NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy

Tác Phẩm Cuộc Đời

Tác giả: Hamvas Béla
Thể loại: Triết Học
Ads Top

(Trích tác phẩm: Patmosz)

Con người cần tự bản thân mình tạo dựng tác phẩm, để có thể sống trong vĩnh cửu. Nhưng tác phẩm cần là tác phẩm mở, để nếu ai muốn bước vào, ta đều tiếp nhận.

Tác phẩm có thể là một ngôi nhà, có thể là một bức họa, có thể là một đất nước. Akhilleus (vị thần Hi Lạp Asin) không làm thơ, nhưng ai dám bảo chàng đã không tạo dựng tác phẩm cuộc đời? Bằng hành động của mình, chàng đã cho ra đời một tác phẩm cuộc đời anh hùng. Những vị thánh.

Cần phân biệt tác phẩm với sự trưng diễn. Tác phẩm làm ra từ chất liệu cuộc sống con người, như thể một thứ duy nhất, quánh đọng và mang hình hài cuối cùng của một cái gì sẽ mất đi; còn sự trưng diễn, sự khoe khoang là một kì công có thể học và lặp lại.

Trong sự trưng diễn, khoe khoang vắng thiếu con người.

Truyền thống Ấn Độ gọi tác phẩm là nghiệp, là thứ tạo từ chất liệu sẽ rữa nát, nhưng sẽ còn lại. Sự trưng diễn, khoe khoang không phải là một tác phẩm lớn, chỉ là một hành động tức thời, không thứ bậc và không tầm vóc.

Tác phẩm là một cái gì phải lớn hơn đời sống, và vì thế cần hiến dâng đời sống cho tác phẩm. Hiến dâng không vì để tác phẩm còn lại mà để tác phẩm tồn tại. Tồn tại trong vĩnh cửu. Từng viên gạch của tác phẩm cuộc đời đều chối bỏ một cái gì đó từ đời sống. Vừa hưởng thụ đời sống vừa xây dựng tác phẩm cuộc đời, điều ấy không có.

Tác phẩm cần nâng con người lên sự nhất quán độc lập với đời sống, lên sự sống ở mức độ cao hơn, trong những tỉ lệ vượt xa những tỉ lệ của cái tôi, và lặp lại bản thân nhiều hơn so với chính bản thân nó.

Nghiệp là một hình thức cô đọng của toàn bộ tư tưởng, ngôn từ và hành động của con người, trong một không gian rộng lớn hơn đời sống, và không thể chạy trốn khỏi những hậu quả của nghiệp; chỉ có một cách duy nhất có thể là sự triệt tiêu đối với nghiệp. Nhưng sự triệt tiêu này của nghiệp (chính là tác phẩm cuộc đời) cũng là tác phẩm.

Tác phẩm này ở Ấn Độ người ta gọi là nirva – niết bàn, ở xứ Arập gọi là fana. Đây là tác phẩm, cuối cùng; dấu hiệu bên ngoài của nó không nhận thấy, nhưng sự tồn tại còn lại của nó tuyệt đối. Đời sống của con người lớn hơn bản thân nó, tính chất cô đọng của nó chứa chất trong các lĩnh vực giống như đời sống, nhưng trong các hình thức khác và tác động trở lại đời sống cùng các sức mạnh và tạo ra hình thức đời sống từ hình ảnh của chính nó.

Chúng ta đều biết đời sống không có mục đích; nhưng đời sống có ý nghĩa.

Con người tự đặt ra ý nghĩa trong bản thân họ để cho rằng sống một đời sống như thế nào là xứng đáng. Nếu duy trì đời sống thấp hơn một mức độ nhất định nào đấy, vô nghĩa; nếu vượt qua những mức độ này, bản thân đời sống bắt đầu trở thành tác phẩm.

Cần xây dựng đời sống một cách có ý thức, nhất quán, không phải từ đời sống sinh học, mà từ những điều như âm nhạc, thi ca hoặc siêu hình học. Bởi vì tác phẩm cuộc đời có logic đặc thù, độc lập với đời sống sinh học. Logic này không phải việc chia sẻ ngày càng hăng hái những của cải tự nhiên của đời sống, mà phải là kích thước của đời sống. Hai thứ này không thể tương thích với nhau.

Kích thước coi hưởng thụ là sự phản bội đời sống, bởi đời sống có giá trị cần trung thành với những gì cao hơn nó. Người ta có quyền sống một đời sống tâm lí hoặc cộng đồng, nhưng mức độ kích thước của nó sẽ coi điều này như một sự phản bội đối với tác phẩm cuộc đời. Cho dù rất nhiều thứ chống lại, nhưng con người vẫn bắt buộc phải coi tác phẩm cuộc đời là của mình.

Phiền hơn nữa, phải chăng sự tồn tại mà tác phẩm miêu tả, đó là tôi, hay là hiện thực của tôi đi chăng nữa, nhưng vẫn là một người nào đó cao xa hơn tôi.

Vềđền thờ Parthenon, một khách du lịch cho rằng nó như một hình ảnh gây sốc nhưng không phải là nghệ thuật, nhiều người bảo nó không hề đẹp. Nhưng vị trí, chính xác là vị trí nơi người ta xây đền Parthenon, nổi bật lên giữa khung cảnh xung quanh, và vị trí nơi xây đền cao hơn hẳn bản thân cái đền. Trong sự tồn tại của nó hình như cao hơn một mức.

Không rõ nguyên nhân của sự đánh giá này, và để chứng minh còn ít khả năng hơn nữa. Nhưng về mặt kiến trúc là tuyệt hảo. Và như vậy sự có mặt của cái đền thờ này ở đây, tựa hồ cao hơn như nó có.

Việc xây dựng tác phẩm diễn ra chống lại con người; Một trạng thái, khi một câu trả lời tìm thấy một kẻ ở một nơi bí ẩn nào đó (kẻ là tôi nhưng không phải tôi) không trả lời cho điều tôi cần phải nói, cần phải làm gì, mà chỉ là: tôi cần phải sống như thế nào.

Một tác phẩm chân chính chỉ có sau cái chết (posthianus). Chừng nào tác giả còn sống, chừng đó tác phẩm cũng vẫn đứng trong ảo ảnh đời sống vây quanh người sống. Bởi vì chừng nào một người còn sống, họ chỉ có đời sống, chỉ khi người đó mất đi, họ mới có số phận. Lúc đó đề tài tác phẩm cuộc đời họ mới khép lại, xong xuôi và là số phận.

Có những tác phẩm, trước cái chết năm phút vẫn mang một ý nghĩa nào đấy; năm phút sau ý nghĩa này không còn tìm thấy ở bất kì đâu. Có những tác phẩm, hàng trăm năm trời không ai biết đến, bỗng một ngày như thể hôm nay vừa hoàn tất.

Không được phép nhìn thấy lợi thế mà con người đặt đời sống của nó vào đó. Giữa các tác phẩm lớn không có sự khác biệt thời gian. Mọi tác phẩm lớn đều cùng thời. Tất cả các tác phẩm lớn đều ở thời hiện tại. Tất cả các tác phẩm lớn đều hiện đại.

Người Hi Lạp đặt tên cho việc chuẩn bị tác phẩm cuộc đời là poiezis, đơn giản nghĩa là làm. Với người Heber cũng chỉ là jezirah. Có thể bởi vì trong sự chuẩn bị này con người không phải đối diện vái cái gì cả, khi làm tác phẩm cuộc đời chúng ta đối diện với bản thân mình.

Tác phẩm không phải là một sự sáng tạo, mà là sự sáng tạo lại bản thân chúng ta cao hơn bản thân chúng ta. Không phải làm (poiezis) mà là metapoiezis (siêu sáng tạo).

Có thể đối với ngươi Hi Lạp và Heber đời sống là như vậy, như đang có, thế là đủ, để làm ra tác phẩm. Nhưng với chúng ta, chúng ta cần nâng bản thân mình lên cao hơn. Uber – siêu nhân – siêu việt, như Nietzsche nói.

Hiện thực của tác phẩm cuộc đời là sự siêu thực. Cái là đời sống, tạm thời và phi dáng hình. Cần phải sống tận cùng số phận, hoàn tất, khóa lại, cần phải cao hơn đời sống một bước, như đền thờ Parthenon.

Bước nhảy từ đời sống vào tác phẩm cuộc đời:

Tác phẩm cuộc đời là sáng tạo một cách cao hơn (metapoiézis), con người xây dựng bản thân nó cao hơn chính nó cho sự vô tận. Từ tác phẩm cuộc đời này cần phân biệt thứ tác phẩm khuếch trương so với đời sống, là sự đánh lừa cố tình, để con người cao hơn như nó muốn. Đấy là sự trưng diễn. Cái gì tràn đầy những sức mạnh quyền lực cao hơn cuộc sống, sẽ còn lại; Sự trưng diễn sẽ tan ra cùng đời sống.

Sự trưng diễn, khoe khoang không xây dựng lên từ hiến dâng vĩnh viễn, chính bởi vậy sự biến đổi trong quá trình luyện vàng không là ý nghĩa cuối cùng của nó; sự trưng diễn, khoe khoang do con người chỉ đạo, vì tác động của ý thích là chính. Đôi khi còn không được như vậy. Con người trong tác phẩm – như một sự hóa thân cuối cùng – lớn cùng tác phẩm; còn sự trưng diễn, khoe khoang chỉ để giấu giếm chính bản thân kẻ đi trưng diễn.

Nói chung có thể phân biệt rõ ràng giữa tác phẩm và sự trưng diễn, thậm chí trong một sáng tạo có thể biết tác phẩm dừng lại ở đâu và sự trưng diễn, khoe khoang bắt đầu từ đâu.

Sự trưng diễn, khoe khoang giới thiệu một biến hóa cực kỳ nào đấy của con người; còn tác phẩm miêu tả cái bình thường. Dấu hiệu của sự biến hóa là âm điệu lên gân, ngụy tạo. Kết quả của tiểu xảo, của sự kì công, thuật gian dối là một sự đánh lừa trên giấy, cái có tên là stilus (phong cách). Tác phẩm xác thực (autentikus) không có phong cách.

Tác phẩm tuyệt đối là những cuốn sách thiêng (lời tuyên ngôn).

Chúng ta gọi các tác phẩm đã trần thế hóa là văn học.

Ngôn ngữ của những cuốn sách cổ là ngôn ngữ xác thực. Ngôn ngữ của văn học là chủ nghĩa ngụy biện.

Giới hạn cuối cùng của ngụy biện là chủ nghĩa báo chí.

Ngôn ngữ xác thực vì sự thật, ngôn ngữ ngụy biện vì quyền lợi. Linh hồn của chủ nghĩa báo chí là các vụ bê bối.

Trong thời cổ, con người không cần tìm kiếm tác phẩm từ bản thân họ, mà họ nhận lấy như một nhiệm vụ. Đấy là thời kì, khi các tác phẩm cộng đồng lớn (được gọi là) các nền văn hóa tạo ra đời sống.

Nhiều nguồn cho thấy vào giữa thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên, sự tạo dựng tác phẩm cuộc đời bắt đầu biến thành nhiệm vụ cá nhân. Nhưng trước hết điều này phụ thuộc vào biến cố tôn giáo, khi con người không kiếm tìm cảm hứng một cách cộng đồng nữa mà như một cá nhân.

Từ đó cho tới nay sự sáng tạo tác phẩm cuộc đời của cá nhân phụ thuộc vào tư tưởng của sự bất tử cá nhân, và trở thành một hành động cao cả. Sự thật là bên cạnh ý nghĩa của tác phẩm cuộc đời cá nhân, tác phẩm của cộng đồng ngày một giảm. Những tác phẩm cá nhân, như của nhà tiên tri, của thánh, vua, người anh hùng, nhà thơ và những người khác nữa, đều khoác một hình hài cá nhân.

Những thí nghiệm cộng đồng hóa ngày càng trở nên tuyệt vọng, và ngày nay ở bất kì lĩnh vực cộng đồng nào, trong dân chúng, đẳng cấp, giai cấp, quốc gia, tôn giáo không thể hình dung ra nổi một niềm cảm hứng. Có thể con người không còn khả năng tan hòa thật sự vào bất kì một cộng đồng nào nữa.

Không bao giờ còn các nền văn hóa nữa, và việc xây dựng một nền văn hóa mới là vô nghĩa. Không còn các tôn giáo, dân tộc, giai cấp. Chỉ còn một tập thể người duy nhất, một nhân loại rải rác trên trái đất, và trong tập thể người này niềm cảm hứng (tác phẩm cuộc đời) mang tính cá nhân.

Tập thể ngày hôm nay chỉ dâng mời niềm cảm hứng thấp kém trong giá tri cho con người, và chỉ những sinh linh đã xa rời bản chất của con người chấp nhận, bắt buộc phải chấp nhận. Giờ đây, trong giây phút này, cộng đồng là chướng ngại vật cho việc thực hiện tác phẩm cuộc đời cá nhân.

Từ ngày xuất hiện Thiên Chúa giáo cho đến nay, cảm hứng như thế nào được gọi là cao quý, tác phẩm như thế nào là dành cho bản thân, trong vĩnh cửu cần chọn nơi nào ẩn náu, đều do tự bản thân con người quyết định.

Một ví dụ về con người xác thực của thế kỉ 20 không là một kẻ đứng đầu nhà nước, một vị tướng, hay một tỉ phú, một nhà bác học hay họa sĩ mà dà một nhân vật như Albert Schweitzer ((1875-1965) bác sĩ, linh mục người Đức, đoạt giải Nobel 1952). Khi thế gian đầy rẫy những kẻ trưng diễn khoe khoang, những người như Albert Schweitzer chỉ có một.

Một nhiều hơn một vạn, Heracleitos từng nói. Tác phẩm cuộc đời là bản chất của con người.

Albert Schweitzer đã định nghĩa tác phẩm cuộc đời bằng ngôn ngữ của Kinh Thánh, bởi như thế tất cả mọi người lập tức hiểu ngay, ông nói: Thiên Chúa không dạy dỗ về tha thứ tội lỗi hay sự phục sinh, mà dạy rằng con người phải chung tay xây dựng đất nước của Thượng Đế.

Đây là tác phẩm cuộc đời, từng con người phải tự tạo dựng và đối với toàn thể nhân loại chúng ta bắt buộc phải thực hiện, bởi vì nếu không, chúng ta sẽ bị hủy diệt.

Đất nước của Thượng Đế là bầu khí quyển chung của nhân loại, và là tất cả các tác phẩm cuộc đời cá nhân của con người, là ý nghĩa của thời kỳ lịch sử, một thời kỳ thực chất thay thế vào chỗ của các nền văn hóa đã giải thể, là chất làm tan hòa những dân tộc, những giai cấp, những tôn giáo đã bị tách rời nhau và đặc biệt là những cá thể tách biệt nhau trong sự đồng nhất vũ trụ, là sự thực hiện hình hài sự sống sau cùng cao hơn cả sự tồn tại của thời kì hoàng kim ban đầu.

Sự việc vô cùng giản dị: trong khi các dân tộc trên trái đất bị tàn sát, Schweitzer trong rừng cố cứu chữa các con bệnh, trong khi trên trái đất sự đê tiện thô bỉ nhất ngày càng tiếp diễn vì quyền lực và của cải, thì Schweitzer làm việc để có tiền mua thuốc cho các con bệnh. Không thể có sự thật nào giản dị hơn. Cả đến tính chất thiên tài cũng không cần nốt, để có thể trở thành một con người bình thường giản dị như vậy.

Nền tảng của những cuốn sách thiêng là trật tự. Trật tự chỉ có một, preegzisztens, có nghĩa là đã từng có trước kia và đang có, như thế gian này. Trật tự là thứ tự nó điều chỉnh bản thân từ nó, là thứ liên tục sắp xếp và giữ cho có trật tự.

Đấy là trật tự siêu hình (Ấn Độ, Trung Quốc), đấy là trật tự khách quan vũ trụ (Orpheus), đấy là trật tự tôn giáo và đạo đức (Iran, Judea), là trật tự của đời sống người ngày nay, trong vĩnh cửu (Thánh Kinh).

Nếu ý thức về trật tự bị đánh mất, xuất hiện hệ thống. Hệ thống là thứ muốn trở thành trật tự, nhưng không được, nó luôn luôn đánh mất một cái gì đó ở một nơi nào đó, và chính từ điều này nó thất bại.

Người định nghĩa tư tưởng này là Rudolf Kassner.

Ngôn ngữ của trật tự có thể nhận ra: không chứng minh (không ngụy biện), mà tuyên bố (lời tuyên ngôn). Nhưng trong thời kì lịch sử, các nhà nước, các xã hội, các tôn giáo, các thế giới quan và các nền triết học không được tạo dựng bởi trật tự mà bởi hệ thống.

Ở châu Âu – trừ một vài nhà tư tưởng ngoại lệ – người ta chỉ xây dựng các hệ thống. Các hệ thống của những tư tưởng tùy ý được xây dựng bằng các dẫn chứng vô tận (ngụy biện, biện chứng) những điều ít nhất tại một vài nơi đã chứng minh sự phi lí của nó và đã sụp đổ. Cho đến tận hôm nay chúng ta vẫn đang sống trong những mảng đổ nát của toàn bộ các hệ thống.

Nếu một tư tưởng cần đến sự chứng minh, đấy là một tư tưởng kém cỏi, Vauvenargues (nhà văn Pháp Luc de Clapiers Vauvenargues, (1715-1747)) đã nói.

Các nhà đạo đức không cần những thủ tục phiền toái để phát biểu họ muốn gì. Bởi nếu như vậy từ các tác phẩm trào lộng (epigramma) của Chamfort có thể xây dựng nên một hệ thống lớn như của Kant (Nicolas Chamfort (1741-1794) nhà văn trào lộng Pháp nổi tiếng.).

Các nhà đạo đức muốn một thứ ngôn ngữ xác thực. Những nhà tiên tri đạo đức tầm cỡ thế giới (Montaigne, Sebastian Frank, Erasmus, Pascal, Kierkegaard, Lichtenberg, Nietzsche) đòi hỏi cái đang có. Không cần đến hệ thống. Chỉ một câu là đủ.

Sự sống trong hình hài đang có của nó, như chúng ta đang sống, rách rưới, đầy thiếu hụt, đầy những hố sâu, lỗ thủng, là những mảnh vỡ và sự xuống dốc, và các loại chủ nghĩa đối kháng đang bóp chết lẫn nhau.

Việc tránh xa các mâu thuẫn để xây dựng một thế giới bằng phẳng và dễ chịu, trong đó quá nửa là sai, vô nghĩa. Cái xác thực, đúng với châu Âu không phải những gì hệ thống của Aquinoi Tamás, Descartes, Kant, Hegel nêu lên, mà của nhà đạo đức.

Hệ thống, trong mọi trường hợp là hình ảnh của bộ máy quyền lực. Chúng ta đều biết bộ máy quyền lực lúc nào cũng chiếm đoạt, ăn cướp sự sống. Hệ thống đứng ngáng con đường thực hiện trật tự.

Hệ thống là hiện tượng trừu tượng một lần, còn trật tự là biểu hiện của cái vô tận. Hệ thống là một cục vón, còn trật tự đơn thuần là một ý nghĩa. Trong trật tự có tất cả, trong hệ thống luôn luôn bỏ sót một cái gì đó.

Mọi hệ thống đều cố gắng mẫu mực, bởi vậy cố gắng tỏ ra nghiêm chỉnh. Bởi vậy nực cười. Trật tự trong mỗi phút đều khác, nhưng vẫn là như vậy. Trật tự luôn luôn mở, hệ thống luôn luôn khóa và khả năng thuận lợi nhất mà nó mời chào là sự ẩn nấp, giấu giếm.

Trong hệ thống con người chứng minh một cách khổ sở những điều phần lớn không làm được. Chứng minh là chiến thuật bảo vệ của con người ẩn nấp trong hệ thống.

Hình tượng của tư duy trật tự là trào lộng, luôn mở và không chứng minh. Đạo đức kinh, Luận Ngữ, Heracleitos, Ve dan ta, Sankja, các nhà thông thái Hi Lạp, Talmud, các nhà đạo đức học, ai viết nhiều hơn lượng chứa nổi trong một danh thiếp, kẻ đó không nói đúng sự thật.

Trật tự thiêng là cái thường nhật êm đềm.

Trong hệ thống, mức độ của các sự vật là con người (sự ngụy biện). Bởi vậy cần đến sự chứng minh. Biện chứng ngụy biện là sự can thiệp thô bạo vào trật tự tuyệt đối của sự sống; trào lộng là một quá trình cấp cao của tư tưởng. Kẻ nào nằm trong ý thức của trật tự, kẻ đó không cần đến hệ thống (Đạo Lão). Hệ thống là hình thức tuyệt vọng của sự vô chính phủ, và giữa mọi thứ, tuyệt vọng nhất là trạng thái ảo tưởng.

Trào lộng hiện đại là một kẻ đầu cơ không bị phạt (Paul Valéry (1871-1945) nhà thơ Pháp), là sự săn lùng khả năng vô trách nhiệm. Văn học muốn tự bảo vệ nó khỏi những lời tràng giang đại hải vô nghĩa, nên đã tạo dựng những li kì độc đáo ngôn từ.

Hệ thống tuyệt đối (théorie pure) không nói lên điều gì, chỉ chứng minh. Đây là nền tảng bộ máy của một quá trình chỉ tự chứng minh cho bản thân. Đây là sự quan liêu, là kĩ thuật, khoa học, là quyền lực nhà nước, tổ chức công nghiệp, tự động hóa, máy móc hóa, các lí thuyết bấm nút. Là hệ thống tàn phá sự sống.

Nền tảng của hệ thống là lí thuyết, lí thuyết là nguyên tắc cứng nhắc, nguyên tắc dẫn đến sự khủng bố. Đây là một kiến trúc trừu tượng. Một tư duy mù lòa. Một triết học nhà tù: cái gì là quy tắc hợp lí trong nhà tù đây, ý thức hệ nào làm cho đời sống trong nhà tù dễ chịu hơn đây.

Còn sự khác biệt? Nước Nga: hãy trở thành chỉ là một nhà tù chung. Nước Mĩ: mỗi người hãy là một nhà tù riêng.

Con người có nghĩa vụ đối với tác phẩm. Trong ý thức về tác phẩm không ai có thể nói đến những quan điểm thực hành, như sinh kế và hiệu quả chẳng hạn. Cần giữ một sự nhất quán mà không ai có thể nói đấy là của họ, nhưng cũng không ai phủ nhận được.

Nếu con người sống trong trật tự hiện thực cao hơn của tác phẩm, nó sẽ có nhận thức về sự hiện hữu của một quyền lực lớn hơn nhiều so với những sức mạnh bên trong bản chất sinh học của nó, và sẽ là một sự điên rồ thuần túy nếu nó đồng hóa nó với sức mạnh ấy.

Sự khác biệt là nếu tôi hiến dâng cuộc đời tôi cho tác phẩm, tôi chỉ đau khổ, nhưng nếu tôi từ chối tác phẩm, tôi đã bôi bẩn nó.

Sự hoạt động mê muội và vô phương cứu chữa của châu Âu là một cản trở trước kia (nay vẫn còn) để hiểu những từ ngữ cơ bản của các cuốn sách phương Đông cổ thiêng liêng. Những từ ngữ cơ bản này – chưa nói đến những điều khác – trước hết là sự diễn tả trạng thái cao nhất con người có thể đạt tới.

Những từ ngữ cơ bản này trong tiếng Sánkhja là purusa-prakriti, trong Kinh Vedanta là atmanniết bàn, trong yoga là nivritti, trong Kinh Phật là sunjata (Bồ đề tâm tuyệt đối), trong Đạo Lão là vô vi.

Không có khả năng để hiểu bởi vì ở châu Âu ngay từ đầu người ta đã phân tích những từ ngữ này trong mối quan hệ hành động và không hành động, và dịch ra như thế. Người ta cho rằng cái gì không hoạt động, cái đó tất yếu phải là phi hành động, nghĩa là phải là sự thụ động.

Một phương pháp phân tích như vậy sai lầm cơ bản. Sai lầm trong thời cổ, trong suốt thời trung cổ (huyền học – mistika), trong thời đại mới (chủ nghĩa kvietizmus). Một trong những nỗ lực tinh thần cơ bản của châu Âu đã bị thất bại vì những sai lầm này, đấy là phong trào soledad. Những người theo phong trào này đơn giản không biết họ muốn gì, nhất là người lãnh đạo phong trào Molinos (Miguel de Molinos (1628-1697) linh mục Tây Ban Nha).

Những từ ngữ cơ bản của các cuốn sách thiêng có thể hiểu được nếu ta tiếp cận không từ sự hoạt động mà từ tư tưởng của tác phẩm cuộc đời.

Từ vô vi dịch sát nghĩa không phải là sự thụ động không làm gì cả, mà là trạng thái tĩnh lặng khi xây dựng tác phẩm cuộc đời.

Trong yoga từ nivritti không có nghĩa là sự thụ động của ý thức mà là sự xoa dịu trạng thái bồn chồn bất ổn mà con người cần tự gây dựng cho mình khi làm tác phẩm cuộc đời.

Từ niết bàn không phải là một sự trống rỗng, không sự sống, không là cái gì cả, mà chính là trạng thái trong suốt tinh khôi sau cùng, khi hoàn thành tác phẩm cuộc đời.

Bởi vì sự phá hủy của tác phẩm cuộc đời chính là sự còn lại tuyệt đối của bản chất. Tác phẩm cuộc đời luôn luôn là khách thể, và nếu là khách thể, nó ở trong thế gian, nó sẽ mất, thay đổi, là ảo ảnh; còn nếu nó không trở thành đối tượng, bản chất nó còn lại trong tồn tại tuyệt đối.

Những từ ngữ cơ bản của các cuốn sách thiêng chỉ đường cho việc xây dựng tác phẩm cuộc đời, hay nói cách khác nó chỉ ra sự giải phóng khỏi những gánh nặng của những hành động tốt-xấu tích lũy trong quá trình hoạt động.

Có một từ tiếng Phấp rất may mắn và chính xác diễn tả sự triệt tiêu với nghiệp: Désoeuvrement;sự giải thể tác phẩm cuộc đời, hay một cái gì đó tương tự.

Trong mọi trường hợp, trong sự sáng tạo ra tác phẩm cuộc đời chứa đựng sự vô tình, không bận tâm, là thứ không phải sự hoạt động, cũng không phải phi hành động, như Kinh Ấn Độ Bhagavadgíta đã dạy: không prakrit cũng chẳng phải nivritti.

Và nếu không phải là cái này cũng chẳng phải là cái kia, thì chắc chắn là sự tiêu diệt những mầm nghiệp quả, và là một hoạt động, thay vào việc xây đắp, tháo gỡ, nghĩa là thay vào việc tạo ra những khả năng dành cho số phận người mới bằng hành động, lời nói, tư tưởng, lại diệt trừ, soi sáng và “tính sổ” với những liên hệ, những lớp số phận mới tích lũy ngày một nhiều hơn trong con người.

Việc tích nghiệp người Trung Quốc gọi là teh, người Ấn Độ gọi là sakti, tiếng Sánkhja gọi là prakriti, là sự hoạt động, là thân sinh, là nguyên tử âm, là thứ tạo nên đời sống; bởi vì sự tương đồng (analog) của sáng tạo tác phẩm cuộc đời là sự sinh nở.

Khi nói đến sự tháo bỏ tác phẩm cuộc đời, các cuốn sách thiêng tuyên bố: là sự tính sổ với tác phẩm của người đàn bà (sakti, prakriti, teh). Bên cạnh đó cần làm tắt đi những đợt sóng ý thức và sự bất an của ý thức. Đấy là mục đích duy nhất của Kinh Joga Patandzsali: csitta vritti nirodah. Đấy là nỗ lực của đạo Phật, là tâm Bồ đề tuyệt đối (sunjata),mahasunjata, là sự trống rỗng tuyệt đối.

Không dựng thêm nghiệp, không gỡ nghiệp. Là sự tháo bỏ tất cả. Ở châu Âu người ta nói đấy là sự thanh toán lịch sử, bước ra khỏi lịch sử. Nhưng nếu cần phải hành động, hãy làm thiếu vắng cái tôi. Nếu cần phải nói, lời nói hãy là vô ngôn. Nếu suy nghĩ, hãy phi tư tưởng.

Hãy thả lỏng, để các sức mạnh thông qua ta tòa khắp thế gian, nhưng bản thân ta không tham dự cũng như không thụ động trong quá trình ấy. Bởi vậy lời dạy của Đức Phật là lời dạy hoàn hảo nhất khi Ngài trao cho một kẻ tu hành một cành hoa và không nói một lời.

Sự gỡ bỏ tác phẩm cuộc đời là sự gỡ bỏ kết quả của một hoạt động khi trong con người những khả năng số phận mới hơn tăng lên, những khuynh hướng mới hơn, những dục vọng không được thỏa mãn xuất hiện, những mong ước, mục đích, sự thèm muốn, những vấn đề chưa giải quyết, sự dính mắc, lòng hận thù, sự ghen tị, sự ghen tuông, sự háo danh. Tất cả những điều này là kết quả của nỗi khát sống muốn kéo dài đời sống đến vô tận.

Nói đúng hơn là khi con người đồng nhất mình với cái tôi cá nhân, kẻ mang những dục vọng; những đòi hỏi, bản năng không được thỏa mãn. Trong trạng thái mà truyền thống Ấn Độ và Trung Quốc gọi là vô viniết bàn, sự đồng nhất của con người với cái tôi cá nhân bị xóa bỏ.

Kẻ hành động, không phải là nó, mà là một thế lực thông qua nó, ở bên trong nó. Bản thân nó trống rỗng. Bởi vậy Gúenon đã nói, trạng thái giải phóng không phải trạng thái đứng trên con người mà là một sự kiện xảy ra ngoài không-thời gian và lớn hơn con người, là sự kiện mà các nguyên tử hoạt động của nó không phải là cái tôi cá nhân của con người, nghĩa là không xảy ra trong sự đồng hóa với cái tôi.

Điều này vượt qua cái tôi cá nhân hóa, và đặc thù vì không chỉ vượt qua mà còn phá vỡ cả cái tôi cá nhân hóa. Chỉ còn lại: sự trống rỗng, niết bàn, tâm Bồ đề tuyệt đối, còn lại mahasunjata. Và bởi vì mối quan hệ giữa hoạt động và bản chất con người bị phá vỡ, kết quả và dấu ấn của hoạt động không tích lũy trong bản chất con người nữa, không tập hợp trong bản chất con người nữa, và trong con người không tạo dựng một số phận mới, nghĩa là không trở thành tác phẩm cuộc đời.

Tác phẩm cuộc đời sẽ là: sự trống rỗng. Phi- tác phẩm. Cái duy nhất chắc chắn và bền vững, và tuyệt đối, và vĩnh cửu, và sau cùng. Con người vứt bỏ tất cả mọi sự đồng nhất, chỉ giữ lại duy nhất có một thứ, sự đồng nhất với trống rỗng.

Sự đồng nhất duy nhất, mà bên cạnh nó mọi sự đồng nhất với các hành động khác, các tư tưởng khác, với ngôn từ hoặc tác phẩm khác đều sai lầm, giả dối, đây là sự đồng nhất một cách hiện thực, đúng đắn, và chân thực. Đây là điều Gúenon nói với bản sắc tối cao (identité supreme): sự tồn tại này là sự đồng nhất ở cấp độ trên cùng.

Tác phẩm cuộc đời hoàn hảo là phi-tác phẩm. Không thể phóng rọi ra ngoài, mà chỉ là kết quả đã hiện thực hóa trong bản chất con người. Từ phi-tác phẩm này số phận không dệt tiếp tục. Hành động thực hiện tác phẩm này không phải sự tạo dựng mà là một quá trình cho đi và phá vỡ, đến chừng không còn gì hết, lúc đó là sự cho đi của hư vô, sự từ bỏ của từ bỏ.

Bình luận
Ads Footer