NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Hồi 6 – Chương 21 – Phần 1

Tác giả: Trần Vǎn Đức
Chọn tập
Ads Top

Sự kiện bảy lần bắt Mạnh Hoạch, chủ yếu phát sinh từ dã sử của vùng Nam Trung, lịch sử tuy có chép việc bắt rồi lại thả, song đích xác mấy lần thì không nói rõ. Hoa dương quốc chí tuy có chép rõ bảy lần bắt bảy lần thả, song thời gian và địa điểm hoàn toàn không ghi chép.

1. Bản đồ chỉ vẽ việc bình Man.

Sự kiện phản loạn ở Nam Trung về cơ bản đã biến đổi không khí hòa hoãn, bởi Thái thú ở quận Vĩnh Xương là Vương Kháng và Công tào Lã Khởi quyết chí cố thủ Vĩnh Xương khiến quân làm phản chẳng thể cuốn chiếu khắp vùng Nam Trung, cũng khiến hành động quân sự phản kích sau này của quân Thục Hán triển khai được thuận lợi.

Đặc biệt là Lã Khởi, trước tình hình quân Nam Man do Ung Khải chỉ huy chống lại triều đình, đã soạn ra bản đồ chỉ vẽ bình Man, trình lên Gia Cát Lượng để tham khảo. Trong đó địa hình vùng Nam Trung, khí tượng, phong tục tập quán, cùng binh khí và phương pháp tác chiến của Nam Man đều được phân tích và thuyết minh tường tận.

Gia Cát Lượng sau khi xem xong, rất cảm kích, lấy bản đồ chỉ vẽ bình Man để chỉ đạo diễn tập cho quân nam chinh. Cũng có thể là bản đồ rõ ràng đã biết mình biết người, Gia Cát Lượng mới có thể bảy lần bắt sống Mạnh Hoạch dễ dàng, đạt được sự chiến thắng toàn diện.

Song tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa căn cứ vào những dã sử địa phương, theo ghi chép ít nhiều của chính sử, lại thêm sức tưởng tượng phong phú của nhà viết tiểu thuyết, với hơn bốn vạn chữ, đã miêu tả hết sức lâm li toàn bộ đầu đuôi về bảy lần bắt Mạnh Hoạch. Trong đó đại bộ phận đều là vùng Điền Tây do Lã Khởi và Vương Kháng cai quản, chính sử đều không ghi chép Gia Cát Lượng có dẫn quân đến đấy. Có những bất đồng rất lớn với chính sử, cũng có những sai biệt rất lớn trong việc sắp xếp quân nam chinh, đặc biệt là những nhân vật tác chiến chủ yếu.

Tháng 5 vượt sông Lô bình định Nam Trung, là sự kiện rất quan trọng trong đời sống của Gia Cát Lượng. Lại thêm tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa mà mọi người đều rất quen thuộc, tình tiết bên trong tuy rõ ràng không hợp lý, song trong dân gian Trung Quốc, lại vẫn được thừa nhận là một sự thực hiển nhiên. Bởi thế bút giả căn cứ theo dã sử, chỉnh lý lại có hệ thống những tình tiết Gia Cát Lượng nam chinh, có thể khiến chúng ta đối với cá tính và tài năng quân sự của Gia Cát Lượng, cùng với mức độ chân thực về sự nghiệp của Gia Cát Lượng đã nêu trong Tam quốc diễn nghĩa, có thể có được sự thấu hiểu và phán đóan chân thực.

2. Đội quân nam chinh trong tiểu thuyết với những ngôi sao sáng.

Tuy bởi lý do chính trị, Gia Cát Lượng không thể không dẫn quân nam chinh, song số quân không nhiều, quân chủ lực vẫn là Mã Trung và Lý Khôi chỉ phụ trách phía nam mà thôi. Để giữ thực lực đối phó với quân Tào ở phía bắc cùng Đông Ngô nửa như thù nửa như bạn, khiến quân chủ lực mà Gia Cát Lượng dẫn đi, binh lực cũng không quá lớn.

Song La Quán Trung chẳng nghĩ như thế, trong Tam quốc diễn nghĩa, đã thấy Gia Cát Lượng sắp xếp một “đội ngũ minh tinh” lớn chưa từng thấy.

Về lịch sử, bộ tham mưu chỉ huy động Dương Nghi mới được Gia Cát Lượng chú ý đến, song trong tiểu thuyết, lại bao gồm những người thân tín quan trọng của Gia Cát Lượng, bao gồm cả Tham quân Tưởng Uyển, Trưởng sử Phí Vỹ, Đổng Quyết và Phàn Kiến. Nếu quả thật như thế, người của phủ Thừa tướng đều phải nghỉ dài cả.

Sắp xếp quân sĩ vũ trang lại càng phức tạp, ví như Triệu Vân là tướng lĩnh hàng đầu trong đại quân, lúc này đang phụ trách phòng thủ phía đông, hổ tướng Ngụy Diên đứng đầu phái Thiên Tráng, lịch sử hiển nhiên ghi chép ông ta đang chăm chăm chú ý những manh động của Tào Ngụy ở phía bắc, song đều bị nhà tiểu thuyết sắp xếp vào quân chủ lực, trở thành hai vị đại tướng đáng nể.

Những tướng lĩnh xuất sắc thế hệ thứ hai của Thục Hán như Vương Bình, Trương Dực, Trương Nghi đều được biên chế vào đội ngũ tác chiến, lại đưa con trai Quan Vũ là Quan Sách làm nhiệm vụ chỉ huy quân tiên phong. Những thủ lĩnh quân nam chinh trong thực tế lịch sử như Lý Khôi và Đặng Trung, lại thành ra phó tướng.

Để biểu thị tài trí của Gia Cát Lượng, chiến dịch đầu tiên ở Nam Trung, tạo ra suy thóai của Cao Định và Ung Khải, ở trên đã thuật lại; song ở tiểu thuyết lại nói đấy là do lá thư của Gia Cát Lượng lừa gạt Chu Bao, tác động vào Cao Định và Ung Khải, trong đó còn đặc hiệt cường điệu Cao Định và Ung Khải vốn thân thiết, song Gia Cát Lượng lại tác động để Cao Định và Chu Bao giết Ung Khải, so với ghi chép của chính sử hiển nhiên có sai lạc rất lớn.

Về lịch sử trong chiến dịch bảy lần bắt sống Mạnh Hoạch quân Thục có binh lực mạnh mẽ áp đảo, nói về quân sự, các dân tộc thiểu số phía nam dứt khóat chẳng phải là đối thủ, Gia Cát Lượng thực sự quan tâm là vấn đề chính trị chứ không phải là quân sự.

Nhà tiểu thuyết muốn có những tình tiết hấp dẫn, đã cho Mạnh Hoạch tìm đến ba người bạn quan trọng; cũng là các động chủ của ba động Nam Man, đó là Kim Hoàn Tam Kết, Đổng Trà Na và A Hội Nam. Đối mặt với những tướng Man có yêu thuật này, lại là các đại tướng Thục Hán Triệu Vân và Ngụy Diên. Nghe nói khi chưa bắt được Mạnh Hoạch, Triệu Vân và Nguỵ Diên đánh bại được liên quân động chủ ba động Nam Man. Lại thêm trận mai phuc của Trương Nghi, Trương Dực, Mã Trung, Vương Bình mà Kim Hoàn Tam Kết bị giết, Đổng Trà Na và A Hội Nam bị bắt sống.

Song Gia Cát Lượng công khai nói rõ, đầu sỏ tội lỗi là Mạnh Hoạch, hai người bị bắt chỉ là bị sai khiến mà thôi, hạ lệnh lập tức phóng thích, trận đánh này là thông điệp dự báo trước về những trang tiểu thuyết viết về bảy lần bắt Mạnh Hoạch sắp diễn ra.

3. Một lần bắt một lần thả:

Trận đánh ở Cẩm Bình Sơn.

Cứ theo dã sử ghi chép, Gia Cát Lượng phán đóan Mạnh Hoạch sau thất bại trận đầu nhất định sẽ nghĩ cách phản kích lại quân Thục Hán, bởi thế ông hạ lệnh cho Vương Bình ở mặt chính diện đón đánh quân Mạnh Hoạch.

Vương Bình cố ý một mình ra khiêu chiến, chủ tướng của quân Mạnh Hoạch là Mang Nha Trường ra ứng chiến, Vương Bình giả vờ không đánh mà chạy, Mang Nha Trường lập tức đụổi theo. Mạnh Hoạch cũng nhân cơ hội mà truy kích, song chỉ qua một ngọn núi, bỗng phía trái có một đội quân xông ra chặn đánh hậu quân của Mạnh Hoạch, đồng thời Trương Dực, Trương Nghi từ hai phía cũng đổ ra đánh, Mạnh Hoạch bị đại bại phải chạy về vùng Cẩn Bình Sơn nương náu.

Vương Bình dẫn quân đuổi theo, không để cho Mạnh Hoạch có đường sống. Mạnh Hoạch đành dẫn quân vào sâu trong Cẩm Bình Sơn, chẳng ngờ Triệu Vân sớm đã mai phục ở đấy, Mạnh Hoạch không địch nổi, bị bắt tại trận.

Tuy các tham mưu xung quanh đề nghị Gia Cát Lượng giết Mạnh Hoạch, để dẹp yên giặc loạn; song Gia Cát Lượng muốn để người Nam tâm phục, vẫn phóng thích vô điều kiện cho Mạnh Hoạch.

Ghi chép về trận đánh này khiến người ta rất khó hiểu quân Nam Man thông thuộc địa hình địa lợi vùng Cẩm Bình Sơn, làm sao lại trúng phải kế mai phục của quân Thục là người không thông thuộc ở đấy, người hơi có thường thức quân sự, đã có thể thấy sự hư cấu ở trong đó.

4. Hai lần bắt hai lần thả.

Trận đánh ở vùng Lô Thủy cứ theo chính sử ghi chép, Gia Cát Lượng sau tháng 5 vượt sông Lô Thủy mới trực tiếp giao chiến với Mạnh Hoạch.

Song trong truyền thuyết dã sử, trận đánh lần thứ hai bắt Mạnh Hoạch lại xảy ra lúc đang vượt sông Lô Thủy.

Mạnh Hoạch được phóng thích, lại tập kết thủ lĩnh các động, rút về phòng tuyến mới xây dựng ở phía nam Lô Thủy. Kế hoạch tác chiến của ông ta là nếu quân Thục miễn cưỡng vượt sông Lô Thủy, ắt khiến cuộc chiến trở thành trường kỳ đối kháng, quân lính viễn chinh sẽ bị mỏi mệt, lại thêm không hợp thủy thổ, sức chiến đấu sẽ mau chóng giảm sút, Mạnh Hoạch sẽ nhân cơ hội này phát động mãnh liệt tấn công, như vậy có thể đánh bại được quân Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng sớm đã dự liệu đến tâm lý tác chiến của Mạnh Hoạch, bởi thế hạ lệnh cho toàn quân rời khỏi vùng Lô Thủy đến vùng có cây cối mát mẻ để tránh nắng, đối với sự khiêu chiến tích cực của Mạnh Hoạch, bề ngoài không có phản ứng gì.

Song Gia Cát Lượng vẫn ngầm lệnh cho Lã Khởi điều tra tường tận địa hình xung quanh. Lã Khởi đến hạ du sông Lô Thủy, tìm được một nơi gọi là Lưu Sa Khẩu, nước chảy từ từ, đáy sông khá nông, hơn nữa vùng giáp sơn bên kia sông chính là con đường chủ yếu mà kẻ địch vận chuyển lương thực. (Mạnh Hoạch rất rõ địa hình như thế, làm sao lại không hiểu con đường tải lương trọng yếu mà chọn ở địa hình bất lợi đến vậy, hiển nhiên là hư cấu của nhà viết tiểu thuyết).

Lúc ấy, đạo quân của Mã Đại (em Mã Siêu) đang phụ trách việc chi viện hậu cần, vận chuyển lương thực cho tiền tuyến, Gia Cát Lượng bèn hạ lệnh cho đội quân tinh nhuệ này vượt sông tập kích quân Mạnh Hoạch (ở chiến trường các đạo quân có trách nhiệm rõ ràng, Gia Cát Lượng điều động đội quân cần vụ chưa được chuẩn bị về tâm lý thành đội quân tiên phong. Thực ra là điều tối kỵ của binh gia, đây cũng là sự tưởng tượng của nhà viết tiểu thuyết).

Dã sử có chép, quân Mã Đại nhân đêm tối vượt qua Lưu Sa Khẩu, nhằm hướng Giáp Sơn tập kích, khiến đường tải lương của Mạnh Hoạch bị cắt đứt.

Mạnh Hoạch hạ lệnh cho Mang Nha Trường phản công ở Giáp Sơn, lại bị Mã Đại đánh bại, Mang Nha Trường bị giết tại trận.

Mạnh Hoạch lại lệnh cho đội quân của Đổng Trà Na thuộc đạo quân thứ hai, tiến đánh quân Mã Đại, bởi quân chủ lực của Gia Cát Lượng đã thừa thắng vượt qua Lô Thủy, Đổng Trà Na từng được Gia Cát Lượng ra ân phóng thích, không có bụng đối kháng bèn tự mình thu quân rút chạy.

Mạnh Hoạch thấy Đổng Trà Na làm trái quân lệnh, muốn đem chém, may mà thủ lĩnh của ông ta xin cho đổi thành xử tội đánh một trăm gậy, lại lệnh đóng cửa để sám hối. Đổng Trà Na sau khi chịu nhục, đối với Mạnh Hoạch lại càng bất mãn, đặc biệt là người ở tộc khác, cơ hồ đều chủ trương đầu hàng Gia Cát Lượng đế trả mối thù đã bị làm nhục. Đổng Trà Na bèn cầm đầu những người thân tín trong bộ lạc của mình và tập kích đại bản doanh của Mạnh Hoạch, lại bắt sống được Mạnh Hoạch.

Gia Cát Lượng tựa hồ sớm dự tính trong nội bộ Mạnh Hoạch sẽ có chuyện làm phản từ bên trong, cho nên vui vẻ tiếp đãi Đổng Trà Na đã bắt sống được Mạnh Hoạch đến đầu hàng.

Sau khi ban thưởng cùng vỗ về Đổng Trà Na, Gia Cát Lượng hỏi cảm tưởng của Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch nói bị người của mình làm hại bởi thế mà không chịu phục. Gia Cát Lượng lại hạ lệnh phóng thích vô điều kiện, cho ông ta theo lối cũ mà về.

Ở đoạn ghi chép này, chẳng những có nhiều sai lạc với lịch sử, mà còn có rất nhiều chuyện không hợp lý. Việc thâm nhập của Mã Đại trái với thường thức quân sự; Mạnh Hoạch xử trí đối với Đổng Trà Na, hiển nhiên giống như quân pháp nhà Hán, với qui tắc tổ chức kiểu bộ lạc của Nam Man hiển nhiên có sai lạc; Mạnh Hoạch sau khi đã xử tội Đổng Trà Na, lại lơ là phòng vệ như thế thực khiến người ta không hiểu nổi.

5. Ba lần bắt ba lần thả:

Kể về sự kiện Mạnh Ưu.

Mạnh Hoạch sau khi chạy về đại bản doanh, lập tức cho người bắt giết Đổng Trà Na và A Hội Nam (đây lại là chỗ không dự liệu của Gia Cát Lượng trong tiểu thuyết, tin rằng Gia Cát Lượng trong lịch sử chẳng thể phạm sai lầm như thế).

Sau khi đã giết thủ lĩnh phản nghịch. Mạnh Hoạch lại dẫn quân đánh Giáp Sơn, thì phát hiện ra Gia Cát Lượng sớm đã rút quân, ở đấy một người cũng chẳng có. Mạnh Hoạch đành trở về doanh trại, đúng lúc ấy người em trai là Mưu Ưu từ Ngân Khanh Sơn dẫn hai vạn quân đến tăng viện, hai anh em thâu đêm nghiên cứu cách đánh bại quân Gia Cát Lượng.

Hôm sau Mạnh Ưu dẫn hơn một trăm quân Man, lấy lông chim trĩ và vẹt trắng cắm lên đầu, mặc áo sặc sỡ, tay chân đều đeo vòng vàng, vòng ngọc. Theo tập tục của quân Man, đấy là hình thức sứ giả hòa bình vứt bỏ vũ trang, bởi thế đến thẳng được trước đại bản doanh quân Thục mà chẳng bị ngăn cản.

Mạnh Ưu đứng trước cửa trại nói lớn: “Tôi là Mạnh Ưu, em trai Nam Man Vương Mạnh Hoạch, xin thay mặt huynh trưởng xin đầu hàng thừa tướng”.

Gia Cát Lượng tuy không tin vào ý tốt của Mạnh Ưu, song vẫn hỏi han ý tứ. Mạnh Ưu nói: “Bởi huynh trưởng được thừa tướng hai lần phóng thích, trong lòng rất cảm kích, chỉ phải nỗi bộ tộc phản đối, không dám tự ý đầu hàng, bởi thế lệnh cho tôi bày tỏ, tin rằng huynh trưởng Mạnh Hoạch sẽ có cách thuyết phục mọi người đến đây đầu hàng”.

Gia Cát Lượng cũng bày tỏ sự khuyến khích ngay ở đấy, còn đặt tiệc rượu khỏan đãi Mạnh Ưu và thuộc hạ, đặc biệt còn đưa rượu quí mang từ Thành Đô đên để mời khách, quân Thục Hán và quân Man cùng thâu đêm với yến tiệc mừng công, suốt đêm ấy uống rượu làm vui.

Thực ra Mạnh Hoạch sớm đã bài trí một sè quân Man lớn ở gần đấy, mưu toan đợi sau khi quân Thục say sưa trong tiệc rượu, sẽ phát động hỏa công. Song đợi đến lúc cả tiệc rượu yên lặng, Mạnh Hoạch dẫn quân đánh vào, lại phát hiện những người say rượu ỏ đấy chỉ là quân Man của Mạnh Ưu mà thôi, chẳng có lấy một binh sĩ Thục Hán nào, mới phát hiện lại bị trúng kế rồi.

Mạnh Hoạch dẫn Mạnh Ưu bị say rượu ra ngoài, rồi phóng hỏa đốt doanh trại, song lại bị đại quân Thục Hán mai phục bao vây trùng điệp, Mạnh Hoạch dẫn quân thân tín phá vòng vây, chạy đến vùng Lô Thủy, thấy một đội thuyền Man tộc Nam Trung ở bên bờ sông, lập tức lên thuyền chuẩn bị chạy trốn.

Song vừa mới lên thuyền bỗng phát hiện đó vốn là quân của Mã Đại cải trang, Mạnh Hoạch trong lúc hốt hoảng mất cả sức đề kháng, cuối cùng lại bị bắt sống.

Gia Cát Lượng nói với Mạnh Hoạch: “Lần này lập kế gian phi chính là ông! Nay đã tâm phục rồi chứ!”.

Mạnh Hoạch nói: “Là do em tôi là Mạnh Ưu tham rượu mà nhỡ việc, nếu không kế sách của tôi nhất định sẽ thành công”.

Gia Cát Lượng nghe thế cả cười, lại hạ lệnh phóng thích Mạnh Hoạch lần thứ ba.

6. Bốn lần bắt bốn lần thả:

Trận đánh ở Tây Nhĩ Hà.

Gia Cát Lượng sau khi phóng thích Mạnh Hoạch, bèn dẫn đại quân vượt qua sông Lô Thủy, đến thẳng bên sông Tây Nhĩ Hà, cách hai bờ nam bắc đóng trại bày trận, lại có cầu phao liên hệ trận địa quân Thục ở hai bờ sông.

Nhân viên thám mã của Mạnh Hoạch, phát hiện trong doanh trại Thục Hán ở bờ nam tựa hồ chẳng có quân lính. Mạnh Hoạch bèn tiến hành tập kích vào doanh trại của Thục Hán ở bờ nam, song chẳng ngờ chỉ thấy trong trại dẫu một tên lính cũng không có, chỉ có mấy trăm cỗ xe chất đầy lương thực, đồ binh khí bị vứt lại ngổn ngang. Song từ bờ nam nhìn sang trận địa bờ bắc, vẫn thấy cắm đầy vô số quân kỳ Thục Hán, có thể thấy đao kiếm dưới ánh nắng sáng lấp lánh.

“Đây nhất định lại là mưu kế của Gia Cát Lượng rồi!” Mạnh Hoạch nói với nhân viên tham mưu rằng: “Vứt bỏ lương thực xe cộ như thế, hiển nhiên nội bộ Thục Hán đã phát sinh biến động, Gia Cát Lượng đã nhất định rút quân đi rồi, để phòng bị chúng ta truy đuổi, cố ý bố trí doanh trại chỉnh tề ở bờ bắc, ấy là nghi binh mà thôi!”.

Song Mạnh Hoạch vẫn sợ, không dám liều lĩnh tiến đánh doanh trại quân Thục ở bờ bắc.

Ba ngày sau, cờ xí của quân Thục ở bờ bắc thấy đã rối loạn, đao kiếm vẫn phô bày cũng chẳng thấy nữa. “Thấy chưa! Đã rút cả rồi! Đuổi mau, một người cũng chẳng để họ chạy thóat”.

Mạnh Hoạch quyết tâm vượt sông Tây Nhĩ Hà nhằm hướng bắc truy kích. Song đang đêm khí trời khá lạnh, gió cát rất lớn, quân Mạnh Hoạch vượt sang bờ bắc, đành phải tạm thời đến trú ở trong doanh trại cũ của quân Thục để tránh gió lạnh.

Lúc đêm khuya đột nhiên trận địa bốc lửa, lại thêm gió lớn, mau chóng thành ra biển lửa, quân lính Mạnh Hoạch lập tức hỗn loạn cả, chạy lủi tứ tung. Song phía ngoài trận địa đã hoàn toàn bị quân Thục bao vây, Mạnh Hoạch dẫn hơn mười người thân tín, hoảng hốt tháo chạy.

Đến khi trời sáng, Mạnh Hoạch thấy ở rừng cây phía trước có một đội quân, nhìn kĩ một chút, cuối cùng thấy là quân của Gia Cát Lượng.

Lại thấy Gia Cát Lượng đang ngồi trên xe, cười lớn mà rằng: “Chẳng cần phải chạy nữa, làm sao còn chưa quyết chiến đã vội chạy đi rồi?”.

Mạnh Hoạch ngóai đầu lại, chủ động đánh vào đội quân của Gia Cát Lượng, chẳng ngờ còn chưa đến trước xe, đã nghe ầm một tiếng rơi xuống hố cát mà Gia Cát Lượng đã bố trí, bị quân của Ngụy Diên bắt sống.

Gia Cát Lượng hỏi Mạnh Hoạch rằng: “Lần này ông đã thành tâm qui phục mà đầu hàng chưa?”

Mạnh Hoạch lớn tiếng nói: “Dứt khóat không thể đầu hàng, tôi bị ông dùng trá thuật lừa dối, làm sao có thể đầu hàng được? Ông có thể cứ giết tôi đi! Nếu không giết tôi, tôi nhất định sẽ dẫn quân đến quyết chiến đường đường chính chính với ông, cũng chẳng bị ông lừa dối nữa”.

“Hay lắm! Hãy cứ như vậy!”

Gia Cát Lượng lần thứ tư lại phóng thích Mạnh Hoạch vô điều kiện.

Mạnh Hoạch như trong ghi chép của dã sử ở đây, không thấy được những kết cục trước đó giống như một đứa trẻ nghịch ngợm bị tóm gọn, lại giống như một trò đùa, chẳng giống chút nào với một nhân vật lãnh đạo tập đoàn Nam Man hùng mạnh về tiềm lực.

Mạnh Hoạch sau này được đề bạt thành đại quan trong triều đình Thục Hán, hơn nữa còn những biểu hiện phi thường kiệt xuất, phải không khiếm khuyết khí chất như thế mới đúng.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer