NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Khuyến Học

Phần Bảy: Trách Nhiệm Của Quốc Dân

Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Thể loại: Triết Học
Ads Top

Trong Phần sáu, tôi đã bàn về “Sự quý giá của luật pháp” và đề cập tới “Hai vai trò của quốc dân”. Để bổ sung thêm cho Phần sáu, trong Phần bảy này, tôi muốn giải thích kỹ hơn về nhiệm vụ, vai trò đó.

Có thể nói ở mỗi quốc dân, người nào cũng đều có hai vai trò. Thứ nhất là với tư cách của một người dân đứng dưới chính phủ, tức là vai trò làm “khách”. Thứ hai là trên cơ sở mọi người dân trong đất nước thống nhất tự nguyện kết nối thành một công ty mang tên “quốc gia”, đề ra quy định, luật pháp và đưa “quốc gia” vào hoạt động, tức là vai trò làm “chủ”.

Tôi giả dụ thế này. Có 100 thị dân định lập công ty thương mại gì đó. Mọi người cùng bàn bạc quyết định thành lập, đề ra quy chế nội quy rồi đưa công ty vào hoạt động. Khi đó cả 100 người đều là chủ nhân của công ty. Và dựa vào những điều đã cùng nhau quy định, mọi người thống nhất tuân theo nó, thì khi đó 100 người đồng thời cũng là nhân viên công ty.

Đất nước giống như công ty, nhân dân giống như nhân viên, mỗi người vừa đứng trên vị trí cai trị vừa đứng trên vị trí duy trì sự cai trị ấy, vừa là chủ vừa là khách.

Nghĩa vụ của quốc dân

Đứng trên góc độ là “khách”, thì mọi quốc dân ai cũng phải tôn trọng luật pháp, đồng thời không được quên rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng”. Anh không xâm phạm đến quyền lợi của tôi thì ngược lại tôi cũng không được cản trở quyền lợi của anh. Anh có niềm vui của anh thì tôi cũng có niềm vui của tôi. Không được chiếm đoạt niềm vui của người ta. Không được giết người, không được thậm thụt mật báo, bới móc dựng chuyện cho người khác. Việc tuân thủ luật pháp, tôi cũng như anh phải tuân theo quy định như nhau.

Luật pháp do chính phủ lập ra, cho dù có nhiều điểm rắc rối, xa rời thực tế, thì cũng không có đạo lý nào cho phép chúng ta tùy tiện thích thì theo, không thích thì vi phạm. Ngay cả việc đại sự như quyết định chiến tranh, hay ký các hiệp ước ngoại giao cũng đều thuộc thẩm quyền của chính phủ. Quyền hạn đó, vốn dĩ là thỏa thuận với quốc dân và chúng ta đã trao cho chính phủ. Vì thế, nếu không can hệ tới đại sự thì không nên tranh luận.

Nếu quốc dân chúng ta quên tinh thần này, kể cả trường hợp cách xử lý của chính phủ trái hẳn với tôn chỉ mục đích của chúng ta đi chăng nữa, chúng ta cũng không nên tranh cãi tùy tiện, không thể xuất phát từ lợi ích nhỏ mà xóa bỏ thỏa thuận, bạo động khiêu khích gây ra chiến tranh với ngoại bang, như thế nền độc lập của nước ta một ngày cũng không mong giữ nổi.

Điều này cũng giống như ví dụ về công ty thương mại mà tôi đưa ra nêu trên. Trong số 100 thành viên có 10 người được chọn vào hội đồng quản trị. Dù có bất mãn hay không hài lòng với cách làm của 10 người đó thì cũng không vì thế mà 90 người còn lại, tự ý làm theo suy nghĩ của riêng mình. Chẳng hạn 10 thành viên hội đồng quản trị muốn nhập rượu bán thì 90 người kia lại muốn nhập gạo về. Bàn bạc đôi co không ai chịu ai, rồi mạnh bên nào bên ấy làm, quên hẳn những điều đã quy định với nhau, thì thử hỏi việc kinh doanh của công ty sẽ ra làm sao? Chẳng phải là mọi sự chia rẽ đều dẫn tới tổn thất khiến cho tất cả 100 người đều phải gánh chịu đó sao?

Vì thế nếu mới chỉ cảm nhận luật pháp còn sai, bất cập thì không thể coi đó là cái cớ để phá bỏ nó. Và giả sử sự bất chính, bất cập có là sự thực đi chăng nữa thì cũng phải bình tĩnh kháng nghị, kiên trì kháng nghị đến khi chính phủ phải sửa đổi mới thôi. Khi chính phủ cố tình làm ngơ, thì hợp sức lại kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.

Quyền lợi của quốc dân

Nếu đứng trên góc độ chủ nhân để bàn thì quốc dân một nước cũng chính là chính phủ của nước đó. Vì sao vậy? Đương nhiên toàn thể quốc dân không thể tất cả đều làm chính trị. Chúng ta thỏa thuận với nhau lập ra chính phủ, chúng ta quyết định giao cho chính phủ thi hành luật pháp với tư cách là người thay mặt cho chúng ta.

Vì lẽ đó, nhân dân là chủ nhân của đất nước, là gia chủ của người cai trị và chính phủ là người đại diện, người cai trị. Giống như từ 100 người lập công ty, chọn ra 10 người vào hội đồng quản trị tức là vào chính phủ, số 90 người còn lại là nhân dân. Cho dù nhân dân – số 90 người còn lại – không trực tiếp làm các sự vụ quan trọng, nhưng một khi đã giao phó cho 10 thành viên thay mặt mình thì nếu suy xét thật kỹ thì bản thân mỗi chúng ta chẳng phải là chủ nhân của công ty đó sao.

Mặt khác, 10 người trong hội đồng quản trị, hiện đang điều hành hoạt động của công ty, nhận được sự tin cậy của nhân viên, gánh trách nhiệm nhằm đáp ứng tình cảm đó, vì thế phải đem hết sức mình trong công vụ của công ty, không được nghĩ tới cái lợi cho bản thân. Bây giờ nếu thử suy nghĩ điều trên, người ta thường gọi việc tham gia vào chính phủ là công vụ, việc công. Gốc gác của từ này là công việc của chính phủ không phải là sự vụ cá nhân của các quan chức. Mà nó có nghĩa là thay mặt cho nhân dân, thực hiện việc công, việc chung cho cả xã hội, để cai trị toàn bộ đất nước.

Phải đóng thuế

Chính phủ dựa trên sự tin cậy, ủy thác của dân, thực hiện đúng lời hứa trước dân, không được phân biệt đối xử đối với dân, phải mang lại quyền lợi tối đa cho nhân dân. Tức là pháp luật phải nghiêm minh, không được phép hưởng lợi bất chính dù cái lợi đó có nhỏ nhặt đến mấy. Giả dụ, có một toán cướp đột nhập vào nhà dân. Lúc đó chính phủ biết, nhưng làm ngơ không có bất cứ biện pháp gì để trấn áp, thì có thể nói rằng chính phủ đó cũng là lũ cướp và chẳng khác gì đồng đảng của lũ cướp. Chính phủ có trách nhiệm của chính phủ thì ở mỗi người dân cũng có trách nhiệm của mình.

Giả dụ, một quan chức chính phủ mắc sai sót trong quá trình thực thi công vụ, làm tổn thất 3 vạn yên. Ngay cả tiền để đền bù tổn thất cho chính phủ, bản thân người đó cũng không có. Và đương nhiên quốc dân chúng ta là nơi xuất ra khoản tiền bồi thường thiệt hại đó.

Nếu đem chia số tiền tổn thất là 3 vạn yên cho 30 triệu người – là tổng dân số Nhật Bản chúng ta hiện nay – thì đổ đồng mỗi đầu người phải chịu là 10 mon[13]. Một quan chức chính phủ mười lần gây tổn thất như vậy thì số tiền mỗi quốc dân phải gánh chịu là 100 mon. Điều này cũng có nghĩa là một gia đình có năm nhân khẩu thì số tiền phải gánh chịu là 500 mon. Số tiền này đối với nông dân ở vùng quê tương đương với một bữa ăn tối ngon lành cho cả nhà gồm ông bà đến con cháu. Vậy mà sự lỗi lầm của một quan chức như nói trên vô hình chung đã cướp đi niềm vui của những người dân lương thiện, những người nông dân làm việc cật lực cả ngày ngoài đồng. Thật hết chỗ nói.

Thế là quốc dân chúng ta liền nghĩ việc gì phải chi tiền cho những việc ngu xuẩn như vậy. Nhưng cũng chẳng có cách nào khác vì chúng ta là gia chủ của chính phủ, là chủ nhân của đất nước. Vả lại ngay từ đầu chúng ta đã thỏa thuận và giao phó công việc chính trị, tài chính của Nhật Bản cho chính phủ rồi, nên cũng không thể mỗi khi xảy ra những chuyện chẳng hay ho của các quan chức là chúng ta lại quá bận tâm luận bàn, bực bội. Điều quan trọng hơn là thường nhật chúng ta phải hợp tác hết lòng với chính phủ. Trên cơ sở đó ta xem xét mọi việc làm của chính phủ, nếu thấy các quan chức hành động sai trái, chúng ta phải dám nói, phải tố cáo một cách trung thực với chính phủ, chứ đừng im lặng để mọi việc xảy ra rồi mới kêu ca.

Nhân dân chúng ta là chủ nhân của quốc gia, nên không thể chỉ vì phải trả khoản chi phí nói trên mà chúng ta bực bội khó chịu. Lương của các quan chức chính phủ, ngân sách quốc phòng, lương của công chức các cấp từ trung ương tới địa phương… đó là những khoản tiền khổng lồ nếu gộp lại, nhưng nếu chia đều ra cho từng người thì chúng ta mỗi người sẽ phải chỉ gánh chịu 1 hoặc 2 yên thôi. Chỉ cần trả số tiền như vậy trong suốt cả năm, đổi lại nhận được sự bảo vệ của chính phủ, được yên ổn làm ăn, tự do sinh sống thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo” chứ sao?

Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta – mỗi quốc dân Nhật Bản – phải thực hiện tốt việc đóng tiền thuế cho chính phủ.

Đánh mất khí tiết, làm hại đến con cái, cháu chắt

Nhân dân lẫn chính phủ, nếu cả hai phía đều làm trọn bổn phận, trách nhiệm của mình thì chẳng cần phải nói gì thêm cả. Nhưng cũng có những lúc chính phủ đi chệch hướng, thi hành lối chính trị chuyên chế bạo tàn, chạy theo quyền lực vô tri thức. Những lúc như thế, nhân dân buộc phải hành động. Và sẽ hành động theo một trong ba giải pháp như sau. Hoặc từ bỏ khí tiết, khuất phục chính phủ. Hoặc phản kháng chính phủ bằng bạo lực. Hoặc sẵn sàng hiến thân, hy sinh tính mạng chứ không chịu để mất khí tiết. Tôi xin giải thích rõ hơn.

Giải pháp thứ nhất: Nếu chấp nhận vứt bỏ khí tiết, tuân theo chính phủ vô điều kiện thì có thể coi đây là giải pháp mù quáng.

Tôi đã giải thích ở phần trước: Đạo làm người là tuân theo đạo trời. Nếu vất bỏ đạo lý, khí tiết, đồng lõa với những sai trái bất chính thì tự chúng ta đã làm hỏng vị thế của con người, và tập quán xấu đó sẽ truyền tới đời con, đời cháu.

Từ trước tới nay, ở Nhật Bản có nhiều chính phủ thi hành chế độ chính trị chuyên chế bạo ngược đối với lũ dân ngu muội chúng ta. Nền chính trị bạo ngược sẽ không thể kéo dài mãi được. Biết vậy nhưng lặng thinh chấp nhận cảnh sống cùng cực chỉ vì sợ Tướng quân – Mạc phủ nổi giận và trấn áp. Chính điều này là ví dụ rõ ràng nhất mà tôi phải nói: Nếu nhân dân từ bỏ vị thế của mình thì tương lai bất hạnh sẽ chờ đón chúng ta.

Giải pháp thứ hai, cá nhân chống lại chính quyền, là điều không tưởng. Vì thế mà tập hợp nhau, lập nhóm lập đảng gây nên nội chiến, nội loạn. Cách này tôi không cho là cách làm nghiêm túc. Bởi nếu xảy ra nội loạn thì vấn đề phân biệt thiện, ác sẽ bị loại bỏ. Các bên chỉ dựa vào sức mạnh trên chiến trường để giải quyết. Và kẻ thắng sẽ quyết định tất cả. Mà các bạn hãy xem lại lịch sử tự cổ chí kim của Nhật Bản sẽ rõ: dân chúng tay không bao giờ cũng yếu thế hơn chính phủ. Tôi nghĩ thế này, nếu suy nghĩ về nguyên nhân của loạn lạc nội chiến thì rõ ràng do oán hận căm ghét sự vô nhân đạo, không có tình người của tầng lớp cai trị, nên mới dẫn đến xảy ra các cuộc nổi dậy chống đối. Và không có gì vô nhân đạo, không đếm xỉa đến tình người cho bằng nội loạn. Tình người bị chia cắt, cha con, anh em trở thành kẻ thù địch, nhà cửa bị cướp phá, giết chóc lẫn nhau, sự tàn bạo kinh khủng không sao kể xiết. Mà phe thắng có lập ra chính phủ thì có gì đảm bảo chính phủ đó sẽ thực thi một đường hướng chính trị tử tế, vì họ sinh ra trong máu của nội loạn kia mà.

Giải pháp thứ ba là: giữ trọn đạo lý chính nghĩa, sẵn sàng hi sinh mạng sống trước mọi áp bức của chính quyền. Tức là tin tưởng một lòng một dạ vào đạo Trời, dù phải chịu mọi cực hình của chính quyền chuyên chế, bạo ngược cũng không khuất phục, giữ vững khí tiết, bảo vệ chân lý, niềm tin, hơn nữa không bao giờ sử dụng vũ khí bạo lực, chỉ dùng đạo lý để kháng cáo với chính phủ.

Trong cả ba giải pháp, tôi cho rằng giải pháp thứ ba là thượng sách. Nếu chúng ta chất vấn chính quyền bằng lý lẽ thì những luật pháp tốt hoặc những chính sách tuyệt vời hiện hành trong quốc pháp không bị ảnh hưởng. Thuyết phục bằng lý lẽ, điều đó sẽ thấm dần vào lòng người theo lẽ tự nhiên. Năm nay, thuyết phục chưa được thì sang năm tiếp tục thuyết phục cho tới khi chính quyền hiểu ra. Và mục đích của nó là ngăn chặn và cải thiện bất chính trong chính quyền. Và một khi chính phủ đã chấp thuận cải thiện chính sách thì việc chất vấn chính phủ cũng sẽ chấm dứt.

Nếu chúng ta dùng sức mạnh đối địch với chính phủ thì chính phủ cũng sẽ đáp lại bằng việc đàn áp, bắt bớ. Quan chức chính phủ dù có là những kẻ bạo chính thì cũng là người Nhật Bản chúng ta cả. Trước những lời lẽ đúng với đạo lý của những người chất vấn chính phủ trong hòa bình và sẵn sàng hi sinh thân mình vì đạo lý đó thì không lẽ không thuyết phục hoặc không làm lay động được các quan chức chính phủ? Tôi nghĩ rằng họ không thể không hối hận về những lầm lỗi, sai trái của họ và sẽ cải tà quy chính.

Như thế nào là “tử vì đạo”?

Ở phương Tây, người ta gọi những người ưu tư trăn trở trong xã hội, coi nhẹ bản thân, sẵn sàng hi sinh cho nhân loại bất chấp hiểm nguy là những người “tử vì đạo”. Tính mạng mất đi chỉ là tính mạng của một người nhưng hiệu quả mang lại hơn hẳn bất kỳ một cuộc nội chiến nào làm chết đi hàng triệu sinh linh, tiêu tốn hàng triệu tiền bạc.

Từ xa xưa, ở Nhật Bản có biết bao người chết trận, biết bao kẻ mổ bụng tự vẫn. Những người này đều được xã hội đánh giá cao, nào là trung thần nghĩa sĩ, nào là đáng mặt anh hùng. Thế nhưng các bạn hãy cùng tôi thử tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ lại dám xả thân như vậy? Có thể nói phần lớn họ đều bị cuốn vào các cuộc nội chiến giữa hai thế lực tranh giành quyền lực chính trị trong xã hội. Ví như cuộc chiến tranh Nam Bắc Nhật Bản[14] chẳng hạn. Hoặc họ chết trong các trận đánh để báo thù cho lãnh chúa. Những cái chết của họ gây nên sự xúc động trong xã hội. Quả thật, họ chết thật khẳng khái, thật đẹp đẽ. Nhưng nghĩ kỹ mà xem, những cái chết đó thực ra có đem lại ích lợi chân chính gì cho xã hội không? Trong khi bản thân họ, một chữ bẻ đôi cũng không biết, năng lực nhìn nhận sự việc không có, lại luôn bị nhồi vào đầu nào là phải trung thành với chúa, nào là không giữ trọn chữ trung thì thà chết còn hơn… Cho dù dư luận xã hội có chấp nhận và tha thứ đi nữa, thì giờ đây đứng trên tinh thần của công cuộc khai hóa văn minh để nhìn nhận, chỉ có thể khẳng định rằng họ hoàn toàn không thể hiểu thế nào là sự hi sinh chân chính, không hiểu ý nghĩa đích thực của việc chết vinh còn hơn sống nhục.

Xưa nay, nói tới văn minh là nói tới trí dục và đức dục, tức là khả năng nâng cao trí thức và đạo đức con người. Mỗi người đều mang nhân cách riêng của từng cá thể độc lập, hòa mình vào xã hội, không xâm phạm đến người khác và cũng không bị người khác làm hại. Mọi người đều tự xác lập quyền lợi riêng của mình, trên cơ sở đó đem lại sự ổn định và phồn thịnh cho toàn xã hội.

Phải chăng cuộc nội chiến Nam Bắc, những cái chết của các Võ sĩ Vô chủ là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của văn minh, là đạt được mục tiêu “đưa đường chỉ lối cho xã hội đến với văn minh”? Có đúng là cứ thắng trong cuộc nội chiến đó, cứ chém giết thật nhiều những kẻ đối địch, không làm bẽ mặt lãnh chúa là sẽ mang lại văn minh cho xã hội, công thương nghiệp sẽ phát triển, một xã hội phồn vinh sẽ đến?

Phải biết hi sinh thân mình như thế nào

Không biết đã bao nhiêu lần tôi được nghe những câu chuyện đại loại như một người hầu nọ chủ sai cầm tiền đi mua rượu. Giữa đường người hầu chẳng may đánh mất đồng tiền, phần lo sợ, phần bối rối vì không làm đúng lời chủ dặn, nên treo cổ tự tử trên một cành cây dọc đường.

Giờ đây, nếu thương cảm với tâm trạng khi tự vẫn của người hầu trung nghĩa đó, cũng như tìm hiểu kỹ hoàn cảnh lúc bấy giờ thì quả thật trong chúng ta sẽ dấy lên lòng xót thương tội nghiệp. Ra đi mãi mãi không quay về. Lấy cái chết để chuộc lỗi với chủ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến người đời phải xót xa, rơi lệ.

Lẽ ra, người hầu đáng được lưu danh trong dân chúng vì lòng trung thành của anh ta, cũng giống như lòng trung thành của các nghĩa sĩ trung thần. Vậy thì vì sao người ta không những không ngợi khen lòng trung thành của người hầu nọ, mà ngược lại còn tỏ ra khinh miệt hành động của anh ta? Người ta nói thế này: “Cái chết của người hầu chẳng qua chỉ vì một đồng bạc, sự thể có ghê gớm đến mức phải bỏ mạng như vậy đâu”. Nhưng dù suy luận như thế thì ngay việc đem câu chuyện lên bàn cân để cân chắc nặng nhẹ cũng là điều không nên. Không chỉ vì số tiền bị mất lớn hay nhỏ, và số người chết nhiều hay ít.

Ý nghĩa của cái chết chỉ được đánh giá nặng nhẹ tùy thuộc vào điều đó có lợi gì cho sự tiến bộ của nền văn minh xã hội. Bỏ mình trên chiến trường cho lãnh chúa sau khi đã tiêu diệt hàng vạn quân địch của các nghĩa sĩ, hay tự tử chỉ vì làm mất một cắc bạc của người hầu, suy cho cùng thì cả hai cách chết này giống nhau ở chỗ đều không mang lại ích lợi cho xã hội. Và cũng không thể coi trọng cái chết nào cả. Có thể nói rằng cả nghĩa sĩ lẫn người hầu đều dâng hiến tính mạng một cách uổng phí. Những cái chết như vậy, không thể gọi là “tử vì đạo” được.

Theo như tôi biết ở Nhật Bản, cũng có một người suốt đời chủ trương cho quyền lợi của nhân dân, kiên trì kháng nghị với chính quyền bằng đạo lý. Ông ấy đã hi sinh thân mình cho đạo lý, ông đã “tử vì đạo” không một chút hổ thẹn với đời. Ông ấy sống ở vùng Chiba, tên là Sugaru Shyugorou. Ông khẳng khái tâu trình với Tướng quân về sự tàn bạo của lãnh chúa cai trị lãnh địa nơi ông sinh sống. Toàn bộ gia tộc của ông bị xử chém, nhưng dân chúng trong lãnh địa được ông cứu thoát khỏi cảnh cùng khổ. Tiêc thay, những gì biết về ông chỉ được người đời lưu lại trong truyền thuyết ghi ở các cuốn Kusazoushi dân gian, mà chưa tìm thấy một tài liệu chính thức nào trong chính sử. Đến một lúc nào đó tìm ra được tài liệu chính thức, tôi muốn ghi nhận công đức của ông và coi cuộc đời ông là quy phạm, chuẩn mực trong xã hội.

Tháng 3 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)

Bình luận
Ads Footer