NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 3 – Chương 12 – Phần 1

Tác giả: Trần Vǎn Đức
Chọn tập
Ads Top

Gia Cát Lượng vừa mềm vừa cứng đối diện với việc pháp lệnh bị sao nhãng, đặc quyền hoành hành ở Ích Châu thừa tướng mới nhận chức, ban hành pháp trị, để triệt để chỉnh đốn.

Ông đặc biệt nhấn mạnh trị thực không trị hư, tình hình thực tế mà tìm kiếm hiệu quả.

1. Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương

Tháng 7 năm Kiến An thứ 24, một trăm hai mươi văn quan võ tướng của Lưu Bị cùng liên doanh, dâng biểu lên Hán hiến đế tôn Lưu Bị làm Hán Trung Vương.

Trước đó, năm Kiến An thứ 21, Tào Tháo đã tự phong làm Ngụy Vương, Hán Hiến đế tuy miễn cưỡng còn giữ được đế vị, thực ra chỉ là bù nhìn mà thôi.

Lưu Bị đã có hai Châu Kinh, Ích, để biểu lộ ý đồ mãnh liệt phục hưng nhà Hán, theo kế sách của Gia Cát Lượng cũng tự lập làm Hán Trung Vương kế thừa thể chế của Vương triều nhà Hán, để bằng vai với Tào Tháo song qua biểu văn ấy khá thấy rõ hình thái đầy đủ của chính quyền Lưu Bị.

Tờ tấu biểu này do một văn quan Ích Châu viết, ông ta tên gọi Lý Triêu người Quảng Hán, có biệt hiệu Lý Thị Tam Long, bởi là công văn chính thức, các chức quan ghi trong ấy đã thế hiện tôn ti trật tự đầy đủ. Những phần tử hạt nhân của chính quyền Lưu Bị tuy là những người chân chính song hiển nhiên là không hợp thời thức triều đình.

Biểu văn ấy ghi rõ: Bình tây tướng quân Mã Siêu, Trấn quân tướng quân Hứa Tĩnh, Doanh tư mã Bàng Hy, Trung lang tướng Tạ Viện (con rể Hoàng Phủ Tung), Quân sư tướng quân Gia Cát Lượng, Đãng khấu tướng quân Quan Vũ, Chinh lỗ tướng quân Trương Phi, Chinh tây tướng quân Hoàng Trung, Trấn viễn tướng quân Lại Cung, Dương vũ tướng quân Pháp Chính, Hưng nghiệp tướng quân Lý Nghiêm, tất cả là một trăm hai mươi người.

Chỉ có Mã Siêu là lãnh tụ quân đoàn Quan Trung, kế tục tước vị của phụ thân là Mã Đằng, là có địa vị rõ ràng. Là phần tử hạt nhân trong tập đoàn Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã chính thức vượt cả Quan Vũ và Trương Phi trở thành một người lãnh đạo chân chính.

Biểu văn đề cập chuyện từ Đường Nghiêu đến Hán Chiêu đế, thiên hạ an nguy biến hóa, cũng nhấn mạnh bàn về việc Tào Tháo và Đổng Trác đã làm loạn cả thiên hạ, tàn hại sinh linh, sau lại thuật chuyện Lưu Bị với Đổng Thừa năm nào mưu giết Tào Tháo, tiếc rằng không thành công. Lại lo lắng bởi chuyện Diêm Nhạc giết hại Tần nhị thế Hồ Hợi, cùng là Vương Mãng phế bỏ Nhụ Tử Anh làm phát sinh cuộc chính biến Định An Công. Tiếp theo lại nói rõ việc Lưu Bị hết lòng tôn phò nhà Hán, tự mình đại phá Tào Tháo ở Hán Trung, nức tiếng anh hùng trong thiên hạ; nếu như tước hiệu không rõ, chưa được phong lễ cửu tích, không đủ để giữ yên xã tắc, chiếu sáng muôn đời. Tào Tháo ngoài thì thôn tín thiên hạ, trong lòng áp bức đại thần, khiến triều đình có nguy cơ nội bộ tan rã, lại chẳng có một lực lượng ràng buộc được thế lực Tào Tháo đang mở rộng thực là điều khiến người ta phải đau lòng.

Bởi thế không thể không liệt danh quần thần, theo như lệ cũ, phong Lưu Bị làm Hán Trung Vương, kiêm chức Đại tư mã để tập hợp đồng minh, quét sạch nghịch tặc Tào Tháo, hợp lại các vùng Hán Trung, Ba Thục, Kiện Vi, Quảng Hán thành một quốc gia, kế tục điển chương chế độ nhà Hán, xây dựng nền móng để phục hưng nhà Hán.

Đương nhiên đấy chỉ là văn chương cửa quan, về căn bản không cần Hán Hiến đế phê chuẩn. Cùng với việc dâng biểu văn, lại lập đàn tràng ở Miện Dương (tỉnh Thiểm Tây) trong vùng Hán Trung, các quan văn võ đều đến, cử hành nghi lễ trọng thể. Bởi thế sau khi đọc xong biểu văn, chấp lễ quan dâng vương miện, ngọc tỉ theo nghi lễ, Lưu Bị đã thành Hán Trung Vương.

Vì sao không cử hành nghi lễ ở Thành Đô mà phải đến tận Miện Dương ở gần tiền tuyến nhỉ? Có thể tin rằng như thế ít nhiều là để tượng trưng cho việc kế thừa hương hỏa vương triều nhà Hán! Năm xưa cơ nghiệp của Hán Cao tổ Lưu Bang đã bắt đầu ở đấy, vì vậy với ý nghĩa chính trị đối kháng lại Tào Tháo, Hán Trung quan trọng hơn Thành Đô.

Đương nhiên Lưu Bị cũng tự mình viết một tờ tấu biểu lên Hán Hiến đế, bày tỏ việc mình bị quần thần thôi thúc đành phải làm ra như thế. Ông ta cũng nhắc lại việc cùng với Đổng Thừa mưu giết Tào Tháo, đáng tiếc việc không thành, bởi thế nghĩ đến Hán tặc hùng bạo, quốc nạn chưa dứt, tôn miếu đổ nát, xã tắc lung lay, tự mình đành thuận theo quần thần, nhận lấy ấn tỉ để có quốc uy mà tôn phò thanh miếu, chẳng dám từ chối việc nhảy vào nước sôi, lửa bỏng. Lại nữa, muốn tận lực chân thành khích lệ quân thuận theo mệnh trời mà thảo phạt nghịch tặc, giữ yên xã tắc. Cũng tức là muốn chính thức bày tỏ với Hán Hiến đế, sẽ đem hết sức lực để tìm mọi cách khôi phục nhà Hán.

Tuy trong doanh trại của Tào Tháo có không ít hậu duệ của phái Thanh Lưu, như Tuân Úc, Thôi Đàm, Mao Giới, Tuân Du, nhưng do cuộc đấu tranh chính trị giữa Tào Tháo và Hán Hiến đế ngày mỗi nghiêm trọng, lập trường của những người ấy rất nhùng nhằng, cuối cùng thậm chí cùng huyên náo với Tào Tháo. Lại nữa, không được như Lưu Bị, ở xa tận chân trời, có thể dốc lòng mà chẳng sợ gì trói buộc, bởi thế mà họ công khai giương lá cờ phục hưng nhà Hán, khiến trong trận tuyến của phái Thanh Lưu, dưới sự lãnh đạo của Hứa Tĩnh thuộc phái Nguyên Lão và Gia Cát Lượng thuộc phái Thiếu Tráng, đã xuất hiện ý thức chủ đạo của phái Thanh Lưu.

Sau khi làm Hán Trung Vương, Lưu Bị đã trả lại triều đình cũ chức Tả tướng quân, và ấn thụ kèm theo, lập A Đẩu (Lưu Thiện) làm Thái tử, trở về Ích Châu lấy Thành Đô làm bản doanh của mình.

2. Đề bạt Ngụy Diên, trọng dụng Hoàng Trung

Chính quyền Thục Hán đã được thành lập!

Kẻ địch quan trọng vẫn ở phía bắc, bởi thế từ Thành Đô đến Bạch Thủy Quan, xây dựng quán xá lập ra Dịch Đình, gồm hơn bốn trăm nơi khiến liên hệ giữa Hán Trung và Thành Đô được hoàn chỉnh.

Sau khi xưng vương ở Hán Trung, Lưu Bị đã dẫn văn vũ bá quan, trở về Thành Đô, bắt đầu việc điều hành đất nước. Song Hán Trung là đất chiến lược quan trọng, cần có một viên đại tướng trấn thủ ở đấy. Đa số quần thần đều cho rằng Lưu Bị sẽ phái Trương Phi đến đấy, Trương Phi cũng muốn như vậy, việc ấy như đã chắc chắn.

Song Lưu Bị sau khi bàn bạc kĩ lưỡng vói Pháp Chính và Gia Cát Lượng, lại lựa chọn nha môn tướng quân Ngụy Diên vốn không được mọi người nể trọng, đề bạt làm Trấn viễn tướng quân, ra làm Thái thú ở Hán Trung.

Sự việc ấy khiến mọi người rất kinh ngạc.

Nguỵ Diên khi đang ở Kinh Nam đã theo về với Kinh Châu, ông ta vẫn tín phục Lưu Bị, năm ấy đã thuyết phục lão tướng Hoàng Trung vứt bỏ việc phòng ngừa Trường Sa, Ngụy Diên đã quay giáo binh biến giữa trận, bởi thế rất được Lưu Bị trọng dụng.

Ngụy Diên có cá tính mạnh mẽ, tích cực trong công việc, có mưu đồ lớn, bởi thế quan hệ với mọi người không tốt đẹp. Song ông ta gắn bó với sĩ tốt dưới quyền, đồng cam cộng khổ, rất được lòng quân, có sức chiến đấu mạnh mẽ. Trong chiến dịch Hán Trung, tuy phụ thuộc quân đoàn Hoàng Trung, song Ngụy Diên lập được nhiều công lao, khiến những người chung quanh dẫu có bất mãn cũng không thể không cảm phục.

Lưu Bị họp các quần thần, trịnh trọng tuyên bố lệnh điều động. Ông ta đứng trước các đại thần hỏi Ngụy Diên rằng: “Nay ủy thác cho ngươi việc quan trọng này, ngươi dự định gánh vác nhiệm vụ như thế nào?”

Ngụy Diên rắn rỏi biểu thị: “Nếu Tào Công cử binh thiên hạ đến đó, thần sẽ vì đại vương mà kháng cự, nếu Tào Công phái một viên tướng dẫn mười vạn quân đến đó, thần sẽ vì đại vương mà nuốt gọn”.

Lưu Bị gật đầu tán thưởng, các đại thần thấy Ngụy Diên dám nói quả quyết như thế để biểu thị quyết tâm của mình, cũng cảm động không thôi.

Thực ra, Lưu Bị đối với việc lựa chọn này đã khá thận trọng. Sau khi Lỗ Túc mất, tình hình ỏ Kinh Châu rất căng thẳng, Ích Châu cũng mới bình định được không lâu, muốn ổn định các vùng ở đấy, phải có cố gắng lớn. Quân Trương Phi là chủ lực của Lưu Bị, chẳng thể thủ thế ở đấy. Mã Siêu có địa vị cao trong xã hội, nếu để ông ta nổi loạn thì rất không an toàn. Hoàng Trung tuy phong phú kinh nghiệm lại rất trung thành song tuổi đã cao, đối với việc điều hành ở lĩnh vực mới là không thích hợp. Chỉ có Triệu Vân là nhân tài thích hợp, song cũng giống như Trương Phi đều là hạt nhân nòng cốt lâu năm, bố trí ở Hán Trung cũng có chỗ đáng tiếc. Bởi thế đề bạt một người xem ra chưa có địa vị song lại rất trung thành, có năng lực đảm đương một vùng, thì Ngụy Diên sắp xếp ở đấy là hợp lý nhất.

Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, phong Hứa Tĩnh làm Thái phó, Pháp Chính làm Thượng thư lệnh, để quân sư tướng quân Gia Cát Lượng nắm giữ mọi việc quân quốc đại sự.

Lại cử ra Thống sóai bốn đại quân đoàn mới, Quan Vũ làm Tiền tướng quân, có địa vị lớn trong quân, thứ đến Trương Phi làm Hữu tướng quân, Mã Siêu làm Tả tướng quân, Hoàng Trung làm Hậu tướng quân.

Gia Cát Lượng đối với việc bổ nhiệm làm, có một chút lo lắng, đã nói với Lưu Bị rằng: “Tướng quân Hoàng Trung là lão tướng nổi tiếng ở Kinh Châu, song không nổi tiếng với lân bang, chẳng thể bằng vai với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu. Nay Hoàng Trung ngồi cùng chiếu với họ, kể như Mã Siêu, Trương Phi ở gần, đều thấy rõ những biểu hiện của Hoàng Trung ở Ích Châu và chiến dịch Hán Trung, có thể so sánh mà chẳng có dị nghị, song Quan Vũ ở tận Kinh Châu, có thể rất không bằng lòng”.

Lưu Bị cười mà rằng: “Việc này ta đã có biện pháp”, thế rồi Lưu Bị phái Tư mã Phí Thi đến Kinh Châu mang ấn tín Tiền tướng quân phong cho Quan Vũ, trước lúc lên đường còn đặc biệt dặn dò.

Quả nhiên không ra ngoài dự liệu của Gia Cát Lượng, Phí Thi đến Kinh Châu, Quan Vũ vừa nghe nói Hoàng Trung làm Hậu tướng quân không thể không bực tức nói: “Đại trượng phu thề không bằng vai với tên lính già!”. Kiên quyết không nhận ấn tín.

Phí Thi cười mà rằng: “Từ xưa đến nay, người khai sáng vương nghiệp phải khéo sử dụng nhân tài mọi mặt. Năm xưa Tiêu Hà, Tào Tham đều là bạn thủa nhỏ với Hán Cao tổ, mà Hàn Tín, Trần Bình đều là người sau này mới đến. Song Hán Cao tổ sau khi xưng đế, phong tước vị thì Hàn Tín cao nhất, nhưng chưa hề nghe nói Tiêu Hà, Tào Tham có dị nghị gì. Nay Hán Trung Vương, xét theo chiến công, xếp Hoàng Trung bằng vai với tướng quân, mà trong thâm tâm của Hán Trung Vương, thực ra Hoàng Trung và Tướng quân đâu có cùng cân lạng? Hán Trung Vương với tướng quân như cùng cơ thể, đã cùng sinh tử, lại cùng vui lo có nhau. Cứ như ý tôi, tướng quân không nên kể đến quan chức cao thấp, tước lộc ít nhiều. Tôi chỉ là một viên sứ giả, phụng mệnh mà đến, tướng quân nếu không chịu nghe, tôi cũng đành phải trở về mà thôi song tôi lấy làm tiếc về hành vi của tướng quân, sợ tướng quân sẽ phải hối hận”.

Quan Vũ nghe rồi chợt tỉnh ngộ, lập tức lạy tạ nhận ấn tín.

Thực ra liên quan đến việc nhân sự này, có chỗ không công bằng nhất là Triệu Vân có công lao rất lớn trong chiến dịch Hán Trung. Triệu Vân có tính chính trực, cẩn thận cũng kể được là một người cộng sự sáng nghiệp của Lưu Bị từ đầu, hơn nữa đã hai lần cứu được A Đẩu, công lao rất lớn, tin rằng trong đáy lòng Lưu Bị, địa vị của Triệu Vân không thua kém Quan Vũ, Trương Phi. Đã rõ ràng Triệu Vân là người chính trực, hiểu rõ đại thể, nhân cách và khí chất rất được xem trọng, chỉ phải tính hay nói thẳng, can ngăn khiến xung quanh không được vừa lòng.

Song Triệu Vân ngoài những lời lẽ chính đáng lại lấy mình làm gương, rất có trách nhiệm, vốn không sợ bất kể nguy hiểm gì, bởi thế rất được mọi người tôn kính.

Bởi Gia Cát Lượng khi ấy còn trẻ tuổi, trong việc lập kế sách và chỉ huy các lão tướng già dặn, đích xác không dễ dàng, mà Triệu Vân phối hợp ăn ý với Gia Cát Lượng, đối với công tác ở ban tham mưu, cơ hồ nghiêm chỉnh chấp hành không so đo gì, có người thậm chí còn gọi ông là phái Gia Cát Lượng. Song Triệu Vân trong việc đề bạt này vẫn chỉ giữ chức Dực quân tướng quân, chẳng những thấp hơn Quan Vũ, Trương Phi, mà còn dưới cả Mã Siêu và Hoàng Trung.

Đây chủ yếu là vấn đề chiếu cố đến sự cân bằng lực lượng giữa cũ và mới. Những chiến hữu trước trận Xích Bích đều thuộc phái Lưu Bị. Những người mới đến sau chiến dịch Kinh Nam đặc biệt là những lão thần Ích Châu ắt nên trọng dụng; đấy là sự hi sinh cần thiết cho một nền tảng chính trị. Giống như Gia Cát Lượng có vị trí hàng đầu dưới trướng, Hứa Tĩnh rất được Lưu Bị chú ý, tiếp đó phải kế đến Pháp Chính nữa.

Trong những trọng thần phái Ích Châu, Pháp Chính là người có công rất lớn, được Lưu Bị kính trọng. Khi Lưu Bị còn sống, đối với các văn võ lão thần tạ thế, kể cả Quan Vũ, Trương Phi, chỉ có Pháp Chính sau khi chết mới được đặt Thụy hiệu, ngoài ra đều do hậu chủ Lưu Thiện truy phong Thụy hiệu, qua đó có thể thấy đối với nhân sĩ Ích Châu, Lưu Bị đã lấy lễ nghi mà khỏan đãi.

Triệu Vân vẫn có đầu óc chính trị, hơn nữa biết quên mình, đối với việc Lưu Bị phải khổ tâm cân bằng lực lượng chính trị, cũng dễ thông cảm cho nên trong việc sắp xếp nhân sự mới lần này, ông ta tuy chịu thiệt thời rất lớn, lại chẳng hề óan trách, vẫn là một cây cột rất quan trọng trong chính quyền Lưu Bị.

Chức vụ của Gia Cát Lượng tuy chưa được tăng thêm, vẫn là Quân sư tướng quân, thực ra theo ghi chép sử liệu, ông vẫn là người lập kế hoạch và điều hành việc chính sự chủ yếu nhất.

3. Đời loạn trọng khoan dung, trễ nải cần pháp luật.

Tuy danh nghĩa vẫn là Quân sư tướng quân, sau khi Lưu Bị tự xưng Hán Trung Vương, Gia Cát Lượng trên thực tế đã đảm nhiệm vai trò của tể tướng.

Gia Cát Lượng vừa mềm vừa cứng, đối với Ích Châu lâu nay vẫn buông lỏng pháp lệnh, đặc quyền hoành hành, ở cương vị mới của mình, đã lấy pháp trị mà chẩn đốn mọi mặt.

Ông ta đặc biệt nhấn mạnh trị thực không trị hư, để ứng phó với thực tế phát sinh, tìm kiếm hiệu quả thiết thực.

Vấn đề nghiêm trọng nhất ở Ích Châu là quan lại câu kết với cường hào địa phương, bóc lột trăm họ, nông dân ngày càng mâu thuẫn ác liệt với quan phủ, tuy gọi đấy là xứ sở thần tiên, thực ra của cải giàu có sáng tạo ra đều bị quan lại và cường hào bóc lột, đòi sống nông dân rất khó khăn.

Lưu Yên sở dĩ bổ nhiệm làm Ích Châu mục, là do Thứ sử Khước Kiện trước đó hoành hành tư lợi ở Ích Châu, tạo thành cuộc khởi nghĩa nông dân của Mã Tương và Triệu Chi, tự xưng là hậu duệ của Hoàng Cân. Từng công phá Lạc Huyện, giết Huyện lệnh Lý Thăng và Thứ sử Khước Kiện, chiếm được Thục quận và quận Kiện Vi.

Lưu Yên dựa vào quân bên ngoài và lực lượng cường hào địa phương, dẹp yên được cuộc phản loạn ấy, song vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết, trái lại bởi được cường hào tiếp tay, hiện tượng bóc lột biến tướng càng tăng thêm. Tam quốc chí đã phê bình việc cai trị của cha con Lưu Yên. Lưu Chương là đức chính không nêu, uy hình chẳng đủ. “Pháp Chính truyện” cũng chỉ rõ, Lưu Chương cai trị ở đất Thục, nhiều sĩ đại phu cậy có tiền của, khinh rẻ dân thường, khiến lòng dân rối loạn, kể đến tám phần mười.

Để triệt để cải tiến tình hình ấy, Gia Cát lượng thi hành sách lược pháp lý cứng rắn, có kết hợp với luật lệ khoan hòa . Đấy là thi hành pháp trị, hạn chế và đả kích quan lại và cường hào chuyên quyền tư lợi, điều lệ khoan hòa để nỗ lực giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất.

Bởi Gia Cát Lượng đả kích đặc quyền không kể mặt, khiến quan lại Ích Châu không cảm thấy dễ chịu, họ bắt đầu chỉ trích Gia Cát Lượng dùng hình pháp nghiêm khắc mà không mở mang ân đức, rối rít yêu cầu ông ta nới lỏng hình luật. Được phái làm đại biểu trao đổi với Gia Cát Lượng lại là lão thần Pháp Chính rất được Lưu Bị kính trọng.

Pháp Chính đương thời đã là Thái thú Thục quận, cũng là người đứng đầu giới cường hào ở Thành Đô, ông ta nói với Gia Cát Lượng rằng: “Khi xưa Hán Cao tổ vào Quan Trung, xóa bỏ pháp lệnh hà khắc của nước Tần, rút gọn luật pháp còn ba chương, giảm nhẹ hình luật. Trăm họ ở Quan Trung, không thể không cảm tạ ân đức của ông ấy. Nay chúng ta mới dùng võ lực chiếm được Ích Châu, còn chưa rủ ân đức với địa phương, đã sớm lạm dụng uy quyền tăng thêm áp chế, phải chăng như thế là xứng đáng? Hi vọng việc thi hành chính sách sau này, sẽ giảm nhẹ hình luật để tranh thủ sự giúp đỡ và niềm tin của các nhân sĩ địa phương với chúng ta”.

Gia Cát Lượng lại cười mà đáp rằng: “Tiên sinh chỉ biết một mà không biết hai, nước Tần lấy chính sách bạo ngược mà bức hiếp dân lành khiến mọi người không thể không tạo phản, Hán Cao tổ muốn giải chứng bệnh ấy, lấy chính sách giảm nhẹ hình phạt, như vậy là đúng.

Nhưng tình hình Ích Châu thì khác hẳn, Lưu Chương nhu nhược, chẳng có năng lực khống chế quan lại và cường hào, kể từ Lưu Yên đến nay, đức chính không nêu, uy hình không đủ, từ cường hào địa phương đến quan lại triều đình, thảy đều lộng hành, ham muốn, đạo quân thần dần dần bị phá hoại. Đối với giới đặc quyền hung hãn ấy, Lưu Chương trong quá khứ vẫn sủng ái họ, lại cho họ những chức tước cao, quan chức đã cao họ lại không biết là đáng quý mà thuận với mọi người, mở mang ân huệ; khi giàu sang đến tột đỉnh, họ lại khinh mạn vô lễ, đấy mới là chứng bệnh tệ hại trước mắt của Ích Châu.

Hiện nay chúng ta lập uy ở pháp luật, để sau khi pháp luật thi hành, mọi người mới biết thế nào là ân đức; hạn chế tước vị, để sau khi có thêm tước vị, mọi người mới cảm thấy sự tôn vinh của tước vị; hình pháp và ân huệ dựa lẫn nhau, có trật tự trên dưới, thì chính trị mới được trong sáng”.

Nước Tần lấy chủ nghĩa khủng bố quân sự để hoàn thành việc thống nhất lãnh thổ, lại cũng sản sinh không ít thù hận với chư hầu, bởi áp chế sự phản kháng, nên phải lấy hình pháp nghiêm ngặt mà khống chế. Gia Cát Lượng cho rằng, nước Tần lúc bấy giờ quyền lực không được tôn trọng, lại tăng cường áp chế, bởi thế dẫn đến đại bại. Điều hành một quốc gia như vậy, điều quan trọng nhất là tranh thủ hòa hợp, để quyền lực được thừa nhận thêm nhiều, cho nên Hán Cao tổ đã lấy thái độ khoan hòa để bao dung được càng nhiều.

Song tình hình Ích Châu không giống như thế, chính quyền Lưu Chương sao nhãng chính sự, nước Thục pháp lệnh không rõ ràng, bởi thế mà quyền lực không được tôn trọng, quan lại chấp hành thì quen lười biếng, thành ra đặc quyền hoành hành, quyền lực không tỏ rõ, trăm họ lại càng bị bóc lột, bởi thế ắt phải dùng hình luật nghiêm ngặt để chỉnh đốn hành vi của quan lại, để khiến tập uy tín của quyền lực.

Nghiêm chỉnh mà nói, tình thế thiên hạ khi Hán Cao tổ vào Quan Trung là đời loạn, thời thế Ích Châu khi Gia Cát Lượng vào Thục là trễ nải chính sự. Mà đã trễ nải thì quyền lực không được tôn trọng, quan lại lười biếng, dân chúng xem thường pháp luật nên phải lấy điều luật để chỉnh đốn. Đời loạn thì quyền lực không được mọi người thừa nhận, đây đó lập trường khác nhau tranh giành không thôi, điều quan trọng nhất lúc ấy là sách lược khoan dung để tranh thủ hòa hợp.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer