NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tình Dục Thuở Hồng Hoang

Chương 5

Tác giả: Christopher Ryan
Ads Top

AI MẤT CÁI GÌ TRÊN THIÊN ĐƯỜNG?

[Con người] đã tưởng tượng về một thiên đàng, nhưng lại quên bẵng đi thứ quan trọng nhất trong tất cả mọi niềm vui của mình, đó là cơn đê mê đầu tiên và trước hết trong tâm khảm mỗi người… giao cấu tình dục! Sự lãng quên ấy khác nào một người lạc đường sắp chết trong sa mạc thiêu đốt, được người cứu sống bảo rằng anh ta có thể chọn và có tất cả mọi thứ mình muốn ngoại trừ một điều, anh ta không được uống nước!

• MARK TWAIN, Letters from the Earth (tạm dịch: Thư từ Trái đất)

Hóa ra, Vườn Địa đàng lại không phải là một khu vườn. Nó là bất cứ thứ gì, nhưng không phải là vườn: rừng rậm, rừng thưa, bờ biển hoang dã, thảo nguyên rộng rãi, lãnh nguyên lộng gió… Adam và Eva không bị tống cổ khỏi vườn. Họ bị đuổi vào vườn.

Nghĩ mà xem. Vườn là gì? Đất trồng. Chăm sóc. Sắp xếp. Tổ chức. Có chủ ý. Cỏ dại bị nhổ đi hoặc phun thuốc không thương tiếc; hạt giống được chọn lọc và gieo xuống, tai nạn không được đón chào. Không có cái gì là tự do hay tự phát ở một nơi như vậy cả. Nhưng câu chuyện kể rằng trước khi phạm tội, Adam và Eve sống vô tư, trần trụi và ngây thơ – không thiếu thứ gì. Thế giới đó cho họ tất cả những gì họ cần: thức ăn, chỗ ở, tình bạn.

Nhưng sau khi sa ngã, thời tươi đẹp biến mất. Thức ăn trước đây được thế giới hào phóng ban tặng thì nay phải làm việc vất vả mới có được. Phụ nữ phải chịu đau đớn khi sinh con. Và niềm lạc thú tình dục – trước đây vốn không phải là tội lỗi – trở thành nguồn sỉ nhục và xấu hổ. Mặc dù Kinh Thánh kể rằng những con người đầu tiên bị trục xuất từ Vườn Địa đàng, nhưng câu chuyện này đã có chỗ bị đảo ngược. Lời nguyền lên Adam và Eve xoay quanh việc đánh đổi đời sống được cho là ít căng thẳng, nhiều niềm vui của người hái lượm (hoặc tinh tinh lùn) lấy công việc vất vả từ sáng đến tối của người nông dân trong khu vườn của mình. Dấu vết nguồn cội nỗ lực giải thích lý do tổ tiên chúng ta lại chấp nhận một thương vụ thiếu công bằng đến vậy*.

Câu chuyện về vụ sa ngã này cấu trúc hóa theo lối kể chuyện về cuộc chuyển đổi đau thương từ cách sống săn bắn/hái lượm thấy-đâu-nhặt-đấy sang cuộc vật lộn gian khổ của những kẻ làm nông nghiệp. Vật lộn với côn trùng, gặm nhấm, thời tiết và chính Trái đất khó tính, nông dân buộc phải kiếm lấy miếng bánh mì bằng mồ hôi chứ không phải là chỉ việc tìm thứ quả bây giờ đã bị cấm và bỏ miệng ăn ngay như tổ tiên bao đời. Chả trách những người hái lượm gần như không quan tâm đến việc học hỏi những kỹ thuật canh tác của châu Âu. Như một người hái lượm nói: “Tại sao chúng tôi lại phải trồng trọt, khi trên thế giới có bao nhiêu là hạt mongongo?”

* * *

Những cuốn sách nói về bản chất con người như thế này luôn là những tín hiệu cảnh báo rắc rối. Một mặt, mọi người đều là chuyên gia. Vì là con người, chúng ta ai nấy đều có ý niệm về bản chất con người. Sự hiểu biết này dường như đòi hỏi nhiều hơn một chút những hiểu biết về luân lý và một chút chú ý tới khao khát và sự không ham thích liên miên của chính mình. Đơn giản thế thôi.

Nhưng cảm nhận về bản chất con người thật ra lại không đơn giản chút nào. Bản chất con người từ lâu đã được chỉnh trang, trồng lại, làm cỏ, bón phân, quây rào, gieo hạt và tưới tiêu thâm canh như bất cứ khu vườn hay sân golf ven biển nào. Con người đang được nuôi dưỡng lâu hơn bất cứ loài vật nào chúng ta nuôi dưỡng. Văn hóa nuôi dưỡng chúng ta nhằm phục vụ cho mục đích riêng của nó, dưỡng dục và khích lệ những khía cạnh nhất định trong hành vi và xu hướng của chính chúng ta trong khi tìm cách tiêu diệt những mặt có khả năng gây trở ngại.

Cũng giống như ăn kiêng, cảm nhận của chúng ta về mọi khía cạnh của bản chất con người đã giảm mạnh. Bất kể giàu dinh dưỡng đến đâu, thứ gì hoang dã đều bị nhổ lên – mặc dù như chúng ta sẽ thấy, một số cỏ dại đã bắt rễ sâu vào tận quá khứ chung của chúng ta. Nếu muốn thì cứ nhổ, nhưng rồi chúng sẽ không ngừng mọc lại.

Thứ được nuôi dưỡng không cứ phải có lợi cho tất cả các cá thể trong một xã hội nhất định nào đó. Có thứ có lợi cho một nền văn hóa, nhưng lại là thảm họa đối với phần đông thành viên của nền văn hóa đó. Nhiều người phải chịu đau khổ và chết chóc trong chiến tranh nhưng có thể xã hội lại được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc chiến đó. Chất thải công nghiệp trong không khí và nước, các hiệp ước thương mại toàn cầu hóa, cây trồng biến đổi gen, giàn khoan rò rỉ dầu ra biển khơi… tất cả đều được chấp thuận bởi những kẻ chắc chắn sẽ thua trong cuộc trao đổi này.

Sự tách rời giữa lợi ích cá nhân và tập thể góp phần giải thích cho việc chuyển đổi sang nông nghiệp lại thường được xem là bước nhảy vọt vĩ đại. Thật ra đây là một thảm họa đối với hầu hết các cá thể phải chịu đựng nó. Xương hóa thạch tìm được ở nhiều vùng trên thế giới trong thời gian chuyển từ hái lượm sang trồng trọt đều kể cùng một câu chuyện: nạn đói gia tăng, thiếu vitamin, tăng trưởng chững lại, tuổi thọ giảm, bạo lực tăng cao… không phải là điều đáng ăn mừng. Đối với đại đa số mọi người, chúng ta sẽ thấy rằng bước chuyển từ hái lượm sang trồng trọt mà câu chuyện Adam và Eve tượng trưng là một thất bại thảm hại – không phải là bước nhảy vọt vĩ đại mà là sa cơ lỡ vận.

Nếu bạn từng hoài nghi rằng, con người, trên tất cả, là những động vật có tính xã hội, thì hãy suy ngẫm về những hành hình giết chóc hay nhục hình, thứ hình phạt khủng khiếp nhất trong bất cứ xã hội nào luôn là lưu đày. Vì thiếu chỗ để lưu đày những tù nhân kinh khủng nhất, nên chúng ta biến lưu đày thành hình phạt khắc nghiệt nhất: biệt giam. Sartre đẩy khái niệm này lùi lại với tuyên bố: “L’enfer, cest les autres” (Địa ngục là người khác). Thiếu vắng người khác chính là điều kinh khủng nhất đối với giống loài chúng ta. Con người cần giao tiếp xã hội đến mức nhìn chung gần như tất cả tù nhân đều chọn ở chung với kẻ cuồng sát còn hơn là bị biệt giam kéo dài. “Tôi thà có bạn tù tồi tệ nhất còn hơn là không có bạn tù nào”, nhà báo Terry Anderson hồi tưởng bảy năm thử thách làm con tin ở Lebanon của mình*.

Các nhà lý luận tiến hóa thích tìm lời giải thích cho những đặc điểm nổi bật nhất của các loài: gạc của nai sừng tấm, cổ của hươu cao cổ, tốc độ vượt trội của loài báo. Những đặc điểm này phản ánh môi trường tiến hóa của chúng, theo đó là nơi sống cụ thể của chúng trong đó.

Đâu là đặc điểm nổi bật của giống loài chúng ta? Ngoài việc đàn ông có dương vật ngoại cỡ (xem Phần IV), chúng ta không có gì gây ấn tượng về mặt biểu hiện thể chất. Tuy chưa bằng một nửa trọng lượng cơ thể chúng ta, nhưng một con tinh tinh bình thường có sức mạnh bằng bốn đến năm chàng lính cứu hỏa để ria. Nhiều loài thú có khả năng chạy nhanh hơn, lặn sâu hơn, chiến đấu tốt hơn, nhìn xa hơn, phát hiện tinh nhạy các thứ mùi hơn và nghe thấy những âm thanh tinh tế mà chúng ta không hề nghe thấy được. Vậy chúng ta góp được gì cho bữa tiệc đây? Con người có gì mà đặc biệt đến thế? Phải chăng là do sự tương tác phức tạp không ngừng của con người với nhau?

Chúng tôi biết bạn đang nghĩ gì: bộ não lớn. Đúng vậy, nhưng bộ não độc đáo của chúng ta là kết quả của hoạt động trò chuyện giao tiếp. Dù còn tranh cãi về vấn đề tại sao não người lại to ra nhanh đến vậy, nhưng đa số mọi người đều đồng ý với nhà nhân học Terrence W. Deacon khi ông viết: “Não người hình thành nhờ các quá trình tiến hóa tạo ra những năng lực cần thiết đối với ngôn ngữ, chứ không chỉ là nhờ nhu cầu chung là thông minh hơn.”*

Trong vòng phản hồi đã trở thành cố định, bộ não to lớn của chúng ta phục vụ cả nhu cầu giao tiếp phức tạp, tinh tế lẫn kết quả của nhu cầu đó. Đến lượt mình, ngôn ngữ cho phép chức năng sâu xa nhất, con người nhất của chúng ta hoạt động: khả năng hình thành và duy trì mạng lưới xã hội linh hoạt, đa chiều và dễ thích nghi. Trước tiên và trên hết, Homo sapiens là sinh vật có khả năng giao tiếp bậc nhất.

Bên cạnh não bộ lớn đến mức thiếu cân xứng và kèm theo đó là năng lực ngôn ngữ, chúng ta còn có một phẩm chất khác cực kỳ con người. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên vì nó cũng được dệt vào tấm lưới xã hội vô cùng quan trọng của chúng ta: hoạt động tính dục theo cơ chế tua-bin tăng áp. Không một loài động vật nào trên thế giới dành nhiều thời gian cho tình dục hơn Homo sapiens – kể cả loài tinh tinh lùn vốn nổi tiếng dâm dục. Mặc dù trung bình trong đời cả chúng ta lẫn tinh tinh lùn đều say sưa tham gia hàng trăm, nếu không muốn nói hàng nghìn hành vi giao phối – vượt xa bất cứ loài linh trưởng nào – thì số lượng “hành vi” của chúng vẫn ít hơn hẳn chúng ta. Hầu hết các loài động vật kết đôi theo kiểu “một vợ một chồng” gần như luôn ít ham muốn, chỉ quan hệ như Vatican khuyến nghị: thưa thớt, lặng lẽ và chỉ phục vụ mục đích sinh sản. Bất kể là thành viên của tôn giáo nào, con người đều nằm ở đầu còn lại của phổ ham muốn: siêu dâm dục điển hình.

Con người và tinh tinh lùn đều sử dụng sự dâm dục làm niềm vui, thắt chặt tình giao hảo, chốt thương vụ (trong lịch sử, hôn nhân giống với sáp nhập doanh nghiệp hơn là lời tuyên bố mãi mãi yêu nhau). Đối với hai loài này (và có vẻ là chỉ có hai loài này mà thôi)* tình dục không chỉ nhằm sinh sản là điều “tự nhiên”, một đặc thù mang tính xác định.

Liệu tất cả những thứ tình dục phù phiếm này có khiến chúng ta mang “thú tính”? Không nên nghĩ vậy. Thế giới động vật đầy những loài chỉ quan hệ tình dục trong những chu kỳ dài khi con cái đang rụng trứng. Chỉ có hai loài thực hiện được điều này hết tuần này sang tuần khác mà không phải vì mục đích sinh sản: một là con người và hai là một loài rất giống người. Vì vậy, tình dục nhằm thư giãn với nhiều đối tác mang tính “người” nhiều hơn là con. Thứ tình dục thiên về mục đích sinh sản lại vốn mang tính “con” nhiều hơn là người.

Tuy nhiều người đã cố gắng giấu đi dâm tính của bản thân, nhưng vì là một thế lực tự nhiên nên nó vẫn cứ lồ lộ ra ngoài. Rất nhiều người Mỹ đứng đắn, chuẩn mực thấy chướng tai gai mắt với cách Elvis lắc hông khi hát. Khi anh hát “rock and roll” bao nhiêu người nhận ra cụm từ rock and roll nghĩa là gì? Nhà sử học văn hóa Michael Ventura trong lúc nghiên cứu nguồn gốc của âm nhạc Mỹ gốc Phi đã phát hiện rằng rock ‘n’ roll bắt nguồn từ các điểm giải trí ở miền Nam. Ventura cho chúng tôi biết, cụm từ này “đã được sử dụng từ rất lâu trước thời của Elvis, nó vốn không phải là tên một loại hình âm nhạc mà có nghĩa là “làm tình”. Bản thân từ “rock” đã có nghĩa như thế, trong giới ăn chơi ở đó, ít ra là từ những năm 1920”. Đến giữa những năm 1950, khi cụm từ này được sử dụng rộng rãi trong văn hóa chính thống, Ventura nói rằng những DJ (người lựa chọn và phát những thể loại âm nhạc) “hoặc là không biết mình đang nói gì hoặc quá ranh ma nên không công nhận điều mình biết”.

Mặc dù cụ Ed Sullivan gắt gỏng sẽ rất khó chịu nếu biết ý nghĩa của điều mình đang nói lúc tuyên bố rằng thứ “rock ‘n’ roll” mới này khiến lũ trẻ đứa nào cũng phát cuồng”, những ví dụ liên quan đến tình dục ít được tiết lộ nằm bên dưới tiếng Anh-Mỹ không chỉ có thế. Robert Farris Thompson, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật châu Phi xuất sắc nhất nước Mỹ, nói rằng funky (sôi nổi) bắt nguồn từ lu-fuki trong tiếng Ki-Kongo, nghĩa là “mùi cơ thể mạnh”. Mojo tiếng Ki-Kongo nghĩa là “truyền cảm hứng”. Boogie phát sinh từ mbugi, nghĩa là “tuyệt vời”. Và cả jazz lẫn jism đều bắt nguồn từ dinza, tiếng Ki-Kongo nghĩa là “xuất tinh”.*. Cuốn sách không được xuất bản nữa, nhưng bạn có thể xem bài luận này và các bài viết khác tại trang web của Ventura: http://www. michaelventura.org/. Tài liệu của Thompson có thể tìm thấy cả trong bài luận của Ventura lẫn ở Thompson (1984).]

Hãy quên đi ngành khiêu dâm trị giá hàng trăm tỉ đô-la. Hãy quên đi cái đám mông và ngực trên ti vi, trong quảng cáo và phim ảnh. Hãy quên đi những bản tình ca chúng ta hát trên đường đi vào các mối quan hệ tình ái và những bản blue trên đường đi ra. Ngay cả khi chúng ta không tính đến bất cứ một yếu tố nào trong đó, thì tỉ lệ những gì đời sống con người mà chúng ta nghĩ tới, dự định, thực hiện và hồi tưởng về tình dục vẫn lớn hơn rất nhiều so với bất cứ sinh vật nào trên thế giới. Dù tiềm năng sinh sản tương đối thấp (rất ít phụ nữ có trên mười đứa con), nhưng Homo sapiens có thể, và thực tế vẫn đang làm tình suốt ngày đêm.

Nếu được chọn nơi sinh của mình, tôi sẽ chọn một nhà nước nơi mọi người đều biết nhau, để những âm mưu đồi bại hay sự khiêm nhường của đức hạnh đều không thể thoát khỏi sự săm soi và phán xét của công chúng.

• JEAN-JACQUES ROUSSEAU (1712-1778)

Rousseau đã sinh nhầm thời, nhầm chỗ. Nếu được sinh ra tại chính đất nước của mình sớm hơn 20.000 năm, cùng thời với những họa sĩ phác thảo lũ bò to bằng kích thước thực tế trên vách các hang động ở châu Âu, ông đã biết hết mọi thành viên trong thế giới xã hội của mình.

Bên cạnh đó, nếu sinh ra ngay trong kỷ nguyên của mình nhưng lại thuộc về một trong rất nhiều xã hội chưa có nền nông nghiệp, hẳn ông đã tìm được thế giới cộng đồng gắn bó mà ông vẫn mong mỏi. Cảm giác cô độc – ngay cả trong một thành phố đông đúc – là điều kỳ quặc trong đời sống con người, giống như rất nhiều điều khác, xuất hiện như một phần của gói hàng nông nghiệp.

Nhìn lại thế giới đông nghịt của mình, Thomas Hobbes tưởng tượng rằng đời sống của con người tiền sử cô độc đến mức không thể chịu nổi. Ngày nay, tách biệt khỏi vô số người lạ chỉ nhờ những bức tường mỏng, những chiếc tai nghe bé xíu và những lịch trình bận rộn, chúng ta giả định về cảm giác lẻ loi của sự cô độc chắc hẳn đã đè nặng lên tổ tiên chúng ta, rồi nghĩ lan man về cảnh quan lộng gió thời tiền sử của họ. Nhưng trên thực tế, giả định về cảm giác có vẻ rất bình thường này lại cực kỳ sai lầm.

Đặc trưng đời sống xã hội của người hái lượm là chiều sâu và sức mạnh tương tác xã hội mà ít người trong chúng ta hình dung (hoặc thông cảm) được. Với những ai sinh ra và lớn lên trong xã hội được tổ chức bằng những nguyên tắc liên đới chặt chẽ với nhau của từng cá nhân, không gian cá nhân và tài sản cá nhân, thật khó mà hình dung được về các xã hội kết nối chặt chẽ đó, nơi gần như tất cả mọi không gian và tài sản đều thuộc về cộng đồng, và bản sắc mang tính tập thể hơn là cá nhân. Ngay từ buổi sáng đầu tiên khi sinh ra đến tiếng khóc than cuối cùng lúc tạ thế, cuộc sống của người hái lượm là cuộc sống tương tác mạnh mẽ, liên tục, tương quan và phụ thuộc lẫn nhau.

Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ kiểm tra yếu tố đầu tiên trong tuyên bố nổi tiếng của Hobbes về đời sống của người tiền sử. Trước khi nhà nước ra đời, chúng tôi sẽ chứng minh rằng đời sống của người tiền sử không hề “cô độc” chút nào.

Bình luận
Ads Footer