DỐI TRÁ VỀ TUỔI THỌ (NGẮN)
Thời của chúng ta là sáu bảy mươi năm; và nếu có sức khỏe thì sẽ là tám mươi năm, nhưng chỉ toàn vất vả và khổ đau; nó sẽ trôi qua nhanh và chúng ta sẽ bay đi.
• THÁNH THI 90:10
Lạ-nhưng-đúng: Chiều cao trung bình của người tiền sử là khoảng 1 mét.
Thực tế đó có làm thay đổi cái nhìn của bạn về thời tiền sử hay không? Phải chăng bạn đang hình dung một chủng tộc bé tí với những con người thấp nhỏ sống trong những cái hang nhỏ xíu, đuổi thỏ vào lỗ, run rẩy vì sợ cáo và bị diều hâu quắp đi? Liệu điều này có khiến bạn nghĩ lại xem một cuộc đi săn voi ma-mút phải như thế nào đối với những tổ tiên bé xíu của chúng ta? Liệu điều này có làm bạn cảm thấy may mắn hơn khi được sống vào ngày nay, khi chế độ ăn và vệ sinh ưu việt đã gần như làm tăng chiều cao trung bình của con người lên gấp đôi?
Nào, đừng có đi quá xa như thế. Mặc dù thực tế đúng là “chiều cao” của nam giới tiền sử khoảng 1 m, đây là một dạng thực tế sai lạc. Giống như những lời tuyên bố quá tự tin tính quy luật của hôn nhân, nghèo đói và chiến tranh, chính thái độ quả quyết này đã gieo rắc sự lúng túng và dẫn tới vụ thu hoạch toàn dữ liệu sai lạc.
Hãy lấy chiều cao trung bình của một nam giới trưởng thành sống ở thời tiền sử (sử dụng di tích xương làm chỉ dẫn): cao khoảng 1,8 m; sau đó lấy kích thước trung bình của bộ xương trẻ sơ sinh tiền sử (cứ cho là khoảng 50 cm); rồi suy luận từ tỉ lệ bộ xương của trẻ sơ sinh so với người lớn ở những địa điểm chôn cất khảo cổ học đã được biết tới và giả sử rằng nói chung, cứ ba người sống tới độ tuổi trưởng thành thì có bảy người chết lúc còn thơ ấu. Như vậy, do tỉ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh, chiều cao trung bình của con người tiền sử là (3×180)+(7×50)/10=89cm. Gần 1m.*
Vô lý ư? Đúng vậy. Sai lạc ư? Vâng. Chính xác về mặt thống kê? Đại loại thế.
“Thực tế” này về chiều cao không vô lý hay sai lạc hơn những gì hầu hết mọi người tin về tuổi thọ của con người thời tiền sử.
Bằng chứng A: Trong một cuộc phỏng vấn với NBC Nightly News, nhà sinh vật vật lý thuộc Trường Đại học California San Francisco, Jeff Lotz thảo luận về sự phổ biến của chứng đau lưng mãn tính ở Mỹ. Hàng triệu người xem đêm hôm đó nghe ông giải thích rằng: “Cách đây hai ba trăm năm, chúng ta vẫn chưa sống qua được tuổi 45, vì vậy xương sống của chúng ta chưa tiến hóa tới mức có khả năng duy trì tư thế thẳng đứng này với những gánh nặng trọng lực lớn trong suốt cuộc đời.” (Chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi).
Bằng chứng B: Trong cuốn sách đáng tin cậy khác về phụ nữ thời tiền sử (The Invisible Sex – Tình dục vô hình), một nhà khảo cổ học, một nhà nhân học và một biên tập viên của một trong những tờ tạp chí khoa học hàng đầu thế giới cùng nhau hình dung về cuộc sống của một phụ nữ điển hình mà họ gọi là Ursula, sống ở châu Âu cách đây 45.000 năm. “Cuộc sống thật khó khăn”, họ viết, “và nhiều người, đặc biệt là trẻ em và người già, đã chết đói vào mùa đông và vì đủ kiểu tai nạn cũng như bệnh tật… Ursula (có đứa con gái đầu lòng ở tuổi 15) sống đủ lâu để thấy đứa cháu đầu tiên của mình, chết ở cái tuổi già khú đế là 37.”* (Chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi).
Bằng chứng C: Trong một bài báo trên tờ New York Times*, James Vaupel, giám đốc phòng thí nghiệm về sinh tồn và tuổi thọ tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu Max Planck, giải thích rằng: “Không có tuổi thọ nào là cố định.” Tiến sĩ Vaupel chỉ rõ hiện tượng tăng tuổi thọ từ năm 1840 đến nay ở những nước mà con số này tăng nhanh nhất và rằng đây là sự tăng “tuyến tính, hoàn toàn tuyến tính, không có chút bằng chứng nào về sụt giảm hoặc chậm lại.” Từ đây, ông kết luận rằng: “Không có lý do nào khiến tuổi thọ không thể tiếp tục tăng thêm hai đến ba năm cho mỗi thập kỷ.”
Thế mà lại có. Một lúc nào đó, tất cả mọi trẻ em đều có khả năng sống sót đến tuổi trưởng thành. Đó là giới hạn của bạn.
Những con số trên đây cũng tuyệt vời như những con số mà chúng tôi bắt gặp khi đánh giá tuổi thọ trung bình của chúng ta. Trên thực tế, chúng hình thành từ chính tính toán sai lầm bị bóp méo bởi tỉ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh. Khi yếu tố này bị xóa bỏ, chúng ta thấy rằng người tiền sử nào sống sót qua tuổi thơ ấu đều sống từ 66 đến 91 năm, với mức sức khỏe tổng quát và độ năng động cao hơn so với hầu hết con người các xã hội phương Tây ngày nay.
Bạn biết đấy, đây là một trò chơi bình quân. Mặc dù đúng là dân số tiền sử có nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chết – thông qua số lượng lớn bộ xương trẻ sơ sinh ở hầu hết các di chỉ mai táng – những bộ xương này không nói gì cho chúng ta về yếu tố tạo nên “tuổi già khú đế”. Kỳ vọng sống lúc sinh, biện pháp hay được sử dụng, lại là một biện pháp không hề chính xác để đo tuổi đời điển hình. Khi bạn đọc thấy rằng, “Vào đầu thế kỷ XX, kỳ vọng sống lúc sinh ở vào khoảng 45 năm. Nó đã tăng lên khoảng 75 nhờ có sự xuất hiện của kháng sinh và các biện pháp sức khỏe cộng đồng cho phép con người sống sót hoặc tránh được những căn bệnh lây nhiễm”*, hãy nhớ rằng sự gia tăng đáng kể này thể hiện việc trẻ sơ sinh sống sót nhiều hơn chứ không phải người lớn sống được lâu hơn.
Ở Mozambique, nơi một trong các tác giả sinh ra và lớn lên, kỳ vọng sống đối với nam giới hiện tại, đáng buồn thay, dưới 42 một chút. Nhưng bố của Cacilda mất năm 93 tuổi, đi được xe đạp tới tận lúc chết. Ông ấy đã già. Còn một người 40 tuổi thì không. Ngay cả ở Mozambique.
Rõ ràng là nhiều trẻ sơ sinh tiền sử chết vì bệnh tật hoặc điều kiện khắc nghiệt, cũng như trẻ sơ sinh của các loài linh trưởng khác, người hái lượm và người Mozambique hiện đại. Nhưng giết trẻ sơ sinh trên phương diện rộng có lẽ là nguyên nhân của rất nhiều, nếu không phải hầu hết, cái chết của trẻ sơ sinh trong cộng đồng hái lượm tiền sử. Nhiều nhà nhân học đồng ý với khả năng phần lớn trường hợp tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em từng được cho là do đói ăn và bệnh tật bắt nguồn từ tục giết trẻ sơ sinh.* Họ lập luận rằng các cộng đồng hái lượm giới hạn số lượng trẻ sơ sinh để chúng không trở thành gánh nặng cho cả nhóm hoặc gây tăng trưởng dân số quá nhanh để tạo sức ép cho nguồn cung cấp thực phẩm.
Có thể chúng ta ngẫm thấy đáng sợ, nhưng giết trẻ sơ sinh không phải chuyện hiếm, ngay cả ngày nay. Nhà nhân học Nancy Scheper-Hughes nghiên cứu về cái chết của trẻ sơ sinh đương đại ở đông bắc Brazil, nơi có khoảng 20% trẻ sơ sinh chết ở năm đầu tiên. Bà thấy rằng phụ nữ hiểu cái chết của một số trẻ em là “phúc lành” nếu các em hôn mê và thụ động. Các bà mẹ bảo với Scheper-Hughes rằng đấy là “những đứa trẻ muốn chết, ý chí sống của chúng không đủ mạnh hoặc không phát triển”.
Joseph Birdsell, một trong những học giả vĩ đại nhất thế giới về văn hóa thổ dân châu Úc, ước tính rằng phải đến một nửa trẻ sơ sinh bị người lớn cố tình giết chết. Nhiều khảo sát về cộng đồng tiền công nghiệp đương đại kết luận rằng khoảng từ một nửa tới ba phần tư số này thực hành một dạng giết trẻ sơ sinh trực tiếp nào đó.
Để chúng ta không bắt đầu cảm thấy quá tự mãn về lòng trắc ẩn và sự ưu việt của mình, hãy nhớ lại những bệnh viện nuôi trẻ bị bỏ rơi ở châu Âu. Số trẻ em sinh ra trong trạng thái gần chết ở Pháp tăng từ 40.000 vào năm 1784 lên tới gần 140.000 vào năm 1822. Đến năm 1830, có 270 cái hộp quay ở cửa các bệnh viện nuôi trẻ bị bỏ rơi được thiết kế để bảo vệ tình trạng giấu tên của những người bỏ lại trẻ ngoài ý muốn ở Pháp. 80% đến 90% số trẻ này có thể chết trong năm đầu tiên của cuộc đời.
Ngay khi tổ tiên chúng ta bắt đầu canh tác đất đai để lấy thức ăn, họ đã sử dụng bánh xe, nhưng vẫn không bao giờ đủ nhanh. Có thêm đất đai là có thêm thức ăn. Và có thêm thức ăn nghĩa là có thêm trẻ được sinh ra và cho ăn. Có thêm trẻ em sẽ có thêm lao động cho nông trại và có thêm binh lính. Dân số tăng lên đòi hỏi phải có thêm đất đai, thứ chỉ có thể giành được và nắm giữ thông qua chinh phạt và chiến tranh. Nói cách khác, bước chuyển đổi sang nông nghiệp được thúc đẩy nhờ khái niệm có vẻ như không thể bác bỏ được về việc thà lấy đất của người lạ (nếu cần thì giết) còn hơn là để cho con mình phải chết đói.
Gần hơn với thời đại của chúng ta, BBC cho hay có đến 15% những cái chết của trẻ em gái được báo cáo ở các vùng miền nam Ấn Độ là nạn nhân của tục giết trẻ em. Mỗi năm có thêm hàng triệu trẻ chết ở Trung Quốc, nơi thịnh hành tục giết trẻ sơ sinh gái suốt nhiều thế kỷ nay. Một nhà truyền giáo cuối thế kỷ XIX sống ở Trung Quốc báo cáo rằng trong số 183 trẻ em trai và 175 trẻ em gái sinh ra trong một cộng đồng điển hình, 126 trẻ em trai sống tới mười tuổi (69%), trong khi chỉ có 53 trẻ em gái làm được điều này (30%)* Chính sách một con của Trung Quốc, cùng với văn hóa trọng nam khinh nữ, chỉ khiến cho tỉ lệ sống sót vốn đã ảm đạm của trẻ em gái càng trở nên tồi tệ hơn.*
Còn có những giả định văn hóa khó hiểu ẩn trong tính toán của các nhà nhân khẩu học, theo đó sự sống được bắt đầu từ lúc sinh ra. Quan điểm này không hề phổ biến chút nào. Các cộng đồng có tập quán giết trẻ sơ sinh không coi trẻ mới sinh là con người hoàn chỉnh. Những nghi lễ từ rửa tội tới lễ đặt tên đều bị trì hoãn đến khi xác định được đứa trẻ có được phép sống hay không. Nếu không, theo cách nhìn này, dù thế nào đi nữa thì đứa trẻ cũng không bao giờ được sống.*
Biếm họa trên tờ The New Yorker. Hai người hang động đang nói chuyện, một người nói, “Có điều gì đó không đúng – không khí của chúng ta trong lành, nước của chúng ta tinh khiết, chúng ta vận động rất nhiều, mọi thứ chúng ta ăn đều hữu cơ và được thả rông, vậy mà không ai sống quá 30 tuổi.”
Những méo mó về mặt thống kê do tục giết trẻ sơ sinh không phải là nguồn duy nhất gây ra sự lúng túng liên quan đến việc xác định tuổi thọ thời tiền sử. Như bạn có thể hình dung được, xác định tuổi lúc chết của một bộ xương đã nằm trong lòng đất nhiều năm là điều không hề đơn giản. Vì nhiều lý do kỹ thuật, các nhà khảo cổ học thường đánh giá thấp tuổi lúc chết. Chẳng hạn, các nhà khảo cổ học đã từng ước tính tuổi lúc chết của các bộ xương lấy từ một số nghĩa trang truyền giáo ở California. Sau khi ước tính được đưa ra thì người ta tìm thấy văn bản ghi chép về tuổi thực lúc chết. Trong khi các nhà khảo cổ học ước tính chỉ khoảng 5% sống tới tuổi 45 hoặc hơn thì tài liệu lại chứng minh rằng số người chôn trong các nghĩa trang đó sống trên 45 tuổi khi chết nhiều gấp bảy lần (37%)*. Nếu ước tính về những bộ xương cách đây có vài trăm năm mà còn sai lệch xa đến thế, hãy hình dung độ sai lệch đối với những bộ xương hàng chục nghìn năm tuổi.
Một trong những kỹ thuật đáng tin cậy nhất mà các nhà khảo cổ học sử dụng để đánh giá tuổi lúc chết là mọc răng. Họ xem răng hàm mọc ra khỏi xương hàm được bao xa, từ đó biết được người chết vào khoảng bao nhiêu tuổi. Nhưng “răng khôn” của chúng ta ngừng “mọc” trong khoảng đầu tới giữa tuổi 30, có nghĩa là các nhà khảo cổ học ghi chú tuổi lúc chết của những bộ xương ở trên điểm này là “35+”. Điều này không phải tuổi lúc chết là 35, mà người đó 35 tuổi hoặc già hơn. Tuổi của người đó có thể từ 35 đến 100. Chả ai biết.
Đâu đó trong khoảng này, hệ thống chú giải này bị diễn giải sai trên báo chí phổ thông, tạo nên ấn tượng là tổ tiên xa xưa của chúng ta hiếm khi sống quá 35 tuổi. Sai lầm lớn. Rất nhiều nguồn dữ liệu (bao gồm cả cuốn Kinh Cựu ước) đều chỉ rõ rằng tuổi thọ điển hình của con người giữa khoảng từ 70 đến hơn 90 năm.
Trong một cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng tỉ lệ kích thước não bộ và trọng lượng cơ thể ở các loài linh trưởng khác nhau để đưa ra ước tính tuổi thọ là từ 66 đến 78 năm cho Homo sapiens. Một nhóm khác sử dụng những kỹ thuật tương tự kết luận rằng giải phẫu học của chúng ta dự báo tuổi thọ điển hình là từ 66 đến 72. Họ kết luận: “Quan điểm cho rằng tuổi thọ con người đã không thay đổi trong vòng 100.000 năm có thể được coi là đúng về mặt cơ bản.”
Những con số này được đưa ra sau khi quan sát người hái lượm hiện đại. Ở người!Kung San, Hadza và Aché (các cộng đồng ở châu Phi và Nam Mỹ), phụ nữ nào sống tới tuổi 45 có thể sống thêm được lần lượt 20-21, 3-22,1 năm nữa. Đối với người!Kung San, hầu hết mọi người sống tới 60 tuổi đều có khả năng sống thêm khoảng 10 năm nữa – số năm hoạt động và đóng góp cho cộng đồng. Nhà nhân học Richard Lee cho biết cứ mười người!Kung San ông gặp trong thời kỳ ông ở Botswana thì có một người sống trên 60 tuổi.*
Như đã đề cập trong các chương trước đó, rõ ràng sức khỏe chung của con người (bao gồm tuổi thọ) chịu tác động lớn từ nông nghiệp. Bữa ăn đặc trưng của con người đi từ cực kỳ đa dạng và giàu chất dinh dưỡng tới còn một vài loại hạt, thi thoảng có thể được bổ sung thịt và sữa. Chẳng hạn, bữa ăn của người Aché bao gồm 78 loài có vú, 21 loài bò sát và lưỡng cư, trên 150 loài chim và 14 loài cá, ngoài ra còn rất nhiều loài cây cỏ nữa.*
Ngoài việc giá trị dinh dưỡng của bữa ăn thời kỳ nông nghiệp bị giảm sút, những căn bệnh chết chóc nhất với giống loài chúng ta giờ đây bắt đầu hoành hành kinh khủng. Điều kiện rất hoàn hảo: các trung tâm dân cư mật độ cao bị vây hãm trong rác rưởi, gia súc sống ngay cạnh (bổ sung thêm phân, virus và ký sinh trùng) và các tuyến giao thương mở rộng đã tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các mầm bệnh lây nhiễm từ những cộng đồng miễn dịch tới những cộng đồng không được bảo vệ.
Khi James Larrick và đồng nghiệp nghiên cứu những người da đỏ Waorani đến nay vẫn sống khá biệt lập ở Ecuador, họ không thấy chút bằng chứng nào về tăng huyết áp, bệnh tim, hay ung thư. Không bị thiếu máu hay cảm cúm thông thường. Không ký sinh trùng bên trong. Không một dấu hiệu nào cho thấy trước đó bị phơi nhiễm với bại liệt trẻ em, viêm phổi, đậu mùa, sởi, sốt Rickettsia, thương hàn, giang mai, lao, sốt rét hay viêm gan B.*
Phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên, vì hầu hết các căn bệnh nói trên nếu không bắt nguồn từ gia súc thì cũng dễ dàng lây nhiễm do mật độ dân cư đông đúc. Những căn bệnh lây nhiễm và ký sinh trùng tai hại nhất từng gây họa cho giống loài chúng ta không thể phát tán cho đến khi chuyển sang nông nghiệp.
Bảng 3: Những căn bệnh chết người từ gia súc*
Bệnh ở người |
Nguồn động vật |
Sởi |
Gia súc (dịch tả trâu bò) |
Bệnh lao |
Gia súc |
Đậu mùa |
Gia súc (đậu mùa gia súc) |
Cúm |
Lợn và chim chóc |
Ho gà |
Lợn và chó |
Sốt rét Falciparum |
Chim chóc |
Sự gia tăng mạnh mẽ của dân số thế giới cùng với phát triển nông nghiệp không cho thấy sự gia tăng về mặt sức khỏe mà lại tăng khả năng sinh sản: số lượng người nhiều hơn, nhưng chất lượng sống thấp hơn. Ngay cả Edgerton, vốn tranh cãi rất nhiều về nghiên cứu của chúng tôi, cũng đồng ý, ông viết: “Những người làm nông nghiệp trên khắp thế giới luôn kém khỏe mạnh hơn những người săn bắt và hái lượm.” Dân cư thành thị châu Âu, ông viết, “cho đến tận giữa thế kỷ XIX hoặc thậm chí thế kỷ XX vẫn không sánh được với tuổi thọ của người săn bắt-hái lượm”.
Đấy là ở châu Âu. Những người sống ở châu Phi, ở hầu hết châu Á và châu Mỹ Latin vẫn chưa đạt tới tuổi thọ đặc trưng của tổ tiên mình, và do mức nghèo đói của thế giới cùng bệnh AIDS, không có gì chắc chắn là họ sẽ làm được điều đó trong tương lai gần.
Khi mầm bệnh từ gia súc biến đổi sang dân cư loài người, chúng nhanh chóng lây lan từ cộng đồng này sang cộng đồng khác. Đối với tác nhân gây bệnh, sự khởi đầu của thương mại toàn cầu là một mối lợi. Dịch hạch theo Con đường Tơ lụa tới châu Âu. Đậu mùa và sởi ẩn náu trên những con tàu hướng đến Tân Thế Giới trong khi dường như giang mai lại đi nhờ ngược trở lại qua Đại Tây Dương, có thể là trên chuyến hải trình trở về đầu tiên của Columbus. Ngày nay, hằng năm thế giới phương Tây vẫn run rẩy trong hoảng sợ trước bệnh cúm chim bắt nguồn từ Viễn Đông. Ebola, SARS, vi khuẩn ăn thịt sống, virus H1N1 (cúm gia cầm) và vô số mầm bệnh chưa được đặt tên vẫn khiến chúng ta ai nấy đều phải rửa tay.
Trong khi rõ ràng là thỉnh thoảng thời tiền sử vẫn có đôi vụ bùng phát bệnh truyền nhiễm, không có gì chắc chắn là chúng lan xa, ngay cả khi chúng ta đúng khi tranh luận về sự phổ biến của lối sinh hoạt bừa bãi mức độ cao. Mầm bệnh gần như không thể hình thành trong các nhóm hái lượm sống rải rác, vì các nhóm không liên hệ thường xuyên với nhau. Trước khi có cuộc cách mạng nông nghiệp, điều kiện cần thiết cho các dịch bệnh hoặc đại dịch mang tính hủy diệt không hề tồn tại. Tuyên bố rằng thuốc thang hiện đại và vệ sinh đã cứu chúng ta khỏi những căn bệnh lây nhiễm tàn phá con người tiền nông nghiệp (lập luận chúng ta nghe đi nghe lại mãi) cũng giống như tranh luận rằng vào năm 50.000 trước Công nguyên, đai an toàn và túi khí bảo vệ chúng ta khỏi bị đụng xe gây chết người.
Nếu virus lây nhiễm không giết chết bạn thì lối sống căng thẳng cùng chế độ ăn nhiều mỡ có lẽ cũng giết chết bạn. Cortisol, loại hormone mà cơ thể bạn tiết ra khi căng thẳng, là chất gây suy giảm miễn dịch mạnh nhất từng được biết tới. Nói cách khác, không có gì làm suy yếu khả năng phòng chống bệnh tật của chúng ta mạnh như căng thẳng.
Ngay cả một thứ có vẻ ít quan trọng như không ngủ đủ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng miễn dịch. Sheldon Cohen và đồng nghiệp đã nghiên cứu thói quen ngủ của 153 nam giới và phụ nữ mạnh khỏe trong hai tuần trước khi đưa họ vào cách ly và cho phơi nhiễm với loại virus gây bệnh cảm thông thường. Người nào ngủ càng ít thì càng có nhiều khả năng bị cảm hơn. Những ai ngủ ít hơn bảy tiếng mỗi đêm có khả năng mắc bệnh cao gấp ba lần.
Nếu bạn muốn sống lâu, hãy ngủ nhiều hơn và ăn ít đi. Ngày nay, phương pháp duy nhất rõ ràng hiệu quả trong việc kéo dài đời sống các loài có vú là nghiêm túc giảm calorie. Khi nhà nghiên cứu bệnh học Roy Walford cho chuột ăn một nửa mức mà chúng muốn ăn, lũ chuột sống lâu gấp đôi – tương đương với 160 năm ở người. Chúng không chỉ sống lâu hơn mà còn khỏe mạnh hơn và thông minh hơn (theo đánh giá bằng cách – bạn đoán ra rồi đấy – cho chạy qua mê cung). Các cuộc nghiên cứu sau đó đối với côn trùng, chó, khỉ và con người đã khẳng định lợi ích của việc sống đói. Liên tiếp tuyệt thực đi cùng với giảm bớt hơn 40% nguy cơ bệnh tim trong một cuộc nghiên cứu tiến hành trên 448 người công bố trên American Journal of Cardiology và Scientific American báo cáo rằng “hầu hết bệnh tật, bao gồm ung thư, tiểu đường và thậm chí các bệnh suy giảm thần kinh, đều bị chặn lại khi giảm calorie”.
Lẽ nào về mặt logic, những loại nghiên cứu thế này lại dẫn tới kết luận sơ sài là trong môi trường cổ xưa, nơi tiền nhân sống vắt-mũi-bỏ-miệng, một mức thiếu thốn ổn định nào đó trong bữa ăn – có thể tồi tệ hơn do lười biếng – lại mang tính chất thích nghi, thậm chí lành mạnh? Hay nói cách khác, nếu bạn săn hoặc lượm được đủ thức ăn ít mỡ để ngăn chặn cơn đói cồn cào và dành phần còn lại thời gian cho những hoạt động ít căng thẳng như kể chuyện bên bếp lửa, ôm võng ngủ một giấc dài, chơi với trẻ con, bạn sẽ có một lối sống tối ưu cho tuổi thọ con người.
Điều gì mang chúng ta trở lại với câu hỏi liên tục được những người hái lượm đặt ra trước cơ hội gia nhập thế giới văn minh và chấp nhận trồng trọt: Tại sao? Tại sao lại phải làm việc vất vả đến thế trong khi trên thế giới có quá nhiều hạt mongongo? Tại sao lại phải căng thẳng đi gieo hạt trong vườn nếu như thế giới mang đến “nhiều cá, nhiều quả và nhiều chim?”
Chúng ta ở đây trên Trái Đất này để đánh rắm vặt, và đừng để bất cứ ai bảo bạn điều gì khác.
• KURT VONNEGUT
Năm 1902, tờ New York Times đăng một báo cáo mang tiêu đề: “Phát hiện mầm lười biếng.” Có vẻ như tiến sĩ Stiles, nhà động vật học thuộc Phòng Nông nghiệp, đã phát hiện ra loại mầm chịu trách nhiệm cho “những kẻ biến chất được biết đến với cái tên crackers hoặc người da trắng nghèo ở “miền Nam nước Mỹ”. Nhưng dường như cái lười của chúng ta không cần giải thích bằng thói quen công nghiệp điên cuồng gần đây của mình.
Bao nhiêu hải li đã chết trong các tai nạn khi con người xây dựng đập? Chim có bỗng dưng bị hoa mắt chóng mặt và rơi từ trên trời xuống khi đang bay hay không? Bao nhiêu cá bị chết đuối khi bơi? Tất cả đều không thường xuyên lắm, nhưng mức tổn thương do căng thẳng mãn tính mà nhiều người xem là một phần bình thường trong đời sống con người là rất lớn.
Ở Nhật Bản có một từ để chỉ điều này, karoshi: chết vì lao lực. Báo cáo của cảnh sát Nhật cho thấy rằng năm 2008 có tới 2.200 người lao động Nhật tự tử do điều kiện làm việc, và theo Rengo, một nghiệp đoàn lao động, một con số gấp khoảng năm lần con số đó đã chết vì đột quỵ và đau tim do căng thẳng gây ra. Nhưng dù ngôn ngữ của chúng ta có chứa sẵn thuật ngữ để chỉ điều này hay không thì tác động mang tính tàn phá của căng thẳng mãn tính vẫn không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Bệnh tim, các vấn đề về tuần hoàn, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn chức năng tình dục và béo phì: ẩn náu sau mỗi vấn đề đều là căng thẳng mãn tính.
Nếu chúng ta thật sự tiến hóa trong phép thử của Hobbes bằng cách liên tục hoảng sợ và lo lắng, nếu cuộc đời tổ tiên chúng ta thật sự cô độc, nghèo đói, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi, vậy thì tại sao chúng ta vẫn dễ bị tổn thương trước căng thẳng đến thế?*
Dường như nhiều người biết điều khác có nhu cầu định vị nguồn gốc chiến tranh sâu trong quá khứ linh trưởng của chúng ta, cho rằng người hái lượm tự cung tự cấp là nghèo đói, và truyền bá một niềm tin thiếu chín chắn là ba hoặc bốn thập kỷ đã là già khú đế với con người ở thời hậu nông nghiệp. Nhưng cái nhìn này về quá khứ của chúng ta rõ ràng là sai. Chuyện gì xảy ra ở đây vậy?
Nếu đời sống tiền sử là một cuộc đấu tranh liên miên kết thúc ở cái chết sớm, nếu chúng ta là một giống loài gần như chỉ bị lợi ích cá nhân thôi thúc, nếu chiến tranh là một xu hướng cổ xưa, gắn liền trên phương diện sinh học, thì người ta có thể nhẹ nhàng tranh luận, giống như Pinker, rằng mọi thứ sẽ luôn trở nên tốt đẹp hơn – rằng, theo quan điểm kiểu Pangloss của ông, “có lẽ chúng ta đang sống trong khoảnh khắc hòa bình nhất trong quãng thời gian tồn tại của giống loài mình trên Trái đất.” Đấy thật sự là một tin tốt mà đại đa số khán giả đều muốn nghe. Chúng ta ai nấy đều muốn tin rằng mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn, rằng giống loài chúng ta đang học hỏi, phát triển và thịnh vượng. Ai lại từ chối lời chúc mừng vì đã có phẩm chất để được sống vào thời điểm này?
Nhưng giống như “yêu nước là tin chắc rằng đất nước của mình ưu việt hơn tất cả mọi đất nước khác bởi bạn được sinh ra trong đó” (G. B. Shaw), quan điểm cho rằng chúng ta sống trong “khoảnh khắc bình yên nhất” của giống loài là điều dễ chịu về mặt cảm xúc nhưng thiếu cơ sở về mặt tri thức. Nhà báo Louis Menand nhận thấy khoa học có thể thực hiện một chức năng về cơ bản là mang tính chính trị, bảo thủ, bằng cách cung cấp “cách giải thích cho sự tồn tại của vạn vật mà không đe dọa đến sự tồn tại của chúng”. “Tại sao”, ông hỏi một cách cường điệu, “người ta lại phải cảm thấy không vui hoặc có hành vi phản kháng xã hội khi người đó sống trong đất nước tự do và thịnh vượng nhất Trái đất? Đấy không thể nào là hệ thống được!”* Không, mọi việc đều ổn cả. Cuộc sống thật tuyệt vời và đang trở nên tốt đẹp hơn. Bớt chiến tranh! Sống lâu hơn! Sự hiện diện mới mẻ và hoàn thiện của con người!
Hình ảnh lấp lánh về hiện tại này của Đại lộ Madison được bao quanh bằng một quá khứ giả tưởng, đẫm máu kiểu Hobbes. Nó được tiếp thị tới công chúng với vị thế của “người thực tế với cái nhìn sáng rõ”, và bất cứ ai hoài nghi về những giả định nền móng của nó đều có nguy cơ bị gạt bỏ như một kẻ lãng mạn ảo tưởng vẫn còn tiếc thương trước cái chết của Janis Joplin* và sự lỗi mốt của quần ống loe. Nhưng lập luận “thực tế” đó lại có lỗ hổng bởi những dữ liệu nhầm lẫn, cách hiểu sai lạc và tính toán sai lầm. Một đánh giá vô tư môn khoa học liên quan chứng minh rõ ràng rằng hàng chục nghìn năm trước khi nông nghiệp ra đời – trong khi chắc chắn không phải là thời kỳ hạnh phúc không tưởng liên tục – phần lớn là giai đoạn hầu hết tổ tiên của chúng ta có những đặc trưng như sức khỏe cường tráng, hòa bình giữa các cá nhân và các nhóm với nhau, và mức độ hài lòng cao.
Khi đưa ra lập luận này, phải chăng chúng ta đã để lộ bản thân là những đồng chí mang thẻ trong Lữ đoàn Không tưởng Bị lừa? Phải chăng ảo tưởng kiểu Rousseau khẳng định rằng tiền sử không phải là một cơn ác mộng vô tận? Phải chăng chủ nghĩa lãng mạn ngớ ngẩn cho rằng bản chất của con người không còn dựa vào bạo lực, ích kỷ và lợi dụng nữa mà là hòa bình, hào phóng và hợp tác? Rằng hầu hết tổ tiên cổ xưa của chúng ta có lẽ đã trải nghiệm cảm giác thuộc về nhau mà ít người trong số chúng ta ngày nay được nếm trải? Rằng tính dục loài người có thể đã phát triển và đóng vai trò như một công cụ gắn kết xã hội và là phương thức dễ chịu để ngăn ngừa, dung hòa xung đột? Rằng con người cổ xưa nếu tồn tại qua mấy năm đầu đời thường sống lâu gần bằng những người giàu có và may mắn nhất của chúng ta ngày nay?
Không. Theo một nghĩa lạ, ảo ảnh Hobbes mới vui tươi hơn nhiều so với chúng ta. Để kết luận, như chúng tôi đã kết luận, rằng giống loài chúng ta có năng lực yêu thương và hào phóng bẩm sinh ít nhất ngang bằng với khả năng hủy diệt, hợp tác hòa bình ngang bằng với phối hợp tấn công, hoạt động tính dục cởi mở, thoải mái ngang bằng với chiếm hữu ghen tuông, bóp chết đam mê… để thấy rằng cả hai con đường này đều mở ra với chúng ta, có điều khoảng 10.000 năm trước, một số tổ tiên của chúng ta đã lang thang từ con đường rừng rậm vào một khu vườn và từ đó giống loài chúng ta đã bị mắc kẹt vĩnh viễn… Vậy thì đây không phải là cái nhìn màu hồng về quỹ đạo chung của loài người. Ai mới là kẻ lãng mạn ngây thơ ở đây?