5.1 Các nguyên tắc bất biến để học nhớ từ lâu
Hồi trước còn học tiếng Anh ở thời phổ thông thì lúc đó cách học từ duy nhất là flashcards (thẻ từ). Tôi lao vào học từ như một con thiêu thân, tôi nghĩ từ vựng là tất cả. Tôi viết từ mới và viết loại từ, nghĩa từ ở bên cạnh, sau đó mỗi giờ ra chơi giữa các tiết học, tôi lôi ra và ôn tập tất cả các từ đó. Tôi học nhiều từ đến mức mà cô hỏi và động đến từ nào tôi cũng biết, và các bạn cứ hỏi tôi là tôi đi học thêm ở đâu. Nhưng sự thực là tôi chỉ tự học. Và tôi cứ nghĩ là mình giỏi, cho đến khi tôi bước chân vào đại học năm nhất, lúc đó do yêu cầu của các môn học nên tôi mới bắt đầu học nghe (mà đáng nhẽ tôi và các bạn phải bắt đầu nghe trước khi học bất cứ cái gì khác), tôi mở ti vi lên và chẳng nghe được chút nào cả, tôi thực sự bị sốc nặng rằng bao nhiêu năm tháng mình đã học rất chăm chỉ tại sao bây giờ lại không nghe được họ nói từ nào. Thường thì khi học từ theo flashcards, chúng ta chỉ nhớ được ngắn hạn và không thể dùng được khi ta cần.
Active vocabularies and Passive vocabularies (Từ vựng chủ động và từ vựng bị động)
Có hai loại từ vựng, đó là từ vựng chủ động và từ vựng bị động. Từ vựng chủ động là những từ khi nghe và đọc chúng, bạn có khả năng hiểu chúng ngay lập tức và có khả năng sử dụng chúng khi bạn nói và viết. Từ vựng bị động là những từ khi nghe và đọc chúng, bạn chỉ có khả năng hiểu chúng chứ khi muốn dùng trong thực tế thì bạn lại gặp khó khăn. Đây là một điều hoàn toàn bình thường, không phải do bạn trí nhớ kém hay thiếu vốn từ vựng, đây là quá trình học tự nhiên. Nếu từ nào bạn học sâu và đủ kĩ thì nó sẽ tự khắc hiện lên khi bạn cần chúng. Và lượng passive vocabularies bao giờ cũng gấp nhiều lần lượng active vocabularies. Chúng ta không việc gì phải lo lắng về vấn đề này vì tôi xin nhắc lại đây là một điều hoàn toàn bình thường. Bạn muốn dùng được nhiều từ phong phú hơn trong giao tiếp và viết lách thì chỉ cần tăng lượng passive vocabularies lên và học thật sự kĩ và sâu những từ mình muốn dùng. Cuốn từ điển có hàng trăm ngàn từ vựng nhưng trong bối cảnh giao tiếp hàng ngày người bản xứ chỉ sử dụng khoảng 3000 từ, trong chuyên môn từ 5000 – 7000 từ, việc học từ vựng không hề đáng sợ như bạn tưởng.
Về sau, khi tìm hiểu ra tôi mới biết là mình đã học từ sai cách trầm trọng và bắt đầu quá trình sửa sai của mình. Và đây là một số gợi ý về học từ hiệu quả mà tôi học được cộng với trải nghiệm cá nhân của mình.
Khi học từ, nên học theo cả cụm từ đi kèm, không nên học từ đơn lẻ. Ví dụ: bạn muốn học từ “victory” thì nên học cả từ đối lập là “defeat”, và cả câu đi kèm là “We learn little from victory, much from defeat” (Chúng ta thường không học được gì nhiều từ thành công, nhưng chủ yếu từ các thất bại của mình).
Khi tra một từ, chúng ta nên học cả các loại từ của từ đó, cũng như chú ý các tiền tố, hậu tố của một từ, để rút ra quy luật để không phải bị mất nhiều thời giờ tra từ điển nhiều.
Ví dụ: devil (danh từ) – devilish (tính từ) – devilishly (trạng từ); expensive – inexpensive (đắt – rẻ); important (adj) – importance(n); patient (adj) – patience (n)…
Học từ trong các tình huống giao tiếp thực, sách vở báo chí dành cho người bản xứ chứ không học theo sách giáo khoa
Học từ vựng trong bối cảnh, một từ thường không có nghĩa khi nó có tình huống xung quanh nó
Gắn cảm xúc cao độ vào từ để nhớ từ nhanh chóng
Nghe đi nghe lại một bài học nhiều lần hoặc học đi học lại, cần có sự lặp đủ thì mới nhớ lâu
Nghe và đọc các tài liệu mình yêu thích để nhanh chóng “nạp” từ vựng một cách dễ dàng và nhanh chóng
Cách nhanh nhất để tăng vốn từ Quy trình học từ hiệu quả
Như ở phần “Then chốt của việc học nói”, tôi có nói về việc khi bạn kết nối được với cảm xúc thì các từ tiếng Anh được tuôn ra, ở đây ý tôi muốn nói với bạn rằng hãy học từ vựng qua trải nghiệm (experiences) chứ đừng cố nhớ chúng.
Mô hình mắt trong Neuro Linguistic Programming (NLP)
Visual constructed (Vc): kiến tạo hình ảnh mới
Visual remembered (Vr): nhớ lại hình ảnh đã có
Auditory constructed (Ac): kiến tạo âm thanh mới
Auditory remembered (Ar): nhớ lại âm thanh đã có
Kinesthetic (K): cảm xúc
Auditory digital (Ad) (self-talk): tự thoại
Trên đây là mô hình mắt (Eyes Accessing Cues) trong bộ môn NLP, bạn có thể sử dụng để học từ vựng một cách hiệu quả. Tôi sẽ hướng dẫn bạn học từ “obstacles” (chướng ngại vật) thông qua mô hình mắt này. Bối cảnh đi kèm là học cả câu: “I can’t imagine how many difficulties and obstacles you have conquered” (Con không thể hình dung được bố mẹ đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn và chinh phục được biết bao trở ngại trong cuộc sống)
B1: Vc – kiến tạo hình ảnh về từ “obstacles”, nhìn về phía trên bên tay phải (như trong hình). Bạn có thể hình dung ra một con đường nhựa thẳng tắp có hàng cây hai bên và những tảng đá được đặt ở giữa đường (những tảng đá chính là obstacles)
B2: Ac – kiến tạo âm thanh. Mở phần loa trong phần mềm từ điển lên và nghe, bạn nhìn sang ngang bên tay phải dọc theo chiều mắt (như trong hình). Bạn tiếp tục nghe từ đó được phát âm ít nhất 10 lần
B3: K – tạo cảm xúc. Bạn nhìn xuống dưới bên tay phải (như trong hình) và thêm cảm xúc vào bức tranh đang hình dung ra trong đầu. Cảm xúc ở đây có thể thấy là khó chịu, thách thức, vì là “chướng ngại vật”.
B4: Vr – nhớ lại hình ảnh, nhìn về phía trên bên tay trái (như trong hình) để gợi nhớ lại con đường, hàng cây và những tảng đá.
B5: Ar – nhớ lại âm thanh, bạn nhìn sang ngang bên tay trái dọc theo chiều mắt (như trong hình) để nhớ lại phát âm mà lúc nãy từ điển đã đọc cho bạn nghe
B6: Ad – tự thoại, bạn nhìn xuống dưới bên tay trái (như trong hình) sau đó lặp lại từ đó ít nhất 10 lần
Lặp lại từ B1-B6 với yếu tố mới trong câu là “parents”:
B1: Vc – hình dung ra cảnh con đường với 2 hàng cây và những tảng đá ở giữa đường, nhưng lần này có hình ảnh bố mẹ xuất hiện nắm tay nhau đang đi trên con đường đó.
Cứ thế bạn làm tiếp các bước và nghe từ điển đọc tất cả các từ trong câu và bạn lặp lại cả câu. Toàn bộ quá trình trên đã khiến một từ đơn lẻ trở thành một trải nghiệm nhỏ (mini-experience). Học theo cách này mỗi lần cần dùng đến từ “obstacles” là bạn chỉ cần kết nối lại cảm xúc và hình ảnh âm thanh từ đó lại ùa về, đây là một quá trình của vô thức, và khi nói, các từ sẽ tự tuôn ra từ miệng bạn, âm thanh đó bạn đã lặp lại quá nhiều đến mức không thể quên được, trong đầu bạn đang xuất hiện lại hình ảnh bố mẹ bạn cầm tay nhau đi qua những tảng đá lớn trên con đường đó (nói một cách hình tượng, các bạn có thể tự lấy hình ảnh tưởng tượng để trở nên linh hoạt và phù hợp với bản thân). Học theo cách này bạn cũng đang ngăn lại quá trình dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và nói một cách tự động, tuôn từ bên trong ra. Đó là tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên!
Bây giờ tôi sẽ nói với bạn cách nhanh nhất để tăng vốn từ vựng. Đó chính là nghe và đọc những tài liệu cùng một chủ đề mình yêu thích. Các bạn có thể bắt đầu đọc truyện của thiếu nhi, truyện cực dễ kết hợp với nghe audio của cuốn truyện đó. Nếu có phim về truyện đó nữa thì càng tốt, bạn có thể coi phim đó luôn (nhớ tìm bản có phụ đề tiếng Anh). Học theo cách này thì bạn giống là đang giải trí hơn là đang học. Tuy nhiên nếu bạn ở trình độ mới bắt đầu thì không có nhiều lựa chọn là đôi lúc phải học các từ căn bản trước rồi mới bắt đầu nghe và đọc truyện hay tiểu thuyết được. Sau đó bạn tăng dần độ khó lên, đọc xong thì học từ mới, rồi lại đọc lại, rồi nghe audio. Sự vui thích và lặp lại chính là mấu chốt của học tiếng Anh.
Hay những bạn nào yêu thích bộ Harry Potter có thể mua cả 7 cuốn bản tiếng Anh về đọc kết hợp xem phim, trình tiếng Anh của bạn sẽ lên khủng khiếp. Ví dụ như bản thân tôi thì lúc trước tôi rất thích sách của Brian Weiss – một nhà Thần kinh học. Tôi đã mua gần như tất cả sách của ông ấy nói về việc trị liệu cho các bệnh nhân cộng thêm tìm các Audio sách nói về chính những cuốn sách đó. Mỗi một cuốn sách tôi đếm thấy có khoảng hơn 1000 từ mới. Một cuốn sách tôi đọc khoảng 1 tuần là xong. Tôi kết hợp nghe sách nói hằng ngày về chính cuốn sách tôi đọc nữa và tuần sau tôi lại lặp lại quá trình này (đọc + nghe). Như vậy trong một tháng tôi đã học được trên 1000 từ vựng (từ vựng bị động). Hãy tưởng tượng sau 1 năm học, 10 năm học nếu chúng ta tận hưởng tiếng Anh theo cách này. Tôi đọc đi đọc lại và nghe đi nghe lại không thấy chán, vì mục đích là tôi muốn học kiến thức của ông ấy, tôi không tập trung vào tiếng Anh; thì khi đó tiếng Anh lại thẩm thấu vào tôi nhanh hơn bao giờ hết. Khi bạn quá tập trung vào việc học từ, bạn sẽ tự tạo căng thẳng lên bản thân mà hiệu quả lại thấp. Focus on the content, not the words – Hãy tập trung vào nội dung bạn muốn tìm hiểu chứ không phải từ.
Khi nào thì bạn mới đủ từ vựng để nói và viết?
Sau khi bạn đã học được một thời gian, khoảng chừng nửa năm hoặc hơn thế, bây giờ bạn muốn xem khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình tới đâu nhưng còn e ngại? Bạn nói rằng sợ nói sai ngữ pháp, không đủ vốn từ, nói chưa trôi chảy. Tôi xin nhắc lại, nói trôi chảy là một ẢO TƯỞNG của tất cả mọi người học tiếng Anh, thậm chí cả TÔI! Bạn sẽ không bao giờ nói trôi chảy! Tôi và tất cả mọi người cũng vậy. Tại vì sao tôi lại nói thế? Bạn đừng hiểu nhầm ý tôi. Hãy thử nghĩ xem, kể cả khi bạn nói tiếng mẹ đẻ, có khi nào bạn đã trải qua cảm giác “không biết nên nói như thế nào cho phải nhỉ?”, “Mình cũng không biết phải diễn đạt như thế nào cho cậu hiểu nữa”… Thậm chí, nhiều lúc, hai người nói tiếng Việt nói chuyện một hồi với nhau nhưng cuối cùng một người nói “Tao chả hiểu mày đang nói về cái gì cả, nói lại đi!”. Tôi chắc chắn bạn đã từng trải qua các tình huống này. Trường hợp này xảy ra ở mọi ngôn ngữ, không riêng gì tiếng Anh hay tiếng Việt cả. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi người được sinh ra ở một nơi khác nhau, môi trường sống, nền tảng giáo dục cũng như cách nuôi dạy, tư duy khác nhau nên chúng ta dễ dàng nhận ra rằng vấn đề lớn nhất nằm ở việc giao tiếp.
Nhưng mọi chuyện không khó như bạn tưởng. Tôi có thể lấy ví dụ của chính mình: Đó là tôi không chờ đợi sự hoàn hảo, vì tôi biết tôi sẽ không bao giờ hoàn hảo cả. Hãy nhớ, đây là cuốn sách chia sẻ trải nghiệm học, tôi đã từng ở trong hoàn cảnh học “gà mắc tóc” như bạn nên tôi hiểu bạn đang phải trải qua những điều gì. Tôi cứ nói và nếu tôi có diễn đạt sai, thường thì người bản địa không quan tâm, hoặc nếu người đó có mối quan hệ khá mật thiết với bạn thì thi thoảng họ sẽ sửa lỗi đó cho bạn. Hoặc trong thực tế có những từ khi họ nói tôi không hiểu, tôi không giả vờ hiểu, tôi hỏi ngay lập tức, họ không ngần ngại giải thích cho tôi về từ đó, nó bắt nguồn từ đâu, vì ngôn ngữ đi kèm với văn hoá, bạn phải dùng trong tình huống thực bạn mới biết mình thiếu cái gì, cần bổ sung học thêm cái gì. Học tiếng Anh là cả một quá trình học – sử dụng – học – sử dụng và không bao giờ kết thúc cả. Và tôi đã học như vậy, đến ngày hôm nay, thi thoảng người đối diện nói với tôi là “I don’t understand what you mean, say again?” (Tao không hiểu ý mày đang muốn nói gì, thử nói lại xem nào?). Và khi đó, tôi sẽ diễn dạt lại, dùng từ dễ hơn và nói chậm hơn. Tôi cũng làm điều tương tự với người bản xứ. Vì đặc thù công việc là một người phiên dịch nên tôi tiếp xúc với nhiều kiểu tiếng Anh khác nhau, từ Anh-Anh, Anh-Mỹ, cho tới Anh-Sing, Anh- Malay, Anh-Ấn… nên mỗi vùng có thể có một chút sự khác biệt trong cách sử dụng thứ ngôn ngữ toàn cầu này. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Thật ra tôi chẳng giỏi giang gì, mỗi ngày “năng nhặt chặt bị”, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, học ngoại ngữ là một hành trình khá là thú vị nếu bạn đã có đà.
Chúng ta cần nhiều từ vựng bị động (passive vocabularies) hơn là từ vựng chủ động (active vocabularies). Theo nghiên cứu thì người bản xứ chỉ sử dụng khoảng 3000 từ thông dụng trong bối cảnh giao tiếp công việc hàng ngày, chuyên môn có thể từ 5000-7000 từ nên để nói và viết tiếng Anh không khó lắm, nhưng để hiểu được người bản xứ nói gì thì không hẳn là đơn giản. Khi nói chuyện với chúng ta, họ có xu hướng nói chậm hơn, dùng những từ đơn giản hơn để chúng ta hiểu được và giao tiếp được với họ. Nhưng khi bạn xem TV shows hay nghe hai người bản địa nói với nhau thì câu chuyện hoàn toàn khác. Bạn càng có nhiều từ vựng bị động thì càng tốt, cộng với khả năng nghe nhạy bén thì bạn sẽ hiểu được rất nhiều, đó là một tiêu chí quan trọng trước khi bạn đáp lời họ (không hiểu thì sao đáp lại được), và nó quyết định chất lượng của cuộc trò chuyện của bạn, không phải bạn nói cái gì mà bạn có thật sự hiểu và đồng cảm với câu chuyện của người nói hay không.
Đến cả ngày hôm nay tôi cũng không ngần ngại gì khi phải tra từ điển cách sử dụng của một từ. Đó là thói quen HÀNG NGÀY của tôi. Nhiều bạn nói rằng đọc sách truyện tiếng Anh cảm thấy nản vì cứ phải tra từ điển. Tra từ điển là điều bắt buộc không thể tránh khỏi, đến như học văn thơ tiếng Việt chúng ta còn phải nhìn xuống chú thích ở cuối trang xem từ “lạ” này nghĩa là gì, huống chi tiếng Anh! Vấn đề là chúng ta không chọn tài liệu quá khó, tiêu chí là hiểu được trên 95% thì hầu như không phải dừng lại tra