NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Bước Đường Cùng

Chương 11

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Về đến nơi, chị Pha vào ngay nhà bà trưởng Bạt để cho con bú, và kể lể sự tình, lạy van bà cho chịu món tiền mua lợn đến cuối tháng, sẽ trả cả gốc lẫn lãi. Chị cam đoan rất chắc chắn, vì chị đã định tâm từ nay phải bán tống bán tháo hàng họ đi, để lấy tiền trang trải chỗ tám đồng của ông nghị và ba đồng của bà trưởng. Thà chịu lỗ vốn một tý, còn hơn để món nợ nằm đó, cho nó đẻ lãi ra.

Bà trưởng giận lắm, nhưng thấy tình cảnh chị thì cũng thương, nên chỉ nhiếc móc có một lúc, rồi bất đắc dĩ phải bằng lòng cho chị chịu tiền vậy.

Vợ chồng con cái đoàn tụ một nhà rất vui vẻ. Nhiều người đến hỏi thăm, ai cũng mừng cho Pha ở hiền gặp lành. Anh đĩ Dự hứa cho anh ba hào để đền cái ô mất.

Đến chiều, chị Pha âu yếm đưa con cho chồng bế, rồi cầm chiếc rá, nói:

– Thầy nó coi nhà, tôi đi vay gạo thổi cơm chiều, nhà hết cả gạo.

Pha thấy vợ chật vật thì động lòng thương. Anh buồn bã, dịu dàng nói:

– Thôi, không cần, tôi nghĩ đến đoạn trường cửa quan vừa rồi lúc nào là thấy no lúc ấy.

Vợ cảm động rơm rớm nước mắt:

– Tôi thấy nhà được về mà mừng đến quên cả đói.

Rồi cùng bảo:

– Thế bữa chiều nay nhịn cũng được.

– Được.

Hai vợ chồng mỉm cười nhìn nhau. Một lát Pha nói:

– Vả ai cho ta vay gạo? Những người thân, đều là những người nghèo, cùng hoàn cảnh được bữa nay lo bữa mai như ta.

– Thôi, nhưng tôi cũng cứ muối mặt xem ai có cho vay được chăng. Mình còn có thể nhịn được đã đành, chứ con nó đã có tội tình gì mà bắt nó nhịn bú.

Nói đoạn, chị ôm chặt con vào lòng, hôn hít hồi lâu, rồi cắp rá đi.

Pha đăm đăm nhìn theo vợ. Anh lắc đầu, thở dài.

Bỗng có tiếng chó cắn ngoài ngõ. Anh nhìn ra thì Phát, người nhà ông nghị đã nói:

Anh Pha đến quan hỏi gì ngay.

Tự nhiên Pha lộn ruột, căm tức con người lừa dối. Anh định không đi, nhưng vụt nghĩ đến món nợ tám đồng, anh mất cả hăng hái. Anh thở dài, cầm nón theo Phát. Nhưng căm giận không lẽ để mãi trong bụng, mà anh lại chẳng dám nói cho ông nghị biết anh đã rõ tâm địa ông, nên anh phải than thở với Phát, vì anh yên trí thế nào những câu trách móc cũng đến tai ông nghị. Anh nói cho Phát biết rằng ông nghị đã xui anh kiện, rút cục anh không kiện mà ông cũng bắt anh mất năm đồng cho quan, gia dĩ anh còn tốn bao nhiêu tiền ngoài mà vẫn phải tù, phải đánh.

Không ngờ Phát cũng một cảnh ngộ như anh, nên chẳng vào hùa với ông nghị, lại lôi bao nhiêu chuyện xấu của chủ ra mà kể.

– Ông ấy chẳng mấy tháng không bị kiện và không đi kiện. Chẳng chỗ này thì chỗ khác. Vì vậy đối với quan nào ông cũng phải chiều chuộng, dắt mồi cho ăn luôn. Ngay như mấy anh tây đoan không can thiệp gì, mà ông ấy cũng quy lụy. Để làm gì? Để bắt nạt chúng ta cho dễ. Chả vừa rồi, ông ấy bị nhà Ánh nó bỏ giấy về việc chiếm nhà nó. Này, chính ông ấy xui trương Thi nó kiện anh đấy nhé.

Pha trố mắt ngạc nhiên như nghe truyện cổ tích.

– Thật à? Thế mà hôm qua tôi thấy người ta trên huyện nói thế tôi cứ lại không tin.

– Phải, mà đục nước béo cò, trương Thi cũng phải vay ông ấy hai chục, lại nhờ ông ấy khấn quan hộ.

Pha cười lạt, ngẫm nghĩ.

Anh căm hờn người xui nguyên giục bị, đòn xóc hai đầu. Anh quyết hăng hái nói hẳn đến tai ông nghị cho được hả giận.

Nhưng đứng trước mặt Nghị Lại, Pha không giữ được ý định nữa. Khi nghe anh nói quan nha lính tráng tàn nhẫn, ăn không của anh mất ngót mười một đồng, lại khép anh vào tội vi cảnh vì chửi nhau, thì ông nghị ngọt ngào nói:

– Con ngu dại thế không trách con chết. Tiền mất cho quan là tiền không đi đâu mà mất, sao con cứ tiếc? Mình làm thằng dân, bao giờ cũng dưới quyền cai trị của người ta, ngộ rồi khi con có việc gì, con có mong người ta bênh vực cho hay không? Quyền phép trong tay người ta, người ta ưa mình thì người ta che chở mình, mà người ta ghét mình thì người ta cứ thẳng tay. Há con chẳng thấy bao nhiêu người chịu tốn kém để kiếm chỗ đi lại mà không được đấy à?

Bị ông nghị nhồi sọ, Pha đứng lặng và nguôi giận. Anh cho là lời có lý và không thiết tha tiếc tiền như trước nữa. Ông nghị nói tiếp:

– Cho nên làm dân có bổn phận là phải kính trọng quan phụ mẫu. Không nên thấy mất những món tiền nhỏ đã vội oán thán. Làm con, ai oán cha mẹ bao giờ. Năm đồng bạc, mình cho là to, chứ người ta coi như cái rác cái bụi. Vả lại làm quan mà không ăn lộc thì ai làm quan làm quái gì? Mày không nên ngu dại, nghe hoặc bắt chước những đứa vô luân thường đạo lý, những đứa ngông cuồng, những đứa cộng sản, làm sách, viết báo, để chúng nó nói xấu quan này, nói xấu quan kia. Người ta xấu, người ta cũng là ông quan cai trị mình. Chúng nó hay, chúng nó giỏi, sao chúng nó không được làm quan? Chung quanh đây, mật thám đầy lên đấy. Vả lại phải suy xét mới được. Người ta ngũ lục phẩm triều đình, mình đã là thứ bực gì mà dám chống cự với người ta. Chẳng qua mình là thằng dân hèn.

Pha lại như tôong thấy trước mắt một người phốp pháp và những khí giới giết người, tự nhiên anh lại bắt đầu sợ quan như thường, anh đáp:

– Lạy quan, con đâu dám nghĩ thế.

– Cho nên, mai mày lại phải đi tạ quan mới được.

Pha thấy nói phải lên huyện thì khó chịu, hơi cau lông mày nhìn ông nghị và nói:

– Bẩm con làm gì mà phải tạ? Quan huyện nhất định khép tội con chửi nhau, đã phạt con sáu hào rồi, thế là việc xong.

Ông nghị cười ôn tồn hỏi:

– Nhưng không có thư của tao, liệu việc con có xong không?

– Như thế thì con phải tạ ơn quan chứ không phải ơn quan huyện. Quan bảo con kiện trương Thi, nhưng con không kiện nữa, thì việc gì con phải tạ?

Ông nghị đuối lý, nhưng cũng gật đầu, nhăn mặt dằn từng tiếng:

– Biết rồi, khổ lắm. Nhưng con phải biết rằng chỗ người lớn nói với nhau, tức là tao đã khấn với quan huyện như thế rồi, con nghe chưa? Nếu con định tâm quỵt ngài, rồi con sẽ thấy rằng con dại. Con đã vào cửa quan một lần, há lại chưa sáng mắt ra hay sao?

Pha lại thấy nhụt, nhưng cũng cần nói cho vỡ lẽ:

– Nhưng thưa quan, con cơm chả có mà ăn, áo chả có mà mặc, đến bữa chiều nay nhà con phải đi chạy gạo, thì làm gì có tiền mà lễ quan một cách vô lý.

Thấy mình thuyết đã xiêu lòng thằng ngu ngốc mà thỉnh thoảng nó cứ chống chế, nên ông nghị càng hết sức nhồi sọ, đánh về mặt cảm tình. Vì vậy, ông lại nhăn mặt và dằn:

– Khổ lắm, giảng từ hôm nọ thì không thèm hiểu cho. Tao đã bảo tao cho vay kia mà.

Nói đoạn, ông mở tủ quẳng cuộn giấy bạc xuống bàn, nhìn Pha để dò ý và tủm tỉm nói:

– Đây, tao là người lớn, chẳng lẽ tao nói hai lời với anh. Anh mất tiền tao cũng thương hại, nhưng anh phải mừng được làm đầy tớ chỗ quyền thế.

Thấy Pha đứng ngây người, im lặng, ông nghị thở dài, và nói bằng giọng thân mật hơn:

– Thế nhà mày thiếu gạo ăn hôm nay à, con? Thằng Phát đâu?

– Dạ.

– Vào bảo cô Tư hay cô Năm cũng được, nghe chưa, đong cho anh Pha hai đồng bạc gạo nhé. Khổ.

Thấy Pha có dáng cảm động, ông than thở:

– Gạo độ này kém lắm nhé. Đồng bạc chỉ đong có mười lăm bơ chiêm, sốt cả ruột.

– Bẩm, được mười chín bơ ạ.

– Láo.

Rồi ông đánh trống lắp:

– Thế hôm nọ tám đồng, hôm nay hai đồng gạo với hai chục nữa là đi ba mươi đồng, nhớ lấy nhé.

– Dạ, lạy quan, từ nay đến cuối tháng, con xin nộp.

Ông nghị mắng:

– Chà, bao giờ nộp cũng được. Tao biết việc mất tiền này cũng hơi tại tao một tí, cho nên tao mới hối hận và tận lực giúp mày. Thì mày hãy cứ lo làm ăn chăm chỉ.

Thấy ông nghị hình như thành thực tử tế với mình, Pha ngậm ngùi cầm rá gạo đem về nhà. Nhưng khi vợ anh khảo lại thì thấy hụt mất già nửa bơ và chị kêu rầm lên rằng thứ gạo hôi mọt này, ở chợ bán một đồng hai mươi bơ là đắt.

Bình luận
Ads Footer