Dự Nhượng là một tướng tâm phúc của Trí Bá nước Tấn thời Đông Chu liệt quốc.
Trong khi tranh giành quyền lực với ba họ: Triệu, Hàn, Ngụy, Trí Bá đã thắng lợi. Nhưng vì chủ quan khinh địch mà bị bắt và bị giết.
Dự Nhượng quyết tâm báo thù cho chủ. Nhưng vì thế cô, nên đổi họ tên, giả làm kẻ tù phạm, làm công việc phục dịch trong dinh của Triệu Võ Tuất, người đã ra lệnh giết Trí Bá.
Dự Nhượng giắt một con dao nhọn vào lưng, lẻn vào nhà tiêu của Võ Tuất, định hành thích. Nhưng bị lộ, bị điệu đến trước mặt viên tướng họ Triệu.
Võ Tuất hỏi:
– Nhà người giắt con dao nhọn làm gì?
Dự Nhượng thẳng thắn trả lời:
– Tôi là bề tôi của Trí Bá, quyết vì chủ mà báo thù.
Võ Tuất khen là người nghĩa khí và tha tội.
Dự Nhượng về nhà, vợ khuyên nên làm tôi họ Triệu. Ông bỏ nhà ra đi. Muốn để người ta không nhận được mình, Dự Nhượng cạo sạch râu và lông mày, rồi lấy sơn bôi vào mặt, giả làm người hủi, đi ăn mày ở chợ.
Người vợ tìm chồng, ra đến chợ, nghe tiếng người ăn mày, chị ta nghĩ đúng là tiếng chồng mình. Nhưng khi nhìn mặt thì chị không nhận ra và bỏ về.
Dự Nhượng muốn cho giọng khác đi, đã nuốt than cho khản tiếng, rồi tiếp tục đi ăn xin.
Một hôm biết rằng Triệu Võ Tuất sẽ đi qua một cái cầu, Dự Nhượng thủ một con dao, nằm ở dưới cầu, định khi Võ Tuất đi qua thì xông lên chém. Nhưng bị quân lính phát hiện, dẫn đến trước mặt tướng họ Triệu.
Võ Tuất mắng rằng:
– Khi trước ta đã tha cho nhà ngươi, nhà ngươi vẫn cứ muốn hại ta là tại làm sao?
Dự Nhượng trả lời:
– Ta làm tôi họ Trí, Trí Bá nhường cơm sẻ áo cho ta, đãi ta là quốc sĩ, ta phải lấy tư cách là quốc sĩ mà xử lại.
Võ Tuất nói:
– Nhà ngươi quyết chí hại ta, ta không thể tha lần nữa.
Nói xong, cởi thanh gươm đương đeo đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng nói: “Kẻ trung thần không sợ chết vì chính nghĩa”, rồi tự đâm cổ mà chết.
Về sau, dân địa phương đổi tên cầu là “Dự Nhượng Kiều”.