Nói dối là khi chúng ta bảo một điều gì đó là có thật nhưng thực ra điều đó lại không có thật. Nhìn chung, nói dối là không tốt. Nhưng không phải tất cả những lời nói dối đều tội lỗi. Đôi khi, nói dối lại chính là biểu hiện bổn phận của người nào đó với người khác. Trong những luận điểm dưới đây, tôi sẽ giải thích và chứng minh rằng, đôi khi, nói dối cũng thật cần thiết.
Đầu tiên, một lời nói dối vô hại có thể không làm tổn hại đến danh dự của người nghe mà đôi lúc lại làm người nghe thêm nghị lực và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, một lời nói dối vô hại có thể làm cho tình bạn của bạn thắm thiết hơn. Nó có thể đem đến cho mọi người một thái độ vui vẻ và tránh làm phật lòng họ. Hãy xem xét ví dụ này: Bạn đến nhà một người bạn để ăn tối. Thức ăn ở đó thật kinh khủng. Món bánh thịt chiên giòn thì quá cay, món sườn nướng thì bị sốt cà chua bao phủ, món salad thì không được tươi ngon, món thịt hầm với rượu Bordeux thì quá dai và đắng, món xúc xích thì chín kĩ quá, món pizza thì cứng queo và không có mùi vị, món spaghetti thì nguội lạnh, tôm hùm còn sống, cá thì tanh ngòm và mùi vị không dễ chịu chút nào. Bạn không thể ăn bất cứ thứ gì. Mà đây lại là lần đầu tiên người bạn đó “trổ tài” nấu nướng. Tất nhiên là bạn có thể nói sự thật rằng thức ăn rất tệ. Nhưng bạn hoàn toàn có một lựa chọn khác. Bạn có thể nói rằng: “Cảm ơn cậu rất nhiều! Đối với một người mới học nấu nướng như cậu, những món ăn cậu nấu rất ngon và tuyệt vời. Hãy cố gắng hết mình và một ngày nào đó cậu sẽ có thể nấu ngon như đầu bếp chuyên nghiệp!” Đây là một cách để bạn không làm mất lòng người bạn của mình. Sẽ thế nào nếu vợ của bạn hỏi xem bạn nghĩ cô ấy có béo không, hay nhìn cô ấy mặc chiếc váy này có béo không? Sẽ thế nào nếu một người bạn của bạn đi ngang qua và hỏi xem bạn nghĩ gì về đôi giầy mới của cô ấy (đặc biệt là khi bạn biết là cô ấy hỏi không phải để nhận được một lời nhận xét chân thành mà chỉ để bạn khẳng định rằng đôi giầy đó thật tuyệt vời) mà bạn lại không thích đôi giầy đó một chút nào? Nói thật ra những gì bạn suy nghĩ hay nói những gì mà họ muốn nghe, cái nào quan trọng hơn? Cuối cùng, hãy xem xét một tình huống giao tiếp thật. Vào một buổi sáng, ta gặp một người hàng xóm và họ hỏi: “Dạo này anh thế nào, có khỏe không?” Ta sẽ không trả lời: “Thật sự, tôi rất vui khi anh đã hỏi. Dạo này sức khỏe của tôi thật tệ. Để tôi kể chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống của tôi cho anh nghe nhé”. Không, ta sẽ trả lời rằng: “Cảm ơn anh, tôi vẫn bình thường, còn anh thì sao?” Ta sẽ chọn cách trả lời như thế ngay cả khi sức khỏe, công việc đang rất tồi tệ. Đây có phải là một lời dối trá không? Bạn có nhận thấy rằng, bạn đang làm một việc rất có ý nghĩa nhưng điều đó lại không phải là sự thực như chúng vốn có. Một câu nói như vậy sẽ làm người khác thoải mái hơn để bắt đầu một ngày mới tốt hơn là phải nghe một màn kể lể về những sự việc không hay xảy ra trong cuộc đời bạn.
Thứ hai, một lời nói dối có thể cứu được cả một mạng người. Nghe rất nực cười phải không? Nhưng đó là sự thật. Có những hoàn cảnh mà bổn phận đạo đức để cứu người mâu thuẫn với trách nhiệm phải nói ra sự thật. Tất nhiên, lúc đó, bổn phận cứu người sẽ cao hơn việc nói thật vì việc cứu một mạng người quan trọng hơn. Hãy xem xét ví dụ này: Trong Thế chiến thứ II, hai người lính Đức Quốc xã bắt được một nhóm người Do Thái đang cố gắng trốn chạy khỏi khu vực quân Đức đóng quân. Tuy nhiên, họ không muốn giao nhóm người này cho chỉ huy cấp cao hơn vì như thế thì những người này sẽ bị hành hình một cách dã man. Vì vậy, họ đã đưa những người Do Thái đó vào ẩn nấp trong một ngôi nhà bỏ hoang trên ngọn đồi, nơi mà tên chỉ huy không thể phát hiện ra và họ báo lại với cấp trên rằng, họ không gặp bất kì người Do Thái nào. Những vụ việc tương tự xảy ra vào cuộc Nội chiến Mĩ (1861 – 1865) khi những người lính phe Liên bang ly khai Miền Nam đã bí mật che giấu những người nô lệ da đen mà họ bắt được.
Tương tự như thế, một lời nói dối của bác sĩ cũng có thể làm cho bệnh nhân thấy vui hơn và mau chóng hồi phục sức khỏe. Đây là một câu chuyện có thật, một bác sĩ đang chữa trị cho bệnh nhân ung thư. Vị bác sĩ biết rằng bệnh nhân chỉ còn có thể sống thêm được một vài tháng nữa. Nhưng người bác sĩ này đã quyết định nói với bệnh nhân rằng: “Căn bệnh của anh rất khó chữa nhưng không phải là không chữa được. Anh hãy tăng thời gian trò chuyện với người thân, ăn uống điều độ, hợp lý, đọc truyện vui, xem nhiều phim hài và cười thật nhiều. Không được nghĩ bi quan. Anh hãy nhớ lời tôi nói. Hy vọng anh sẽ sớm bình phục!” Bệnh nhân làm theo lời của vị bác sĩ và suy nghĩ rất tích cực rằng mình sẽ sống được lâu hơn. Sau ba tuần, thật tuyệt vời, anh bình phục và có thể sống được thêm mười năm nữa. Một lời nói dối vô hại cũng có thể hữu ích như thế đấy!
Trung thực là một đức tính rất tốt và rất cần thiết trong cuộc sống. Nhưng nhiều lúc, một lời nói dối vô hại cũng rất hữu hiệu và cần thiết. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, bạn nên tìm cách nói ra sự thật để người khác tin tưởng mình hơn. Tôi đồng ý rằng, đôi lúc, nói dối là cần thiết.