NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.
Ads Top

Triết Học Mỹ

Tác giả: Bùi Đăng Duy - Nguyễn Tiến Dũng
Thể loại: Triết Học

Nước Mỹ hiện nay là đối tác quan trọng của Việt Nam.

Kể từ hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết, đặc biệt từ sau chuyến thăm có tính lịch sử Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam, quan hệ Việt – Mỹ mở ra một trang mới không chỉ về quan hệ kinh tế mà trên tất cả các lĩnh vực.

Để chủ động hội nhập quốc tế trong đó có Mỹ, chúng ta phải hiểu biết về người cùng chơi với chúng ta trên một sân chơi chung. Sự hiểu biết đó có nhiều mặt, nhưng mặt văn hóa, triết học là không thể thiếu, bởi vì như Mác nói các nhà triết học là “sản phẩm tinh thần của nhân dân” mà “những tinh lực tinh tế nhất, quý giá nhất và khó nhìn thấy nhất đã được suy tư trong những khái niệm triết học”.

Ngày nay với đường lối đổi mới, mở cửa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng đã xua tan những đám mây mù cho phép chúng ta đối diện trực tiếp với triết học Mỹ.

Chúng ta tôn trọng nhân dân Mỹ về những giá trị văn hóa mà họ tạo ra trong đó có sự đóng góp của các nhà triết học Mỹ, không áp đặt chân lý của ta cho người cùng đối thoại. Và chắc rằng những người Mỹ có thiện chí khi đối diện với con người, với văn hóa kể cả với văn hóa chính trị của Việt Nam cũng có thái độ cởi mở, trọng thị tương tư.

Tiếp cận với triết học Mỹ một cách trung thực, thế là chúng ta đã xem xét sự tồn tại của nó theo quan điểm khách quan và biện chứng đúng như nó đang vận động.

Đối diện với triết học Mỹ, chúng tôi muốn bạn đọc trước hết cùng nhìn tổng quát về triết học Mỹ để thấy được những chủ đề, những xu hướng chính của nó từ thời kỳ thuộc địa đến khi nước Mỹ trở thành siêu cường. Nhìn xong bức toàn cảnh triết học đó, chúng ta đi vào chi tiết. Chúng tôi chọn những trào lưu triết học mang tinh thần Mỹ nhất: chủ nghĩa thực dụng là sản phẩm đặc biệt của Mỹ đánh dấu “thời kỳ hoàng kim” của triết học Mỹ.

Tiếp theo chủ nghĩa thực dụng, là lý thuyết về giá trị, là giá trị học, là lý thuyết về giá trị như người Mỹ nói, của những trào lưu triết học nhân bản khác: chủ nghĩa Freud mới, chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa tự do mới.

Cuối cùng không thể không đối diện với triết học khoa học của Mỹ, đất nước đã có một nền khoa học hiện đại phát triển ở trình độ cao.

Với chừng mực như vậy cũng có thể để sót một gương mặt triết học Mỹ nào đó, nhưng cũng tạm cho chúng ta thấy được một nền triết học nhiều màu, nhiều sắc, phản ảnh lịch sử nước Mỹ chỉ trong mấy thế kỷ đã đạt tới những đỉnh cao của nền văn minh hiện đại.

Không cần đặt ra câu hỏi “có một nền triết học ở Mỹ không”, như một học giả quá tự phụ về triết học Châu Âu đã đặt ra.

Ngày nay, nước Mỹ đã đạt tới một nền kinh tế, một nền khoa học ở trình độ cao. Đọc lại lịch sử triết học Mỹ, người ta có thể thấy nước Mỹ đã trải qua nhiều thế kỷ để xây dựng nền văn hóa trong đó có triết học. Triết học, như Nietzche nói, là một yếu tố cơ bản (bên cạnh tín ngưỡng và khoa học) của văn hóa.

BHơn nữa triết học – như người Mỹ nói – không phải như ở thời kỳ Trung cổ là “đầy tớ” cho thần học mà ở nước Mỹ ngày nay là “đầy tớ” cho khoa học.

Để bạn đọc tiện theo dõi, và để đảm bảo tính thống nhất của công trình về từ ngữ, trong phần chỉ dẫn về khái niệm và chủ đề, chúng tôi lập một bảng đối chiếu bằng tiếng Việt và tiếng Anh (đôi khi bằng tiếng Pháp).

Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bạn xa gần đã khuyến khích chúng tôi hoàn thành kịp thời tác phẩm này.

Bùi Đăng Duy – Nguyễn Tiến Dũng

Bình luận
Ads Footer
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x