từ Hạ Khẩu xâm nhập vào Dương Châu, mặt khác cũng để đáp ứng yêu cầu của Thái thú Quảng Lăng là Trần Đăng về việc thảo phạt tàn quân Nghiêm Bạch Hổ, mới từ Hoài Nam dẫn quân khẩn cấp trở về Giang Đông. Năm Kiến An thứ 5, vào mùa xuân, Tôn Sách ở Đan Đồ chỉnh đốn binh mã, chỉ đợi tập trung đủ lương thảo, sẽ đồng thời thực hiện một hành động quân sự đại quy mô là tây tiến và bắc chinh, kiến tạo “đại sự nghiệp” cho họ Tôn; song chính vào lúc ấy lại phát sinh một tấn bi kịch chẳng ngờ đến.
Vốn trước đó Thái thú Ngô quận là Hứa Cống, bởi tranh giành quyền thống trị địa phương với Tôn Sách, lại bị Tôn Sách giết, ba kẻ gia nhân của Hứa Cống nguyện một lòng báo thù cho chủ.
Tôn Sách thích đi săn, thường một mình một ngựa, rong ruổi nơi thảo dã, những kẻ hộ vệ luôn luôn đuổi theo không kịp. Gia nhân của Hứa Cống biết Tôn Sách có thói quen như thế bèn mai phục ở trong rừng, để bắn lén Tôn Sách. Do thiếu phòng bị, Tôn Sách bị trúng tên ở mặt song vẫn hăng hái chém chết cả ba tên thích khách. Khi quân hộ vệ đến kịp, Tôn Sách đã bị ngã dưới đất. Sau khi về trại, vết thương chuyển biến trầm trọng, ông ta lệnh cho em trai là Tôn Quyền tiếp tục làm thủ lĩnh quân Giang Đông.
Trước lúc lâm chung, Tôn Sách có khích lệ Tôn Quyền rằng: “Gây dựng nghiệp nhà ở Giang Đông, quyết định ở mấy trận đánh, tranh giành với thiên hạ, khanh không bằng ta. Chiêu hiền đãi sĩ, dốc lòng lo mọi việc giữ gìn được Giang Đông, ta không bằng khanh”.
Tối hôm ấy, do bệnh tình không qua khỏi mà từ trần, mới hai mươi sáu tuổi, Tôn Sách khi tạ thế, đã tích cực sửa sang Giang Đông, chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, đã có được Cối Kê, Ngô Quận, Đan Dương, Dự Chương, Lư Giang, Quảng Lăng, tất cả sáu quận bao quát suốt một dải từ Giang Tô đến Giang Tây rộng lớn.
3. Hổ phụ lân nhi, sinh con phải như Tôn Trọng Mưu
Xuất phát bởi cơ sở mà cha anh để lại, tài năng chính trị của Tôn Quyền còn cao hơn tài năng quân sự của Tôn Kiên. Hậu duệ của hai thần tượng quân sự này ở chiến trường vẫn có phương bí truyền độc đáo của ông ta. Sau này, Tôn Quyền với Tào Tháo đối trận ở Hợp Phì, Tào Tháo sau khi xem xét kĩ bố cục bày trận của Tôn Quyền, đã phải cảm khái mà than rằng: “Sinh con phải như Tôn Trọng Mưu” (chỉ Tôn Quyền).
Giang Biểu truyện có chép: “Tôn Quyền lúc nhỏ, dáng cao, cằm vuông mồm rộng, mắt sáng giống Tôn Kiên, có quý tướng. Tôn Sách khi sáng nghiệp ở Giang Đông, Tôn Quyền mới mười lăm tuổi, đã có tiếng tăm ở huyện Dương Tiêm, trông coi việc hiếu liêm, tiến cử hiền tài, làm Phụng Nghi hiệu úy, vẫn thường ở bên Tôn Sách, Tôn Quyền cá tính khoan dung, sáng suốt và có nghị lực, người bấy giờ gọi là “nhân ái mà quyết đóan”, lại thêm khảng khải chẳng đếm xỉa tiền tài, biết chiêu hiền đãi sĩ, theo gót được cha anh. Tôn Sách mỗi lần có việc trao đổi, Tôn Quyền đều đối đáp lưu lóat, đến cả Tôn Sách cũng cho là lạ, tự xem là không bằng”.
Tam quốc chí có chép: “Khi Tôn Sách dâng biểu trung thành lên triều đình, Hán Hiến đế có sai sứ giả Lưu Uyên đến phong chức quyền; Lưu Uyên là người giỏi xem tướng, khi nhìn thấy Tôn Quyền, bèn nói với người xung quanh rằng: “Ta thấy anh em họ Tôn đều có tài khác thường, song chỉ sợ không thọ được lâu, chỉ có Tôn Quyền, hình dáng khôi ngô, khí chất mạnh mẽ, có tướng đại quý, tuổi thọ lại rất cao, các người hãy nhớ lời ta nói ngày hôm nay mà ngẫm xem”.
Tôn Sách từ trần, Tôn Quyền mới hai mươi hai tuổi đã tiếp quản làm lãnh tụ đoàn quân Giang Đông; bởi anh ta chưa có kinh nghiệm tự mình lãnh đạo các thủ lĩnh quân đoàn Giang Đông đều có vẻ nghi ngờ, không an tâm.
Theo đề nghị của Trương Chiêu, Tôn Quyền tự mình phi ngựa tuần tra các quân đoàn, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, quả nhiên mau chóng bình ổn sự dao động trong các quân đoàn. Tào Tháo sau khi nghe tin Tôn Quyền đã kế vị Tôn Sách, qua tin tình báo biết được tài cán của Tôn Quyển, lập tức dâng biểu lên triều đình tiến cử Tôn Quyền làm Thảo lỗ tướng quân kiêm Thái thú Cối Kê, đóng đồn ở Ngô quận; Bởi được triều đình công khai bày tỏ sự giúp đỡ tích cực, tình thế chính trị ở Giang Đông chuyển nguy thành an.
Tôn Quyền sau khi nắm quyền, lấy lễ thầy trò đáp lại Trương Chiêu. Trương Chiêu cá tính rắn rỏi ưa nói thẳng, bác học quảng vấn rất có tài lại trung thành, là một cố vấn riêng rất giỏi, về quân sự, Tôn Quyền đưa Trình Phổ, Chu Du, Lã Phàm làm tướng lĩnh quân khu, đóng đồn ở các nơi hiểm yếu. Ông xuống lệnh tạm thời đình chỉ tất cả các hành động khuyếch trương lấy ổn định nội bộ làm chính, lại chiêu hiền đãi sĩ, coi Lỗ Túc, Gia Cát Cẩn khách dưới trướng, thể hiện rõ tính tích cực sửa sang; về phát triển chính trị và kinh tế còn hơn Tôn Sách.
Lỗ Túc tên chữ là Tử Kính người Lâm Hoài, lớn lên đã mồ côi bố, ở với bà nội, trong nhà có rất nhiều tiền, song Lỗ Túc là người có chí lớn, không lo việc trong nhà, tính khảng khái thích ban ơn. Ông thấy thiên hạ sẽ loạn lạc bèn phân phát hầu hết tài sản trong nhà, mua lấy ruộng đất, giúp đỡ những thiếu niên bần hàn, cho cơm ăn áo mặc, lại thêm tổ chức họ lại giảng võ tập binh, nghiễm nhiên tổ chức ra một đội quân riêng. Chu Du lúc mới lớn lên thiếu thốn cả cái ăn, nhờ có người mách bảo tìm đến Lỗ Túc vay gạo; Lỗ Túc lúc ấy trong nhà có hai kho gạo lớn, mỗi kho có ba nghìn hộc gạo; Lỗ Túc chỉ vào một kho, bảo Chu Du mang đi mà dùng. Chu Du từ một kẻ nghèo hèn trở thành một kẻ phong lưu lỗi lạc đều bởi sự khảng khái ít thấy của ông ta. Tam quốc chí có viết: “Chu Du thấy việc kỳ lạ, liên kết thân với Lỗ Túc”. Không lâu, lại được Lỗ Túc tiến cử với Tôn Quyền.
Cũng giống như “Long Trung Sách” của Gia Cát Lượng, Lỗ Túc khi mới gặp Tôn Quyền cũng đề ra kế sách “Dựng đỉnh ở Giang Đông, đứng nhìn thiên hạ tranh giành, tiễu trừ Hoàng Tổ, tiến đánh Lưu Biểu, chiếm cứ suốt một dải Trường Giang, sau này lập nghiệp đế vương thâu tóm cả thiên hạ”. Tôn Quyền nghe nói, phi thường cao hứng, ngoài mặt tuy không tỏ vẻ tranh bá thiên hạ song trong bụng thì coi Lỗ Túc là tri kỉ.
Tam quốc diễn nghĩa đã miêu tả Lỗ Túc như một người thực thà, nhu nhược không có chủ kiến; thực ra Lỗ Túc có cá tính cao ngạo, văn vũ toàn tài, giàu mực lược, có tầm nhìn xa trông rộng, là một nhà quân sự, một nhà chính trị ưu tú phi thường. Dẫu rằng Trương Chiêu cùng các cựu thần Giang Đông rất không thích, Lỗ Túc một mình bài bác lại số đông thường nói xấu ông ta, song Tôn Quyền rất biết Lỗ Túc là bậc qui hoạch kỳ tài, hiểu biết sâu sắc, thường công khai mọi việc, đặc biệt xem trọng và khen ngợi với Lỗ Túc.
Gia Cát Cẩn tên chữ là Tử Du, là anh cả cùng mẹ với Gia Cát Lượng, là người cẩn thận trung thực, tài hoa ẩn chứa. Chỉ có anh rể của Tôn Quyền hiểu rõ, tiến cử ông với Tôn Quyền; Tôn Quyền coi là tân khách trong số các quan viên văn võ ở Giang Đông, cũng chỉ có Gia Cát Cẩn và Lỗ Túc hiểu nhau hơn cả, hai người kết làm tri kỉ.
Năm Kiến An thứ 8, Tôn Quyền sau khi được bổ nhiệm, ra quân lần đầu, đánh chiếm Hà Khẩu của Hoàng Tổ, nói là báo thù cho cha, thực ra ít nhiều cũng là hành động bước đầu trong chiến lược của Lỗ Túc. Tuy lần này chưa có thành quả cụ thề gì, song ở hành động quân sự đó, Tôn Quyền đã chính thức cất nhắc các doanh tướng bậc hai của Giang Đông như Thái Sử Từ, Lã Mông, Chu Thái, tiến thêm một bước tăng cường thực lực quân sự cho chính quyền họ Tôn.
Năm Kiến An thứ 12, Tôn Quyền lại tiến đánh Hà Khẩu, lần này Lỗ Túc vận dụng mưu lược trước tiên, xúi giục không ít quân sĩ và cư dân ở Giang Hạ chống lại Hoàng Tổ, khiến đội quân Hoàng Tổ đang trụ giữ ở Kinh Châu, tại tuyến đầu gặp phải sự đả kích nghiêm trọng. Năm sau Tôn Quyền lại phái Lã Mông, Lăng Thống, Đổng Tập, những tướng lĩnh trẻ tuổi của Giang Đông tinh nhuệ và hăng hái, lại tiến đánh Hà Khẩu. Hoàng Tổ không dám chống đỡ, trong lúc rút chạy bị quân địch đuổi theo chém chết, đội quân Giang Hạ nức tiếng một thời bởi thế mà tan rã cả. Song Tôn Quyền cho rằng quân Giang Đông vẫn không đủ thực lực để trường kỳ đối kháng với quân Kinh Châu hùng mạnh, sau khi chém chết Hoàng Tổ ở Nam Hải để trả thù cho cha, bèn đưa quân sĩ chủ lực rút về Sài Tang, tạm đóng đồn ở đấy.
Lưu Biểu vẫn không thích việc chiến sự, lại đang có vấn đề sức khoẻ và việc tranh giành quyền bính nội bộ làm đau đầu, đối với cuộc chiến ở Giang Hạ cũng không nghĩ đến và truy cứu nữa. Bởi thế ông ta chỉ phái người con trưởng là Lưu Kỳ làm Thái thú Giang Hạ, sớm đến Hạ Khẩu chiêu phủ quân dân mới vừa qua cảnh nước sôi lửa bỏng, lại đổi mới công việc phòng thủ, xây dựng quan hệ hòa bình với chính quyền Giang Đông. Lưu Kỳ cá tính khoan hậu mà nhu nhược lại thích hợp xử lý công việc này khiến chiến tuyến Giang Hạ tạm thời khôi phục lại trạng thái hòa bình.
4. Gia Cát Lượng yết kiến Tôn Quyền.
Sau sự kiện này không lâu, Tôn Quyền nhận được tin mật báo, từ thành Tương Dương rằng Lưu Biểu đã ngã bệnh từ trần, lập tức phái Lỗ Túc đến Tương Dương viếng tang, cũng là quan sát khả năng diễn biến thời cuộc ở Kinh Châu.
Lỗ Túc mới đến Nam quận, đại quân nam chinh của Tàn Tháo đã đánh chiếm Phàn Thành, Lưu Tông ở thành Tương Dương vừa mới được cử làm Kinh Châu mục đã vội dâng thành đầu hàng, quân Lưu Bị bị bức rút về Giang Lăng ở phương nam, lại rẽ ngang hợp quân với Lưu Kỳ ở Hạ Khẩu, tăng cường củng cố phòng tuyến. Lỗ Túc lập tức ngược lên phía bắc, gặp quân Lưu Bị ở Tương Dương vừa mới bị quân Tào đánh cho đại bại, Lỗ Túc bèn khuyên Lưu Bị chuyển hướng đông nam, liên hợp với Tôn Quyền ở Giang Đông cùng chống lại Tào Tháo. Lưu Bị sau khi trao đổi vói Gia Cát Lượng cũng quyết định dứt khóat, phái Gia Cát Lượng theo Lỗ Túc đến Sài Tang yết kiến Tôn Quyên, tìm kiếm khả năng hợp tác đôi bên.
Lúc ấy Tôn Quyền mới chưa đầy hai mươi bảy tuổi, nắm quyền bính chưa được năm năm. Tuy còn ít tuổi, chưa từng trải sâu sắc, song lại là hậu duệ của những thần tượng quân sự, lại điểm tĩnh mà có chủ kiến.
Sau chiến dịch Tương Dương, Tào Tháo từng đưa thư chiêu hàng với giọng dọa nạt đến Tôn Quyền. Lập tức Tôn Quyền triệu tập hội nghị khẩn cấp, nói rõ tất cả với các quan văn võ Giang Đông về tin tức xấu này. Trong lúc số đông có vẻ hoảng loạn, người chủ trẻ tuổi này vẫn có sự tự tin đến mức bàng quan lãnh đạm.
Không lâu, Lỗ Túc trở về Sài Tang cùng với Gia Cát Lượng, với sự chân thành, đơn độc lần đầu yết kiến Tôn Quyền.
Ở doanh trại giản đơn mới dựng tạm, Tôn Quyền mặc áo vải thô tiếp kiến Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng vẫn giỏi xét người, mới đến cửa đã thấy được cá tính của Tôn Quyền. Nếu cử chỉ đơn phương bày tỏ lập trường của mình sẽ không lay chuyển được ông chủ trẻ tuổi này, bởi thế Gia Cát Lượng quyết định nhường Tôn Quyền nói trước về suy nghĩ, lựa chọn và qui hoạch của mình. Ông ta tin rằng chỉ cần sơ bộ định ra quyết sách, loại người như Tôn Quyền nhất định sẽ khắc phục mọi khó khăn kiên trì lập trường cuối cùng.
Sau hồi hàn huyên ban đầu, Gia Cát Lượng rất thản nhiên và khách quan phân tích thực lực và sách lược của Tào Tháo: “Từ khi đại loạn đến giờ, tướng quân khởi binh chiếm cứ Giang Đông, Lưu Huyền Đức tụ tập ở Hán Nam, cùng tranh thiên hạ với Tào Tháo. Nay Tào Tháo đã dẹp xong kẻ địch ở phía bắc, bởi thế thừa thắng nam chinh, chiếm được Kinh Châu, quyền uy lan khắp thiên hạ, khiến anh hùng không có đất dụng võ, Lưu Huyền Đức bị bức phải chạy đến mức đó, tình hình thực lực nguy cấp lắm vậy”. Tôn Quyền ngồi lặng nghiêng tai lắng nghe.
Gia Cát Lượng lại cường điệu uy lực hành quân chớp nhoáng của Tào Tháo, đến nay thế lực rất dữ dội, thời gian lại gấp gáp nên lập trường của Giang Đông là hòa hay là chiến nên lập tức quyết định ngay, để tránh dẫn đến những sai lầm về quân cơ.
“Tướng quân không lượng sức mà làm, nếu cho rằng lấy lực lượng Giang Đông, có thể đổi kháng với Trung Nguyên, không gì bằng sớm đoạn tuyệt quan hệ với họ, để hạ quyết tâm của mình, tập trung đủ lực lượng. Nếu thấy không đủ sức chống chọi, hãy lập tức mau chóng cởi giáp triệt binh, thần phục Trung Nguyên. Nếu tướng quân ngoài mặt giữ quan hệ hữu hảo với Tào Tháo, thực tế lại là chiến hòa do dự không quyết bên nào, rất có thể dẫn đến đại nạn cho quốc gia!”
Tôn Quyền nghe rồi, vẫn bình tĩnh hỏi lại rằng: “Tào quân có thực lực kinh người như thế, sao Lưu Huyền Đức không đầu hàng ở Kinh Châu lại vẫn không tự lượng sức chống chọi đến cùng như thế?”.
Gia Cát Lượng vội than rằng: “Năm xưa Điền Hoành chẳng qua là tráng sĩ nước Tề mà thôi, lại có thể kiên trì giữ nghĩa không chịu nhục, phản kháng đến cùng. Huống chi Lưu Huyền Đức đường đường là dòng dõi nhà Hán, danh tiếng lớn lao, sớm đã là lãnh tụ tinh thần của các lực lượng phản Tào khắp nước, về nghĩa lý dứt khóat chẳng thể tùy tiện để người ta sai khiến, nay dẫu có thất bại, cũng chỉ là mệnh trời mà thôi!”
Tôn Quyền hai mắt nhìn chằm chằm Gia Cát Lượng với giọng trầm trầm nói rằng, Tào Tháo bức thiên tử mà sai khiến chư hầu, kẻ dám đối chọi lại, duy chỉ có Lưu Biểu, Lưu Bị và Tôn Quyền này mà thôi, hiện nay Lưu Biểu đã tạ thế, Lưu Bị lại đang thất bại, chỉ còn lại một mình Đông Ngô. Bởi thế ông ta cũng dứt khóat không thể để mấy chục vạn quân dân Đông Ngô mặc kệ để người ta khinh nhờn; ông ta hi vọng Gia Cát Lượng có thể đưa ra sách lược Tôn – Lưu liên hợp để chống lại đại quân Tào Tháo.
Gia Cát Lượng thấy Tôn Quyền đã động tâm, bèn đưa ra phân tích thêm một bước; ông ta nói rõ rằng, ông đã sưu tầm được những tin tình báo thực tế ở trận chiến Kinh Châu, đại quân của Tào Tháo tuy nhiều, lại có bốn nhược điểm lớn:
Thứ nhất, quân Tào nói phao rằng có một trăm vạn người, thực ra quân nam chinh chỉ có chừng hai mươi vạn người, mà đại bộ phận chẳng phải quân trực thuộc, đó là quân họ Viên và Kinh Châu biên chế thêm. Quân sĩ pha tạp này không tập trung vào mũi nhọn, trước mắt phải bố trí trên một vừng mới chiếm rộng lớn từ Tương Dương đến Giang Lăng, thực ra số quân có thể tập kết ở chiến trường chính rất có hạn. Bởi thế, chiến thuật tốt nhất là để phía Tôn – Lưu chủ động lựa chọn phương án, sẽ tranh giành lấy thắng lợi trọng điểm, hư trương thanh thế rằng quân Tào rất hùng mạnh ắt sẽ không đánh mà tan.
Thứ hai, Tào Tháo đã truy kích Lưu Bị, một ngày đêm khẩn cấp hành quân được hơn ba trăm dặm, khiến quân sĩ rất mỏi mệt, đúng như câu nói: “Cánh cung yếu, không bắn thủng lụa mỏng” sĩ khí và lực chiến đấu của quân Tào không còn mạnh được như trước.
Thứ ba, quân phương bắc đặc biệt là quân trực thuộc và quân họ Viên, sống ở vùng Trường Giang hiện nay, sẽ phát sinh hiện tượng không hợp thủy thổ.
Thứ tư, quân phương bắc không giỏi thủy chiến, đánh nhau ở Giang Đông ắt phải lấy thủy chiến làm chính, mà quân Tào ỷ vào thủy quân Kinh Châu làm chủ lực thủy chiến, căn bản là không thể được. Trái lại xem ra quân chủ lực của Lưu Bị tuy bị đánh tan, song Quan Vũ với hơn một vạn thủy quân và nhiều chiến thuyền vẫn chưa hề tổn thất, Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có mấy vạn quân Kinh Châu tinh nhuệ, nếu như lại có thêm mấy vạn quân Đông Ngô dũng mãnh, hiệp lực tác chiến, nhất định có thể đánh tan đội quân pha tạp của Tào Tháo tuy lớn mà không đáng ngại. Tôn Quyền sau khi nghe phân tích kĩ, mạnh mẽ gật đầu, hạ quyết tâm sáng sớm ngày mai, sẽ lập tức triệu tập hội nghị quân sự để ra quyết định cuối cùng. Lúc này Gia Cát Lượng đã nhìn thấy từ nơi sâu thẳm trong tim của Tôn Quyền trẻ tuổi, sớm đã trỗi dậy một ý chí mãnh liệt.