NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Chương 24

Tác giả: Richard David Precht
Thể loại: Triết Học
Ads Top

Cleverland

Cây cầu bắc vào thế giới tinh thần đâu là biên giới của khoa nghiên cứu não?

„Con khỉ đã có thể thấy được. đôi mắt nó dõi theo tôi suốt căn phòng. Nó biết ăn, và khi ta đưa ngón tay vào miệng nó, nó có thể sẽ cắn“. Robert White thích nói về những thí nghiệm khỉ của ông. Những cuộc thí nghiệm đó, cách đây ba chục năm, đã khiến nhà nghiên cứu não hiện 82 tuổi ở Cleverland thuộc bang Ohio một sớm một chiều nổi tiếng. đặc điểm của câu chuyện khỉ biết cắn này: đầu của nó vẫn gắn liền với một thân xác, nhưng thân xác này không phải là thân xác của chính nó!

White không nhớ rõ nữa, có bao nhiêu con vật ở đại học Case Western Reserve, Cleverland, từ ngày đó đã bị ông cắt lìa đầu. Có thể đến vài trăm con. Mọi chuyện khởi đầu từ thập niên 1970’. Trong căn nhà ngang của Trường I Khoa, một toà kiến trúc mênh mông theo hình bánh cưới với những chân cột cổ điển, White âm thầm tiến hành công việc của mình. Ông cẩn thận mở hết xương đầu và nối sọ của con khỉ này vào hệ tuần hoàn của một con khỉ khác đang sống. Cuộc thí nghiệm thành công, nhà giải phẩu thần kinh chuyển sang việc ráp nối đầu. Thoạt tiên ông cắt lìa da, các bắp thịt và gân, rồi tới cuống họng , xương sống và tuỷ. Chỉ để lại sáu mạch chuyền máu lên óc. Chỉ trong vòng vài phút, ông nối đầu khỉ này với hệ tuần hoàn của một con khỉ khác đã được chuẩn bị sẵn. Chiếc đầu này sống được nhiều ngày. Rồi mặt nó sưng tấy lên, lưỡi dày lên cách kì lạ, và đôi mí mắt sưng húp khép lại luôn. Hệ miễn nhiễm đã chống lại cơ thể lạ và hết hoạt động. Nhưng một kiến thức khác đã làm phấn chấn nhà thí nghiệm gan lì này: Xem ra bộ óc được cơ thể mới chấp nhận, không bị đẩy ra. 

Ông giáo sư khoa giải phẩu não trẻ nhất nước Mĩ lúc đó đã được sự hỗ trợ từ rất cao cho những thí nghiệm tai tiếng của ông. Là một tín hữu công giáo thuần thành với mười đứa con và là thành viên của Viện Giáo Chủ Khoa Học ở Vatican, ông thuộc vào thành phần khoa học gia ưu tú của thế giới và đã nhiều lần tiếp chuyện với giáo chủ Gioan Phaolô II. Nhưng hình như người kế vị của ngài, giáo chủ Biển-đức 16, không hài lòng lắm trước những thí nghiệm như thế. Nhiều lần trong những năm vừa qua, nhân vật „Frankenstein từ Ohio“ đã nói lên giấc mơ lớn của ông: mong muốn được ghép thay đầu hay não cho con người.

Giáo lí công giáo về linh hồn không trở ngại gì cho nghiên cứu của ông. White cho hay, khỉ „chẳng liên hệ gì tới người cả, nhất là khi nói tới óc hay tinh thần của chúng“. Nhưng khi ông giáo có cái đầu tròn mập phúng phính tuyên bố, ông muốn giúp những người như nghệ sĩ bán thân bất toại Christopher Reeve (nay đã chết) hay nhà vật lí liệt cột sống Stephen Hawking có được một thân thể mới, cả thế giới đã la toáng lên. „Có gì khác giữa việc tôi thay gan, ghép cánh tay mới hay ghép thân thể mới cho một người?“ ông đã hỏi tôi như thế cách đây năm năm.

„Chẳng ai nghĩ tới việc đi tìm linh hồn ở gan hay ở cánh tay. Linh hồn chỉ ở trong óc“.

Hình như giáo chủ Gioan Phaolô II không nghĩ như thế. Và ngài cũng không cần phải chi tiền cho dự án của White. Lúc đó, ông giáo cho tôi hay, ông chỉ còn thiếu bốn hay năm triệu đôla nữa là có thể bay sang Kiew của Ukraine để nối chiếc đầu người đầu tiên. Dĩ nhiên „ca giải phẩu lớn nhất trong lịch sử loài người“ này sẽ không tránh được những khiếm khuyết thẩm mĩ. Bệnh nhân sẽ không cử động chân tay được, không nói, không nuốt và không tiêu hoá được. Rồi White vừa cười nói: Dĩ nhiên anh ta cũng không phàn nàn gì được. Anh ta phải đợi khoảng hai mươi năm nữa, khi tuỷ sống đã nối được với nhau, thì mọi khiếm khuyết trên sẽ được giải quyết tất cả đồng một lúc. Tôi hỏi ông, thế ông có sẵn sàng hiến cơ thể mình cho người ta ghép không?

Ông lại cười: „Dĩ nhiên – nhưng tôi thích cho cái đầu của tôi hơn, vì đầu có giá trị hơn“.

Robert White đã nhiều lần sang Ukraine, nhưng „cuộc giải phẩu lớn nhất trong lịch sử loài người“ tới nay vẫn chưa xẩy ra. Các triết gia, bác sĩ và luật gia ngày nay không buộc phải trả lời câu hỏi, ông White đã ghép đầu hay ghép thân. Họ cũng chẳng phải bận tâm với chuyện, ai là kẻ trung gian giữa gia đình người hiến cơ thể và bệnh nhân sẽ được ghép cơ thể. Song vì dự án của White đã không thành sự, nên chẳng có ai phải lo lắng gì nhiều. Những thí nghiệm của ông chỉ được xem là ngọn của một tảng băng sơn. Là vì nghiên cứu não không chỉ là thách đố khoa học lớn nhất của thế kỉ 21 – mà nó còn là thách đố lớn nhất về mặt đạo đức. Thành công của chúng sẽ làm thay đổi khoa Sinh học thần kinh và làm thay đổi cái nhìn truyền thống của chúng ta về con người, và đồng thời nó tạo ra những khả thể và những nguy cơ hoàn toàn mới.

Trong số các khả thể mới đó, chắc chắn có nhiều cái mang lại cơ may. Chỉnh hình thần kinh (Neuroprothetik) là một ngành nghiên cứu tương đối trẻ, nó là một kết hợp giữa nghiên cứu não và khoa học kĩ sư. Những thành quả đã đạt của nó cho phép ta mơ tới những khả thể xa hơn. Chỉnh hình thần kinh giúp kích thích các cơ phận con người như tim, bàng quang, tai và tạo ra những hiệu quả quan trọng. Một thí dụ rất cụ thể là việc thay Cochlea cho người bị chứng nặng tai đến gần như điếc. Cochlea là khái niệm khoa học để chỉ bộ phận con ốc (Hörschnecke) trong tai. Và đây là diễn tiến: Gắn vào phía sau tai con bệnh một bộ xử lí âm thanh nhỏ, bộ xử lí này sẽ biến tiếng động của thiên nhiên thành các tín hiệu điện từ. Một cuộn dây điện sẽ chuyển tiếp các tín hiệu xuyên qua da tới Cochlea đã được ghép. Từ đó các kích thích được Cochlea chuyển tiếp tới thần kinh thính giác và cuối cùng được xử lí trong não. Thủ thuật của việc kích thích thần kinh này là khả năng chuyển đổi tiếng động của bộ xử lí âm thanh, nó chuyển đổi khéo léo đến độ các thần kinh phụ trách thính giác trong não có thể hiểu được, dù các thần kinh này thật ra đã chẳng „nghe“ được gì. Kích thích thần kinh là nghệ thuật làm cho não hiểu được những tín hiệu điện từ, mà chẳng cần gì tới cơ phận giác quan liên hệ đã bị hư hại. 

Khả thể thứ hai là ghép võng mô cho người bị loà nặng đến gần như mù. Cho tới lúc này, mới chỉ giúp bệnh nhân phân biệt được giữa sáng và tối. Một số thí nghiệm khác đang được tiến hành ở giai đoạn thử trước khi có thể áp dụng. đặc biệt, các nhà nghiên cứu bỏ ra rất nhiều công sức cho các thí nghiệm giúp người bại liệt có thể đi đứng trở lại. Ở đây, người ta cũng dùng một phương pháp kích thích nhân tạo như trên. đầu thập niên 90’, các nhà nghiên cứu đã thành công dùng bộ cảm ứng để đo được chính xác tình trạng cử động của bệnh nhân. Người ta đã biết được ngôn ngữ của các thần kinh có liên hệ với các chuyển động. Vấn đề chỉ còn là có kiểm soát và điều tiết được sự chuyển động hay không mà thôi. Cách đây năm năm, một nhóm nghiên cứu ở München đã đạt được thành công lớn. Lần đầu tiên, một bệnh nhân bán thân bất toại đã dùng tay ra lệnh trên chiếc máy tính đeo trong túi xách sau lưng: „đứng dậy!“, „đi!“, „Bước lên bậc thang!“. Máy tính liền chuyển ra những tín hiệu tới các điện cực đã được gắn chặt nơi chân của bệnh nhân. Các tín hiệu quả thực đã sai khiến được các cơ bắp hành động theo lệnh, trong lúc đó các bộ cảm ứng khác đo diễn tiến và gởi kết quả về lại máy tính. Máy tính lại điều chỉnh các lệnh của nó theo các đòi hỏi cho bước đi. 

Một khả thể khác nữa là ghép cơ phận giúp di chuyển. Cái này cũng được ghép dưới da giống như ghép Cochlea. đã có nhiều bước thành công. Cho dù người bất toại mới chỉ bước đi được vài bước, triển vọng tương lai trong lãnh vực này rất lớn.

Ấn tượng nhất là những cuốn phim tài liệu cho thấy các con bệnh Parkinson và động kinh được khỏi bệnh nhờ các kích thích não bộ. Hai loại bệnh này có liên quan tới một vùng não nhất định. „Máy kích não“ tung luồng điện vào vùng não bị chấn thương, hãm bớt giao động của nó, khiến bệnh nhân tránh được cơn run hay động kinh. Con bệnh Parkinson vốn run tay không cầm được li nước, tức thì ngồi thảnh thơi xuống ghế và nâng tách cà-phê uống bình thường. Con bệnh động kinh í thức ngay được tình trạng kích ngất của mình. Khoa chỉnh hình thần kinh đã giúp cho người ta nghe và đi được, thì hi vọng nó cũng sẽ mở ra tương lai sáng lạn cho các bệnh nhân tâm thần. Các điện cực trong não có thể ảnh hưởng trực tiếp trên các hệ tuần hoàn hoá học thần kinh. Nếu có một điện cực gắn trong đầu, người bị suy nhược thần kinh có thể lấy lại được tình trạng sáng khoái, nhờ vào kích thích của điện cực làm cho các chất tín hiệu „tích cực“ hoạt động.   đó là những thành tựu tuyệt vời, chúng có thể mang lại những phép lạ như trong Kinh Thánh xưa: Người mù thấy lại, người què đi được, người câm nói được, người điếc thính tai trở lại. Như vậy thì phàn nàn gì nữa? Nhưng, bên cạnh những thành tựu mang lại may mắn, cũng có điều đáng lo: Người ta có thể lạm dụng những phương pháp chỉnh hình mới này cho những mục tiêu đen tối. Giờ đây con người đã biết được rằng, họ có thể ảnh hưởng mạnh hơn nữa trên não, hơn cả khả năng của các loại thuốc sinh hoá hiện thời đang tạo ra. Cơn cám dỗ lạm dụng vì thế không nhỏ. 

Kẻ lạm dụng quỷ quái nhất có thể sẽ là quân đội và tình báo. Họ dễ dàng dùng biện pháp kích thích não để tra tấn hoặc lạm dụng lời khai của các tù binh. Bảy năm trước đây, Daniel Langleben, một nhà thần kinh học đại học Pennsylvania ở Philadelphia, đã nghĩ ra việc áp dụng máy chụp quang phổ não để tạo ra máy dò nói dối. Máy chụp quang phổ cho ta thấy những diễn tiến xẩy ra trong não. Chỉ còn mỗi việc, là phải tìm ra địa điểm não có liên quan tới nói dối. địa điểm này, theo Langleben, nằm ở vùng Cortex tiền vận động, là vùng được kích hoạt khi ta gặp những xung đột khiến đầu óc phải đưa ra những đắn đo cân nhắc. Lí luận của Langleben rất giản dị. Theo ông, khi nói dối, người ta cần nhiều nỗ lực tính toán hơn là khi nói thật, vì thế, nói dối tất nhiên đưa tới nhiều hoạt động của não hơn: „Nói dối đòi nỗ lực“. điều này có luôn luôn đúng không? Không chắc. Là vì đối với kẻ đã nói dối quen, họ ít cần năng lượng với những dối trá thông thường hơn là khi người đó phải cố gắng nhiều để nói lên sự thật. Dù vậy, hiện đang có hai công ti quảng cáo máy chụp dò nói dối của Langleben.

Hiện các toà án ở Hoa-kì đang có nhu cầu lớn về thứ máy móc này. Các ông bà chuyên gia sử dụng máy chụp dò nói dối đang giữ một vai trò quan trọng trong các cuộc điều tra toà án. Các nhà tâm bệnh thần kinh dùng máy để xác định khả năng í thức và hành động của những phạm nhân gia trọng. Nơi những phạm nhân hung dữ hoặc những tay giết nhiều người, vùng não dưới trán (ventromedialer Cortex) của họ thường bị hư hoặc không hoạt động – cũng không khác gì nơi anh Phineas Gage. Những ảnh chụp này không những giúp cho toà án dễ xác định tình trạng í thức của những tay giết người và hãm hiếp, chúng còn đặt ra cho các quan toà câu hỏi, phải có biện pháp nào đối với những tội phạm đó.

Có thể rồi đây, khoa giải phẩu não có thể chữa được những hư hại của vùng não có liên hệ với các hành vi tội ác. Nên giữ những tay tội phạm đó suốt đời trong bốn bức tường hoặc xử tử họ hay nên buộc họ phải giải phẩu chữa vùng não bị hư? đâu là biện pháp có lợi hơn cho phạm nhân và cho xã hội? Nhưng trong những trường hợp như thế, ai sẽ là người quyết định? Nhà tâm bệnh thần kinh, quan toà, phạm nhân hay thân nhân của họ? Và ai có thể cản được sự lạm dụng, khi người ta hành động theo quan niệm rằng, trong trường hợp tranh tối tranh sáng thì mổ óc còn hay và rẻ hơn là phải đổ tiền ra để giam giữ mấy tay đó suốt đời? 

Tiềm năng lạm dụng kế tiếp là nơi đám buôn lậu quốc tế (Mafia). Càng biết nhiều về não, chúng ta càng thao túng nó hữu hiệu hơn. Những hoạt chất tâm thần, vốn là chất giúp cho các người bị bệnh quên có được sự chú í tốt hơn, có thể giúp cho đám thanh thiếu niên nghiện ngập có được cảm giác lên mây. Nguy hiểm nhất là những tác dụng của chúng trên các cơ quan cảm nhận Serotonin và trên sự biến chất Dopamin (xem phận vụ của chúng nơi bài Anh Bốc yêu). Dopamin với nhân Phenäthylamin của nó có cùng chất cấu tạo hoá học như Mescalin và ma tuý (LSD). Nó tạo kích thích hoặc kích thích tối đa trên một số vùng não. Nó dễ bị lạm dụng cho việc đầu độc giới trẻ.

Mà dù không bị lạm dụng cho kĩ nghệ ma tuý, thì đâu là giới hạn hợp pháp của việc sử dụng các chất kích hoạt tâm thần này? Cho các bệnh nhân mất trí nhớ? Cho những người hay quên? Cho những ai khó tập trung tinh thần? Hay là có thể rồi đây các bà mẹ sáng sáng thẩy vào chén sữa hay li nước của con một viên để nâng cao khả năng tập trung tâm trí trong các giờ học ở lớp? Một khi có thể nâng khả năng tập trung của trẻ dễ dàng như thế, thì đâu cần tới kĩ thuật di tử và khoa i học truyền sinh nữa? Các nhà chính trị và các quản trị viên mỗi ngày sẽ phây phây làm việc 16 giờ mà chẳng mệt nhọc gì. Và các chú đua xe đạp Tour de France không những dẻo dai nhờ thuốc tăng lực thể xác, giờ đây còn có cả tăng lực tinh thần, để phây phây leo dốc.

Và văn phòng quảng cáo của các siêu thị, các viện dịch vụ quảng cáo và các chuyên viên hoạ kiểu của các mạng lưới truyền thông cũng đang hân hoan trước từng kiến thức mới gặt hái được về lãnh vực này. Khách hàng có khuynh hướng hướng về bên phải nhiều hơn khi bước vào các siêu thị ư, thì ta sẽ chất nhiều hàng và bày đẹp về phía ấy! Các nhà tâm lí màu sắc dùng máy chụp não để thử các tập danh mục của họ. Kĩ nghệ giải trí điện tử hay các nhà thiết kế trò chơi mạng dùng máy chụp não để tìm hiểu sở thích của khách hàng mình. Phải chăng tất cả những thứ đó đều vô hại? Những gì trước đây là sản phẩm của dự đoán hoặc của thăm dò dư luận, giờ đây được bắt nguồn từ hệ thần kinh trung ương con người.

Nhưng đâu là những hậu quả ngược của những ứng dụng to lớn đó? Môi trường sống rõ ràng không chỉ tác động lên não chúng ta, nó còn làm biến đổi các mạch nối thần kinh, có khi biến đổi mãi mãi. Việc chơi cờ giúp cho người chơi có được một số khả năng bén nhạy. đó là điều tốt, miễn là người đó không rơi vào cơn nghiện. Nhưng chơi trò chơi bắn giết, mỗi ngày giết được hàng ngàn kẻ thù, thì sao? Dĩ nhiên các cô cậu này đúng là những tay chơi giỏi. Nhưng hàng ngàn hàng vạn phát súng mỗi ngày sẽ dẫn tới hậu quả nào trên não của họ? Phải chăng những cảnh phim nhanh hay những mẫu quảng cáo truyền hình ngắn ngủi chỉ phớt qua, mà không đọng lại, trong đầu óc con em chúng ta? Tất cả những ai có chút hiểu biết về nghiên cứu não đều chẳng an tâm tí nào.

Và việc áp dụng các thành quả của khoa tâm lí não nhằm không ngừng kích tăng cảm giác vẫn đang tiếp tục gia tăng. Có chăng rồi đây chúng ta sẽ có dịp chứng kiến trận chiến giữa các nhà thiết kế trò chơi giải trí điện tử và các nhà tâm lí? Nhóm này muốn càng ngày càng có thêm những kích tăng mới; nhóm kia than trời, yêu cầu cấm đoán, vì đã nhận ra những thiệt hại ngắn hạn và dài hạn đối với con người? Cho tới nay, chưa có xã hội nào trừng phạt tội „ăn cướp sự chú í“. Trong tương lai, ta có phải thay đổi quan điểm này không?

Ở điểm này, triết gia Thomas Metzinger thuộc đại học Mainz đã đưa ra khái niệm „Dự đoán hậu quả nhân học“ (Anthropologiefolgenabschätzung). Theo ông, chúng ta đã có những dự đoán về hậu quả nguy hiểm của kĩ thuật trên xã hội thế nào, thì cũng cần có những dự đoán về nguy hiểm của nghiên cứu não trên xã hội như thế. Thử thách của nghiên cứu não đòi buộc chúng ta phải có một quan điểm hoàn toàn mới về những khả thể và những nguy cơ cho não chúng ta, nó đòi chúng ta có một nền „Văn hoá í thức“ mới. Trong phạm vi giáo dục trẻ con, Metzinger đề nghị các trường học có những giờ học Suy niệm phi tôn giáo. Theo ông, con cái chúng ta phải học biết cách chống cự lại sự chú í của những tên cướp đang ngày ngày không ngừng gia tăng vây quanh chúng, để giữ lại được khả năng chú í, khả năng tập trung tinh thần và khả năng sưu tập của chúng. Trái lại đối với lãnh vực í tế, ông đưa ra một danh mục điều cấm, bó buộc cho cả những nhà nghiên cứu não và những nhà kĩ thuật thần kinh: không hợp tác với quân đội, không được thương mại hoá một cách trái phép các thành tựu i khoa, không lạm dụng trong việc cấu tạo mô con người, không lạm dụng bệnh nhân cho mục đích i khoa hoặc thương mại.

Những quy định như thế là điều cần phải có. Chẳng cần phải nghĩ tới những thí nghiệm ráp đầu của Robert White ở Cleverland, mới thấy được sự nghiêm trọng của tình hình. Trong lãnh vực nghiên cứu chứng động kinh, hi vọng vài năm tới đây sẽ có những quy định quốc tế về giải phẩu ghép não, để thay cho những vùng não bị „hư“. Việc này chỉ có thể thành công, khi i khoa có khả năng tái lập được những dây thần kinh và những điểm nối thần kinh đã bị hư hại qua cuộc giải phẩu. Nhưng khi làm được điều này, phải chăng chúng ta cũng đồng thời biết được cách thức để chế ra não mới? „Não nhân tạo“ là một đề tài kích thích trí tưởng tượng con người từ xưa nay. Dù sao, khoa „Chỉnh hình thần kinh“ và „Sinh kĩ thần kinh“ (Neurobionik, viết tắt từ Biologie và Technik) ngày nay có thể đem lại những hi vọng thực tế về khả năng „chỉnh hình não“.

điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào trên nhân sinh quan của chúng ta? Là vì „bộ óc mới“ được

thay thế này sẽ không còn chết nữa, mà nó đúng là một bộ máy có tinh thần. Bộ óc này rồi sẽ làm cho người mang nó trở thành một siêu nhân không cần tới óc thường? Và như vậy có nghĩa là khoa học đã giải đáp được yêu sách mà hoạ sĩ Franz Marc đã một lần đề ra cho trường phái Ấn tượng của hội hoạ: Xây một „cây cầu bắc vào thế giới tinh thần“?

Như vậy, thử thách đạo đức của nghiên cứu não và sự ứng dụng kết quả của nó mang tính lưỡng diện. Một mặt, nó phải bảo vệ con người khỏi bị lạm dụng. Mặt khác, nó phải đồng thời chuẩn bị cho xã hội có thể chấp nhận những yếu tố nhân sinh quan và vũ trụ quan có tầm quan trọng cho những cuộc giải phẩu não cần thiết. Cả ở đây nữa, ta cũng phải theo nguyên tắc của Kant: không được làm sai lạc mục đích của con người. Là vì mỗi một lạm dụng của quân đội và tình báo, kể cả của quảng cáo tiếp thị và của kĩ nghệ giải trí điện tử, đều ít nhiều làm sai lạc mục đích con người.

Hậu quả xã hội của tất cả những gì trên đây có thể rất lớn, và sự cân nhắc mang tính duy lợi giữa hạnh phúc và đau khổ có thể cũng rất khó thực hiện. Vì thế, xã hội cần được tư vấn cặn kẽ, hầu kip thời tiến hành những kiểm soát đạo đức và kịp thời điều động triết học, tâm lí học và xã hội học nhằm đánh giá cũng như tiên đoán hậu quả việc làm của các nhà nghiên cứu não cùng các đồng nghiệp sinh kĩ của họ.

Trước khi chúng ta từ giã những giới hạn hiện tại của kiếp người và giã từ cái nhìn vẫn có của chúng ta về con người, thiết tưởng ta nên tìm hiểu thêm vài điều về chính chúng ta. Chúng ta đã biết qua chút ít về khả năng nhận thức của mình và đã cân nhắc một vài vấn nạn đạo đức quan trọng. Chúng ta còn thiếu một cái nhìn về những mong muốn của con người, mà nếu không có những thứ này – ước vọng, vui mừng và khao khát, tóm lại: đó là Niềm tin, Tình yêu và Hi vọng -, thì ta đã chẳng phải là ta như đang có. 

 
Bình luận
Ads Footer