NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 6: Sợi dây

Tác giả: Guillaume Musso
Ads Top

“Bởi (họ) được nối với nhau bằng sợi dây (…) thứ chỉ tồn tại giữa 2 cá thể thuộc giống loài của họ, hai cá thể nhận thấy nỗi cô đơn của mình trong nỗi cô đơn của người kia.”

Paolo GIORDANO

San Francisco

9h30 sáng

Marcus khó nhọc tỉnh dậy.

Như một kẻ mộng du, anh tiến vào tận phòng tắm, bước vào dưới vòi sen mà không buồn cởi quần đùi hay áo sơ mi rồi đứng lặng đi dưới những tia nước tuôn xối xả cho đến khi bình nước nòng cạn sạch. Nước lạnh ngắt làm anh mở một mắt, sau khi đã mau chóng lau khô người, anh lê bước tới phòng ngủ để rồi nhận ra rằng ngăn kéo đựng đồ lót đã rỗng không. Toàn bộ quần đùi và áo phông của anh đang chất đống trong chiếc giỏ liễu đan. Anh chàng người Canada nhướng một bên mày dò hỏi. Jonathan, nhiều lần dọa không giặt đồ hộ cho anh nữa, lần này đã làm thật!

– Jon’! anh rên rỉ trước khi nhận ra rằng hôm nay là thứ Bảy và vào giờ này thì tay chủ nhà hàng chắc chắn đã rời nhà để lang thang trong khu chợ tụ họp những quầy hàng trang trại trên đường Embarcadero.

Vẫn ngái ngủ, anh thọc tay vào túi đồ lót bẩn rồi vớ đại những thứ quần áo “có thể tái sử dụng” mặc lên người.

Sau đó Marcus lê vào bếp, mò mẫm tìm chiếc áo ấm Thermos đựng trà mạn do Jonathan pha sẵn mỗi sáng. Anh buông mình xuống ghế rồi ừng ực tu một hơi trà mạn trực tiếp từ vòi ấm. như thể thứ đồ uống này đánh thức các nơ ron thần kinh của Marcus, anh bỗng thấy minh mẫn lạ thường và lập tức trút bỏ bộ đồ lót đang mặc trên người rồi giặt bằng nước rửa bát ngay trong bồn rửa. Sau khi đã vắt kiệt nước, anh mở lò vi sóng rồi đặt mức thời gian là tám phút.

Hài lòng về bản thân, anh bước ra ngoài sân thượng trong bộ dạng trần như nhộng.

– Chào gã xỉn! Boris cất tiếng chào mừng anh.

– Chào túm lông, Marcus vừa đáp vừa gãi nhẹ vào bộ lông vẹt.

Dấu hiệu đỉnh điểm của mối đồng lõa giữa hai bên, chú chim nhảy nhót, nghiêng nghiêng đầu rồi há mỏ, mời anh một bụm hoa quả lẫn lộn đang nuốt dở.

Marcus cảm ơn anh bạn vẹt rồi vươn người dưới nắng, ngáp đến sái quai hàm.

– Vặn sườn đi! Vặn sườn đi! Chú vẹt hét vang.

Nghe những lời cổ vũ nhiệt tình đó, Marcus liền thực hiện công việc anh vốn coi là nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày: kiểm tra hệ thống tưới cho khoảng chục cây tài mà nằm khuất sau bụi hồng trong vườn. Jonathan không tán thành vụ trồng trọt này tẹo nào, nhưng vờ như không hay biết. Nói cho cùng thì California chính là nơi sản xuất sợi gai dầu hàng đầu tại các nước phương Tây và San Francisco là biểu trưng cho thái độ khoan dung, ủng hộ thứ mà những vùng khác đều chống lại.

Marcus vẫn nán lại trên sân thượng thêm một lúc để hưởng nắng ấm. Vì đã trải qua phần lớn đời mình trong tiết trời thường xuyên giá lạnh của Montréal nên anh đặc biệt yêu thích khí hậu ấm áp của California.

Trên quả đồi nhỏ thuộc Telegraph Hill, người ta khó mà tin được rằng Giáng sinh đang đến gần: đám loa kèn Virginie vàng rực đang hé nở, đám cọ lùn, mận tía và trúc đào rạng rỡ dưới nắng, những ngôi nhà gỗ oằn mình dưới sức nặng của dàn thường xuân, chỉ còn hiện ra lấp ló giữa cây cối xum xuê nơi lũ sẻ vườn nhí nhảnh và lũ chim ruồi sặc sỡ ríu rít hòa ca.

Bất chấp lúc bấy giờ vẫn còn khá sớm, một vài người đi dạo đã bắt đầu thả bước xuống những bậc cầu thang Filbert đầy hoa. Bất chấp đám cây cối mọc um tùm, ngôi nhà vẫn không hoàn toàn khuất nẻo khỏi mọi tầm nhìn. Một vài người đi ngang qua lấy làm vui thích, số khác choáng váng nhưng không ai có thể dửng dưng trước gã khờ đang trần trùng trục mà tán phét với một chú vẹt.

Marcus chẳng lấy gì làm phiền cho tới khi một du khách rút máy ảnh ra định lưu lại cảnh tượng này.

– Ở nhà mình mà cũng không được yên thân nữa! Anh chàng người Canada gắt gỏng rồi lui vào trong bếp, đúng lúc đồng hồ của lò vi sóng phát tín hiệu đã kết thúc quy trình “nấu”.

Tò mò muốn biết kết quả, anh mở lò để lôi mớ quần áo ra. Chúng không chỉ khô rang, mà còn nóng hổi và mềm mại nữa!

Hơn thế, chúng còn bốc mùi bánh xốp, anh lấy làm mừng rõ sau khi hít hà mớ quần áo.

Anh đứng mặc quần áo trước gương, thỏa mãn, chỉnh lại quần đùi, vuốt phẳng chiếc áo phông mà anh đặc biệt ưa thích vì câu slogan in trên đó:

OUT OF BEER

(life is crap)[1]

[1]. Tiếng Anh trong nguyên bản: HẾT BIA (đời như phân). (Chú thích của tác giả)

Bụng anh sôi ùng ục. Đói ngấu, anh mở tủ lạnh, lục lọi các loại đồ ăn trước khi đánh liều thử chế biến một hỗn hợp kỳ quặc. Trên lát bánh mì, anh phết một lớp bơ lạc dày, phủ thêm lớp dầu cá sác-đin đóng hộp, trên cùng là vài khoanh chuối.

Tuyệt cú mèo! Anh nghĩ bụng rồi thở phào khoan khoái.

Anh mới chỉ thưởng thức được vài miếng sandwich thì bỗng nhận ra chúng.

Những bức ảnh chụp Madeline.

Hơn năm chục bức ảnh chân dung được ghim trên tấm bảng gỗ bần, đính bằng nam châm trên các cánh cửa tủ tường kim loại hay thậm chí là dán thẳng lên tường bằng băng dính.

Rõ ràng là người bạn sống chung nhà với anh đã mất trọn đêm để in ra những bức ảnh này. Người phụ nữ trẻ hiện lên dưới đủ mọi góc độ: một mình, cùng người yêu, góc chụp chính diện, góc chụp nghiêng… Jonathan thậm chí còn phóng to một vài bức để xem xét tỉ mỉ đôi mắt và gương mặt cô.

Bối rối, Marcus ngừng nhai rồi tiến lại gần những bức ảnh. Mặc dù không để lộ ra nhưng anh chàng Canada vẫn luôn theo dõi Jonathan với thái độ hết sức cảnh giác. Tại sao hắn lại dán hết ảnh của cô nàng này ra thế nhỉ? Hắn đang tìm cách nhìn thấu điều gì đằng sau ánh mắt của Madeline Greene?

Bên dưới vẻ ngoài bình thản, anh nhận ra sự yếu đuối của bạn mình và biết rằng “sự hồi phục” của Jonathan vẫn chỉ là tạm thời.

Mỗi người đều có trong tim mình một sự trống rỗng, một vết đứt gãy, một cảm giác bơ vơ và cô độc.

Marcus biết chỗ đứt gãy trong tim Jonathan vãn sâu hoắm.

Và một cách xử sự như thế này không hề báo trước điều gì tốt đẹp.

Trong lúc đó, cách chỉ vài cây số…

– Bố ơi, con nếm thử món thịt bò khô được không? Charly xin phép. Đó là thịt của các chàng cao bồi mà!

Công kênh cậu con trai trên vai, suốt một giờ qua Jonathan dạo khắp các quầy hàng thuộc khu chợ nông sản tụ lại trên bãi bồi của bến thuyền cũ. Đối với anh chàng chủ nhà, việc này đã trở thành một thói quen bất di bất dịch: Mỗi sáng thứ Bảy, anh tới đây mua bổ sung đồ dự trữ và tìm cảm hứng soạn ra thực đơn chủ đạo trong tuần.

Chợ nông sản là một thể chế thực sự tại San Francisco. Quanh Ferry Building tập hợp khoảng một trăm quầy hàng của các chủ nông trại, dân chài và người trồng rau bán các sản vật địa phương, sản phẩm của nền nông nghiệp sinh thái. Ở đó người ta tìm thấy những loại rau tươi ngon nhất, những loại hoa quả chín mọng nhất, những mẻ cá tươi rói, những súc thịt non mềm. Jonathan yêu cái nơi vốn thu hút một đám đông ô hợp này: Các du khách, các đầu bếp, những người đơn giản là sành ăn tới tìm những sản phẩm chất lượng.

– Bố ơi, đằng kia có bán thịt bò khô kìa! Con chưa bao giờ được ăn món đó!

Jonathan “thả” con trai xuống đất, cậu bé chạy vội về phía quầy hàng vừa chỉ. Phấn khích, Charly nuốt chửng một mẩu thịt bò sấy khô rồi cố nén để không nhăn mặt.

Jonathan nháy mắt với con trai vẻ láu lỉnh.

Giữa nơi có thể coi như đại hội của các thứ mùi vị này, anh cảm thấy thoải mái như ở nhà. Rau húng, dầu ô liu, hồ đào, pho mát dê tươi, quả bơ, bí ngồi, cà chua, cà tím, rau thơm, bí đỏ, xà lách. Anh sờ nắn, hít hà, nếm thử, chọn lựa. “Đầu bếp tồi là người tìm cách che giấu hương vị nguyên thủy của nguyên liệu thay vì khơi dậy nó.” Jacques Laroux, bếp trưởng từng huấn luyện anh, đã truyền cho học trò tài khéo léo và thái độ nghiêm khắc trong khâu tuyển chọn sản phẩm, thói quen tôn trọng nguyên tắc mùa nào thức nấy và tìm kiếm những nhà cung ứng nguyên liệu tươi ngon nhất.

Ở đây, trong vựa rau củ quả của nước Mỹ, chuyện đó không có gì là quá khó. Đã lâu rồi, thực phẩm sinh học không còn là thứ gì đó quá xa lạ nữa mà đã trở thành một phong cách sống tại San Francisco cũng như trên toàn bang California.

Vẫn để mắt trông chừng Charly, Jonathan mua nốt năm con gà chắc nịch, mười khúc cá bơn và một thùng sò Saint-Jacques. Anh mặc cả chục con tôm hùm cùng năm cân tôm hùm Na Uy.

Ở mỗi chỗ mua hàng, anh đều cho người phụ trách quầy biết số ô đất nơi anh đỗ chiếc xe tải nhỏ của mình để nhân viên của họ chuyển hàng đã mua ra tận nơi.

– Này, Jonathan, nếm thử hộ tôi món này đi! Một người tách vỏ hàu đánh bắt tại mũi Point Reyes chìa cho anh một con hàu.

Đó là trò đùa giữa họ với nhau, bởi anh chàng người Pháp, vì không đánh giá cao thói quen của dân địa phương là nhúng con hàu xuống nước trước khi ăn, thường không bao giờ đưa món hàu vào thực đơn của nhà hàng mình.

Jonathan cảm ơn rồi nuốt chửng phần thân mềm của con hàu cùng với một chút chanh và mẩu nhỏ bánh mì.

Anh tranh thủ quãng thời gian tạm nghỉ này để lấy từ túi áo khoác ra chiếc điện thoại di động của Madeline. Anh kiểm tra màn hình và thấy hơi thất vọng khi nhận ra cô chủ tiệm hoa không hồi âm lại tin nhắn của anh. Lẽ nào anh nên gửi cho cô thêm một tin nhắn nữa để xin lỗi? Lẽ nào anh đã đi quá xa? Nhưng người phụ nữa này khiến anh tò mò biết chừng nào… Đêm qua, ngay sau khi in những tấm ảnh đó ra, anh đã phát hiện ra một điều khác thường khi xen phân bổ bộ nhớ của chiếc điện thoại:

Dung lượng ổ: 32 Go

Sẵn sàng để dùng: 1.03 Go

% đã dùng: 96,8

% còn trống: 3,2

Thông tin hiển thị này khiến anh sửng sốt. Làm thế nào mà bộ nhớ của chiếc điện thoại này lại có thể đầy đến mức đó? Thoạt nhìn, trong điện thoại có lưu năm bộ phim, khoảng mười lăm ứng dụng, năm chục bức ảnh, hơn hai trăm bài hát và… tất cả chỉ có thế. Không đủ để đầy bộ nhớ một chiếc smartphone, không cần phải là một chuyên gia tin học cũng có thể biết chắc điều đó. Kết luận ư? Ổ cứng hẳn phải chứa đựng những dữ liệu khác.

Tì khuỷu tay vào lan can nhô cao trên vịnh, Jonathan vừa châm một điếu thuốc vừa nhìn Charly đang ngồi xổm gần dãy chuồng thỏ. Rõ ràng hút thuốc ở nơi này là việc không đúng luật cho lắm, nhưng vì thiếu ngủ nên anh cần nạp vào cơ thể chút nicotin. Anh rít một hơi thuốc, gật đầu đáp trả câu chào của một đồng nghiệp. Jonathan chỉ được các đồng nghiệp yêu mến như thế kể từ khi anh không còn khiến họ cảm thấy bị lu mờ nữa! Mỗi khi gặp anh, phần lớn các nhà cung cấp nguyên liệu và các chủ nhà hàng đều chào anh với một thái độ kỳ lạ pha trộn giữa tôn trọng và thương hại. Ở đây, phần lớn mọi người đều biết anh là ai: Jonathan Lempereur, cựu bếp trưởng tài hoa nhất của thế hệ anh, cựu Mozart trong lĩnh vực bếp núc, cựu chủ nhà hàng sành điệu nhất thế giới.

Và một loạt cựu khác…

Hôm nay thì anh chẳng còn gì cả, hoặc gần như thế. Xét trên phương diện pháp lý, thậm chí anh còn không được quyền mở nhà hàng. Khi buộc phải bán giấy phép khai thác tên tuổi của mình, trên thực tế anh đã cam kết sẽ tránh thật xa khỏi mọi căn bếp. French Touch không thuộc về anh và tên anh sẽ không bao giờ được trương lên nữa, kể cả trên website của nhà hàng hay trên danh thiếp.

Trong một bài báo, một cây bút nữ của tờ Thời luận đã đột ngột khơi lại vấn đề khó xử ấy nhưng cô cũng nhận thấy nhà hàng khiêm tốn hiện giờ anh đang đứng bếp không còn sót lại chút nào vẻ hào nhoáng lẫy lừng của Thống Soái khi xưa. Vậy là Jonathan đã tranh thủ mặt báo để giải quyết dứt điểm mọi chuyện: Phải, nhà hàng của anh chỉ phục vụ những món đơn giản với giá phải chăng, anh sẽ không bao giờ sáng tạo thêm bất cứ thực đơn nào nữa và cảm thấy hứng thú của anh đã không quay trở lại; không, anh sẽ không bao giờ màng đến bất cứ giải thưởng nào dành cho giới đầu bếp nữa. Ít ra thì mọi chuyện cũng đã sáng tỏ và bài báo đã giúp các đầu bếp đang lo ngại về khả năng Lempereur sẽ quay trở lại nhà bếp yên chí lớn.

– Bố ơi, con nếm vài hạt đậu nhỏ tẩm mù tạc này được không ạ? Charly nằn nì trong khi hướng ánh mắt đầy tò mò về phía quầy hàng của một ông lão châu Á bày bán cả lưỡi vịt và súp rùa.

– Không được, con trai. Con sẽ không thích đâu, món đó cay lắm!

– Đi mà bố! Trông có vẻ ngon thế cơ mà!

Jonathan nhún vai. Tại sao ngày từ thuở thiếu thời, bản chất con người đã xúi giục chúng ta lờ đi những lời khuyên chín chắn?

– Tùy con.

Anh rít một hơn thuốc nữa rồi nheo mắt lại vì nắng. Trượt ván, đi bộ hoặc đi xe đạp, nhiều người đang tận hưởng thời tiết đẹp dạo chơi dọc bờ biển. Đằng xa, đại dương đang rực rỡ và trên bầu trời xanh thẳm vài chú mòng biển lượn qua lượn lại sẵn sàng chớp thời cơ lao xuống đám đồ ăn đang bày ra trước mắt.

Họng đang cay xé vì món thịt bò khô, lẽ ra Charly nên đề cao cảnh giác hơn, nhưng màu xanh lục ngon mắt của đám đậu chiên phồng đã khơi gợi lòng tin nơi cậu. Vậy nên không hề dè chừng cậu nhóc ngốn ngấu một nắm nhỏ hạt đậu tẩm mù tạc và…

Ọe! Cay quá! Cậu bé kêu toáng lên, nhanh chóng phun phì thứ vừa cho vào miệng.

Bắt gặp ánh mắt cười nhạo của ông già người Nhật, cậu nhóc quay sang bố.

– Lẽ ra bố phải cảnh báo con mới phải! Cậu trach bố cho đỡ ngượng.

– Đi nào, bố dẫn con đi uống một cốc sô cô la, Jonathan vừa đề nghị vừa dập tắt điếu thuốc rồi nhấc bổng Charly đặt lên vai.

Trong khi đó, tại Paris…

Khi nhân viên chuyển phát nhanh đẩy cửa bước vào Khu vườn kỳ diệu thì đã hơn bảy giờ tối. Bất chấp giờ đã muộn, cửa tiệm vẫn còn nhộn nhịp khách ra vào, Madeline đang cố gắng xoay xở để phục vụ được nhiều khách hàng cùng một lúc.

Vừa nhấc mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, anh nhân viên chuyển phát nhanh lập tức có cảm tưởng mình vừa bị ném vào một không gian khác. Với những đóa hoa mang sắc màu của mùa thu, những hương thơm hòa quyện, chiếc xích đu và chiếc thùng tưới cũ kỹ, lạ kỳ thay cửa hàng hoa này lại khiến anh nhớ ngay tới khu vườn trong ngôi nhà nơi thôn quê của bà anh, nơi anh đã trải qua phần lớn những kỳ nghỉ thời thơ ấu. Sững sờ trước không khí êm ái đầy bất ngờ nơi hòn đảo nhỏ thiên nhiên này, anh có cảm giác bấy lâu nay giờ mới được thực sự hít thở.

– Tôi có thể giúp gì không? Takumi lên tiếng.

– Chuyển phát nhanh Federal Express, anh đáp sau khi chợt bừng tỉnh giấc mơ giữa ban ngày. Có người ở tiệm gọi tôi tới lấy một kiện hàng.

– Đúng đấy, kiện hàng đó đây.

Nhân viên chuyển phát nhanh nhận lấy hộp giấy bìa anh chàng người châu Á đưa cho.

– Cảm ơn, chúc buổi tối tốt lành.

Anh đi ra phố rồi cưỡi lên chiếc mô tô. Anh tra chìa khóa, ấn nút khởi động rồi tăng tốc tới đại lộ. Anh chạy xe được khoảng chục mét thì bỗng nhìn qua kính chiếu hậu và nhận ra một phụ nữ đang vẫy gọi mình. Anh bóp phanh rồi dừng lại trên vỉa hè.

– Tôi là Madeline Greene, cô giải thích khi đã đuổi kịp anh. Chính tôi đã điền mẫu khai trên Internet để yêu cầu chuyển phát nhanh gói hàng này, nhưng mà…

– Cô muốn hủy đơn hàng sao?

– Và lấy lại gói hàng này, anh thông cảm giúp nhé.

Không gây chút khó khăn, chàng thanh niên trả lại gói hàng cho Madeline. Hiển nhiên, anh đã gặp nhiều trường hợp người gửi đổi ý vào phút chót.

Cô ký giấy xác nhận rồi đưa anh chàng một tờ 20 euro để đền bù thiệt hại.

Madeline quay lại tiệm hoa, ôm khư khư chiếc điện thoại trước ngực, tự hỏi liệu cô quyết định như thế là đúng hay sai. Khi chọn cách không gửi trả lại Jonathan chiếc điện thoại thuộc về anh, cô ý thức được nguy cơ bị coi là cố tình khiêu khích đối phương. Trong những ngày sắp tới, nếu không nghe nhắc gì về anh nữa, cô có thể trả lại máy cho anh lúc nào mà chẳng được, nhưng trong trường hợp mọi chuyện xấu đi, cô muốn giữ khả năng liên hệ trực tiếp với anh.

Cùng lúc cô hy vọng rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra.

San Francisco

Jonathan tiếp tục dạo quanh khu chợ dưới những mái vòm của Ferry Building. Được xây dựng cách đây đã hơn một trăm năm, nhà ga hàng hải ngạo nghễ án ngữ dọc đường Embarcadero. Tòa nhà trải qua thời hoàng kim vào những năm 1920 khi trở thành nhà ga hàng hải đón lượng du khách đông nhất thế giới. Ngày nay, tòa trụ sở chính đã được biến thành dãy nhà trưng bày thương mại thanh lịch, nơi các cửa hàng bán pho mát chế biến thủ công, bánh mì, đồ ăn sẵn, đặc sản Ý và thực phẩm khô tinh chế nối tiếp nhau dọc lối đi. Nơi đây được những kẻ háu ăn vô cùng mến chuộng.

Anh chàng chủ nhà hàng kết thúc chuyến mua sắm bằng một lô hoa quả mùa đông, nho, kiwi, chanh, lựu, cam, rồi thực hiện lời hứa mua cho con trai một cốc sô cô la thơm phức tại một trong những quán cà phê nằm dọc trên đê chắn sóng.

Charly nhẹ cả người khi xua được hết vị mù tạc đang đốt cháy cổ họng với thứ nước ca cao ngọt dịu. Jonathan gọi cho mình một tách trà mạn. Tâm trí anh đang để nơi khác. Nhấp xong ngụm trà đầu tiên, anh kiểm tra màn hình điện thoại. Vẫn chưa nhận được tin tức gì từ Madeline.

Một giọng nói bên trong thầm nhắc anh nên dùng lại tại đây. Anh đang chơi trò gì thế này? Anh đang tìm cách chứng minh điều gì? Cái thói lục lọi tìm tòi thế này có thể mang lại gì cho anh ngoài phiền phức?

Nhưng anh quyết định làm ngơ trước những lời cảnh báo ấy. Đêm qua, anh đã mở lần lượt tất cả các ứng dụng và chỉ duy có ứng dụng này khiến anh thấy đáng nghi nhất: một khoảng lưu trữ cho phép đọc các file dung lượng lớn – PDF, hình ảnh, video – sau khi đã chuyển chúng từ máy vi tính sang điện thoại. Nếu Madeline đã ngụy trang tài liệu gì đó trong chiếc điện thoại di động này – và đó là điều cần tính đến sau khi phân tích bộ nhớ điện thoại –, thì hẳn là những tài liệu đó sẽ nằm cả trong ứng dụng này.

Chỉ có điều ứng dụng đã được cài mật khẩu bảo vệ!

NHẬP MẬT KHẨU

Jonathan nhìn con trỏ nhấp nháy để mời anh nhập mã bảo vệ. Quyết tâm thử vận may, anh gõ lần lượt MADELINE, GREENE rồi PASSWORD.

Nhưng không nên mơ mộng làm gì.

Sau khi thử tới lần thứ ba vẫn thất bại, anh tra giờ trên đồng hồ đeo tay rồi phát hoảng khi thấy thời gian trôi vùn vụt. Dịp cuối tuần, anh thuê một nhân viên tới nhà hàng phụ việc, nhưng anh chàng đầu bếp đó không có chìa khóa, mà không nên kỳ vọng là gã Marcus lười chảy thây sẽ dến đúng giờ.

– Đi nào chàng thủy thủ, nhổ neo thôi! Anh ra lệnh rồi giục Charly mặc áo khoác vào.

– Bố ơi, ta có thể đi chào lũ sư tử biển trước đã được không?

Cậu nhóc muốn bố dẫn đi xem lũ sinh vật biển kỳ lạ đã chọn bến 39 làm nơi ở cố định kể từ sau trận động đất năm 1989.

– Không được đâu, con yêu, bố phải đi làm, Jonathan đáp, hơi cảm thấy có lỗi. Ngày mai bố con ta sẽ tới vịnh Bodega ngắm chúng, rồi lên thuyền câu cá luôn, được không con?

Jonathan vớ lấy khăn ăn lau sạch hàng ria mà sô cô la vừa vẽ ra dưới mũi con trai mình.

Họ vừa tới bãi đỗ xe thì chiếc điện thoại di động rung lên bần bật trong túi áo anh. Jonathan lấy điện thoại ra, nhận thấy tên người gọi hiển thị trên màn hình là ESTEBAN.

Trong một giây, anh lưỡng lự không biết có nên nhận cuộc gọi không, nhưng người phụ trách giao hàng đã vẫy anh lại để họ cùng nhau chất hàng lên xe. Charly sẵn lòng giúp một tay nên ba người đàn ông nhanh chóng chất được toàn bộ các thùng sọt lên chiếc minibreak hiệu Austin, một chiếc Countryman chính hiệu của thập niên 1960 có gắn biểu tượng của nhà hàng bằng gỗ.

– Cài dây an toàn vào đi con, Jonathan bảo con trai trước khi xoay chìa khóa.

Nhằm thẳng hướng khu phố Ý, anh gài chiếc điện thoại vào khay đựng đồ sát kính chắn gió, rồi…

Có thế chứ! Esteban để lại một tin nhắn thoại! Anh mở loa ngoài để nghe, nhưng trong khi anh đang chờ nghe thấy một giọng đàn ông thì một giọng nữ du dương cất lên thông báo:

“Chào cô Greene, tôi gọi từ phòng khám của bác sĩ Esteban để biết liệu có thể lùi cuộc hẹn của cô vào thứ Hai này lại một tiếng hay không. Làm ơn vui lòng liên lạc lại với chúng tôi. Chúc cô kỳ nghỉ cuối tuần an lành.”

Jonathan phác một cử chỉ ngạc nhiên. Vậy ra Esteban không phải tên một người tình Nam Mỹ mà là họ của một vị bác sĩ! Nổi cơn tò mò, anh mở ứng dụng Những trang vàng cài sẵn trong máy thì con trai anh chỉnh ngay:

– Chú ý nhìn đường đi bố!

Anh gật đầu tỏ vẻ đồng hanh:

– Nhất trí, con giúp bố nhé.

Phấn khởi vì được tin tưởng nhờ cậy, Charly chạm vào màn hình cảm ứng để nhập dữ liệu vào danh bạ trực tuyến. Nghe bố đánh vần, cậu nhóc gõ BÁC SĨ ESTEBAN, rồi tới PARIS, và ấn nút tìm kiếm. Sau vài giây, chương trình cho hiển thị kết quả:

Laurence Esteban

Bác sĩ chuyên khoa Tâm thần

Số 66 phố Las Cases 75007 Paris

Vậy là Jonathan đã nhầm khi nghĩ theo hướng Madeline đang lén ngoại tình, nhưng anh đã đoán ra tâm trạng bất ổn của cô. Trên những bức ảnh chụp, người phụ nữ trẻ có thể biểu lộ toàn bộ vẻ bề ngoài hạnh phúc, nhưng một người đến khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần hai lần mỗi tuần hiếm khi là một hình mẫu về sự bình tâm…

Bình luận
Ads Footer