NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Giếng Thở Than

Chương 30

Tác giả: Montague Rhodes James
Ads Top

Vào năm 19.., có hai hướng đạo sinh thuộc một trường nổi tiếng, một người tên là Arthur Wilcox, người kia tên là Stanley Judkins. Hai người cùng tuổi với nhau, cùng ở một nhà, cùng thuộc một đơn vị và dĩ nhiên cùng là thành viên trong một đội tuần tra của hướng đạo. Về mặt hình thức, họ trông giống nhau đến mức có thể lầm lẫn, khiến cho các thầy giáo phải bực mình khi tiếp xúc với họ. Nhưng con người bên trong thì họ khác nhau không biết bao nhiêu!

Thầy hiệu trưởng bảo với Arthur Wilcox khi ngẩng lên nhìn cậu bé bước vào phòng “Này, Wilcox, em mà ở trường lâu hơn nữa thì quỹ phần thưởng của nhà trường sẽ không đủ mất! Em nhận lấy tập sao chụp đóng rất đẹp này, “Cuộc đời và tác phẩm của giám mục Ken” cùng lời ngợi khen của tôi tới em và cha mẹ ưu việt của em.” Vẫn lại là Arthur Wilcox, là người mà thầy hiệu trưởng nhận xét với thầy hiệu phó khi nhác trông thấy cậu băng qua sân chơi “Thằng bé này có đôi lông mày lạ thực.” “Phải, đúng là vậy” thầy hiệu phó nói “nó nói lên bộ óc hoặc là thiên tài hoặc là nước lã.”

Là một hướng đạo sinh, Wilcox đạt mọi huy hiệu và danh hiệu trong các cuộc thi, huy hiệu về nấu ăn, về lập bản đồ, về cứu hộ, về nhặt giấy vụn, về đóng cửa nhẹ nhàng khi ra khỏi lớp, và nhiều huy hiệu khác nữa. Riêng về cứu hộ tôi sẽ nói vài lời sau, khi chuyển sang nhận xét về Stanley Judkins.

Các bạn sẽ không ngạc nhiên khi nghe nói ông Hope Jones trong mỗi bài hát của mình lại thêm vào một câu thơ đặc biệt để tặng cho Arthur Wilcox, hoặc thầy giáo lớp dưới đã oà khóc khi trao tặng cậu bé mề đay hạnh kiểm tốt đựng trong chiếc hộp màu đỏ thắm, được toàn thể hệ lớp ba nhất trí bầu chọn. Chỉ có mỗi một người không tán thành, đó là Judkins-mi – Judkins của tôi. Cậu ta nói rằng mình có lý do đúng đắn để làm việc ấy. Hình như cậu ta ở cùng một phòng với đội trưởng của mình thì phải. Các bạn còn ngạc nhiên thêm khi biết Arthur Wilcox, sau nhiều năm, đã là người đầu tiên và duy nhất trở thành chỉ huy trưởng hướng đạo sinh của cả trường lẫn học sinh ngoại trú. Vì nhiệm vụ quá nặng nề thêm vào việc học hành thường ngày, thành ra cậu ta bị căng thẳng thần kinh, phải nghỉ học hoàn toàn trong sáu tháng, sau đó cậu sẽ đi du lịch một vòng quanh thế giới, thầy thuốc của gia đình tuyên bố như vậy.

Kể cũng vui đấy nếu như ta được theo vết chân của cậu qua từng bậc thang đạt tới địa vị cao trọng hiện nay, nhưng đến đây, đã đủ về Arthur Wilcox rồi. Thời gian đã gấp, ta phải quay về với một vấn đề khác hẳn: sự nghiệp của Stanley Judkins – Judkins ma – Judkins yêu quý.

Stanley Judkins, cũng giống như Arthur Wilcox, cũng gây cho ban giám hiệu phải chú ý, nhưng theo cách khác hẳn. Với cậu ta, thầy lớp dưới nói với một nụ cười chẳng vui vẻ gì “Sao vậy, Judkins, lại phạm lỗi nữa hả? Cứ tiếp tục hạnh kiểm này rồi em sẽ tiếc là đã vào học tại trường cho mà xem. Hết cái này tới cái kia rồi lại cho là mình may mắn khỏi bị cái này cái khác.” Vẫn là thầy hiệu trưởng nhận xét khi ông đi ngang qua sân chơi bị một quả bóng Cricket bắn mạnh vào mắt cá với một tiếng kêu cấm cẳn “Ném lại đây hộ! Cám ơn!” Thầy hiệu trưởng đứng lại xoa mắt cá chân “Tôi cho rằng thằng bé này lẽ ra nên tự mình đi nhặt lấy quả bóng thì hơn!” “Đúng thế” thầy hiệu phó nói “Nó mà đến gần tôi lúc đó à, tôi thì cho nó một quả thụi ấy chứ”

Là một hướng đạo sinh, Stanley Judkins chẳng thu được chiếc huy hiệu nào ngoài việc làm cho các thành viên của đội tuần tra khác khỏi đạt huy hiệu của họ. Thi nấu ăn thì cậu ta bị phát hiện đang nhét ngòi nổ vào chiếc lò nấu Hòa Lan của phòng thi bên cạnh. Thi vá may thì cậu ta thành công trong việc khâu hai cậu bé khác vào nhau chắc chắn đến nỗi hai người này khi đứng dậy thì có hậu quả tai hại. Thi lấy huy hiệu trật tự gọn gàng thì cậu ta trở thành nổi tiếng bởi vì trong kỳ nghỉ hạ chí, tự nhiên thời tiết nóng bức rất ghê, người ta bắt gặp cậu ngồi nhúng các ngón tay vào mực “cho nó mát”. Mỗi mảnh giấy vụn cậu nhặt lên tương đương với sáu vỏ chuối hoặc vỏ cam do tay cậu vứt bừa bãi. Các bà già trông thấy cậu đến gần, chỉ đưa mắt nhìn cậu để van cậu đừng có xách hộ thùng nước của họ qua đường, hậu quả thế nào họ đã biết rõ. Nhưng trong cuộc thi đấu cứu hộ thì hạnh kiểm của Stanley Judkins mới lộ rõ đáng trách nhất và hậu quả khôn lường nhất. Trong cuộc thực tập người ta ném một cậu bé lớp dưới, trọng lượng không nặng lắm cũng không to lớn lắm mặc nguyên quần áo, tay chân trói lại với nhau, xuống nước vùng sâu nhất ở Cuckoo Weir, và bấm giờ xem các hướng đạo sinh cứu em ấy nhanh hay chậm. Cứ đến kỳ thi này là Stanley Judkins, đúng lúc cần phải nhảy xuống nước, la lên cơn chuột rút lăn đùng ra đất kêu lên ầm ĩ. Dĩ nhiên việc này làm đãng trí các hướng đạo sinh khác đang ở dưới nước cứu đứa bé, và nếu không có Arthur Wilcox, chắc đứa bé đã chết. Vì vậy mà sau này các thầy lớp dưới phải đề nghị bãi bỏ cuộc thi này sợ tỷ lệ tử vong cao. Trong năm cuộc thi, thực tế bốn học sinh lớp dưới bị thả xuống nước không cầm cự nổi, mà ba lại là con cưng của thầy trong dàn đồng ca ở nhà thờ, cả thầy Beasley Robinson và bác sĩ Ley đều cho rằng “Lợi bất cập hại.” Rồi lại còn cha mẹ các em đó không bằng lòng nữa. Không chịu điền vào tờ giấy in sẵn mà nhà trường gởi cho, có phụ huynh đã trực tiếp đến tận trường Eton gặp đích thân thầy phàn nàn.

Tóm lại đội Hướng đạo sinh chẳng tin nhiệm Stanley Judkins chút nào, nhiều lần người ta yêu cầu cậu không tham gia vào hướng đạo sinh nữa. Nhưng cuối cùng vì ông Lambart năn nỉ mãi người ta mới cho cậu có cơ hội thử vận may lần nữa.

Chúng ta thấy cậu ta trong trại hướng đạo sinh vào ngày đầu của kỳ nghỉ hạ chí ở vùng W (hay X) quận D. (hoặc Y).

Sáng hôm đó trời đẹp, Stanley và hai ba người bạn (cậu vẫn còn có bạn) nằm tắm nắng trên đỉnh đồi, hai bàn tay kê dưới cằm, nhìn ra xa xa.

“Không biết chỗ kia là cái gì ấy nhỉ?” Cậu hỏi.

“Chỗ nào?” một cậu khác nói.

“Cái gò đất ở giữa cánh đồng ấy.”

“Ồ, à! Tôi làm sao mà biết được cơ chứ.”

“Vậy cậu muốn biết để làm gì? Một cậu khác hỏi.

“Tớ không biết. Trông nó thích mắt vậy thôi. Nó tên là gì? Có ai có bản đồ không? Thế mà các cậu cũng tự gọi mình là hướng đạo sinh!”

“Đây có bản đồ đây này” Wilfred Pipsqueak nói, lúc nào cậu này cũng là nguồn cung cấp đủ mọi thứ “Ở đây có đánh dấu, nhưng trong đó có khoanh vòng tròn đỏ tức là ta không được đến.”

“Cần gì quan tâm đến cái khoanh đỏ?” Stanley bảo. “Nhưng cái bản đồ ngu ngốc của cậu không có tên nó.”

“Vậy cậu thử hỏi ông già đang đi đến kia xem sao?” “Ông già” ở đây là một người chăn cừu lớn tuổi đang leo lên đồi đàng sau lưng họ.

“Chào các cậu” ông ta cất tiếng “Ngày hôm nay thật đẹp cho hoạt động của các cậu!”

“Vâng, cám ơn ông” Algernon de Montmorency đáp với thái độ lễ phép của người nước này. “Ông có thể bảo cho biết cái gò ở xa xa kia gọi là gì không? Bên trong có gì?”

“Dĩ nhiên là được” người chăn cừu nói “Đó là giếng Thở Than, nhưng tên gọi chẳng bận gì đến các cậu.”

“Ở đó có cái giếng ạ?” Algernon nói “Ai dùng giếng đó?” Người chăn cừu cười “Từ khi tôi sống ở đây bao nhiêu năm , chẳng thấy người nào hay con vật nào sử dụng giếng ấy.”

“Thế thì hôm nay tôi sẽ lập một kỷ lục mới, tôi sẽ đến đó lấy nước về pha trà.”

“Chết, xin cậu!” người chăn cừu nói, giọng hoảng hốt “Đừng nói vậy! Chẳng lẽ các thầy giáo không bảo các cậu đừng có đến đấy hay sao? Họ phải bảo chứ?”

“Có đấy” Wilfred Pipsqueak nói.

“Câm mồm, đồ ngu!” Judkins bảo. “Liên quan gì? Thế nước có sạch không? Dù gì đi nữa cứ đun sôi là ổn hết.”

“Tôi không biết nước có làm sao không” Người chăn cừu nói “Tôi chỉ biết là ngay cả con chó trước đây của tôi cũng không đến đấy chứ đừng nói đến ai có chút đầu óc!”

“Điên!” Stanley bảo “Đến đấy thì có hại gì?”

“Ba người đàn bà và một người đàn ông.” Người chăn cừu nói một cách trang nghiêm “Các cậu hãy nghe tôi bảo đây, tôi là tôi biết rõ vùng này. Mười năm nay cả cánh đồng không có lấy một con cừu, một nhành lúa – mặc dù đất rất màu mỡ. Cứ nhìn xem, chỉ toàn bụi mâm xôi, các nhánh chồi và cây cỏ linh tinh. Các cậu có ống nhòm kia mà” Ông ta bảo Wilfred Pipsqueak “Cậu nhìn xem rồi nói cho họ biết.”

“Phải,” Wilfred nói “nhưng tôi nìhn thấy mấy con đường mòn. Phải có ai lui tới nơi đó chứ!”

“Đường mòn à? Thế thì tôi tin cậu đấy. Bốn con đường mòn cho ba người đàn bà và một người đàn ông.”

“Ông nói thế nghĩa là gì?” Lần đầu tiên Stanley quay lại nhìn vào người chăn cừu (cậu ta vô lễ vẫn quay lưng vào ông ta mà nói).

“Còn nghĩa gì nữa. Ba người đàn bà, một người đàn ông chứ sao?”

“Họ là ai?” Algernon hỏi “Họ đến đấy làm gì?”

“Có lẽ mấy người có thể nói được với các cậu đó là ai” người chăn cừu nói “nhưng họ đã qua đời từ trước khi tôi sinh ra rồi. Và vì sao mấy người ấy đến đó thì con cái họ càng không thể nói ra được, ngoài việc nghe bảo đó toàn những người xấu lúc còn sống.”

“Lạy Thánh George, toàn chuyện kỳ quặc!” Algernon và Wilfred thì thầm, riêng Stanley tỏ vẻ khinh bỉ và phách lối:

“Sao? Ông cho họ là những người chết rồi sao? Vớ vẩn! Có điên thì mới tin lời ông nói. Thử hỏi ai là người đã mục kích họ nào?”

“Các cậu quý tộc trẻ tuổi ơi! Chính tôi đây là người đã trông thấy họ chứ ai! Ngay gần cái đồi kia chứ đâu! Giá con chó cũ của tôi còn sống, nó sẽ nói cho các cậu nghe là cả nó lẫn tôi cùng trông thấy một lúc. Hôm ấy độ bốn giờ chiều, thời tiết cũng giống hôm nay. Tôi nhìn thấy từng người một, thò ra khỏi bụi cây, đứng dậy, theo con đường mòn của riêng mình, chầm chậm đi vào chỗ mấy cây to ở trung tâm nơi có cái giếng.”

“Trông họ như thế nào hả ông?” Cả Algernon và Wilfred hăm hở hỏi.

“Rách rưới tả tơi, chỉ có xương trắng hếu, cả bốn. Nghe tiếng lách cách khi họ đi. Đi rất chậm, nhìn ngang nhìn ngửa.”

“Mặt mũi họ thế nào? Ông có trông thấy không?”

“Làm sao còn gọi là mặt được! Hình như có thấy răng thì phải!”

“Trời ơi!” Wilfred kêu lên “Thế họ làm gì khi đến cái cây?”

“Tôi không biết” người chăn cừu nói “Có dám đứng ở đó lâu đâu mà nếu có cũng chỉ cốt để tìm con chó. Nó đi mất tiêu! Mà trước kia không bao giờ nó rời tôi. Sau cùng khi thấy được nó thì nó không còn nhận được ra tôi, định nhào lên cắn cổ tôi. Tôi phải kiên nhẫn nói với nó rất lâu, nó dần dần nhận ra giọng tôi mới leo lên người tôi như đứa trẻ con muốn xin lỗi. Không bao giờ tôi muốn nó ở tình trạng như thế, kể cả khi tôi có con chó khác.”

Đến đây, con chó của ông ta, chạy vòng làm quen với các cậu hướng đạo, ngẩng lên nhìn chủ, như tán thành lời chủ.

Mấy cậu hướng đạo suy nghĩ một lúc, sau đó Wilfred hỏi:

“Tại sao gọi là giếng Thở Than?”

“Nếu các cậu ở quanh đây lúc chiều tối, thì chẳng cần hỏi tại sao” Người chăn cừu chỉ nói thế.

“Tôi thì tôi chẳng tin một lời nào” Stanley Judkins bảo “Có dịp tôi sẽ đến chỗ đó. Không đến thì tôi chỉ là thằng chết tiệt!”

“Ra cậu không tin tôi? không tin các thầy giáo nữa? cậu không có ý thức chút nào. chẳng lẽ tôi nói dối sao? Giá có được đồng sáu xu nếu ai đi vào đó tôi cũng chẳng muốn. Để một người trẻ như thế này uổng mạng thì sao đành lòng!”

“Tôi sẽ cho ông nhiều hơn đồng sáu xu nhiều,” Stanley nói “Whisky nữa là khác để khỏi phải bảo người khác đừng tới đó. Chuyện vớ vẩn! Thôi các cậu , ta đi về!”

Hai cậu kia nói “Chào ông, cám ơn ông” còn Stanley không nói gì. Người chăn cừu nhún vai, lặng lẽ đứng nhìn theo một cách buồn bã.

Trên đường về mấy cậu bàn tán xôn xao. Stanley bảo nếu cậu ta không đến giếng Thở Than thì sẵn sàng để cho bất cứ ai gọi mình là điên cũng được.

Tối đó, cùng nhiều thông báo khác, ông Beasley Robinson hỏi các bản đồ đã được khoanh đỏ một nơi nào đó chưa và nhắc nhở mọi người “Không được đi vào trong vùng đó.”

Nhiều tiếng hỏi – trong đó có tiếng Stanley Judkins “Tại sao?” “Không được! Thế thôi,” ông Beasley Robinson nói “các em không thoả mãn với câu trả lời ấy tôi cũng không nói gì hơn được.”

Ông ta quay lại ông Lambart khẽ nói gì đó rồi tuyên bố “Tôi chỉ có thể nói là tôi có nhiệm vụ cảnh báo hướng đạo sinh tránh xa cánh đồng đó. Dân làng ở đây rất thích cho chúng ta cắm trại, ít nhất ta cũng phải làm ơn cho họ. Chắc các em đồng ý?”

Mọi người đều nói “Vâng ạ” trừ Stanley Judkins lẩm bẩm “Làm ơn cho họ ấy à? Còn lâu!”

Đầu buổi chiều hôm sau người ta nghe thấy cuộc đối thoại sau đây:

“Wilcox, số người trong lều em đủ không?”

“Không ạ, không có Judkins.”

“Thằng bé này là nỗi phiền muộn lớn nhất của chúng ta! Theo em nó đi đâu?”

“Dạ em không biết ạ.”

“Có ai biết không?”

“Theo em, cậu ấy đi đến giếng Thở Than.”

“Ai nói đó? Pipsqueak hả? Đến giếng Thở Than à? Là đâu vậy?”

“Ở ngoài cánh đồng hoang, nơi có lùm cây cao ở giữa ấy ạ.”

“Em muốn nói bên trong cái vòng đỏ ấy ư? Trời đất ơi! Làm sao em nghĩ vậy?”

“Hôm qua cậu ấy nhất định tỏ ra muốn đến đó, chúng em gặp một người chăn cừu, ông ta kể nhiều chuyện, khuyên chúng em đừng có đến đó, nhưng Judkins không tin, khăng khăng sẽ đến.”

“Ngốc quá” ông Hope Jones bảo “Nó có mang theo cái gì không?”

“Có mang theo sợi dây thừng và một cái bi đông. Chúng em đã bảo là cậu ta điên.”

“Đồ súc sinh! Quỷ tha ma bắt gì mà nó phải tức bực với những câu chuyện như vậy! Cả ba em, phải đi cùng tôi theo nó ngay! Những kỷ luật đơn giản như thế cũng không theo là thế nào? Thế người chăn cừu kể những gì? Thôi, ta vừa đi vừa nói.”

Và thế là họ ra đi, Algernon và Wilfred vừa đi vừa kể nhanh, hai người kia lắng nghe ngày càng chăm chú. Cuối cùng họ tới đỉnh đồi nhìn xuống cánh đồng mà hôm qua ông chăn cừu nói bao quát được toàn khu vực kể cả cái giếng trên đám cỏ, quanh có các cây linh sam Scotland cùng bốn con đường mòn uốn lượn quanh các bụi cây hoang gai góc, tất cả rõ mồn một.

Ngày hôm đó thời tiết thật đẹp, có nắng ấm. Biển trông không khác gì một tấm kim loại. không một làn gió. Leo lên đỉnh đồi xong họ đều mệt đứt hơi, ngồi lăn ra cỏ.

“Không thấy nó đâu” Ông Hope Jones nói “Nhưng ta hãy dừng ở đây đã, các em cũng mệt rồi chứ đừng nói đến tôi. Thử chăm chú nhìn khắp nơi xem…kìa, có cái gì lay động ở bụi cây kia kìa…”

“Vâng” Wilcox nói “Em cũng nhìn thấy. Nhưng…không phải cậu ấy. Có một người nào đó thò đầu ra..”

“Hình như thế, tôi không dám chắc.”

Im lặng một lát, rồi:

“Đúng là cậu ấy rồi,” Wilcox nói “đang leo qua hàng rào phía bên kia. Mọi người có nhìn thấy không, cầm cái gì loé sáng ấy, chắc cái bi đông.”

“Đúng cậu ấy rồi” Wilfred nói “đang tiến thẳng tới các cây cao. Chắc rồi” Vừa vặn Algernon đang cố hết sức nhìn, kêu thét lên:

“Cái gì trên con đường mòn kia? Cả bốn kìa! Người đàn bà! Ôi, đừng để tôi nhìn vào bà ta!” nói rồi cậu lăn đùng ra ,tay bám chặt lấy cỏ, rúc đầu vào cỏ.

“Đừng làm thế!”

Mặc ông Hope Jones gào to, vô tác dụng. Ông bèn bảo “Để tôi đi xuống dưới đó. Wilfred cứ ở đây trông Algernon, còn Wilcox chạy nhanh về trại gọi mọi người đến cứu.”

Cả hai người chạy đi, Wilfred ở lại với Algernon, cố tìm cách trấn tĩnh cậu bé và cũng chẳng sung sướng gì hơn cậu này. Lúc lúc cậu lại từ trên đồi nhìn xuống cánh đồng. Cậu thấy ông Hope Jones nhẹ nhàng tiến lên và rồi, cậu vô cùng ngạc nhiên thấy ông ta dừng lại, ngẩng đầu lên rồi nhìn quanh, sau đó co cẳng rẽ ngoặt vào ngay một góc! Tại sao thế nhỉ? Cậu nhìn kỹ xuống cánh đồng, một dáng hình khủng khiếp mặc đồ đen rách rưới lộ ra những mảng trắng toát, cái đầu cắm vào thân bằng một cái cổ mỏng dính dài ngoẵng che một nửa bởi cái mũ không ra hình thù nào. Dáng hình này vẫy vẫy người đến cứu có ý bảo đi xa ra, giữa hai dáng hình không khí hầu như lung linh và run rẩy, cậu chưa từng thấy bao giờ, và càng nhìn cậu càng cảm thấy đầu óc mình chao đảo, mờ mịt lẫn lộn mà cậu đoán là bị ảnh hưởng của một người nào đó ở gần. Cậu vội nhìn Stanley Judkins đang bước rất nhanh tới đám cỏ theo đúng điệu hướng đạo sinh và đang thận trọng tránh giẫm phải các cành cây gãy và các nhánh mâm xôi. Rõ ràng là tuy không trông thấy gì, cậu ta vẫn linh cảm có thể có bẫy do đó đi lại rất nhẹ. Wilfred không những nhìn thấy thế, còn nhìn thấy nhiều hơn, tim cậu đột nhiên thắt lại một cách kinh hoàng khi bắt gặp một hình người đang chờ đợi giữa các cây cao, rồi lại thêm một người nữa – dáng hình ghê tởm màu đen – đang từ con đường mòn từ phía bên kia. Tệ hại nhất là người thứ tư – lần này thì rõ ràng là một người đàn ông – nhô lên khỏi các bụi cây ngay phía sau Stanley có vài mét. Sau đó bò vào con đường mòn với vẻ đau đớn. Vậy là tất cả các ngả đường đều đã bị chặn.

Wilfred lúc này không còn tỉnh trí nữa, xô tới Algernon và lắc mạnh cậu này “Dậy đi! Gào to lên! Gào to nhất có thể! Trời ơi, giá mà chúng ta có cái còi!”

Algernon bình tâm lại “Còi đây, có lẽ Wilcox đánh rơi.”

Thế là một người thổi còi, một người hét to lên, vang trong không khí mong manh. Stanley nghe thấy, dừng lại, nhìn quanh. Và lúc ấy thì có một tiếng kêu thét còn xé tai và khủng khiếp hơn tiếng hét từ trên đồi. Muộn rồi! Hình người đàng sau Stanley bổ nhào vào cậu ta, tóm lấy thắt lưng cậu ta. Kẻ đang đứng thì vẫy vẫy cánh ta có vẻ phấn khởi. Kẻ đang lò dò giữa các cây to cũng nhào tới, bà này cũng dang tay ra sẵn sàng nắm lấy ai chạy qua, còn người ở xa nhất thì bước nhanh tới gật đầu hân hoan. Hai cậu bé nhìn cảnh ấy trong im lặng hãi hùng, nín thở xem cuộc vật lộn giữa người đàn ông và nạn nhân. Stanley dùng bi đông mà quật vì chỉ có vũ khí ấy. Chiếc mũ đen của ông này vỡ, rơi xuống lộ ra cái sọ trắng hếu trên có mấy mảng tóc. Lúc này người đàn bà tới gần cái đôi đang đánh nhau, kéo chặt sợi dây thừng treo ở cổ Stanley. Cả hai mạnh hơn Stanley nhiều, tiếng kêu thét giảm dần, cả ba đi vào trong đám cây linh sam.

Hình như đoàn cứu nạn đã tới. Ông Hope Jones lúc nãy đang đi nhanh dừng lại, quay ngoắt vào chỗ rẽ, nay dụi mắt, lại chạy ra cánh đồng. Hơn thế nữa khi hai cậu bé quay lại nhìn thì không những cả một đội quân từ trái đã tiến tới đỉnh đồi bên kia mà còn thấy cả người chăn cừu từ đồi của ông ta chạy xuống. Họ gọi, vẫy ông ta, chạy về phía ông ta. Ông ta bèn chạy nhanh hơn.

Một lần nữa hai cậu bé nhìn về phía cánh đồng. chẳng còn thấy gì cả. Hình như có cái gì giữa các cây cao hay sao ấy. Hoặc giả sương mù giữa đám cây? Rồi ông Hope Jones leo qua hàng rào nhảy vào giữa các bụi cây con.

Người chăn cừu đứng bên các cậu bé, thở hổn hển. Hai cậu chạy tới, nắm chặt cánh tay ông ta. “Họ bắt cậu ấy rồi. Đem vào trong lùm cây rồi!” Chúng chỉ nói đi nói lại có thế.

“Cái gì cơ? Thế ra cậu ấy cứ đi vào đó sau khi tôi đã kể mọi chuyện ngày hôm qua? Tội nghiệp thằng bé! Tội nghiệp thằng bé!” Nói đến đấy thì đoàn cấp cưú đến nơi, trao đổi vội vã vài lời rồi chạy xô cả xuống cánh đồng.

Vừa tới cánh đồng thì thấy ông Hope Jones đi ra, vai vác cái xác của Stanley Judkins. Ông chặt cành cây nơi nó bị treo lủng lẳng. Xác không còn một giọt máu nào.

Ngày hôm sau ông Hope Jones cầm một chiếc rìu xông ra với quyết tâm chặt hết lùm cây cao và đốt hết các bụi cây thấp. Ông quay về, một chân bị chém, rìu thì gẫy làm đôi. Ông không sao đánh lửa được, không chặt được bất cứ cái cây nào.

Tôi nghe nói hiện tại dân ở giếng Thở Than gồm ba phụ nữ, một đàn ông và một cậu bé.

Algernon và Wilfred bị sốc nặng. Cả hai dời trại ngay và sự kiện đã trùm bóng đen lên những người còn lại tuy chỉ thoáng qua. Một trong những người đầu tiên hồi phục linh hồn là Judkins yêu quý.

Thưa quý vị, sự nghiệp của Stanley Judkins là như thế đấy. Và cả một sự nghiệp của Arthur Wilcox nữa. Tôi tin là chưa ai kể chuyện này bao giờ. Nếu như có một bài học nào đó thì tôi tin là bài học đó đã quá rõ ràng, mà nếu không có, thi tôi cũng chẳng biết làm thế nào hơn.

Bình luận
Ads Footer