NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.
Ads Top

Tô Đông Pha

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

Tô Thức (Chữ Hán: 苏轼, 8/1/1037–24/8/1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi làTô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

Tô Đông Pha cùng cha và em là ba trong số tám đại văn hào lớn nhất (bát đại gia) Trung Quốc suốt bảy thế kỷ từ thế kỷ 7 đến 13. Ông giỏi cả cổ văn lẫn thơ, phú.

 

Tất cả các tác phẩm của ông cộng lại khoảng 1 triệu chữ. Riêng về thi từ, ông có khoảng 1700 bài. Còn cổ văn của ông là “thiên hạ vô địch”, cứ hạ bút là thành văn, không cần lập dàn ý, cứ như là “hành vân, lưu thủy”. Âu Dương Tu mà hôm nào nhận được một bài văn của ông thì vui sướng cả ngày, còn vua Tống Thần Tông hay đọc bài của ông trong bữa ngự thiện, quên gắp cả thức ăn.

Tô Đông Pha là người theo đạo Phật, có lòng từ bi và rất mực yêu thương nhân dân, không tham ô hối lộ. Ông là người có tính cương trực, ít giữ mồm giữ miệng, có gì nói đấy nên sự nghiệp chính trị của ông đầy sóng gió.

Tô Đông Pha là một nhà thư pháp có bút pháp liệt vào hàng nổi tiếng và có giá trị nhất. Và ông là một họa sĩ nổi tiếng về vẽ trúc và núi.

Vậy hào quang ông chói lọi vào bực nhất trên văn đàn, thi đàn Trung Quốc. Lại thêm ông viết đẹp vẽ khéo mở đường cho một phái họa mới, phái “thi nhân họa “. Ông không phải là triết gia, nhưng đã đem triết lý của Phật, Lão vào trong thơ văn, áp dụng chủ trương thân dân của đạo Khổng và triết lý từ bi của đạo Phật vào việc trị dân, đào kinh đắp đập chống thiên tai, cứu sống hằng vạn dân nghèo, lúc rảnh rang thì ngao du sơn thủy, tìm cái thú trăng thanh gió mát như môn đệ của Lão Trang.

Danh vọng cao nhất thời mà tính tình lại bình dân; có thời cày ruộng lấy, cất nhà lấy, sống y như một lão nông. Giao thiệp với hạng người nào, từ nhà vua tới các đại thần, chủ quán, tu sĩ, bần dân, ông cũng tự nhiên, thành thực, không hề ngượng nghịu, cách biệt. Ông lạc quan, khoáng đạt, nên trong cuộc đời của ông rất đỗi chìm nổi, khi lên được những địa vị cao nhất, làm thầy dạy học cho vua, quyền hành như một tể tướng ông không lấy làm vinh, không gây bè gây đảng để bám lấy địa vị, trái lại lúc nào cũng sẵn sàng xin đổi lấy một chức quan nhỏ ở ngoài; mà khi gặp những cảnh đắng cay nhất, bị giam suýt bị xử tử rồi bị đày ra đảo Hải Nam, một miền hồi đó rất man rợ, ông cũng không lấy làm nhục, vẫn vui vẻ sống với thổ dân và ngâm câu này của Khổng Tử: “Hà lậu chi hữu?”.

Vì thiên tài ông trác việt mà tư cách ông cao, nên dân chúng đương thời và cả những thời sau, kính mến ông hơn hết thảy các văn sĩ khác đời Tống. Hồi về già, ông đi ngang qua một miền nào là dân chúng rủ nhau đi đón, xin ông vài chữ làm kỷ niệm, nhờ vậy mà ngày nay người ta còn giữ được nhiều bút tích của ông. Một lần trời nóng quá, ông ở trần đánh một giấc dưới gốc cây trong sân một ngôi chùa, một nhà sư đếm được bảy nốt ruồi trên lưng ông, đâm hoảng, cho ông là vị Văn tinh trên trời giáng xuống. Như vậy đời ông đã thành một huyền thoại như đời Lý Bạch đời Đường.

Tô Đông Pha vừa là danh sĩ, vừa đóng một vai trò chính trị quan trọng nên gặp nhiều nỗi gian nan, đau lòng, và chép lại đời ông thì gần như phải chép lại trọn lịch sử thời Bắc Tống. Vì vậy trong cuốn này, ngoài ba cha con họ Tô, chúng tôi còn nhắc tới nhiều nhân vật khác như Tư Mã Quang, Âu Dương Tu, Trình Hạo, đặc biệt là Vương An Thạch, Lữ Huệ Khanh… những người trong phe đối lập với Tô Đông Pha.

Mục Lục :

Thay lời giới thiệu

Tựa

I. Tuổi nhỏ đậu cao

II. Bước đầu trên hoạn lộ – Hai cái tang

III. Vương An Thạch và tân pháp

IV. Hai phe ở triều đình

V. Thi sĩ với thắng cảnh

VI. Suýt bay đầu vì cái hoạ văn tự

VII. Đông Pha cư sĩ và thanh phong minh nguyệt

VIII. Trên đường về triều – Một vị đại thần nghệ sĩ

IX. Một vị thái thú yêu dân

X. Cuộc thanh trừng vĩ đại – Bia đảng Nguyên Hựu

XI. Trên đường lưu đày từ cực Bắc tới cực Nam Trung Hoa

XII. Hai cha con trên đảo Hải Nam XIII. Trên đường về Bắc

Niên biểu sơ lược

Bình luận
Ads Footer
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x