Từ khá lâu tôi muốn chia sẻ với các bạn một cuốn sách nhưng tôi rất ngần ngại. Đó là cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện. Sách này được xuất bản lần đầu tiên hình như vào năm 1968 hay 1969 gì đó, và tái bản năm 1970 tại Sài gòn. Với tôi ngày đó, đây là một cuốn sách “gây chấn động cho mình”. Đó là lần đầu tiên khi học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) vào năm 1973. Nó đã theo tôi cho đến cuối những năm đại học. Rồi qua nhiều lần di chuyển, tôi không còn giữ được cuốn sách này. Mãi cho đến năm 2001, tôi tìm mua lại được ở những sạp bán sách cũ và từ khi biết thư viện này, tôi đã cố công gõ lại vào máy tính, mỗi ngày vài trang. Gõ với mục đích đề làm ebook chia sẻ, đồng thời gõ như một cách tìm lại một vài kỷ niệm ở đó; những kỷ niệm ở tuổi thiếu thời xa xôi của tôi ở một tỉnh lẻ ven miền trung Việt Nam. Tôi còn nhớ thời ấy của tôi, tôi có nhìn thấy rất nhiều những người đàn anh của tôi chuyền tay nhau đọc “Buồn Nôn” của Satre, “Kẻ xa lạ” của Camus hay những cuốn tiểu thuyết của Sagan. Tiếp đến lại thấy chuyền tay nhau Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Tôi cũng “bắt chước” những đàn anh của mình, cũng tìm một cuốn và ngấu nghiến đọc. Đúng như tôi đã nói, ngày đó, đọc xong cuốn sách này, với tôi như có một “chấn động” trong đầu. Những suy nghĩ vẩn vơ, nhiều khi mang màu sắc “triết học” thường có trong đầu mình. Tôi đã có lần suy nghĩ đến việc “bỏ học” đi lang thang giống như Rimbaud và cho giống … Phạm Công Thiện ! Tôi mơ tưởng liên hồi kỳ trận đến những chuyến tramway ở Paris, những ngọn đồi thơ mộng ở Monmatre, những góc phố New York … Ôi cái tuổi mới lớn của tôi, tôi bật cười khi nhớ đến nó. Và nói thật, nó còn ảnh hưởng ở tôi đến bây giờ. Hơn mười năm rồi, có lần tôi được ghé qua Paris – cái thành phố mà tôi hằng mơ ước được đến, dầu chỉ được một ngày ghé qua ! Rồi năm ngóai lại được dịp đến New York 3 ngày, giữa khu phố Harlem, ngồi uống một ly café kiểu Mỹ, dở òm, tôi nhớ liền đến cái câu của Henry Miller mà Phạm Công Thiện đã trích trong Ý thức mới trong văn nghệ và triết học: “Better a beggar in Paris than a millionaire in New York” và thầm nghĩ, cái ông Thiện này nói đúng quá chừng Tuy vậy, cái mà tôi nhận được nhiều nhất khi đọc cuốn sách là chính từ cuốn sách này, tôi phải tìm đọc cho kỳ được những cuốn sách mà Phạm Công Thiện đã nêu ra trong đó. Lùng sục bản tiếng Việt không có thì đành phải đi tìm bản tiếng Anh. Nào Tropic of Cancer, Tropic of Capricorn của Henry Miller, nào Hemingway, nào Nikos Kazanzaki, nào Chiến cầu trên sông Drina, hay thơ Rimbuad, Verlaine, hay Câu chuyện dòng sông của Hesse. Tôi đã biết đọc sách nhiều hơn, biết lựa sách hơn để đọc. Như cuốn Chiếc cầu trên sông Drina, tôi đọc đến cả hai tháng mới xong, vì mới đầu chịu, không thể nào “nuốt” trôi cái thể lọai “biên niên sử” được kể khề khà bởi Androvitch. Và sau đó, tôi có đọc lại đến mấy lần cuốn này, mới thấy là cuốn sách này hay thật là hay (Tôi đang cố công scan cuốn này một là để chia sẻ cùng các bạn, hai là “đền cái ơn tri ngộ” với bạn Tô Văn Hưng và thư viện ebook). Về chuyện đưa sách lên thư viện, lần này tôi xin được đưa lên chỗ VIP. Ban quản Trị có tòan quyền bỏ đi hay giữ lại. Hôm nọ đưa cuốn “Tuấn Chàng trai nước Việt” lên, tôi cũng ngại. Các bạn ạ, tôi ở tuổi “tri thiên mệnh” rồi, nên rắc rồi là điều tôi không mong muốn. Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu chúng ta đọc được nhiều sách, và suy nghĩ về nó chín chắn thì chúng ta sẽ nhận lại được nhiều điều ký thú. Dĩ nhiên tôi không bao giờ cầu mong rằng có một cuốn sách nào mà mọi người điều đồng ý cả phải không? Kinh Thánh, hay Tam tạng kinh của Thích Ca còn có người nói là “tào lao” mà. Tôi viết hơi dài, nhưng không phải là lời giới thiệu về cuốn sách đâu. Tôi không đủ khả năng làm việc này. Các bạn có thể xem và bình phẩm Về tác giả Phạm Công Thiện, các bạn có thể tìm trên Google đề biết thêm. Tôi hì hục gõ cuốn này trong thời gian lâu nhưng không xong vì chuyện cơm áo nhọc nhằn. Thế rồi tôi phát hiện trên TLW có tôi mừng quá chừng nên down về và làm thành ebook để gửi các bạn