NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 32: Bắt được một con cáo

Tác giả: Agatha Christie
Ads Top

Những ngày sau đó Poirot rất bận rộn. Ông biến mất vẻ bí ẩn và rất ít nói, ông nhăn trán một mình và một mực từ chối thỏa mãn sự tò mò cố hữu của tôi cũng như để tôi thể hiện sự tài giỏi mà có lần ông đã nhắc đến.

Tôi rất bực mình vì không được ông rủ đi cùng trong những chuyến đi về bí ẩn đó.

Tuy nhiên đến gần cuối tuần ông báo cho tôi ý định đi Bexhill và các vùng xung quanh rồi rủ tôi đi cùng. Khỏi phải nói, tôi sốt sắng nhận lời ngay.

Tôi vỡ lẽ ra ông không chỉ mời riêng tôi mà còn mời các thành viên trong Đội Đặc nhiệm nữa.

Poirot cũng khiến họ ngạc nhiên như tôi vậy. Tuy nhiên, vào cuối ngày đó, tôi vẫn chưa biết Poirot đang tính toán đi theo hướng nào.

Đầu tiên ông thăm gia đình ông bà Barnard và đề nghị bà vợ kể lại thời điểm ông Cust đến nhà bà và ông ấy đã nói những gì.

Rồi ông đến khách sạn nơi Cust trọ xin được xem quyến ghi chép về việc trả phòng của ông ta. Theo phán đoán của tôi thì không có thông tin mới nào thêm sau những câu hỏi của ông nhưng ông có vẻ hài lòng lắm.

Tiếp đến ông ra bờ biển nơi thi thể của Betty Barnard được tìm thấy. Ở đó, ông đi lòng vòng vài phút để xem kỹ bãi đá cuội. Tôi chẳng hiểu vì sao phải làm thế vì thủy triều lên khu vực đó ngày hai lần.

Tuy nhiên nhờ lần này mà tôi học được một điều rằng những hành động của Poirot thường bắt nguồn từ một ý tưởng nào đó – tuy chúng có vẻ rất vô nghĩa.

Sau đó, ông đi bộ từ bãi biển đến điểm gần nhất mà xe có thể đỗ được. Từ điểm đó, ông lại đi đến nơi xe buýt đi Eastbourne đợi khách trước khi rời Bexhill.

Cuối cùng, ông đưa tất cả chúng tôi đến quán Ginger Cat. Cô phục vụ béo tròn Milly Higley bưng ra cho chúng tôi mấy tách trà nguội ngắt.

Lúc ở đó, ông khen hình dáng cổ chân của cô với vẻ rất nịnh đầm.

“Cẳng chân của người Anh thường quá mảnh khảnh! Nhưng chân của cô thì hoàn hảo cô gái ạ. Chúng có da có thịt và cổ chân cũng tròn trịa nữa!”

Milly Higley rúc rích cười và bảo ông đừng nói thế. Cô biết các quý ông người Pháp rất hay nịnh đầm.

Poirot chẳng màng đính chính với cô quốc tịch của mình. Cái kiểu ông liếc mắt đưa tình với cô ta khiến tôi hoang mang và suýt choáng váng.

“Voilà,” [1] Poirot nói, “tôi đã xong ở Bexhill. Giờ tôi sẽ đi Eastbourne. Tôi muốn điều tra một chút ở đó – thế thôi. Các anh chị không cần phải đi theo tôi. Giờ thì chúng ta hãy về khách sạn và làm một ly cocktail nào. Ly trà Carlton lúc nãy dờ ẹc!”

Trong lúc chúng tôi thưởng thức cocktail, Franklin Clarke tò mò hỏi:

“Tôi nghĩ mọi người ai cũng đoán ông đang muốn tìm kiếm điều gì đúng không nào? Ông phải phá được cái chứng cứ ngoại phạm đó. Nhưng tôi không hiểu điều gì khiến ông hài lòng đến thế. Ông đã tìm được thông tin nào mới đâu”.

“Đúng là chưa có”.

“Ờ, vậy thì sao ạ?”

“Hãy kiên nhẫn. Mọi thứ sẽ đâu vào đấy thôi, chúng ta cần thêm chút thời gian nữa”.

“Dù vậy trông ông vẫn có vẻ hài lòng lắm”.

“Cho đến giờ thì chưa có gì trái với suy tính của tôi cả – đó là lý do tôi hài lòng”.

Vẻ mặt ông trở nên nghiêm nghị.

“Ông bạn Hastings của tôi kể rằng hồi trẻ ông có chơi một trò chơi có tên gọi là Nói Thật. Ở trò chơi này, mỗi người lần lượt được hỏi ba câu hỏi – hai câu trong số đó phải trả lời đúng. Câu thứ ba thì thế nào cũng được. Câu hỏi thường là những câu chợt lóe ra trong đầu. Nhưng trước khi bắt đầu chơi mọi người phải thề rằng sẽ nói thật, và chỉ sự thật mà thôi”.

Ông ngừng nói.

Megan lên tiếng: “Thế thì sao ạ?”

“Eh bien, tôi muốn chơi trò đó. Nhưng chúng ta không cần phải hỏi ba câu. Một câu thôi là đủ rồi. Mỗi người một câu”.

Clarke nói vẻ sốt ruột: “Đương nhiên chúng tôi sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi nào ạ”.

“A, nhưng tôi muốn trò này nghiêm túc hơn thế. Các anh chị có dám thề rằng mình sẽ nói thật không?”

Ông nghiêm nghị đến độ những người khác đang lúng túng liền trở nên nghiêm túc. Tất cả họ đều thề theo yêu cầu của ông.

Poirot nhanh nhẹn bảo: “Bon. [2] Vậy chúng ta bắt đầu nhé…”

“Tôi đã sẵn sàng”, Thora Grey nói.

“À, thường thì tôi mời phụ nữ trước – nhưng lần này chúng ta không phải lịch sự thế. Chúng ta sẽ làm khác đi một chút”.

Ông quay sang Franklin Clarke.

“Mon cher M. Clarke”, [3] anh nghĩ gì về mấy cái mũ mà các quý cô quý bà đội ở Ascot năm nay?”

Franklin Clarke trợn tròn mắt nhìn ông.

“Ông đang hỏi đùa ạ?”

“Dĩ nhiên là không”.

“Câu hỏi này nghiêm túc?”

“Ừ”.

Clarke mỉm cười.

“Ờ, thưa ông Poirot, tôi chưa từng đến Ascot nhưng tôi thấy họ đội khi đang lái xe thì tôi cho rằng mũ Ascot của các quý cô đúng là kỳ quặc hơn mấy cái mũ họ thường đội”.

“Kỳ quặc quá à?”

“Khá là kỳ quặc ạ”.

Poirot mỉm cười và quay sang Donald Fraser.

“Còn anh, năm nay anh đã đi nghỉ lúc nào thế?”

Đến lượt Fraser nhìn ông chằm chằm.

“Kỳ nghỉ của tôi ạ? Hai tuần đầu tiên trong tháng 8”.

Đột nhiên khuôn mặt anh ta run run. Tôi đoán câu hỏi đã khiến anh nhớ lại nỗi đau mất cô bạn gái yêu dấu của mình.

Tuy vậy, Poirot chẳng quan tâm gì đến câu trả lời. Ông quay sang Thora Grey và tôi nghe giọng ông có chút khang khác. Giọng ông có vẻ nghiêm nghị hơn. Câu hỏi ông thốt ra sắc sảo và rõ ràng.

“Thưa cô, nếu phu nhân Clarke qua đời và nếu ngài Carmichael hỏi cưới cô, cô có đồng ý không?”

Cô gái đứng bật dậy.

“Sao ông dám hỏi tôi câu đó chứ! Thật là… ông đang sỉ nhục tôi đấy!”

“Có thể thế. Nhưng cô đã thề nói thật mà. Ờ, có hay không?”

“Ngài Carmichael hết sức tốt với tôi. Ông xem tôi như con gái ông. Và tôi cũng yêu quý ông như thế – chỉ là tình yêu thương và lòng biết ơn thôi”.

“Xin lỗi, nhưng đó không phải là câu trả lời Có hay Không, thưa cô”.

Cô ta ngập ngừng.

“Đương nhiên, câu trả lời là không rồi!”

Poirot không nhận xét gì thêm.

“Cảm ơn cô”.

Ông quay sang Megan Barnard, sắc mặt cô gái rất nhợt nhạt. Cô thở khó nhọc như thể đang chống chọi với điều gì.

Giọng Poirot bật ra như tiếng roi vút.

“Thưa cô, cô hy vọng gì từ kết quả điều tra của tôi? Cô có muốn tôi tìm ra sự thật… hay không?”

Cô gái ngẩng đầu lên vẻ kiêu hãnh. Tôi nghĩ tôi biết chắc câu trả lời của cô là gì. Tôi biết Megan khao khát tìm ra sự thật.

Câu trả lời của cô ấy bật ra rõ ràng – và làm tôi sửng sốt.

“Không!”

Tất thảy chúng tôi đều giật nảy. Poirot chồm tới trước để nhìn kỹ khuôn mặt cô.

Ông nói: “Cô Megan này, cô không muốn sự thật nhưng – ma foi [4] – cô có thể nói ra được sự thật đấy!”

Ông quay ra phía cửa rồi quay lại và nhìn về phía Mary Drawer.

“Mon enfant, [5] nói cho bác biết cháu có bạn trai chưa?”

Mary hiểu câu hỏi của ông, cô gái hơi bối rối và đỏ mặt.

“Ôi, bác Poirot. Cháu, cháu, ờ, cháu không chắc lắm”.

Ông mỉm cười.

“Alors, c’est bien, mon enfent”. [6]

Ông nhìn quanh để tìm tôi.

“Nào, Hastings, chúng ta phải đi Eastbourne thôi”.

Xe đang đợi bên ngoài và chẳng bao lâu chúng tôi đã bon bon trên đường ven biển nối từ Pevensey đến Eastbourne.

“Tôi muốn hỏi ông vài điều có được không, Poirot?”

“Không phải lúc này. Hãy tự đưa ra kết luận về những gì tôi đang làm đi”.

Tôi rơi vào im lặng trở lại.

Poirot có vẻ đang vui, ông ngâm nga một đoạn nhạc. Khi chúng tôi đi ngang qua Pevensey ông đề nghị chúng tôi dừng lại và thăm tòa lâu đài ở đó.

Lúc chúng tôi quay lại xe, chúng tôi dừng một lát để xem lũ trẻ – nhìn trang phục của các cháu, tôi đoán các cháu gái này là hướng đạo sinh, chứng đang hát một đoạn đồng dao nghe rất chói tai…

“Chúng đang hát gì thế Hastings? Tôi không nghe được lời bài hát”.

Tôi lắng nghe cho tới khi nghe ra được đoạn điệp khúc.

“… Bắt được một con cáo

Nhốt vào trong chuồng báo

Không cho nó chạy tháo”.

Poirot lặp lại: “Bắt được một con cáo, bỏ vào trong chuồng báo, không cho nó chạy tháo!”

Đột nhiên khuôn mặt ông nghiêm lại và lạnh tanh.

“Thật là kinh khủng, Hastings ạ”. Ông im lặng vài giây rồi nói tiếp. “Ở đây người ta săn cáo à?”

“Tôi có biết đâu. Tôi chưa bao giờ có điều kiện đi săn. Và tôi nghĩ ở đây người ta không đi săn nhiều đâu”.

“Ý tôi là ở nước Anh nói chung ấy. Một môn giải trí kỳ quặc. Ngồi rình bên ngoài hang rồi hú lên vài tiếng đúng không? – rồi cuộc rượt đuổi bắt đầu – chạy qua cánh đồng – qua hàng rào rồi kênh mương – còn con cáo thì cứ chạy và đôi khi nó chạy vòng lại – nhưng mấy con chó nhà…”

“Chó săn chứ!”

“… chó săn lần ra dấu vết và cuối cùng họ bắt con cáo và nó chết – thật chóng vánh và man rợ”.

“Tôi thấy có vẻ dã man quá, nhưng thật sự…”

“Con cáo thích điều đó à? Đừng có nói chuyện les bêtises [7], ông bạn. Tout de même [8]”, chết dã man và chóng vánh còn tốt hơn là những gì mà những đứa trẻ kia hát…

“Bị nhốt trong chuồng mãi mãi… Không, điều đó chẳng hay ho tí nào”.

Ông lắc đầu. Rồi ông nói, giọng có vẻ khác chút xíu: “Ngày mai tôi đi gặp ông Cust”, rồi ông nói thêm với tài xế:

“Chúng ta quay về Luân Đôn thôi”.

Tôi la lên: “Không phải ông muốn đi Eastbourne à?”

“Không cần nữa đâu. Tôi biết… đầy đủ những thứ mà tôi cần rồi”.

Chú thích:

[1] Thế này nhé.

[2] Tốt.

[3] Anh Clarke thân mến.

[4] Tôi tin.

[5] Cháu ơi.

[6] Thế là tốt rồi, cháu gái ạ.

[7] Vô lý.

[8] Cũng vậy thôi.

Bình luận
Ads Footer