Ngày ấy trên rừng không có miếng gì ăn, một chú thỏ mò xuống một ruộng khoai bới trộm. Ngờ đâu chủ ruộng đã nấp sẵn ở túp lều bên cạnh, ập đến tóm ngay lấy thỏ. Thỏ ta giả bộ chết nằm sóng soài. Chủ ruộng khoai lật đi lật lại mấy lần không thấy thỏ động cựa tin là chết thật, vội nắm lấy tai xách về. Đến một cái quán bên đường, hắn vứt thỏ xuống gốc cây, thỏ cũng không chạy. Nhưng thừa dịp người ấy vào hàng uống nước, thỏ ta chồm dậy trốn mất.
Qua mấy ngày đi thất thểu, thỏ không làm sao kiếm được miếng gì vào bụng. Đói quá, thỏ lại lần xuống ruộng khoai hôm nọ bới trộm. Không may, lần này lại bị chủ ruộng tóm được. Biết thỏ ranh mãnh hay giả chết, hắn trói nghiến thỏ lại mang về nhà. Đến nơi, hắn bảo vợ:
– Bu mày nhốt nó vào nơm, mai kia ngày giỗ ta giết thịt!
Thế là thỏ bị nhốt kín trong nơm, trên nơm đè một hòn đá nặng. Thỏ loanh quanh luẩn quẩn vùng vẫy mọi cách, nhưng không thể nào thoát được. Đang khi hết cả mưu kế thì chợt trông thấy gần nơm mình có một chậu nước. Trong chậu có một con cá quả lớn đang quẫy, thỏ khẽ gọi:
– Cá ơi! Mày có biết mày sắp đến ngày tận số rồi không? Mai là ngày giỗ, chủ nhà nó bắt mày làm thịt đó! Có muốn thoát hãy vùng mạnh lên nữa cho vỡ chậu mà lóc ra ao.
Cá nghe nói, càng quẫy mạnh, quả nhiên, chậu vỡ làm ba mảnh. Nước lênh láng cả mặt đất. Cá ngoe nguẩy cố lóc ra phía hờ ao. Thỏ cho cho cá lóc gần đến bờ ao mới làm bộ hốt hoảng gọi chủ nhà mau mau ra bắt cá. Cả vợ chồng lẫn con cái cuống quýt khi trông thấy cá đã trườn xuống ao. Đứa con chủ nhà giật vội lấy cái nơm nhốt thỏ chạy ra úp cá. Thỏ không đợi dịp nào may mắn hơn thế nữa, hướng lên phía rừng chạy một mạch.
Chạy một lát, thỏ gặp một con sông rộng. Thật là cùng đường vì chả có cách nào vượt qua cả. Trong khi bối rối thì vừa gặp một con cá sấu đang ghếch mũi lên bãi sông, miệng thở phì phì. Thỏ tươi cười gọi to:
– Anh sấu ơi! Hãy cõng tôi qua sông rồi tôi sẽ gả chị tôi cho anh. Chị tôi đẹp lắm kia.
Nghe thỏ tán bùi tai, sấu gật đầu. Thỏ nhảy lên ngồi trên lưng sấu, sấu rẽ sóng bơi sang bờ bên kia. Gần đến nơi, thỏ đã làm một phóc nhảy lên bờ. Thỏ rảo bước nhưng không quên chọc tức sấu:
– Cảm ơn nhé! Nhưng chị tao còn để gả chỗ khác chứ có phải thừa đâu mà gả cho mày, sấu ơi!
Bị gạt, sấu giận điên cuồng, nghĩ bụng phải báo thù cho được. Một hôm, thỏ đi chơi, nhân khát nước cồn cào mới mò ra sông uống. Sấu đã trông thấy thỏ từ xa, liền đội một đống cỏ lên đầu, khẽ bơi đến gần thỏ. Ngỡ là đống cỏ trôi trên mặt nước, thỏ nhảy lên toan kiếm miếng ăn. Nào ngờ sấu đã tóm ngay được. Sấu ngậm thỏ vào răng, gầm gừ tỏ bộ tức giận. Thỏ bỗng cười phá lên:
– Cái giống nhà mày, “hừ hừ” như dọa trẻ con, chả ai sợ cả. Chỉ có “hà hà” thì tao mới sợ thôi!
Nghe nói, sấu vội mở miệng “hà hà” mấy tiếng, nhưng thỏ đã nhanh chân làm một phóc lên bờ. Thỏ dừng lại cười khanh khách hồi lâu rồi ung dung đi thẳng[1].
KHẢO DỊ
Cả ba truyện thỏ ở trên rất giống với những truyện cùng một đề tài của đồng bào Tây-nguyên và của người Khơ-me (Khmer). Dưới đây là một truyện (hoặc có thể nói là hai ba truyện gộp lại) mà từ người Xơ-đăng, Ba-na (Bahnar), ở phía Bắc cho đến ngươi Mạ, Xtiêng ở phía Nam đều kể không khác nhau bao nhiêu:
Một em bé đi bắt ốc, trông thấy một con hổ và một con diều đánh nhau rất dữ dội. Hổ bị diều từ trên cao sà xuống mổ vào mắt tối tăm mặt mày phải van lạy xin tha. Sợ xấu hổ với loài người, hổ bèn biếu em bé một rổ cá, nhờ giấu kín việc ấy cho. Nhưng em bé lại vì mách với mẹ, và từ người mẹ, chuyện hổ bị thua diều truyền đi khắp thôn xóm. Hổ giận, tìm em bé hẹn ngày bắt nó phải đến cho mình ăn thịt. Đến ngày ấy em bé buồn bã ra đi, dọc đường gặp thỏ. Khi biết chuyện, thỏ hứa sẽ cứu giúp cậu bé. Gặp hổ, thỏ bắt hổ thi với mình nuốt một cái chốt gỗ, nếu hổ thắng mới được ăn thịt em bé. Thỏ giả bộ nuốt nhưng cho chốt kín đáo rơi ra phía sau. Đến lượt hổ nuốt không nổi, bị thỏ đuổi chạy và bị em bé bắn tên vào đít.
Để đền ơn, em bé mời thỏ tới chơi nhà. Thỏ lên nhà bị chó rượt, và dù được em bé bảo vệ, ngồi ăn cũng không thấy ngon.
Một hôm, thỏ đến uống nước “giọt” rồi ngồi đấy chờ. Một con dê khát nước, tìm đến, bị thỏ ngăn lại, bảo rằng loài người dặn mình canh giữ, không cho uống. Sau đó một con lợn đến, thỏ cũng bảo thế. Cả hai con đều sợ, lủi thủi ra đi. Một con voi đến, thỏ cũng bảo thế, nhưng voi chẳng nói chẳng rằng vứt thỏ xuống một cái hố sâu. Thỏ không sao lên được. Vừa gặp hổ đi qua, thỏ gọi lại. Cũng như truyện của ta, thỏ lừa rằng trời sắp sập làm hổ hốt hoảng nhảy xuống. Thế rồi, thỏ dùng kế đánh rắm để hổ nổi giận quẳng mình lên miệng hố.
Nhưng rồi hổ cũng nhảy lên được. Hổ bảo thỏ giúp mình cột tranh vào lưng để đưa về. Cột xong, thỏ cũng thả một mồi lửa, tranh bắt cháy làm cho nó bị sém da, giãy giụa mãi mới thoát.
Biết bị thỏ chơi ác, hổ cố tìm thỏ để giết. Lần thứ nhất hổ cũng gặp thỏ ở tổ ong và bị thỏ lừa “đánh chiêng của mẹ nó”. Lần thứ hai gặp thỏ bên bụi tre và bị thỏ lừa “chơi tù và”. Lần này hổ nghe lời thỏ, thè lưỡi vào bị tre nghiến gần dứt. Lần thứ ba, hổ gặp thỏ đang trèo lên một cây gỗ mục. Thỏ bảo hổ trèo lên để xem “ngoài biển có nhiều cảnh rất đẹp”. Hổ trèo lên nhưng không thấy. Thỏ giục trèo lên cao nữa. Hổ trèo mãi cho đến lúc cây gãy, hổ ngã lăn xuống đá gần chết. Lần thứ tư, hổ lại gặp thỏ, thỏ chỉ vào một con rắn mang hoa gần đó, bảo đó là một thứ khố rất đẹp. Hổ quấn vào, bị rắn cắn chết.
Sau đó ít lâu, gặp một bà già đang cắt cỏ lúa, thỏ bảo nấu cơm cho mình ăn, mình sẽ làm giúp. Bà già nghe lời, thỏ cắm cúi cắt cả cỏ lẫn lúa. Thỏ ăn ăn xong, bà già ra thăm lúa thấy thế nổi giận, cầm gậy phang thỏ. Thỏ trốn bên cạnh vại nước. Bà già nhỡ tay đánh vỡ vại. Thỏ trốn vào trong một tổ mối, bà già lấy đá chặn lỗ lại rồi về lấy lửa định tâm đốt chết. Thỏ dỗ dành cho đứa cháu bà già chui vào, còn mình thì trốn biệt. Lúc bà già mang lửa ra đốt, đứa cháu van lên:
– Bà ơi? Cháu đây!
Bà già tưởng bị thỏ lừa nữa, đáp:
– Cháu, tao cũng đốt!
Đứa cháu chết, bà già đi chợ mua thức ăn để cúng cháu. Thỏ giả chết cứng nằm giữa đường, bà già trông thấy nhặt thỏ vào rổ rồi đội lên đầu đi về. Thỏ nằm trên rổ ăn hết thức ăn rồi nhảy xuống. Khi bà già biết thì thỏ đã chạy mất. Ngày mai bà già lại đi chợ. Thỏ lại giả chết nhưng lần này bị bà già phang cho một gậy chết tươi.
Về truyện của người Ba-na (Bahna) xin xem thêm Khảo dị truyện To đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn (số 58).
Truyện con thỏ của người Khơ-me (Khmer) cũng y như những đoạn truyện của người Tây-nguyên vừa kể, có thêm một vài tình tiết. Chẳng hạn thỏ giao ước chạy đua với ốc sên; trước khi chạy, ốc sên bảo cả nhà mình chia nhau đứng rải rác dọc đường. Vì thế thỏ chạy đến đâu đã thấy ốc sên lên tiếng ở đấy Cho đến khi sắp tới đích đã thấy ốc sên đứng chực ở đích rồi. Mẹo của ốc sên làm cho thỏ đành chịu thua cay.
Trong truyện Rùa và hổ của người Ba-na thì cuộc chạy thi lại diễn ra giữa hổ và họ hàng nhà rùa. Cũng như truyện trên, rùa bày mẹo chia nhau đứng mỗi nơi một con làm cho hổ chạy đến đâu cũng đã thấy rùa đến trước, cuối cùng dành chịu thua cuộc[2].
Một tình tiết khác là thỏ giúp cho người lấy lại cá:
Có hai người: một người đặt đó của mình xuống sông đón cá. Người thứ hai nửa đêm ra ăn trộm rồi bỏ cá vào một cái đó khác, vì lụt mắc trên ngọn cây. Sáng mai cả hai người cùng ra thăm. Người chủ của cái đó dưới sông kiện lên quan. Quan xử cho anh chàng có đó ở trên cây được kiện. Người kia trở về buồn bã, gặp thỏ và kể đầu đuôi cho thỏ nghe. Thỏ đến quan kể cho quan biết có một con chim công đang ăn cá trên ngọn cây. Thấy quan nhất định không tin, thỏ thừa dịp hỏi quan: – “Nếu cá không thể ở trên ngọn cây thì cá cũng không thể có trong đó trên cây được. Quan biết là mắc mưu thỏ, đành phải xử lại cho người kia lấy lại số cá của mình.[3]
Người Khơ-me ( Khmer) còn có một truyện Thầy bói với hai ông bà già giống với truyện của ta (số 88) về đoạn đầu:
Một thầy bói nổi tiếng trong vùng. Gần đấy có hai ông bà già không muốn tin. Một hôm họ đi câu bắt được một con cá lớn, trên đường về lại bắt được một con thỏ sắp con thỏ sắp chết đuối. Về đến nhà, họ nhốt thỏ trong một cái nơm ngoài vườn còn cá thì bỏ giỏ ngâm ở ao gần chỗ nhốt thỏ. Rồi đi hỏi thầy bói xem mấy hôm rày nhịn đói nay sẽ được ăn gì. – “Chỉ được ăn nước mắm trong vại thôi!”. Thấy thầy nói thế, họ về bắt cá làm thịt định làm cho thầy thấy mình đoán sai. Chẳng ngờ khi bắt, cá quẫy buột tay rơi xuống ao, lật đật giật lấy nơm để nơm cá thì thỏ vuột chạy nốt. Chồng đành bảo vợ: “Thôi đành ăn cơm với mắm vậy!”[4].
Lăng-đờ (Landes) kể truyện Cuộc chiến đấu giữa hổ và diều của người Cham-pa (sách đã dẫn) có một số tình tiết khác với truyện trên:
Hổ mang rổ đi tát ao bắt cá, từ sáng đến chiều mới cạn. Cá nhiều nhưng hổ bắt rất vụng. Một con diều được hổ cho xuống bắt hôi thì lại bắt rất giỏi. Thấy bao nhiêu cá lớn diều nhặt hết, hổ bèn đánh đuổi diều. Diều từ trên cao mổ cho hổ nhũng cú bất ngờ và đau điếng. Hổ bèn cầu cứu với một người chặt cây gần đó, như vậy mới đuổi được diều. Hổ xin người ấy giữ kín câu chuyện cho mình, đổi lại sẽ cho hươu nai để trả ơn, nhưng nếu tiết lộ thì nó sẽ ăn thịt.
Được nhiều hươu nai, vợ người ấy muốn biết lý do. Cuối cùng vì vợ van nài mãi, chồng bèn kể sự thật. Không ngờ lúc ấy, hổ rình ở phía ngoài nghe được liền buộc ngưòi kia phải đến chỗ hẹn cho mình ăn thịt. Dọc đường người ấy gặp thỏ, kể hết đầu đuôi cho thỏ nghe. Thỏ hứa sẽ tìm cách cứu. Ở đây thỏ không thi với hổ trò nuốt chốt mà chỉ dọa hổ nếu không cho mình người ấy thì sẽ gọi diều đến đánh hổ nữa. Nói rồi thỏ vật vã giả chết. Chỉ một lát đã thấy diều lượn đến. Hổ thấy bóng diều, ba chân bốn cẳng bỏ chạy.
Một truyện khác của người Cham-pa cũng có nội dung thỏ cứu người, không phải khỏi tay hổ mà khỏi tay vua cá: Anh Han-uây đi gánh nước thuê, vô tình dẫm chết một con cá lòng tong. Vua cá cùng bộ hạ nổi giận kéo đến hàng ngàn hàng vạn toan giết anh. Anh khất một đêm để về giã từ cha mẹ anh em. Dọc đường anh khóc, thỏ thấy hỏi vì sao, rồi bày cho anh ngày mai chở đến một xe cây thuốc cá (ra-mớc) nó sẽ cứu cho. Sáng mai, thỏ bày cho anh cạo vỏ cây bỏ thành đống ở suối rồi đứng giữa suối mà gọi vua cá đến. Vua cá và bộ hạ kéo đến hàng vạn nhưng đều nhiễm chất độc chết hết. Thỏ bảo anh chất lên xe đem về phơi và làm mắm. Từ đó anh trở nên giàu có[5].
Về quan hệ giữa thỏ và cá sấu, người Miến-điện (Myanmar) có truyện Sấu mất lưỡi, đại thể như sau:
Quạ lừa sấu đến một sa mạc nói là đến một con sông có thể kiếm ăn tốt, rồi bỏ mặc sấu giữa bãi cát hoang vu. May làm sao nhờ được một bác đánh xe đi qua chở về chỗ cũ. Nhưng khi đến sông thì sấu lại đớp luôn chân con bò kéo xe. Thỏ bày cho người quất roi túi bụi khiến sấu phải nhả. Giận thỏ, sấu một hôm giả làm khúc gỗ trôi sông. Cũng như truyện của ta, thỏ nhảy lên kiếm ăn bị sấu chụp được. Sấu kêu “hì hì” cho mọi loài thú biết đã bắt được thỏ, thỏ bảo: kêu “hà hà” có hơn không. Sấu làm theo, thỏ nhảy một phóc lên bờ. Ở đây khác với truyện của ta là lúc nhảy thỏ quắp cả lưỡi sấu lên theo giấu vào một bụi cây, rồi đi tìm mèo chỉ cho mèo biết để chén. Nhưng mèo tìm không ra vì lưỡi sấu đã hóa ra cây lưỡi mèo (ky-ong-sa)[6]. Vì vậy ngày nay sấu không có lưỡi.
[1] Cả ba truyện số 86, 87, 88 đều theo truyện kể của người miền Nam và theo Lăng đờ (Landes). Cổ tích và truyền thuyết An-nam, đã dẫn.
[2] Theo Truyện cổ Ba na, tập II, đã dẫn.
[3] Theo Pec-sơ-rông (Percheron). Cổ tích và truyền thuyết Đông-dương.
[4] Theo Mác-ti-ni (Martini) và Béc-na (Bernard). Truyện dân gian chưa hề in của Căm-pu-chia.
[5] Cũng theo Lăng đờ (Landes) đã dẫn ở trên.
[6] Theo Truyện dân gian Miến-điện, đã dẫn.