NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Truyện cổ Nhật Bản

Ông già làm cây nở hoa

Tác giả: Nhiều tác giả
Ads Top

dưới chân ngọn núi nọ, có một con sông nhỏ uốn khúc chảy qua. Tại đây có hai gia đình sống cạnh nhau đã lâu đời lắm rồi. Một gia đình ở thượng nguồn và một gia đình ở hạ nguồn, do đó người ta gọi họ là gia đình ở trên và gia đình ở dưới. Họ không còn trẻ nữa, và hai bà vợ cũng đã già khụ rồi. Điều khác biệt duy nhất ở hai gia đình này là tính tình: gia đình ở trên thì ác độc, đố kỵ, còn gia đình ở dưới thì dễ thương và sẵn sàng chia sẻ đến hạt gạo cuối cùng để giúp đỡ bất cứ ai.

Một hôm, hai nhà đều đi bủa lưới bắt cá ở dưới sông. Hôm sau, từ lúc trời chưa sáng người ở trên đã nôn nóng đi xem lưới có cá không. Ông quá thất vọng vì trong lưới chỉ có cành và rễ cây do dòng nước đẩy vào mà thôi. Vì bản tính đố kỵ, nên lão xem thử người hàng xóm có gặp cảnh rủi ro như mình không. Nhưng khi nhìn vào lưới của người ở dưới, lão ta tái mặt vì ghen ghét, trong lưới của ông này có rất nhiều cá. Lão ở trên giận dữ, thả hết cá ra rồi bỏ vào lưới một khúc gỗ lão ta lấy ở nhà đem đến.

Khi mặt trời mọc, người ở dưới đi xem lưới. Khi thấy trong lưới có một vật lạ, ông ta cũng không tỏ ra thất vọng chút nào mà trái lại còn hài lòng và tự nhủ:

Ít ra thì hôm nay ta khỏi phải vào rừng để kiếm củi. Ông ta lấy khúc gỗ ra và đem phơi khô dưới nắng.

Khi khúc gỗ khô. Ông già đem rìu ra bửa. Ông thấy khúc gỗ là một cái rễ dương rất cứng và có hình dạng kỳ lạ. Ông tự nhủ:

Trong lúc còn khỏe, ta phải bửa khúc củi này cho rồi, vì bửa một cái rễ dương như thế này không phải là chuyện dễ.

Ông để cái rễ trên mặt đất, rồi ngắm nhìn xem phải bửa như thế nào mới được. Rồi ông bửa thử một nhát, lạ lùng thay, cái rìu vừa chạm vào, rễ cây liền vỡ ra làm hai, và điều kỳ lạ hơn nữa là ở chỗ vỡ, một con chó con trắng dễ thương bước ra. Ông già không tin vào mắt mình, nhưng quả thực đây là một con chó còn sống, và nó đang sủa nho nhỏ mừng rỡ với ông.

Ông già gọi vợ ra để chỉ cho vợ thấy điều huyền diệu này.

Bà vợ cũng ngạc nhiên vô cùng, và ông chồng nói:

Cái rễ cây này đã sinh ra một con chó con. Chúng ta phải làm gì bây giờ?

Con chó đẹp quá, – bà già đáp – chúng ta nuôi nó đi. Mình không có con thì nuôi con chó này vậy.

Bà ẵm con chó vào lòng đem vào nhà và nấu cháo nếp cho nó ăn. Chó con sống ở nhà hai vợ chồng già không thiếu gì hết. Hai người cho nó ăn thức ăn thừa, cho nên sau một thời gian ngắn, nó lớn như thổi, thành một con chó lớn có bộ lông màu trắng và cặp mắt thông minh.

Một buổi sáng khi ông già sắp sửa ra đồng thì bỗng con chó đến đứng trước mặt ông, rồi nói bằng giọng người:

Ông nội, ông nội ơi, hôm nay ông đừng ra đồng nữa. Ông buộc cái giỏ lên lưng cháu, rồi lấy cái cuốc để chúng ta vào rừng đi.

Ông già rất ngạc nhiên, bèn gọi vợ, ra nói:

Bà nghe không, con chó biết nói! Nó bảo tôi đi với nó vào rừng. Bà già đáp:

Ừ, nếu ông và nó muốn vào rừng thì để tôi bới cơm theo cho mà ăn. – Nói xong, bà vào bếp, gói mấy vắt cơm cho ông. Ông già buộc cái giỏ trên lưng con chó, vác theo cây cuốc và lấy thức ăn, rồi cùng con chó lên đường.

Một lát sau, con chó dừng lại và nói với ông:

Ông nội ơi, ông nội, ông để cuốc và thức ăn vào giỏ để cháu mang cho.

Mày thật dễ thương, chó à, mày muốn giúp tao thì tốt nhưng mày mang thế nặng lắm.

Không nặng đâu, ông nội. Cháu lớn rồi, và ông đã nuôi cháu quá đầy đủ, nên cháu khỏe lắm. Cứ để cháu mang cuốc và thức ăn cho.

Ông già làm theo lời nó, để cuốc và thức ăn vào giỏ rồi tiếp tục đi.

Đến bìa rừng, cả hai dừng lại. Ông già mở cái bị, lấy thức ăn chia làm hai phần bằng nhau, đưa cho chó một phần. Sau khi ăn uống xong, cả hai nghỉ ngơi một chút rồi lại lên đường.

Con chó dẫn ông đi theo những con đường nhỏ, và leo lên cao mãi. Khi lên đến lưng chừng núi, ông già quá mệt nên đi càng lúc càng chậm lại. Con chó liền dừng lại và nói:

Ông nội, ngồi lên lưng cháu, để cháu cõng ông đi.

Thôi, chó ơi. Ta nặng lắm, mày sẽ gãy lưng đấy, – ông già đáp.

Không sao đâu, ông ơi. Cháu đã thành con chó lớn, khỏe mạnh vững vàng lắm. Ông cho cháu ăn uống đầy đủ, nên cháu rất khỏe. Ông cứ ngồi cho yên trên lưng cháu chỉ một lát nữa là đến thôi.

Ông già quả thật đã quá mệt, ông liền ngồi lên lưng chó. Ông níu cái giỏ thật chắc để cho nó cõng đi, con chó đi nhẹ nhàng như cõng cái lông.

Một lát sau, cả hai lên đến một khoảng trống trên đỉnh núi. Con chó nhìn quanh, rồi chạy từ gốc cây này đến gốc cây khác, ngửi, đánh hơi ở dưới đất và dừng lại dưới gốc một cây thích lớn, nó nói với ông già:

Ông nội ơi, ông nội, ông lấy cuốc đào chỗ này đi! Ông già lấy cuốc đào chỗ con chó chỉ. Chẳng mấy chốc, cái cuốc chạm phải vật gì cứng. Ông già đào tiếp một cách cẩn thận, bới đất ra, ông thấy một cái hũ lớn đựng đầy tiền vàng.

Lạ lùng biết bao! Ông già vuốt ve con chó, lòng biết ơn nó vô cùng, vì từ nay cho đến chết, ông không phải chịu cảnh nghèo khổ nữa. Rồi, ông để cái hũ vàng vào giỏ, tộng thêm cái cuốc vào đấy nữa, ông hớn hở cùng con chó đi về nhà. Bà già cũng vui mừng vô cùng. Bà cám ơn con chó rồi nhanh nhẹn chuẩn bị một một bữa ăn ngon cho ông già và con chó ăn kẻo đói sau một ngày quá cực nhọc.

Trong lúc đó, ông già để tiền vàng lên chiếu để đếm.

Ông đếm, đếm mãi, chưa được nửa đống tiền thì bà hàng xóm đến xin lửa để đem về nhóm bếp. Nhìn thấy đồng tiền vàng, bà ta tròn xoe mắt ngạc nhiên, thèm khát, bà liền hỏi hai ông bà già làm sao có được nhiều vàng như thế.

Ông già kể chuyện thật cho bà ta nghe: nhờ con chó giúp đỡ mà họ có cả kho vàng này. Ông vừa kể xong, bà ta liền chạy về nhà báo tin cho chồng.

– Họ may mắn quá, – bà ta thở dài than thở – Ông hãy đến mượn con chó của họ một

hôm để nhờ nó chỉ cho một kho vàng như thế.

Ý kiến thật hay – người chồng đáp. Thế là sáng hôm sau, lão ta đến nhà ông già hàng xóm mượn chó, ông ta sẵn sàng cho mượn chó một ngày.

Vừa mang chó về nhà, lào già liền nói với vợ:

Mau lên, làm cho tôi ít vắt cơm, tôi vào rừng ngay. Lão đi tìm cái giỏ, một sợi dây và một cái cuốc. Một lát sau, con chó chặn lão ta lại và nói

Ông nội ơi, hôm nay đừng ra đồng, ông hãy buộc lên lưng tôi một cái giỏ, rồi vác cuốc theo tôi vào rừng.

Tại sao mày biết tao mượn mày ?- Lão hàng xóm nói lớn – Đương nhiên là chúng ta vào rừng .

Lão buộc giỏ lên lưng con chó, để cuốc vào giỏ, để thức ăn, rồi không đợi mời, lão tót lên lưng con chó và nói lớn:

– Thôi, chạy đi, kẻo mất thì giờ.

Con chó đi theo đường hôm qua. Nhưng con đường đối với người hàng xóm ở trên có vẻ dài quá, cho nên để giết thì giờ, lão ăn hết vắt cơm này rồi đến vắt cơm khác. Lão không cho con chó vắt nào hết, thế mà lão không ngừng thúc con chó đi nhanh lên. Đi đến bìa rừng , con chó dừng lại như nó đã dừng vào hôm trước. Lão hàng xóm bước xuống, nhìn quanh và nôn nóng hỏi chó lão phải đào ở đâu. Nhưng con chó cứ lặng thinh. Người hàng xóm ở trên bèn đi từ gốc cây này đến gốc cây khác, lão hỏi :

Đâu nói cho tao biết phải đào ở đâu, ở đây hay ở đó, hay ở đằng kia? Đến khi ấy chó mới đáp:

Ờ, ở đằng kia.

Người hàng xóm ở phía trên liền lấy cuốc, cuốc như điên. Và quả đúng là sau một hồi lâu, cuốc lão va phải cái gì cứng. Nhưng lão chỉ moi lên được cái bình đất bể đựng đầy rác rưởi.

Người hàng xóm ở trên liền nổi giận, lão nói:

– Con vật khốn nạn, mày dám lừa tao hả! Được rồi để tao cho mày một bài học vì

dám trêu chọc người ta! – Nói xong, lão ném cái cuốc vào con chó khiến nó chết ngay tức khắc. Rồi lão về nhà như không có chuyện gì xảy ra.

Hôm sau, người hàng xóm ở dưới muốn lấy lại con chó, lão ở trên bèn nói:

Con vật ghê tởm ấy nằm ở bìa rừng. Nó lừa tôi, tôi giết chết nó rồi. Người hàng xóm ở dưới khóc nức nở, lão vào bìa rừng đem xác con chó về nhà, chôn bên bờ sông, rồi trồng một cây dương lên mộ nó.

Từ ngày ấy, hai vợ chồng người hàng xóm ở dưới ngày nào cũng đến thăm mộ chó, than khóc vì đã mất một con chó có nghĩa. Và họ rất ngạc nhiên khi thấy cây dương đâm chồi mọc rễ và lớn rất nhanh, chỉ vào năm sau trên mộ chó đã có một cây dương to lớn uy nghi.

Vào một hôm mùa hè nóng nực, ông già đến ngồi dưới gốc cây dương, ông thường ngồi như thế, để ngắm nước chảy dưới sông và tưởng nhớ đến con chó trắng. Ông lắng nghe tiếng gió rì rào trong đám lá dương, đầu gục xuống ngực, thiu thiu ngủ, ông không ngủ lâu, nhưng ông đã mơ một giấc mơ. Trong giấc mơ, ông thấy con chó hiện ra và nói với ông:

Ông nội ơi, ông nội, ông hãy làm theo lời cháu nói nghe. Ông lấy cưa ra cưa cây dương đi, rồi tìm khúc nào tốt, ông làm một cái cối mà giã gạo!

Nói xong, con chó biến mất và ông già tỉnh giấc. Ông chạy về nhà kể cho bà vợ nghe:

Tôi vừa nằm mơ một giấc mơ thật kỳ lạ. Trong giấc mơ tôi thấy con chó hiện ra, nó bảo tôi cưa cây dương rồi tìm khúc gỗ nào tốt mà làm cái cối để giã gạo.

Con chó đã muốn thế, thì ông cứ việc làm di, – bà già khuyên. – Làm thế ít ra ta cũng có được vật gì để làm kỷ niệm.

Ông già nghe lời vợ, hạ cây dương xuống. Cưa một khúc gỗ thật lớn và làm một cái cối thật đẹp. Khi làm xong, ông đem vào nhà bếp. Bà già bỏ vào cối một ít lúa vừa thu hoạch năm này và lấy chày để giã cho tróc vỏ lúa ra. Nhưng chuyện gì đã xảy ra. Mới giã một chày, lúa trong cối tăng gấp hai, đến chày thứ hai, số lúa lại tăng lên gấp bốn, chày thứ ba, tăng gấp tám và cứ mỗi chày là lúa lại tăng, tăng đầy cối, tràn ra đầy cả nhà bếp. Hai vợ chồng quá đỗi vui mừng, vì họ đã có gạo ăn suốt mùa đông rồi.

Khi hai vợ chồng đang đổ lúa vào bao, thì bà hàng xóm ở phía trên đến để xin than đỏ về nhóm lửa. Quá kinh ngạc khi thấy nhiều lúa như thế, bà ta liền hỏi hai ông bà hàng

xóm thu hoạch lúa ở đâu mà nhiều thế.

Hai vợ chồng thực tình kể ra cái cối thần kỳ do ông già làm ra, chuyện con chó muốn thế, muốn ông lấy cây dương trên mộ nó mà làm cối. Vừa nghe kể xong, bà ta quên mất mục đích xin lửa của mình, và không cần lửa than nữa, bà ta nhanh chân chạy về nhà báo cho chồng biết về chuyện cái cối thần kỳ này.

Chúng ta cũng cần dự trữ một lượng lúa như thế để dành cho mùa đông. Này ông, ngày mai ông xuống mượn cái cối ấy, chúng ta sẽ giã để tăng thêm lúa cho nhiều, sao cho đầy vựa là được, – bà già kể cho chồng xong rồi nói thế.

Ngày mai, ông chồng đi xuống nhà ông hàng xóm ở phía dưới để mượn cối. Người chủ cái cối bằng lòng liền, vì ông không có tính đố kỵ, ích kỷ. Ông hàng xóm phía trên đem cái cối về để trước vựa. Rồi bà vợ bỏ vào một dúm lúa rồi giã. Nhưng bà ta giã một chày, cối lúa giảm xuống còn một nửa; giã hai chày, số lúa còn một phần tư, và giã chày thứ ba, lúa còn lại một phần tám; và nếu bà hàng xóm này không dừng lại thì chắc lúa trong cối không còn lại hạt nào hết.

Ngày hôm sau, người hàng xóm đến lấy lại cái cối, nhưng người kia trả lời:

Cái cối ấy ba láp lắm, nó lừa tôi, ăn cắp lúa của tôi. Để trừng trị nó tôi đã chẻ ra và đốt rồi.

Uổng quá – ông ở dưới thốt lên,- cái cối là vật kỷ niệm của con chó. Bác có còn giữ lại tro đó không? Tôi muốn hốt về để làm kỷ niệm.

Bác muốn hốt bao nhiêu thì hốt, -ông ở trên nói. – Tôi chẳng rảnh việc để đem đi đổ.

Ông ở dưới trải áo khoác ra, hốt tro vào đấy, chỉ hốt vừa đủ gói trong cái áo và cẩn thận đem về nhà. Khi ông ra ngoài vườn thì bỗng một cơn gió nổi lên, thổi tung số tro ít ỏi ấy. Tro bay khắp vườn, rơi xuống các lá cây trong vườn. Lập tức cây cối trong vườn đều nở hoa hết, mặc dù mới trước đó một chút thôi, cây nào cây nấy đều trụi hết lá vì trời đang tiết thu.

Ông hàng xóm phía dưới quá kinh ngạc, ông gọi vợ ra xem:

Này bà ơi, mau ra xem, nhờ số tro của cái cối mà tôi đã làm cho cây nở hoa hết. Bà già cảm ơn chồng và con chó rồi nói:

Phải để cho nhà vua thấy cảnh đẹp rực rỡ này mới được, ông cũng biết ngài rất thích ngắm cảnh hoa đào nở, chắc nhà vua sẽ thích lắm.

Ông già tán thành ý kiến này ngay. Ông đổ hết số tro còn lại vào một túi vải rồi mang đến vườn thượng uyển. Ông leo lên cây, ngồi đấy để đợi nhà vua đến. Ông ngồi một lát liền có tiếng chân ngựa đi tới và có tiếng người cười nói vui vẻ, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi tới. Khi đoàn người cưỡi ngựa đến gần cây ông già ngồi, nhà vua thấy ông, ngài bèn hỏi ông làm gì trên cây.

Ông già nghiêng người kính cẩn chào rồi đáp:

Tôi là ông già làm cho cây nở hoa. Thưa bệ hạ, nếu bệ hạ muốn tôi xin làm cho vườn thượng uyển thành một bể hoa.

Nhà ngươi làm cho cây nở hoa vào mùa thu à? – Vua ngạc nhiên hỏi. – Vậy ngươi hãy làm cho ta xem đi, ta rất muốn xem hoa nở.

Ông già liền mở cái túi ra, bốc một nắm tro và ném lên không trung. Lập tức các cây nơi ông đang ngồi liền nở hoa.

À, – nhà vua thốt lên, ngạc nhiên và sung sướng, quay qua khen ông già hết lời. Ông già ném thêm tro khắp tứ phía, và chỉ trong giây lát, cả khu vườn đều rực hoa. Thật là phép kỳ diệu, – nhà vua khen. – Khanh đã làm ta rất vui, để thưởng cho khanh đã làm vườn thượng uyển của ta đẹp như thế này, ta ban cho khanh chiếc long bào.

Nhà vua rất hài lòng, bèn sai người hầu vào cung điện tìm lấy chiếc áo lụa rất đẹp của ngài dể ban cho ông già. Rồi ngài nhìn quanh khu vườn một lần nữa, chào ông già rất thân mật rồi tiếp tục đi.

Ông già liền mặc chiếc áo đẹp vào và ông không thể nào nhận ra mình nữa. Vải may áo quá đẹp. Ông nghĩ: “Chắc cái này có thể may thêm cho bà già một cái kimônô nữa được đấy!” Ông bèn chạy nhanh về nhà đưa quà cho vợ xem.

Về trước nhà, ông gặp bà hàng xóm ở trên, lại một lần nữa, xuống xin lửa than để nhóm lò. Thấy người hàng xóm mặc long bào về nhà, bà ta hỏi ông kiếm áo ở đâu ra. Ông hàng xóm ở dưới kể chuyện làm cho cây trong vườn thượng uyển nở hoa nhờ tro của chiếc cối, nên được vua khen thưởng cho ông.

Bà hàng xóm ở trên quá kinh ngạc và vì quá tham lam, nên bà quên phứt chuyện xin lửa, chạy vội về nhà kể cho ông chồng nghe chuyện lạ lùng này.

Rồi bà nói với chồng.

Chúng ta còn nhiều tro của cái cối đấy, ông hãy lấy một ít, đem đến vườn của công chúa, rải lên cây, nếu ông làm cho vườn của công chúa nở hoa, chắc thế nào công chúa cũng thưởng cho ông cái áo còn đẹp hơn thế nữa.

Ông hàng xóm phía trên tọng tro vào đầy túi xách rồi đi đến vườn của công chúa. Đến nơi, lão leo lên một cây đào cao nhất và ngồi đợi cho đến khi công chúa ra vườn. Lão không đợi lâu, chỉ một lát sau, công chúa từ trong cung ra vườn, theo nàng có nhiều cung nữ và các thái giám. Ra đến vườn, công chúa thấy ông già, hỏi ông làm gì ở đây.

Lão hàng xóm ở trên liền bỏ tay vào túi xách và nói:

– Tôi là ông già biết làm cho cây nở hoa. Tôi đến làm ra hoa để được thưởng áo đẹp!

Nói xong , lão lấy tro ném quanh người. Nhưng đào vẫn trụi lá như trước, và họa vô đơn chí, một ít tro lại bay vào mắt công chúa. Công chúa thét lên vì đau đớn và khiếp hãi, các thái giám hét vào mặt ông già:

– Ai cho phép ngươi làm thế, ngươi đã hại công chúa rồi!

Họ trói ông già lại bỏ vào tù, và vì từ lúc ấy cho đến nay, công chúa vẫn chưa bình phục, nên lão già vẫn phải ngồi trong tù.

Bình luận
Ads Footer