NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Hồng Lâu Mộng

Hồi thứ chín

Tác giả: Tào Tuyết Cần
Chọn tập
Ads Top

Cha con Tần Chung đang chờ tin họ Giả hẹn ngày vào học. Bảo Ngọc thì muốn gặp ngay Tần Chung, nên chọn ngày hôm sau vào trường, và sai người sang đưa tin: “Sáng mai xin mời cậu Tần sang bên này cùng đi”.

Hôm ấy, Bảo Ngọc chưa dậy, Tập Nhân đã sắm đủ bút sách rồi ngồi buồn rũ ở bên giường. Lúc Bảo Ngọc dậy. Tập Nhân vội hầu rửa mặt, chải đầu. Bảo Ngọc thấy Tập Nhân có dáng buồn, bèn hỏi:

Chị ơi, chị làm sao lại không vui thế? Hay là sợ tôi đi học vắng, khiến các chị buồn? Tập Nhân cười nói:
Sao cậu lại nói thế? Đi học là việc rất hay, nếu không thì lêu lổng suốt đời, còn làm nên trò gì được? Chỉ có một điều: khi đi học thì cậu nghĩ đến sách, khi nghỉ thì nghĩ đến nhà, nhất là đừng đùa nghịch với ai, ông biết thì không phải chuyện chơi đâu. Tuy học phải cố gắng, nhưng cũng phải có chừng mực, một là ăn nhiều thì nhai không kỹ; hai là cần phải giữ gìn sức khỏe. Tôi nghĩ thế đấy, cậu nên hiểu cho.

Tập Nhân nói câu nào, Bảo Ngọc gật đầu câu ấy. Tập Nhân lại nói:

Cái áo da cáo của tôi đã bọc sẵn và giao lũ hầu bé mang đi. Khi ở trường, thấy lạnh, cậu phải nhớ mặc thêm, không như lúc ở nhà, có người trông nom sẵn. Lồng ấp chân, lồng ấp tay, đã cho người mang đi cả rồi. Cậu bắt chúng nó đặt vào chỗ ngồi cho ấm. Cái lũ ranh con lười biếng ấy, không ai bảo thì chúng càng sướng, không chịu làm gì, sẽ để cậu chết rét đấy.

Bảo Ngọc nói:

Chị cứ yên tâm, tôi lo liệu được cả. Các chị cũng đừng ngồi buồn rũ ở trong nhà này, thỉnh thoảng sang chơi với cô Lâm cho vui.
Bảo Ngọc mặc quần áo xong, Tập Nhân giục đến trình Giả mẫu, Giả Chính và Vương phu nhân. Bảo Ngọc lại dặn dò Tình Văn, Xạ Nguyệt mấy câu, rồi sang trình Giả mẫu, Giả mẫu cũng dặn dò mấy câu, sau sang trình Vương phu nhân, rồi sang trình Giả Chính.
Khi ấy Giả Chính đương ngồi trong thư phòng, nói chuyện với bọn gia khách. Thấy

Bảo Ngọc đến chào và nói xin đến trường học, Giả Chính cười nhạt:

Mày nói đến hai chữ đi học làm tao xấu hổ chết đi được. Cứ như ý tao thì mày đi chơi là đúng hơn. Coi chừng đấy, đừng đứng bẩn đất tao, dựa bẩn cửa tao!
Bọn gia khách đứng dậy cười nói:

Sao cụ lại nói quá như thế? Cậu nhà đi học chuyến này, thế nào hai ba năm nữa cũng sẽ hiển thân thành danh, chứ không còn trẻ thơ như ngày trước nữa. Sắp đến bữa cơm rồi, mời cậu đi thôi.
Nói xong hai người già dắt Bảo Ngọc ra. Giả Chính hỏi:
Những ai đi theo Bảo Ngọc đấy?

ngoài có tiếng dạ ran rồi ba bốn người vào vái chào. Giả Chính nhìn ra, thấy con trai vú nuôi Bảo Ngọc là Lý Quí, bèn hỏi:
– Ngày thường theo hầu nó đi học, thấy nó học đến sách gì rồi? Hay là chỉ học những câu lếu láo, những lối ngỗ nghịch tinh ranh? Lúc nào rỗi, ta sẽ lột da mày và sửa tội cho cái thằng hư thân kia!
Lý Quí run sợ, quỳ xuống, bỏ mũ rập đầu “dạ” “dạ” và nói:

– Cậu ấy đã học kinh Thi đến quyển thứ ba, hình như có câu: “du du lộc minh, hà diệp phù bình”(1) gì ấy, cháu không dám nói dối.
Mọi người ngồi đấy nghe vậy cười ầm lên. Giả Chính cũng không nhịn được cười, liền nói:
– Dù có học ba mươi quyển kinh Thi, cũng là câu chuyện “bịt tai ăn trộm chuông” để lòe người ta thôi. Mày đến trường hỏi thăm sức khỏe tôn sư và trình lại lời của tao: “Không nên dạy theo lối cũ, cho nó đọc kinh Thi hay cổ văn, trước nhất phải giảng cho nó rõ nghĩa và học thuộc lòng Tứ thư đã.”
Lý Quí vâng vâng da dạ, thấy Giả Chính không nói gì nữa, hắn mới đứng dậy lùi ra. Bảo Ngọc đứng chờ ở ngoài cửa nghe ngóng và đợi bọn họ ra cùng đi. Bọn Lý Quí vừa phủi quần áo vừa nói:
– Cậu nghe thấy gì không? Ông định lột da chúng tôi đấy! Đầy tớ nhà chúng ta theo chủ thì được hãnh diện, còn chúng tôi làm đầy tớ cậu thì bị đánh chửi hoài, như thế có đáng thương không?

Bảo Ngọc nói:

Thôi anh đừng phàn nàn nữa, mai tôi mời anh đánh chén một bữa. Lý Quí nói:
Ông trẻ ơi! Ai dám mong ông mời, chỉ xin ông để ý nghe cho một vài câu thôi.

Bảo Ngọc lại đến chỗ Giả mẫu, gặp ngay Tần Chung đã ở đấy và đang nói chuyện với Giả mẫu. Hai người chào nhau, rồi cáo từ xin đi.
Bảo Ngọc chợt nghĩ đến Đại Ngọc, bèn sang bên đó chào để đi. Bấy giờ Đại Ngọc đương ngồi dưới cửa sổ soi gương trang điểm, nghe nói Bảo Ngọc đi học thì cười và nói:

Tốt lắm, đi chuyến này có thể định “bẻ cành quế trên cung trăng” đấy. Tôi không thể đi tiễn.
Bảo Ngọc nói:

Cô em chờ tôi đi học về hãy ăn cơm chiều, còn sáp bôi mặt thì để tôi về sẽ pha cho. Nói chuyện một lúc lâu rồi mới dứt ra đi. Đại Ngọc vội gọi giật lại hỏi:
Sao không đến chào cô Bảo Thoa nhà anh?

Bảo Ngọc nhoẻn mép cười không nói gì, cùng Tần Chung đi thẳng đến trường. Trường không xa nhà mấy, do vị thủy tổ họ Giả lập ra, để cho những con em trong họ không mời thầy riêng được thì vào đấy học. Những người làm quan trong họ đều có quyên góp, kẻ nhiều người ít, để chi tiền dầu đèn, thầy học thì mời người nào cao tuổi và có đạo đức đến dạy.

Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, liền đi chào từng người một, rồi vào lớp học. Từ đó hai người đi đứng có nhau, ngày càng thêm thân mật. Giả mẫu lại càng yêu Tần Chung, thường giữ ở lại dăm ba ngày, chẳng khác gì chắt ruột. Nhân thấy Tần Chung không được đầy đủ, Giả mẫu lại giúp cho cả quần áo, đồ dùng. Chưa đầy hai tháng, Tần Chung đã trở thành quen thuộc trong phủ Vinh.

Nguyên Bảo Ngọc xưa nay là người không chịu yên thường thủ phận, cái gì cũng thích theo ý muốn của mình, đã thành cái tật riêng. Bảo Ngọc thường nói với Tần Chung:

Hai chúng ta cùng lứa tuổi, lại là bạn học. Từ giờ trở đi đừng xưng chú cháu nữa, chỉ gọi là anh em bạn thì phải hơn.
Lúc đầu Tần Chung không dám, nhưng Bảo Ngọc không nghe, cứ gọi là em và gọi tên

là Kình Khanh. Tần Chung thấy vậy cũng định phải gọi bừa đi.

Trường học này vốn chỉ nhận con em trong họ và con cháu những nhà bà con thân thuộc thôi. Nhưng tục ngữ nói rất đúng: “Một con rồng chín giống, mỗi giống mỗi khác”. Ở đây nhiều người, nên rồng rắn lẫn lộn, trong ấy có cả đám hạ lưu nữa. Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, xem ra dáng điệu tươi đẹp như hoa; Tần Chung thì bẽn lẽn nhu mì, chưa nói đã đỏ mặt, ngượng nghịu như con gái; Bảo Ngọc thì nhũn nhặn dịu dàng, nói năng hòa nhã. Vì hai người thân mật với nhau như thế nên tránh sao khỏi sự ngừ vực của một số học trò. Lúc vắng mặt thì người nói thế này, kẻ nói thế khác, giễu cợt, gièm pha khắp cả trong và ngoài lớp học.

Sau khi Tiết Bàn đến ở nhà Vương phu nhân, biết ở đây có một trường học, trong trường lại có nhiều học trò trẻ, nên bệnh “Long dương”(2) lại nổi lên. Hắn cũng mượn tiếng đi học, nhưng “Ba ngày đánh cá thì hai ngày phơi lưới”(3), quăng tiền ra trả công thầy học, chỉ cốt để ăn mặc tiêu xài, đã có mấy đứa bị Tiết Bàn cám dỗ. Việc này không cần nói nhiều. Có hai đứa không biết con cái nhà ai, tên tuổi là gì, chỉ vì thấy chúng có vẻ lẳng lơ, nên cả trường đặt tên cho một đứa là Hương Lân, một đứa là Ngọc ái. Có nhưng người mến thích chúng, định đem lòng không tốt đối với lũ trẻ nhưng lại sợ uy thế Tiết Bàn, nên không ai dám vương vào. Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, thấy hai đứa ấy trong bụng cũng vấn vương trìu mến, nhưng biết là bạn tương tri của Tiết Bàn, nên cũng không dám động chạm đến. Hai đứa Hương Lân, Ngọc ái đều để ý đến Tần Chung và Bảo Ngọc. Bốn người sẵn có tình ý với nhau, nhưng chưa dám lộ ra ngoài. Mỗi khi vào học, họ ngồi riêng bốn chỗ, nhưng tám mắt vẫn liếc nhau, hoặc đặt lời mượn ý, vịnh dâu ngắm liễu, xa tỏ nỗi lòng. Ngoài mặt họ lại muốn che mắt mọi người. Không ngờ có mấy đứa láu lỉnh, thấy bộ dạng ấy, thường

sau lưng chế giễu hoặc nháy mắt đưa mày, hoặc đằng hắng lên tiếng. Việc này xảy ra đã từ lâu rồi.
Một hôm, Đại Nho có việc về nhà, ra sẵn cho học trò một câu đối bảy chữ, để ngày mai sẽ giảng sách và giao cho cháu trưởng là Giả Thụy trông nom nhà trường. Vừa buổi sáng hôm ấy khi gọi tên, thấy Tiết Bàn vắng mặt, Tần Chung thừa dịp liền đầu mày khóe mắt với Hương Lân. Hai người ra hiệu với nhau giả cách đi tiểu, chạy ra sau nhà trò chuyện. Tần Chung hỏi:

– Ông nhà có cấm em chơi với bạn không?

Nói chưa dứt lời, đằng san có tiếng đằng hắng. Hai người giật mình quay lại, thấy một đứa bạn học tên là Kim Vinh. Hương Lân vốn nóng tính, vừa thẹn vừa bực nói:
Mày đằng hắng cái gì? Định cấm chúng tao nói chuyện à? Kim Vinh cười nói:
Chúng bay nói chuyện được, tao đằng hắng không được à? Tao chỉ hỏi chúng bay có chuyện gì sao không nói rõ ràng, mà lại thầm thầm thụt thụt thế? Tao bắt được quả tang, mày còn chối cái gì? Mày cho tao chơi nước đầu, chúng ta im chuyện cả; nếu không, đây sẽ bới tung ra hết.
Tần Chung và Hương Lân đỏ bừng mặt lên hỏi:

Mày bắt chúng tao về cái gì?

Tao hiện bắt được quả tang đấy! Nói xong nó vỗ tay cười ầm lên:

Có bánh nướng ngon đây, sao chúng bay không mua một cái mà ăn?

Tần Chung và Hương Lân tức giận lắm, vội đến nói với Giả Thụy là Kim Vinh vô cớ vu oan cho chúng. Giả Thụy vốn người không đứng đắn, chỉ thích lợi, khi ở trong trường hắn thường hay mượn việc công làm việc tư, hạch sách đám học trò phải mời hắn ăn uống. Hắn vào hùa với Tiết Bàn, mong kiếm tiền, kiếm rượu, nên tha hồ để mặc cho Tiết Bàn ngông nghênh làm càn, không những hắn không ngăn cấm mà còn nối giáo cho giặc để lấy lòng Tiết Bàn. Khốn nỗi Tiết Bàn có tính lông bông, nay yêu đứa này, mai yêu đứa khác, gần đây có mới nới cũ, hắn bỏ rơi hai đứa Hương Lân và Ngọc ái. Ngay cả Kim Vinh, trước cũng là bạn thân của Tiết Bàn, nhưng từ khi có Hương Lân và Ngọc ái, thì nó bỏ ngay Kim Vinh. Gần đây Hương Lân và Ngọc ái cũng lại bị nó bỏ rơi nốt, nên Giả Thụy không có ai cưu mang. Giả Thụy không oán Tiết Bàn có mới nới cũ, lại oán Hương Lân và Ngọc ái không biết chiều chuộng Tiết Bàn, vì thế cả Giả Thụy lẫn Kim Vinh đều ghét sẵn hai đứa này. Nay thấy Tần Chung và Hương Lân đến thưa Kim Vinh, Giả Thụy trong bụng cũng khó chịu, nhưng không dám mắng Tần Chung, mà lại quở trách Hương Lân, cho là hay sinh sự. Thành ra Hương Lân tiu nghỉu, Tần Chung cũng bẽn lẽn, đều đi về chỗ ngồi.

Kim Vinh càng lên nước, đầu lắc lư, miệng tóp tép, nói nhiều câu bâng quơ. Ngọc ái ngồi ở đằng xa nghe thấy, liền sinh chuyện cãi nhau. Kim Vinh nhất quyết nói:
Vừa rồi chính mắt tao trông thấy hai đứa hôn và sờ đít nhau ở đằng sau nhà, chúng nó bàn tán nhau định giở trò ma quái…
Bấy giờ Kim Vinh đắc ý nói bừa, không còn để ý đến ai nữa. Ngờ đâu lại làm cho một người phát bực lên, người ấy là ai? Chính là Giả Tường, hàng chút ngành trưởng bên phủ Ninh, cha mẹ mất sớm, từ bé đến ở với Giả Trân, nay đã mười sáu tuổi dáng người thanh tú, hơn cả Giả Dung. Hai người ở với nhau rất thân. Trong phủ Ninh, nhiều người lắm miệng, nên có những đứa đầy tớ không vừa lòng, hay đặt đều nói xấu chủ. Nhiều chuyện phao đồn nhảm nhí đến tai Giả Trân. Muốn tránh sự hiềm nghi, Giả Trân đã chia nhà cho Giả Tường ra ở riêng ngoài phủ Ninh.

Giả Tường đẹp trai, lại thông minh. Gọi là đi học để che mắt đời chứ hắn vẫn thích chó săn gà chọi, hỏi liễu tìm hoa. Trên có Giả Trân quá yêu, dưới có Giả Dung che chở, nên khắp trong họ không ai dám trái ý hắn. Hắn vốn chơi thân với Giả Dung, nay thấy người ta khinh rẻ Tần Chung, thì khi nào lại chịu nhịn? “Ta phải đứng lên dẹp sự bất bằng này!” Nhưng rồi hắn lại đắn đo trong bụng: “Bọn Kim Vinh, Giả Thụy đều là bạn thân của Tiết Bàn, ta cũng đi lại với chú Tiết. Nay nếu ra mặt bênh Tần Chung, tất nhiên chúng nó sẽ mách chú Tiết, chẳng hóa ra tổn thương đến hòa khí hay sao? Nếu cứ lặng yên, thì tiếng xấu ầm lên, mang tiếng cả lũ. Ta sao không dùng kế ngăn chặn ngay đi, vừa dập tắt được tiếng xấu, lại không mất lòng ai?” Nghĩ xong hắn giả cách ra đằng sau đi tiểu, lẳng lặng gọi thư đồng của Bảo Ngọc là Dính Yên đến cạnh, nói khích mấy câu.

Dính Yên là người hầu đắc lực nhất của Bảo Ngọc, nhưng còn trẻ tuổi, không hiểu việc đời, xưa nay không có việc gì nó cũng còn nạt nộ người ta, nay nghe thấy Giả Tường nói “Kim Vinh khinh rẻ Tần Chung, lại có cả cậu Bảo Ngọc chúng mày cũng dính líu vào đó, nếu không cho nó biết tay, thì lần sau nó còn láo nữa” Dính Yên bèn lập tức đi tìm ngay Kim Vinh. Nó không gọi ông Kim nữa, mà gọi ngay “Họ Kim kia, mày là cái giống gì?” Giả Tường vội xỏ chân vào giày làm bộ sắp sửa quần áo đi ra xem bóng mặt trời, nói: “Đến giờ rồi và nói với Giả Thụy có việc xin về trước. Giả Thụy không dám ngăn lại, đành để cho hắn đi. Dính Yên chạy đến nắm lấy Kim Vinh

hỏi:

Chúng tao có giở trò gì chăng nữa thì can gì đến mày miễn là không đ… thằng cha mày thôi. Mày có giỏi ra đây chơi với ông Dính nhà mày!
Học trò cả trường đều ngơ ngác nhìn, Giả Thụy vội quát:

Dính Yên không được nói bậy!

Làm loạn à? Đồ nhãi con mà dám như thế, tao sẽ nói với chủ mày. Rồi hắn giật tay định quay sang đánh Bảo Ngọc và Tần Chung.

Bỗng vù một tiếng ở phía sau, không biết ai ném cái nghiên lại, nhưng may không trúng vào người nào, lại tạt sang phía bàn của Giả Lam và Giả Huân, là chắt họ gần bên phủ Vinh. Giả Huân lúc bé mồ côi cha, được mẹ nuông chiều, ở trường chơi thân với Giả Lam, cùng ngồi học một chỗ. Giả Huân tuổi còn nhỏ, nhưng chí rất to, bướng bỉnh không biết sợ ai. Hắn đang ngồi ở bàn, trông thấy bạn bè Kim Vinh có ý giúp ngầm Kim Vinh, ném nghiên vào Dính Yên, nhưng lại rơi vào trước mặt mình, cái nghiên vỡ tan, mực bắn tóe ra đầy quyển sách. Hắn không chịu được bèn mắng:

Quân chết đâm chết chém kia! Chúng bay định đánh hôi à!

Hắn cầm lấy cái nghiên định ném lại, Giả Lam không muốn sinh chuyện, vội giằng lấy cái nghiên bảo:
– Em ơi, không việc gì đến chúng mình.

Giả Huân không nhịn được, thấy cái nghiên đã bị giằng mất, vội vớ ngay cái tráp ném sang bên kia. Nhưng vì người bé, sức yếu nên không đến nơi, lại rơi ngay vào bàn của Bảo Ngọc và Tần Chung. “Choang” một tiếng, sách giấy, bút nghiên đổ tung tóe cả trên bàn, làm vỡ chén nước của Bảo Ngọc, nước đổ ra lênh láng.

Giả Huân nhảy ra, định đánh đứa ném nghiên. Bấy giờ Kim Vinh tiện tay vớ ngay được cái gậy tre, múa tít lên. Phòng hẹp, người đông, tránh sao khỏi đụng phải người! Dính Yên bị ngay một gậy, kêu ầm lên: “Các anh đứng khoanh tay đấy à?” Bảo Ngọc còn một lũ hầu bé là Tảo Hồng, Sừ Dược, Mặc Vũ, ba đứa này lẽ nào lại không hung lên. Chúng kêu ầm ĩ: “Đồ chó đẻ kia: Mày dám lấy gậy đánh người ta à?” Mặc Vũ rút ngay cái then cửa, Tảo Hồng, Sừ Dược tay cầm roi ngựa, xông vào như ong.

Giả Thụy vừa cản người này, vừa ngăn người kia, nhưng nào có ai nghe. Đánh nhau

túi bụi, bọn trẻ con thấy vậy có đứa xúm vào đánh hôi cho vui, có đứa nhát gan thì lánh đi một chỗ, lại có đứa đứng lên bàn vỗ tay cười và xúi thêm : “Đánh đi! Đánh đi!” Lúc bấy giờ cả trường sục lên như vạc nước sôi.

Mấy người hầu lớn của Bảo Ngọc là bọn Lý Quí, nghe tiếng ồn ào ở trong trường, vội chạy vào quát phải thôi và hỏi vì cớ gì? Bọn học trò đứa nói thế nọ, đứa nói thế kia, mỗi đứa một phách. Lý Quí mắng Dính Yên một trận rồi đuổi ra. Đầu Tần Chung đụng phải gậy Kim Vinh, toạc một miếng da. Bảo Ngọc lấy vạt áo xoa cho Tần Chung. Thấy mọi người đã đứng yên, Bảo Ngọc bèn bảo Lý Quí:

Dọn sách vở, mang ngựa lại đây, để ta về trình tôn sư! Chúng ta bị người ta khinh rẻ quá. Không nói gì xa, riêng một việc giữ lễ phép, đến nói với anh Thụy, thế mà anh ấy lại bảo chúng ta trái, để cho người khác mắng chúng ta, lại xui người đánh Dính Yên. Cả Tần Chung cũng bị đánh toạc đầu. Như thế còn học làm gì nữa? Dính Yên thấy người ta khinh nhờn ta, nó mới làm thế, chi bằng về là xong chuyện.

Lý Quí khuyên can:

Xin cậu đừng nóng. Tôn sư có việc về nhà, nay vì việc nhỏ làm rác tai người, lại càng tỏ ra là mình vô lễ. Cứ ý tôi, cũng nên dàn xếp cho xong, đừng làm phiền đến người. Việc này lỗi ở cậu Thụy cả. Tôn sư đi vắng, cậu ấy là người đứng đầu trông nom trường này, ai làm việc gì cũng phải hỏi cậu ấy. Ai có lỗi đáng đánh thì đánh, đáng phạt thì phạt, có lẽ nào để mặc cho họ lung tung như thế?

Giả Thụy nói:

Tôi đã mắng gạt đi, nhưng chẳng ai chịu nghe cả.

Cậu giận tôi cũng cứ nói: vì ngày thường cậu ăn ở không được đứng đắn, nên nói chẳng ai buồn nghe. Nếu trình tôn sư, ngay cậu cũng có lỗi, sao cậu không thu xếp ngay cho xong đi.
Bảo Ngọc nói:

Thu xếp cái gì? Ta phải về thôi!

Có Kim Vinh ở đây thì tôi nhất định phải về. Bảo Ngọc nói:

Tại sao thế? Người ta còn đến học nữa là chúng ta? Tôi phải về trình đuổi Kim Vinh đi.
Lại hỏi Lý Quí:

Kim Vinh là họ hàng của phòng nào?

Thôi đừng hỏi nữa. Nếu nói rõ họ hàng e tổn thương đến hòa khí trong anh em. Dính Yên ở ngoài nói chêm vào:
Nó là cháu chị Hoàng, ở bên phủ Đông, chứ là cái hạng gì mà cậy thế đến dọa nạt chúng ta! Cô nó là chị Hoàng chỉ biết tìm cách luồn lụy ton hót mợ Hai Liễn để nhờ vả vay mượn. Hạng chủ nhà ấy tôi coi ra gì đâu.
Lý Quí vội thét mắng:

Đồ chó con kia! Biết gì mà dám lai nhai nói bậy!

Ta cứ tưởng nó là họ hàng thế nào, chẳng hóa ra cháu gọi chị Hoàng bằng cô. Để ta đến hỏi cô nó.
Nói xong, gọi Dính Yên đến thu xếp sách vở và định đi ngay. Dính Yên chạy lại, đắc ý nói:
Cậu không cần phải đi, để tôi đến bảo chị Hoàng là cụ cho gọi đến, rồi thuê một cái xe lôi cổ chị ta về, cho cụ hỏi tội, như thế chẳng tiện hay sao?
Lý Quí vội thét:

Mày muốn chết à? Giờ hồn đấy, tao sẽ đánh mày trước, rồi về trình ông và bà là việc này đều tại mày xui giục cậu Bảo cả! Tao muốn khuyên ngăn cho êm đi, mày lại cứ bới chuyện ra. May làm ầm cả trường học, đã không tìm cách dập tắt đi, lại còn định nhảy vào đống lửa à!
Dính Yên mới chịu im, không dám nói gì nữa.

Bấy giờ Giả Thụy sợ việc kéo dài thành to chuyện, thì bản thân cũng không được yên, nên đành phải khúm núm đến xin nài Tần Chung và Bảo Ngọc. Trước hai người không bằng lòng. Sau Bảo Ngọc nói:
Bắt Kim Vinh đến tạ lỗi thì sẽ thôi không về trình nữa!

Lúc đầu Kim Vinh không chịu, sau Giả Thụy bắt buộc nó phải xin lỗi, Lý Quí cũng

khuyên bảo:

Việc này do anh gây ra đầu tiên, nếu không chịu thế, thì bao giờ xong chuyện. Kim Vinh bị ép quá, đành phải vái Tần Chung một vái.
Nhưng Bảo Ngọc không nghe, bắt phải lạy. Giả Thụy chỉ muốn cho yên chuyện nên lại khẽ bảo Kim Vinh:
Tục ngữ có câu: “Dù tội giết người cũng đến rập đầu xin lỗi là cùng”. Mày đã gây chuyện thì phải cố nhịn đi, đến rập đầu cho xong chuyện.
Kim Vinh không làm thế nào được đành phải đến lạy Tần Chung.

————————

(1). Chữ trong kinh Thi: Du du lộc minh, thực dã chi bình. Lý Quí không biết đọc sai nên mọi người mới cười.
(2). Long Dương quân: một bầy tôi rất được yêu đương của vua nước Ngụy đời Chiến quốc. Về sau dùng điển này chỉ cái bệnh thích con trai hơn con gái.
(3). Cũng như nói: học ngày đực ngày cái.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer