NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện

Phụ lục – Phần 1

Tác giả: Trần Vǎn Đức
Chọn tập
Ads Top

Thiên phụ họa: GIA CÁT KỲ TÀI

HÌNH TƯỢNG GIA CÁT LƯƠNG VỚI QUẠT LÔNG KHĂN NHlỄU

Do sự tô vẽ của tiểu thuyết và sân khấu hình tượng Gia Cát Lượng mà chúng ta rất quen thuộc chính là khuôn mẫu đầu quấn “khăn nhiễu Gia Cát”, tay phải cầm quạt lông, ngồi trên cỗ xe hai bánh không có vũ trang rất tiêu dao tự tại.

Như trên đã nói do sự tô vẽ của tiểu thuyết và sân khấu, chúng ta đã quen thuộc với hình tượng Gia Cát Lượng mà Chu Thượng Quan đời Thanh đã đưa ra trong cuốn “Vãn đường họa truyện”.

Cứ theo sự mô tả trong Tam quốc diễn nghĩa, bất luận ở trường hợp nào thậm chí đang ở tiền tuyến, Gia Cát Lượng tựa hồ vĩnh viễn là gắn liền với quạt lông khăn nhiễu, không mặc giáp trụ, đến ngay cỗ xe cũng chẳng có vũ trang bảo vệ. Gia Cát Lượng vẫn cẩn thận, nếu phục trang như thế trong đòi sống thực tế đương nhiên là chẳngthể được. Ví như phục trang như vậy cũng có ý nghĩa đặc thù của nó. Ở thời kỳ cuối đối trận tại gò Ngũ Trượng với Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng biết mình bệnh đã nặng, để chọc giận Tư Mã Ý, hấp dẫn quân Tào Ngụy xuất trận, mặt khác để sau này rút binh sẽ đưa ra người giả để dọa địch, nên đã cố ý tạo ra hình tượng đó.

Cuốn “Bắc đường thư sao” do Ngu Thế Nam đời Đường, soạn, có dẫn sách “Bùi thị ngữ lâm” của Bùi Trị đời Tấn như sau: “Ngồi trên cỗ xe màu trắng, tay cầm quạt lông màu trắng” đã trở thành tiêu chí đặc thù của Gia Cát Lượng, cỗ xe được nói đến là cỗ xe gỗ sắc trắng, chẳng có thiết bị phòng ngự gì”.

Trong cuốn “Nghệ văn loại tụ” của u Dương Tuân đời Tống có miêu tả tường tận: “Gia Cát Vũ Hầu và Tư Mã Tương Vương khi đối trận ở bên sông Vị Thủy (gò Ngũ Trượng), Tư Mã Tương Vương mặc quân phục đến trước trận xem xét, song Gia Cát Vũ Hầu chẳng hề mang võ bị, cưỡi trên cỗ xe màu trắng, đầu đội khăn quân, tay cầm quạt lông, chỉ huy ở trước trận, Tư Mã Ý không khỏi quay đầu lại bảo với các tướng sĩ đứng bên: “Thực là danh sĩ vậy!”.

Từ đó có thể thấy phục trang này của Gia Cát Lượng đích xác là bởi mục đích đặc thù, hình tượng đặc thù này được tạo ra ở gò Ngũ Trượng mà thôi, dứt khóat không phải là trang phục vẫn thường dùng ở chiến trường.

Quạt lông là cái gì nhỉ? Đấy là một loại thường được gọi là quạt lông hươu. Trong cuốn “Thế thuyết tân ngữ” của Lưu Nghĩa Khánh có chép “Dữu Trĩ Cung làm Thứ sử Kinh Châu từng cầm ở tay một chiếc quạt lông dâng cho Tấn Vũ đế” mà trong thiên “Dung chỉ” thì nói quạt lông có chuôi ngọc gọi là loại “quạt lông chuôi ngọc”. Loại quạt này có chỗ giống như là phất trần mà Tăng Lữ Thiền Tông vẫn cầm, từ Hậu Hán đến Ngụy Tân Nam Bắc triều, các học giả phái Thanh Lưu rất thích cầm loại quạt này, biểu thị sự tiêu dao tự tại của mình.

Đương nhiên chuôi của loại quạt này không hoàn toàn làm bằng ngọc mà tùy theo thân phận người sử dụng khác nhau được làm bằng trúc, gỗ, sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, từ cuối đời Hán đến đời Đường hình thái của quạt lông ít ra có bảy loại.

“Khăn quấn” cũng có đầu mối của nó, từ xưa đến nay các sĩ đại phu thường đội mũ miện, khăn đầu chỉ có dân thường mới dùng. Đến cuối đời Đông Hán, những nhân sĩ ẩn dật ở thảo dã bắt đầu sử dụng khăn đầu khá phổ biến. Trong cuốn Hậu Hán thư của Phạm Diệp đầu đời Thanh có chép. Phù Dung, Pháp Chân, Chu Đảng ở phái Danh Sĩ, thậm chí đại học giả Trịnh Huyền, cũng thường đội khăn đầu, thành trào lưu thời thượng khá rộng rãi bấy giờ. Do ở chiến trận thường vận khôi giáp, bởi thế lúc nghỉ ngơi, lập tức cởi bỏ mũ mạo vướng víu, các binh sĩ hoặc quan chức thấp có thể để đầu tóc không chỉnh đốn thả tóc xuống vai, song quan chức cao cấp cho rằng như thế không nghiêm túc, nên vẫn có thói quen đội khăn xếp. Loại khăn của Gia Cát Lượng với loại khăn này rất giống nhau.

Theo lý mà nói, phục trang như nói trên lẽ ra không nên xuất hiện ở tiền tuyến, chẳng những dễ gặp phải sự tập kích của tên bắn mà còn làm lơi lỏng tinh thần cảnh giác của binh sĩ, cho nên lúc Gia Cát Lượng ăn vận như vậy, hẳn có mục đích riêng vậy.

CÂU ĐỐ BÁT TRẬN ĐỒ CỦA GIA CÁT LƯỢNG

Trận đá Bát trận đồ đích xác có tồn tại, chỉ khác là dứt khóat chẳng phải thuật kỳ môn độn giáp đã miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa.

Những khối đá này được xếp thành Bát trận đồ, thực ra là vùng đất sa bàn diễn tập mà Gia Cát Lượng dùng để thao luyện binh sĩ mà thôi.

*

Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, miêu tả những khả năng kỳ lạ của Gia Cát Lượng, trong đó tô vẽ khoa trương nhất là chuyện mượn gió đông và Bát trận đồ. Mượn gió đông nảy sinh trong đại chiến Xích Bích, đích xác là nhân tố quan trọng của thắng bại trong chiến tranh, vấn đề là Gia Cát Lượng thực có thể hô phong hóan vũ hay không, đáp án khoa học đương nhiên là chẳng thể được.

Đại chiến Xích Bích phát sinh vào năm Kiến An thứ 13, theo nông lịch là sáng sớm ngày 13 tháng 11, vùng Hoa Trung đang là mùa lạnh, phía tây bắc lạnh hơn phía nam, bởi thế ở vùng Xích Bích nhất định có gió tây bắc, làm sao có thể xuất hiện gió đông nam nhỉ?

Song cứ theo chính sử “Tư trị thông giám” ghi chép đích xác có gió đông nam đột nhiên lúc ấy xuất hiện, vậy khoa học phải giải thích thế nào đây?

Trong cuốn “Tào Tháo tranh bá”, đặc biệt có lấy ba nhân tố địa hình, khí tượng, binh pháp, đối chiếu tình hình có thể, phân tích có hệ thống, độc giả nếu có hứng thú có thể tham khảo những ghi chép trong đó để phán đóan, ở đây không nhắc lại nữa.

Ghi chép về Bát trận đồ lại càng thần kỳ hơn. Hồi thứ 84 trong Tam quốc diễn nghĩa chép về Lục Tốn thiêu trại bảy trăm dặm, Khổng Minh khéo bày Bát trận đồ, có ghi chép như sau:

Lục Tốn đã giành được đại thắng, dẫn quân đang thắng đuổi đến phía tây. Cách Quì Quan không xa, Lục Tốn chợt nhìn thấy ở bãi sông phía trước, một trận địa sát khí đùng đùng bốc lên, giật cương ngựa quay lại bảo các chúng tướng rằng “trước mặt ắt có mai phục, ba quân không được tiến bừa”, lại cho lùi lại mười dặm, ở vùng đất trống bày trận thế để phòng ngự quân địch. Lại sai thám mã đi xem xét, báo lại rằng không có quân đóng ở đấy, Lục Tốn không tin, xuống ngựa lên núi nhìn ra xa vẫn thấy sát khí bốc lên.

Lục Tốn lại cho người xem xét thực cẩn thận, thám mã lại quay về báo, trước mặt không có một người nào. Lục Tốn thấy mặt trời sắp lặn, sát khí càng nhiều, trong lòng do dự, lệnh cho người tâm phúc lại đến đó xem xét, báo về rằng bên sông chỉ có những đống đá bày xếp lung tung, tuyệt không có bóng người, Lục Tốn rất đỗi nghi ngờ, lại cho tìm thổ dân để hỏi. Bỗng chốc có mấy người đi đến, Lục Tốn hỏi ai đã xếp những đống đá này, song trong những đống đá lung tung ấy lại có sát khí bốc lên? Thổ dân đáp: “Vùng này gọi là bến Ngư Phúc, khi Gia Cát Lượng vào Thục, dẫn quân đến đó lấy đá bày trận thế ởtrên bãi cát ven sông, từ đó khí đùn như mây từ trong bốc lên”.

Lục Tốn nghe rồi, lập tức dẫn mấy chục kỵ binh đến xem trận đá, dừng ngựa ở trên dốc núi, song thấy bốn mặt tám hướng đều có cửa vào. Lục Tốn nói rằng: “Đấy là thuật mê hoặc người, có lợi hại gì!” rồi dẫn mấy kỵ binh xuống núi, xông vào trận đá xem xét, bộ tướng nói: “Trời sắp tối, xin đô đốc sớm quay về”.

Lục Tốn muốn ra khỏi trận đá ấy, đột nhiên cuồng phong nổi lên ầm ầm. Trong phút chốc, cát bay đá chạy trùm lợp cả trời đất, lại thấy quái thạch cao chót vót, tua tủa như kiến, bãi cát dưới chân dựng thành lũy như núi, nghe trong tiếng sóng trên sông như có tiếng gươm khua trống nổi. Lục Tốn cả kinh nói: “Ta trúng phải mưu kế của Gia Cát Lượng rồi!”. Muốn vội vã trở về mà không tìm được lối ra. Đang lúc kinh hãi chợt thấy một lão trượng đứng ở trước ngựa cười mà rằng: “Tướng quân muốn ra khỏi trận này ư?”.

Lục Tốn nói: “Xin trưởng lão dẫn đường cho!”

Lão trượng chống gậy từ từ mà đi quanh co, ra được khỏi trận đá không gặp trở ngại gì, đưa chân đến tận dốc núi.

Lục Tốn nói: “Trưởng lão là ai?”

Lão trượng trả lời: “Lão phu là Hoàng Thừa Ngạn, bố vợ của Gia Cát Khổng Minh, khi xưa con rể lão vào Thục có bày trận đá ở đấy gọi là Bát trận đồ, muốn vào được tám cửa, phải tuần tự theo phép độn giáp: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai. Mỗi ngày mỗi giờ lại biến hóa không ngừng, có thể so với mười vạn tinh binh. Lúc chia tay, Khổng Minh có dặn lão phụ rằng, sau này có đại tướng Đông Ngô lạc ở trong trận ấy chớ có dẫn họ ra. Lão phu đứng ở trên núi thấy ngài từ cửa Tử mà vào, ngờ rằng không biết trận ấy, ắt bị mê hoặc. Lão bình sinh thích làm việc thiện, chẳng nhẫn tâm để tướng quân bị chìm đắm như thế, nên đặc biệt theo cửa Sinh mà dẫn ra”.

Lục Tốn nói: “Cụ có học được trận pháp này không?”

Hoàng Thừa Ngạn nói: “Biến hóa vô cùng chẳng thể nào học được vậy!”.

Lục Tốn hoang mang xuống ngựa bái tạ cụ già rồi quay về. Sau này Đỗ Phủ có thơ rằng:

Công trùm cả ba nước,

Danh nên Bát trận đồ,

Sông trôi đá chẳng chuyển,

Hận chẳng nuốt xong Ngô.

Lục Tốn về trại than rằng: “Khổng Minh thực là con rồng nằm vậy, ta chẳng thể nào theo kịp được”.

Nhà viết tiểu thuyết miêu tả tình tiết này thực thần kỳ huyền diệu, lấp lánh vô cùng. Song lấy quan điểm lịch sử mà xem, có thể nói là hoang đường không kể xiết, chẳng thể như thế được.

Bài thơ của Đỗ Phủ, là căn cứ vào truyền thuyết ở đấy mà viết ra, chủ yếu nhớ đến sự trung nghĩa tiết tháo của Gia Cát Lượng “Kỳ Sơn giữa trận từ trần, khách anh hùng để tần ngần lệ rơi”, La Quán Trung lại khéo léo vận dụng, mà làm thành bằng chứng để hư cấu, Đỗ Phủ ở dưới đất nếu có biết ắt cảm khái muôn vàn, trăm miệng không nói hết được.

Song trong cuốn Tam quốc chí do Trần Thọ biên soạn nói Gia Cát Lượng có sở trường về kĩ xảo, nỏ liên châu lợi hại, trâu gỗ, ngựa máy đều do ông nghĩ ra, lại suy diễn binh pháp làm ra Bát trận đồ hàm chứa nhiều điều cốt yếu.

Nói cách khác, đích xác đã có Bát trận đồ chẳng phải là điều hư cấu, vấn đề là rốt cục Bát trận đồ là gì.

“Trận” là khi hai bên quân đội ngày xưa giao chiến có bày ra hình thái bố trí quân đội theo một hàng lối nhất định. Trận có tác dụng giao chiến, cũng có khi dùng để đóng đồn trại. Trận ắt phải dựa theo sự biến hóa địch tình, địa hình, thời tiết để thiết kế, cũng là trận pháp thường nói đến trong binh thư, “đồ” là nói đến quy mô, trận đồ là hình thái bày trận cơ bản có tính chất đặc thù, “Bát trận đồ” là một loại trận thế chú ý đến danh nghĩa, tổng hợp tám loại trận pháp mà thành.

Danh nho Trịnh Huyền đời Hán ghi chép trong sách Tôn Vũ, có thiết kế ra tám trận Binh pháp của Tôn Tẫn mới khai quật được, có các mục sách “Bát trận” “Thập trận”, lại viết: “Biết cơ mưu của Bát trận mới là một tướng vương giả”.

Cứ theo tư liệu ghi chép hiện có, bát trận của Tôn Tử trong truyền thuyết có phân biệt làm các trận Phương, Viên, Đỗ, Tẫn, Hành, Phù Chí, Luân, Nhạn Hành, tựa hồ là trận hình tám loại không giống nhau về hình thái, có một số có thể dùng khi tác chiến, có một số loại được dung khi đóng đồn hoặc phòng ngự.

Thời đại chiến quốc của Nhật Bản, võ tướng Vũ Điền Tín Huyền có dùng quân kỳ vẽ “gió rừng lửa núi”, đối với binh pháp Tôn Tử đã nghiên cứu sâu xa, trận thế mà ông ta sử dụng cũng có tám loại, phân biệt là “Ngư lâm, hạc dực, nhạn hành, loan nguyệt, phong thỉ, hách ách, trường sà, phương viên”.

Tựa hồ tám trận của Tôn Tử được cụ thể hóa, chính là từ Bát trận của Tôn Vũ chuyển hóa ra. Từ đó có thể thấy, Bát trận là tám phương pháp bố cục khi tiến công hoặc phòng ngự thường vẫn sử dụng.

Lý Hưng thời Tây Tấn khi chú giải Bát trận đồ của Gia Cát Lượng cũng chỉ rõ: “Suy diễn tám trận không giống hệt Tôn Ngô. Cũng tức là nói thiết kế Bát trận đồ của Gia Cát Lượng có không ít chỗ là do ông ta sáng tạo, mà không hạn chế ở Bát trận đồ của Tôn Vũ và Ngô Khởi xây dựng.

Gia Cát Lượng cũng tự nói rằng: “Bát trận đã thành, từ nay việc quân không lo thất bại nữa!” khá thấy Bát trận đồ đích xác là sáng tác mà Gia Cát Lượng lấy làm đắc ý, dựa theo đầu óc khoa học nhiều kĩ xảo, mà thiết kế ra cho phù hợp với đặc thù khi hành quân, tác chiến hoặc đóng doanh trại.

Mục đích của Bát trận đồ, chính là đề cao năng lực tiến công và phòng ngự, do thiết kế khá thực dụng, đối với đời sau có ảnh hưởng rất lớn. Tư Mã Chiêu sau khi diệt được Thục Hán có lệnh cho Trần Hiệp học tập ở Gia Cát Lượng phép bày trận, dùng quân mai phục, cũng nói có thể dùng phép tắc của Vũ Hầu đế bảo ban cho ba quân. Tập Ưng thời Bắc Ngụy có dâng thư lên Ngụy Văn đế để bày tỏ: “Nên dùng phép Bát trận của Gia Cát Lượng để tấn công và phòng ngự”. Thời Đường Thái Tông, một nhà binh pháp trứ danh là Lý Tĩnh, lại căn cứ vào phép Bát trận của Gia Cát Lượng, sáng tạo ra Lục hoa trận pháp.

Vậy phải chăng thực có trận đá Bát trận đồ mà Lục Tốn đã gặp phải? Đấy là cái gì vậy?

Trận đá Bát trận đồ đích xác có tồn tại, chỉ khác là dứt khóat chẳng phải thuật kỳ môn độn giáp được miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa.

Những khối đá này được xếp thành Bát trận đồ, thực ra là vùng đất sa bàn diễn tập mà Gia Cát Lượng dùng để thao luyện binh sĩ mà thôi.

Cứ theo ghi chép, trận đá nổi tiếng nhất, là di tích Bát trận đồ ở trong cuốn “Thái bình hoàn vũ ký”, trận đá này ở thượng lưu Trường Giang thuộc huyện Phụng Tiết tỉnh Tứ Xuyên. “Chu vi có đến bốn trăm tám mươi trượng do các khối đá xếp lẫn mà thành, có khối cao năm trượng, chu vi khoảng ba sải tay bày như bàn cờ… Mùa hè nước ngập cả, mùa đông nước rút mới có thể thấy được… Cứ theo nghiên cứu Bát trận đồ này được phân làm tám trận là Động Đương, Trung Hoàng, Long Đằng, Điểu Phi, Hổ Dực, Chiêt Xung, Liên Hành, Ác Cơ, ngoài trận đá ở đây, di tích trận đá Bát trận đồ, còn thấy ở hai địa phương khác, một nơi ở huyện Miễn tỉnh Thiểm Tây gần với phần mộ Gia Cát Lượng, một nơi thuộc huyện Tân Quận tỉnh Tứ Xuyên.

Đỗ Mục trong cuốn “Tôn Tử tập chú” có viết: Gia Cát Vũ Hầu lấy đá xếp ngang dọc theo tám cửa làm trận đồ, những điều kỳ lạ đều thấy ở đấy.

Cứ theo tư liệu cho thấy Bát trận đồ của Gia Cát Lượng, về biến hóa mà nói, lấy thiên, địa, phong, vân, phi long, tường điểu, hổ dực, sà bàn làm trận hình cơ bản, trong đó đại trận ôm tiểu trận, doanh trại lớn ôm doanh trại nhỏ, trong di tích ở Phụng tiết có thể phát hiện ở đó có sáu mươi tư trận, là số sa bàn ở nơi đóng quân thao diễn trận pháp.

Trận đá ở Tân Quận có số trận pháp đứng đầu là một trăm hai mươi tám trận, đấy nói chung đều là những trận thế dùng trong tấn công hoặc dã chiến.

Theo truyền thuyết, quy mô lớn nhất là ở Thành Đô, là một trận pháp doanh trại có hai trăm năm mươi sáu trận, là phương thức bày trận dùng trong đóng trại lâu ngày, khiến cho công năng vận động ở các doanh trại riêng đều hoàn toàn được phát huy, chẳng những động viên được lực lượng cơ động rất lớn mà khả năng phòng ngự cũng rất mạnh. Sử liệu có chép: “Gia Cát Lượng đến đóng quân, từ lũy trại, bếp, bờ rào, nhà xí, chướng ngại vật, đều có qui cách và vị trí nhất định, một chút cũng không vội vã”. Gia Cát Lượng bị bệnh mất ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý sau khi Thục Hán rút quân, xem xét kĩ lưỡng công sự và bố trí ở doanh trại, không khỏi cảm thán rằng: “Thực là thiên hạ kỳ tài vậy!”.

Có thể tin rằng đấy là một loại Bát trận đồ mà Gia Cát Lượng đã sáng tạo ra.

BINH PHÁP VÀ TÁC PHẨM CỦA GIA CÁT LƯỢNG

Trương Chú khi biên tập cuốn Gia Cát Vũ Hầu văn tập, trừ những sáng tác rõ ràng của người khác, cơ hồ bao quát cả những tác phẩm của Gia Cát Lượng mà sau này được nhắc đến theo truyền thuyết, ông ta lấy thái độ bao dung rộng lớn mà tận lực thu thập.

Gia Cát Lượng mất đã nhiều năm, vào năm Thái Thủy thứ Mười đời Tấn Vũ đế (năm 274 sau Công Nguyên), Trần Thọ lại biên tập cuốn “Gia Cát thị tập”, toàn bộ gồm 24 thiên, mục lục và lá thư dâng sách của Trần Thọ thấy ghi ở cuốn “Thục chí”.

Trần Thọ là cựu thần Thục Hán, cũng là tác giả “Tam quốc chí”, cách thời đại Gia Cát Lượng không xa, bởi thế cuốn “Gia Cát thị tập” do ông biên tập lại, tuy có nhiều người cho rằng không phải nguyên tác, song chí ít cũng đã được lưu lại những trước tác đích xác là của Gia Cát Lượng.

Trong cuốn “Tùy thư” và “Đường thư”, đều có ghi chép những tác phẩm của Gia Cát Lượng, như “Binh pháp”, “Luận tiền hán sự”, “Hán thư âm”… Trong đó một số đã thất lạc, song những cuốn còn lại cũng khó phán đóan là do Gia Cát Lượng viết. Trong những thư viện công hoặc riêng đời Tống, Nguyên những ghi chép có liên quan đến Gia Cát Lượng rất nhiều, song phần lớn do người đời sau mượn cớ viết ra.

Trong số đó nổi tiếng nhất là cuốn “Gia Cát Vũ Hầu văn tập” do Trương Chú đời Thanh biên soạn.

Mục lục cuốn “Gia Cát thị tập” của Trần Thọ có nhắc đến 24 thiên sách: Khai phủ tác mục, Quyền chế, Nam chinh, Bắc xuất, Kế tóan, Huấn lệ, Tổng yêu 1, Tổng yêu 2, Tạp ngôn 1, Tạp ngôn 2, Quí hòa , Binh yến, Truyền vận, Thư gửi Tôn Quyền, Thư gửi Gia Cát Cẩn, Thư gửi Mạnh Đạt, Chuyện Lý Bình, Pháp kiểm 1, Pháp kiểm 2, Khoa lệnh 1, Khoa lệnh 2, Quân lệnh 1, Quân lệnh 2, Quân lệnh 3.

Cộng tất cả là 24 thiên sách, gồm mười vạn bốn nghìn một trăm mười hai chữ. Cứ theo khảo xét mà Trương Chú đưa ra, trong thư dâng sách của Trần Thọ, 24 thiên ghi ở tổng mục, trong đó có chiếu, biểu, sớ, nghị, thư, lời chỉ bảo, lời răn, sắc lệnh, luận văn ghi chép, văn bia, ấn triện, các loại này đều được ghi lại theo một thời điểm, mà không lấy văn thể để biên soạn, cho nên cuốn Gia Cát Vũ Hầu tập hiện còn, về phần xếp sắp đề mục có những bất đồng rất lớn.

Cuốn “Hoa Dương quốc chí” có chép: Ở thiên sách “Khai phủ tác mục”, nói nhiều đến việc dùng người, cho nên bao gồm “Thư gửi Tưởng Uyển”, “Thư gửi Đỗ Vỹ”, “Nói với Ngô Tế”…

Thiên “Quyền chế” bao gồm các bài “Chính nghị”, “Thư gửi Pháp Chính”, “Thư gửi Tích Xá”…, nói nhiều đến triết học quản lý chính trị của mình, có tính chất chính luận.

Thiên “Nam chinh” bao gồm “Chiến lệnh Nam chinh”, “Nói về Nam chinh”, “can gián”…, là những bài viết có liên quan đến cuộc chinh phạt Nam Trung.

Thiên “Bắc xuất” bao gồm “Chiếu thư phạt Ngụy”, “Xuất Sư Biểu”, “Kỳ Sơn Biểu”, “Nhận lỗi ở Nhai Đình”.

Thiên “Kế tóan” bao gồm “Ở Thảo Lư” “Thư dâng lên Tiên đế”, “Biểu tấu”, “Thư gửi Bộ Chất”…

Thiên “Huấn lệ” gồm “Bát vụ”, “Thất giới”, “Lục dục”, “Giới tử”…

Thiên “Tổng yên” gồm “Thư gửi Lý Nghiêm”, “Thư gửi Trương Duệ”, “Nói về Khương Duy”…

Thiên “Tạp ngôn” gồm “Lương phụ Ngâm”, “Luận tiền hán sự”, “Luận chư tử”…

Thiên “Quí hòa ”, gồm “Luận về Cam Thích”, “Khuyên tướng sĩ nhắc nhở cho mình”…

Thiên “Truyền vận” gồm “Trâu gỗ ngựa máy”…

Thiên “Binh yếu” nay chỉ còn có mườiđiều lệnh.

“Thư gửi Tôn Quyền” chỉ có hai thiên sách.

“Thư gửi Gia Cát Cẩn” chỉ còn có chín thiên sách.

“Thư gửi Mạnh Đạt” hiện còn hai thiên sách.

“Chuyện Lý Bình” gồm “Thư gửi Tưởng Uyển và Đổng Doãn về chuyện Lý Nghiêm”, “Đàn hặc Lý Bình”…

Thiên “Pháp kiểu” gồm “Truy tôn Cam phu nhân làm Chiêu liệt hoàng hậu”, “Phép làm bùa”, “Phép làm kiếm”… phần lớn bàn về phương diện phát minh chế tạo vũ khí.

Thiên “Khoa lệnh” nói về “Bộ binh”, nói về “Kỵ binh”…

Thiên “Quân lệnh” hiện còn mười lăm điều lệnh.

Ngoài ra còn có một số bài tản văn, đã được Trần Thọ đưa vào, nếu không ở 24 thiên trên thực khó xác nhận.

Từ những ghi chép trên có thể thấy cuốn “Tiện ghi” và “Tưởng Uyển” vẫn được coi là tác phẩm hoàn chỉnh về binh pháp của Gia Cát Lượng có những phần không phải do ông viết ra.

Trương Chú khi biên tập cuốn “Gia Cát Vũ Hầu văn tập”, ngoài những cuốn rõ ràng không phải do Gia Cát Lượng viết, cơ hồ bao quát những tác phẩm của Gia Cát Lượng là sau này được nhắc đến theo truyền thuyết, ông ta lấy thái độ bao dung rộng lớn mà tận lực thu thập, trong đó rất không được các nhà sử học xem là tác phẩm thực sự của Gia Cát Lượng, các cuốn “Hậu Xuất Sư Biểu”, “Tiện ghi” và “Tưởng Uyển”.

Văn tập này gồm 4 quyển, phần phụ lục có 2 quyển, phần ghi chép có 5 quyển.

Quyển thứ nhất ghi chép các chiếu thư và công hàm.

Quyển thứ hai gồm thư từ và các ghi chép, có không ít bất đồng với mục lục cuốn “Gia Cát thị tập” của Trần Thọ.

Quyển thứ ba là “Tiện ghi”, Trương Chú soạn từ 16 cuốn sách của Gia Cát Lượng được ghi chép trong “Tùy thư”, tuy có một phần nội dung tương tự với mục lục “Gia Cát thị tập”, song đại bộ phận không thấy ở đấy, bởi thế có nhà sử học phán đóan người sau mượn danh Gia Cát Lượng viết ra.

Nội dung cuốn “Tiện ghi’’ tuy được nhập vào phần binh pháp Gia Cát, thực ra phần lớn nói về chính trị, như thiên “Thủy kế” của binh pháp Tôn Tử và thiên Đồ quốc của binh pháp Ngô Tử. Có thể là Gia Cát Lượng nhiều năm trị quốc trị quân, những lời nói được ghi lại, rồi người sau chỉnh lý mà thành, song nhìn chung mà nói, tin rằng đích xác là bút pháp của người sau. Mười sáu cuốn sách đó là:

Trị quốc, Quân thần, Thị thính, Nạp ngôn, Sát nghi, Trị nhân, Cử thố, Khảo truất, Trị quân, Thưởng phạt, Hỷ nộ, Trị loạn, Giáo lệnh, Phán đóan, Tư lự, m sát.

“Tưởng Uyển” được ghi chép ở quyển bốn, thực ra xét về tính chân thực so với “Tiện ghi” thì không phù hợp, chẳng những nội dung phức tạp, kết cấu tản mạn, mà văn chương đại ý đều không thóat khỏi cách nhìn của Tôn Tử, Ngô Tử, Lục Thao, Tam Lược, Úy Lạo Tử, không giông với bút pháp của Gia Cát Lượng vốn giàu có sáng tạo.

Tuy trong “Tưởng Uyển” có không ít nội dung, cũng tương tự với mục lục “Gia Cát thị tập” của Trần Thọ, song tuyệt đại bộ phận là do những văn nhân đời sau thêm mắm muối chỉnh lý ra.

“Tưởng Uyển” và “Tiện ghi” có chỗ giống nhau là đều soạn từ “Tùy thư”, bàn luận về đạo làm tướng, người đời sau gọi là “Tân thư”, cuốn “Tứ khố đề yếu” ở đời Thanh có viết:

“Xem xét nội dung 50 thiên “Tưởng Uyển” phần lớn được rút từ sách Tôn Tử, mà thêm vào những lời thô kệch bất cập, hẳn do người nào đó viết ra”.

Năm mươi thiên “Tưởng Uyển” là:

Binh quyền, Trục ác, Nhân tính, Tướng vật, Tướng khí, Tướng tệ, Tướng chí, Tướng thiện, Tướng kiêu ngạo, Tướng cường, Dẫn quân, Chọn vật, Trí dụng, Bất trận, Tướng giới, Giới bị, Tập luyện, Quân đố, Phúc tâm, Cẩn hận, Cơ hình, Trọng hình, Thiện tướng, Thẩm nhân, Binh thế, Thắng bại, Giả quyền, Ai tử, Tam tân, Khinh chiến, Địa thế, Tình thế, Kích thế, Chỉnh quân, Lệ sĩ, Hậu ứng, Tiện lợi, Ứng cơ, Suy năng, Tự gắng, Chiến đạo, Hoànhân, Xét tình, Tướng tình, Uy lệnh, Đông Di, Nam Man, Tây Nhung, Bắc Địch. Cuốn phụ lục 1 và 2 đều nói đến những người đương thời bao gồm những chiếu thư hoặc thư từ, bài tản văn, bình luận mà Lưu Bị, Pháp Chính, Lã Khởi gửi cho Gia Cát Lượng.

TRẦN VĂN ĐỨC

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer