NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Bước Đường Cùng

Chương 15

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Chị Pha vui vẻ mớm cho con ở đầu hè, bỗng thấy một người cõng chồng trên vai. Chị hết hồn. Mặt chồng chị đỏ dừ, gục lả đầu xuống, chân tay mềm thõng như người chết, bác San đi theo nói:

– Bác ấy say quá. Nôn mửa cả ra. Đã cho hút thuốc phiện để dã rượu. Song không tài nào kéo được.

Chị Pha nhăn nhó:

– Trời ơi, nốc cho lắm vào.

Pha nằm xuống phản, thở phì phò, hăng nồng cả nhà. Vợ anh lấy vôi bôi vào bàn chân bàn tay cho anh . Bác San móc túi lấy gói giấy bạc:

– Đây là của bác ấy, còn hăm tám đồng, cụ lý lấy mất hai đồng góp tổ tôm.

Chị Pha kinh ngạc hỏi:

– Tiền đâu ra thế này? Mà sao cụ lý lấy hở bác?

– Tôi không biết, chỉ thấy cụ lý lấy góp tổ tôm rồi đưa tôi giữ. Đâu là tiền áp triện vào văn tự thì phải.

– Ô hay, văn tự nào?

Chị Pha không hiểu ra sao cả. Bác San an ủi:

– Nhưng cũng may bác trai say quá, chứ không thì đã thách nhau với cụ lý đánh tổ tôm. Đánh với cụ ấy, có mà cúng hết, tay cờ bạc gạo, ai còn lạ?

Nói đoạn, bác San về, để lại trả chị Pha người chồng đỏ như quả bồ quân, và sự suy nghĩ vẩn vơ, mà sức một người đàn bà, nhất là nông nỗi, dốt nát như chị, không tài nào hiểu được.

Mãi đến sáng hôm sau, Pha mới tỉnh. Anh bàng hoàng ngồi dậy, chống tay xuống phản, và ngơ ngác nhìn. Có lẽ anh thấy làm lạ sao lại ở nhà anh.

Chị Pha vội vàng hỏi ngay chồng về số tiền hăm tám đồng hôm qua. Pha kể lại cho vợ biết ông nghị nhất định chưa nhận trả nợ. Chị Pha cười nói:

– Thế thì lại có vốn buôn, càng hay, càng đỡ vất vả.

Pha xua tay:

– Nhưng không phải ông ấy cho đâu mà vội mừng. Không thể giữ món tiền của ông ấy được, phải lập kế mà trả, không thì ông ấy lừa đấy.

– Có đời nào?

– Này, ông ấy tự tiện viết vào văn tự tôi nợ năm mươi đồng hẹn gán ruộng. Tôi tưởng ông ấy thực thà, nên lúc bảo điểm chỉ, tôi cứ điểm chỉ.

Vợ anh kinh ngạc, xoám xoét người ra, tru rầm lên:

– Chết chửa, sao lại ngược đời thế?

Pha nhăn nhó, vật chân vật tay:

– Chỉ tại mình không biết chữ, nên không biết ông ấy viết hươu viết vượn gì. Giá ông ấy viết hẳn một trăm, có lẽ mình cũng nhắm mắt mà chịu.

Chị Pha mếu máo, đặt con xuống phản, kệ cho nó nhoe nhoe khóc. Một lát chị nói:

Thế thì chết đến nơi rồi. Bây giờ làm thế nào?

Pha than thở:

– Từ hôm nọ đến nay, mình mất bao nhiêu tiền một cách vô lý, chẳng qua chỉ tại mình dốt nát.

– Thôi, hãy hỏi bây giờ thầy nó định làm thế nào?

Pha bắt đầu chán nản, lẩm bẩm:

– Nợ ba mươi đồng, lý trưởng lấy hai đồng tiền áp triện, thành thử còn có hăm tám đồng.

– Nhưng tôi còn hai đồng, vậy vẫn là ba chục. Thầy nó chịu mất hai đồng cho lý trưởng vậy, cứ đem ba chục đến trả, lạy van ông ấy để ông ấy nhận cho mà lấy văn tự về không có thì chết mất.

– Nhưng còn lãi? Chắc ông ấy ghét thì ních đến hai mươi phân cho bõ.

Chị Pha nghiến răng:

– Dù ba mươi phân mà thoát được món nợ này cũng là phúc. Vả từ xưa đến giờ ông ấy có cho ai vay lãi mười phân đâu.

– Mà món này đã làm gì được nửa tháng, nhất là cái rá gạo hôi mà ông ấy cũng tính vào tiền này để lấy lãi thì ông ấy đểu quá.

Chợt bác trai Tân đến chơi, thấy vợ chồng Pha đang to tiếng thì ngờ ngợ hỏi:

– Kìa, tôi tưởng chú dì đã xong nợ, tôi có hai đồng đây, định đưa chú dì tiêu.

Pha cảm động, kể lại cho anh rể nghe sự thể, và ý kiến của vợ chồng vừa bàn. Bác trai Tân lắc đầu nói:

– Thế thì thế nào lão cũng ních đến hai mươi phân.

Chị Pha quả quyết:

– Bao nhiêu thì bao, trả cho bằng được.

– Nhưng tất lão làm khó khăn, tính lãi cả tháng là sáu đồng.

Vợ chồng Pha ngồi ngây như tượng. Bác Tân nghĩ một lát rồi nói:

– Thế ngộ lão vẫn cứ ngọt ngào, nhất định không lấy nợ thì sao? Ý lão muốn ngâm để lấy ruộng kia.

Phải rồi, thành ra mình có tiền cũng khó lòng mà trả được, ác quá.

Bác Tân gật gù cười:

– Rồi chợt lúc mình không có tiền, hắn mới đòi, và bắt mình viết văn tự mới, cho cả lãi lên làm gốc. Cái lối này, hắn vẫn dùng xưa nay.

Rồi chợt nghĩ ra, bác nói tiếp:

– Được, tôi đi với chú đến. Tôi làm chứng cho. Hễ lão lật lọng thì ta đem việc này lên quan.

Chị Pha cáu tiết:

– Thế thì chỉ chết thằng dân đen thôi à?

Bác Tân gật gù đáp:

– Phải, bao giờ nhà cầm quyền với nhà tư bản cũng về hùa nhau để bóp hầu bóp họng bọn ta.

Ba người im lặng, chẳng khác gì ba ông tướng trơ trọi lại không khí giới, đang cố tìm cách giải đám vây mà bên địch có quân hùng tướng mạnh. Chợt bác Tân long lanh nhìn hai người, nói:

– Được rồi, chú với tôi, hai ta cứ đi. Chú nói rằng nhờ tôi đến bầu chủ và xin cho tôi ký vào văn tự. Tôi nói xin viết ruộng của tôi ở cánh đồng Sớm.

Pha cảm động nói:

– Như thế thì tôi để khó cho bác.

– Chú đừng kỳ quản. Chỗ anh em nghèo, ta nên giúp đỡ lẫn nhau. Tôi thường vẫn bảo chỉ có mình mới biết thương nhau, chứ họ lúc nào cũng rình để bóc lột mình. Vả lại trong hai ta, tôi còn khá hơn chú. Nhưng đó là kế lừa lão nghị mê lên về ruộng tốt của tôi. Hễ hắn lòi văn tự ra, chú nắm phắt lấy, để trả tiền.

Ba người hớn hở, chị Pha xui chồng:

– Hễ thấy nó nắm được văn tự, thì xé tan xé nát ngay đi.

Bác Tân nhiều mưu trí bàn:

– Hãy khoan, tất lão cáu, sinh sự, cho người ta đánh và vu là ta đến cướp văn tự để kiện ta.

Chị Pha đáp:

– Thà tù tội còn hơn mắc nợ. Người ta bảo nhất tội nhì nợ, nhưng bây giờ mới biết nhất nợ nhì tội. Người tù có thể lúc được tha còn trông thấy ruộng nương, nhà cửa, chứ người nợ thì không những khánh kiệt mà sau còn tù là khác nữa. Nhất là nợ ông Nghị Lại thì không biết thế nào mà đoán trước được.

Ba người cùng thở dài im lặng. Một lát bác Tân giục:

– Thế ta đi chứ?

Hai anh em đi. Chị Pha nhìn theo, chan chứa những hy vọng. Pha bồi hồi, lo lắng, không biết lần này đi có kết quả gì không. Anh thở dài, bác Tân hiểu ý an ủi:

– Thế nào lão cũng mắc.

Hai người đến cổng ngách nhà ông nghị. Pha giơ tay run run ra giật chuông. Phát đứng trên chòi, bảo chờ để bẩm trước. Trong lúc đợi, Tân và Pha dặn dò nhau kế hoạch một lượt nữa và vui sướng cùng rúc rích cười. Pha hồi hộp, trống ngực nổi to dần. Như người đi bể gặp bão đã giạt đến gần bờ, anh tâm niệm lạy trời phù hộ cho được thoát nạn. Chờ nóng ruột, anh gí chân xuống đất, và lấy tay cạo rêu tường. Có tiếng Phát gọi ở trên chòi, hai người hăm hở ngẩng lên, nhưng bỗng tiu nghỉu nhìn nhau như cùng tắt thở:

– Quan đi vắng.

Bình luận
Ads Footer