NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Thần Thoại Hy Lạp

Ulysse Và Diomède Đột Nhập Vào Doanh Trại Quân Troie Trinh Sát

Tác giả: Nguyễn Văn Khoả
Chọn tập
Ads Top

Vào một đêm trời tối đen như mực, doanh trại quân Hy Lạp chìm đắm trong giấc ngủ. Từ các dũng tướng cho đến anh em chiến sĩ ai nấy đều ngủ say mê mệt. Tiếng ngáy vang lên râm ran trong các lều trại. Tuy nhiên có một người không ngủ, đó là vị Tổng Chỉ huy Agamemnon. Tình hình quân Hy Lạp đang trong tình thế hiểm nghèo. Nỗi lo lắng đè nặng lên trái tim vị chủ tướng. Phải làm cách gì để gỡ ra khỏi thế bị bao vây hiện nay, cứu thoát đoàn quân Hy Lạp. Agamemnon trằn trọc trên giường. Sau cùng, chàng thấy tốt hơn hết là tìm đến lão vương Nestor để bàn bạc, định liệu xem có thể hoạch định một thế trận phản công tối ưu như thế nào đó để giải thoát khỏi thế trận hiểm nghèo, và vị chủ tướng rời khỏi giường, bận nhung y võ phục vào người, cầm lao khoác khiên ra đi. Agamemnon vừa ra đi thì gặp ngay người em ruột của mình là Ménélas. Bản thân Ménélas cũng không sao chợp mắt được, trách nhiệm của một vị tướng đè nặng lên trái tim của chàng, chàng sẽ dắt dẫn những binh sĩ của mình trong cuộc chiến đấu sắp tới, ngày mai, ngày kia đi tới đâu: phá được vòng vây và tiếp tục truy đuổi quân Troie về tận chân thành hay làm mồi cho thần Chết-Thanatos? Và thế là hai anh em bàn định việc triệu tập ngay trong đêm khuya một cuộc họp các tướng lĩnh. Cuộc họp được triệu tập lặng lẽ, không dùng viên truyền lệnh xướng loa để khỏi làm mất giấc ngủ của ba quân. Agamemnon đến gọi lão vương Nestor rồi cả hai đến gọi Ulysse, Diomède. Khác với mọi lần, lần này Hội đồng Tướng lĩnh họp ngay ở vọng gác tiền tiêu của quân Hy Lạp, trên một bãi đất bằng phẳng. Lão vương Nestor, người điều khiển chiến xa thành thạo, cất tiếng nói trước tiên:

– Hỡi các chiến hữu! Muốn hoạch định cho trận giao tranh sắp tới, chúng ta cần phải biết được ý đồ của quân Troie. Ta muốn ngay trong đêm nay, lợi dụng lúc tối trời, một dũng tướng gan dạ đột nhập vào doanh trại quân Troie để thám thính, trinh sát tình hình. Có thể anh ta với tài năng của mình bắt sống được một vài tên quân canh ở vọng gác tiền tiêu. Nếu không, anh ta lắng nghe những câu chuyện mà đám lính Troie bàn bạc, anh ta thu lượm chỗ này một chút, chỗ kia một ít. Từ đó, chúng ta sẽ tìm hiểu xem quân Troie có ý đồ gì. Liệu chúng có thể dám mạo hiểm đóng quân trụ lại ngay tại nơi đây ở cách xa thành của chúng không? Hay chúng có thể, mặc dù giờ đây đang có ưu thế, dừng cuộc tiến công lại và quay trở về thành? Chỉ cần người dũng tướng đó trở về an toàn và đem cho ta những tin tức ta cần biết. Như thế cũng là một chiến công to lớn lắm rồi. Hội đồng Tướng lĩnh sẽ trọng thưởng người anh hùng đó, và người anh hùng đó sẽ được mời ngồi vào vị trí danh dự trong những bữa tiệc mừng công cũng như trong các bữa tiệc của mọi lễ hội.

Lão vương Nestor nói xong và ngồi xuống. Cả Hội đồng Tướng lĩnh im lặng một hồi lâu, nhưng rồi tướng Diomède người có tiếng thét kinh thiên động địa, đáp lại. Chàng xin lãnh nhiệm vụ đột nhập vào doanh trại quân Troie để do thám tình hình. Chàng xin Hội đồng Tướng lĩnh cử một người nữa đi cùng với chàng. Có hai người công việc sẽ thuận lợi hơn. Người này yểm trợ cho người khác. Nghe Diomède nói, các tướng lĩnh đều tỏ ra sẵn sàng. Hai chàng Ajax, Ajax Lớn và Ajax Bé, xung phong xin đi trước tiên. Rồi chàng Mérion, con trai của lão vương Nestor cũng tỏ ra không chịu thua kém. Dũng tướng Ménélas, người con của Atrée, một chiến sĩ danh tiếng lẫy lừng, và Ulysse người anh hùng từng trải, đều tỏ ý muốn được đảm nhận nhiệm vụ vẻ vang. Tổng Chỉ huy Agamemnon thấy vậy bèn quyết định trao cho Diomède toàn quyền chọn lựa. Diomède chọn Ulysse. Và hai người ra đi, chìm vào bóng đêm dày đặc.

Cũng trong đêm ấy, bên phía quân Troie, dũng tướng Hector người chỉ huy không thể chê trách được triệu tập Hội đồng Tướng lĩnh tới để nghị hội. Chàng kêu gọi một vị tướng nào đó trong Hội đồng xung phong đảm nhận việc đột nhập vào khu vực chiến thuyền của quân Hy Lạp để điều tra:

– Hỡi các dũng tướng! Tình hình mà chúng ta cần biết là sau những trận thất bại vừa rồi, quân Hy Lạp liệu có còn tinh thần chiến đấu nữa hay không? Quanh khu vực chiến thuyền việc canh phòng có cẩn mật như trước đây hay không? Liệu có dấu hiệu gì tỏ ra quân Hy Lạp đang chuẩn bị rút quân về nước không? Có thể do thất trận, do quân Hy Lạp có ý đồ rút lui mà việc canh phòng lơ là, ý chí rã rời, kỷ luật lỏng lẻo không? Dũng tướng nào dám đảm đương trọng trách này sẽ được ta trọng thưởng.

Hector nói xong, cả Hội đồng Tướng lĩnh im lặng, nhưng một người trong số các tướng lĩnh Troie dự họp, bật đứng dậy xin đảm nhận trách nhiệm nặng nề đó. Đấy là chàng Dolon người anh hùng con trai của Eumède, người truyền lệnh thần thánh, nổi danh vì giàu có, đồng lắm vàng nhiều. Dolon hăng hái ra đi, lao vào bóng đêm đen nhằm thẳng hướng khu vực các chiến thuyền Hy Lạp neo đậu, đi tới, và chính trong khi Dolon đột nhập khá sâu vào khu vực doanh trại của quân Hy Lạp thì bị Diomède và Ulysse phát hiện. Hai người anh hùng Hy Lạp liền dấn bước chạy đuổi theo Dolon. Còn Dolon nghe tiếng chân người chạy liền vội nằm áp tai xuống đất để lắng nghe. Chàng ngờ rằng có thể Hector thay đổi ý định cho người đuổi theo chàng để truyền cho chàng biết lệnh mới, gọi chàng trở về. Bất hạnh thay cho Dolon, khi hai người anh hùng Hy Lạp xuất hiện cách chàng chỉ còn khoảng một tầm lao thì chàng mới nhận ra họ không phải là những chiến sĩ Troie. Chàng bật dậy cắm đầu chạy. Ulysse và Diomède đuổi theo, thét lớn: “Đứng lại! Đứng lại!” Nhưng Dolon vẫn chạy. Tức thời một ngọn lao phóng theo lướt qua vai Dolon và cắm phập xuống đất. Dolon dừng lại và chịu đầu hàng. Không chậm trễ, những người anh hùng Hy Lạp khai thác tin tức. Qua lời khai báo của Dolon, họ biết rõ được những vị trí đóng quân của từng đơn vị quân Troie. Quan trọng hơn cả là họ được biết có một đạo quân của người Thrace vừa tới tiếp viện. Chỉ huy đạo quân này là nhà vua Rhésos có trong tay những chiến mã phi thường, cao lớn, to khỏe chưa từng thấy, chạy nhanh như gió lốc. Đặc biệt là bầy chiến mã hết thảy đều trắng phau như tuyết, còn cỗ xe của vua Rhésos và vũ khí của ông ta đều toàn bằng vàng bằng bạc. Cuối cùng, thấy không khai thác được thêm tin tức gì ở tên tù binh Troie này nữa, hai người anh hùng Hy Lạp kết liễu đời hắn.

Chiến công tiếp theo của Diomède và Ulysse lại còn lớn hơn nữa. Biết đạo quân của Rhésos vừa chân ướt chân ráo mới đến mệt nhọc, canh phòng lơ là, hai vị anh hùng Hy Lạp quyết tâm đột nhập đoạt bầy ngựa quý và cỗ chiến xa. Họ bò sát vào lều trại của quân Thrace mà không một ai hay biết. Tất cả đều ngủ say như chết. Người anh hùng Diomède con của Tydée bật dậy dùng lao đâm vào những chiến sĩ người Thrace đang ngủ. Máu đỏ tràn ra lênh láng trên mặt đất. Chỉ trong phút chốc chàng đã đâm chết mười hai chiến sĩ người Thrace. Còn Ulysse cứ mỗi khi Diomède giết chết một tên quân Thrace là chàng lập tức cầm chân hắn lôi ra ngoài để lấy lối đi cho bầy ngựa: Người thứ mười ba bị Diomède giết chết là nhà vua Rhésos. Lúc này Ulysse đã tháo được bầy ngựa ra. Chàng lùa chúng đi và huýt sáo làm ám hiệu gọi Diomède, nhưng Diomède vẫn muốn tước đoạt nốt cỗ xe của nhà vua, hiềm một nỗi chưa biết xoay sở thế nào. Nữ thần Athéna đã theo dõi công việc của hai người anh hùng Hy Lạp. Biết được nỗi băn khoăn của Diomède, nữ thần liền xuất hiện và phán truyền cho Diomède phải trở về ngay kẻo bị lộ. Thế là Diomède cưỡi ngựa, Ulysse lùa đàn ngựa chạy như bay về doanh trại quân Hy Lạp.

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer