Truyện kể rằng, sau khi Lã Động Tân du ngoạn núi Nga Mi ở Tứ Xuyên trở về, chợt có ý định tiếp tục đến biển Đông để thăm những vị thần tiên khác. Chàng đeo bảo kiếm lên lưng và men theo dòng Trường Giang, đến thành Vũ Xương. Cảnh vật nên thơ, huyền ảo ở nơi đây đã khiến chàng bị mê hoặc. Lã Động Tân leo lên đỉnh núi Xà Sơn, phóng tầm mắt ra xung quanh: “Ha! Ngọn núi phía đối diện trông giống như một con rùa khổng lồ đang thò đầu ra để uống nước vậy; còn dãy núi dưới chân mình thì giống như một con rắn khổng lồ đang nghe ngóng động tĩnh của con rùa.” Lã Động Tân nghĩ bụng: “Nếu xây một tòa tháp trên đầu con rắn này, sau đó đứng trên đỉnh tháp ngắm cảnh thì tuyệt biết mấy? Nhưng ngọn núi này vừa cao lại dốc đứng, ai có thể xây tháp ở đây được cơ chứ?” Thế là, chàng liền mời một vị tiên nữ đến bàn bạc.
Lã Động Tân rút bảo kiếm ra, chĩa lên trời và xoay một vòng, lập tức, Hà Tiên Cô cưỡi trên một đám mây bay xuống. Chàng liền nói rõ ý định của mình với Hà Tiên Cô, Tiên Cô cười và nói: “Ngươi bảo ta dùng trâm vẽ một con rồng, tạo một trận gió thì còn được, còn nói đến xây nhà thì hãy tìm người khác đi!” Lã Động Tân bèn mời Thiết Quải Lí đến giúp đỡ. Thiết Quải Lí vừa nghe xong đã cười phá lên và nói: “Nếu ngươi bị mất trí thì chỗ ta có linh đơn diệu dược đây, chứ còn xây lầu thì hãy tìm người khác đi!” Sau đó, Lã Động Tân liền nhờ Trương Quả Lão, nhưng Trương Quả Lão cũng lắc đầu nói: “Ta chỉ biết cưỡi lừa, thổi sáo thôi.” rồi bỏ đi. Lã Động Tân nghĩ: “Ngay đến cả bát tiên cũng không làm được thì có ai đủ tài năng để xây lầu đây?”
Đúng lúc đó, chàng bỗng nghe thấy có tiếng chim kêu rất lạ trên trời. Ngẩng đầu lên thì thấy Lỗ Ban sư phụ đang cưỡi một con hạc gỗ, tươi cười bay về phía mình. Lã Động Tân vội vàng nghênh tiếp và nói ý định của mình cho sư phụ nghe. Lỗ Ban sư phụ liền ngồi lên lưng hạc gỗ, quan sát độ cao của ngọn núi, đo đạc một hồi, sau đó, tiện tay nhặt mấy cành cây ở sườn núi lên, cắm xuống đất, nghĩ ngợi một lúc rồi nói với Lã Động Tân: “Ngày mai, chúng ta bàn bạc tiếp nhé.”
Sáng hôm sau, khi trời vừa sáng, Lã Động Tân vội vội vàng vàng chạy đến núi Xà Sơn thì thấy một tòa lầu mái cong đã nằm ở đó từ bao giờ. Chàng gọi tên sư phụ, leo lên tầng cao nhất của ngọn tháp nhưng không thấy bóng dáng của Lỗ Ban sư phụ đâu cả, chỉ thấy sư phụ để lại một con hạc gỗ. Trên người hạc gỗ có một lớp lông vàng lấp lánh, hai con mắt đen to tròn đang hướng về phía chàng. Lã Động Tân vô cùng phấn khởi, lúc thì xem xét lan can trên lầu, lúc lại nhìn ngắm dòng nước chảy phía dưới lầu, sau đó, rút tiêu ra, thổi một khúc nhạc vô cùng cảm động. Chàng vừa thổi tiêu vừa nhìn hạc gỗ, bỗng nhiên, con hạc gỗ cử động và múa theo điệu nhạc của chàng. Lã Động Tân nhảy lên lưng hạc gỗ, bay lên trời cao, bay vòng quanh đỉnh lầu ba vòng rồi mất hút đằng sau những đám mây trắng. Sau đó, mọi người đặt tên cho tòa lầu đó là Hoàng Hạc Lâu (lầu Hoàng Hạc).
Sưu tầm
Trò chuyện cùng bé
Câu chuyện này đã cho chúng ta thấy được sự khó khăn khi xây dựng Hoàng Hạc Lâu, vì nó đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ rất cao. Hoàng Hạc Lâu tọa lạc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, là một trong ba tòa lầu nổi tiếng nhất Giang Nam và đã được mệnh danh là “Thiên hạ Giang Nam đệ nhất lầu”.