“Từ phát hiện sớm đến trị sớm các bệnh tim mạch đã được nhiều thầy thuốc nội ngoại khoa tim mạch quan tâm từ trên hai thế kỷ nay.Gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu, báo chí, phát thanh, truyền hình, hội thảo ở trong nước cũng như ở nước ngoài về chuyên đề các bệnh tim mạch nội ngoại khoa.Nhiều vấn đề mới đã qua nghiên cứu và áp dụng vào thực hành nội ngoại khoa tim mạch như mổ tim hở trong điều kiện tuần hoàn ngoài cơ thể kết hợp với hạ thể nhiệt nhân tạo ở nhiều mức độ khác nhau, can thiệp các bệnh tim mạch không xâm lấn, ghép tim giữa người cho (đã chết não) và người mắc bệnh tim nặng, ghép tim nhân tạo hoạt động song song với trái tim đã và đang bị hư hỏng nặng của người bệnh v.v…
Tuy vậy, trong cuộc sống, không phải ai cũng hiểu một cách đầy đủ về trái tim của mình, biết cách bảo vệ và am hiểu để điều trị tích cực nó khi lâm bệnh.Trong cuốn sách nhỏ này, tác giả chỉ muốn giới thiệu với độc giả về chẩn đoán, chỉ định điều trị các bệnh tim mạch bằng phương pháp mổ xẻ, hy vọng những thông tin trong tập tài liệu này sẽ giúp chúng ta hiểu biết, đề phòng và an tâm điều trị nó bằng phương pháp ngoại khoa khi có chỉ định.Phẫu thuật tim và màng ngoài tim là một trong những vấn đề phức tạp và quan trọng nhất trong lĩnh vực mổ xẻ điều trị các bệnh và thương tích ở các cơ quan trong lồng ngực.
Lịch sử của phẫu thuật tim đã có từ cuối thế kỷ XIX, khi Block là người đầu tiên tiến hành khâu vết thương tim trong thực nghiệm (1882) và nhà mổ xẻ Đức tên là Ren (1896) đã thành công trong việc đặt mũi khâu đầu tiên trên vết thương tim ở người. Đó là những cuộc mổ tim đầu tiên trên thế giới, đồng thời cũng là bước ngoặt lịch sử trong khoa mổ xẻ nói chung.Từ đó cho tới trên năm chục năm sau (1948), người ta vẫn chỉ mới dám khâu vết thương tim vì cho rằng nếu không khâu thì đằng nào bệnh nhân cũng sẽ chết, còn việc mổ xẻ để điều trị các bệnh tim thì chưa có một ai dám nghĩ tới.
Trong thực tế thì bệnh tim gặp nhiều hơn vết thương tim và nhiều bệnh tim không thể chữa khỏi được bằng phương pháp bảo tồn mà cần phải có bàn tay của người bác sĩ mổ xẻ. Do đó, yêu cầu điều trị các bệnh tim bằng phẫu thuật đã trở thành một vấn đề cấp bách. Mặc dù thế, mổ xẻ điều trị các bệnh tim vẫn là một lĩnh vực tương đối mới trong ngành phẫu thuật. Ngành mổ tim mới phát triển cách đây trên 55 năm. Riêng ở Việt Nam mổ xẻ điều trị các bệnh tim được bắt đầu từ năm 1958.
Kỹ thuật mổ tim rất đơn giản, nhưng trước kia, những người thầy thuốc chưa dám mở rộng công việc mổ xẻ này vì mấy lý do sau đây: chưa có những phương tiện chẩn đoán tốt và chính xác, kỹ thuật mổ còn ở mức độ thấp, sợ không dám tiến hành các cuộc mổ xẻ trên một cơ quan quan trọng như trái tim, sợ tim có thể ngừng đập trong khi mổ do choáng phản xạ, sợ mở màng phổi sẽ bị nhiễm trùng xoang màng phổi, v.v.., chưa có tổ chức và phương tiện gây mê hồi sức tốt.
Kết quả mổ xẻ chủ yếu phụ thuộc vào các điều kiện kể trên và vào tình trạng toàn thân của bệnh nhân trước khi mổ. Hiện nay nhờ có những máy móc và những phương pháp hiện đại để chẩn đoán bệnh tim, như thông tim để đo áp lực trong các buồng tim, định lượng dưỡng khí (O2) và thán khí (CO2) của máu lấy từ trong các buồng tim ra, chụp X quang cản quang các buồng tim, ghi điện tim, ghi siêu âm tim để đánh giá tình trạng các van tim, ghi âm thanh tim, v.v.. và những máy móc để thực hiện gây mê hồi sức với trình độ kỹ thuật cao, nên ta đã mổ xẻ được nhiều bệnh tim phức tạp với kết quả tốt như bệnh hẹp hở các van tim, các dị tật bẩm sinh ở trong tim và các mạch máu lớn gần tim, bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh viêm màng ngoài tim có mủ hoặc co thắt, v.v..
Áp dụng phương pháp hạ thể nhiệt nhân tạo và tuần hoàn ngoài cơ thể (bằng sử dụng máy tim-phổi nhân tạo) đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mổ xẻ điều trị các bệnh tim mắc phải và bẩm sinh phức tạp trên “tim khô”, nghĩa là trên một quả tim đã được làm ngừng đập hoàn toàn bằng một máy đặc biệt gọi là máy tạo rung tim, hoặc bằng một dung dịch đặc biệt ở nhiệt độ thấp bơm vào hệ thống động mạch vành tim để làm cho tim ngừng đập. Khi đó máu không chảy vào tim và không làm cản trở các hoạt động của người thầy thuốc trong lúc mổ xẻ sửa chữa những tổn thương bệnh lý ở trong tim như vá kín những lỗ thông giữa các buồng tim bên trái và bên phải, sửa thay các van tim bị hư hỏng hoàn toàn bằng các van tim nhân tạo, bắc cầu nối giữa động mạch chủ và động mạch vành tim trong bệnh thiếu máu cơ tim, v.v..
Sau khi mổ xong, ta hâm nóng máu trong máy tim-phổi nhân tạo bằng một bộ phận sưởi ấm, truyền dung dịch hâm nóng vào hệ thống động mạch vành tim hoặc dùng máy chống rung tim để làm cho quả tim tự đập lại bình thường. Trong một số trường hợp có biến chứng ngừng tim trong hoặc sau khi mổ do hệ thống dẫn truyền tự động trong tim bị hủy hoại, ta có thể dùng một loại máy đặc biệt để điều chỉnh lại tạm thời hay thường xuyên nhịp đập của tim gọi là máy tạo nhịp tim.Khoa mổ xẻ điều trị các bệnh tim còn đang trên đà tiến triển. Người ta đã thay quả tim của người bị bệnh tim nặng bằng quả tim của nạn nhân bị chết vì một tai nạn bất ngờ. Tuy vậy, kể cả việc ghép tim trên người cũng chưa phải là cái đỉnh cao nhất của khoa học y học trong việc điều trị các bệnh tim. Trong tương lai, người ta sẽ ghép thêm cho người bị bệnh tim nặng một quả tim nhân tạo và quả tim này sẽ hoạt động song song với quả tim của người bệnh.
Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách Hiểu biết để phòng và trị bệnh tim mạch sẽ giúp bạn đọc, kể cả bạn đọc không công tác trong ngành y tế hiểu biết về quả tim của mình, bảo vệ nó như thế nào, về một số bệnh tim thường gặp, những biện pháp đề phòng và các phương pháp điều trị những bệnh đó. Cuốn sách nhỏ này cũng giúp bạn đọc hiểu thêm về những thành tựu to lớn của khoa mổ tim trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.Tuy nhiên, cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi luôn hoan nghênh những ý kiến đóng góp xây dựng của bạn đọc và xin chân thành cảm ơn các bạn.”