Triều đại nhà Đường trải qua một thời gian dài thịnh trị với sự cai trị anh minh của các Hoàng đế họ Lý. Thế nhưng dần dần ngồi trên ngai vàng, dòng họ Lý mất dần tính cách anh hùng thao lược của người đã sáng lập ra triều đại này là Lý Thế Dân, truyền ngôi cho đến Duệ Tông Lý Đán thì triều chính bắt đầu suy đồi, tạo điều kiện cho một người đàn bà vừa tuyệt sắc vừa có tham vọng điên cuồng là Võ Minh cướp ngôi Hoàng đế, xưng là Võ Tắc Thiên Thánh Thần Hoàng đế, thường được lịch sử gọi là đời Võ Hậu. Trước đó, ở triều đại của Đường Cao Tông Lý Trị, nơi đất Thái Châu đã sản sinh một nhân tài thông minh xuất chúng, học vấn rộng rãi tên là Địch Nhân Kiệt. Không ai có thể ngờ rằng chính ông là người đứng ra phục hưng triều đình nhà Đường sau này, thoát khỏi bàn tay độc ác tàn nhẫn của Võ Tắc Thiên.
Với sự cần mẫn học hành, khi lớn lên Địch Nhân Kiệt thi đậu kỳ thi Minh Kinh và được bổ nhiệm làm quan Tri huyện ở Xương Bình. Tuy là một chức quan nhỏ nhưng Địch Nhân Kiệt vẫn tận tâm lấy hết sức mình ra cai trị, chẳng bao lâu đã nổi tiếng là vị quan công minh liêm khiết, được người dân ca tụng, kính trọng xưng hô là Địch Công chứ không bao giờ dám gọi tên tục của ông ra.
Một ngày kia Địch Công vừa mới thăng đường thì nghe có tiếng náo loạn từ ngoài cổng, lập tức sai nha lại chạy ra xem. Hóa ra đó là một đám đông đang lôi kéo chàng trai khoảng hơn 20 tuổi, ai nấy đều kêu khóc đòi phải giết chàng trai đó giải oan cho người nhà của họ, tất cả đều cư ngụ tại thôn Lục Lý Đôn. Địch Công liền bắt những người hiếu kỳ ở ngoài, chỉ cho các đương đơn và bị can liên hệ tới vụ án mạng vào công đường, quỳ dưới sân chia làm hai bên.
Ông nhìn xem thì phía bên nguyên cáo là một phụ nữ đã khá lớn tuổi, còn bên bị cáo là hai cha con, trong đó có một chàng trai trẻ tuổi nhưng không phải người bị đám đông lôi kéo, chắc còn đứng ở ngoài. Sau khi đôi bên đã ổn định, Địch Công liền hỏi lớn:
– Các bên khai tên tuổi ra trước đi, sau đó khiếu kiện gì thì hãy nói rõ rồi trình bày các bằng chứng cho bản quan xét xử.
Người phụ nữ lớn tuổi chính là nguyên cáo nên vội vàng nói trước, giọng nói còn nghẹn ngào chứng tỏ chưa sao trấn tĩnh được:
– Bẩm Tri huyện đại nhân, lão họ Lý, có chồng là học trò họ Tại. Vợ chồng lão đã lớn tuổi mới sinh được đứa con gái tên là Lý Lê Cô. Vì chồng chết sớm nên lão ở vậy khó nhọc nuôi con cho đến khi khôn lớn. Để cho con gái có tấm chồng học thức, mai sau được dựa bóng tùng phu làm vẻ vang cho gia đình, lão đã cất công nhờ cậy ngài Sử Thanh Lai làm mai mối, lấy con trai của Cử nhân Hoa Quốc Tường tên là Văn Tuấn.
Lý thị vốn là con nhà gia thế vọng tộc nên được người trong huyện thường tôn xưng gọi bà bằng Lý phu nhân mặc dù người chồng chưa có công danh gì thì đã qua đời. Nói đến đây Lý phu nhân quay qua chỉ mặt chàng trai, vừa khóc vừa nói tiếp:
– Chính hắn là Hoa Văn Tuấn, đã thông đồng với gia đình họ Hoa giết chết con gái của lão. Xin tri huyện đại nhân trừng trị.
Địch Công biết Lý phu nhân đang lúc xúc động lời lẽ không rõ ràng nên cũng không chấp nhất, hỏi lại thì mới biết đám cưới của hai họ Lý và Hoa diễn ra rất linh đình bởi đôi bên đều môn đăng hộ đối. Thế nhưng chỉ ba ngày sau con dâu đã chết tại nhà chồng, khi Lý phu nhân được tin đến nơi nhận thấy có nhiều dấu hiệu khả nghi như người bị sưng phồng lên, da dẻ đều bầm tím, thất khiếu đều có máu ứa ra. Vì vậy Lý phu nhân đề quyết họ Hoa đã hạ độc giết chết con mình, kéo chú rể mới cùng với Cử nhân Hoa Quốc Tường lên công đường kiện cáo.
Địch Công nghe xong, quay lại hỏi Hoa Quốc Tường:
– Theo lời tố cáo thì con dâu đang khỏe mạnh, về nhà chồng mới ba ngày đã chết thảm thì thật đúng là án mạng rồi. Ông là người có học vị của triều đình, tức là đã thông hiểu lễ nghĩa thánh hiền, chắc không phải thủ phạm, có lẽ đã giáo huấn con cái không nghiêm nên mới gây nên tội như vậy chăng? Hãy mau khai thực ra đi kẻo bản quan dùng tới cực hình thì không tránh khỏi đau đớn.
Hoa Quốc Tường cũng khóc, quỳ xuống thưa:
– Cử nhân tôi là người gia giáo, ngược đãi con dâu cũng chưa dám nữa là xuống tay hạ thủ. Con trai tôi là Hoa Văn Tuấn tuy chưa có công danh nhưng vẫn là học trò tính tình hiền lương, trong huyện ai cũng biết, đâu thể nào là thủ phạm được? Con dâu chết bất đắc kỳ tử, gia đình họ Hoa chúng tôi cũng vô cùng đau xót, xin đại nhân sáng suốt tìm ra thủ phạm thì thật là đại ân đại đức không bao giờ dám quên.
Nghe vậy Địch Công hoàn toàn không hiểu nổi tại sao lại xảy ra cái chết thương tâm như vậy, hạch hỏi Quốc Tường:
– Ông nhất quyết cha con đều không thể là thủ phạm, vậy có nghi ngờ cho ai không?
Hoa Quốc Tường gạt nước mắt thưa:
– Họ Hoa chúng tôi đề quyết đó là tên Hồ Tác Tân chứ không sai.
Khi hỏi đến bằng chứng thì cả Lý phu nhân lẫn Hoa Quốc Tường đều không đưa ra được, chỉ dựa vào một lời hăm dọa mà đề quyết như vậy mà thôi. Nguyên lệ ở huyện này thường có mở tiệc vui trong tân phòng, cho các thanh niên thiếu nữ vào vui đùa, nếu tân lang và tân nương muốn yên thân hợp cẩn thì phải thuyết phục hoặc năn nỉ nhiều lần mới thoát được sự quấy rối của các thanh thiếu niên. Hoa Quốc Tường cũng theo lệ đó, cho khá nhiều bạn đồng học với Văn Tuấn vào náo tân phòng. Trong số ấy có một chàng trai tên là Hồ Tác Tân, tuy đã đậu Tú tài nhưng tính thích náo động nên nhân dịp thấy tân nương xinh đẹp thì càng ra sức trêu ghẹo phá phách, không cho họ động phòng, đến nửa đêm vẫn còn uống rượu và bắt ép Văn Tuấn phải cùng vui với mình. Hoa Quốc Tường thấy đêm đã khuya, sợ lỡ mất giờ tốt động phòng nên mời tất cả lên thư phòng của mình tha hồ uống tiếp.
Bọn thanh niên liền bắt cô dâu uống ba chén lớn gọi là tạ lỗi rồi mới bằng lòng rời khỏi tân phòng, thế nhưng chỉ riêng Hồ Tác Tân nhất định không chịu nên Hoa Quốc Tường nổi giận nói mấy lời nặng nề, đuổi ra khỏi nhà. Hồ Tác Tân xấu hổ quá hóa hung, trước khi ra khỏi nhà còn hăm dọa: “Được rồi, trong ba ngày sẽ biết tay họ Hồ này”.
Hoa Quốc Tường đã bớt nóng, sợ rằng Hồ Tác Tân giận mãi nên ba ngày sau làm lễ lại mặt rồi, hoàn tất việc cưới xin liền mời hắn đến uống trà làm hòa. Đúng đêm hôm ấy cô dâu Lý Lê Cô trúng độc mà chết. Riêng Văn Tuấn vì không thích uống trà nên toàn mạng. Theo suy đoán của hai họ thì chính Hồ Tác Tân đã hạ độc trong trà chứ không ai khác, còn cách hạ độc như thế nào không biết, xin quan Tri huyện khám phá giùm.
Địch Công liền hỏi:
– Tuy chưa có bằng chứng xác thực nhưng theo lời khai thì Hồ Tác Tân cũng đã là nghi phạm, sao không giải tới đây?
Hoa Quốc Tường thưa:
– Chúng tôi đã bắt giữ hắn rồi, còn đứng ngoài cổng nha môn chờ lệnh của đại nhân.
Địch Công lập tức ra lệnh, chỉ trong giây lát đã thấy chàng thanh niên trẻ tuổi kia cùng với một phụ nữ trạc tuổi trung niên, vừa khóc vừa đi vào, có lẽ đó là hai mẹ con. Thấy Hồ Tác Tân quỳ xuống, Địch Công liền mắng phủ đầu:
– Ngươi đã là Tú tài thì theo lệ triều đình không bị tra khảo. Thế nhưng ngươi cũng không dựa vào đó mà chối tội bởi đã có nhiều bằng chứng chính ngươi đã hạ độc trả thù. Bản quan cũng là người xuất thân từ khoa cử, vì vậy lấy lời lịch sự mong rằng ngươi khai thật ra đi.
Hồ Tác Tân chợt khóc ngất, cúi lạy rồi thưa:
– Đại nhân đã nói rõ ràng như vậy thì Tú tài tôi xin thưa thật rằng quả là oan ức. Đã là học trò thì lẽ nào chỉ vì một chuyện nhỏ mà tôi có thể hạ độc được? Vả chăng theo lệ thì bạn bè được tha hồ náo loạn tân phòng, có khi gia chủ hay tân lang phải năn nỉ hết lời họ mới chịu rút lui. Đằng này khách có đến hơn 40 người mà Hoa Cử nhân không trách một ai, cứ nhằm vào Tú tài tôi mà nói hãy dừng cuộc quấy phá. Tôi cũng đã định làm theo lời nhưng lại sợ người khác mất hết hứng thú nên có nói là sẽ vui chơi thêm ít nữa. Chẳng ngờ Hoa Cử nhân đột ngột nổi nóng mắng như tát nước vào mặt. Một học trò trọng danh dự như tôi thì làm sao chịu được nhục nhã ấy, vì vậy cũng nóng mặt nói dọa để trả đũa, ý định là làm cho họ Hoa phải lo lắng trong ba ngày bõ ghét. Vả chăng sáng ngày thứ ba Hoa Cử nhân đã mời tôi đến uống trà, như thế là đã giải hòa rồi, còn dám bỏ thuốc độc hay sao?
Thấy Địch Công chú ý lời mình nói, Hồ Tú tài thưa tiếp:
– Hiện Tú tài tôi dạy dỗ mấy đứa học trò trong nhà, dù gì cũng là bậc sư phụ, chẳng lẽ đi làm chuyện phi pháp để thế gian chê cười, học trò phỉ nhổ hay sao? Tôi lại phải nuôi mẹ già nhiều bệnh, chữ hiếu đặt lên hàng đầu, chưa tính đến việc vợ con thì lẽ nào ganh ghét vì bạn lấy được vợ đẹp? Vì vậy xin đại nhân minh xét, đừng nghi cho học trò là kẻ giết người.
Khi Hồ Tú tài thưa xong thì đến lượt người mẹ cũng quỳ xuống kêu khóc, đoan quyết rằng con mình từ trước đến nay chưa hề tỏ ra là người độc ác, lại có chí tiến thủ vừa dạy học kiếm sống vừa chăm chỉ học hành để mai sau đoạt lấy công danh, làm vinh hiển cho dòng tộc. Bà mẹ của Hồ Tú tài vốn chỉ có một đứa con trai, chồng chết sớm nên đặt hết hy vọng vào nó, nếu bây giờ bị khép tội giết người thì thật oan uổng, bà cũng khó mà sống nổi, vì vậy phải theo con đến công đường kêu nài.
Địch Công nghe xong ba lời khai thì hết sức phân vân, không sao quyết định được, trong lòng thầm suy tính:
“Nghi phạm thứ nhất là Hồ Tác Tân. Thế nhưng việc quấy nhiễu tân phòng tuy là hủ tục nhưng một người đã có chút học vị như họ Hồ không thể vì chút hiềm khích mà dễ dàng ra tay hạ độc. Vả chăng hắn làm như vậy tức là tự nhận tội hay sao bởi chỉ có mấy người trong lúc uống trà mà thôi. Riêng họ Hoa được con dâu xinh đẹp, mới ba ngày thì làm gì có xích mích đến nỗi phải giết người? Tất cả chỉ do họ Lý quá phẫn uất vì cái chết đột ngột của con dâu nên tố cáo cũng không thể trách họ được. Bây giờ lý lẽ chưa có gì chắc chắn, nếu ta xử án vội vàng tất sẽ có người mắc hàm oan, chi bằng tạm thời hoãn lại chờ tìm được chứng cứ khác rồi xử sau cũng không muộn”.
Do đó Địch Công nói với Lý phu nhân:
– Cái chết của Lý thị chưa đầy đủ chứng cứ rõ ràng. Ngày mai bản quan sẽ đến khám nghiệm tử thi rồi mới xem xét tình tiết đúng sai được. Các ngươi cứ tạm về nhà đi, bao giờ xét xong bản quan sẽ gọi đến công đường đối chất.
Địch Công lại nói với Hoa Quốc Tường:
– Còn ông thì về nhà nhớ giữ đúng hiện trường xảy ra vụ án, đừng xê dịch hay thay đổi bất cứ thứ gì, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng phải để nguyên chỗ.
Nghe vậy tất cả đều bằng lòng, chỉ riêng Hồ Tác Tân là nghi phạm thì bị giữ lại huyện đường khiến người mẹ khóc ngất, rất lâu không chịu rời khỏi nha môn. Còn Hoa Quốc Tường theo lời dặn của Địch Công, về tới nhà sai gia nhân chuyển hết đồ vật nhà sau và nhà trước đi chỗ khác cho rộng rãi, riêng tân phòng thì vẫn giữ nguyên không dám di chuyển bất cứ đồ đạc nào.
Ngày hôm sau Địch Công cùng với nha lại và chức dịch của huyện kéo đến bày biện án thư ở nơi rộng rãi, chừa trống trước mặt để quan huyện gọi người ra thẩm vấn. Hôm đó Lý phu nhân cũng đến để xem tình hình ra sao, không còn trách cha con họ Hoa nữa nhưng cứ khóc ngất từng hồi rất đau thương.
Địch Công uống trà rồi trước tiên gọi Hoa Văn Tuấn ra hỏi:
– Ngày thứ ba sau lễ cưới, uống trà xong ngươi cùng vợ về tân phòng lúc mấy giờ? Lúc đó ngươi thấy tình trạng của vợ ra sao, có lăn lộn kêu la hay không? Làm sao biết được ấm trà có thuốc độc mà nghi ngờ cho Hồ Tác Tân đã hạ độc?
Hoa Văn Tuấn liền thưa:
– Ngày hôm ấy mở tiệc trà là để cảm ơn các khách đã có công giúp cho lễ cưới hoàn thành, cũng là dịp để họ hàng đến chúc mừng nên người đến rất đông. Vợ chồng học trò chúng tôi tiếp khách cho đến khi mệt nhoài mới trở về tân phòng. Tân nương thấy khát nước nên sai hầu gái cho mình một chén, xong rồi sửa soạn chăn mền đi ngủ. Tiểu sinh cũng rất mệt nhưng tính không thích uống trà nóng nên nằm ra giường ngủ thiếp đi. Đến canh ba, tiểu sinh chợt nghe tiếng vợ kêu đau thì liền ngồi dậy, tưởng là ăn thứ gì nên lạnh bụng mà thôi. Ngờ đâu nàng càng lúc càng đau thêm, lăn lộn rên la dữ dội. Tiểu sinh đành phải trở dậy, định sai gia nhân nhân đốt đèn đi tìm lang y nhưng còn ngần ngừ vì đêm hôm khuya khoắt. Thế là được một lát thì vợ tiểu sinh qua đời. Tiểu sinh liền nghĩ ngay đến chén trà vợ vừa uống, rót ra xem thử thì nước trong ấm đen xì, rõ ràng là bị người hạ độc, có lẽ còn toan tính giết cả tiểu sinh nữa đấy.
Địch Công hỏi tiếp:
– Việc ấy thì đương nhiên rồi, bây giờ phải tìm ra thủ phạm. Trong ngày hôm ấy Hồ Tác Tân có vào tân phòng lần nào hay không?
Hoa Văn Tuấn vì phải tiếp khách nhiều nên không nhớ chi tiết này, Hoa Cử nhân liền đáp thay cho con:
– Buổi trưa Cử nhân tôi có thấy họ Hồ cùng vài người bạn vào tân phòng.
Địch Công gật gù hỏi thêm:
– Trước lúc Hồ Tác Tân vào tân phòng thì ấm trà để ở chỗ nào? Sau buổi trưa ấy con dâu có uống trà không hay là để đến tối? Người nào đã pha ấm trà ấy? Ấm trà này được pha một lần hay cạn rồi đổi nước khác?
Thật sự Hoa Cử nhân cũng rất bận rộn nên không thể trả lời được một loạt câu hỏi hết sức chi tiết của Địch Công, đành phải thú nhận rồi nhất định gán tội cho Hồ Tác Tân dựa theo lời hăm dọa đêm động phòng hoa chúc, xin Địch Công cứ tra khảo thật dữ vào tất hắn không chịu nổi mà khai ra.
Địch Công nghe vậy sầm mặt nói:
– Án mạng đâu chỉ là trò đùa, cần phải xem xét thật tỉ mỉ và khách quan mới thấy được sự thật. Bản quan không thể vì một lời hăm dọa mà có thể tra tấn một Tú tài, chắc chắn còn nhiều uẩn khúc. Bây giờ hãy thẩm vấn tới các phù dâu trước đã.
Hoa Quốc Tường tưởng là Địch Công đã ăn đút lót nên cứ bênh vực cho Hồ Tác Tân, lớn tiếng nói nhiều câu khinh miệt quan lại, cho rằng rốt cuộc cũng chỉ là hư danh mà thôi. Hoa Quốc Tường còn lấy danh vị Cử nhân ra đòi đưa vụ án lên quan cấp trên nếu như Địch Công không tra xét đúng đắn. Địch Công nghe vậy hết sức tức giận nhưng lại nghĩ Hoa Quốc Tường bị Lý phu nhân tố cáo mất hết danh dự nên quá nóng ruột, nói bừa bãi mà thôi. Địch Công lại nghĩ tới đêm tân hôn ấy, có lẽ chính Hoa Quốc Tường cũng ỷ mình là người tuổi tác cao, học vị lớn hơn Hồ Tác Tân mà buông ra những lời nặng nề, do vậy phản ứng của họ Hồ cũng là lẽ tự nhiên, góp thêm phần chắc chắn là họ Hồ không phải là thủ phạm. Địch Công nén giận nói với Hoa Quốc Tường:
– Bản huyện đặt ra nhiều nghi vấn không phải là muốn bênh vực Hồ Tú tài mà chính là để tìm ra cái chết của con dâu ông mà thôi. Việc này còn chưa khám nghiệm rõ ràng, sao phải nhất định đưa người ra khảo đả. Nếu nhỡ như Hồ Tác Tân bị oan thì ông có đền bù cho người ta được không?
Lời lẽ của Địch Công rất nghiêm nghị khiến Hoa Quốc Tường im miệng không dám nói gì thêm nữa. Sau đó Địch Công gọi người hầu gái thân cận nhất của nhà họ Lý là Cao thị ra thẩm vấn. Thế nhưng Cao thị là người hầu từ lâu, chính tay bồng bế nâng niu Lý Lê Cô, thậm chí được tin tưởng giao cho nhiệm vụ hầu hạ cả khi tiểu thư đã về nhà chồng. Theo suy nghĩ của Địch Công thì một người có nhân thân như thế tất không bao giờ lại xuống tay với người mà mình đã yêu thương như con cái. Địch Công vẫn tiếp tục thẩm vấn, hỏi:
– Thế là ngươi đã theo sát bên cô dâu lúc về nhà chồng. Vậy thì ấm trà ấy có phải chính tay ngươi pha hay không? Và pha lần thứ mấy.
Cao thị trả lời có vẻ thành thật:
– Trà buổi trưa không có mang vào tân phòng. Chính tay tiểu dân pha trà vào buổi chiều, thấy uống hết thì pha thêm lần nữa đem vào tân phòng.
Địch Công gật đầu hỏi:
– Đó là ấm trà pha lần thứ hai vào chiều tối. Sau khi mang trà vào thì ngươi có túc trực ở đó hay là bỏ đi? Đã có ai uống trước khi Lý tiểu thư uống chưa?
Cao thị đoan quyết là không rời khỏi tân phòng lần nào và cũng không nhớ được có ai đã uống ấm trà ấy trước cả Lý tiểu thư hay không. Do đó những lời khai này thành vô bổ, sự việc vẫn không thể xét đoán được. Địch Công bèn nói với Hoa Quốc Tường:
– Rõ ràng là ấm trà giết người này được pha và mang vào tân phòng từ buổi chiều, tức là khi Hồ Tác Tân đã ra về. Như vậy không thể vì một lời nói lúc giận dữ mà đề quyết cho người ta tội hạ độc giết người. Vụ án phải tạm hoãn trong một thời gian chờ tìm ra chứng cứ mới. Các ngươi cứ chờ bao giờ nhận được lệnh gọi thì lên công đường nghe phán quyết.
Nghe Địch Công phán bảo như vậy, cả nhà họ Lý lẫn nhà họ Hoa đều khóc rầm lên, kêu xin hãy mau mau làm rõ án mạng, bắt thủ phạm đền tội mới hả dạ. Địch Công rất khó chịu, bắt tất cả mọi người tránh ra bên ngoài, đi một vòng quanh tân phòng xem xét kỹ từng góc nhà, cây cột rồi sau đó mới gọi Hoa Quốc Tường theo mình vào tân phòng.
Lúc ấy ấm trà vẫn để nguyên trên bàn, có mấy hầu gái đứng quanh giường nơi xác của Lý tiểu thư nằm ở đó. Địch Công liền sai một hầu gái lấy chén đem ra rót thử. Quả nhiên màu nước trà khác hẳn thông thường, không những tím đen mà còn có mùi tanh hôi thoang thoảng, lúc đó đã để trà nguội lâu rồi mới có thể nhận ra. Muốn chứng nghiệm nước trà ấy có độc, Địch Công sai đem một ít thức ăn ra trộn nước trà vào rồi đưa cho con chó trong nhà ăn. Chỉ trong một thời gian ngắn, con chó đã lồng lên kêu rú điên cuồng hình như bị đau lắm, một lúc sau thì vật ra chết. Địch Công xem xét tình trạng con chó rồi so sánh với tình trạng khi chết của Lý tiểu thư thì nhận ra loại thuốc độc này thật ghê gớm, lập tức sai niêm phong lại.
Sau đó Địch Công ra ngoài, gọi tất cả các bên liên quan đến nói:
– Đúng ra là phải mổ tử thi để khám nghiệm. Thế nhưng đôi bên đều là dòng dõi thư hương, có chút danh phận, vì vậy nếu khám nghiệm thì e rằng người sống lẫn người chết đều không yên. Theo bản quan thì cứ ghi vào văn án là Lý tiểu thư chết vì trúng độc. Còn trúng độc ra sao thì khi bắt được thủ phạm sẽ rõ ngay, không cần phải khám nghiệm tử thi cho thêm đau xót.
Nghe vậy tất cả đều chấp nhận, ký vào biên bản xin được miễn khám nghiệm tử thi, bắt đầu lo liệu việc khâm liệm, quàn lại trước đem đi chôn cất. Chờ cho nhà đòn mang xác của Lý tiểu thư ra ngoài khâm liệm, Địch Công mới thong thả bước vào tân phòng lần nữa. Ông tiến đến gần giường người chết nằm, cúi sát xuống thì ngửi thấy một mùi tanh nồng từ đó bốc lên nhưng không thể xác quyết được loại chất độc ấy là gì. Ông phân vân đang định cho khám xét dưới gầm giường thì chợt ở phía ngoài có tiếng la hoảng của bọn phu khâm liệm:
– Trời ôi! Sao đã chết mà bụng còn máy động thế này, chắc là quỷ nhập tràng rồi!
Khi Địch Công chạy ra tới nơi thì bọn phu đòn hầu như đã kinh hoảng rời xa xác chết, ai nấy đều run rẩy như đã gặp ma giữa ban ngày, Địch Công vốn rất can đảm, lập tức tiến đến gần tử thi xem xét hồi lâu, chẳng hề thấy có chút gì khác lạ, bụng cũng không hề máy động như lời la hoảng vừa rồi, bằng quay lại nói với mọi người:
– Bản quan đã xét xử biết bao nhiêu vụ án mạng, có khi chết còn thê thảm hơn thế này và vào giữa đêm khuya mà chưa lần nào thấy ma quỷ lộng hành. Chẳng lẽ giữa ban ngày ban mặt, giữa chốn đông đảo người sống lại dám tác quái hay sao? Chắc là bọn phu phụ trách khâm liệm đêm qua uống rượu quá nhiều mờ cả mắt nên hôm nay nhìn lầm đấy thôi.
Nghe vậy bọn phu nhà đòn mới cố bậm môi xúm lại khâm liệm thật mau, lập tức đưa vào quan tài đóng chặt lại, hình chưa vẫn chưa hết sợ hãi. Trước khi về huyện đường, Địch Công chợt nhớ lại ý định khám xét dưới gầm giường vừa rồi, đích thân vào tân phòng lần nữa, nhìn rất kỹ dưới gầm thì thấy mấy giọt máu còn tươi, trong máu hình như có nhiều vật nhỏ chỉ bằng cái lông tơ màu đen đang chuyển động. Địch Công xem xét kỹ rồi, trong lòng đã có chủ định, lập tức ra ngoài truyền cho Hoa Quốc Tường phải đưa Cao thị đến nha môn xét hỏi.
Thế nhưng khi về đến công đường, Địch Công không hề gọi Cao thị ra thẩm vấn mà sai giam vào ngục dành cho nữ nhân, rồi sau đó luôn mấy ngày không hề nhắc tới vụ án nữa. Mấy ngày không thấy động tĩnh gì, Hoa Quốc Tường hết sức tức giận, nhất định lên huyện hỏi cho ra lẽ, nếu Địch Công muốn ém nhẹm việc này thì sẽ làm đơn thưa lên Án sát tỉnh.
Khi tới huyện đường Xương Bình, Hoa Quốc Tường chất vấn Địch Công:
– Nếu không tìm ra được chứng cứ gì khác thì theo lẽ đại nhân phải xuống lệnh tra khảo nghi phạm duy nhất là Hồ Tác Tân. Tại sao lại loanh quanh hết thẩm vấn người này đến người kia. Cuối cùng còn giam cả Cao thị là người hầu rất mực trung thành mà vẫn không xét hỏi thì làm sao tìm được thủ phạm theo ý của đại nhân đây. Cử nhân tôi tuy bất tài nhưng nếu đại nhân nhất định cho chìm vụ án này thì sẽ lên tỉnh đệ đơn với cấp trên, khi ấy đại nhân không thể trách lão được đâu.
Trước đó Địch Công đã bàn rất nhiều với viên Khổng mục họ Mã, đưa ra bằng hết những lý luận nhưng cuối cùng vẫn không thể chắc chắn được hung thủ là ai. Địch Công lại muốn nhờ Mã Khổng mục tìm giùm cho mình một người giỏi về các chất độc để xác quyết Lý tiểu thư chết vì loại thuốc gì, từ đó mới có đầu mối mà thẩm vấn tìm ra sự thật. Vì vậy khi nghe Hoa Quốc Tường nói lời nặng nề thì Địch Công ngầm tức giận, cố nhịn đáp lại:
– Bản quan chỉ muốn xét xử thật rõ ràng, không để oan sai xảy ra. Vì vậy mới chần chừ chưa muốn đưa người ra thẩm vấn chứ không hề bao che bất cứ người nào. Bản quan xuất thân từ khoa mục, lấy tài năng của mình ra phục vụ cho triều đình, lại được ăn lộc nước thì quyết phải làm gương sáng cho giới quan lại. Tuy nhiên nếu Cử nhân muốn được nghe tận mắt việc thẩm vấn thì bản quan cũng không tiếc gì mà chiều lòng.
Nói xong, Địch Công liền ra lệnh thăng đường, cho Hoa Quốc Tường dự thính. Sau đó ông gọi Hồ Tác Tân ra, trừng mắt quát hỏi:
– Bản huyện đã khám tử thi, rõ ràng là trúng phải chất kịch độc mà chết. Cả hai bên trai gái đều đồng lòng tố cáo ngươi là thủ phạm hạ độc. Vì vậy hãy khai thực ra đi, nếu không bản quan sẽ áp dụng luật mà dùng tới hình cụ đấy.
Hồ Tác Tân bình tĩnh đáp lại:
– Học trò đã khai rõ từ trước là việc hăm dọa đùa chơi là có thực nhưng hành động giết người thì nhất quyết không dám phạm vào. Bây giờ đại nhân cứ bắt khai thì phải khai thế nào mới vừa lòng đại nhân đây?
Địch Công đập án thư mắng lớn:
– Bản quan đã có lời khai của Cao thị là hôm ấy ngươi cùng bạn bè rất thường ra vào tân phòng, như thế đã thừa đủ cơ hội hạ độc vào ấm trà, còn chối được nữa sao?
Ngờ đâu Hồ Tác Tân cũng rất bén nhạy, chộp lấy câu nói đó của Địch Công mà vặn:
– Đại nhân đã nói Tú tài tôi thỉnh thoảng cùng mấy người vào tân phòng thì tại sao chỉ nghi ngờ mỗi mình tôi. Vả chăng nếu có nhiều người như thế thì làm sao dám hạ độc? Tại sao người pha ấm trà ấy không bị thẩm vấn, chắc chắn đó sẽ là đầu mối vụ án, thế mà đại nhân bỏ qua định ép cung thì thật oan uổng quá.
Địch Công nổi giận quát:
– Thực giỏi cho ngươi! Đến trước công đường mà còn nhiều lời vặn vẹo, chẳng coi bản quan ra gì? Nếu ngươi không khai thì cũng được nhưng từ nay nhất thiết không được nói những lời như thế nữa, bản quan là người đặt câu hỏi chứ không phải ngươi!
Hồ Tác Tân vội vàng xin lỗi Địch Công rồi xin được đối chứng với những lời khai của Cao thị. Địch Công bằng lòng, lập tức sai quân điệu Cao thị lên công đường rồi hỏi:
– Theo khiếu kiện của gia chủ ngươi thì Hồ Tác Tân đã hạ độc để trả thù mấy câu nói nặng nề đêm tân hôn. Bây giờ ngươi cố nhớ ra xem hắn đã hạ độc lúc nào?
Cao thị thưa:
– Hồ Tú tài ra vào tân phòng nhiều lần nhưng tính kỹ thì chỉ có thời gian sau lúc lên đèn cho đến tối, sau đó họ đã ra về để cho tân lang và tân nương nghỉ ngơi.
Hồ Tác Tân lập tức phản bác, mắng:
– Tên nô tài vô sỉ kia! Ngươi ăn lương của chủ rồi lẻo mép nói theo, không biết đó là lời hại chết người hay sao? Từ lúc lên đèn cho tới khi trời tối ta không hề bước chân vào tân phòng. Vả chăng trong thời gian ấy không có ai vào uống trà hay sao? Ngươi hầu hạ cô dâu thì phải biết khoảng thời gian ấy chú rể ra ngoài cảm ơn các khách đến chúc mừng, cô dâu ở trong phòng một mình thì người ăn học như ta há dám xông vào hay sao? Ngươi đã thấy ta vào tân phòng một mình bao giờ chưa, nếu đi cùng nhiều người thì làm sao hạ độc vào bình trà nằm lộ ra trên bàn? Không biết rõ thì đừng có lắm lời dối trá vu oan giá họa mà trời đất thánh thần khiến ngươi phải tuyệt tự đấy. Ấm trà ấy chính tay ngươi pha thì chắc ngươi là thủ phạm rồi, cố đổ tội cho người khác đấy thôi. Bẩm Tri huyện đại nhân. Theo tiểu sinh thì cứ tra khảo tên nô tài này là rõ mọi chuyện ngay.
Cao thị nghe vậy mất hết hồn vía vì quả nhiên không thể nào xác quyết được Hồ Tác Tân có cơ hội hạ độc, trong khi chính tay mình pha trà, nếu Địch Công nghi ngờ mà tra khảo thì thật khó mà biện bạch. Vì vậy nghe Hồ Tác Tân mắng như tát nước mà y thị ngậm câm không đáp trả được lời nào.
Địch Công nhân cơ hội ấy nói luôn:
– Lời biện luận của Hồ Tú tài cũng khá chính xác. Cao thị! Ngươi đã hạ độc vào ấm trà phải không? Ngươi thù oán gì mà dám ra tay giết chết tân nương như thế?
Cao thị nghe vậy quỳ rạp xuống khấu đầu lạy như tế sao, kêu khóc ầm trời, miệng thì kêu oan. Thật ra Địch Công chỉ muốn đưa hai người này ra làm vừa lòng Hoa Quốc Tường mà thôi, nay họ đều kêu oan thì liền truyền bãi đường, Hoa Quốc Tường cũng lặng lẽ ra về, không còn khiếu nại nữa.
Sau khi ăn tối, Địch Công vẫn chưa hết suy nghĩ về vụ án, chống cằm ngẫm nghĩ tìm đủ mọi ngóc ngách để xem có phát hiện ra gì không, mãi đến khi đèn sắp hết dầu mà chưa ra một manh mối nào khả dĩ. Lúc đó tên quân lo việc trực nhật vào châm thêm dầu cho đèn, đồng thời cũng bưng một chén nước trà để quan huyện giải khát. Địch Công mở nắp chén ra, bưng lên miệng định uống, nhờ gần mắt nên chợt phát hiện ra chén trà có một lớp bụi váng trên mặt. Tuy lớp váng này rất mỏng nhưng nó làm cho tâm trí của Địch Công bừng sáng, ông vội gọi tên lính vào quát hỏi:
– Tại sao chén trà đậy nắp mà vẫn có váng bụi? Ngươi làm việc thật vô ý vô tứ, ngày mai ta sẽ đuổi ngươi ra khỏi nha môn.
Tên lính sợ quá vội thưa:
– Lúc pha trà xong, tiểu nhân rót vào chén, đang định đậy nắp thì chợt mái nhà bị rung rinh nhè nhẹ, tiểu nhân nhìn lên quan sát thì không thấy gì hết nên vô tình đậy nắp lại mang lên dâng cho đại nhân. Quả thực không dám làm việc cẩu thả.
Địch Công vui vẻ tha tội cho hắn rồi tắt đèn đi ngủ, trên miệng nở một nụ cười khoan khoái. Sáng hôm sau Địch Công cho gọi Hoa Quốc Tường lên công đường, cũng gọi cả Hồ Tác Tân lẫn Cao thị nhưng chỉ thẩm vấn mỗi y thị mà thôi. Địch Công không quanh co, hỏi ngay đến việc pha trà:
– Ngươi pha trà bằng nước gì, ai đã đun sôi và pha ở tân phòng hay dưới bếp?
Cao thị khá ngạc nhiên vì những câu hỏi nhỏ nhặt này, thành thực đáp:
– Theo lệ của nhà họ Hoa thì không bao giờ mua trà ở ngoài, mỗi khi có việc đều sai gia nhân tự nấu nước rồi tự pha trà. Vì khách khứa đến quá đông nên bếp không còn chỗ, tiểu nhân phải sai một người khác xuống gian nhà bỏ trống phía sau vườn mà đun nước, sau đó đem nước sôi đến tân phòng tự tay tiểu nhân pha trà, không dám để người khác làm thay.
Địch Công nghe xong vui vẻ nói với Hoa Quốc Tường:
– Bây giờ ông có thể về được rồi, bản quan đã biết nên điều tra ở đâu để tìm ra manh mối. Bản quan hẹn chắc ngày mai sẽ làm sáng tỏ việc này, nếu sai lời tha hồ cho ông lên tỉnh kiện cáo với cấp trên.
Hoa Quốc Tường chưa tin hẳn, nói vớt:
– Chỉ tại Cử nhân tôi quá nóng ruột vì cái chết của con dâu nên có khi mất khôn mạo phạm đến đại nhân mà thôi. Nếu đại nhân đã quả quyết như vậy thì Cử nhân tôi xin về bày tiệc trước, đón đại nhân cho xứng đáng vậy.
Hoa Quốc Tường về rồi thì Địch Công cũng bãi đường khiến Mã Khổng mục rất lo lắng, hỏi:
– Vụ án hầu như chưa có chút đầu mối nào mà đại nhân dám đoan quyết ngày mai sẽ xét xử rõ ràng thì e rằng quá hấp tấp chăng?
Địch Công liền kể cho Mã Khổng mục nghe việc đêm qua quan sát chén trà mà tìm ra manh mối, cười nói:
– Chuyện đời thật muôn hình vạn trạng, một vụ án chết người chỉ nhờ vào một chi tiết nhỏ nhặt tưởng như không liên quan gì mà có thể gợi được manh mối cho ta. Do vậy người làm quan ngồi trên công đường xử án phải vận dụng hết tâm trí của mình, xem xét không từ một chi tiết nhỏ nhặt nào thì mới mong xét xử công minh, không đẩy người khác lọt vào oan ức.
Mã Khổng mục hết sức khen ngợi Địch Công là người có trí tuệ sáng suốt, như người khác thì dù có uống đến trăm chén trà cũng không chú ý được những điều nhỏ nhặt như thế, sửa soạn giấy bút để ngày mai sẽ thiết lập phiên xử án ở trang viên Hoa Cử nhân.
Sáng hôm sau Địch Công chỉ dẫn theo 3 người là Mã Khổng mục, Kiều Bổ đầu và một tên nha sai đi bộ đến trang viên của Hoa Quốc Tường, ông ta đã chờ sẵn từ sáng sớm, lập tức mời vào. Hoa Quốc Tường thấy Địch Công không mang theo mũ áo quan nha thì đã khá ngạc nhiên, sau định dọn án thư thì Địch Công lại cũng bác bỏ thì rất ngạc nhiên. Địch Công liền giải thích:
– Bản quan không câu nệ hình thức, đây lại là cái chết của người trong gia đình không có thủ phạm thì hà tất gì phải bày vẽ lôi thôi. Bản quan đến đây chỉ muốn vạch rõ cái chết của Lý tiểu thư để hai gia đình cùng với bạn bè của Hoa Văn Tuấn được hòa thuận mà thôi. Nếu thiết lập công đường thì càng tai tiếng thêm, chẳng ích gì.
Hoa Quốc Tường hoàn toàn không hiểu ý định Địch Công ra sao nhưng cũng theo lời, bắc ghế mời ông ngồi giữa sảnh đường. Địch Công liền bảo Hoa Quốc Tường:
– Hôm qua ở công đường, Cao thị khai là sai một gia nhân khác đến gian nhà bỏ trống phía sau vườn nấu nước. Người này là ai hãy gọi ra đây.
Hoa Quốc Tường lại càng ngơ ngác nhưng vẫn cho gọi một người hầu gái còn rất trẻ, chỉ chừng 18 tuổi ra trước mặt Địch Công. Ông không cho người hầu gái này quỳ xuống vì không phải là công đường, ôn tồn hỏi:
– Ngươi tên là gì, làm việc ở trang viên này bao lâu rồi, có làm việc khác không hay chỉ chuyên nấu nước?
Người hầu gái thưa:
– Tiểu nhân tên là Thái Cô, từ trước tới nay hầu hạ phu nhân nhưng mấy ngày lễ cưới diễn ra ai cũng tất bật lắm việc nên tạm giao việc nấu nước cho tiểu nhân, không phải chuyên môn.
Địch Công gật đầu, hỏi tiếp:
– Ngươi kể lại buổi chiều hôm trước khi Lý tiểu thư thất lộc xem ai đã đến lấy nước cho bản quan biết, đừng bỏ sót chi tiết nào.
Thái Cô cũng khá nhanh nhẹn, lập tức thưa:
– Hôm ấy tiểu nhân nấu nước cho đến lúc nhà đã đốt đèn, chợt có lệnh gọi lên nhà trên, vì vậy khi Cao bà đến lấy nước sôi thì không có tiểu nhân ở đó. Cao bà thấy nước chưa thật sôi nên bỏ thêm củi, quạt lửa đun tiếp. Cao bà pha nửa ấm nước sôi, thấy ấm đã vơi nên đem ra ngoài định lấy thêm nước, chẳng ngờ già yếu mắt mờ vấp phải bậc thềm nhà, đổ hết nước trong ấm. Lúc đó tiểu nhân đã xong việc trở lại, giúp bà ta lấy đầy ấm nước bắc lên bếp, còn Cao bà thì trở lên nhà trên. Đó là những gì tiểu nhân đã làm trong buổi chiều ấy, còn chi tiết thế nào xin đại nhân xem xét.
Địch Công nghe xong liền sai Mã Khổng mục về huyện đường đưa Cao thị về trang viên. Vừa thấy mặt Cao thị, Địch Công đã mắng lớn:
– Nô tài họ Cao kia! Ngươi quả thật gian xảo nên mới khai không đúng sự việc. Chiều hôm ấy ngươi khai là lấy nước đã nấu sôi sẵn, bây giờ lòi ra là ngươi phải tự đun nước rồi đổ hết một nửa. Như vậy ngươi quả là thủ phạm không sai!
Cao thị nghe xong sợ đến mất cả hồn vía, quỳ xuống van lạy rồi thanh minh là mình không nhớ gì hết, ra công đường cứ khai bừa mà thôi, thật ra không hề che giấu bất cứ ý đồ nào, cũng không phải là thủ phạm. Địch Công liền chỉ mặt mắng:
– Cứ cho là ngươi không phải thủ phạm đi nhưng ngươi khai gian dối khiến bản quan không thể nào lần ra đầu mối. Bản quan không sáng suốt thì đã kết án oan cho Hồ Tú tài rồi, như vậy là ngươi hại chết người ta còn gì? Sau khi xử xong vụ án này, ngươi khó mà thoát được sự trừng phạt của bản quan.
Mắng xong, Địch Công nói với Hoa Quốc Tường theo mình xuống bếp, bắt cả Thái Cô và Cao thị đi theo chứng kiến. Khi qua khỏi bếp, nhìn thấy căn nhà nhỏ sát bên, mái nhà đã hơi mục nát xô lệch nhiều chỗ. Địch Công chỉ gian nhà ấy hỏi:
– Có phải đó là gian nhà các ngươi nấu nước pha trà không?
Thái Cô đáp:
– Bẩm đại nhân! Chính là gian nhà đó, hiện giờ vẫn còn để cái bếp chưa kịp dọn vào.
Địch Công gật đầu rồi cùng mọi người bước vào trong. Hóa ra gian nhà này mục nát hơn nhìn từ phía ngoài, cột kèo đều mục ruỗng nhiều nơi, ngói cũng xô lệch để nước mưa thấm vào khiến cột kèo bằng gỗ luôn luôn có mùi hôi mốc. Bất chợt Địch Công sai Cao thị:
– Cái tội khai dối của ngươi sau này sẽ định phạt, bây giờ ta bắt ngươi phải chụm bếp nấu nước, còn ta sẽ ngồi đây uống chút trà giải khát xem sự thể ra sao.
Hoa Quốc Tường không thấy Địch Công xử án mà lại bày trò đun nước uống trà thì rất giận, cố nén mà nói:
– Người chết không phải chuyện chơi, sao đại nhân lại bày trò làm gì cho mệt? Nếu như Cao thị khai gian thì cứ đem về công đường mà tra khảo, còn hơn là ngồi đây uống trà.
Địch Công nghiêm mặt trách lại:
– Ông tưởng bản quan thích đùa chơi hay sao? Đây chính là thẩm tra bằng thực tế, nếu còn nhiều lời thì đừng trách bản quan xuống tay trừng phạt đấy.
Nghe vậy Hoa Quốc Tường mới chịu thôi, lẳng lặng theo dõi xem Địch Công sẽ làm gì tiếp theo. Thế nhưng Hoa Quốc Tường càng lúc càng giận dữ bởi Địch Công cứ thúc giục Cao thị phải đun nước thật sôi, pha trà xong lại không uống bắt nấu nước tiếp, đến hơn chục lần làm những người có mặt đều không thể hiểu được tra xét án mạng thế nào mà quá kỳ quái. Riêng Hoa Quốc Tường không sao nhịn nổi, bỏ lên nhà trên không thèm theo dõi nữa, Địch Công cũng để mặc ông ta.
Ngay khi Cao thị phồng mang trợn mắt thổi lửa lần thứ mấy không nhớ nổi, ngọn lửa phừng lên rất cao thì chợt có đám bụi đất từ mái nhà rơi xuống đúng vào đầu tóc của Cao thị. Cao thị vội lấy tay định phủi nó đi thì Địch Công ngăn lại, gọi:
– Ngươi đừng phủi, mau đến đây.
Cao thị tuân lệnh, Địch Công liền nói tiếp:
– Ngươi không nên đứng ở đó, chỉ trong chốc lát con vật giết người sẽ xuất hiện.
Sau đó Địch Công nhìn chằm chằm vào mấy cài kèo nhà mục nát rỗng ruột, nơi đã phát sinh ra đám bụi đất bay xuống đầu Cao thị. Chỉ một lúc sau chợt có một con vật màu hồng ló đầu ra khỏi chỗ mục, thò ra thụt vào mấy lần, hình như thấy đông người nên chưa dám ra hẳn. Tuy chưa thấy rõ đó là con gì nhưng Địch Công cũng mừng rỡ nói với mọi người:
– Các ngươi đã nhìn thấy con vật này chưa, thử đoán xem nó là con gì.
Thuộc hạ của Địch Công thưa rằng đã thấy nhưng không nhận rõ đó là con vật gì, xin được dùng gậy để khều nó ra. Địch Công ngăn lại, nói:
– Đây chính là thủ phạm, vì vậy phải có mặt gia chủ mới xong, các ngươi mau gọi Hoa Cử nhân vào đây chứng kiến sự việc đã làm hại chết con dâu của ông ta. Nếu chưa cho ông ta thấy tận mắt thì chưa biết tài xét việc của bản quan đâu.
Thái Cô liền chạy lên nhà trên mời Hoa Quốc Tường xuống. Địch Công chỉ cho ông ta thấy cái đầu con vật màu hồng đang chuyển động, cười nói:
– Cử nhân cứ ngồi im, đừng gây tiếng động mà nó chạy mất.
Tất cả đều theo lời, nín thở theo dõi. Quả nhiên không lâu sau cái đầu ấy trườn ra từ từ, lộ nguyên hình là con rắn có vằn đen khoang trắng rất ghê sợ. Con rắn này khá tinh ranh, thấy có nhiều người lập tức thụt vào trong kèo nhà nhưng mọi người đều đã thấy rõ cái miệng của nó tuôn đầy nước dãi, chắc chắn là có độc.
Địch Công nói với Hoa Quốc Tường:
– Vì Cử nhân cứ cho bản quan là bênh vực Hồ Tác Tân nên phải cho nhìn tận mắt. Đó chính là lỗi của ông đã để cho nhà mục nát, làm tổ cho bọn rắn độc sinh sống. Bây giờ đã biết rõ nguyên nhân thì có thể phá bỏ gian nhà này đi, đập chết con ác thú ấy đừng để nó gieo hại cho người khác nữa.
Hoa Quốc Tường bằng lòng, sai mấy gia nhân hợp cùng nha dịch chặt gẫy cột, kéo hết kèo nhà xuống. Con rắn bị động từ trong kèo phóng vụt ra nhanh như chớp, toan chạy ra phía vườn cây trốn thoát. Bổ đầu Kiều Thái vốn là tay nhanh nhẹn, lập tức rút đao chém một nhát làm con rắn đứt làm đôi. Mọi người còn sợ thể nào cũng còn mấy con rắn khác nên hè nhau đập phá gian nhà tan tành nhưng rốt cuộc không tìm được con nào khác, chứng tỏ nó chính là thủ phạm không sai.
Giết con rắn rồi, mọi người kéo lên nhà trên mời Lý phu nhân ra xem xác con rắn. Địch Công nói với mọi người:
– Như đã nói trước, đây không phải công đường xử án vì bản quan chỉ muốn cho mọi người thuận hòa mà phải vất vả tìm ra bằng chứng. Ngay khi khám nghiệm tử thi bản quan đã nhận ra mùi hôi tanh, trong lòng đã có chút nghi ngờ Lý tiểu thư chết vì chất độc của loài động vật. Do vậy mà có nhiều lần cố bênh vực cho Hồ Tú tài. Thật ra sự việc hết sức đơn giản, Cao thị đun nước khiến khói lửa bốc mạnh lên, con rắn bị ngạt liền thò đầu ra, nhỏ nước dãi chứa chất độc vào ấm nước, Cao thị không biết nên đem nửa ấm nước đi pha trà. Nếu xét kỹ thì đó là tội của Cao thị lẽ ra phải trừng phạt nhưng bản quan thấy thị già cả, lại là vô tình nên bỏ qua. Vả chăng nếu quá khó tính thì có thể xét tội cả Hoa Cử nhân bởi chính ông đã duy trì gian nhà mục nát ấy mới gây thành nông nỗi.
Địch Công ngừng lại một chút, thấy không ai có ý kiến gì phản bác thì nói tiếp:
– Lý tiểu thư chết oan là số mệnh trời sắp đặt, có lẽ còn nhiều tội nghiệp từ kiếp trước nên mới uống ngay vào ấm trà có độc của con rắn, vì vậy nên mời một số cao tăng đến lập trai đàn siêu độ cho vong hồn mau được siêu sinh. Hồ Tú tài không hạ độc mà bị giam cầm khổ sở, đáng ra phải được đền bù nhưng bản quan cho rằng cái tội ăn nói đùa giỡn hàm hồ, không giữ tư cách Nho gia thì bị như vậy cũng là vừa, không cho khiếu nại nữa.
Mọi người đều ngạc nhiên và kính phục tài xét đoán của Địch Công, nhất nhất xin nghe theo. Sau đó Địch Công liền sai Mã Khổng mục viết văn án cho mọi người ký tên vào, kết thúc vụ án không thủ phạm. Địch Công trở về công đường hạ lệnh thả Hồ Tác Tân ra, còn răn đe là phải cố hết sức giữ gìn phẩm hạnh của một Nho sĩ đã có học vị, làm gương cho kẻ khác. Hồ Tác Tân giống như chết rồi sống lại, cúi đầu cảm tạ Địch Công hết lời.
Nhờ vào trí tuệ ấy, sau này Địch Công được triều đình biết đến, triệu về kinh thành giữ chức quan lớn, dần dần được thăng lên tới Thừa tướng, ông đem hết tâm huyết phò giúp triều Đường, trở thành một công thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.