NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Giọt Lệ Quỷ

Chương 19

Tác giả: Jeffery Deaver
Ads Top

Một ngàn, một triệu viên đạn hữu hình.

Nhiều đạn hơn tất cả những gì Parker từng trông thấy trong suốt những tuần anh ở tại trại huấn luyện của Quantico.

Thủy tinh, gỗ, các mẩu kim loại bắn qua phòng khách.

Parker bò trên sàn nhà trong khi tập giấy quý giá vẫn nằm trên mặt bàn. Anh cố tóm lấy nó nhưng một loạt đạn đã găm xuống sàn ngay trước mặt anh, khiến anh phải lùi lại gần bức tường.

Lukas cùng Cage đã bò ra cửa trước và nằm trên hành lang, vũ khí lăm lăm, sẵn sàng tìm mục tiêu bên ngoài cửa sổ. Những tiếng thét, tiếng gọi hỗ trợ lẫn tiếng kêu cầu cứu vang lên. Tobe Geller đẩy người ra khỏi bàn nhưng chân ghế vấp phải mặt sàn lồi lõm, khiến cậu ta bị ngã ngửa ra sau. Màn hình máy tính nổ tung khi một loạt đạn bắn phải nó. Parker lại lao lên lấy tập giấy ghi chú nhưng phải thụp xuống ngay lập tức lúc luồng đạn lia vào tường, nhắm thẳng đến anh. Anh tránh được và nằm ép bụng trên sàn nhà.

Giống như khi nãy, anh lại nghĩ đến việc mình sợ bị thương ngang bằng với sợ chết. Anh không thể chịu nổi ý nghĩ bọn Who phải nhìn thấy mình đau đớn nằm trong bệnh viện. Còn bản thân anh thì chẳng thể chăm sóc được chúng.

Có một khoảng ngừng bắn và Parker định ra chỗ Tobe Geller.

Nhưng đúng lúc ấy, Digger, kẻ đang đứng đâu đó bên ngoài, có thể là trên một mái nhà, đã hạ tầm ngắm và bắt đầu bắn về phía cái chảo kim loại đang để hoa quả. Bản thân nó cũng được đặt ở đó một cách có mục đích. Những viên đạn va đập vào kim loại, tạo tia lửa bén vào xăng. Với một tiếng nổ đinh tai, thứ chất lỏng nặng mùi đã bắt lửa.

Parker bị vụ nổ thổi bay ra hành lang. Anh nằm nghiêng bên cạnh Cage và Lukas.

“Không, Tobe !”, Parker kêu lên, cố chui lại vào trong. Nhưng một lưỡi lửa đã chiếm trọn ngưỡng cửa và buộc anh phải lùi lại.

Họ ngồi xổm bên trong hành lang không cửa sổ. Lukas gọi điện bên này, Cage gọi bên kia.”… có thể là trên mái nhà ! Chúng tôi không biết. Gọi Sở cứu hỏa D.c. ngay… Một đặc vụ đã bị thương.

Hai người.. Hắn vẫn còn ngoài đó. Hắn ở chỗ quái quỷ nào thế ?”

Vậy mà tên Digger vẫn tiếp tục bắn.

“Tobe !”, Parker lại hét.

“Có ai không !”, Geller gọi. “Cứu tôi với.”

Parker thoáng trông thấy chàng trai trẻ ở bên kia ngọn lửa đang ngùn ngụt giận dữ. Cậu ta nằm cuộn tròn trên sàn nhà. Căn hộ cháy phừng phừng nhưng tên Digger vẫn tiếp tục bắn. Xả hết loạt đạn này đến loạt đạn khác từ khẩu súng kinh khủng của hắn vào phòng khách ngập lửa. Không bao lâu sau, Geller mất dạng. Có vẻ chiếc bàn đặt tập giấy màu vàng đã bị lửa nuốt trọn. Không, không ! Các đầu mối dẫn tới địa điểm cuối cùng đang cháy thành tro bụi !

Nhiều giọng nói từ nơi nào đó vang lên:

“… hắn ở đâu ?”

“… tiếp tục ? Ở đâu ? Ống giảm thanh và máy triệt sáng. Không thể tìm được hắn… Không nhìn được, không nhìn được !”

“Chết tiệt, hắn vẫn tiếp tục bắn ! Người của ta bên ngoài cũng bị hạ rồi, Chúa ơi…”

“Tobel”, Cage gào lớn và cả ông cũng cố chạy trở vào nhà, nơi đang ngập ngụa trong ngọn lửa màu cam kết hợp với những đụn khói đen. Nhưng viên đặc vụ đã bị đẩy ngược lại trước sức nóng kinh hồn, và lại thêm một loạt những hố đen ngòm vì bị đạn găm vào trên bức tường gần chỗ họ.

Họ vẫn còn đang bị bắn.

“… cửa sổ kia.. Không, thử một cái khác”

Cage kêu lên, “Đưa xe cứu hỏa đến ngay ! Tôi muốn chúng đến ngay !”.

Lukas kêu, “Họ đang trên đường rồi !”.

Chằng bao lâu sau, âm thanh trao đổi đã bị chìm trong tiếng lửa gào rú.

Qua những tiếng ồn đó, họ chỉ có thể nhận ra giọng của Tobe Geller tội nghiệp. “Cứu tôi với ! Làm ơn ! Cứu tôi với. Mỗi lúc một yếu dần.

Lukas nỗ lực một lần cuối để vào trong nhưng mới đi được vài mét, một mảng trần cháy chợt sập xuống và suýt nghiền nát cô. Cô gào lên và bật lùi lại, lảo đảo, ho sặc sụa vì khói, Parker giúp cô ra cửa trước ngay khi một cơn bão lửa tràn vào hành lang và không ngừng lao về phía họ.

“Tobe, Tobe…”, cô khóc trong lúc vẫn đang ho sặc sụa. “Cậu ấy đang hấp hối.”

“Chúng ta phải ra ngoài”, Cage hét. “Ngay bây giờ !”

Tùng bước một, họ lần đường trở ra cửa.

Trong cơn hoảng loạn và thiếu oxy trầm trọng vì không khí bị đốt cháy, Parker chỉ không ngừng mong ước mình bị điếc để chẳng phải nghe được những tiếng kêu cứu trong căn hộ. Anh không ngừng ước mình bị mù để chẳng phải thấy sự mất mát và nỗi đau Digger đang mang tới cho họ, tất cả những con người tốt đẹp kia những người cũng có gia đình, có con cái giống như anh.

Nhưng Parker Kincaid không điếc, cũng chăng mù và lại còn đang hiện diện ngay đây, trung tâm của sự việc kinh hoàng, trên tay phải là khẩu súng lục nhỏ, còn tay trái thì đang vòng quanh người Margaret Lukas khi anh giúp cô đi qua hành lang mù khói.

Nghe này Kincaid, anh đã sống cuộc sống trong Sesame Street suốt những năm vừa qua…

“… không có địa điểm… không thấy ánh sáng nào lóe lên… Lạy Chúa, cái gì đây.. Jerry Baker đang hét, hoặc có thể là ai đó khác

Tới gần ngưỡng cửa, Cage bị vấp ngã. Hoặc một người khác.

Một phút sau, Parker và hai đặc vụ lao xuống bậc thềm trước nhà, hòa vào bầu không khí buốt lạnh. Bất chấp những cơn ho xé phổi và tầm nhìn bị nhòa đi vì nước mắt, Cage và Lukas ngay lập tức vào vị trí thủ thế, giống như tất cả các đặc vụ ngoài này. Họ vuốt mắt và nhìn khắp lượt các mái nhà, tìm kiếm mục tiêu. Parker quỳ đằng sau một cái cây và bắt chước bọn họ.

Ngồi xổm bên cạnh chiếc xe chỉ huy, c. p. Ardell giơ cao khẩu M-16 sát vào bên má mình trong khi Len Hardy vung vẩy khấu súng lục nhỏ của anh ta. Đầu của viên thanh tra liên tục ngó từ sau ra trước, nỗi sợ và hoang mang in hằn trên mặt.

Lukas bắt gặp ánh mắt Jerry Baker và thì thầm hỏi, “Ở đâu ? Hắn ở chỗ quái nào ?”.

Viên đặc vụ tác chiến ra hiệu về phía một con hẻm sau lưng họ rồi quay lại nói với chiếc bộ đàm của anh ta.

Cage đang nôn ọe vì chỗ khói ông đã trót nuốt vào.

Hai phút trôi qua mà không có tiếng súng nào.

Baker đang nói vào chiếc Motorola của mình, “Đội trưởng Năm mới số Hai.,. Đối tượng ở phía đông chúng ta, có vẻ như đang bắn từ trên cao xuống ở một góc nhỏ. Được rồi… Ở đâu ?… Được rồi. Cẩn thận nhé !” Anh ta không nói gì trong một lúc lâu, đôi mắt dõi theo các tòa nhà gần đấy. Rồi anh ta nghiêng đầu khi ai đó liên lạc lại qua bộ đàm. Baker lắng nghe và nói, “Họ chết rồi à ? Trời ơi… Hắn lại thoát ?”.

Sau đó Baker đứng dậy, gài súng vào bao và đi qua chỗ Cage đang đứng lau mồm bằng khăn giấy Kleenex. “Hắn vào trong tòa nhà sau lưng chúng ta. Giết hai vợ chồng sống ở tầng trên rồi biến mất cuối con hẻm kia. Thoát rồi. Không ai kịp trông thấy hắn.”

Parker liếc về phía trạm chỉ huy di động và thấy John Evans bên cửa sổ. Vị tiến sĩ đang nhìn vào cảnh tượng u ám với biểu hiện tò mò trên mặt: Cách mà một đứa trẻ vẫn nhìn các con vật bị chết, vô cảm và tê liệt. Có thể ông ta là chuyên gia trên lý thuyết về các tội ác bạo lực, nhưng ông ta chưa bao giờ trực tiếp chứng kiến nó được áp dụng trên thực tế.

Rồi anh nhìn trở lại ngôi nhà giờ đây đã chìm trong biển lửa. Không ai có thể thoát khỏi hỏa ngục ấy. Ôi, Tobe…

Tiếng còi xe cứu hỏa chợt xé toang đêm tối. Anh có thể trông thấy đèn hiệu nhấp nháy ở cả hai đầu con phố khi xe cứu hỏa tiến lại gần hơn. Giờ này, tất cả bằng chứng cũng đã biến mất rồi. Quỷ thật, nó đã nằm trong tay anh ! Tập giấy ghi chú với các địa điểm tiếp theo đã ở đó. Tại sao anh không để mắt đến nó sớm hơn mười giây cơ chứ ? Tại sao anh lại phí hoài những giây quý giá ấy để nhìn vào mê cung ? Một lần nữa, Parker cảm thấy rằng dường như chính tài liệu mới thật là kẻ thù và nó đã cố tình đánh lạc hướng anh để cho Digger thời gian tấn công họ. Quỷ thật. Nếu mà anh…

“Này”, ai đó kêu. “Này, ở đây ! Cần trợ giúp.”

Parker, Lukas và Cage quay sang viên đặc vụ mặc áo khoác của FBI. Anh ta đang chạy xuống con hẻm hẹp bên cạnh tòa nhà song lập đang bốc cháy.

“Có ai đó ở đây”, viên đặc vụ ấy kêu lên.

Một thân hình nằm nghiêng trên mặt đất, bao quanh là làn khói xanh lam.

Parker tưởng người ấy đã chết. Nhưng đột nhiên, cậu ta ngẩng đầu lên và kêu, “Dập đi”, bằng giọng thì thào khản đặc. “Chết tiệt, dập đi !”

Parker lau nước mắt trên mặt.

Người nằm đó là Tobe Geller.

“Dập đi !”, cậu ta lại kêu và giọng đã vụn ra trong một tràng ho khan.

“Tobe !” Lukas lao về phía cậu ta, Parker chạy ngay bên cạnh.

Chắc hẳn chàng đặc vụ đã nhảy qua ngọn lửa để lao ra ngoài cửa sổ. Cậu ta nằm ngay trong tầm bắn của Digger khi ở ngoài ngõ, nhưng có lẽ tên sát nhân đã không trông thấy cậu ta. Hoặc hắn không buồn bắn một kẻ rõ ràng đã bị thương nghiêm trọng.

Người của đội y tế lao về phía cậu ta và hỏi, “Anh đau ở đâu ?

Có bị trúng đạn không ?”.

Nhưng tất cả những gì Geller nói được chỉ là tiếng kêu điên dại. “Dập đi, dập lửa đi !”

“Chắc chắn rồi, con trai. Xe cứu hỏa đây rồi. Họ dập tắt ngay ấy mà.” Nhân viên y tế ngồi xuống. “Nhưng chúng ta phải đưa cậu..

“Không, chết tiệt !” Geller đẩy nhân viên y tế sang bên với sức mạnh đáng ngạc nhiên và nhìn thằng vào Parker. “Tập giấy ! Dập lửa đi !” Cậu ta đang chỉ về phía một đốm lửa nhỏ gần chân mình. Đó là thứ mà chàng đặc vụ đang cố gào thét, chứ không phải ngôi nhà.

Parker liếc mắt sang. Anh trông thấy cái mê cung phức tạp của tên nghi phạm đang bốc cháy.

Nó chính là tập giấy ghi chú. Bằng một quyết định chớp nhoáng, Tobe Geller đã bỏ qua những chiếc đĩa máy tính của mình mà tóm lấy tập giấy của tên nghi phạm.

Nhung giờ nó đang bốc cháy, trang giấy có ghi chép trên đó đang cuộn dần thành đám tro đen. Parker kéo áo khoác của mình ra và cẩn thận đặt nó lên trên tập giấy để dập lửa.

“Cẩn thận !”, ai đó kêu. Parker ngẩng đầu lên đúng lúc một miếng ván cháy dở to tướng lao xuống đất cách anh một mét. Một đám mây tàn lửa màu cam cuộn lên. Parker lờ tịt chúng đi và cẩn thận nhấc áo ra khỏi tập giấy, chăm chú xem xét thiệt hại.

Lửa đã bắt đầu lan khắp bức tường phía sau họ. Toàn bộ ngôi nhà như đang chìm xuống và trượt nghiêng.

Nhân viên y tế nói, “Chúng ta phải rời khỏi đây”. Ông ta vẫy người đồng sự mang cáng đến. Họ đặt Geller lên trên và nhanh chóng mang cậu ta đi, vừa chạy vừa tránh gạch rơi xuống.

“Chúng ta phải lùi lại thôi !”, một người đàn ông mặc đồng phục cứu hỏa màu đen hét lên. “Sắp mất bức tường rồi ! Nó sẽ đổ ụp lên đầu các bạn !”

“Một phút thôi”, Parker trả lời. Anh liếc sang Lukas. “Ra khỏi đây đi !”

“Anh không thể ở lại, Parker.”

“Tro này quá mỏng manh ! Tôi không thể di chuyển nó được.” Nhấc tập giấy lên sẽ làm đống tro tan thành bột và họ sẽ mất mọi dấu vết có thể phục hồi lại được từ nó. Anh nghĩ đến chiếc cặp táp bên trong căn hộ mà giờ đây đã bị hủy hoại, và chai parylene trong đó, đáng lẽ ra anh có thể dùng nó để làm đông cứng lớp giấy đã bị cháy và bảo vệ nó. Nhưng giờ, anh chỉ có thể cẩn thận che chắn cho lớp tro và hy vọng tập hợp lại được trong phòng thí nghiệm. Một cái máng nước rơi từ trên mái nhà cắm thẳng xuống đất, bị chổng ngược lên và chỉ cách anh có vài phân.

“Nào anh kia !”, lính cứu hỏa hét lên.

“Parker !”, Lukas lại gọi. “Nhanh lên !” Cô đã lùi lại vài mét nhưng vẫn đứng nhìn anh chằm chằm.

Parker có một ý tưởng. Anh chạy sang căn nhà song lập bên cạnh, giật mở cửa sổ chống bão và đá vỡ cửa kính. Anh nhặt lên bốn mảnh kính lớn. Trở lại với tập giấy đang nằm trên mặt đất như một thương binh rồi quỳ xuống. Anh cẩn thận kẹp hai trang giấy cháy xém, những trang duy nhất có chữ viết, giữa các mảnh kính. Đây chính là cách mà các nhà giám định tài liệu ở Cục dùng để bảo vệ các bản mẫu được gửi đến cho họ phân tích trước khi người ta phát minh ra loại bìa nhựa mỏng.

Từng khúc gỗ cháy rơi rớt xung quanh anh. Anh cảm thấy nước đổ xuống người khi các lính cứu hỏa xịt vòi rồng vào đám lửa phía trên.

“Ngừng ngay !”, anh hét lên với họ và vẫy vẫy tay. Lo ngại nước sẽ làm chút bằng chứng quý giá bị hư hại thêm nữa.

Không ai buồn chú ý đến anh.

“Parker”, Lukas hét. “Ra ngay ! Tường sắp sập rồi !”

Thêm nhiều mảnh ván nữa rơi xuống đất. Nhưng Parker vẫn quỳ nguyên si và cẩn thận kẹp từng mẩu tro vào giữa hai lớp kính.

Và thế là, trong lúc dăm gỗ, gạch đá lẫn ống máng đỏ rực rơi quanh mình, Parker từ từ đứng dậy, vẫn ôm khư khư các mảnh kính vỡ trước mặt và ra khỏi ngọn lửa, người thẳng đơ với từng bước nhẹ nhàng, cứ như một người phục vụ đang mang khay rượu trong bữa tiệc tối sang trọng nào đó.

***

Thêm một bức ảnh nữa.

Tách.

Henry Czisman đứng trong con hẻm phía bên kia tòa nhà đang bốc cháy. Từng bụm lửa nhàn nhã bay lên trời như pháo hoa, nếu nhìn từ cách đó vài cây số.

Việc này quan trọng biết bao nhiêu. Ghi lại sự kiện ấy.

Bi kịch xảy ra quá nhanh, chỉ trong thoáng chốc. Nhưng nỗi đau thì không. Nỗi đau kéo dài mãi mãi.

Tách.

Anh ta chụp thêm một tấm bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Một cảnh sát đang nằm trên mặt đất. Có thế đã chết, có thể bị thương.

Hoặc đang giả chết, khi Digger xuất hiện, người ta sẽ phải làm bất kỳ việc gì cần thiết để có thể sống sót. Họ phải dẹp hết dũng khí sang một bên mà chui lủi cho đến khi đủ an toàn để đứng dậy. Henry Czisman đã từng chứng kiến tất cả những chuyện đó.

Ảnh: Tường của tòa nhà song lập đổ xuống trong một vụ nổ lớn làm bốc lên đám tàn lửa tuyệt đẹp.

Ảnh: Một nữ cảnh sát máu chảy dầm đìa ở phần mặt bên trái.

Ảnh: Ánh lửa nhảy múa trên lớp crom bên ngoài xe cứu hỏa.

Tách, tách, tách. Anh ta không chụp đủ số ảnh cần thiết. Anh ta tha thiết mong ghi lại mọi chi tiết của tấm thảm kịch này.

Anh ta nhìn lên phố và thấy vài đặc vụ đang nói chuyện với người qua đường.

Sao phải thế ? Anh ta nghĩ. Digger đến rồi lại đi ấy mà.

Anh ta biết bản thân mình cũng nên đi. Chắc chắn không được để ai thấy anh ta đã ở đây. Vì vậy, anh ta bắt đầu thả máy ảnh vào túi áo. Nhưng rồi anh ta nhìn trở lại tòa nhà đang cháy dở và thấy điều gì đó.

Đúng rồi, đúng rồi. Tôi muốn cái đó. Tôi cần cái đó.

Anh ta giơ máy lên và ngắm, rồi bấm nút chụp.

Anh: Một người đàn ông tự xưng là Jefferson, dù đó không phải tên anh ta, người mà lúc này đã dấn rất sâu vào vụ án, đang đặt cái gì đó lên nắp capô của một chiếc xe rồi cúi người đọc nó. Một cuốn sách ? Một cuốn tạp chí ? Không, nó lấp lánh như một tấm kính vậy. Tất cả những gì bạn thấy được trong ảnh sẽ là sự tập trung cao độ của người đàn ông này khi anh ta cuốn chiếc áo khoác da quanh miếng kính, cứ như một người cha đang ôm ấp đứa con mới lọt lòng trước khi bước chân ra ngoài trời đêm buốt giá vậy.

Tách.

***

Vậy là, bảo vệ ngài thị trưởng.

Đồng thời không ném đá Cục điều tra.

Phát thanh viên Slade Phillips đang ngồi trong một quán cà phê ở Dupont Circle. Gần đó vẫn còn khoảng mấy chục chiếc xe cấp cứu đỗ lại, đèn hiệu loang loáng trong màn đêm xám xịt. Dải băng vàng của cảnh sát thì giăng khắp mọi nơi.

Phillips đã trưng tấm thẻ phóng viên của mình ra để qua được rào cản. Anh ta bị chấn động khủng khiếp vì những gì nhìn thấy ở chân cầu thang máy. Các vũng máu vẫn đang khô dần. Chút xương và tóc còn vương lại. Anh ta…

“Xin lỗi ?”, một giọng phụ nữ hỏi. “Anh là Slade Phillips phải không. Đài WPLT.”

Phát thanh viên sẽ mãi mãi phải chịu bị gắn liền với cả hai cái tên ấy. Không ai từng gọi họ là ngài hay anh. Anh ta ngước lên từ cốc cà phê của mình và nhìn người phụ nữ tóc vàng trông có vẻ lả lơi. Cô ta muốn được ký tặng. Anh ký cho cô ta.

“Anh tốt quá”, cô ta nói.

“Cảm ơn cô.”

Đi chỗ khác mau.

“Tôi cũng muốn ngày nào đó được lên truyền hình.”

“Tốt cho cô.”

Đi mau.

Cô ta đứng thêm một lát nhưng vì anh không bảo cô ta ngồi cùng nên cô ta lại lộc cộc bỏ đi trên đôi giày cao gót, dáng điệu làm Phillips nhớ tới loài linh dương.

Hớp một ngụm cà phê đã lọc bỏ cafein. Cảnh tượng tàn sát ở Metro, anh ta không thể gạt bỏ nó ra khỏi đầu mình. Chúa ơi… Máu ở khắp mọi nơi. Những chỗ sứt mẻ trên nền gạch và vết lõm trên kim loại… Thịt và xương vụn.

Và giày dép.

Mấy đôi giày vấy máu nằm ở chân cầu thang cuốn. Vì lý do gì đấy, hình ảnh ấy mới là đáng sợ nhất.

Đây chính là kiểu câu chuyện khiến cả đám phóng viên thèm nhỏ dãi trong những trái tim đầy tham vọng của họ.

Anh là phóng viên cơ mà, đi làm phóng sự thôi.

Thế nhưng Phillips không hề cảm thấy muốn nhắm vào các tội ác. Bạo lực khiến anh ta ghê tởm. Tâm trí bệnh hoạn của bọn giết người làm anh ta sợ hãi. Và anh ta nghĩ: Chờ đã. Tôi có phải phóng viên đâu. Anh ta ước gì mình đã nói điều đó với tên ngạo mạn Wendell Jefferies kia. Tôi là người làm nghề giải trí. Tôi là một ngôi sao truyền hình. Tôi là người nổi tiếng đó chứ.

Nhưng anh ta đã lún quá sâu vào túi tiền của Jefferies để có được sự vô tư ấy.

Thế là anh ta sắp phải làm như mình đã được bảo.

Anh ta tự hỏi liệu Thị trưởng Jerry Kennedy có biết gì về cuộc mặc cả của anh ta với Jefferies không. Có thể là không. Kennedy là một gã ngay thẳng chết tiệt. Tốt hơn tất cả những gã thị trưởng khác cộng lại. Bởi vì dù Slade Phillips không phải một Tom Brokaw hay Peter Amett , ít nhất anh ta cũng hiểu rõ con người. Anh ta biết rằng Kennedy thực sự muốn cứu vãn thành phố nhiều nhất có thê’ trong khả năng của mình, trước khi đám cử tri ném ông ra ngoài. Mà chuyện đó thì chẳng có gì phải nghi ngờ trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Lại còn cái Dự án 2000 của ông ta nữa chứ… Trời ạ, cần phải dũng cảm biết mấy mới dám đánh thêm thuế đám công ty ở thủ đô ngoài những gì họ đã phải trả. Cả một vũng lầy ở đó. Đã vậy, ông ta còn làm như mình là Đại Phán Quan trong vụ bê bối xây dựng trường học. Người ta đồn rằng ông ta muốn trả tiền cho gã chỉ điểm Gary Moss kia, một khoản phụ cấp lấy từ ngân khố Đặc khu, để đền đáp việc gã đã dám đứng lên mạo hiểm cuộc sống của mình để làm chứng (tất nhiên khoản này đã bị Nghị sĩ Lanier từ chối phê duyệt). Người ta cũng đồn rằng Kennedy sẽ kiên quyết xử lý tất cả những kẻ dính dáng đến vụ tham nhũng, bao gồm cả những ông bạn lâu năm.

Thế nên, Phillips có thể hợp lý hóa việc giải tỏa bớt sức nóng khỏi văn phòng của Kennedy. Đó là vì một mục đích tốt đẹp hơn.

Thêm cà phê đã lọc. Đó là thứ mà Phillips đã chủ yếu sống nhờ sau khi bị thuyết phục rằng cà phê thật sẽ ảnh hưởng đến giọng nam trung tuyệt vời của mình.

Anh ta nhìn ra ngoài cửa sổ và trông thấy người mình đang chờ Một gã nhỏ bé, mảnh khảnh. Gã là nhân viên trong trụ sở của Cục điều tra mà Phillips đã bợ đỡ suốt cả năm qua. Gã là một trong những “nguồn tin muốn ẩn danh” mà bạn vẫn thường nghe nói, những nguồn tin có mối quan hệ không chắc chắn vơi sự trung thực. Nhưng thế thì có can hệ gì ? Đây là báo hình và người ta phải biết đặt ra những tiêu chuẩn hơi khác.

Gã nhân viên liếc nhìn Phillips ngay khi bước vào quán cà phê. Cẩn trọng nhìn quanh như một tay gián điệp vụng về rồi cởi bỏ áo khoác ngoài để lộ bộ vest xám không hề vừa vặn.

Thực ra, gã này chỉ là văn thư, mặc dù gã đã kể với Phillips mình là kiểu “đương sự” (ôi làm ơn đi…) trong hầu hết “các quy trình ra quyết định quan trọng” trong Cục.

Kiêu căng cho lắm vào, Phillips nghĩ. “Chào, Timothy.”

“Chúc mừng năm mới”, gã đàn ông nói khi ngồi xuống và trông y hệt một con bướm bị ghim vào tường.

“Phải, phải”, Phillips nói.

‘Thế tối nay có gì ngon ? Họ có món moussaka không ? Tôi thích moussaka lắm.”

“Anh không có thời gian để ăn. Anh chỉ có thời gian để nói chuyện.”

“Một cốc gì thôi nhé ?”

Phillips vẫy bồi bàn và gọi thêm cà phê lọc cho anh ta cùng cà phê thường cho Timothy.

“À..Trông gã thất vọng hết sức. “Ý tôi là bia cơ.”

Phát thanh viên vươn người tới. Thì thầm, “Gã điên kia. Tên xạ thủ ở Metro ấy. Có chuyện gì đang xảy ra vậy ?”.

“Bọn họ chả biết gì mấy. Lạ lắm ! Có người nói đó là khủng bố. Có người lại nói là do nhóm quân sự cánh hữu làm. Vài người lại nghĩ nó chỉ là âm mưu tống tiền thuần túy. Chẳng ai chịu ai cả.”

“Tôi cần một tâm điểm”, Phillips nói.

“Tâm điểm ? Ý anh là ‘tâm điểm’ gì ?” Timothy liếc sang chiếc bàn bên cạnh, nơi một người đàn ông đang ăn món moussaka.

“Kennedy đang phải hứng búa rìu dư luận. Như thế là không công bằng !”

“Thế quái nào mà lại không cơ chứ? Lão là đồ ngốc.”

Phát thanh viên đâu có đến đây để tranh luận về thực tài của ngài thị trưởng. Cho dù lịch sử có nói gì về thời kỳ cầm quyền của Gerald D. Kennedy đi chăng nữa, Slade Phillips cũng đã được trả hai lăm ngàn đô la để gợi ý với cả thế giới rằng ông ta không phải đồ ngốc. Vì vậy anh ta nói tiếp, “Cục đang xử lý vụ việc thế nào ?”.

“Đây là một ca khó”, Timothy nói, gã hết sức mong mỏi được làm đặc vụ FBI nhưng số mệnh đã định sẵn, đời gã sẽ chẳng bao giờ đạt được kỳ vọng gì. “Họ đang làm hết sức có thể. Họ đã tìm được nơi trú ẩn của thủ phạm. Anh nghe chưa ?”

“Nghe rồi. Tôi cũng nghe nói hắn đã chốt chặt ngả ấy và bắn các anh tan tác.”

“Trước đây chúng tôi chưa từng phải đối đầu với thể loại này”.

Chúng tôi ?

Phillips gật đầu cảm thông. “Nghe này, tôi đang cố giúp các anh thoát ra. Tôi không muốn lái câu chuyện theo định hướng của nhà đài. Đó là lý do vì sao tôi muốn nói chuyện với anh tối nay.”

Đôi mắt cún con của Timothy sáng lên và gã hỏi, “Câu chuyện nào ? Họ định hướng trước à ?”.

“Đúng vậy”, Phillips nói.

“Như thế nào ?”, Timothy hỏi. ”Câu chuyện gì ?”

“Tình huống xử lý tồi ở Nhà hát Mason.”

‘Tình huống nào ? Họ đã ngăn được hắn. Gần như chẳng có ai bị giã”

“Không, không”, Phillips nói. “Vấn đề là đáng lẽ ra họ đã bắt được xạ thủ. Nhưng họ lại để hắn chạy mất.”

“Cục đã không làm hỏng việc”, Timothy lên tiếng biện minh. “Đó là một hoạt động tác chiến rất phức tạp. Loại khó điều khiển kinh khủng.”

Hoạt động tác chiến phức tạp. Phillips biết gã đang nói gì. Anh ta cũng biết rằng rất có thể Timothy học được cụm từ ấy không phải từ trụ sở FBI mà từ một cuốn tiểu thuyết của Tom Clancy .

“Đúng. Nhưng thêm vào các lời đồn đại khác thì…”

“Lời đồn nào ?”

“Rằng Kennedy muốn trả tiền cho thủ phạm nhưng Cục lại muốn giăng bẫy như thế nào đó. Chỉ có điều họ đã làm rối tung cả lên và tên xạ thủ phát hiện ra, giờ hắn chỉ muốn giết người để trêu ngươi họ.”

“Vớ vẩn.”

“Tôi không nói..”, Phillips mở lời.

“Thật không công bằng”, Timothy gần như là rền rỉ. “Ý tôi là, chúng tôi đã rải đặc vụ ra khắp cả thành phố trong khi đáng lẽ họ phải ở nhà cùng gia đình mình. Hôm nay là ngày lễ. Tôi đã phải ngồi nhận fax cho người khác suốt cả đêm…” Giọng gã trượt đi khi chợt nhận ra bức màn che giấu thân phận thật sự của mình ở FBI vừa mới bị hé mở.

Phillips vội nói ngay, “Tôi không nói là tôi cũng nghĩ thế. Tôi chỉ nói đó là hướng câu chuyện nhà đài định theo đuổi. Tên khốn này giết người. Họ cần phải đổ trách nhiệm lên ai đó”.

“À thì…”

“Còn gì khác để tập trung vào không ? Nơi nào đó không phải là Cục điều tra.”

“Ồ, hóa ra ý anh về ‘tâm điểm’ là thế.”

“Tôi đã nói là tâm điểm à ?”

“Ừ, lúc nãy anh vừa mới nói… Thế còn cảnh sát Đặc khu thì sao ? Họ có thể chính là nhân tố gây rắc rối.”

Phillips tự hỏi Wendell Jefferies sẽ chịu trả bao nhiêu tiền cho câu chuyện nói rằng cảnh sát Đặc khu, lực lượng chịu trách nhiệm trực tiếp dưới trướng Thị trưởng Kennedy, lại chính là nhân tố gây rắc rối.

“Nói tiếp đi. Tôi chả thấy ý vừa rồi có gì hay ho.”

Timothy nghĩ một lát. Rồi gã mỉm cười. “Chờ đã. Tôi có ý này.” “Có hay ho không ?”, Phillips hỏi.

“À, lúc ở trụ sở ấy, tôi đã nghe được một chuyện kỳ lạ…”, Timothy cau mày, giọng nhỏ đi.

Phát thanh viên liền nói, “Này, món moussaka kia trông ngon thật đấy. Hay là chúng ta gọi một ít ?”.

“Được thôi”, Timothy nói. “Và đúng là tôi đã nghĩ ra một ý rất hay ho đấy.”

Bình luận
Ads Footer