NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 19

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học
Ads Top

Oxford

Không chỉ có thịt và sữa mà thôi. 

Có được phép ăn thịt thú vật không?

Thử tưởng tượng, một hôm nào đó có những thực thể lạ từ ngoài vũ trụ hạ cánh xuống hành tinh chúng ta. Những thực thể giống như trong phim Independence Day của Hollywood. Chúng vô cùng thông minh, vượt xa con người. Vì loài người không phải lúc nào cũng sẵn có một ông tổng thống Hoa-kì gan lì không sợ chết ngồi sẵn trong máy bay để giúp đỡ, và vì họ không có đủ khả năng tạo ra những loại vi khuẩn để chận đứng máy tính của thực thể ngoài hành tinh, nên họ đã bị thực thể lạ này qui phục trong nháy mắt và tất cả đã bị chúng đẩy vào ngục tối. Một chế độ bạo ngược không tiền khoáng hậu bắt đầu. Thực thể ngoài hành tinh dùng con người làm vật thí nghiệm, chúng thuộc da con người để đóng giày, làm bọc ghế xe, làm túi đèn bin, chúng gom góp tóc, xương và răng con người để biến chế tiếp… Chúng ăn cả thịt người, nhất là thịt trẻ em và sơ nhi, vì thịt này ngọt và mềm.

Một anh người, vừa được chúng xách từ ngục tối ra để đưa vào lò thí nghiệm, la toáng lên:

„Tại sao các ngươi làm như thế? Các ngươi không thấy chúng tôi có cảm giác và cũng biết đau à? Tại sao lại đem con cái chúng tôi ra để ăn thịt? Các ngươi không thấy chúng tôi đau khổ à? Các ngươi không biết, các ngươi là những tên man rợ độc ác không thể tưởng tượng được chăng? Các ngươi không có lòng thương xót, không có đạo đức à“?

Thực thể ngoài hành tinh gật gật đầu. Rồi một tên trong bọn nói:

„Có thể chúng tôi hơi tàn nhẫn đấy. Nhưng chúng tôi là loài thông minh, hữu lí hơn các anh, chúng tôi làm được những thứ mà các anh không làm được. Chúng tôi thuộc chủng loại cao trọng hơn, trên hẳn các anh. Vì thế chúng tôi có quyền muốn làm gì các anh cũng được. So với chúng tôi, thì sự sống của các anh chẳng có giá trị gì. Dù lối hành xử của chúng tôi có thể xa lạ đôi chút đối với các anh, nhưng thịt của các anh ngọt ơi là ngọt, rất hợp khẩu chúng tôi“.

Peter Singer là một thanh niên thích suy tư. Nhưng câu chuyện thực thể ngoài hành tinh và thói ăn thịt người của chúng trên đây không phải do anh nghĩ ra. Năm 1970, vừa mới học xong, anh từ Úc bay sang Anh quốc để dạy Triết tại đại học Oxford. Hôm đó, anh đang ngồi trong phòng ăn lớn của đại học và đang nhâm nhi miếng thịt bò. Lúc còn trẻ, Singer chẳng tha thiết gì về chuyện triết học và về chuyện phải sống ra sao cho đúng cả. Bố mẹ anh trước ở Wien (Áo) và là gốc do-thái. Cuộc truy nã man rợ người Do-thái của Quốc Xã ở đức và Áo đã khiến ông bà đưa nhau trốn sang Úc vào năm 1938. Ông bà nội của Peter bị Quốc Xã bắt, đưa vào trại tập trung Theresienstadt và bị giết ở đó. 

Singer rất quan tâm tới ngành học của mình, đặc biệt môn đạo đức học. Anh muốn biết cái gì tốt cái gì xấu, sống thế nào là đúng thế nào là sai. đang khi ngồi nhấm nháp miếng steak, anh quan sát thấy cậu sinh viên ngồi bên lấy muỗng đẩy miếng thịt ra một bên dĩa, không ăn. Anh hỏi người đó – cậu sinh viên này có tên Richard Keshen, về sau làm giáo sư Triết ở đại học Cap Breton ở Canada -, có phải thức ăn không ngon hay sao? Richard trả lời, anh chẳng bao giờ ăn thịt. Anh cho hay, anh là người chay trường, vì nghĩ rằng, ăn thịt thú vật là điều hoàn toàn sai. Singer giật mình vì thái độ dứt khoát đó. Và Richard yêu cầu ông thầy thử nêu ra cho anh nghe một luận chứng, chỉ cần một luận chứng thuyết phục là đủ, cho biết việc ăn thịt thú là điều hợp với đạo đức. Singer xin khất một thời gian để suy nghĩ. Ngày hôm sau, hai người gặp lại trong phòng ăn, và Singer đã cung cấp cho Richard câu trả lời theo yêu cầu. Rồi anh tiếp tục nhâm nhi miếng steak. Nhưng Singer đã không ngờ, đó là miếng thịt cuối cùng trong đời anh.

Trên đường từ đại học về nhà, Singer vắt óc suy nghĩ. Con người từ muôn đời vẫn ăn thịt. Thời hồng hoang, con người đã săn và giết thú để ăn. Sau này, khi đã định cư, họ chăn nuôi dê, cừu, heo, bò để ăn thịt. Nếu không có thịt, con người tiền sử và nhiều bộ tộc thiên nhiên đã không tồn tại. Nhưng mắt anh chợt sáng lên, vì những lí do mà anh đã nghĩ ra đó chẳng có liên can gì tới chính anh cả. Người xưa, hoặc dân Eskimos, phải săn hải cẩu để sống còn; nhưng đó không phải là lí do để Peter Singer được phép ăn thịt thú. Là vì trong một nước như nước Anh, không cần phải có thịt, anh vẫn sống được, và sống như thế không nguy hại gì cho sức khoẻ cả. Singer nghĩ tiếp: cho sói, sư tử, cá sấu cũng ăn thịt. Nhưng chúng chẳng lưu tâm gì tới chuyện chúng có được phép ăn hay không. Bởi vì nếu không ăn thịt, chúng sẽ chết. Khác với những loài đó, Singer trái lại có thể tự chọn lựa, muốn ăn thịt hay không, tuỳ í. Có thể chọn lựa: đây là yếu tố làm anh khác với những loài thú khác. Chỗ đứng của anh cao hơn sư tử, cao hơn cả heo, bò, gà, mà anh hàng ngày được nhâm nhi thịt chúng trong phòng ăn. Loài người khôn ngoan và thông minh hơn thú vật, họ có một ngôn ngữ rất tinh tế, có lí trí và biết suy nghĩ. Nhiều triết gia thời cổ, thời trung và cả thời nay cũng đã nói: Những cái đó là lí do để người được phép ăn thịt thú vật. Con người biết điều, còn thú vật thì không. Con người có giá trị, còn con vật thì không. Nhưng có thật là loài tinh khôn có giá trị hơn loài kém tinh khôn không? Dù Singer không biết tới câu chuyện giả tưởng về các thực thể ngoài hành tinh, nhưng trong ông đã dấy lên một sự phẫn nộ, không kém nỗi bực tức có thể có của nhiều độc giả khi đọc câu chuyện trên đây. Lí do là vì hành vi vô đạo đức của các thực thể ngoài địa cầu có khác chi lối cư xử của con người đối với loài vật đâu. Thông minh hơn chưa phải là mảnh bằng cho phép ta tự do làm những gì mình muốn. Ba năm dài Singer tiếp tục suy tư về cung cách cư xử của con người đối với thú vật. Năm 1975, ông cho ra đời cuốn sách Animal Liberation (Giải thoát loài vật). Sách bán chạy như tôm tươi. Hơn 500.000 ấn bản đã được bán ra.

Singer viết, yếu tố quan trọng nhất cho quyền sống của một sinh vật không phải là trí thông minh, khả năng biết điều hay khả năng nhận thức. Sự hiểu biết của một trẻ sơ sinh không bằng sự hiểu biết của một con heo, dù vậy, ta cũng không được phép ăn thịt đứa trẻ và không được dùng nó để làm vật thí nghiệm cho thuốc gội đầu. Một sinh vật được tôn trọng và có quyền sống, khi sinh vật đó có khả năng cảm nhận đau (khổ) hay sung sướng, đó là yếu tố quyết định nhất. Ở điểm này, Singer và Bentham cùng một quan điểm, khi vào năm 1789, thời điểm của Cách mạng Pháp, Bentham viết như sau: „Rồi sẽ có ngày những sinh vật còn lại cũng sẽ dành lại được cái quyền sống, mà chỉ có bạo chúa mới cướp đi được của chúng. Ngày đó, người ta sẽ nhận ra rằng, số lượng chân cẳng hay lông tóc chưa đủ là lí do để đẩy một sinh vật biết cảm vào chung một số phận. Nhưng đâu là cái tiêu chuẩn trổi vượt khác kia? đó là khả năng biết nói chăng? Nhưng một con ngựa hay một con chó trưởng thành còn có khả năng hiểu và giỏi thông tin hơn một em bé mới sinh một ngày, một tuần hay một tháng. Nếu điểm này không đúng, thì đâu là lí do? Như vậy, vấn đề không phải là; chúng có biết nghĩ không? hoặc: chúng có biết nói không? Mà là: chúng có biết đau không?“ Singer tán đồng chủ trương duy lợi của Bentham: Hạnh phúc là tốt, đau khổ là xấu. Và yếu tố này không những đúng cho loài người, mà cả cho mọi loài sinh vật biết cảm nhận đau đớn. Và trên nguyên tắc, con người và các thú vật đều có khả năng cảm nhận đau đớn như nhau. Như vậy, câu hỏi có được ăn thịt „các thú vật khác“ không quả dễ trả lời: Không được! Chúng ta không được phép gây ra đau đớn khôn xiết cho loài vật chỉ vì lí do ngon miệng; chúng ta phải trả lại thân xác và sự sống cho các sinh vật đó.

Cuốn sách của Singer viết về cuộc giải thoát thú vật khỏi sự thống trị của con người gây ra nhiều chấn động. Một phong trào xã hội, Phong trào bảo vệ quyền sống của thú vật, ra đời ở Anh, Hoa-kì và đức. Mục tiêu của các tổ chức như Peta hay Animal Peace còn đi xa hơn những đòi hỏi của các nhà đấu tranh cho thú vật lúc đó. Họ không những đòi dẹp bỏ việc nuôi thú hàng đàn trong chuồng, dẹp các trại chăn nuôi để lấy lông da, chấm dứt hành hạ thú vật. Họ đặt lại mọi vấn đề sử dụng thú. Theo đó, loài người không được ăn xúc xích và uống sữa thú nữa, không được dùng thú làm xiệc hay nhốt chúng trong các vườn bách thú, không được dùng chúng để thí nghiệm nữa. Họ đòi cho thú quyền tự do sống và tự do triển nở trong thiên nhiên.

Thoạt nhìn, các lí luận của Singer rất thuyết phục. Nhưng chúng bị nhiều triết gia phản đối. Là vì, nếu biên giới đạo đức không được tạo nên bởi khả năng hiểu biết, khả năng lí trí hay sự liên hệ vào chủng loại người (Homo sapiens), mà do chính khả năng cảm nhận đau đớn – thì biên giới đó thật sự nằm ở đâu?  Ai cũng biết heo và gà có thể biết đau. Con heo kêu la khi bị chọc tiết, và con gà cũng thế. Nhưng với cá chẳng hạn, thì sao? Cá có biết đau không? Theo những nghiên cứu mới nhất, xem ra cá biết đau, nhưng chúng không thể diễn tả ra được. Còn những động vật không có xương sống, như sò hến chẳng hạn? Chúng ta biết quá ít về khả năng cảm nhận đau của sò hến. Ngay con người cũng không biết, liệu cây cối có biết đau không. Cây xà-lách có run người lên không, khi nó bị nhổ ra khỏi luống đất?

Như vậy, không có biên giới rõ ràng trong việc cảm nhận đau. Và tiêu chuẩn này có vấn đề, một phần là vì ta không thể biết được một cách trực tiếp các tình trạng í thức của loài vật. Trong bài bàn về não, chúng ta đã thấy sự khó khăn của khoa học khi nhận diện các tình trạng í thức chủ quan của con người rồi. Tình trạng nơi các loài thú lại càng khó hơn. Năm 1974, nghĩa là cùng lúc Singer đang viết sách giải phóng loài vật của mình, Thomas Nagel, nay là giáo sư đại học luật ở New York, cho phổ biến một luận văn nổi tiếng: Làm cách nào để trở thành một con dơi. Nagel chẳng thích gì thú vật. Luận điểm chính của bài viết: Ta chẳng cần nhọc công đưa mình vào tâm trạng của những sinh vật khác, chẳng hạn vào loài dơi, đơn giản là vì không ai có thể làm được chuyện đó. Cái duy nhất mà người ta có thể làm được, là tự tưởng tượng ra một hoạt cảnh, trong đó mình đang bay săn côn trùng ban đêm với một hệ thống dò tiếng dội. Nhưng ai có thể biết chắc chắn, hoạt cảnh đó tương ứng đúng với những gì cảm nhận nơi con dơi lúc đó? Có thể chẳng tương ứng tí nào cả. Và đây là kết luận của Nagel: Í thức luôn luôn gắn liền với kinh nghiệm chủ quan, và vì thế không thể nào hiểu được dơi đang cảm nhận gì. 

Nhưng, không biết được chính xác những gì diễn ra nơi loài vật không phải là một luận chứng thuyết phục chống lại quan điểm tôn trọng thú vật của Singer. Chúng ta không ai biết được đời sống nội tâm của tha nhân, và đó cũng không phải là lí do để chúng ta được phép hành hạ họ. Không một toà án nào cho phép tra tấn hay cố sát một người vì lí do kẻ chủ mưu không thể biết được cảm nhận của nạn nhân. Chúng ta chỉ cần biết, tha nhân có một trạng thái í thức tinh tế – chỉ cần điều đó thôi cũng đủ để ta kính trọng họ. Nơi thú vật, trái lại, nhiều nhà khoa học có khuynh hướng cắt nghĩa tâm trạng của chúng trên bình diện sinh học mà thôi. Nhưng một lối cắt nghĩa chỉ dựa trên kích thích và phản ứng như thế thì không ổn. Cách biến báo của con mèo biển là do bản năng hay cũng có phần chiến thuật trong đó? Hệ thống thứ hạng của các chú sư tử đực trong đàn mang tính chiến lược hay chỉ là một thái độ phục tùng chốc lát? Ai dám quả quyết là mình biết rõ những chuyện đó? Cả nơi con người, có phải ham muốn tình dục hay sợ đau đớn là do nhu cầu thể lí hay cũng có chủ í trong đó? Chúng ta không coi cảm nhận của con người chỉ là những phản ứng máy móc, điều này tại sao lại không đúng cho các thú vật? Dĩ nhiên chúng ta không ngây thơ phóng chiếu các cảm giác và í hướng của chúng ta vào đời sống nội tâm của thú vật. Nhưng ngược lại, nếu chỉ nhìn đời sống nội tâm của thú vật như là một bộ máy, thì điều này cũng ngây thơ không kém. Do đâu chúng ta biết, bản năng đùa giỡn của thú vật không hơn không kém chỉ là một guồng máy đáp ứng phận vụ? Những trò chơi giao phối của khỉ cùng với những cảm giác thích thú của chúng rõ ràng có thể giải thích dựa theo khía cạnh phận vụ, nghĩa là để đáp ứng bản năng truyền sinh của chúng. Nhưng những trò chơi đó chỉ mang tính cách phận vụ không mà thôi ư?

Ngay người Trung Hoa thủa xưa đã hiểu rằng, chúng ta không thể biết được thú vật có những cảm nhận gì. Nhưng dù vậy, họ biết một cách tiếp cận đời sống bên trong của thú: đó là sự suy diễn. Một chuyện kể như sau: Tuân Tử dạo chơi với bạn là Hồi Tử. Họ đi qua một cây cầu bắc ngang sông Hào. Tuân Tử nhìn xuống nước và nói với bạn: „Coi những chú cá tung tăng nhẹ nhàng và tự do. Chúng đang vui đó“. Hồi Tử trả lời: „Anh không phải là cá, làm sao biết được cá vui?“ Tuân Tử: „Bạn không phải là tôi, tại sao bạn lại biết là tôi không biết cá vui?“. 

Nghiên cứu não ngày nay cũng có những suy diễn như thế. Họ quan sát cách phản ứng trong não bộ con người, rồi đoán trong não của các loài thú có xương sống khác cũng có thể có những cấu trúc và cảm nhận tương ứng. Ở đây, các nhà não học không chỉ khảo nghiệm những tương ứng có thật và những điều dự đoán. Họ còn cố gắng tìm hiểu, tại sao chúng ta biết được loài thú này rõ hơn loài thú kia. Khi quan sát gương mặt cá heo, chúng ta nghĩ là nó đang cười. Thần kinh phản chiếu của ta lúc đó có phản ứng, là vì ta cho rằng, mình hiểu được động thái của cá heo. Và hầu như ai cũng coi cá heo dễ thương. Trái lại, những con vật có khuôn mặt „lạ“ chẳng gây ra kích thích nào cho thần kinh phản chiếu của ta. Khả năng đồng cảm của ta sẽ chẳng có phản ứng gì, nếu ta không thể liên tưởng được tới điều đã quen đã biết. Ta tin mình có thể đồng cảm được vài động thái của chó. Nhìn vẻ vui nhộn của nó, ta cho rằng chó đang ở trong tình trạng vui sướng. Nhưng ta không thể hiểu hết được những động thái của chó. Chẳng hạn như Giacomo Rizzolati nói, „chúng ta không hiểu tiếng chó sủa có í nghĩa gì, nên thần kinh của ta chẳng phản chiếu được gì. Sủa không thuộc vào guồng máy sinh hoạt của ta. Con người có thể nhái tiếng sủa, có khi rất giống, nhưng họ không thể hiểu được tiếng sủa mang í nghĩa gì!“ 

Như thế, dù nghiên cứu não có nhiều tiến bộ, đời sống nội tâm của thú vật vẫn là một vùng đất xa lạ đối với con người. Về mặt luật pháp, triết học và ngay cả trong ngôn từ sử dụng hàng ngày, ta lại càng phải cẩn thận. Ở đức, không loài thú nào có quyền đòi phải được con người đối xử đàng hoàng. Xét theo khía cạnh luật pháp, khỉ đột và bọ chét gần nhau hơn là người với khỉ đột. Người bị khống chế bởi hiến pháp và luật dân sự, còn khỉ đột chỉ bởi luật bảo vệ thú vật mà thôi. Khỉ đột và chuột nhủi cùng bị chi phối bởi những điều khoản như nhau. Không thể có một nền đạo đức nào lưu tâm đủ hết được những dữ kiện sinh vật.

Ít nhất, đối với những loài có xương sống phát triển cao như khỉ hoặc cá heo, ta không thể đơn giản đẩy chúng vào vùng vô luật được. Cũng như mọi nhà duy lợi-ưu tiên, Peter Singer coi „Tự í thức“ là tiêu chuẩn để một sự sống cần được bảo vệ. điểm này xem ra thuyết phục, dù ta phải công nhận rằng, Tự í thức không phải là một phạm trù chắc chắn về mặt thần kinh học. Máy đo phổ quang không chụp được phạm trù này. Một số triết gia coi Tự í thức cũng giống như Cảm giác cái Tôi. Vì thế đối với họ, khỉ không có Tự í thức, và như vậy chúng không có quyền nhân danh đạo đức bắt con người phải bảo vệ chúng. Khoa nghiên cứu não ngày nay chưa nhận diện được Cảm giác cái Tôi. Nhưng, như ta đã thấy trong bài về „cái Tôi“, có nhiều trạng tháí cái Tôi: Tôi thể lí, Tôi phối cảnh, Tôi định vị… Những cái Tôi đó hẳn cũng có nơi loài khỉ, nếu không thì sẽ có xáo trộn lớn về mặt xã hội. 

Như vậy, một số loài có vú rõ ràng có một cái gì như Tự í thức sơ đẳng. Nhưng ta nên đánh giá chuyện đó ra sao về mặt đạo đức? Chẳng hạn với loài voi. Ở Phi châu, những nhóm săn lậu địa phương tìm giết loài thú nhạy cảm này để lấy ngà bán, như vậy, ta có được phép bắn „đám săn lậu“ này không (Kenia cho phép giết các tay săn lậu)? đối với Singer, tất nhiên không được phép bắn, vì người là loài có một Tự í thức phát triển hơn voi. Nhưng nếu một người đã bắn hạ tới ba, năm hay mười con voi? Và đó là những con voi mẹ, để lại những voi con buồn rầu và hoảng loạn vì sợ? Trong trường hợp này, đối với Singer, bàn cân dần nghiêng về phía voi. Nhưng còn thân nhân của những tay săn lậu bị giết đó? Ta có thể suy diễn thí dụ này dài dài, và dù có những suy nghĩ cẩn trọng cách mấy, thì rồi ta cũng sẽ phải kết thúc với những đắn đo khiên cưỡng. Ở điểm này, Duy lợi rơi vào những tình thế và hậu quả khó lường, mà họ không thể nào thoát ra được.

Khi coi „Tự í thức“ là khuôn thước duy nhất để đo giá trị đáng sống của một sinh vật, thì điểm yếu lớn nhất của nó chính là những hệ quả phản trực giác của nó, mà chúng ta đã bàn tới trong bài về phá thai. Là vì, nếu giá trị sự sống của một sinh vật tuỳ thuộc vào khả năng có được những cảm nhận phức tạp và tuỳ vào cách hành xử của sinh vật đó, thì một trẻ sơ sinh hay một bệnh nhân tâm thần gia trọng hoặc những người giống như thế sẽ được xếp ngang hàng hay còn thấp hơn… một chú chó săn. Dĩ nhiên Singer không có í coi thường trẻ sơ sinh hay người bệnh tâm thần. Ông chỉ muốn nâng giá trị của thú vật lên. Nhưng ông đã vô tình tạo ra vỡ đê. Nhiều đại diện của các hội người thương tật cho tới nay vẫn nhìn ông như một tay khiêu khích. Trong lãnh vực bảo vệ thú vật và phá thai, chỉ dựa trên khuôn thước công bằng mà thôi thì không đủ. Qua thí dụ về bà mẹ đứng trước quyết định cứu con hay cứu chó khỏi hoả hoạn, ta thấy rằng, không thể loại trực giác và bản năng ra khỏi đạo đức học được. 

Như vậy, câu hỏi phải cư xử như thế nào đối với súc vật không thể giải quyết bằng thuần lí trí, mà cũng còn phải dựa vào bản năng. Bản năng tự nhiên nói cho con người hay, họ phải đánh giá sự sống con người khác với sự sống thú vật. Các cảm giác đạo đức của ta cũng giống như việc ném hòn đá xuống nước, tạo ra những dợn sóng vòng tròn. Những vòng trong cùng nhỏ nhất là cha mẹ, anh chị em, con cái và bạn hữu ta. Các vòng tròn kế tiếp là người quen và có thể cả những con vật gần gũi của ta. Rồi đến những người chung chung. Và ở vòng ngoài cùng là những con gà, những con cá chép. Những vòng đạo đức này không thể kéo dãn ra một cách tuỳ í.

Nhưng tại sao lại có quá nhiều con vật có thể ăn thịt nằm ở vòng ngoài? đây không phải là do luật tự nhiên, nhưng ngày nay đa phần là do hậu quả của việc đánh trống lảng và bị đánh lừa. đối chiếu cảm giác con người vào vấn đề ở đầu bài, thì câu hỏi đặt ra: Như vậy, có thể ăn

thịt những con thú mà ta không thể tự tay giết? Do ảnh hưởng của nền văn minh phương tây hiện nay, đa số chúng ta chùng tay trước việc làm thịt một con heo hay một con bê, dù rằng chúng ta biết cách giết chúng. Nhưng đối với cá, thì nhiều người dễ dàng làm. Giết „trứng gà“ thì lại càng dễ. Xưa kia, con người giết thú dễ dàng hơn. Và các dân tộc sơ khai cũng chẳng mấy bận tâm chuyện giết thú. Nhưng đạo đức cũng luôn là một vấn đề nhạy cảm văn hoá. Nó ít phụ thuộc vào một định nghĩa trừu tượng về con người hơn là vào mức độ cảm nhận của một xã hội. Và phải công nhận rằng, mức cảm nhận đó ở Tây Âu hiện đang ở vào một đỉnh điểm trong tiến trình phát triển của nhân loại. Cũng vì thế, kĩ nghệ chế biến thịt mới nghĩ ra những màn „ảo thuật“ che mắt. đóng gói phải làm sao để khách hàng bớt nhận ra đó là đùi bê hay giò lợn. Trực giác của chúng ta bị đánh lạc hướng, khiến ta dễ dàng đánh trống lảng trước thực tế. đa số trong chúng ta không cảm thấy ngại ngùng hay sợ hãi ăn thịt, vì họ không trực tiếp nhìn thấy sự đau đớn của loài vật. Thần kinh phản chiếu của chúng ta bị kích thích khi nghe con bò rống lên trong lò thịt, nhưng nó chẳng phản ứng gì cả khi nhìn những lát thịt xếp trong gói đẹp và sạch sẽ.

Nếu muốn ăn chay, mỗi người phải tự tìm cho mình những lí lẽ kiêng thịt. Suy nghĩ kĩ, ta thấy những lí do không ăn thịt xem ra hay và minh bạch hơn những lí lẽ biện minh cho việc ăn thịt. đó là những lí lẽ của phái duy lợi cũng như lí lẽ dựa vào đạo đức. Kiêng thịt hay không, điều này tùy vào mức độ nhạy cảm vấn đề của mỗi người. Nói khác đi, nếu ta đưa việc ăn thịt lên bình diện tự trọng, ta hẳn sẽ bớt đi hoặc hết ăn thịt. Bài tiếp sau đây về loài thú lông lá gần gũi với con người sẽ giúp chúng ta thêm trong tiến trình suy nghĩ này.

•Chú khỉ trong khu rừng nuôi. Phải đối xủ thế nào với vượn người.

 
Bình luận
Ads Footer