NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 2 – Chương 8 – Phần 2

Tác giả: Trần Vǎn Đức
Chọn tập
Ads Top

5. Lỗ Túc cho mượn Giang Lăng, Tôn – Lưu trở lại liên hợp.

Sự ra đi của Chu Du đối với Lưu Bị và Gia Cát Lượng mà nói, lại đem đến một sự thỏai mái. Chẳng những áp lực của Giang Lăng ít đi, mà Tôn Quyền cũng không nhắc nhở đến chuyện Ích Châu nữa.

Lỗ Túc lên kế nhiệm, nhờ được Chu Du tiến cử, ông ta kiên trì nguyên tắc liên hợp Tôn – Lưu để chống Tào Tháo, càng tích cực theo đuổi chủ trương cho Lưu Bị mượn Giang Lăng, để Lưu Bị phụ trách nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến phía tây.

Đã dùng người phải tin ở người, Tôn Quyền cũng mau chóng phê chuẩn đề nghị ấy, Lỗ Túc bèn đưa quân đoàn Giang Lăng mà Chu Du thống lĩnh dời về phía đông đóng ở Lục Khẩu, Lưu Bị thì dời trụ sở từ Công An về Giang Lăng. Lại bổ nhiệm Quan Vũ làm Đãng khấu tướng quân, Thái thú Tương Dương đóng đồn ở Giang Bắc, Trương Phi thì làm Chinh lỗ tướng quân, kiêm thức Thái thú Nam quận. Nhiệm vụ của giai đoạn một trong Long Trung Sách, có được Kinh Châu, đến nay đã hoàn toàn đoạt được.

Kinh Châu vào cuối đời Đông Hán gồm có bảy quận: Nam Dương, Nam Quận, Giang Hạ, Võ Lăng, Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng. Tào Tháo khi triệt thóai ở Kinh Châu, thực ra vẫn còn dinh sở ở Tương Dương thành, đấy là một vị trí rất quan trọng ở phía bắc Kinh Châu, thuộc quận Nam Dương. Tôn Quyền thì chiếm được quận Giang Hạ và phía đông Nam Quận. Ngoài ra Lưu Bị sớm đã nhân khi rối loạn bởi trận đánh Xích Bích, tranh thủ thời cơ chiếm được bôn quận kia và một phần Nam Quận. Bởi thế việc “Mượn Kinh Châu” mà Lỗ Túc đưa ra, kỳ thực chỉ là việc đem Giang Lăng một vị trí quan trọng về quân sự nằm giữa Nam Quận, chuyển giao cho Lưu Bị trấn thủ mà thôi.

Trình Phổ nguyên là Thái thú Nam Quận của Đông Ngô được điều động về làm Thái thú Giang Hạ; Lỗ Túc thì đảm đương Đô đốc phòng vệ tuyến phía tây, phụ trách chỉ huy ở Lục Khẩu.

Giao Giang Lăng cho Lưu Bị cai quản, thực ra là “dưỡng hổ chi họa”, song đứng trước sự uy hiếp lớn của Tào Tháo; phòng tuyến Hợp Phì ở phía đông vẫn thường bị đe dọa; nếu Giang Lăng vẫn để Đông Ngô phòng thủ, áp lực thực tế rất to lớn. Huống chi quân Tào Nhân, Tào Hồng đang ở Tương Dương vẫn có ý nhòm ngó. Chẳng bằng để Lưu Bị trực tiếp đối đầu với quân Tào, Đông Ngô sẽ được yên tâm hơn.

Lịch sử ghi chép rằng, chuyện mượn Kinh Châu khi truyền đến phương bắc, Tào Tháo đang ngồi viết chữ, cây bút trong tay tuột rơi xuống đất. Sự liên hợp lại của Tôn – Lưu, đã khiến cho Tào Tháo không thể không thấy rằng, hùng tâm thống nhất Trung quốc năm nào của mình thực ra đã chết rồi. Với nhãn quan toàn cục mà nói đích xác rằng, Lỗ Túc có tài trí hơn Chu Du. Về phương diện trận mạc của Lưu Bị, sự khổ tâm xếp đặt tình hình của Lỗ Túc, người hiểu rõ nhất và cùng đồng cảm nhất chính là quân sư Gia Cát Lượng trẻ tuổi.

6. Ngọa Long, Phượng Sồ cùng vào Ích Châu.

Với Gia Cát Lượng mà nói chiếm được Kinh Châu chỉ mới là bước thứ nhất của kế hoạch mà ông đã đề ra với Lưu Bị, công việc tiếp theo còn quan trọng hơn là giai đoạn thứ hai của Long Trung Sách, mục tiêu là chiếm lĩnh Ích Châu và Hán Trung, xác định thế ba chân vạc, nắm được cánh cửa vào ra ở Hán Trung, tiến lên phía bắc phạt – Trung Nguyên, đấy là cơ sở rất quan trọng để tranh bá thiên hạ.

Lúc này Lưu Chương đang cai quản Ích Châu, là người về tài trí kém cỏi ai cũng thấy rõ. Bởi thế chính trị trong nước thì hắc ám, đặc quyền hoành hành, còn kẻ sĩ có tâm thì rất chi bất mãn trước việc ấy. Ví như “Tư trị thông giám” có chép, Quân nghị hiệp úy Pháp Chính có tài trí phi phàm, đầy đủ danh vọng, lại chẳng được Lưu Chương trọng dụng, rất bất mãn. Lại như biệt giá Trương Tùng, nói năng hợp lẽ ứng biến linh hoạt, đáng kể là bậc nhất lúc ấy, cũng không được Lưu Chương trọng dụng, vẫn thường bất mãn than thở một mình. Đúng như Gia Cát Lượng trong “Long Trung Sách” đã nói, khắp vùng Ích Châu ở trong tình thế bất ổn, “Kẻ sĩ thức thời mong ngóng gặp được minh quân”, tính hợp pháp của chính quyền Lưu Chương đã lâm vào tình thế nghiêm trọng.

Miếng mồi béo bở như vậy tự nhiên không chỉ có Gia Cát Lượng dòm ngó mà thôi, Tôn Quyền sớm đã có nhiều ham muốn, mà Tào Tháo cũng chẳng vô tâm. Sau khi thất bại ở trận Xích Bích, Tào Tháo vẫn để đội quân tinh nhuệ của Tào Nhân, Tào Hồng trấn giữ Tương Dương và Phàn Thành, hơn nữa còn tự mình dẫn quân ra Quan Trung, thanh trừ quân Mã Siêu và Hàn Toại, mục đích là khống chế được cánh cửa vào ra Hán Trung và Ích Châu. Đúng như Tôn Quyền đã nói: “Tào Tháo chiếm được đất Thục thì Kinh Châu ắt bị nguy hiểm!”.

Tình thế ấy rõ ràng khiến người ta không thể yên tâm, bởi thế không ít lão thần ở Kinh Châu khuyên Lưu Bị tiếp thu đề nghị của Tôn Quyền, cùng vào Thục, chặn đứng mưu đồ của Tào Tháo. Quan chủ bạ An Quan kịch liệt phản đối, ông ta cho rằng như vậy thực rất nguy hiểm – “Nếu bị Đông Ngô tiến đánh, tiến chưa thể chiếm được Thục, thóai thì vướng phải quân Ngô lấn chiếm, sợ đại sự hỏng mất!”.

Với Gia Cát Lượng mà nói, trong lòng cũng mâu thuẫn không thôi; liên hợp Tôn – Lưu chống lại Tào Tháo, vẫn được xem là quốc sách cơ bản quan trọng nhất; song Ích Châu là đất cơ sở sáng nghiệp không thể chia phần cho người khác. Bởi thế đương khi Tôn Quyền đề nghị cùng thu lấy Ích Châu, Gia Cát Lượng đã khuyên Lưu Bị lấy thái độ nghiêm chỉnh mà khéo léo cự tuyệt, song khi nào mới có thể nghiêm chỉnh mà chiếm được Thục, lại không đắc tội với Tôn Quyền, có thể tin rằng Gia Cát Lượng đã rất đau đầu.

Lúc này, trước mắt Lưu Bị, đã xuất hiện một nhân vật khiến Gia Cát Lượng và Lưu Bị yên tâm mà tích cực chuẩn bị tiến vào đất Thục; người ấy khi ở Nam Dương, cùng với Ngọa Long Gia Cát Lượng đã nổi danh là “Phượng Sồ” Bàng Thống.

Bàng Thống tên chữ là Sĩ Nguyên, người Tương Dương, ông ta là cháu của đại lão Bàng Đức Công, một người ở phái Thảo dã. Trong mắt của “Thủy kính tiên sinh” Tư Mã Huy, tài hoa của Bàng Thống gần được như Gia Cát Lượng. Song nói về cá tính, phong cách của hai người lại rất khác nhau.

Gia Cát Lượng cao lớn anh tuấn, là người cẩn thận, cá tính tuy cao ngạo song bề ngoài vẫn khiêm tốn có lễ độ, giữ đúng chừng mực. Bàng Thống trái lại hình dong thấp lùn thô tục, cá tính thì hào phóng, không chịu ràng buộc, thường làm những việc không đáng làm, khiến người ta rất khó hiểu.

Khi còn trẻ Bàng Thống đã vẻ “đại trí như ngu”, nếu chỉ nhìn bề ngoài chẳng thấy có gì đặc biệt, chỉ có Dĩnh Châu danh sĩ Tư Mã Huy thấy rõ biệt tài; Bàng Thống với cung cách cơ hồ cuồng vọng lại rất được Tư Mã Huy kính trọng đặc biệt. Đương khi chiến loạn thời Hán mạt tràn đến Dĩnh Châu danh sĩ Bàng Đức Công mấy lần mời mọc Tư Mã Huy tạm lánh về Nam Dương, song Tư Mã Huy lại đang vướng mắc vào việc nhà chưa thể rứt ra được, vẫn còn do dự. Bàng Thống trẻ tuổi đã không ngại đường xa nghìn dặm, mấy lần tìm đến Dự Châu, bái kiến Tư Mã Huy. Tư Mã Huy cũng không để ý ở bên ngoài, vẫn lúi húi hái dâu, Bàng Thống thì ngồi ở dưói gốc cây mà nói chuyện huyên thuyên với ông ta, thường từ sáng sớm đến tối mịt, tựa hồ nói mãi không hết đề tài; với người bạn trẻ mới hai mươi tuổi, học vấn uyên bác và giỏi nói năng, Tư Mã Huy cảm thấy kỳ lạ, khen ngợi là danh sĩ hàng đầu ở Nam Châu; cũng bởi thế danh tiếng của Bàng Thống rất được đề cao, được gọi là Phượng Sồ. Bàng Thống thường lười nhác, tư lự nhiều giờ, ít để ý đến việc thế tục, sau khi lớn lên, làm một chức quan nhỏ trông coi văn thư pháp lệnh ở Nam Quận, hàng ngày làm quấy quá cho xong việc. Chẳng qua, ông thích được diễn thuyết dài dòng, mỗi khi bàn luận thường bày tỏ những suy nghĩ đâu đâu vượt cả chức phận của mình, bởi thế thường bị người khác chế giễu, song Bàng Thống chẳng để ý chút nào, ông tự biện hộ rằng: “Nay thiên hạ đang đại loạn, đạo lý chân chính chẳng thấy đâu, người tốt thì ít, kẻ ác thì nhiều. Tôi muốn nêu tỏ đạo lý trước phong tục, để mọi ngươi cùng xem trọng mà theo, nên tự nhiên phải bàn đến những điều đặc biệt với người khác, nếu không phải người để tâm xem xét sẽ lĩnh hội được ít, tôi có kể đủ mười việc, giữa chừng có năm việc rơi rụng, song nhìn chung còn được một nửa, đủ để đề cao giáo hóa xã hội, khiến kẻ có chí được khích lệ, chẳng phải là việc rất nên ư?”

Chu Du khi đang làm Thái thú Nam quận, cũng xem trọng Bàng Thống, bổ nhiệm làm bí thư cơ yếu. Bởi thế khi Chu Du từ trần, chính Bàng Thống đã hộ tống linh cữu về Giang Đông.

Các danh sĩ ở Giang Đông như Lục Tích, Cố Thiệu, Toàn Tông sớm nghe danh tiếng Bàng Thống, đều thường đến “hội xương công quán” của Bàng Thống, để cùng nhau bàn luận.

Bàng Thống sau khi nói chuyện với họ bày tỏ rằng: “Lục tiên sinh giống như con kiêu mã, cá tính phiêu lãng, chí ở nghìn năm. Cố tiên sinh chẳng khác gì con trâu mộng kéo xe nặng mà đi xa vậy. Với Toàn Tông thì bảo, tiên sinh có cá tính chuẩn mực, là người biết trọng danh tiếng, có thể ví với Phàn Tử Chiêu ở Nhữ Nam, có điều trí lực không nhiều, song cũng đáng kể là người có danh một thời!”.

Tuy ăn nói có hơi mất lòng, song Bàng Thống thường biểu hiện là người chân thành, bởi thế dẫu chỉ việc nhỏ cũng dễ nổi cáu. Lục Tích và Cố Thiệu cùng nói trêu rằng: “Luận điểm của tiên sinh thật có hứng thú, nếu như thiên hạ thái bình, bọn chúng tôi xin theo tiên sinh đến gặp danh sĩ bốn biển để cùng bàn luận”.

Cũng có kẻ giúp việc nói với Bàng Thống rằng: “So với tiên sinh, Lục Tích xem chừng giỏi giang hơn”. Bàng Thống chỉ cười mà nói rằng: “Kiêu mã tuy kiêu ngạo song chí hướng của hắn, chỉ đủ dùng cho một mình, trâu mộng một ngày đi được ba trăm dặm, song ông ta không chỉ nghĩ đến một mình mà thôi”. Cố Thiệu đêm đến ngủ lại ở chỗ Bàng Thống, thỉnh giáo Bàng Thống rằng: “Tiên sinh biết xem tướng người, xin cho hỏi trong hai chúng tôi ai sẽ thành đạt hơn?”. Bàng Thống thản nhiên nói rằng: “Khuôn mẫu thế tục, kén chọn nhân tài, khảo sát thành tích, tôi không bằng tiên sinh; song nói đến kế sách nghị luận về đế, vương, vạch vẽ kế hoạch cho một chỉnh thể chính trị thì tôi hơn hẳn tiên sinh”.

Cố Thiệu nghe vậy rất đỗi khâm phục, từ đấy càng gần gũi với Bàng Thống.

Lỗ Túc tuy có ý trọng dụng Bàng Thống, tiến cử ông ta với Chu Du song Tôn Quyền trẻ tuổi lại rất không ưa sự thô tục và đại ngôn của Bàng Thống. Bàng Thống muốn trở về quê hương, đúng lúc Gia Cát Lượng đến viếng tang Chu Du, Lỗ Túc bèn đưa việc Bàng Thống ra trao đổi với ông ta; Gia Cát Lượng gặp được người bạn năm xưa đương nhiên rất đỗi vui mừng, song còn đang thực hiện công vụ, phải cùng với Lỗ Túc thảo luận tiếp về việc hợp tác Tôn – Lưu, bèn viết một lá thư tiến cử mời Bàng Thống sớm đến Giang Lăng yết kiến Lưu Bị.

Bàng Thống gặp được Lưu Bị, chưa vội đưa lá thư giới thiệu của Gia Cát Lượng, chỉ nói là được Lỗ Túc giới thiệu. Lưu Bị thấy Bàng Thống cử chỉ thô lỗ trong bụng rất không ưa, song ngại Lỗ Túc phàn nàn, bèn bổ nhiệm làm tòng sự, giữ chức huyện lệnh Lai Dương. Song Bàng Thống đến huyện đường, lại thích ăn uống mà lười làm việc, suốt ngày không mó tay vào công việc, mau chóng bị Lưu Bị bãi miễn quan chức. Lỗ Túc nghe việc ấy, lập tức cho người mang thư đến, vội vàng thưa với Lưu Bị rằng “Bàng Sĩ Nguyên chẳng phải là người chỉ có tài mọn, hãy nên dùng ở bên mình, bổ nhiệm cho ông ta chức Trị trung hoặc Biệt giá mới phát huy được hết tài năng lớn lao”. Lúc ấy, Gia Cát Lượng mới từ Giang Lăng trở về, nghe được chuyện của Bàng Thống lập tức trịnh trọng tiến cử với Lưu Bị. Lưu Bị từ lâu đã nghe Tư Mã Huy nói về Ngọa Long Phượng Sồ, giờ lại có lời đề nghị của Lỗ Túc và Gia Cát Lượng, nên Lưu Bị cũng đành tin theo. Ông ta cùng Bàng Thống trao đổi ý kiến về nhiều việc cụ thể, mới biết rằng Bàng Thống đích xác có tài nghìn dặm, cũng cảm thấy ân hận vô cùng, bèn bổ nhiệm Bàng Thống làm Tri trung tòng sự, trong công việc tham mưu sách hoạch, địa vị cũng gần như Gia Cát Lượng, không lâu lại được Gia Cát Lượng sắp xếp lại, với Gia Cát Lượng cùng làm Quân sư trung lang tướng.

Bàng Thống đề nghị với Lưu Bị rằng: “Kinh Châu đã trải qua chiến tranh mấy năm, tình cảnh hoang tàn, nhân tài tan tác các nơi, ở phía đông có Tôn Quyền, ở phía bắc có Tào Tháo; thiết nghĩ muốn dựa vào vùng đất này với Tôn Quyền và Tào Tháo tạo lập thế ba chân vạc là rất không thể được. Nay Ích Châu quốc phú dân cường, hộ khẩu có đến trăm vạn hộ, binh đông lương đủ, khá nên mau chóng tranh đoạt lấy để ổn định đại kế hoạch”.

Lưu Bị vẫn ngần ngại nói rằng: “Đối với lập trường của chúng ta mà nói, kẻ địch không dung hoànhư nước với lửa vẫn là Tào Tháo. Tào Tháo xem trọng việc chiếm lợi ích, nói đến hiệu quả thiết thực, bởi thế ta cần đặc biệt biểu thiện sự khoan hòa . Tào Tháo xem trọng cường quyền, ta thì thiên về nhân ái; Tào Tháo ăn nói quỷ quyệt, ta thì nói năng trung thực; ta phải tạo ra một hình tượng bất đồng với Tào Tháo, để kiến lập sự nghiệp của mình. Nếu trong việc chinh phạt Ích Châu lần này lại phải gánh lấy sự phản bội với Tôn Quyền và Lưu Chương, sẽ thất tín với thiên hạ, đấy là việc mà ta chẳng muốn làm vậy!”.

Bàng Thống lại cười mà nói: “Bậc quốc quân đối với đại sự cần phải quyền biến, chẳng thể hạn chế bởi quan điểm của mình, thôn tính nơi nhược tiểu, chiếm lấy nước vô đạo, kể như công nghiệp của Ngũ Bá thời Xuân Thu cũng vậy. Chỉ cần sau khi đoạt được đất nước, với nhân dân thì thi hành nhân đức, lại cấp đất cho Lưu Chương để ông ta có thể sinh sống, đấy chẳng phải là thất tín với thiên hạ; nay không nhân cơ hội này mà đoạt lấy, nếu Tào Tháo và Tôn Quyền cùng kéo đến tranh đoạt thì có hối cũng muộn vậy!”.

Lưu Bị cũng yên tâm được một mặt, khi tự mình dẫn quân vào Ích Châu, phía bắc có Tào Tháo, phía đông cóTôn Quyền, khó bề phòng bị hữu hiệu; nay tự nhiên có được một tham mưu ưu tú, có thể hai đầu cùng tiến, khỏi phải lo lắng về sắp xếp kế hoạch cả hai phía Kinh Châu và Ích Châu.

Lời bình của Trần Văn Đức

“Tam lược” và “Lục thao”, cùng được công nhận là hai bộ binh pháp truyền thống giàu có trí tuệ của Trung Quốc. “Lục thao” theo truyền thuyết là tác phẩm của khai quốc nguyên huân Khương Tử Nha đời nhà Chu, “Tam lược” thì càng giàu sắc thái thần bí, theo truyền thuyết thì Hoàng Thạch Công đã truyền cho Trương Lương cuốn Thái công binh pháp. Theo khảo cứu thực tế hai cuốn sách này đều do người đời sau làm ra, đương nhiên chẳng phải vì thế mà nó không có giá trị, trái lại những tác phẩm kiểu ấy thường là sáng tác tập thể của nhiều người, thậm chí trong đó có thể có không ít trước tác của Khương Thái Công và Trương Lương, hoặc là những lời nói việc làm còn ghi lại được. Ở Nhật Bản đạo sĩ Cát Điền Tùng Ấm cho rằng, Lục thao và Tam lược giàu trí tuệ hơn binh pháp Tôn Tử. Còn nhà binh pháp Tiểu Phan Cảnh Hiến đối với tinh thần của hai cuốn binh pháp này, cũng rất tôn sùng.

Đặc biệt là Tam lược, đã trực tiếp đề cập sách lược lấy nhu khắc cương, lấy nhược khắc cường. Nó nhắc đến câu sấm ngôn trong binh pháp Thái Công: “Nhu có thể chế cương, nhược có thể chế cường”. Tiếp đó lại thuyết minh rõ rằng: “Bởi vì nhu là loại đức tính, dễ bao dung người khác, cũng dễ được người ta chấp nhận. Cương là loại nguy hiểm dễ sát thương người khác cũng thường bởi thế mà bị người ta trừ hại. Kẻ nhược tiểu dễ được sự đồng tình và giúp đỡ của người khác, kẻ hùng cường thường bị sự tấn công từ bốn phía”.

Song kẻ nhu nhược dễ bị khinh rẻ, nhu nhược dễ dẫn đến hủy diệt; bởi thế trong nhu vẫn nên có cương, từ nhược ắt nên chuyển thành cường thịnh, kiêm đủ bốn yếu tố ấy tùy thời thế mà vận dụng thích hợp ắt sẽ lên được.

Cương nhu tinh tế, cường nhược hỗ tương, hành động biến hóa tự do, không dễ nắm bắt, cũng như sự biến hóa vô thủy vô chung của đại tự nhiên, là chỗ mà trí tuệ của nhiều người còn chưa dễ thấu hiểu được.

Phép dùng binh cần phải linh hoạt, không câu nệ hình thức cố định, dập khuôn theo hình thế trước đó mà phải tùy cơ ứng biến căn cứ vào hành động của kẻ địch, vận dụng đối sách thích hợp; có một quân đội như thế, mới có thể xưng bá thiên hạ, thành ra bậc đế vương ở đời.

Cho nên có thể nói: “Năng nhu năng cương, quốc gia ắt sẽ ngày mỗi thêm uy tín, năng nhược năng cường thì quốc gia ắt sẽ có thế lực hùng mạnh; thuần nhu thuần nhược thì quốc gia ắt sẽ bị xâm lược; thuần cương thuần cường thì quốc gia dễ bị suy vong”.

Khi xảy ra trận Xích Bích, có thể nói Lưu Bị đang ở thời kỳ thuần nhu thuần nhược, dẫu nói rằng Tôn – Lưu liên quan, thực ra quyền chủ đạo tác chiến đều ở phía quân Tôn Quyền. Dẫu nói rằng quân Lưu Bị phối hợp công kích trên mặt đất, quân Lưu Kỳ giữ Nam Ngạn tạo ra phòng tuyến phía sau của liên quân, thực ra chỉ là ngồi yên trên ghế mà thôi, ví như có đánh thắng, cũng chẳng được phân chia quyền lợi gì đáng kể. Gia Cát Lượng trẻ tuổi mà bình tĩnh sớm nhìn ra điều ấy, bởi vậy ông khuyên Lưu Bị ngoài mặt thì phục tùng, trong bụng lại nhân cơ hội Chu Du và Tào Nhân đánh nhau ác liệt ở Giang Lăng ngầm phái quân đánh lấy bốn quận, đấy là một thế cục cương nhu phối hợp khiến cho ở vào thời khắc then chốt của sự nguy hiểm lại có địa bàn thực của mình.

Không ít người cho rằng, đã giành được bốn quận nam Kinh Châu cũng nên cắt hoàn toàn Nam Quận, để cho Tôn Quyền và Chu Du một chút đường mật, song Lưu Bị và Gia Cát Lượng không nghĩ như vậy, Nam Quận nếu như hoàn toàn rơi vào tay Đông Ngô, con đường thông với phía bắc của Lưu Bị hoàn toàn bị cắt đứt. Đến lúc ấy, đành phải chết già ở phía nam mà thôi. Bởi thế Lưu Bị phải quyết tâm phát huy chiến thuật một cách mềm dẻo khi thì hỏi mượn, khi thì ép đánh đã đưa lực lượng của mình về đóng đồn ở Công An để Chu Du trấn giữ ở Giang Lăng; sau lưng đều có quân đội các phe phái, bản thân bị vây chặt, trách chi Chu Du chẳng lập tức trở thành lãnh tụ phái Diều Hâu để đối đáp với Lưu Bị.

Ở trong giai đoạn tranh đoạt Kinh Châu ngày, Lưu Bị đã không còn là kẻ thuần nhu thuần nhược, song ông ta vẫn hiểu được phải biểu thị tư thế thấp kém thích hợp, tự mình mạo hiểm thâm nhập vào Đông Ngô, với Tôn Quyền cùng trao đổi về sự hợp tác cần thiết. Ông ta đã vận dụng thỏa đáng thông minh sự giúp đỡ của Lỗ Túc, rất có bài bản, khiến cho Tôn Quyền không thể không lựa chọn chiến lược của Lỗ Túc là liên hợp với Lưu Bị khống chế Tào Tháo, tiếp tục giữ thái độ hợp tác với Lưu Bị.

Nhìn lại từ đầu, Lưu Bị tuy là nhà chiến thuật không mấy sai lầm song vẫn đứng ngoài một chiến lược mang tính toàn cục, bởi thế ở giai đoạn này, biểu hiện khác lạ “lấy nhu khắc cương, lấy nhược khắc cường” chính là công lao của quân sư Gia Cát Lượng trẻ tuổi.

TRẦN VĂN ĐỨC

Phụ chương: QUAN ĐIỂM THỰC DỤNG

Quy hoạch sách lược bắt đầu từ số không.

Cổ nhân nói rằng: “Sáng nghiệp rất khó, thủ thành không dễ”. Thực ra sáng nghiệp so với thủ thành còn khó hơn nhiều.

Cái khó lớn nhất của sự sáng nghiệp là thiếu phương hướng và chuẩn bị, thiếu phương hướng chẳng thể tập trung và tích lũy lực lượng, thiếu chuẩn bị sẽ chẳng thể bước qua thời kỳ vấp ngã, là “giai đoạn đầu tư”, nếu muốn làm tốt công việc của hai mặt này, rất cần phải vạch được sách lược.

Trước khi có được sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng, biểu hiện của Lưu Bị trong thời kỳ sáng nghiệp xem ra cũng không có sai lầm gì lớn, ông ta rất hiểu được việc nắm bắt cơ hội, năng lực ứng biến cũng không tồi, hơn nữa rất có nguyên tắc, chấp nhận gian khổ, giữ được tín nghĩa. Tuy mấy lần trồi lên tụt xuống, kẻ anh hùng có tiếng vẫn không có đất dừng chân. Chẳng qua thời vận không giúp, tuy từng có một vùng giang sơn ở Từ Châu, là một ông chủ đàng hoàng, lại vẫn giữ không được, thành một kẻ lưu lạc giang hồ, đến ông ta tự mình đã cân nhắc cũng không sao hiểu được vì đâu lại suy như thế.

Tư Mã Huy sau khi bắt mạch cho sự nghiệp của Lưu Bị, đã chân thành chỉ ra thiếu sót lớn nhất trong trận tuyến của Lưu Bị chính là một con người tuấn kiệt thức thời, một nhà hoạch định sách lược chưa thấy xuất hiện.

“Hoạch định sách lược” (Strategic Plans) là danh từ lưu hành từ năm 1980 trong giới quản lý xí nghiệp phương Tây, thời đại Gia Cát Lượng tất nhiên chưa nghe nói đến, song nhìn suốt công việc một đời Gia Cát Lượng có thể nói chắc rằng ông là một nhà hoạch định sách lược tài năng.

“Trò chơi thương trường” (Businees Wargames) là một cuốn sách của tiến sĩ James có định nghĩa về sách lược như sau:

“Sách lược là một đối sách liên quan dùng để giải quyết vấn đề, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh có tính xung đột. Bởi thế sách lược ắt phải có các điều kiện cần thiết của kế hoạch, để đạt được mục đích, hơn nữa giành được ưu thế cạnh tranh”.

James lại đem hoạch định sách lược chia thành mấy hình thái sau:

1. Sách lược tuần tự: bao quát mấy bước tuần tự liên hoàn dựa theo những bước ấy mà mục tiêu cuối cùng được thực hiện một cách có kế hoạch.

2. Sách lược tích lũy: tập kết các chủng loại sẽ sử dụng được, song lại được sắp xếp theo kế hoạch, để tạo thành một hiệu quả khiến người ta không ngờ được.

3. Sách lược gián tiếp: chẳng cần phải đối kháng trực tiếp mà là dùng tâm lý chiến khiến đối phương phải khuất phục.

4. Sách lược trực tiếp: trực tiếp có hành động phụ giúp cho mục tiêu được thực hiện mau chóng.

5. Sách lược liên hợp: kết hợp các chiến hữu cùng có mục tiêu cùng có hành động chung đối đầu với kẻ địch.

6. Sách lược phản kích: tập trung lực lượng để bẻ gẫy hoặc làm tê liệt một số lực lượng kẻ địch, để ngăn cản kẻ địch đạt được mục đích cuối cùng.

7. Sách lược hóa giải: phá hoại hoặc làm hỏng thiết bị của kẻ địch để giảm thấp năng lực tác chiến của kẻ địch.

Gia Cát Lượng sau khi tiếp thu nhiệm vụ, việc hoạch định sách lược của mình đích xác đã phù hợp với những nguyên tắc trên.

Đương nhiên khó khăn lớn nhất chính là phải bắt đầu thế nào từ số không, Long Trung Sách đề ra sách lược tuần tự. Đầu tiên lợi dụng cơ hội về “lâu đài gần nước”, chiếm lấy Kinh Châu, lấy đó làm cơ sở sự nghiệp, lại nhân cơ hội mà tây tiến sang Ích Châu, đoạt lấy Hán Trung. Ở hướng đông liên hợp với chính quyền họ Tôn, cùng đối đầu với Tào Tháo ở phương bắc. Đợi đến khi thời cục có biến, sẽ chọn một viên thượng tướng dẫn quân Kinh Châu từ Tương Dương đánh lên phía bắc, còn Lưu Bị tự mình dẫn đại quân Ích Châu, ra khỏi Tần Xuyên, hai bên cùng giáp kích vào khu Tư Lệ, chỉ cần chiếm được Tràng An và Lạc Dương, thì việc phục hưng nhà Hán chỉ là vấn đề ngày giờ. Do thực lực của Lưu Bị rất yếu, Long Trung Sách không đưa ra được phương pháp bổ trợ cụ thể nào, song bước đi trong sự phát triến sự nghiệp của Lưu Bị mà mục tiêu từng giai đoạn, ít ra cũng đã kể được rõ ràng.

Để làm cho thực lực của Lưu Bị mạnh lên, Gia Cát Lượng đã vận dụng sách lược tích lũy, ông sớm đề nghị với Lưu Bị sắp xếp lại dân di cư, xây dựng lực lượng cơ bản. Với tình thế Kinh Châu lúc ấy đã lợi dụng được một cách hữu hiệu, làm tăng thêm danh tiếng của Lưu Bị ở Kinh Châu.

Lưu Bị tuy có danh tiếng ở các nơi, song ông không có chỗ dựa ở chính Kinh Châu, kể như khi Lưu Biểu từ trần nói gì cũng không đến được Lưu Bị, dùng võ lực mà cưỡng đoạt lấy, lại trái với nguyên tắc xử thế mà Lưu Bị vẫn theo đuổi, gắn bó với những ngày dựng nghiệp gian khổ.

Gia Cát Lượng đã lợi dụng đầy đủ tình thế Tào Tháo với bất cứ lúc nào cũng có thể xâm lược miền Nam, để tích lũy điều kiện cho Lưu Bị. Trong thành Tương Dương ở Kinh Châu lực lượng của phái thân Tào rất lớn, nếu như chẳng phải là Lưu Biểu ở đấy đã có thái độ từ lâu thân Viên phản Tào, thì tình hình chính trị ở Kinh Châu sớm đã đảo lộn. Song về phía quân đội thì đa số vẫn cảnh giác trước Tào Tháo, các quan tướng của phái thân Tào cũng không dễ hiểu, đặc biệt là sau khi lão tướng Hoàng Tổ vẫn chống lại Tào Tháo phải bỏ mình giữa trận, những người lãnh đạo có xu hướng phản Tào chỉ còn có Lưu Biểu đang lâm trọng bệnh và công tử Lưu Kỳ nhu nhược lắm bệnh tật mà thôi.

Gia Cát Lượng nhìn thấy phái phản Tào ở Kinh Châu như rắn không đầu, bèn có ý nhắc Lưu Bị lôi kéo Lưu Kỳ, để Lưu Kỳ làm vây cánh cho mình. Lập trường này, khiến Lưu Bị trở thành chỗ dựa của dân Kinh Châu, thành người lãnh đạo phía sau của trận tuyến phản Tào. Bởi thế sau khi Lưu Biểu từ trần, Lưu Kỳ còn ở mãi Giang Hạ ở phía Nam, Lưu Bị đã lập tức đứng ra bảo vệ cho dân Kinh Châu. Từ Tương Dương đến Đương Dương, Lưu Bị tuy bị đánh tan tác, suýt nữa thì nguy đến tính mệnh, song với khí thế mười vạn dân đi theo mà xem, Lưu Bị với tinh thần là trung tâm của dân Kinh Châu đã chính thức thành ra người kế nhiệm của Lưu Biểu.

Danh tiếng và địa vị cố nhiên đã được xây dựng, song đối diện với quân nam chinh của Tào Tháo, trận tuyến của Lưu Bị cũng đã đến ngưỡng cửa của sự tồn vong nguy cấp. Gia Cát Lượng lập tức vận dụng sách lược liên hợp, ông ta đã chuẩn xác tìm ra được những chiến hữu như Lỗ Túc, Chu Du và Tôn Quyền, cuối cùng đã tạo ra được một chiến dịch rất quan trọng trong lịch sử Trung quốc, đó là đại chiến Xích Bích.

Tuy chẳng phải do Gia Cát Lượng chủ đạo, song sách lược chủ yếu Tôn – Lưu liên hợp, đã tập trung lực lượng tác chiến để phản kích có trọng điểm, quả nhiên một trận phản công đã đánh tan thủy quân của Tào Tháo bẻ gãy tinh thần binh sĩ của Tào Tháo, bức Tào Tháo không thể thực hiện cuộc đại triệt thóai chiến lược suốt năm trămcdặm, cũng định ra được thế Tam quốc ba chân vạc sau này.

Lúc ấy Gia Cát Lượng có thành công lớn nhất là sách lược chiếm lấy bốn quận nam Kinh Châu; đấy hiển nhiên là một phần của sách lược tích lũy, trong lúc nguy cơ rốt cục cũng đã tóm được cơ hội chuyển biến. Tuy sách lược này chẳng được quang minh chính đại, song với một tập đoàn nhược tiểu mà nói, nếu như chẳng tóm được cơ hội này, sẽ có thể đổ vỡ hết những gì đã có được, không tránh khỏi dẫn đến ngõ cụt bất ngờ.

Ở giai đoạn này, sự hoạch định sách lược của Gia Cát Lượng, có thể nói là táo bạo, hơn nữa lại rất thành công.

TRẦN VĂN ĐỨC

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer