NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Khuyến Học

Phần Mười Bốn: Phải Luôn Xem Lại Tinh Thần Của Bản Thân

Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Thể loại: Triết Học
Ads Top

Con người luôn gặp những thất bại không ngờ tới

Trong cuộc sống, con người làm nhiều việc dại dột, ngu ngốc hơn so với suy nghĩ trong đầu, làm nhiều điều xấu hơn so với cảm xúc trong lòng, và kết quả đạt được thường cũng không như dự tính ban đầu. Dù có xấu đến đâu, cũng không có người nào suốt đời chỉ làm toàn điều ác. Nhưng gặp một việc gì đó, bất chợt ác tâm hiện lên, biết là không nên nhưng vẫn cố làm, khi sự việc vỡ lở thì lại viện ra đủ mọi lý lẽ để hợp lý hóa sự việc xấu đó.

Ngược lại, có những việc đã làm vì tin chắc là tốt. Nhưng theo thời gian, nhìn lại thì cảm thấy đó là việc làm đáng hổ thẹn và tự nhủ không hiểu sao khi ấy lại hành động như vậy.

Giữa con người với con người, có sự chênh lệch về trí tuệ. Nhưng không một người nào lại muốn tự hạ thấp bản thân khi so với các loài muông thú. Có rất nhiều trường hợp bị xã hội chê cười, hoặc tự mình hối hận vì cứ nghĩ rằng “việc này hợp với khả năng của mình”, nhưng đến lúc bắt tay vào làm thì hết hỏng chỗ này lại sai chỗ khác, mà lại toàn hỏng và sai ở những chỗ không thể ngờ tới.

Nhìn những người ôm ấp sự nghiệp và gặp thất bại thì nghĩ là họ ngu dốt hoặc viển vông. Nhưng thật ra khi lập kế hoạch cho việc đó, họ cũng không đến nỗi dốt nát lắm đâu. Có một nguyên nhân rất lớn trong những thất bại như vậy. Đó là cuộc sống luôn sống động. Xã hội không đứng yên mà luôn vận động. Vì thế nếu không dự đoán hay lường trước được sự biến đổi đó thì người thông minh cũng sẽ gặp thất bại khôn lường.

Kế hoạch do con người hoạch định thường to lớn. Nhưng rất khó dự đoán được là khi bắt tay vào làm sẽ thuận lợi, dễ dàng hay khó khăn, phức tạp, có thể nhanh chóng hoàn thành hay tốn nhiều thời gian. Franklin từng nói: “Gì chứ thời gian thì không bao giờ thiếu. Nhưng khi bắt tay vào việc gì thì luôn thiếu thời gian.” Quả đúng như vậy.

Thuê thợ xây nhà, nhờ thợ may áo, có tới tám chín chục phần trăm là chậm. Không phải là do họ cố tình làm chậm. Chẳng qua là vì phương pháp tính toán, cách làm của họ không chính xác. Những lúc đó họ thường bị trách móc vì đã thất hứa. Nhưng đã chắc gì những người trách móc sẽ giữ được lời hứa?

Có anh học trò nọ, rời quê lên tỉnh học, trong lòng tự nhủ: “Chấp nhận mọi khó khăn, ba năm nữa sẽ học thành tài.” Lại còn có người, bỏ ra cả đống tiền mua một cuốn sách hay, trong bụng nghĩ thầm: “Chỉ cần ba tháng là sẽ thuộc, thông hiểu cuốn sách”. Cả hai trường hợp đã chắc gì thực hiện được lời hứa với mình?

Có người đàn ông, mong muốn trở thành quan chức. “Nếu là mình thì sẽ cải thiện ngay được tình hình. Và nửa năm sau sẽ đổi mới chính sách”. Anh ta viết bản kiến nghị gửi lên chính phủ đến cả chục lần. Cuối cùng cũng được tuyển dụng vào hàng quan chức. Thử hỏi xem, sau đó anh ta có thực hiện được đúng như bản đệ trình không?

Có chàng thư sinh nghèo khó: “Ước gì mình có đống tiền. Ngay lập tức sẽ xây trường học khắp nơi trên đất Nhật Bản để cho mọi người có chỗ học tập.” Ước sao được vậy. Anh ta trở nên giàu có. Nhưng thử hỏi xem anh ta có thực hiện đúng như suy nghĩ trước đấy hay không?

Những suy nghĩ không tưởng như thế, trong xã hội nhiều vô kể. Đó là vì mọi người thường nhìn nhận vấn đề quá dễ dàng, không suy nghĩ tới khả năng khả thi cũng như dự đoán đúng thời hạn của công việc.

Trong xã hội, lại có những người lập ra một kế hoạch nào đấy. “Sẽ hoàn thành trước khi chết” hoặc “Trong vòng mười năm phải thực hiện”. Những người này là nhiều nhất. Những người nói “trong vòng ba năm” hoặc “trong năm nay sẽ thực hiện xong” tương đối ít. Còn “trong tháng này” hay “bây giờ bắt tay ngay vào thực hiện” thì hầu như rất hiếm. Tôi chưa gặp được người nào đã từng “hoàn tất kế hoạch trong mười năm” cả.

Những kế hoạch lâu dài, thoạt nhìn có vẻ như rất tuyệt vời. Nhưng đến thời hạn thì nội dung cụ thể của kế hoạch đó là gì cũng không sao thuyết minh ra được. Nguyên nhân chính là do tính toán thời hạn qua loa. Mặt khác, tự thân kế hoạch đó quá dở.

Đây là điều quan trọng nhất trong làm ăn

Cuộc đời con người không mấy khi suôn sẻ. Những việc không ngờ tới thường xảy đến. Công việc ít khi theo đúng kế hoạch đã định. Để tránh điều này phải suy nghĩ tới một phương pháp mà người ta không mấy khi để ý. Đó là trong công việc, cũng như trong học vấn của mình, cần phải xem xét lại xem từ trước tới nay cái gì đã làm được? Cái gì chưa làm được? Thỉnh thoảng cần phải “tính sổ”, được mất những gì? Nói như trong thương mại là phải quyết toán thu chi.

Trong buôn bán làm ăn, chẳng có ai ngay từ đầu nghĩ rằng mình sẽ lỗ vốn cả. Người ta lập nghiệp dựa trên cơ sở vốn liếng và khả năng phán đoán thị trường. Tình thế biến động khi lỗ khi lời. Cuối năm quyết toán sổ sách, có những thứ đúng như tính toán. Có những thứ chẳng giống ai. Rồi có những mặt hàng chắc chắn trăm phần trăm là sẽ có lãi nhưng đến khi làm lại thành lỗ chỏng lỗ chơ. Có những thứ cực khan hiếm trên thị trường, phải tìm mua bằng được để tích trữ trong kho. Vậy mà đến khi đem ra bán lại ít người mua, bán không chạy. Lúc đó mới hối hận sao mua vào quá nhiều. Vì vậy, trong làm ăn, điều quan trọng nhất là hàng ngày phải ghi chép sổ sách chứng từ thu chi cẩn thận. Luôn kiểm tra hàng tồn kho, xem cái gì lỗ, lời bao nhiêu và lỗ bao nhiêu phải tính toán rõ ràng.

Cách tính toán “cái được, cái mất” trong cuộc đời

Nhìn chung, cuộc đời con người cũng vậy. Cuộc sống của con người thường bắt đầu từ khi chín, mười tuổi – tuổi đã cảm nhận được sự yêu, ghét.

Dưới đây là cách chỉnh lý những điểm mà từ trước tới nay tự mình cho là chưa được.

Hiện tại, mình đang làm gì, đang học gì và đã làm được đến đâu, hay học được tới đâu? Bây giờ đang mua vào mặt hàng nào? Định bán ra sao? Đã kiểm soát “lòng thương hại” một cách chắc chắn chưa? Chỉ vì mấy nhân viên lười biếng, ham chơi mà lại để thâm hụt nào trong sổ sách kế toán không? Cách kinh doanh năm nay có thể áp dụng cho năm sau không? Ngoài ra còn phải suy tính, trăn trở điểm gì nữa v.v… Cần kiểm tra cả “sổ sách” về tinh thần nữa. Cần thiết phải “tính sổ” tất cả các mặt.

Nghèo là chuyện thường tình của các Võ sĩ, vì bổn phận của họ là trung nghĩa, một lòng một dạ vì nước. Nói vậy thôi, chứ họ là tầng lớp ăn hại nhiều thóc gạo của nông dân nhất. Hiện nay, Võ sĩ là tầng lớp sống hão huyền nhất. Phương Tây đã dùng tới súng đạn làm vũ khí trang bị mà họ không hề biết, vẫn tiếp tục đặt rèn kiếm, nào có ích gì. Hối hận thì đã muộn.

Những học giả chỉ toàn nghiên cứu kinh điển Tàu, Nhật, một mực sùng bái học vấn cổ đại, coi khinh tri thức mới của phương Tây, chậm chân không sao theo kịp thời thế. Như thế có khác nào thấy mùng màn bán chạy vào mùa hè mà đã vội tích trữ từ đầu đông.

Lại còn có những sinh viên, học chưa ra đâu vào đâu, cũng vội ra làm viên chức. Kết cục suốt đời chỉ là anh viên chức quèn. Như thế có khác gì áo chưa may xong, đã vội mặc đem ra chưng diện.

Chưa vắt sạch mũi kiến thức địa lý, lịch sử, viết lá thư cũng không ra hồn, đã vội đọc sách cao xa, chỉ được vài trang là chán. Rồi lại chạy sang cuốn sách khác. Như thế có khác nào không có vốn mà cũng học đòi kinh doanh, và chỉ trong một ngày là lại chuyển sang kinh doanh thứ khác.

Có đọc bao nhiêu sách Tây, Tàu, Nhật đi nữa mà không nắm bắt được tình hình thế giới có khác nào kẻ chưa nuôi nổi miệng mình mà lại đòi kinh doanh bách khoa mà cũng chẳng thèm biết gẩy bàn tính.

Cho dù có hiểu tình hình thế giới đi nữa, nếu không tự tu dưỡng chỉnh sửa bản thân thì cũng chẳng khác gì có thể góp ý cho hàng xóm buôn bán, nhưng trộm lẻn vào nhà mình khuân hết đồ đạc lúc nào cũng không hay.

Mở miệng là tuôn ra tràng giang đại hải những kiến thức mới đang là mốt, nhưng chẳng bao giờ tìm hiểu bản chất thực sự của nó, bản thân mình đứng ở chỗ nào cũng không biết, những kẻ như vậy có khác nào chỉ biết tên hàng mà chẳng biết giá cả, công dụng của nó ra sao?

Những hạng người tội nghiệp như vậy không phải hiếm trong xã hội này.

Nguyên nhân là con người đã phó mặc cuộc đời theo dòng chảy thời thế, sống trôi sống nổi. Lại chưa khi nào tự xem lại mình: “Từ khi sinh ra đến nay đã làm được những gì? Từ nay về sau sẽ tiếp tục ra sao?” nên mới xảy ra những chuyện như vậy.

Phân tích rõ tình hình buôn bán, và để lập kế hoạch cho sau này thì việc kiểm tra sổ sách, rút kinh nghiệm trên cơ sở quyết toán là việc cần thiết.

Để nhận thức rõ chỗ đứng hiện tại của mình, để đề ra phương châm, kế hoạch cho tương lai thì cần phải kiểm tra lại tri thức và tinh thần của chính mình.

“Chăm sóc” có hai vế

Từ “chăm sóc” có hai vế. Vế thứ nhất là Bảo hộ. Và vế thứ hai là Bảo ban. Bảo hộ là sự giúp đỡ và che chở. Bảo ban là việc chỉ dẫn cho biết nên làm điều gì thì có lợi, nên tránh điều gì có hại. Có đủ cả hai vế này mới thực sự là chăm sóc. Làm tốt cả hai vế thì mọi việc trong xã hội nhất định sẽ đâu vào đấy.

Cha mẹ bảo hộ cho con cái bằng cách cho cái ăn, cho cái mặc. Và con cái nghe theo lời bảo ban của cha mẹ. Được như vậy, quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới ổn thỏa.

Chính phủ bảo hộ dân chúng và xã hội theo luật pháp, tức là dựa trên luật pháp bảo vệ sinh mạng, danh dự và tài sản của dân chúng, bảo vệ trật tự trị an xã hội. Nhân dân chấp hành chỉ thị và không quay lưng lại mệnh lệnh của chính phủ. Như thế mới giữ được mối quan hệ công – tư, tức là đảm bảo được ích nước lợi dân.

Theo lẽ đó, bảo hộ và bảo ban, hai vế luôn phải đồng hành và ngang bằng, như thế mới đúng nghĩa của từ “chăm sóc”. Một vế hỏng thì tai họa sẽ xảy ra. Trong xã hội thường xảy ra nhiều vấn đề cũng bởi vì dân chúng và chính quyền bên nào cũng chỉ hiểu và làm theo vế có lợi cho mình.

Không thể bảo hộ nếu thiếu chỉ dẫn

Ví dụ, nếu người làm cha, làm mẹ biết con mình hay chơi bời lêu lổng, tiêu pha bừa bãi, không chịu nghe theo sự chỉ dẫn, bảo ban mà vẫn tiếp tục chu cấp tiền bạc chiều theo ý nó là thí dụ về bảo hộ mà không dạy dỗ. Ngược lại con cái cố gắng, chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe theo sự bảo ban của cha mẹ, nhưng lại không được đảm bảo cái ăn, cái mặc, không cho học hành là thí dụ chỉ có dạy dỗ mà không bảo hộ.

Ví dụ trước là bảo hộ quá đáng, ví dụ sau là cha mẹ không có lòng từ bi. Cả hai trường hợp buộc tôi phải nghi hoặc thái độ của người làm cha làm mẹ.

Người xưa có câu “Làm ơn mắc oán”. Ý muốn nói đến trường hợp người ta tìm mọi cách để khuyên nhủ, can ngăn bạn bè không nên làm một việc gì đó, nhưng không được bạn bè nghe theo lại còn bị oán ghét. Đối với loại người ấy, đừng lo lắng cho họ nhiều quá, nên chừng mực vừa phải thôi. Người không theo sự chỉ dẫn thì có bảo hộ cũng hỏng.

Lại có những ông già lẩm cẩm mang gia phả từ mấy chục đời đến chỗ cháu chắt chút chít hoạch họe. Lại có ông chú họ xa, gọi con ruột của người đã khuất tới, chỉ thị việc này việc khác và mắng cháu chắt bạc tình, bạc nghĩa. Rồi lại còn chuyện khốn nạn nữa là lập di chúc giả hòng chiếm đoạt tài sản của đứa cháu còn thơ dại mà đã mồ côi bố mẹ.

Tất cả những ví dụ trên là những minh chứng cho thấy trong quan hệ giữa con người với con người luôn xảy ra sự không cân bằng giữa hai vế của từ chăm sóc. Hoặc không bảo hộ mà chỉ có bảo ban, chỉ dẫn quá đà. Hoặc không bảo ban, chỉ dẫn mà chỉ bảo hộ quá mức.

Ngoài ra, trong xã hội còn có hoạt động được gọi là Cứu tế Người nghèo. Không phân biệt người thiện hay kẻ ác, không tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới nghèo khổ mà chỉ biết cho tiền cho bạc. Giúp đỡ những người không chốn nương thân là lẽ đương nhiên, nhưng có những kẻ được cấp cho năm đấu thóc là lập tức bán đi ba đấu lấy tiền mua rượu uống. Đó là ví dụ rõ nhất về việc chỉ bảo hộ quá mức mà không chỉ dẫn, dạy dỗ. Ngay tại Anh quốc, người ta cũng gặp phải những chuyện nan giải như thế. Chỉ có bảo hộ không ắt sẽ bị lợi dụng.

Cần thiết phải có cả hai loại “chăm sóc” trong chính trị

Thử ứng dụng lý luận trên đây vào chính trị xem sao.

Nhân dân đóng thuế đảm bảo chi phí ngân sách chính phủ, duy trì tài chính cho quốc gia. Vậy mà tại các quốc gia chuyên chế như Nhật Bản, ý kiến của nhân dân không những không được tiếp thu mà ngay cả Nghị viện – nơi để người ta nói lên ý kiến của mình – cũng không có nốt.

Nhân dân nuôi dưỡng chính phủ bằng tiền thuế và nhiều thứ khác, có nghĩa là nhân dân đang bảo hộ cho chính phủ. Nhưng những kiến nghị, góp ý của nhân dân đối với chính phủ lại bị cấm đoán. Những vụ việc như thế nhiều vô kể trong xã hội.

Hai vế bảo hộ và chỉ dẫn của từ “chăm sóc” cũng chính là nguyên tắc kinh tế cơ bản, nguyên tắc trao đổi ngang bằng. Vì thế, cần phải tâm niệm kỹ điều này vào bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống, trong sinh hoạt xã hội.

Nhưng cũng có người phê phán rằng, cái đó chẳng liên quan gì đến cuộc sống hay đến nghề nghiệp của ai. Cái gì cũng tính toán hơn thiệt, so đo quá như vậy thì còn đâu là tình người. Nhưng nếu suy nghĩ theo cách đó thì thà đừng có bảo hộ hay đừng có ép buộc còn hơn, vì nó sẽ làm tổn hại tình cảm của đối tác, khiến cho việc giao tiếp và các quan hệ trở nên xấu đi.

Tôi cũng xin nói thêm để tránh hiểu lầm. Con người hễ nhìn thấy người ta khổ sở, tội nghiệp thì ai mà chẳng động lòng trắc ẩn và muốn giúp đỡ. Đó là sự chăm sóc theo vế bảo hộ. Việc giúp đỡ đó tuy không xuất phát từ quy luật kinh tế nhưng là hành vi được khen ngợi về phương diện đạo đức. Con người không thể sống chỉ bằng lý trí, bằng tính toán lạnh lùng trong suốt cuộc đời.

Hỡi các bạn sinh viên Nhật Bản, đừng có lúc nào cũng chỉ đưa ra quy luật kinh tế trong các mối quan hệ mà quên mất tinh thần nhân ái tương trợ trong mỗi con người.

Tháng 3 năm Minh Trị thứ tám (tức năm 1875)

Bình luận
Ads Footer