NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tình Dục Thuở Hồng Hoang

Chương 2

Tác giả: Christopher Ryan
Ads Top

ĐIỀU DARWIN KHÔNG BIẾT VỀ TÌNH DỤC

Chúng ta không phải ở đây để lo lắng về niềm hy vọng hay sự sợ hãi, mà về sự thật chừng nào lý trí còn cho phép chúng ta khám phá ra.

• CHARLES DARWIN

Chiếc lá sung có thể che giấu rất nhiều thứ, nhưng không che giấu được sự cương cứng của con người. Mô tả chuẩn mực về nguồn gốc và bản chất hoạt động tính dục con người cho rằng nó giải thích quá trình hình thành của một loại hình hôn nhân một vợ một chồng đáng sợ, dối trá và miễn cưỡng. Theo câu chuyện thường-được-nghe-kể này, cả đàn ông và phụ nữ vốn ưa thích tình dục khác giới chỉ là những con tốt đen trong cuộc chiến ủy nhiệm được điều khiển bởi chương trình nghị sự di truyền đối lập của họ. Người ta bảo rằng, toàn bộ thảm họa này là hệ quả của những thiết kế sinh học cơ bản của nam giới và nữ giới (Chúng tôi sử dụng từ “thiết kế” chỉ đơn thuần theo nghĩa ẩn dụ – không hề có bất cứ ý định ám chỉ “nhà thiết kế” nào hay cố tình nhấn mạnh hành vi hay giải phẫu con người tiến hóa nào). Nam giới cố gắng rải hạt giống vừa nhiều vừa rẻ của mình thật xa rộng (trong khi vẫn tìm cách kiểm soát một hoặc một vài phụ nữ nhằm tăng độ chắc chắn trong việc làm cha của mình). Trong khi đó, phụ nữ bảo vệ nguồn cung cấp hữu hạn những quả trứng đắt đỏ về mặt trao đổi chất của mình khỏi kẻ theo đuổi không đáng giá. Nhưng khi đã nhử được một nhà cung cấp anh chồng, họ nhanh chóng vén váy lên (khi rụng trứng) cho các cơ hội kết đôi bí mật nhanh-chóng-và-bẩn-thỉu với những gã đàn ông cằm bạnh rõ ràng là có ưu thế về mặt di truyền. Hình ảnh này thật chẳng đẹp chút nào.

Nhà sinh học Joan Roughgarden cho biết hình ảnh này rất ít thay đổi so với những gì được Darwin mô tả cách đây 150 năm. “Câu chuyện của Darwin về vai trò tình dục không phải là sự lỗi thời kỳ quặc”, bà viết. “Trình bày lại bằng thuật ngữ sinh học ngày nay, câu chuyện này được xem là sự thật đã được khoa học chứng minh… Quan điểm chọn lọc tình dục của tự nhiên nhấn mạnh xung đột, lừa lọc và nguồn gene bẩn”.*

Cũng chính Nữ thần Tư vấn Amy Alkon* cũng mang mô tả phổ biến, điển hình của câu chuyện có sức lan xa này vào giải thích của mình: “Có rất nhiều nơi thật sự tồi tệ để làm mẹ đơn thân, nhưng có lẽ một trong những nơi tệ nhất chính là 1,8 triệu năm trước trên thảo nguyên. Những bà cố tổ thành công trong việc truyền lại gene cho chúng ta cũng chính là những người rất kén chọn trong việc tìm người cùng chui vào bụi, so bó đũa chọn cột cờ để tìm bố cho con mình. Đàn ông có nhu cầu khác về di truyền – nhằm tránh mang thịt bò rừng về cho những đứa trẻ không phải con mình – và đã tiến hóa đến mức xem mấy em dễ tán là mối nguy quá lớn ngoại trừ những phút vui vẻ trên đống đá.” Hãy để ý xem thế giới hiện đại của chúng ta vừa vặn trong cái gói bé tí này đến mức nào: sự mong manh của việc làm mẹ, tách rời ông bố khỏi đám lêu lổng, đầu tư làm bố và ghen tuông, tiêu chuẩn kép về tình dục. Nhưng như người ta hay nói ở sân bay, hãy lưu tâm đến những gói đồ tí hon mà bạn không tự tay đóng gói.

Còn như với một quý bà người Anh, thì tôi đã gần như quên mất rằng bà ấy là một điều gì đó rất thánh thiện và tử tế.

• DARWIN, trong bức thư gửi từ tàu HMS Beagle

Mặc dù chắc chắn không phải là người phát minh ra mô tả chuẩn mực về bản tango vô tận giữa đám đàn ông bất kham và phụ nữ kén chọn, Darwin vẫn ủng hộ cho “tính tự nhiên” và sự thống trị của nó. Ông viết những đoạn đại loại như: “Phụ nữ… cực kỳ ít có ngoại lệ, luôn kém hào hứng hơn nam giới… (Cô ấy) đòi hỏi phải được tán tỉnh; cô ấy bẽn lẽn và dường như nỗ lực một thời gian dài để thoát khỏi người đàn ông.” Mặc dù sự dè dặt nữ tính này là một đặc điểm quan trọng trong hệ thống kết đôi của nhiều loài động vật có vú, nó không đúng lắm ở loài người hoặc những loài linh trưởng gần gũi nhất với chúng ta.

Darwin thắc mắc không biết loài người sơ khai có đa thê như tinh tinh hay không, ông viết: “Xét về thói quen giao tiếp của đàn ông như hiện nay và những loài hoang dã nhất sống theo kiểu đa thê, quan điểm khả dĩ nhất là đàn ông nguyên thủy sống trong những cộng đồng nhỏ, cùng với số lượng vợ tùy thuộc vào khả năng anh ta có thể chu cấp và chinh phục, anh ta hẳn đã ghen tuông cảnh giác trước tất cả những gã đàn ông khác. Hoặc giả một mình anh ta sống với vài cô vợ, giống như tinh tinh…” (Chúng tôi nhấn mạnh). Nhà tâm lý học tiến hóa Steven Pinker có vẻ cũng đang “đánh giá thói quen giao tiếp của đàn ông ngày nay” (mặc dù không có sự tự nhận thức của Darwin) khi khẳng định thẳng thừng: “Ở mọi xã hội, tình dục ít nhất vẫn có chút ‘nhơ nhớp’. Nó được thực hiện kín đáo, được cân nhắc một cách ám ảnh, bị quy định bởi phong tục và cấm kỵ, là đề tài tán gẫu và trêu chọc, và là nguồn cơn của cơn giận ghen tuông.”* Chúng tôi sẽ chỉ ra rằng dù đúng là tình dục “bị quy định bởi phong tục và điều cấm kỵ”, nhưng có rất nhiều ngoại lệ đối với mỗi nhân tố khác trong tuyên bố quá tự tin này.

Giống như tất cả chúng ta, Darwin kết hợp trải nghiệm cá nhân – hoặc không đưa chút trải nghiệm nào – với những giả định về bản chất của mọi sự sống. Trong Ả đàn bà của tay trung úy Pháp, John Fowles đưa ra cảm nhận về thói đạo đức giả về tình dục rất điển hình cho thế giới của Darwin. Nước Anh thế kỷ XIX, Fowles viết, là “thời kỳ phụ nữ được tôn sùng; nơi bạn có thể mua một cô gái 13 tuổi chỉ với giá vài bảng – vài xu, nếu bạn chỉ muốn có cô ấy trong một hoặc vài giờ… Nơi cơ thể phụ nữ chưa bao giờ bị giấu kín khỏi tầm nhìn đến vậy; và là nơi mỗi nghệ sĩ điêu khắc được đánh giá dựa trên năng lực tạc tượng phụ nữ khỏa thân… Cũng là nơi phổ biến quan niệm rằng phụ nữ không biết đến cực khoái; vậy nhưng mọi gái điếm lại được dạy cách giả vờ lên đỉnh.”

Trên một số khía cạnh, các tập tục tình dục của Vương quốc Anh thời Nữ hoàng Victoria là phỏng theo cơ chế hoạt động của động cơ hơi nước. Việc nghiêm khắc ngăn cấm giải phóng tình dục đã gây ra một áp lực lớn chưa từng có khi chặn lại dòng năng lượng bình thường. Công việc được hoàn thành qua những lần giải phóng nhanh, có kiểm soát thứ năng lượng tích lũy này. Mặc dù có rất nhiều sai lầm, Freud vẫn đúng khi nhận thấy rằng “văn minh” chủ yếu được xây dựng trên thứ năng lượng khiêu dâm bị ngăn chặn, tập trung, tích lũy và chuyển hướng.

“Để cơ thể và đầu óc không bị ô uế”, Walter Houghton giải thích trong Tâm trạng thời Victoria, “chàng trai được dạy xem phụ nữ là đối tượng cực kỳ đáng tôn trọng và thậm chí đáng tôn thờ. Anh chàng phải nghĩ về những phụ nữ tử tế (giống như em gái và mẹ mình, giống như cô dâu tương lai của chàng) là những sinh vật giống thiên thần hơn là con người – hình ảnh được tính toán một cách kỳ diệu không chỉ nhằm tách tình yêu khỏi tình dục, mà còn biến tình yêu thành thờ phụng sự thanh khiết”. Khi không có tâm trạng tôn thờ sự thanh khiết của chị em gái, mẹ, con gái và vợ mình, đàn ông nên trút cơn dâm dục của mình vào gái điếm còn hơn là đe dọa sự ổn định gia đình và xã hội bằng cách “lừa gạt” “phụ nữ đoan chính”. Arthur Shopenhauer, triết gia thế kỷ XIX, nhận thấy rằng: “chỉ riêng ở London đã có 80.000 gái điếm; và họ là gì nếu như không phải là vật hy sinh trên bàn thờ của hôn nhân một vợ một chồng?”*

Chắc chắn Charles Darwin không miễn nhiễm với căn bệnh sợ tình dục ở thời đại mình. Trên thực tế, người ta có thể lập luận rằng ông cực kỳ nhạy cảm với ảnh hưởng của nó, phần lớn là do ông trưởng thành dưới cái bóng trí tuệ của người ông nổi tiếng – và vô liêm sỉ – Erasmus Darwin*, từng nhạo báng các tập tục tình dục thời đó bằng cách có con với nhiều phụ nữ khác nhau và thậm chí còn đi xa tới mức ca ngợi tình dục bầy đàn trong thơ của mình*. Cái chết của mẹ Charles khi ông mới tám tuổi có thể cũng đã làm tăng cảm nhận của ông về phụ nữ như những thiên thần lững lờ bay trên những ham muốn và khao khát trần tục đáng xấu hổ.

Chuyên gia tâm thần học John Bowlby, một trong những người viết tiểu sử về Darwin được đánh giá cao, quy các triệu chứng suốt đời của ông như lo lắng, trầm cảm, đau đầu mãn tính, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa và khóc như điên dại khớp với tâm trạng lo lắng của trẻ con xa mẹ do ông sớm mất mẹ*. Cách giải thích này càng thêm thuyết phục nhờ một lá thư mà anh chàng Charles trưởng thành viết cho một người bà con vừa mất vợ: “Trong đời tôi chưa bao giờ mất một người thân nào cả”, ông viết, rõ ràng là đang kìm nén ký ức về cái chết của mẹ mình: “Tôi dám nói rằng tôi không thể hình dung nổi nỗi đau buồn của anh lớn đến mức nào.” Một biểu hiện nữa của vết sẹo tâm lý này đã được cháu gái ông kể lại về một lần Charles đã rất khó chịu khi có người thêm chữ ‘M’ vào trước từ ‘OTHER’* trong một trò tương tự như trò xếp chữ. Charles nhìn tấm bảng một lúc lâu trước khi tuyên bố, trước sự bối rối của mọi người, là không hề tồn tại một từ như vậy*.

Có vẻ như trạng thái ác cảm quá mức kiểu Victoria đối với tình dục đã được truyền vào cô con gái lớn tuổi nhất còn sống đến bây giờ của Charles, Henrietta. “Etty”, như người ta vẫn thường gọi, đã biên tập sách của bố, dùng chì màu xanh dương tô những đoạn mà bà cho rằng không phù hợp. Chẳng hạn, trong hồi ký của Charles về người ông phong lưu, bà xóa chỗ nhắc đến “tình yêu phụ nữ cháy bỏng” của Erasmus. Bà cũng xóa những đoạn mang tính “xúc phạm” trong Nguồn gốc con người và tự truyện của Darwin.

Sự hăng hái cứng nhắc của Etty trong việc xóa bỏ bất cứ điều gì liên quan đến tình dục không chỉ giới hạn ở ngôn từ trong văn bản. Bà còn bị ám ảnh với nấm cu chó (Phallus ravenelii) vẫn mọc trong rừng quanh khu đất nhà Darwin. Hiển nhiên, việc loài nấm này giống với dương vật người là không thể chịu đựng nổi đối với bà. Nhiều năm sau, cháu gái của Etty (cháu ngoại của Charles) nhớ lại: “Dì Etty… mang theo một chiếc giỏ, một cây gậy nhọn đầu, khoác một chiếc áo choàng săn đặc biệt và đeo găng”, rồi đi lùng loài nấm này. Đến cuối ngày, dì Etty “đốt [chúng] một cách cực kỳ bí mật trong bếp lò phòng vẽ, cửa khóa chặt – bởi đạo đức của gái chưa chồng”.*

Người sẽ ôm lấy ngươi, khi người dùng đến sức mạnh mới lạ của niềm đam mê, một điều gì đó đẹp đẽ hơn hẳn con chó của người và thân thương hơn con ngựa của người đôi chút.

• BÁ TƯỚC, ALFRED, Tennyson

Đừng hiểu sai ý của chúng tôi. Darwin biết rất nhiều và ông xứng đáng với vị trí trong ngôi đền của những nhà tư tưởng vĩ đại. Nếu là một kẻ công kích Darwin đang tìm kiếm sự ủng hộ, bạn sẽ tìm thấy rất ít ở đây. Charles Darwin là một thiên tài và là một quý ông mà chúng tôi vô cùng kính trọng. Nhưng như thường thấy ở các thiên tài nam giới, ông có đôi chút mù mờ khi nói đến phụ nữ.

Khi bàn đến hành vi tình dục ở con người, gần như Darwin không có gì ngoài những phỏng đoán. Trải nghiệm tình dục của bản thân ông có vẻ như chỉ giới hạn ở người vợ vô cùng chừng mực, Emma Wedgewood, đồng thời cũng là em họ đời thứ nhất và là em dâu của ông. Trong chuyến đi vòng quanh thế giới trên tàu Beagle, dường như nhà tự nhiên học trẻ tuổi chưa bao giờ lên bờ tìm kiếm niềm vui tình dục và xác thịt như nhiều đàn ông đi biển thời đó. Darwin quá rụt rè đối với loại hình thu thập dữ liệu được Herman Melville* kể lại trong hai cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của ông là TypeeOmoo, hoặc với việc lấy những lạc thú đã dẫn tới cuộc binh biến trên tàu The Bounty ở Nam Thái Bình Dương trước đó vài thập kỷ làm ví dụ.

Darwin cân nhắc hôn nhân về mặt lý thuyết, trước cả khi ông nghĩ tới bất cứ người phụ nữ cụ thể nào trong đầu. Ông phác ra những điều hơn lẽ thiệt ở hai cột trong cuốn sổ của mình: CướiKhông cưới. Ở bên cột Cưới, ông liệt kê: “Con cái – (nếu làm vui lòng Chúa) – Người đồng hành chung thủy, (và là bạn lúc tuổi già) sẽ quan tâm đến mình – đối tượng để yêu thương và để cùng nô đùa – Dù sao cũng tốt hơn nuôi chó… chuyện gẫu với phụ nữ… nhưng mất thời gian kinh khủng. ”

Ở mặt kia của trang giấy, Darwin nêu ra những lo lắng như: “Tự do đi nơi nào mình thích – lựa chọn các đối tượng giao du (rất ít)… Không bị bắt đi thăm họ hàng và dồn tâm trí vào từng chuyện nhỏ… béo ú và lười nhác – lo lắng và trách nhiệm… Có lẽ vợ mình sẽ (vì vậy mà) không thích London; vậy thì hình phạt là lưu đày và giáng xuống làm một kẻ ngốc lười biếng.”*

Dù hóa ra Darwin lại là một người chồng và người cha đầy thương yêu, nhưng những điều hơn lẽ thiệt này về hôn nhân cho thấy suýt nữa ông đã chọn một con chó làm bạn đồng hành.

“Đánh giá thói quen giao tiếp của con người như những gì con người đang thể hiện” không phải là một phương pháp đáng tin cậy để hiểu thời kỳ tiền sử (mặc dù phải thừa nhận là Darwin không có gì nhiều hơn để tư duy). Công cuộc tìm kiếm manh mối về quá khứ xa xưa trong những chi tiết của hiện tại sẽ dẫn ngay đến xu hướng tạo ra những câu chuyện giống với huyền thoại tự-bào-chữa hơn là khoa học.

Từ huyền thoại ở đây đã bị hạ thấp giá trị và xem nhẹ trong cách dùng hiện đại; nó thường được dùng để chỉ một cái gì đó giả tạo, dối trá. Nhưng cách dùng này thiếu mất chức năng sâu xa nhất của huyền thoại, vốn mang lại trình tự tường thuật cho các mẩu thông tin mà rõ ràng là rời rạc, cũng là cách mà các chòm sao gom những ngôi sao xa nhau kinh khủng thành những kiểu mẫu chặt chẽ, dễ nhận biết, vừa ảo vừa thật. Các nhà tâm lý học David Feinstein và Stanley Krippner giải thích: “Huyền thoại học là cái khung cửi mà trên đó [chúng ta] dệt thứ nguyên liệu thô của trải nghiệm hằng ngày thành một câu chuyện mạch lạc. Công việc dệt này trở nên cực kỳ khó khăn khi chúng ta huyền thoại hóa trải nghiệm hằng ngày của tổ tiên sống cách chúng ta 20 hoặc 30 nghìn năm hoặc hơn. Và quả chúng ta thường vô tình dệt mãi những trải nghiệm của bản thân thành tấm vải tiền sử. Đây là xu hướng phổ biến phản ánh những khuynh hướng văn hóa đương đại vào quá trình “Flintstone hóa” quá khứ xa xưa.

Flintstones* là “gia đình đồ đá hiện đại”, những suy đoán khoa học đương đại liên quan đến đời sống con người tiền sử thường bị bóp méo bởi các giả định có vẻ như cực kỳ hợp lý. Nhưng các giả định này có thể kéo chúng ta xa khỏi con đường tới sự thật.

Quá trình Flintstone hóa có hai phụ huynh: thiếu tư liệu vững chắc và nhu cầu về mặt tâm lý muốn giải thích, biện minh và kỷ niệm cuộc sống cũng như thời đại của ai đó. Nhưng để phục vụ mục đích của chúng ta, quá trình Flintstone hóa có ít nhất ba ông nội uyên thâm: Hobbes, Rousseau và Malthus.

Thomas Hobbes* (1588-1679), một người tị nạn chiến tranh cô độc, sợ hãi ở Paris, đã bị Flintstone hóa khi ông nhìn vào đám sương mù tiền sử và vẽ ra đời sống khổ sở của con người, vốn rất “cô độc, nghèo nàn, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi”. Ông vẽ ra một thời kỳ tiền sử cực kỳ giống với thế giới mà ông thấy quanh mình ở châu Âu thế kỷ XVII, nhưng tệ hơn nhiều trong mỗi khía cạnh. Được thúc đẩy bởi một nghiên cứu tâm lý học hoàn toàn khác biệt, Jean-Jacques Rousseau* (1712-1778) quan sát sự khổ sở và bẩn thỉu của xã hội châu Âu và nghĩ rằng đã nhìn thấy sự mục nát của bản chất con người nguyên thủy. Những câu chuyện về người hoang dã đơn giản ở châu Mỹ của du khách đã khích động thêm những hình ảnh tưởng tượng đầy lãng mạn của ông. Con lắc tri thức quay ngược về quan điểm của Hobbes sau đó vài thập kỷ, khi Thomas Malthus* (1766-1834) tuyên bố đã chứng minh được rằng nghèo đói cùng cực và sự tuyệt vọng đi cùng nó là đặc trưng vĩnh viễn của thân phận con người. Ông lập luận, nghèo đói cơ cực là bản chất của bài toán sinh sản ở loài có vú. Do dân số tăng theo cấp số nhân, sau mỗi thế hệ lại tăng lên gấp đôi (2, 4, 8, 16, 32…) trong khi nông dân chỉ có thể tăng nguồn cung thực phẩm bằng cách tăng diện tích gieo trồng theo cấp số cộng (1, 2, 3, 4,…) sẽ không bao giờ – không bao giờ có thể – có đủ thức ăn cho tất cả mọi người. Do đó, Malthus kết luận rằng nghèo đói là không thể tránh khỏi, giống như gió mưa vậy. Không phải lỗi của ai cả. Tự nhiên là thế. Kết luận này rất phổ biến với người giàu có và quyền lực, vốn háo hức một cách dễ hiểu trong việc lý giải tài sản kếch xù của mình và giải thích cho sự khốn khổ của người nghèo.

Giây phút eureka của Darwin là món quà của hai ông Thomas ghê gớm và một ông Fred thân thiện: Hobbes, Malthus và Flintstone, lần lượt như vậy. Bằng cách khớp nối một bản mô tả chi tiết (dù sai lầm) về bản chất con người và các kiểu đời sống của con người thời tiền sử, Hobbes và Malthus cung cấp bối cảnh trí tuệ cho giả thuyết của Darwin về chọn lọc tự nhiên. Không may là những giả định hoàn toàn Flintstone của họ đã được tích hợp vào suy nghĩ của Darwin và tồn tại dai dẳng đến tận ngày hôm nay.

Giọng nói chừng mực của khoa học nghiêm túc thường che đậy bản chất thần bí của những gì chúng ta được kể về tiền sử. Thường thì sự thần bí này rất bất thường, không chính xác và mang tính tự biện.

Tham vọng chính của chúng tôi trong cuốn sách này là tách một số ngôi sao nói trên ra khỏi chòm sao. Chúng tôi tin rằng huyền thoại nhìn chung được chấp nhận về nguồn gốc và bản chất dục tính của loài người không chỉ sai sự thật mà còn mang tính hủy diệt, làm sai lệch ý nghĩa của quá trình tiến hóa loài người. Câu chuyện sai lạc này làm méo mó hiểu biết của chúng ta về năng lực và nhu cầu của con người. Nó chẳng khác gì quảng cáo cho một cái áo hầu như không vừa với ai cả. Nhưng dù sao đi nữa thì chúng ta ai nấy đều phải mua và mặc.

Giống như mọi huyền thoại, câu chuyện này tìm cách định nghĩa chúng ta là ai và là cái gì, theo đó chúng ta có thể mong đợi và đòi hỏi gì ở nhau. Trong nhiều thế kỷ, giới chức tôn giáo đã gieo rắc thứ định nghĩa này, cảnh báo về lũ rắn, bọn đàn bà dối trá, giới luật và nỗi đau vĩnh cửu. Nhưng gần đây, nó được rao giảng cho xã hội thế tục như một thứ khoa học phức tạp.

Ví dụ thì nhan nhản. Viết trên tạp chí uy tín Science, nhà nhân học Owen Lovejoy nói rằng: “Có lẽ gia đình hạt nhân và hành vi tình dục của con người có nguồn gốc sâu xa rất lâu trước khi hình thành kỷ Pleistocene (cách đây 1,8 triệu năm).” Nhà nhân học nổi tiếng Helen Fisher cũng viết: “Phải chăng hôn nhân một vợ một chồng là điều tự nhiên?” Bà đưa ra câu trả lời chỉ có một từ duy nhất: “Đúng.” Sau đó bà nói tiếp: “Ở loài người… hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc.”

Có vẻ như nhiều nhân tố khác của thời kỳ tiền sử loài người nép sát vào nhau trong mô tả chuẩn mực về quá trình tiến hóa tình dục ở con người. Nhưng hãy nhớ rằng, có vẻ như anh chàng Da Đỏ đó đã trả lời câu hỏi của Cortés và có vẻ như đối với Giáo hoàng Urban VIII cũng như hầu hết mọi người khác, Trái đất đứng yên ở tâm hệ mặt trời là điều không phải bàn cãi. Tập trung vào các lợi ích giả định về dinh dưỡng trong việc kết đôi, nhà động vật học kiêm tác gia phi hư cấu* Matt Ridley thể hiện sự quyến rũ trong sự đồng nhất rõ ràng này: “Não to cần thịt… (và) việc chia sẻ thức ăn cho phép người ta có một thực đơn nhiều thịt (bởi nó giúp con người tránh khỏi nguy cơ thất bại khi theo đuổi trò chơi)… (và) việc chia sẻ thức ăn đòi hỏi phải có não lớn (không có những ký ức của việc tính toán chi tiết, bạn có thể dễ dàng bị tay khuân vác miễn phí lừa gạt).” Đến đây thì vẫn ổn. Nhưng giờ thì Ridley chèn các bước nhảy quyến rũ vào điệu nhảy của mình: “Sự phân chia sức lao động theo giới tính đã thúc đẩy hôn nhân một vợ một chồng (khế ước kết đôi nay trở thành đơn vị kinh tế); hôn nhân một vợ một chồng dẫn tới chọn lọc tính dục theo tiêu chí trẻ trung (bằng cách ưu tiên sự trẻ trung ở bạn đời).” Nó là một điệu van-xơ, trong đó một giả định xoay tròn vào giả định tiếp theo, cứ thế trở thành “một hình trôn ốc với khoảng cách dễ chịu giữa các vòng, cho thấy chúng ta đã trở thành con người ngày nay như thế nào”*.

Hãy để ý tới cách thức từng nhân tố đoán biết trước nhân tố tiếp theo như thế nào, và tất cả cùng nhau tạo thành một chòm sao hoàn chỉnh và dường như giải thích được quá trình tiến hóa tính dục ở con người ra sao.

Các vì sao ở xa thuộc chòm sao chuẩn bao gồm:

Cá thể đực người tiền sử quyết định “đầu tư” vào một cá thể cái và con cô ấy như thế nào;

Cơn ghen tính dục ở nam giới và tiêu chuẩn kép liên quan đến quyền tự chủ và tình dục ở nam giới và nữ giới;

“Một sự thực” thường được nhắc đi nhắc lại là thời gian rụng trứng của phụ nữ “bị giấu kín”;

Bộ ngực hấp dẫn đến mức khó hiểu của phụ nữ;

Sự lừa dối và phản bội khét tiếng của nàng, khởi nguồn của nhiều bản nhạc blue và đồng quê cổ điển;

Và tất nhiên, độ háo hức nổi tiếng của đàn ông trong việc quan hệ tình dục với bất cứ cô nàng nào – nguồn nhạc liệu cũng không kém phần phong phú.

Đây là điều chúng ta đang phải đối mặt. Nó là bài hát mạnh mẽ, súc tích, tự thay đổi cường độ và mở trên radio suốt ngày đêm… nhưng vẫn sai, bạn thân mến ạ, quá sai.

Trên phương diện khoa học, mô tả chuẩn mực đúng đắn y như câu chuyện về Adam và Eve. Thực ra, bằng nhiều cách thức, nó là bản kể lại mới, mang tính khoa học về câu chuyện phạm tội tổ tông được mô tả trong Sáng thế ký – đầy đủ lừa gạt tình dục, điều cấm kỵ và tội lỗi. Nó che giấu sự thật về hoạt động tính dục loài người đằng sau chiếc lá sung thận trọng lỗi thời kiểu Victoria dưới danh nghĩa khoa học. Nhưng khoa học thực thụ – ngược với huyền thoại có cách nhìn trộm từ đằng sau chiếc lá sung.

Charles Darwin đề xuất hai cơ chế cơ bản của quá trình tiến hóa. Cơ chế thứ nhất, được biết đến nhiều hơn, là chọn lọc tự nhiên. Về sau nhà triết học kinh tế Herbert Spencer* đưa ra thành ngữ “sự tồn tại của kẻ thích hợp nhất” để mô tả cơ chế này, mặc dù hầu hết giới sinh học vẫn thích khái niệm “chọn lọc tự nhiên” hơn. Cần hiểu rằng tiến hóa không hàm ý một quá trình tiến bộ. Chọn lọc tự nhiên chỉ khẳng định rằng các loài thay đổi khi chúng thích nghi với môi trường biến-đổi-không-ngừng. Một trong những sai lầm thường mắc phải của những người theo chủ nghĩa Darwin mới là cho rằng tiến hóa là một quá trình trong đó con người hoặc xã hội loài người trở nên tốt đẹp hơn*. Không hề.

Các sinh vật vượt qua chọn lọc tự nhiên là những loài có khả năng sống sót tốt nhất trong môi trường luôn biến đổi và sản sinh thế hệ kế tiếp. Là những kẻ sống sót, mã di truyền của chúng chắc chắn chứa đựng thông tin có lợi cho con cháu trong chính môi trường đó. Nhưng môi trường này vẫn có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, vì vậy bất cứ lợi thế tiến hóa nào cũng có thể bị vô hiệu hóa.

Charles Darwin còn lâu mới là người đầu tiên đề xướng rằng có một số hình thức tiến hóa nào đó đang diễn ra trong thế giới tự nhiên. Ông nội của Darwin, Erasmus Darwin, là người đã để ý đến quá trình phân hóa rõ ràng ở cả thực vật lẫn động vật. Câu hỏi lớn ở đây là quá trình đó diễn ra như thế nào? Cơ chế nào khiến các loài trở nên khác nhau? Darwin đặc biệt kinh ngạc trước những thay đổi nhỏ giữa các loài chim sẻ mà ông nhìn thấy trên nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Galapagos*. Điều này cho thấy môi trường rất quan trọng đối với quá trình này, nhưng mãi về sau ông vẫn chưa tài nào giải thích nổi làm thế nào mà môi trường lại hình thành nên các sinh vật này sau nhiều thế hệ.

Thuyết tiến hóa được áp dụng cho các vấn đề thuộc cơ thể gần như từ khi Darwin cho ra mắt cuốn Nguồn gốc các loài. Ông đã giữ bí mật học thuyết của mình suốt nhiều thập kỷ, sợ rằng cuốn sách chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi. Nếu bạn muốn biết tại sao ở con người tai mọc hai bên đầu còn mắt lại nằm ở phía trước, thuyết tiến hóa có thể giải thích cho bạn hiểu, cũng như có thể giải thích tại sao loài chim mắt lại ở hai bên đầu còn tai thì rất khó nhìn thấy. Nói cách khác, thuyết tiến hóa đưa ra lời giải thích về việc cơ thể hình thành như thế nào.

Năm 1975, E. O. Wilson* đưa ra một đề xuất quan trọng. Trong cuốn sách ngắn gây kinh ngạc có tên là Sociobiology (tạm dịch: Sinh học xã hội), Wilson lập luận rằng thuyết tiến hóa có thể, mà thực ra là phải được, áp dụng vào cách tư duy về nguồn gốc hành vi của chúng ta -chứ không chỉ về cơ thể. Về sau, để tránh những ngụ ý tiêu cực đang tích lũy nhanh chóng, giống như ngụ ý liên quan đến thuyết ưu sinh (do người anh họ của Darwin là Francis Galton lập ra), cách tiếp cận này được đặt tên là “tâm lý học tiến hóa”. Wilson đề xuất phải dùng thuyết tiến hóa để thay đổi một số “vấn đề cốt lõi… cực kỳ quan trọng: Trí óc hoạt động ra sao và hơn thế nữa là tại sao lại hoạt động theo hướng đó chứ không phải hướng khác, xét trên cả hai xu hướng đó thì bản chất tối hậu của con người là gì?” Ông lập luận rằng thuyết tiến hóa là “giả thuyết căn bản đầu tiên cho bất cứ tư duy nghiêm túc nào về thân phận con người”, và rằng, “thiếu nó thì khoa học xã hội và nhân văn chỉ là những biểu hiện hạn chế về các hiện tượng bề mặt, giống như thiên văn học thiếu vật lý, sinh học thiếu hóa học và toán học không có đại số”.

Khởi đầu bằng cuốn Sinh học xã hội, và sau đó ba năm là cuốn On Human Nature (Về bản tính người) cũng của Wilson, các nhà lý thuyết tiến hóa bắt đầu chuyển trọng tâm từ mắt, tai, lông vũ, lông mao, sang những vấn đề ít hữu hình hơn nhưng lại dễ gây tranh cãi hơn như tình yêu, ghen tuông, lựa chọn đôi lứa, chiến tranh, giết người, hiếp dâm và vị tha. Các đề tài thú vị được chọn ra từ các anh hùng ca và phim truyền hình dài tập được đưa vào các cuộc nghiên cứu và tranh cãi đầy trí tuệ trong các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Tâm lý học tiến hóa ra đời.

Đây là một ca khó đỡ. Nhiều người ghét cái hàm ý rằng suy nghĩ và cảm giác của chúng ta được ghi sẵn vào mã di truyền, giống như hình dạng cái đầu hoặc chiều dài ngón tay vậy – và vì thế không bỏ qua được và cũng không thay đổi được. Nghiên cứu về tâm lý học tiến hóa nhanh chóng tập trung vào những điểm khác biệt giữa nam và nữ, được cho là đã phân ra theo hai hướng tiến hóa về sinh sản khác nhau. Giới phê bình nhận thấy các ngụ ý của thuyết tiền định chủng tộc cũng như thành kiến tự mãn vốn biện hộ cho hàng thế kỷ chinh phục, chế độ nô lệ và sự kỳ thị.

Mặc dù Wilson không bao giờ nói rằng chỉ duy nhất sự di truyền gene tạo ra các hiện tượng tâm lý, mà chỉ nói rằng các xu hướng tiến hóa ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi, nhưng hiểu biết khiêm tốn của ông nhanh chóng bị che mờ bởi các cuộc tranh cãi thái quá nổi lên sau đó. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội thời đó cho rằng loài người là những sinh vật văn hóa gần như hoàn hảo; tấm bảng trắng [blank slate] sẽ được xã hội điền vào*. Nhưng cái nhìn của Wilson lại cực kỳ hấp dẫn đối với các học giả vốn rất háo hức trong việc giới thiệu một phương pháp luận khoa học khắt khe hơn vào các lĩnh vực mà họ cho là quá chủ quan và bị bóp méo bởi quan điểm chính trị tự do cũng như lối tư duy mơ mộng. Nhiều thập kỷ sau, hai phe của cuộc tranh luận này vẫn cố thủ trong quan điểm cực đoan của mình: bản chất con người có sẵn trong gene hay được hình thành qua giao tiếp. Như bạn nghĩ, sự thật – và nghiên cứu khoa học giá trị nhất được tiến hành trong lĩnh vực này – nằm đâu đó giữa hai quan điểm kể trên.

Ngày nay, những người tự cho là phe “thực tế” trong phái tâm lý học tiến hóa cho rằng bản chất loài người khiến chúng ta gây lộn với hàng xóm, dối trá với vợ/chồng và hành hạ con ghẻ. Họ lập luận rằng hiếp dâm là một chiến lược duy trì nòi giống thành công còn hôn nhân rốt cuộc là một cuộc đấu tranh không-có-kẻ-thắng mà hai bên chắc chắn đều thất vọng. Tình yêu lãng mạn hạ thấp thành một phản ứng hóa học nhử chúng ta vào mớ bòng bong sinh sản mà tình mẫu/phụ tử khiến chúng ta không tài nào thoát ra được. Quan điểm của họ là một bản mô tả hết sức đầy đủ tuyên bố sẽ giải thích ngọn ngành vấn đề*.

Tất nhiên, có nhiều nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tâm lý học tiến hóa, nghiên cứu động vật linh trưởng, sinh học tiến hóa và các lĩnh vực khác nữa không đồng tình với mô tả chuẩn mực mà chúng ta đang phê bình trong những trang này, hoặc những mô hình của họ giống nhau ở điểm này nhưng lại khác xa nhau ở điểm khác. Hy vọng họ sẽ bỏ qua nếu như đôi lúc chúng tôi có vẻ quá đơn giản hóa nhằm minh họa một cách rõ ràng hơn những nét chính của các mô hình mà vẫn không bị lạc trong đống khác biệt nho nhỏ.

Mô tả chuẩn mực của tâm lý học tiến hóa chứa đựng nhiều mâu thuẫn hiển nhiên, nhưng một trong những điểm đáng chú ý nhất lại liên quan đến ham muốn ở nữ giới. Người ta cứ nói suốt với chúng ta rằng, phụ nữ là phái kén cá chọn canh, và dè dặt với tình dục. Nam giới dùng năng lượng bản thân để gây ấn tượng với phụ nữ như chưng diện đồng hồ đắt tiền, lái những chiếc xe thể thao mới láng bóng, bon chen để có được danh tiếng, chỗ đứng và quyền lực – tất cả chỉ nhằm thuyết phục đám phụ nữ bẽn lẽn kia trao tặng thứ đặc ân tình dục vốn được bảo vệ kỹ lưỡng của mình. Tuy nhiên về phần phụ nữ, mô tả chuẩn mực lại khẳng định rằng tình dục là nhằm đảm bảo an toàn cho mối quan hệ; lạc thú thể xác chẳng qua chỉ là niềm vui tình cờ mà thôi*. Darwin đồng ý với quan điểm này. Khái niệm phụ nữ “nhút nhát” “cần phải được tán tỉnh” đã ăn sâu trong thuyết chọn lọc tính dục của ông.

Người ta bảo rằng nếu phụ nữ lại nhiều ham muốn như đàn ông, xã hội loài người sẽ sụp đổ. Vào năm 1875, Lord Acton* chỉ nhắc lại điều ai cũng biết khi tuyên bố rằng: “Phần lớn đàn bà, rất may mắn cho họ và cả xã hội, là không gặp nhiều rắc rối lắm với cảm giác tình dục ở bất cứ hình thức nào.”

Mặc dù liên tục quả quyết rằng phụ nữ không phải là kẻ đặc biệt ham muốn, trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới, nam giới vẫn làm đủ mọi cách để kiểm soát ham muốn của phụ nữ: cắt xẻo âm vật, mặc đồ trùm kín từ đầu đến chân, thiêu phù thủy thời Trung cổ, khóa trinh tiết, áo ngực thắt đến nghẹt thở, thì thầm sỉ nhục bọn đĩ điếm “hoang đàng”, xem là bệnh hoạn, khám bệnh theo kiểu gia trưởng, dùng những lời dè bỉu nặng nề đổ lên bất cứ người phụ nữ nào quyết định hào phóng với hoạt động tình dục… Tất cả đều là những thành tố rõ ràng của một chiến dịch che giấu ham muốn tình dục ở nữ giới vốn bị xem là không có gì nổi bật. Tại sao phải dùng hàng rào an ninh kẽm gai có điện để giữ một con mèo con?

* * *

Vị thần Hy Lạp, Tiresias có một quan điểm độc đáo về lạc thú tình dục ở nam giới và nữ giới.

Khi còn trẻ, Tiresias bắt gặp hai con rắn đang xoắn lấy nhau giao hợp. Ông dùng cây gậy chống tách hai con rắn đang say đắm ra và bỗng nhiên ông biến thành phụ nữ.

Bảy năm sau, bà Tiresias khi đi ngang qua khu rừng thì lại quấy quả hai con rắn đang trong giây phút riêng tư. Đưa cây gậy tách chúng ra, bà hoàn tất chu kỳ và biến trở lại thành đàn ông.

Chính trải nghiệm độc đáo này đã khiến cặp đôi số một của điện thờ bách thần Hy Lạp, Zeus và Hera, triệu Tiresias đến để giải quyết một vụ tranh cãi dai dẳng trong hôn nhân: ai thích tình dục hơn, nam giới hay nữ giới? Zeus quả quyết là phụ nữ, nhưng Hera phản đối. Tiresias trả lời rằng không những phụ nữ thích tình dục hơn nam giới, mà còn thích hơn đến chín lần!

Câu trả lời của ông khiến Hera giận dữ đến mức đánh mù mắt ông. Cảm thấy mình có phần trách nhiệm vì đã lôi Tiresias tội nghiệp vào vụ rắc rối này, Zeus tìm cách khắc phục bằng cách ban cho ông tài tiên tri. Chính ở trong tình trạng mù lòa này, Tiresias nhìn thấy định mệnh khủng khiếp của Oedipus: vô tình giết cha đẻ và lấy mẹ ruột mình.

Đức cha Peter xứ Tây Ban Nha*, tác giả của một trong những cuốn sách y khoa được đọc nhiều nhất trong thế kỷ XIII, Thesaurus Pauperum (tạm dịch: Kho báu của người nghèo), thì khéo léo hơn khi đối diện với vấn đề tương tự. Câu trả lời của ông (đưa ra trong cuốn Quaestiones super Viaticum (tạm dịch: Những câu hỏi về lễ ban Thánh thể) là dù phụ nữ thật sự hưởng nhiều khoái cảm hơn, nhưng lạc thú tình dục của nam giới lại có chất lượng cao hơn. Cuốn sách của ông còn nêu ra nguyên liệu cho 34 loại thuốc kích dục, 56 đơn thuốc tăng cường ham muốn tình dục nam giới và các phương pháp tránh thai dành cho phụ nữ. Có lẽ chính tài ngoại giao, lời khuyên về phương pháp tránh thai, hoặc tư duy cởi mở của ông đã góp phần gây ra một trong những bước ngoặt kỳ lạ và bi thảm nhất trong lịch sử. Năm 1276, Đức cha Peter xứ Tây Ban Nha được bầu làm Giáo hoàng John XXI, nhưng chết sau đó chín tháng vì bị trần thư viện sụp một cách đáng ngờ đè lên người lúc ông đang ngủ.

Tại sao những chuyện kiểu này lại quan trọng? Tại sao chúng ta lại cần phải điều chỉnh những quan niệm sai lầm phổ biến về quá trình tiến hóa tình dục của loài người?

Hãy cứ tự hỏi bản thân xem điều gì sẽ thay đổi nếu ai cũng biết rằng phụ nữ cũng (hoặc ít ra là có thể, trong những trường hợp thích hợp) thích tình dục như nam giới, chưa nói đến tám hay chín lần hơn như Tiresias tuyên bố? Nếu Darwin sai về bản năng giới tính hay e ngại chọn lựa của phụ nữ – bị chứng sợ tình dục thời Victoria của ông gây sai lệch – thì sao? Nếu bí mật lớn nhất của thời Victoria là cả nam giới và nữ giới đều là nạn nhân của chương trình tuyên truyền sai lệch về bản chất tình dục thật của chúng ta và “cuộc chiến giữa hai giới tính” – vẫn diễn ra đến tận ngày nay – là một chiến dịch nghi binh, sự né tránh việc buộc tội lẫn nhau và là kẻ thù chung của chúng ta?

Chúng ta đang bị dẫn dắt sai đường và nhận thông tin sai lệch từ một câu thần chú vô căn cứ nhưng được lặp đi lặp lại về tính tự nhiên của hạnh phúc trong hôn nhân, sự dè dặt trong tình dục của phụ nữ và hôn nhân một vợ một chồng hạnh phúc đến trọn đời – một mô tả về cuộc đấu trí giữa nam giới và nữ giới trong bản tăng-gô bi thảm đầy những kỳ vọng phi thực tế, những cơn cáu giận ngày càng lớn và luôn luôn là nỗi thất vọng ghê gớm. Sống dưới “nền chuyên chế hai người”, như lời tác gia kiêm nhà phê bình truyền thông Laura Kipnis, chúng ta gánh sức nặng của “nỗi lo chủ yếu đối với tình yêu hiện đại”, cụ thể là “kỳ vọng sự lãng mạn và hấp dẫn tính dục có thể tồn tại suốt thời gian chung sống bên nhau, mặc dù rất nhiều bằng chứng xác đáng cho thấy điều ngược lại”*.

Chúng ta xây dựng những mối quan hệ thiêng liêng nhất trong một cuộc chiến mà nỗi khao khát đã tiến hóa của chúng ta xung đột với câu chuyện thần thoại lãng mạn về hôn nhân một vợ một chồng. Như Andrew J. Cherlin kể lại trong The Marriage-Go-Round (tạm dịch: Cãi cọ trong hôn nhân), mâu thuẫn không được giải quyết giữa con người thật của chúng ta với điều mà nhiều người muốn chúng ta trở thành đã dẫn đến “sự xáo trộn lớn trong đời sống gia đình Mỹ, sự đổ vỡ trong gia đình, các đối tác đến và đi với quy mô chưa từng thấy ở nơi nào khác”. Nghiên cứu của Cherlin cho thấy rằng: “Trong đời sống cá nhân, người Mỹ có nhiều bạn tình hơn so với người ở bất cứ quốc gia phương Tây nào.”

Nhưng chúng ta hiếm khi dám đối mặt với mâu thuẫn quan trọng nhất trong chính tư tưởng sai lầm về xung đột trong hôn nhân. Và nếu dám thì sao? Trong suốt cuộc thảo luận bàn tròn về một chính trị gia lập gia đình đã lâu và bị bắt quả tang trai trên gái dưới, diễn viên/nhà phê bình xã hội Bill Maher yêu cầu các vị khách trong chương trình truyền hình của ông hãy suy nghĩ về một thực tế không được nói ra trong những trường hợp như thế: “Khi đàn ông đã lấy vợ được 20 năm”, Maher nói: “anh ta không muốn quan hệ với vợ nữa, hoặc vợ anh ta không muốn quan hệ với anh ta nữa. Thế nào cũng được. Câu trả lời đúng ở đây là gì? Tôi muốn nói rằng, tôi biết anh ta xấu xa vì đã lừa dối, nhưng câu trả lời đúng ở đây là gì? Đó là cứ thế nghiến răng chịu đựng và sống nốt phần đời còn lại không một chút đam mê, rồi tưởng tượng đến người khác khi làm tình với vợ ba ngày trong cả năm và thế là có làm tình?” Sau một lúc rụt rè im lặng, một thành viên trong cuộc thảo luận của Maher trả lời: “Không, câu trả lời đúng là thoát khỏi mối quan hệ này… Phải làm thế. Tôi muốn nói rằng, anh là người lớn cơ mà.” Một người khác đồng ý, nói thêm rằng: “Ở đất nước này ly hôn là hợp pháp.” Người thứ ba, nhà báo P. J. O’Rourke bình thường vẫn hay nói thẳng, chỉ im lặng nhìn xuống giày*.

“Phải thoát khỏi mối quan hệ này ư?” Thật sao? Từ bỏ gia đình của mình thật sự là lựa chọn “người lớn” khi xử lý mâu thuẫn vĩnh cửu giữa những ý tưởng lãng mạn với thực tế chóng tàn của niềm đam mê tình dục, điều mà nhà văn Radclyffe Hall gọi là “nỗi buồn vô tận của khao khát đã được thỏa mãn?”*

Cảm nhận của Darwin về người phụ nữ nhút nhát không chỉ dựa trên những giả định thời Victoria của ông. Bên cạnh chọn lọc tự nhiên, ông còn đề xuất một cơ chế thứ hai dẫn đến tiến hóa: chọn lọc tính dục. Tiền đề trung tâm của chọn lọc tính dục là ở hầu hết các loài, con cái đầu tư vào lứa sau nhiều hơn hẳn con đực. Nó mắc kẹt với việc mang thai, tiết sữa và nuôi dưỡng con non lâu dài. Darwin lập luận rằng, do sự hy sinh không cân xứng này, con cái trở nên do dự hơn và cần phải được thuyết phục để tham gia – trong khi con đực, với cách tiếp cận chớp nhoáng vì mục đích duy trì nòi giống, lại háo hức làm công việc thuyết phục. Tâm lý học tiến hóa được xây dựng trên niềm tin cho rằng cách tiếp cận của phụ nữ và nam giới đối với việc kết đôi chứa đựng những mâu thuẫn vĩnh viễn.

Việc lựa chọn con đực để giao phối thường mang tính cạnh tranh của giống đực: cừu húc đầu vào nhau, công trống kéo lê chiếc đuôi sặc sỡ, thu hút thú dữ, đàn ông với những món quà đắt tiền thề thốt yêu đương mãi mãi bên ánh nến. Darwin cho rằng chọn lọc tính dục là một cuộc chiến giữa các con đực để được quan hệ tình dục với các con cái thụ động, mắn đẻ, vốn sẽ phục tùng kẻ chiến thắng. Với bối cảnh cạnh tranh mà các giả thuyết của ông đưa ra, ông tin rằng “quan hệ bừa bãi một cách tự do [là] cực kỳ khó xảy ra”.

Nhưng ít ra còn có một người cùng thời với Darwin không tán thành quan điểm đó.

Đối với người da trắng, ông là Lewis Henry Morgan (1818-1881), một luật sư ngành đường sắt rất quan tâm tới học thuật và những phương thức mà xã hội tự tổ chức*. Bộ tộc Seneca của quốc gia Iroquois đã nhận Morgan làm thành viên trưởng thành của tộc, đặt tên cho ông là Tayadaowuhkuh, nghĩa là “nối liền khoảng cách”. Tại nhà mình gần Rochester, New York, Morgan dành thời gian vào buổi tối để nghiên cứu và viết lách, mang sự khắt khe của khoa học vào việc lý giải đời sống tình dục của những con người bị thời gian hay không gian khiến cho trở nên xa xôi. Là học giả Mỹ duy nhất được ba đại trí thức khác của thế kỷ là Darwin, Freud và Marx trích dẫn, nhiều người xem Morgan là nhà khoa học xã hội có ảnh hưởng lớn nhất đương thời và là cha đẻ của ngành nhân chủng học Mỹ. Có đôi chút mỉa mai là, có lẽ việc Marx và Engel ngưỡng mộ tư duy của Morgan là nguyên nhân khiến ngày nay tác phẩm của ông không được biết đến nhiều hơn. Mặc dù không phải là người theo chủ nghĩa Marx, Morgan hoài nghi các giả định quan trọng của Darwin liên quan đến tầm quan trọng cốt lõi của sự cạnh tranh tình dục trong lịch sử loài người. Quan điểm này đủ khiến cho một số người ủng hộ Darwin thấy khó chịu – mặc dù chính Darwin lại không cảm thấy như thế, vì ông rất tôn trọng và ngưỡng mộ Morgan. Trên thực tế, Morgan và vợ đã có một đêm ở cùng với gia đình Darwin trên chuyến đi tới nước Anh; nhiều năm sau, hai người con trai của Darwin sống cùng gia đình Morgan tại nhà của họ ở vùng ngoại ô New York.

Morgan đặc biệt quan tâm đến sự tiến hóa của cấu trúc gia đình và toàn thể tổ chức xã hội. Ngược lại với lý thuyết của Darwin, ông đưa ra giả thuyết về một hoạt động tính dục bừa bãi hơn nhiều, rất đặc trưng của thời tiền sử. “Chồng thì lấy nhiều vợ, còn vợ thì lấy nhiều chồng, điều này bị xem là cổ hủ trong xã hội loài người. Một gia đình như vậy vừa không có gì là phản tự nhiên và cũng không có gì là ngoại lệ”, ông viết. “Thật khó mà chỉ ra được bất kỳ sự khởi đầu khả dĩ nào của gia đình trong thời nguyên thủy.” Sau đó mấy trang, Morgan kết luận rằng: “Có vẻ như buộc phải kết luận rằng ‘tình trạng quan hệ bừa bãi’ là đặc thù của thời tiền sử, ‘mặc dù kết luận này bị một tác giả ưu tú như ngài Darwin hoài nghi’.”

Lập luận của Morgan về tập quán quần hôn trong xã hội tiền sử (còn được gọi là chế độ đa thê hay đám đông nguyên thủy – thuật ngữ được học giả người Pháp là Charles Fourier đặt ra sau này đã ảnh hưởng mạnh đến tư duy của Darwin đến mức ông phải thừa nhận rằng: “Có vẻ chắc chắn là tập quán hôn nhân đó đã dần dần phát triển, và gần như việc quan hệ bừa bãi đã có thời cực kỳ phổ biến trên khắp thế giới.” Với tính khiêm tốn nhã nhặn, Darwin đồng ý rằng có những “bộ lạc ngày nay” mà “tất cả nam nữ trong bộ lạc đều là vợ chồng của nhau”. Để tỏ lòng trân trọng với nghiên cứu học thuật của Morgan, Darwin nói tiếp: “Những ai nghiên cứu cặn kẽ nhất về đề tài này và có phân tích giá trị hơn nhiều so với tôi, tin rằng quần hôn là hình thức nguyên sơ và phổ biến trên toàn thế giới… Bằng chứng gián tiếp bổ trợ cho niềm tin này cực kỳ mạnh…”

Đúng là thế. Và bằng chứng đó – cả trực tiếp lẫn gián tiếp – đều phát triển mạnh hơn nhiều so với những gì mà Darwin, hay thậm chí Morgan hình dung được.

Nhưng trước hết, hãy nói kỹ hơn một chút về một từ. Bừa bãi với mỗi người một khác, vì vậy hãy định nghĩa thuật ngữ này. Từ gốc Latin là miscere, có nghĩa là pha trộn. Nó không ám chỉ sự kết đôi một cách ngẫu nhiên, bởi các ưu tiên và chọn lựa vẫn có vai trò ảnh hưởng trong đó. Chúng ta tìm một thuật ngữ khác để sử dụng trong cuốn sách này, một từ không gắn với nụ cười khẩy có ý dè bỉu, mà những từ đồng nghĩa với nó lại hàm ý rất tệ hại: dâm đãng, phóng đãng, dâm dật, sa ngã.

Hãy nhớ rằng khi mô tả tập quán tình dục ở các xã hội trên thế giới, tức là chúng tôi đang mô tả hành vi mà những người có thắc mắc thấy là bình thường. Trong cách dùng thông thường, từ bừa bãi ám chỉ hành vi vô đạo đức hoặc vô luân, ích kỷ và tàn nhẫn. Nhưng hầu hết những người mà chúng tôi sẽ mô tả đều hành xử tốt trong khuôn khổ những gì xã hội của họ cho là hành vi chấp nhận được. Họ không phải là những kẻ nổi loạn, tội phạm, hay mơ mộng không tưởng. Vì các nhóm hái lượm (dù ở ngày nay hay thời tiền sử) hiếm khi quá 100-150 người, mỗi người chắc chắn biết từng người vợ/chồng của mình một cách sâu sắc và mật thiết – có lẽ ở mức hơn nhiều so với người hiện đại biết về tình nhân ngẫu nhiên của bản thân.

Morgan khẳng định điều này trong cuốn Ancient Society (tạm dịch: Xã hội cổ đại): “Bức tranh về đời sống hoang dã không cần phải tạo ra cách mạng cho tư duy, bởi vì với họ đây là một dạng quan hệ hôn nhân, do đó không phải là thiếu đứng đắn.”

Nhà sinh vật học Alan F. Dixson, tác giả của cuộc nghiên cứu lớn nhất về hoạt động tính dục của động vật linh trưởng (không hề ngạc nhiên khi đề tài có tên là Hoạt động Tính dục ở Linh trưởng), cũng đưa ra quan điểm tương tự về điều mà ông thích gọi là “hệ thống kết đôi nhiều nam-nhiều nữ” đặc trưng của những người bà con linh trưởng gần gũi nhất với chúng ta: tinh tinh và tinh tinh lùn. Ông viết: “Việc kết đôi rất hiếm khi bừa bãi trong các nhóm linh trưởng nhiều nam-nhiều nữ. Nhiều nhân tố, trong đó có quan hệ họ hàng, cấp bậc xã hội, sự hấp dẫn tính dục và sở thích tính dục cá nhân có thể sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn bạn tình ở cả hai giới. Như vậy, gọi các hệ thống kết đôi như vậy là bừa bãi thì không đúng.”*

Như vậy, nếu bừa bãi có nghĩa là đồng thời có nhiều mối quan hệ tính dục, vậy thì, vâng, tổ tiên chúng ta còn bừa bãi hơn nhiều so với tất cả những kẻ dâm dục nhất trong chúng ta. Mặt khác, nếu chúng ta hiểu rằng bừa bãi là do hoàn toàn thiếu phân biệt trong khi lựa chọn bạn tình hoặc quan hệ tình dục với người lạ ngẫu nhiên, vậy thì tổ tiên chúng ta còn kém bừa bãi hơn nhiều so với nhiều người hiện đại. Trong cuốn sách này, bừa bãi chỉ có nghĩa là một cá nhân có một số mối quan hệ tình dục đang diễn ra đồng thời. Với tình trạng đời sống tiền sử chia theo từng nhóm nhỏ, những bạn tình này lại càng không thể là người lạ.

Bình luận
Ads Footer