NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.
Ads Top

Cõi Người Ta

Tác giả: Antoine de Saint-Exupéry

Cõi người ta (nguyên tác tiếng Pháp: Terre des Hommes) là một tác phẩm viết theo ký ức của Antoine de Saint- Exupéry được phát hành vào năm 1939.

“Wind, Sand and Stars”, đó là tựa đề của Terre Des Hommes khi dịch sang tiếng Anh. Nhìn qua cái tựa thì thấy khá xa với tựa của nguyên bản, và so với cái tựa Cõi người ta của Bùi Giáng thì có phần kém thua chút đỉnh. 

Quả thật, Terre Des Hommes mà dịch ra thành Cõi người ta, thì đúng là đã động chạm đến cái cốt tủy tinh thần của truyện, đã cảm được cái ý sâu xa mà nhà văn tài hoa này ký thác trong câu chuyện về những trải nghiệm thật sự của đời phi công.

Tuy thế, cái tựa tiếng Anh cũng nói lên được nhiều điều. Bởi ngập tràn và làm nền cho câu chuyện chính là Gió, Cát và những Vì Sao. Bởi đó chính là sa mạc. Và bởi sa mạc chính là cái ngọn nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của nhà văn.

Hoàng Tử Bé cũng có bối cảnh ở sa mạc, và cũng có người phi công mắc kẹt tại đó do hỏng động cơ. Có điều, trong Cõi người ta, thì cái sự “mắc kẹt” ấy thành ra cuộc tranh đua khốc liệt giữa sự sống và cái chết, giữa sức mạnh của tình bằng hữu và ý thức trách nhiệm, giữa sự thử thách tuyệt vời nhất về sức chịu đựng của con người trong nghịch cảnh éo le. Ngập tràn và nối tiếp nhau tạo nên mạch xuyên suốt của tác phẩm, chính là những cuộc phiêu lưu dị thường và bao cảnh huống mà Saint-Exupéry được mục kích hoặc tham gia một phần trong đó. Nhưng đây không phải là câu chuyện viết về những chuyến phiêu lưu và thử thách, đây là câu chuyện viết về sự “cứu cánh” con người, về nỗi đau đáu của một tâm hồn rộng lớn muốn sải tay mình ôn trọn khối tinh cầu, để tìm cách giải phóng con người ra khỏi những xiềng gông, tù ngục.

Trong tác phẩm này, Saint-Exupéry – nhà triết học, cũng là một phi công – kể lại một số trải nghiệm của ông trong những năm ông thực hiện những chuyến bay chở thư theo những tuyến đường khác nhau băng qua sa mạc Sahara và dãy núi Andes.

Nội dung trọng tâm là những tình tiết về tai nạn máy bay năm 1935, ông đã sống sót trong sa mạc Sahara ở Libya, giữa Benghazi và Cairo. Saint-Exupéry, và André Prévot, hoa tiêu của mình, sau tai nạn, gần như không còn nước và thực phẩm. Cơ hội tìm thấy một ốc đảo hoặc có được sự cứu giúp của một chiếc máy bay nào đó bay ngang qua càng lúc càng trở nên vô vọng.

Cuốn sách thể hiện rõ quan niệm của tác giả về thế giới và những ý kiến cá nhân của ông về những điều khiến cho cuộc đời người ta là đáng sống.

“Đất dạy ta hiểu ta hơn mọi sách vở. Vì đất cưỡng kháng lại ta. Con người tự khám phá ra mình là lúc đọ sức với trở ngại. Nhưng muốn đạt tới, cần phải có một dụng cụ. Cần một cái bào, hoặc cái cày. Trong cuộc cày bừa, người nông dân dần dà cướp giật được của thiên nhiên một vài bí nhiệm, và chân lý anh tìm được cũng là chấn lý suốt cõi muôn năm. Phi cơ cũng vậy; dụng cụ hàng không kia, cũng đặt con người trở lại trong những vấn đề cũ.

Trước nhãn quan mình, tôi luôn luôn nhìn thấy lại chuyến bay đêm lần đầu tại Argentine, một đêm tăm tối, nhìn xuống bình nguyên, chỉ thấy một vài ánh sáng cô đơn lấp lánh thưa thớt như những vì sao.

Trong bóng tối bao la mờ mịt, mỗi ánh đèn báo biểu mỗi hiện diện huyền diệu của mỗi tâm linh. Chốn này, người ta đang xem sách, người ta đang suy tưởng, người ta đang thổ lộ tâm tư. Nơi kia có lẽ người ta đang dò dẫm không gian, người ta đang mỏi mòn trước những con số tính toán mãi về tinh vân Andromede. Chốn nọ, người ta đang yêu đương. Đó đây, lác đác trên cánh đồng, những ánh lửa đang đòi hỏi được nuôi dưỡng, giữ gìn. Cho đến cả những ánh đèn kín đáo nhất của nhà thơ, của nhà giáo, của người thợ mộc. Nhưng giữa đám sao rào rạt sống động kia còn biết bao con cánh cửa kín bưng, biết bao tinh cầu tắt lịm, biết bao con người ngủ say.

Phải gắng làm sao tiếp ứng nhau.

Phải gắng thử tương giao với một vài đốm lửa đang thưa thớt cháy trong cánh đồng bình lặng dưới kia….”

Cõi người ta
– Đoạt giải Grand Prix của Viện Hàn lâm Pháp năm 1939.
– Được tạp chí Outside bình chọn là tác phẩm đứng đầu bảng trong danh sách 25 tác phẩm phiêu lưu / thám hiểm hay nhất mọi thời đại.
– Được tạp chí National Geographic Adventure bình chọn là tác phẩm đứng thứ 3 trong danh sách 100 tác phẩm phiêu lưu / thám hiểm hay nhất mọi thời đại.

Bình luận
Ads Footer
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x