NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Bước Đường Cùng

Chương 16

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Hôm sau Pha lại đến. Và cố nhiên ông Nghị Lại không tiếp. Liền liền trong năm hôm, không hôm nào người ta mở cổng cho anh vào.

Nhưng đến hôm thứ sáu, anh không đến nữa.

Anh không đến, không phải vì chán nản. Anh rất kiên tâm, nhất là anh biết nỗi nguy hiểm vì nợ ông Nghị Lại. Anh không đến, vì anh không dám đến. Cái tin anh có ba chục bạc từ bữa khao, nó đồn đi khắp làng, cho nên từ bà trưởng Bạt đến đòi nợ hôm nọ, anh Tý đến bắt đền thêm hai hào tiền ô, đến con Cù, thằng Lãnh cũng đến hỏi những món vặt. Chị Pha trốn không kịp. Chị cứ phải bẻ que thề sống thề chết, nói là người ta ghét bịa đặt ra, chứ chị làm gì có tiền. Chị đành nghe hết những lời nặng nhẹ, những câu chửi bới nhục nhã. Chị nhất định ỳ các món nợ khác mà ngày nào người ta cũng đến thúc và nói khó chịu để chồng cố lăn lưng vào trả cho được món nợ ông nghị không đòi.

Thì xảy ra kỳ thuế đến nơi.

Hôm ấy buổi chiều, có mõ rao mời làng ra đình bổ thuế. Chị Pha chán nản bảo chồng:

– Thế là lại chết. Chốc nữa thầy nó đi mà nghe xem mỗi xuất sưu năm nay bao nhiêu. Nhân tiện có gặp cụ Lý thì trách cho cụ ấy mấy câu.

Pha lắc đầu:

– Nghe làm gì? Để bảo cậu Dự đi. Cậu ấy bạo ăn bạo nói, vả mình vào thứ bực nào, mở miệng ra ai nghe, nhỡ người ta mắng cho, mình ra thù ghét thì dại.

– Người ta làm ức, mình không chịu được, thì phải nói. Từ hôm nọ đến nay, mình đã tai hại bao nhiêu về nhịn nhục rồi, còn nhịn nhục đến đâu nữa?

– Nào ai nhịn nhục? Năm nay nhà nước bổ thuế mới không nhất loạt hai đồng rưỡi như mọi năm. Vậy mình có mươi thước đất với tám sào ruộng thì nộp vào hàng sáu, nghĩa là như năm ngoái, không lợi mà cũng không thiệt.

Chị Pha ngồi yên một lát rồi nói:

– Các cụ bổ thuế hôm nay, chắc mai thế nào chả niêm yết ra đình cho làng biết.

Pha thở dài:

– Đã hẳn, nhưng mình có biết chữ đâu mà hiểu các cụ viết những gì.

– Có, chán người biết chữ.

– Nhưng ai không biết chữ thì thiệt riêng người ấy. Từ hôm nọ đến nay, tôi bị bao nhiêu tai vạ về dốt nát. Lắm lúc tức, muốn đi học.

Vợ cau mặt, mắng:

– Thôi đừng dơ. Già đời còn cắp sách đi học không sợ người ta cười cho. Vắt mũi cũng chẳng đủ đút miệng lại còn vẽ. Định làm vương làm tướng gì mà học?

Pha cười:

– Học có phải như trẻ con cắp sách đến trường đâu. Mà trường thì mãi tận trên huyện xa lắc xa lơ, ai đi được? Học nghĩa là lúc rỗi, ở nhà mượn người biết chữ dạy cho. Tôi thấy bảo chữ quốc ngữ dễ học chứ không như chữ nho ngày xưa, chỉ độ nửa tháng là đã đọc, viết được.

Chị Pha bĩu môi:

– Nếu học dễ như thế, thì nước Nam này ai không thể ra làm quan được?

Pha lại cười:

– Học để mà biết chữ chứ có phải để ra làm quan đâu. Mà đời này thiếu gì nghề lương thiện, và học để mong kiếm được tiền thì trước hết phải là con nhà giàu. Bà Tân khuyên tôi cố học cho biết quốc ngữ rồi bà ấy cho mượn sách mượn báo mà đọc. Bà ấy bảo sở dĩ hiện nay bà ấy biết một đôi chút cũng là nhờ biết chữ.

Chị Pha ngẫm nghĩ rồi gật, hỏi:

– Thật thế, ngày trước cả nhà chê anh ấy lù đù.

– Mà có khi lù đù thì ở chốn thôn quê mới đỡ bị bắt nạt. Tôi căm ông Nghị Lại bao nhiêu, tôi oán ông huyện bấy nhiêu. Cho nên tôi quyết định thế nào cũng phải học cho biết chữ quốc ngữ.

Chị Pha im lặng nhìn chồng. Rồi hai người bàn nhau đến các món nợ vặt, và cùng đồng ý là nên trả hết cả để cho khỏi mỗi lúc phải nhức óc. Đến sẩm tối, Dư, áo the vắt vai, vào chơi, mặt hầm hầm, lắc đầu nói:

– Chẳng nước mẹ gì cả. Mất cả buổi vô ích.

Pha cau mặt hỏi. Dự đáp:

– Chánh hội chẳng cho ai xem sổ nghị định mới và sổ kiến điền. Ông ta chỉ nói qua loa rằng làng chỉ có ngần này đinh, ngần này điền, tổng cộng ngần này tiền, vậy thì cộng với ngoại phụ, hạng nhất đóng ngần này, hạng nhì đóng ngần này, điền mỗi mẫu ngần này.

Chị Pha hỏi:

– Ngần này là bao nhiêu?

– Nào ai nhớ được, nhưng nhiều chỗ mập mờ lắm.

Pha hỏi:

– Thế không ai xin ông ấy tính toán rành mạch à?

Dự trừng mắt:

– Bắt chứ lại xin. Chính tôi bắt, nhưng ông lý về hùa ngay với ông chánh hội, gắt um lên, thách rằng thuế bổ thế nào, đã có quan phê bằng lòng rồi, ai không chịu đóng, cứ đi mà kêu. Được rồi tôi rủ người đi khiếu cho mà xem. Chứ các ông ấy cứ quen thói làm bừa như mọi năm gieo tai vạ cho làng, ai chịu được?

Pha lắc đầu:

– Vô ích như năm ngoái đấy, chả có người bỏ giấy là gì. Nhưng quan có xét đâu?

Chị Pha thêm:

– Các ông ấy đấm mõm quan rồi.

Pha cười:

– Nhưng nghĩ cho kỹ, ai hơi đâu cơm nhà lo việc cho làng. Các ông ấy cũng phải tốn kém nhiều khoản, nào trình sổ, nào đầu đèn, nào đốc thuế, nào lính đi tuần, nào kiểm thuế, nào đi lại, nào tạ thuế, nhất nhất cái gì cũng tốn kém quá chừng, thì người ta không bổ vào dân, chẳng lẽ người ta nai lưng ra chịu à?

Dự xua tay:

– Thế thì anh lầm. Chỉ nên có món tiền thưởng cho chức dịch phần thu, tức là đền công khó nhọc, đầu đèn và phí tổn hành lý. Còn chỉ là những tiền dân è cổ ra góp nhau để học có tiền lễ quan để quan làm ngơ đi cho họ tha hồ mà bóp dân.

Pha ngớ ra. Dự giảng:

– Thì quan là lính ăn lương nhà nước, tức là ăn lương, trích ở thuế dân đóng, thì họ phải làm việc cho dân, sao hơi có việc gì dân cũng phải cho tiền họ lần nữa? Thế thì mình ngu, mình dại. Bổn phận họ phải trông nom canh thuế. Không gì vô lý bằng trình sổ cũng lễ tiền, tạ thuế cũng bằng thuế. Làm gì mà phải tạ? Đấy chẳng qua là tiền hoa hồng mà bọn mọt dân trích ra để quan bênh họ, nếu họ bị khiếu nại.

Pha mỉm cười:

– Chẳng trách người ta kêu cậu bướng quá.

– Thế nào là bướng? Tôi không bướng. Tôi chỉ muốn có lẽ phải. Bọn cầm quyền cứ thấy ai hiểu lẽ phải, ngăn cản không cho họ làm bậy, thì họ bảo là bướng. Thế hãy hỏi quan, lính trên huyện ăn lương để ngồi không à? Sao động có việc gì bắt họ phải làm thì mình lại cứ tống tiền vào cho họ hư quen đi. Là tại mình ngu, cho nên họ mới bắt nạt mình được.

Pha hiểu, cười vang. Dự tiếp:

– Dân quê ta nơi nào cũng bị quan lại, hương lý đục khoét, chỉ tại dân ngu, vô học.

Pha cảm động, thở dài nhìn vợ, nói;

– Đấy, thế mà lúc nãy tôi bảo nhà tôi rằng tôi học quốc ngữ, nhà tôi cứ không bằng lòng.

Chị Pha cãi:

– Rõ bịa nào. Ai không bằng lòng?

Dự nói:

– Làng ta không có trường là một điều hết sức tai hại. Những tiền làng tiêu về việc ăn uống cùng để nay lễ quan, mai lễ quan, tôi tưởng làm được mấy cái trường và nuôi được mấy thầy giáo chứ lỵ. Tôi may được bác Tân khuyên bảo học hành, nên bây giờ mới rạng một tí, biết thế nào là lẽ phải, thế nào là áp bức. Chứ trước kia, cứ bị người ta nhồi sọ mãi, cho nên cũng cứ tưởng những món hương lý tạm bổ ở thuế để chi phí lễ lạc là công bình, hợp lẽ phải.

Ba người ngồi im. Một lát, Dự lại nói:

– Những làng có người đứng đắn trông coi công việc, thì chỉ ba năm bỏ lệ ăn uống hủ lậu, là đủ có đường trải gạch, có trường dạy trẻ, và làm được bao nhiêu công việc ích. Làng ta, dân vô học, nhà cửa ẩm thấp, đường sá lầy lội, nhất là cái ao nửa để tắm giặt rửa ráy, nửa để gánh nước ăn, thật là bẩn thỉu tai hại.

Chị Pha nói để trút nỗi uất trong lòng:

– Giá ông nghị như người ta thìn làng được nhờ khối. Làm gì ông ấy chẳng công đức cho làng được cái trường, cái đường, cái giếng?

Dự nghiến răng;

– Nói làm gì đến thằng ăn cướp ấy, nó chỉ mong cho ta ngu, và cố kìm cho ta ngu lâu để nó bóc lột dễ dãi. Lắm lúc thấy nó chướng mắt, tôi cứ muốn cho nó một nhát dao.

Vợ chồng Pha giật mình. Dự lại nói:

– Chúng mình phải coi nó là kẻ thù chung.

Vì khát khao sự học, Pha lắc đầu chữa:

– Ông ấy chưa phải là kẻ thù. Vì nếu tính kỹ ra thì còn nhiều cái đáng thù lắm, nhưng xét cho đến gốc thì do ở mình dốt nát.

Dự cãi:

– Nếu không có thằng nhà giàu nó bóc lột dân ta không còn cái khố mà đeo, thì đâu đến nỗi làng ta tiều tụy, dân ta dốt nát. Vậy kẻ thù của chúng ta là cái nghèo.

Chị Pha đương têm trầu, nhăn mặt kêu:

– Ừ, thì cả cái dốt lẫn cái nghèo. Ghê gớm. Nói sốt cả ruột.

Bình luận
Ads Footer