NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Miếu Ba Cô

Chương 5

Tác giả: Người Khăn Trắng
Ads Top

Một tháng sau, ông Hồng Phát lại trở lên trang trại. Nhưng thay vì được những người thiểu số ở vùng núi đưa vượt rừng vượt thác, thì lần này ông Hồng Phát phải vô cùng khổ sở mò mẫm đi một mình đến gần nửa đoạn đường. Nguyên là bởi chẳng làm sao tìm được bóng dáng ai để mà nhờ. Tìm đến nhà cửa họ thì vắng tanh, kể cả nương rẫy của họ cũng không có người, kể cả người già và trẻ con cũng đi đâu mất cả.

Phải đến khi trời đứng bóng, lúc mà đôi chân ông Hồng Phát đã rã rời và đầy vết trầy xước thì ông mới gặp được một già làng. Người này đã khá quen mặt, những lần trước đã từng đưa cha con ông Hồng Phát vào trang trại. Hỏi về sự vắng mặt khó hiểu của mọi người ở phía ngoài kia, già A Dúp giọng đầy lo lắng:

– Họ đã bỏ làng chỉ bởi… sợ ma!

Thấy chuyện lạ ông Hồng Phát hỏi tới:

– Có chuyện như vậy sao?

Già Dúp kể:

– Cách đây gần nửa lần trăng tròn thì xảy ra chuyện hai thanh niên đi săn đã bị chết giữa rừng, mà người nào cũng bị moi ruột gan ra!

– Ai đã làm chuyện đó?

Già Dúp đưa hai tay lên trời:

– Chỉ có Giàng mới biết.

– Mấy con ma đó ở đâu mà ra? Sao mấy lần trước tôi lên lại không nghe nói.

Nhìn vào ông Hồng Phát với vẻ hơi lạ và mãi một lúc già Dúp mới nói tiếp:

– Nó ở chỗ mấy thằng con của ông!

– Cái gì? Tại sao là các con tôi?

Gà Dúp móc trong lưng ra một chiếc lắc đeo tay bằng bạc có khắc mấy chữ Thanh – Dương – Ngọc và nói:

– Có phải của con ông không?

Cầm vật chứng trên tay, ông Hồng Phát gật đầu xác nhận:

– Đúng là của con tôi rồi. Cả ba đứa, mỗi đứa đều đeo chiếc lắc giống như vầy từ nhỏ. Nhưng ông lấy ở đâu ra?

Kéo ông Phát tới một gốc cây to, già Dúp chỉ về phía trước và nói:

– Đêm nào người làng tôi cũng nhìn thấy ba cái bóng trắng xõa tóc dài chạy lướt trên mặt cỏ từ trong trại của ông ra ngoài. Chúng đi vào các làng của chúng tôi và phá phách. Hễ đàn ông nào vô phước đi ra ngoài thì đều gặp nguy. Chính tôi đã liều bám theo chúng mấy đêm liền… cho đến cái đêm mà hai thằng con trai nhà bà Hơnen bị hại thì tôi nhặt được chiếc vòng này bỏ lại chỗ đó.

Không thể tin được những điều vừa nghe, ông Phát xua tay:

– Không thể nào như thế. Các con tôi ở với nhau, làm gì có con gái nào vô đó? Hay là ma rừng ma xó gì đó trong bản làng của các ông?

Già Dúp giận dữ:

– Ma của người chúng tôi không ác độc như vậy! Và ma của chúng tôi không mặc đồ trắng, xõa tóc dài như ma của người Kinh các ông.

Nghĩ nếu có hỏi thêm chỉ rối trí, ông Hồng Phát nhờ già Dúp đưa mình vào trang tại. Nhưng già Dúp chỉ hứa:

– Tôi chỉ đưa ông vô tới đầu thung lũng thôi, tôi không vô trang trại ông nữa.

Mặt trời hơi ngả về Tây thì họ tới nơi. Ông Phát một mình vô trang trại và cũng hơi ngạc nhiên bởi sự vắng lặng khác thường nơi đây. Thấy cửa nhà của Thanh và Dương đều khóa chặt ông đi sang nhà sàn của Ngọc thì cũng thấy cửa đóng, tuy không khóa ngoài nhưng dường như không có Ngọc ở nhà.

Ông cất tiếng gọi đến lần thứ ba vẫn không nghe trả lời, nghĩ có lẽ các con ông đã ra rừng nên ông Phát bước tháo lui. Chợt có một thứ âm thanh nghe là lạ phát ra từ trong nhà. Giống giọng của Ngọc?

Hoảng hốt, ông Phát bước lên thang chạy tới đẩy cửa vào. Trước mắt ông một cảnh tượng hãi hùng: Ngọc nằm trên sàn nhà, người trần truồng, còn trên cổ thì hai dòng máu chảy ra đã đông đặc lại.

Đưa tay sờ mũi thấy Ngọc vẫn còn thở. Ông Phát hét to lên:

– Thanh ơi! Dương ơi! Sang đây.

Mặc cho ông kêu gào, chẳng thấy bóng dáng Thanh, Dương đâu. Linh tính điều không lành. Ông Phát chạy sang tông cửa phòng họ và một lần nữa ông kinh hãi khi thấy cả hai nằm thiêm thiếp trên gường, người gầy rạc.

Phải mất cả giờ gào thét khản cả cổ, cuối cùng ông Phát mới thấy già Dúp xuất hiện cùng một số dân bản. Già Dúp nhìn ba chàng trai trong tình trạng đó, đã có nhận xét:

– Họ bị ma quỷ hại rồi. Đích thị là ba cái bóng ma áo trắng đó chứ chẳng ai vô đây.

Nhìn kỹ trên gối ở cả ba phòng ngủ của ba chàng trai đều còn vương lại nhiều sợi tóc phụ nữ dài và đen. Nhưng khi đưa lên mũi ngửi thì già Dúp cảm thấy mùi tanh rất khó chịu. Ông già kêu lên:

– Mùi này giống như mùi xác chết!

Ông Hồng Phát cũng có cảm nhận như vậy. Nhưng vì quá lo cho sự an nguy của các con nên ông giục mọi người:

– Kệ những sợi tóc đi, hãy giúp tôi đưa các con tôi đi cứu chữa giùm, tôi lạy các ông.

Già Dúp tỏ ra khá rành chuyện tà ma, ông nói:

– Bị chuyện này có chở đi nhà thương cũng vô ích. Để tôi chữa cho.

Ông đích thân đi ra rừng, hơn nửa giờ sau trở vô với một nhúm cỏ và nắm lá trên tay. Ông bảo mọi người:

– Trong lúc tôi đổ thuốc cho họ thì ai đó hãy giúp tôi nấu ba con gà, lấy nước cất cho họ uống khi tỉnh lại.

Phương pháp chữa bệnh ấy tỏ ra có hiệu quả. Khoảng vài giờ sau thì cả ba đều tỉnh lại. Trong số đó có Ngọc là yếu hơn và tỏ ra vẫn còn kinh hoàng khi nhìn thấy mọi người. Anh kêu thét lên từng chặp:

– Đừng! Đừng hút máu tôi!

Riêng Thanh và Dương thì cứ mở mắt ra rồi lại nhắm nghiền lại, ai thính tai lắm thì mới nghe họ gọi rất khẽ trong miệng:

– Đừng đi, Thu Nga. Đừng đi…

– Diệu Anh, anh muốn chết cùng em, chờ anh với!

Ông Hồng Phát cũng muốn phát điên với ba đứa con của mình. Ông bất lực nhìn họ như nửa sống nửa chết, như điên như dại mà thở dài…

Già Dúp và đám dân bản lần lượt ra về. Trước khi đi già Dúp còn nói với lại:

– Nơi này không ở được đâu, hãy đốt trại mà đi đi!

Không trả lời, nhưng trong ý nghĩ của ông Hồng Phát cũng đã tính tới điều tương tự như vậy…

Trên đường lên Đà Lạt, không lần nào Thái gặp rắc rối như lần này chuyến xe đò anh đi đang chạy bon bon từ Sài Gòn lên một cách ngon lành, bỗng dở chứng khi lên đến giữa đèo Bảo Lộc. Chính bác tài xế cũng ngạc nhiên càu nhàu:

– Chiếc xe mới làm lại máy, nó chạy hai chuyến rồi đâu có triệu chứng hư hỏng gì…

Bác tài xuống xe, dở nắp capô kiểm tra máy thấy không có gì bất thường, lại leo lên xe nổ máy thử. Xe nổ máy ngon lành! Lúc đó Thái và hành khách đang xuống nghỉ chân, được kêu gọi trở lên xe đi tiếp. Thái bước lên sau cùng…

Tuy nhiên điều lạ đã xảy ra: lúc Thái vừa lên xe thì máy đang nổ bỗng tắt. Bác tài đề lại thì vẫn không chạy. Lại yêu cầu xuống xe tránh cho xe tuột dốc và Thái là khách đầu tiên bước xuống. Lạ thay khi Thái vừa đặt chân xuống đất thì tự nhiên máy xe lại nổ! Thái bực dọc bước trở lên và… máy xe lại trở chứng!

Việc này lặp lại đến lần thứ tư. Đến Thái cũng ngạc nhiên, anh thử không lên xe lần sau cùng và bảo tài xế.

– Anh thử tắt máy rồi đề lại xem sao?

Tắt, mở máy một cách dễ dàng như chẳng có gì xảy ra. Nhưng hễ Thái bước lên là máy lại cứ ì ra đó, làm cách nào cũng không hoạt động. Cuối cùng một vị khách lớn tuổi phải có ý kiến:

– Hình như cậu này quá nặng bóng vía!

Một người khác cũng góp vào:

– Thường mấy người nặng vía đi xe hay gặp trục trặc lắm.

Thái phát cáu lên:

– Làm sao biết nặng hay nhẹ? Tôi đi xe cũng trả tiền như mọi người và đã đi hơn chục năm nay trên con đường này mà có gặp gì đâu?

Đến lần thứ sáu vẫn còn rắc rối, đợi đến khi Thái bước xuống xe, bác tài xế phải lên tiếng năn nỉ Thái:

– Cậu làm ơn giúp mọi người đi về nhà sớm. Tôi trả tiền xe lại cho cậu, lát nữa còn mấy chuyến xe nữa lên cậu đi giùm…

Một hành khách ngồi gần Thái đã chủ động chuyển chiếc túi xách của anh xuống như một thái độ dứt khoát đuổi vị hành khách xúi quẩy xuống cho rồi!

Dù muốn phản đối, nhưng trước tình thế đó Thái đành phải chấp nhận, Anh ngán ngẫm đứng một lúc rồi lê bước từ từ lên đỉnh đèo, hy vọng đón được chuyến xe khác để về nhà nghỉ ngơi.

Đi chưa được trăm mét bỗng một cơn mưa như trút nước đổ xuống. Mưa trên vùng cao là vậy, chợt đến không đoán trước được.

Nhìn quanh tìm một nơi khả dĩ có thể đứng trú mưa, chợt Thái nhìn lên phía núi và thấy một cái miếu. Không chút lưỡng lự, Thái cố leo lên các bậc đá thật nhanh để lên đó. Anh nghĩ, dù sao vẫn tốt hơn đứng chịu trận giữa đèo trơ trọi như thế này.

Lên đến nơi thì đôi chân Thái đã mỏi nhừ, anh thấy cửa miếu không đóng nên bước luôn vào. Bên trong tối om, thoạt nhìn không thấy gì…

Mùi ẩm mốc xông lên mũi đến khó chịu, nhưng Thái vẫn cố chịu, bởi giờ phút này ngoài nơi đây thì không còn nơi nào khác để trú mưa.

Ngồi khoảng mười lăm phút thì mắt đã quen với bóng tối. Thái đảo mắt một lượt. Không có bệ thờ, cũng không tượng hay bất cứ vật gì thường thấy của một ngôi miếu. Ngoại trừ…

Thái chú ý đến mấy vật gì đó như túi xách đang đặt dưới sàn còn ngổn ngang.

– Như vậy là có người ở?

Sẵn bao diêm trong túi, Thái vừa bật lên vừa lên tiếng:

– Có ai trong miếu không, tôi xin tá túc…

Chẳng có ai đáp. Khi đó Thái đã nhìn rõ có ba chiếc túi xách và một bao căng đầy những vật gì đó bên trong…

Đưa tay chạm vào thì thấy bụi đã bám, chứng tỏ chúng đã được để ở đó khá lâu.

Chợt anh kêu lên:

– Cái này…

Một trong ba túi xách gây sự chú ý của Thái. Anh bước tới cầm lên và thấy rõ cái thẻ nhỏ ghi mấy chữ Thiên Hương trên đó.

– Của Thiên Hương!

Thái không thể lầm được, chính anh cùng Hương đã đi mua chiếc túi này tại chợ Đà Lạt khi Thiên Hương còn học nội trú trên đó. Đánh bạo mở túi ra, rõ ràng đều là quần áo của Hương. Thái kêu lên thảng thốt:

– Thiên Hương, em ở đây mà! Hương ơi!

Trời đang mưa, sấm rền vậy mà tiếng gọi to của Thái vẫn vang ra bên ngoài. Anh gọi đến hơn mười lần đến khàn cả cổ mà vẫn chẳng ai đáp lại. Thái như điên cuồng thoát chạy ra ngoài bất chấp gió mưa. Vừa chạy vừa gào thét, gọi tên Thiên Hương. Như anh đã gọi trong tuyệt vọng từ sáu tháng trước, khi hay tin Hương mất tích.

Cho đến khi cơn mưa dần tạnh thì Thái cũng lả người đi, anh quỵ ngã ngay trước cửa miếu.

Bình luận
Ads Footer