NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Bước Đường Cùng

Chương 26

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
Thể loại: Văn Học Việt Nam
Ads Top

Nước xuống.

Sáu bảy ngày đêm vất vả nhọc nhằn, Pha và phu làng được về để bọn khác thay. Họ vui vẻ như quân lính thắng trận . Pha nói:

– Quyết năm nay khỏi lụt.

Một người đáp:

– Phải chứ, lụt nữa thì chết. Nghĩ đến nguồn cơn mấy nghìn người dầm mưa dãi nắng, mà đê vỡ thì thật chán.

Pha kiêu căng, tự nhiên thấy một chút vui sướng trong tâm hồn. Nhìn đồng điền xanh tốt, lả lướt hai bên đường về làng, anh thấy như lúa má cũng có tri giác đương vui vẻ đón chào bọn người đã cứu sống nó.

Anh lăm đăm nhìn cánh đồng bát ngát. Nhưng sực nghĩ đến ba phần tư lúa má ở nơi mênh mông này mà bọn dân đen vừa cứu vớt được là của Nghị Lại. Thì ra chính bọn anh đã cứu sống ông nghị, trong khi ông này khểnh khơi nằm hút thuốc phiện, nghĩ kế bóp hầu bóp cổ bọn anh. Rồi nhớ lại nỗi khổ cực trên đê, anh phải rùng mình. Ngoài những roi vọt, chửi mắng mà anh nhận được là sự thường, anh đã một buổi phải đói meo bụng mà vẫn cứ phải hết sức làm việc. Nguyên là phu phen phải đem gạo nhà đi để ăn, mà anh chỉ mang có ít cơm nắm với muối vừng đủ cho một bữa. Nên sáng hôm sau anh phải nhịn. Song, đến chiều, nhiều người thương, gom góp những cơm ăn còn lại để cho anh vay. Lúc về, quan phát cho công bảy hôm là hai hào mốt, anh đã phải dùng để trang trải công nợ vừa hết.

Về đến nhà, Pha thấy nước tuy đã xuống, nhưng còn láng ở sân. Anh mở cửa ra, một mùi hôi xông lên, mà mặt đất ướt át. Chân vách bị ngâm nước, ải ra, sụt siêu hẳn đi. Anh phải mất nửa ngày quét tước và giọi lại cái mái bị tốc nhiều chỗ.

Tay trắng, Pha không thể trông cậy vào đâu được. Không ai mượn anh làm nữa. Vợ anh đi vay gạo, mấy hôm đầu người ta còn cho. Nhưng rồi ai cũng lắc đầu bởi tiếng đồn đê chỗ nọ vỡ, đê chỗ kia vỡ, nên người ta phải trữ gạo để ăn, hoặc để bán giá cao. Trong mấy hôm, giá thóc vọt lên gấp rưỡi.

Vợ chồng Pha nhịn đói không được, đành phải ra sau nhà, bẻ buồng chuối xanh, bán rẻ để mua gạo nấu cháo.

Nhưng cũng chỉ được một bữa. Bữa sau, anh phải bán cái phản đi, lấy hai hào. Rồi áo quần, bát đĩa, cứ dần dần theo nhau đi ra ngoài bán được cả. Một lần anh đã đưa mắt nhìn đến thằng bé con và suy nghĩ. Nhưng nó gầy gò, bẩn thỉu quá, có đem bán cũng chưa chắc có người mua. Giá nó lên năm lên bảy, có sức hầu hạ, thì người ta còn sai vặt được. Đằng này con anh được ngót hai tháng, lại xanh xao vàng vọt, lúc nào cũng như cái mồi sẵn sàng của thần chết, thì người phúc đức đến đâu cũng không dám nuôi.

Vợ chồng Pha nghĩ cảnh cơ cực nhiều phen khóc với nhau. Anh em thân thiết như Dự và Tân, cũng đi vắng đến nửa tháng nay, vả nhờ mãi cũng rát mặt. Anh nghĩ đến ông bát Hướng là chú họ làm ăn khá giả ở trên tỉnh có thể vay được cái vốn con con, nhưng lấy gì để ở nhà cho vợ ăn mà đi được?

Anh nhịn đói, sôi cả bụng. Chợt nhìn cây chối cụt đầu, anh bèn sang hàng xóm nhờ cái thuổng, đào củ lên mà ăn sống. Củ chuối to ấy cùng làm cho vợ chồng anh no lòng được hai bữa.

Cái cảnh đói khó này không cứ chỉ trong gia đình Pha. Cả một hạt này, vì năm ngoái bị lụt, nên năm nay nhà nào cũng đói. Lại còn nỗi mấy hôm nước ngập, dân ăn bậy bạ bẩn thỉu, cho nên thần dịch tả được dịp tốt, ra oai ngay.

Đầu tiên, vợ thằng Mới tự nhiên nổi cơn đau bụng, được một đêm thì chết.

Lý trưởng trình quan, quan xin nhà thương phái người về tiêm.

Y tá ở tỉnh về đình, bảo lý trưởng cho rao mõ, bắt nhà nào cũng phải tiêm trừ tả. Nghe tiếng mõ rao, Pha mừng lắm. Anh bảo vợ:

– Thuốc này rất thần hiệu, nên bảo nhau ra tiêm cho đông.

Vợ chồng Pha ra đình. Người ta đứng chờ đông nghìn nghịt. Chị Pha nhìn vào trong xem người y tá làm việc, thấy chọc cái kim vào thịt ghê cả người. Chị chắc rằng đau lắm. Chị tưởng tượng đến cái mũi nhọn ấy nó đâm vào cánh tay chị, chị thấy thít lên, rùn cả mình. Rồi sợ đau, chị lẩn vào trong đám đông chuồn về.

Pha cố chen vào, để chờ tiêm. Anh quay lại không thấy vợ đâu cả. Khi tiêm xong, anh cố kiễng lên tìm vợ trong đám đông, cũng không thấy. Anh đứng chờ đến lúc vãn người mới về. Song vợ anh chưa có ở nhà.

Đến tận chiều sẩm, khi hỏi thăm hết người y tá đã nhận tiền hành lý của làng mà về tỉnh rồi, chị Pha mới dám lò mặt ra đường và thú thực với chồng rằng sợ bị đau, không dám tiêm. Pha cáu quá, mắng:

– Thế ra bu nó sợ đau chốc lát chứ không sợ cái chết.

Chị Pha cãi:

– Chết thế nào? Chết đã có số. Số ai bị các quan bắt đi thì có tiêm cũng không tránh khỏi. Mà số tôi không chết thì chả tiêm cũng chả việc gì.

Sáng hôm sau, một tin ghê gớm đồn đi, là thằng Mới vừa chết vì dịch tả. Chị Pha lo đến thân, tối nào cũng ra miếu bà Cô lễ cầu bình yên.

Chị đã gầy lại thêm gầy. Bởi vì mỗi ngày chỉ ăn một bữa cháo loãng, nấu bằng cơm cháy mà bà trưởng Bạt cho.

Cực chẳng đã, Pha phải bàn với vợ bán nhà để lấy tiền ăn. Mà lại bán ngay cho trương Thi bên hàng xóm lấy sáu đồng. Trương Thi hãy đưa cho chị ba đồng, hẹn đến cuối tháng mới trả nốt. Vì vậy, vợ chồng vẫn có quyền là chủ nhân cái nhà và luôn thể, chủ nhân cả những cái bẩn thỉu ghê tởm chứa chất trong nữa.

Pha được mát mặt, trang trải nợ nần lặt vặt, còn thừa đong gạo, mua khoai, mua ngô. Nhưng vợ chồng phải dành dụm để kéo cho dài ngày được sống đỡ lo lắng. Bởi vậy, chỉ dám ăn ngũ cốc có bữa sáng, còn bữa chiều thì đi đào củ chuối, hái lá râm bụt, hoặc những lá mà người ta bảo rằng ăn được, mọc bừa bãi ở cọc giậu.

Những tin dữ dội về quan ôn bắt lính ở làng An Đạo hoặc những làng cạnh, không mấy ngày không có làm cho mọi người kinh khủng. Mà toàn là những người không tiêm. Chị Pha lo quá, hối hận mãi rằng trốn tiêm mà dại.

Nhưng một hôm, chị không phải lo nữa, vì nguyên chị yếu, lại ăn bậy, ở bẩn, không tiêm phòng, nên thần dịch tả đã đem chị đi, sau một trận thượng thổ hạ tả có vài giờ đồng hồ.

Bình luận
Ads Footer