NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Khuyến Học

Phần Mười Bảy: Bàn Về Sự Tín Nhiệm

Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Thể loại: Triết Học
Ads Top

Nói tới tín nhiệm tức là nói tới độ tin cậy

Quan sát mười người, quan sát một trăm người, có thể nhận ra người nào là người chín chắn, người nào là người trông cậy được. Giao việc cho người này giải quyết thì nhất định là ổn thỏa. Giao việc cho người kia làm chắc chắn là sẽ hoàn thành tốt. Ai bộc lộ được những phẩm chất vượt trội, được kỳ vọng hơn so với những người bình thường khác là người được tín nhiệm.

Trong xã hội con người, thường thì nếu không được mọi người đặt lòng tin, không được trọng dụng thì khó mà làm nên trò trống gì.

Thống đốc ngân hàng điều hành khối lượng tiền lớn theo sự ủy thác tin tưởng của người gửi, của khách hàng. Bộ trưởng, tỉnh trưởng được giao trọng trách đảm bảo lợi ích trong cuộc sống và danh dự của người dân. Do họ được mọi người tín nhiệm, được tin tưởng trọng dụng nên mới có thể hoàn tất được những công việc lớn như vậy trong cuộc sống.

Sản phẩm hàng hóa của các Tổ hợp bách hóa Mitsukoshi hay Daimaru giá cả luôn niêm yết rõ ràng, chất lượng bảo đảm, được người tiêu dùng tín nhiệm, yên tâm mua. Các tác phẩm của nhà văn Takizawa Bakin, chỉ cần thấy tên ông trên sách in là người đọc đã cảm thấy tin tưởng, đặt mua ngay. Vì những nơi này, người này được khách hàng, được độc giả một mực tín nhiệm. Cho nên các cửa hàng của Mitsukoshi, Daimaru rất phát đạt. Sách của Bakin bán rất chạy.

Tầm quan trọng của việc được mọi người tín nhiệm trọng dụng là ở chỗ đó.

Yêu cầu một người có sức lực đủ sức vác nổi một trọng lượng 60 ký lô mang đúng 60 ký lô. Cho người có tài sản trị giá một nghìn yên vay đúng số tiền một nghìn yên. Đó là điều dĩ nhiên. Nó hoàn toàn không liên quan gì tới việc tin tưởng hay tín nhiệm cả. Quan hệ con người trong xã hội đơn giản như vậy. Trên thực tế, có người bình thường chỉ đủ sức lực vác được một khối lượng 30 ký lô, nhưng người đó chỉ cần ngồi mà cũng có thể làm chuyển động một khối lượng hàng hóa nặng hàng trăm ký lô. Có người, tài sản cá nhân chỉ đáng giá một nghìn yên, nhưng nếu được sự tin tưởng, tín nhiệm của người khác thì người ấy có thể điều hành một khối lượng tiền lên tới hàng triệu triệu yên.

Bây giờ tôi đưa ra một số thí dụ. Hãy thử giở sổ sách thu chi của một thương nhân có tiếng là giàu có ra xem sao. So với số thu vào thì số chi ra gấp nhiều lần. Khoản chênh lệch này còn nhiều hơn so với tài sản của anh ta. Hóa ra anh ta còn nghèo hơn cả những người ăn mày không một đồng xu dính túi. Vậy mà tại sao mọi người trong xã hội lại không nhìn anh ta với con mắt như vậy. Chẳng cần phải nói ai cũng biết vì anh ta có được lòng tin của xã hội.

Con người, không phải cứ chỉ cần có năng lực và cũng không phải do có tài sản lớn là có được sự tín nhiệm. Mà sự tín nhiệm có được là kết quả của cả quá trình tích tụ dần dần bởi tài năng và trí tuệ, bởi tấm lòng chính trực, lòng thành thật của người đó.

Thật và giả khác nhau ra sao?

Trước đây, tôi đã đề cập tới việc Trí và Đức đem lại sự tín nhiệm. Tuy vậy, trong xã hội cũng có nhiều kẻ tin tưởng là được tín nhiệm nhưng thực tế không phải như vậy.

Thầy lang băm thường sơn phết phòng khám hào nhoáng hòng dụ bệnh nhân tìm tới. Tiệm bán thuốc thường khuếch đại quảng cáo hòng bán được nhiều thuốc. Công ty làm ăn mờ ám lại hay phô trương cái két tiền dẫu nó rỗng tuếch. Học giả thường khoe khoang thư phòng nhiều sách nhưng chẳng bao giờ đọc. Cũng có kẻ một chữ ngoại ngữ không biết, vậy mà khi ngồi trong xe ô tô lại cầm tờ báo tiếng Anh ra vẻ nghiền ngẫm. Có người Chủ nhật đi nhà thờ, sám hối rỏ lệ trước lời của linh mục, nhưng sáng sớm thứ hai là vợ chồng lại cãi cọ ầm ĩ.

Trong xã hội rộng lớn này, thật giả, thiện ác lẫn lộn. Khó mà phân biệt đâu là tốt đâu là xấu. Cũng có trường hợp tín nhiệm lầm người, tài đã không có mà đức cũng không nốt. Lại còn những trường hợp thế này nữa, đó là những người sống ẩn dật, trốn tránh xã hội. Họ hễ mở miệng ra là “tôi không màng tới danh tới lợi, vì đó chẳng qua cũng chỉ là hư danh nhất thời mà thôi.” Nhưng trong bụng họ thật ra chính là do bất bình danh lợi mới đi lánh đời đó thôi.

Thế nhưng, nếu chỉ nhìn chăm chăm vào mặt cực đoan mà không nhìn hiện trạng muôn màu nhiều vẻ của xã hội đã vội phê phán thì sẽ ra sao? Cái gì trong xã hội cũng chê bai phản đối. Nhìn xã hội thấy mọi thứ đều tiêu cực xấu xa. Phải chăng họ thực sự mong muốn sự tiến bộ xã hội.

“Tôi đâu màng tới danh tiếng, tín nhiệm trong xã hội.” Thoạt nghe quả là kêu. Nhưng bản chất của danh tiếng mà bản thân họ không cần tới là gì vậy? Danh vọng, nổi tiếng theo kiểu trang hoàng phòng khám của thầy lang băm, theo kiểu quảng cáo của tiệm thuốc thì đương nhiên cần phải tránh xa, không phải bàn đến. Vì đó là đồ rởm hàng giả, vì người ta bán hư danh.

Đồng thời nhìn từ phía khác thì quan hệ con người trong xã hội không phải là tất tần tật đều xấu, đều dối trá và lừa đảo. Tri thức, nhân cách của con người có thể ví như thân cây. Còn danh dự, sự tín nhiệm có thể coi là những bông hoa nở trên đó. Vì sao lại không chấp nhận việc trồng cây, chăm bón chờ ngày ra nụ nở hoa? Tại sao lại phải chạy trốn nó?

Đã không suy nghĩ cặn kẽ bản chất của sự tín nhiệm của xã hội, lại trốn tránh tất cả không từ cái gì, chẳng khác gì đã không muốn cho hoa nở mà còn giấu nốt giá trị của cây nữa. Làm như thế có ích lợi gì? Trái lại sẽ làm hại cho xã hội. Tự mình tiêu diệt sự sống, tiêu diệt sự hữu ích.

Cần nói về bản thân mình

Vậy thì có nên mong vào vinh hạnh và tín nhiệm hay không? Điều này cần phải có câu trả lời rõ ràng. Tôi nghĩ là cần nhưng phải dựa vào nỗ lực của bản thân. Khi đó, cần phải xác định rõ vị trí của mình và đòi hỏi người khác phải đánh giá đúng về mình.

Có được sự tín nhiệm của xã hội bằng chính sự nỗ lực của mình, cũng giống như người hàng xáo cân và bán gạo vậy. Kẻ dốt khi khách cần mua 10 ký lô lại cân lên thành 10,3 ký. Kẻ gian lận thì cân thiếu đi thành 9,7 ký. Lẽ ra khách cần 10 ký lô thì phải cân đủ cho khách, không thừa không thiếu. Sự chênh lệch dù chỉ là 2 hoặc 3%, nhưng tích lại sẽ có được khoản lời lớn. Có thể có người cho như thế là biết cách làm ăn. Nhưng nhìn từ góc độ đạo đức kinh doanh, kẻ gian lận là kẻ đáng bị lên án.

Khổng Tử có câu “Đừng buồn vì người không biết ta. Hãy buồn vì ta không có cái gì để người biết”. Câu này có nghĩa là người có tài có đức thì không buồn phiền vì không được nhìn nhận. Ngược lại họ lo lắng vì không có tài đức gì để người khác biết đến. Lời răn này đã là một chủ trương nhằm thay đổi một tập quán xấu thịnh hành trong xã hội lúc đó.

Vậy mà các nhà hủ nho hậu thế lại hiểu sai, cho rằng cứ thu mình lại là được. Không cần tranh luận, không cần biểu lộ tình cảm ra mặt, không cười không khóc trước mặt mọi người. Như thế mới là thanh cao tao nhã. Họ sùng bái những học giả vô cảm miệng câm như hến. Thật là kỳ quặc!

Chúng ta cần phải rũ bỏ, phải thoát khỏi cái tập quán làm người ta trở nên chán ghét như thế. Phải tham gia vào xã hội con người sống động, giao tiếp với mọi tầng lớp, tìm hiểu mọi sự vật, biết người và để mọi người biết mình.

Vậy thì phải làm thế nào để thỏa sức phát huy được tính cách và thực lực thực sự của bản thân, làm thế nào để cống hiến cho xã hội. Muốn vậy cần bốn điều kiện sau.

Coi trọng tiếng mẹ đẻ

Phải học cách nói năng. Đương nhiên không được xem nhẹ các bài viết, các tác phẩm, vì chữ viết vốn có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải suy nghĩ của mình cho độc giả. Nhưng để thông báo trực tiếp những suy nghĩ của mình cho mọi người xung quanh, thì không có gì hơn là nói chuyện. Vì thế cần học nói cho trôi chảy, lưu loát, sinh động. Gần đây, nhiều cuộc diễn thuyết đã được tổ chức. Ngoài cái lợi là được nghe những vấn đề diễn giả đề cập, còn có cái lợi nữa là cả người nghe lẫn người diễn thuyết đều cùng học được cách diễn đạt, cách nói chuyện.

Vô phúc phải nghe bài nói của những diễn giả ngôn ngữ nghèo nàn, diễn đạt khô khan thì thật là buồn chán. Ngay thầy giáo đứng trên bục giảng, cách diễn đạt cũng rất quan trọng. Ví dụ để giải thích về một loại khoáng chất như “thạch anh” chẳng hạn. Nếu chỉ hướng xuống học trò với khuôn mặt nghiêm nghị và nói một câu khô khốc: “Đây là viên thạch anh” thì dĩ nhiên học trò cũng hiểu. Nhưng nếu thầy giáo giảng giải tỉ mỉ bằng từ ngữ sinh động thì chắc rằng sẽ hấp dẫn các em hơn. Ví dụ có thể nói “Các em hãy nhìn vào cái trên lòng bàn tay thầy và đoán xem nó là cái gì? Trông giống hòn bi phải không nào? Trong như thủy tinh phải không nào? Thực ra không phải là thủy tinh mà là một hợp chất được khai thác từ mỏ. Tỉnh Yamaken có rất nhiều. Người ta gọi nó là thạch anh.”

Không học cách nói, cách diễn thuyết là nguyên nhân chính làm nghèo nàn cách diễn đạt ngôn ngữ. Gần đây, sinh viên có xu hướng sính tiếng Anh vì cho rằng tiếng Nhật thật bất tiện. Là người Nhật Bản mà không nói sõi tiếng mẹ đẻ, không dùng trơn tru tiếng Nhật thì thật là tệ hại. Tiếng mẹ đẻ phát triển cùng với sự tiến bộ của văn minh. Người Nhật phải rèn giũa tiếng Nhật, phải nỗ lực học cách trình bày vấn đề một cách trôi chảy mạch lạc.

Khi giao tiếp nét mặt cần tươi tắn, đừng để người ta ghét

Mới gặp nhau lần đầu mà người đối diện lại mang bộ mặt khó đăm đăm, được khen mà cũng không dám nở nụ cười vì sợ trở thành vô duyên, thì quả là chẳng biết nói thế nào.

Việc biểu lộ vẻ mặt tươi tắn, sinh động là một điểm rất quan trọng trong giao tiếp giữa người với người. Vì sao vậy? Bởi vì sắc mặt của con người giống như cánh cửa vào ngôi nhà vậy. Để giao tiếp, để bạn bè, khách khứa đến chơi, cửa nhà phải luôn rộng mở, sạch sẽ.

Muốn giao tiếp sâu với người khác mà lại không chú ý đến sắc mặt, dung nhan, chỉ tin vào cách ngôn của Khổng Tử, lúc nào cũng ra vẻ quan trọng, cao đạo thì có khác nào mời khách tới chơi mà lại treo lủng lẳng bộ xương người trước cổng, để cỗ quan tài ngáng lối ra vào nhà. Thế thì ai dám lại gần?

Trên thế giới, nước Pháp được coi là cái nôi của văn minh, là trung tâm văn hóa và tri thức của nhân loại. Một trong các nguyên nhân đó là khí chất của quốc dân. Động tác của người Pháp lúc nào cũng nhanh nhẹn, cách nói năng hoạt bát, sôi nổi, vẻ mặt vui vẻ làm người ta dễ gần, dễ tiếp xúc.

Cũng có người sẽ nói rằng: “Lời nói và dung nhan là do bẩm sinh, có cố gắng sửa cũng không được. Có ai rỗi hơi đâu mà cứ phải để ý hay bàn luận chuyện này”. Ừ thì có thể như vậy. Nhưng tưởng vậy mà không phải là như vậy. Tinh thần của con người càng hoạt động càng phát triển. Nó cũng giống như cơ bắp nếu thường xuyên tập luyện thì sẽ phát triển và rắn chắc. Hoạt động tinh thần sẽ làm cho cách nói năng, sắc mặt dung nhan cũng trở nên tốt hơn đẹp hơn.

Vậy mà định đem vứt bỏ hoạt động tinh thần, trở nên vô cảm, câm như hến theo tập quán cổ hủ xưa nay của người Nhật quả là sai lầm lớn. Cho nên, chúng ta luôn phải lưu tâm, đừng quên học cách nói năng, cách biểu lộ tình cảm trong cuộc sống hàng ngày.

Vất bỏ hình thức, hãy thật lòng, thành thực

Cũng có người thế này: “Nói như ông thì có tô điểm bộ mặt cũng chỉ là tô điểm bề ngoài thôi. Vả lại, trong giao tiếp như thế thôi không đủ. Còn phải sắm sửa trang phục đắt tiền nữa, lại phải bày vẽ đồ ăn thức uống, người không hợp trong tính cách và suy nghĩ cũng vẫn phải tiếp, lại còn phải mở tiệc khoản đãi nữa chứ. Như thế chẳng phải là xúi bẩy người ta chạy theo hình thức bề ngoài hào nhoáng tốn kém đó sao?” Ý kiến này cũng có cái lý của nó, nhưng hình thức không phải là bản chất của việc giao tiếp. Hình thức làm trở ngại trong giao tiếp. Nếu coi hình thức là bản chất của giao tiếp sẽ sinh ra tập tục xấu. Cũng giống như bản chất của thức ăn là dinh dưỡng. Dinh dưỡng nuôi sống cơ thể nhưng nếu ăn nhiều gây bội thực, làm hại cơ thể. Giao tiếp của con người cũng vậy. Trong thân mật, cần thẳng thắn chứ không cần hình thức. Chạy theo hình thức bề ngoài không phải là bản chất của giao tiếp. Trong cuộc sống không có quan hệ nào thân thiết như quan hệ vợ chồng con cái. Có lẽ mối quan hệ đó được duy trì bằng sự bộc trực không che đậy, bằng tấm lòng chân thực ngay thẳng. Chỉ khi nào gột bỏ che đậy bề ngoài, hình thức bộc trực mới có được thân thiết yêu thương. Sự thân thiết hòa thuận ở chỗ bộc trực, thẳng thắn. Người đời thường chê những người hời hợt, những người không có ý tứ, những người nhạt nhẽo… cũng là cách đề cao thái độ thẳng thắng thân mật.

Tìm kiếm bạn mới, không quên bạn cũ

Trong cuộc sống, có một thực tế là nhiều người không muốn quan hệ với người khác chỉ vì suy nghĩ khác nhau. Trong xã hội, học giả chỉ chơi với học giả, bác sĩ chỉ chơi với bác sĩ. Có trường hợp, cùng học một trường, sau khi tốt nghiệp, người trở thành viên chức hành chính, người thì buôn bán làm ăn, cả hai không gặp nhau, đôi khi thành ghét bỏ nhau, thật là không biết phân biệt.

Khi giao tiếp, phải mong muốn có bạn mới nhưng không được quên bạn cũ. Hai phía không thử giao tiếp quan hệ thì không thể hiểu ý muốn của nhau. Và đã không hiểu được ý muốn của người đối diện cũng có nghĩa là không thể hiểu được đối phương.

Còn để có bạn thân thì không đơn giản như vậy. Chơi với mười người có được một người làm bạn là tốt rồi. Và chơi với hai mươi người thì chẳng phải sẽ có được hai người bạn hay sao? Bước đầu của việc “biết người và được người biết” chính là ở chỗ này. Sự tín nhiệm, danh dự… nên tạm gác sang một bên. Trước hết cứ làm sao để càng có nhiều bạn càng tốt.

Xã hội có đủ mọi hạng người, nhưng con người không phải là quỷ, cũng không phải là mãng xà. Kẻ xấu cũng không nhiều tới mức gặp ai cũng thấy người đó có ý định làm hại mình. Đừng quá cả nghĩ hay sợ hãi, đừng khách sáo, phải giao tiếp thẳng thắn và thực tình.

Điều quan trọng trong việc mở rộng giao tiếp là phải có tấm lòng rộng mở, quan hệ với mọi giới trong xã hội, không bó hẹp. Gặp gỡ bạn bè, có thể là bạn học vấn, bạn làm ăn, bạn đánh cờ, bạn hội họa… Trong mọi trường hợp ở thích đầu là phương tiện để giao tiếp rộng, có khi chỉ là tách trà, cốc nước, hay bắt tay cũng được.

Xã hội vô cùng rộng lớn, quan hệ giữa người với người cũng vô cùng phức tạp. Chẳng lẽ suốt cả một đời, con người chỉ biết sống như lũ cá thờn bơn ngoe nguẩy trong lòng giếng hẹp là toại nguyện hay sao?

Tháng 11 năm Minh Trị thứ chín (tức năm 1876)

Bình luận
Ads Footer