Thời nhà Minh, ở huyện Cao Bình có một vị Tri huyện nổi tiếng nhiều tài trí, đã xét đoán nhiều vụ án ly kỳ, tưởng như không có đầu mối vậy mà cuối cùng ông cũng dùng mưu kế khám phá ra bằng hết. Tri huyện này họ Thi tên Trung nhưng người dân ở đấy rất kính trọng, gọi là Bạch Lương Ngọc. Ông quê ở huyện Tử Đồng tỉnh Tứ Xuyên, đậu kỳ thi Tiến sĩ rồi được bổ ra làm quan. Bạch Lương Ngọc ngồi ở ghế Tri huyện chẳng bao lâu đã khám phá ra nhiều kỳ án, mà trong đó nổi danh nhất là việc phá án bằng cách tra khảo thổ thần, khiến danh tiếng của ông được ca tụng chẳng khác gì Bao Công thời Bắc Tống.
Lúc ấy ở thôn Lạc Gia có một người tên là Lạc Niên Phong, vợ họ Kim, hai người lấy nhau chẳng được bao lâu thì sinh hạ một đứa con gái rất xinh đẹp, vì vậy đặt tên là Diễm. Tiếc rằng Diễm Cô có sắc đẹp hơn người nhưng về tính hạnh lại chẳng bằng ai, càng lớn càng biểu lộ tính hung dữ, thích hưởng lạc hơn là làm việc. Lúc Diễm Cô còn nhỏ, Niên Phong đã hứa gả con gái cho một người tên là Quách Ngạn Trân. Chẳng biết có phải trời se duyên đúng hay sai mà Ngạn Trân cũng rất thích liễu ngõ hoa tường, ăn chơi phóng đãng.
Quách ông đã nhiều lần khuyên răn Ngạn Trân nhưng hắn chứng nào vẫn tật nấy, thậm chí còn nói với phụ thân:
– Ở đời sung sướng nhất là ăn chơi trai gái, nếu như vì nó mà mất đầu thì cũng là con ma phong lưu, có gì mà sợ chứ?
Thấy Ngạn Trân không còn khuyên bảo được nữa, Quách ông liền nghĩ ngay đến việc hẹn ước hôn nhân với nhà họ Lạc khi trước, lập tức đến thúc hối, hy vọng có vợ rồi Ngạn Trân sẽ thay đổi tính tình, biết lo liệu làm ăn. Niên Phong là người giữ chữ tín, thấy nhà Ngạn Trân chỉ đủ ăn cũng không chê, bằng lòng cho cưới Diễm Cô ngay. Thế nhưng Diễm Cô về nhà chồng còn lười nhác hơn cả khi ở với cha mẹ, suốt ngày chỉ lo trang điểm ngắm vuốt, không hề động đến bất cứ việc gì. Ngạn Trân lấy được vợ đẹp thì ra sức chiều chuộng, dần dần làm thay tất cả việc trong nhà, không theo cha đi buôn bán nữa. Chính Diễm Cô cũng không muốn cho chồng đi xa nhưng một lần kia thấy đi buôn chuyến này sẽ lời rất nhiều, Ngạn Trân quyết định sẽ theo lời cha.
Tiếc rằng Diễm Cô quen tính hung dữ, không những giận dỗi với chồng mà còn sẵn sàng chống cự quyết liệt với cha mẹ chồng, gào khóc hăm dọa nếu Ngạn Trân đi buôn thì sẽ tự vẫn mà chết. Bất đắc dĩ Ngạn Trân phải điều đình với cha cho mình chút vốn, mở một hiệu buôn ở ngay cái dốc cách nhà không bao xa để có thể sáng đi chiều về, ôm ấp người vợ đẹp. Cái dốc này có một cây tùng rất lớn, thân đến mấy người ôm, cũng không biết có từ bao giờ nên người dân đặt tên là dốc Đại Thụ. May mắn sao việc buôn bán cũng tương đối khấm khá, đủ cung cấp cho Diễm Cô ăn mặc.
Một hôm trời đã tối mà chưa thấy Ngạn Trân về, Quách ông sốt ruột sai hai gia nhân một nam một nữ đi đến dốc Đại Thụ đón về. Giữa đường gia nhân này bắt gặp một người tên là Lã Quang Minh, quần áo dính đầy máu tươi, sợ hãi hỏi han. Nhưng họ Lã quá say, trả lời hồ đồ nhảm nhí nên tên gia nhân ấy chán quá, bỏ đi đến cầu Bình An tìm Ngạn Trân. Bên cầu ấy có một gian nhà của người họ Ngô, vì làm nghề trồng đậu nành làm đậu phụ nên mọi người thường gọi là Ngô Đậu Phụ, không để ý đến tên thật nữa.
Cũng vào đêm hôm ấy, họ Ngô chợt nghe có tiếng động rất lớn trên mái tranh rồi rơi vào cái nồi, tiếng vang lên như chuông đánh. Họ Ngô liền thức dậy mò mẫm xuống bếp xem đó là vật gì, khi đốt đèn lên thì mới kinh hoảng kêu to làm cho người vợ cũng phải thức giấc chạy xuống xem. Hóa ra tiếng động ấy là do một người nào đó đã ném cái thủ cấp người xuyên qua mái tranh rơi trúng vào nồi, làm thủng một lỗ. Hai vợ chồng họ Ngô chết cứng cả người, không biết phải ứng xử làm sao với vật bất thường ấy. Mãi sau Ngô thị mới trấn tỉnh được, bàn với chồng:
– Tình ngay lý gian, nếu trình báo cho quan biết thể nào cũng bị tra khảo đến thân tàn ma dại. Chi bằng bây giờ không ai biết thì lén đem chôn là xong.
Họ Ngô nghe theo, đem cái thủ cấp ấy theo lối vườn sau đến chỗ thật hoang vắng. Vừa định chôn thì bất ngờ có tiếng người hỏi. Thì ra đó là đồ tể họ Yến, đi mua lợn gấp cung ứng cho đám tiệc nên tuy trời đã khuya vẫn cấp tốc theo đường tắt đi cho kịp công việc, tình cờ sao đúng lúc họ Ngô đang định chôn thủ cấp.
Thấy đó là cái thủ cấp người, đồ tể họ Yến thoạt đầu kinh sợ nhưng lại biết đây chính là cơ hội làm tiền, bèn đưa ra lời hăm dọa.
Bất đắc dĩ họ Ngô phải năn nỉ đưa cho hắn 2 lạng bạc, nhưng đời nào họ Yến lại chịu, cò kè mãi mới dứt khoát là 5 lạng. Thấy họ Yến đứng chờ mình đào hố chôn đầu người, họ Ngô giả vờ đi vệ sinh, luồn ra phía sau thẳng cánh đập một cuốc vào đầu hắn, ngã lăn quay ra chết. Họ Ngô liền đào hố rộng thêm, chôn cả xác đồ tể họ Yến lẫn thủ cấp cùng một chỗ. Sự việc xong xuôi không hề có ai hay biết, họ Ngô khoan khoái trở về nhà đánh một giấc ngon lành.
Đến khi trời sáng, họ Ngô nghe người ta kéo đến rất đông, bàn tán xôn xao thì mới biết ở miếu thổ thần dưới chân cầu Bình An có một xác chết không đầu. Họ Ngô biết ngay cái thủ cấp hôm qua là của nạn nhân nhưng sợ quá không dám hé răng. Lúc đó gia nhân của Quách ông cũng đã về nhà báo rằng tìm khắp nơi không thấy Ngạn Trân đâu cả khiến hai vợ chồng họ Quách lo lắng suốt đêm không sao ngủ được. Bọn gia nhân cũng kể lại việc gặp Lã Quang Minh người dính đầy máu tươi càng khiến cho hai ông bà già thêm kinh sợ. Khi trời sáng lại nghe người đồn là có xác chết không đầu ở cầu Bình An, vợ chồng họ Quách liền tức tốc đến đó xem sao.
Nhìn thấy quần áo của xác chết hao hao giống với loại mà Ngạn Trân thường mặc, Quách ông đã kinh sợ nhưng vẫn chưa xác quyết, nói rằng trên tay của Ngạn Trân có 3 nốt ruồi đen, còn Quách bà thì cho biết cái quần của Ngạn Trân đã được chính mình mạng vá một chỗ ở phía sau. Một người liền tiến đến vạch tay áo và xem xét ống quần của xác chết, quả nhiên đều đúng với những chi tiết mà vợ chồng Quách ông vừa nói. Nhận ra đó chính là Ngạn Trân, đứa con yêu quý, hai vợ chồng Quách ông vật vã khóc lóc, lăn lộn dưới đất hết sức đau thương.
Rất lâu sau Quách ông mới trấn tỉnh được, gọi người lý trưởng ở đó đến xin viết đơn kiện cho mình. Viên Lý trưởng không dám nhận viết đơn, nói:
– Nếu ông bà đã nhận ra dấu tích chính là con mình thì tất phải trình quan lớn. Thế nhưng hoàn toàn không biết ai là hung thủ thì tôi biết viết đơn tố cáo thế nào đây?
Quách ông ngẫm nghĩ rồi quả quyết nói:
– Chắc chắn là tên Lã Quang Minh không sai. Đêm hôm qua lão sai gia nhân đi tìm Ngạn Trân thì bắt gặp hắn say mèm, người còn dính đầy máu tươi, cả cái cán cuốc cũng có máu, thì còn là ai khác nữa?
Lý trưởng nghe vậy bằng lòng, lập tức viết đơn kiện giùm Quách ông rồi một mặt đưa lên công đường, một mặt cùng với thủ hạ đi tìm bắt Quang Minh. Khi đến nhà hắn còn ngủ mê mệt, tay vẫn còn cầm cái cán cuốc dính máu. Thấy có người lạ đến dựng dậy, Quang Minh càu nhàu chửi bới, cho rằng không hề có tội thì không đi đâu cả. Lý trưởng cười gằn, nói:
– Thế ngươi thử nhìn lại quần áo của mình xem có phải là thủ phạm giết người hay không?
Lúc đó Quang Minh mới tỉnh hẳn, nhìn xuống thì quả nhiên quần áo dính đầy máu, vẫn chưa thật khô hẳn, đành đưa tay chịu trói. Nguyên Lã Quang Minh đã khá lớn tuổi, trước kia cày sâu cuốc bẩm, lao động cực nhọc mới dành dụm được chút tiền. Khi thấy mình đã già yếu thì liền đem số tiền ấy cho vay kiếm chút lời, ngày nào cũng mua rượu uống đến say mèm. Người chung quanh đấy thấy hắn hầu như không ngày nào không say, nói năng lung tung nhảm nhí thì đều tránh xa, cũng không thèm chấp nhất làm gì.
Khi bị giải đến huyện đường, quan huyện sẵn có ở đó, đích thân đến hiện trường khám nghiệm tử thi, hỏi chắc chắn Quách ông là Ngạn Trân, xác định danh tính nạn nhân rồi xem xét các vết tử thương rất kỹ. Tử thi không những bị cắt mất đầu mà trên người còn có đến 6 vết dao đâm. Khám nghiệm xong, quan huyện cho phép Quách ông đem thi thể con về quàn tại nhà, bao giờ tìm được thủ cấp sẽ chôn cất. Khi về đến công đường, quan huyện lập tức gọi Lã Quang Minh đến bắt quỳ dưới sân rồi vỗ bàn quát hỏi:
– Tên kia, Ngạn Trân có thù oán gì với ngươi mà ra tay giết chết thê thảm như vậy? Cái đầu đã giấu đi đâu?
Lã Quang Minh hết sức kêu oan, khóc mà thưa:
– Tiểu dân tuy là người không có học hành nhưng tự biết phận mình, tận lực làm việc kiếm miếng ăn, hoàn toàn không có thù oán gì với công tử họ Quách. Chỉ vì ngày hôm qua tiểu dân ra chợ mua cán cuốc, gặp bạn bè nên uống quá say không còn biết trời đất gì nữa. Thế nhưng vẫn còn nhớ rõ là khi về đến cầu Bình An thì hình như vấp phải vật gì ngã dụi xuống. Vì trời tối, lại quá say nên tiểu dân không nhìn rõ, cũng chẳng quan tâm, cố bò về nhà để ngủ. Hình như trên đường về tiểu dân cũng gặp mấy gia nhân của họ Quách nhưng họ nói gì, trả lời ra sao hoàn toàn tiểu nhân không nhớ được, đến nhà là lăn ra ngủ ngay, không kịp thắp đèn. Đến sáng mới thấy sai nha đến bắt, nhìn lại thì quần áo dính đầy máu, chắc chắn đã vấp phải cái xác của Ngạn Trân chứ không phải là hung thủ. Đại nhân là người sáng suốt xin xem xét minh oan cho tiểu dân.
Quan huyện thấy chứng cứ đã khá rõ ràng, muốn mau xong việc nên lập tức dùng hình cụ tra khảo. Quang Minh đau quá không biết làm sao, đành phải than dài:
– Có lẽ là báo ứng về việc mình uống rượu bừa bãi, đã thế thì đành chịu tội cho xong, đời người cũng một lần chết mà thôi, sao phải chịu đau đớn làm gì?
Vì vậy quân lính chưa kịp đánh đòn thì Quang Minh đã nhận tội. Quan huyện liền hỏi:
– Còn cái đầu ngươi vất ở đâu, mau khai ra.
Quang Minh ú ớ nói bừa:
– Đêm qua tiểu dân say quá không thể nhớ đã vất cái đầu ở đâu.
Tuy trong lòng quan huyện nảy sinh nhiều nghi vấn bởi một người lớn tuổi lại say mèm thì làm gì có sức mà giết người, lại đâm đến mấy nhát dao, sau đó lại còn đủ bình tĩnh để cắt đầu phi tang không để người khác nhận diện thì rất mâu thuẫn. Vả chăng Quang Minh hoàn toàn không đem theo dao thì những vết thương ấy do đâu mà có? Tuy nhiên quan huyện này chỉ muốn cho qua chuyện nên không hề nhắc tới những chi tiết ấy mà cố dùng hình khảo để bắt Quang Minh phải nhận tội, như vậy là xong hoàn toàn trách nhiệm. Vì vậy sau khi Quang Minh ký vào biên bản, quan huyện liền viết văn án, sai giam hắn vào ngục.
Mấy ngày liên tiếp quan huyện cho sai nha dẫn Quang Minh đi tìm cái đầu nạn nhân mà không sao tìm ra, bọn sai nha bị vất vả nên đánh đập rất dữ khiến Quang Minh chịu nhiều đau khổ, đành phải bỏ ra một số bạc lớn đút lót mới không bị bọn chúng đánh cho tới chết. Vì không tìm được cái đầu, về công đường Quang Minh lại bị tra hỏi rất gắt, đánh cho đến lúc ngất lịm. Quan huyện sai giam hắn vào ngục, chờ bình phục xong lại bắt đi tìm nữa, bởi vì chưa có thủ cấp của nạn nhân thì vụ án chưa thể kết thúc, nhất định không truy cứu theo lời kêu oan của Quang Minh.
Quang Minh vừa đau đớn vừa uất hận, khi đi đến cầu Bình An thì ngửa mặt lên trời kêu to:
– Nỗi oan này trời xanh chẳng thấu. Ta chẳng giết người thì làm sao biết chỗ cái đầu hắn giấu ở đâu? Xưa nay Quang Minh này chỉ muốn sống yên thân để được hưởng thú uống rượu cho qua ngày tháng. Đây là tai bay vạ gió, có lẽ là do trời trừng phạt ta uống rượu quá nhiều hay chăng? Nếu lần này không tìm được cái đầu thì chắc là phải bị đánh đến chết mất thôi. Ta đã liều mạng nhận tội thế mà vẫn chưa hết nghiệp oan, còn bị khổ sở đau đớn đến bao giờ mới thôi đây? Quan huyện kia ngu ám chẳng biết đến dân lành, chỉ một mưc tra khảo bắt ta tìm cái đầu thì biết làm sao? Cái đầu kia ơi, ngươi ở đâu thì linh thiêng cho ta biết đi, dù có chết ta cũng tạ ơn ngươi.
Quang Minh lại quay về phía những người hiếu kỳ đứng xem, phân bua:
– Thế mới biết uống rượu hại đến chừng nào. Các người cứ nhìn cái gương của ta mà từ bỏ rượu chè đi nhé. Không nghiện rượu thì mới tránh khỏi tai bay vạ gió như ta, sống bình yên cho đến hết cuộc đời. Hỡi ôi! Cái đầu biết tìm ở đâu bây giờ?
Nghe Quang Minh nói lăng nhăng, chợt có một người bật cười, nói:
– Cái đầu ấy đến thần thánh cũng không tìm ra nữa là ngươi, đừng mất công vô ích.
Một tên sai nha nghe vậy liền quay lại xem, hóa ra đó là Ngô Đậu Phụ, nhà cách cầu không bao xa, cũng theo người hiếu kỳ đến xem. Hắn nghe Quang Minh nói bừa bãi thì bật cười, không hiểu ma đưa lối quỷ đưa đường thế nào mà tự nhiên nói ra câu ấy. Một sai nha vốn rất tinh ranh, nghe được thì liền xông lại quát:
– Ngươi dám khẳng định là đến thần thánh cũng không tìm ra cái đầu được thì nhất định là ngươi đã giấu kín đâu rồi.
Thật sự là tên sai nha này vốn vất vả nhiều ngày, nghe được câu nói của họ Ngô thì liền nhắm tới ý định làm khó dễ vòi vĩnh tiền bạc, do vậy lập tức xông đến trói lại. Là người nổi tiếng keo kiệt, họ Ngô thấy mình hoàn toàn vô tội thì nhất định không thòi ra một trinh. Đã lỡ bắt người, bọn sai nha đành phải dẫn giải Ngô Đậu Phụ đến công đường, khai mọi chuyện. Quan huyện cũng cùng nhận định giống như bọn sai nha, nói:
– Nếu không liên quan gì thì tại sao lại cười rồi mở lời thách thức cả thần thánh? Người đâu, đánh cho hắn 40 trượng xem có ngậm miệng được không?
Keo kiệt nhưng lại nhát gan, họ Ngô nghe vậy liền bủn rủn cả người, quỳ xuống xin khai ra luôn. Hắn nghĩ thầm sẽ cố đào thật nông đủ để lấy cái đầu nạn nhân chứ không đào sâu để lộ xác của tên đồ tể họ Yến. Thế nhưng Ngô Đậu Phụ hoảng hốt không nhớ được là mình vội vã đã chôn cái đầu cùng lúc với xác của đồ tể họ Yến nên khi sai nha mới đào được không lâu thì lộ ra cả hai. Nghe báo có biến chuyển khác lạ, quan huyện liền thân hành đến bãi đất hoang phía sau vườn nhà Ngô Đậu Phụ khám nghiệm tử thi. Thấy nạn nhân ấy chết là do bị cuốc vào đầu, quan huyện liền ghi vào biên bản rồi điệu Ngô Đậu Phụ về công đường hạch hỏi.
Biết không thể giấu được nữa, họ Ngô khai lại toàn bộ tình tiết, phần đầu giống như cũ là bị ai đó ném cái đầu vào nhà bếp của mình, sau đó bị họ Yến bức bách quá, tiếc tiền nên lén đánh chết hắn rồi chôn phi tang. Quan huyện nghe xong, mắng lớn:
– Thật đúng là ác nhân! Thấy có việc giết người sao không mau mau báo quan mà lại đi giết người định tố giác? Cứ thế mà suy ra thì Ngạn Trân chắc chắn cũng là do tay ngươi giết rồi chẳng sai.
Họ Ngô hết sức kêu xin, chỉ nhận tội đã quá tức giận giết chết tên đồ tể họ Yến mà thôi. Quan huyện nghe vậy cũng không ép cung mà lập tức cùng nha lại đến nhà của hắn, quả nhiên thấy trên mái lá có một chỗ lỗ thủng khá lớn và cái nồi cũng móp méo, thủng lỗ như lời khai của hắn nên nhận định ngay:
– Có thể là Quang Minh giết người xong, quá hoảng loạn nên tiện tay vất cái đầu của nạn nhân ra xa, chẳng dè trúng vào nóc nhà họ Ngô. Cả hai đều là ác nhân, nhất định phải trừng trị thật nặng mới được.
Sau đó quan huyện giao cái đầu Ngạn Trân cho gia đình Quách ông đem về hợp với xác mà chôn cất tử tế, riêng đồ tể họ Yến không có thân thích thì chôn luôn ở thôn Lạc Gia, lấy công quỹ của thôn ra đài thọ. Sau khi đã có đầy đủ bằng chứng, vật chứng, quan huyện làm văn án hoàn tất, đưa lên cấp trên thẩm định. Thế nhưng khi lên tới tỉnh, Quang Minh một mực kêu oan nên đành phải trả về cho huyện tái điều tra.
Lúc ấy quan huyện cũ đã bị đổi đi, quan huyện mới là Bạch Lương Ngọc mới đậu Tiến sĩ về thay. Thấy tỉnh trả hồ sơ vụ án về và Lã Quang Minh kêu oan, Bạch Công liền lấy văn án ra xem lại kỹ càng, nhận ra nhiều chỗ hoàn toàn không khớp. Bạch Công lại đem các vật chứng ra xem xét, ông lấy quần áo dính máu của Quang Minh ra lật đi lật lại, thấy có chỗ đã ngấm vào mặt trong nhưng vẫn nhiều chỗ chỉ dính phía ngoài. Bạch Công suy nghĩ một chút chợt kêu lên, lẩm bẩm một mình:
– Quả là tên họ Lã này bị oan thật. Nếu như hắn giết người thì với cự ly gần như vậy, lại đâm tới mấy nhát dao thì chắc chắn máu phải phun thẳng vào người hắn, ngấm vào trong lần vải chứ không hời hợt phía ngoài. Theo lời khai của hắn là bị vấp tử thi dính máu thì đúng, cần phải điều tra lại nhưng ta phải bắt đầu từ đâu mới có thể tìm ra thủ phạm còn ẩn mặt đây?
Bạch Công xem xét vụ án mấy ngày trời, hầu như kiệt tâm kiệt lực mà hoàn toàn không tìm ra đầu mối nào khác, gật đầu than thở:
– Ta cứ tưởng quan huyện trước u mê, thật ra nếu vụ án không có đầu mối thế này thì đành phải ép cung họ Lã, có thể hiểu được tâm trạng ông ta nhưng làm quan mà như vậy cũng thật đáng trách. Một mạng người chết oan là biết bao tội nghiệp đeo đuổi, ta phải tìm cách tìm ra chân dạng thủ phạm mới được.
Sau khi suy nghĩ nhiều ngày. Một hôm Bạch Công ra lệnh cho mọi người sửa soạn dựng công đường tạm thời ở cầu Bình An. Không ai biết Bạch Công định làm gì nhưng cũng tuân lệnh thi hành. Đến ngày đã định, Bạch Công cùng các nha lại đến đó, hỏi Lý trưởng:
– Nạn nhân chết ở địa điểm nào?
Lý trưởng thưa:
– Nạn nhân Quách Ngạn Trân chết ở cửa miếu thổ thần ngay đầu cầu Bình An này.
Bạch Công “à” một cái, sầm mặt nói:
– Nếu thế chắc chắn thổ thần phải nhìn thấy rõ. Chỉ cần tra khảo thổ thần là tìm ra thủ phạm ngay, đâu cần tra hỏi khắp nơi cho mệt.
Mọi người tưởng Bạch Công nói đùa nên ai nấy đều ôm bụng mà cười. Một tên sai nha nói:
– Chắc đại nhân nói cho vui đó thôi, thổ thần làm bằng đất thì làm sao tra khảo được?
Bạch Công nghiêm mặt nói:
– Phàm tượng Phật hay thần thánh đều làm bằng gỗ hay nặn bằng đất, nhưng tại sao đã biết gỗ hay đất mà vẫn đến thành tâm cầu khấn? Hóa ra người ta tin vào cái khúc gỗ hay tảng đất vô tri vô giác hay sao? Từ trước tới nay ai cũng đều biết các tượng làm bằng gỗ, đất nhưng vẫn tin tưởng đến cầu xin, nhiều lần đều có ứng nghiệm thì không phải là gỗ đất nữa. Các ngươi tin rằng thổ thần linh thiêng thì mới dựng tượng, nay ta cũng tin rằng thổ thần linh hiển sẽ cho ta biết tên của thủ phạm vụ giết người này.
Nghe vậy nha lại không dám cười giỡn nữa, lập tức vào miếu khiêng tượng thổ thần đặt trước mặt Bạch Công đang ngồi oai nghiêm chờ đợi. Bạch Công chỉ mặt thổ thần mắng:
– Thổ thần! Ngươi quả là lớn gan, là tay sai của Thượng đế, lại được nhân dân hết lòng thờ cúng, ngày rằm tháng nhuận đều hưởng hương khói hoa quả, đáng ra ngươi phải khuyến thiện trừng ác bảo vệ người dân hiền lương. Thế mà ngươi cứ ngồi nhìn ác nhân cắt đầu người, bây giờ cũng chưa khai ra hay sao?
Chờ một lát, Bạch Công quay ra hỏi sai nha đứng dưới thềm:
– Thổ thần đã khai gì chưa?
Sai nha không dám cười, cúi đầu thưa:
– Bẩm đại nhân! Thổ thần chưa hề mở miệng nói gì.
Bạch Công nổi giận, quát luôn:
– À! Ngươi cậy là quan trên thượng giới không thèm trả lời quan thế gian hay sao? Bản chức tới đây trước tiên nói lời tử tế mà ngươi không nghe thì đừng trách đấy. Người đâu! Vả vào miệng hắn 40 cái cho ta.
Một tên sai nha không nhịn được cười, lập tức bị Bạch Công sai đánh 10 gậy, đau đến thấu xương, không tên nào còn dám khinh thường nữa, mỗi lệnh ban ra đều nghiêm chỉnh thi hành. Khi đánh đòn tên sai nha xong, một tên khác lấy bàn vả làm bằng da dày đập vào mặt tượng thổ thần đúng bốn mươi cái. Bạch Công liền hỏi:
– Đã thi hành phạt rồi, hắn vẫn không nói gì hay sao?
Sai nha thưa:
– Bẩm đại nhân! Thổ thần thật gan lì, nhất định không nói câu nào.
Bạch Công đập tay xuống bàn đánh “chát” một tiếng để thị uy rồi quát:
– Tên thổ thần này thật ngoan cố, lấy roi đánh cho hắn tám mươi cái xem còn gan lì nổi không.
Sai nha sợ hãi quỳ xuống thưa:
– Vả miệng còn được, nếu dùng roi mà đánh thì thuộc hạ e rằng… e rằng…
Bạch Công trừng mắt nói:
– E rằng cái gì. Bản quan có quyền đánh tới chết nếu không chịu khai thật, nếu thổ thần nát vụn thì đó cũng là lẽ thường tình mà thôi. Cứ đánh thật mạnh cho ta.
Nghe vậy tên sai nha không dám cãi, đưa roi lên vụt luôn mấy cái. Hắn đang định lấy sức đánh tiếp thì chợt có một cơn gió thổi đến rất mạnh, đến giữa sân thì xoáy lốc dữ dội, sau đó theo hướng bắc mà đi mất. Bạch Công liền hỏi:
– Ở đây thường thấy những cơn gió như thế này bao giờ chưa?
Một sai nha nhà ở trong thôn đáp:
– Đó là “gió chính nam” (Chính nam phong) rất thường thổi vào chính ngọ nhưng từ trước tới giờ chưa bao giờ thấy ngọn gió lạ như vậy.
Bạch Công nghe xong “hừm” một tiếng, truyền đưa tượng thổ thần về miếu, đồng thời viết giấy sai hai sai nha lanh lẹ nhất phải đi bắt bằng được “Chính Nam Phong”, đó chính là đầu mối duy nhất mà ông mất công sức tra khảo thổ thần mới có được.
Hai tên hết sức lo lắng, quỳ xuống thưa:
– Chính Nam Phong là tên của gió, vô hình vô ảnh, làm sao chúng thuộc hạ bắt được? Nếu là tên người thì đại nhân có thể nói rõ hiện đang lẩn quẩn ở vùng nào hay không? Huyện Cao Bình này rộng lớn, chúng thuộc hạ dù có truy nã đến mấy tháng chắc cũng chưa hết nổi.
Bạch Công đập bàn mắng:
– Các ngươi thật là rắc rối, bản quan đã lệnh đi tìm bắt Chính Nam Phong thì cứ đi, sao phải hỏi lôi thôi.
Nói xong Bạch Công liền lên kiệu về huyện, không giải thích gì cả. Hai tên sai nha thấy vậy bàn nhau:
– Chắc là Bạch Công tra hỏi thổ thần không xong, phải giả vờ như đã biết thủ phạm, sai chúng ta đóng kịch đi bắt, dễ dàng thoát ra khỏi sự việc. Thật ra chúng ta chẳng cần phải vất vả làm gì, cứ ngồi chơi rồi mọi việc cũng bỏ qua thôi. Trên đời nào ai lại đi bắt gió bao giờ? Thật khôi hài quá!
Thế là hai tên sai nha không thèm để ý tới nữa, lấy cớ theo lệnh quan mà ở nhà nghỉ ngơi vui chơi. Được chừng một tuần, Bạch Công nhân dịp thăng đường xét xử vụ án đánh bạc, xử xong liền hỏi hai tên sai nha đâu. Khi bọn chúng tới trình diện, Bạch Công hỏi ngay:
– Đã truy tìm những chỗ nào, có ló ra manh mối hay bắt được Chính Nam Phong chưa?
Hai tên sai nha vẫn tưởng là chuyện đùa, thưa:
– Chúng tôi chưa đi đâu cả nên cũng không hề bắt được Chính Nam Phong.
Thế là Bạch Công đùng đùng nổi giận, mắng hai tên sai nha bất tuân thượng lệnh, sai đè ra đánh cho mỗi đứa hai mươi roi thật đau. Sau đó còn hăm dọa:
– Bản quan đã quyết phải bắt được Chính Nam Phong mới thôi. Hai mươi roi đòn ấy chỉ là cảnh cáo, nếu các ngươi chưa bắt được thì phải đánh đến ngàn roi mới xứng tội. Bản quan gia hạn cho hai người nội trong một tháng phải hoàn thành lệnh này.
Hai tên sai nha ôm mông ra khỏi công đường, vừa đi vừa khóc rồi bàn với nhau:
– Quan lớn bắt làm việc vô lý thế này thì đến thánh cũng không thể làm nổi. Ở lại chắc chắn là bị đánh đến chết, chi bằng chúng ta trốn qua châu huyện khác kiếm nghề mà sinh nhai. Thà rằng vất vả còn hơn là chết oan ức.
Bàn xong hai tên sai nha liền giả làm hành khất điên khùng, đi đến đâu cũng lấy những ca khúc của bọn phường tuồng mà hát, dần dần sắp ra khỏi huyện thì đến một nơi phố xá đông đúc. Lúc đó hai tên sai nha đang hát một bài khuyên răn người ta đừng quá dâm dục mà hại đến thân, đến khi chết đi còn bị biến thành kiếp lợn vô cùng khổ ải.
Hai tên chưa hát hết ca khúc ấy thì chợt có một người diện mạo hung dữ từ cửa hàng gần đó lớn tiếng quát tháo:
– Hai tên hành khất kia, các ngươi muốn xin tiền thì cứ xin, sao lại hát bừa bãi, nếu dâm dục mà có tôi lớn, bị trừng trị ghê sợ như vậy thì trên đời này còn ai dám dâm dục nữa. Mau đi chỗ khác mà xin, đừng làm rối tai của ta nữa.
Hai tên sai nha cũng không phải tay vừa, đang lúc tức hận thì liền sừng sộ cãi lại:
– Ngươi là ai mà dám đuổi chúng ta đi? Từ xưa tới nay phàm những kẻ dâm đãng đều bị báo ứng chết thê thảm đó sao. Ngươi không dâm đãng thì thôi, mặc kệ chúng ta kiếm ăn có được không?
Người kia trợn mắt mắng lại:
– Các ngươi thật ngu xuẩn. Từ ngày cha mẹ sinh ra, ta hoành hành khắp thiên hạ, hễ thấy gái đẹp là gian dâm, thấy nữ nhân có nhan sắc là thèm muốn tìm đủ mọi cách bắt về thỏa mãn mà có thấy báo ứng gì đâu. Các ngươi khôn hồn thì đừng đụng đến ta mà uổng mạng đấy.
Hai sai nha thấy tên này hống hách quá đáng, lại chưa biết mình là quan quân trong huyện nên trừng mắt mắng lại. Hắn nổi nóng, lập tức lao ra định đánh nhưng chợt có một người từ hàng bên cạnh bước ra kéo tay hắn lại rồi khuyên:
– Nam Phong đại ca! Bọn chúng chỉ là hai tên hành khất điên khùng, đại ca chấp nhất làm chi, hãy vào trong uống rượu cho mát đi.
Kéo tên hung đồ ấy vào nhà xong, người này liền lấy mấy đồng bố thí cho hai sai nha rồi cũng trở vào nhà. Hai người sai nha thoạt đầu hết sức phẫn nộ, đã toan ra tay cho hắn một bài học nhưng khi nghe thấy tên hung đồ kia được gọi là Nam Phong thì bao nhiêu lửa giận tan biến, giả như bỏ đi, thật sự là mới mấy bước đã vào một quán nhỏ gần đó hỏi thăm ông chủ:
– Người này tên là Nam Phong phải không? Hắn ở đâu tới mà hung hăng như vậy. Chẳng lẽ cả một phố xá như thế này mà ai cũng phải kiêng nể hắn sao?
Người chủ liếc nhìn chung quanh rồi mới dám nói nhỏ:
– Tên hắn đúng là Nam Phong họ Trịnh. Nghe nói hắn là tay anh chị hung dữ nhất vùng Ngũ Lý huyện bên, chẳng biết vì nguyên do gì mà dọn tới đây mở hiệu bán thuốc. Chúng tôi là người buôn bán lương thiện, không dám đụng tới hắn. Hai người cũng không nên dây vào mà phiền phức đấy.
Hai người bàn với nhau:
– Đại nhân sai chúng ta đi bắt Chính Nam Phong, bây giờ gặp được Trịnh Nam Phong thì cũng cứ bắt về. Dù đại nhân cho là không phải thì chúng ta cũng đã hoàn thành lệnh trên rồi, đâu còn phải trốn chạy nữa.
Trong âm tiếng Hán, chữ “Chính” có thể đọc là “Trịnh” nên là Chính Nam Phong hay Trịnh Nam Phong cũng không sai. Đã biết tên Nam Phong này rất hung dữ, hai sai nha cũng phải cẩn thận, nhân lúc hắn ngồi quay mặt lại thì liền bất ngờ xông vào cửa hiệu, dùng xích quấn chặt lấy tay hắn. Thế nhưng tên Nam Phong chống cự rất hung hãn, vùng lên toan thoát thân, một sai nha phải rút dao giấu trong người ra đánh luôn mấy sống dao vào mặt, máu mũi chảy ra ròng ròng hắn mới chịu ngồi im nhưng lại lớn tiếng kêu cứu:
– Cướp! Cướp! Mọi người đâu xông vào bắt cướp ngay đi.
Nghe tiếng kêu, năm sáu người từ dưới nhà chạy lên, tay cầm gậy gộc quát tháo định đánh luôn khiến hai sai nha cũng hơi khiếp hãi, vội móc giấy của nha môn ra, nói to:
– Chúng tôi là sai nha theo lệnh Tri huyện đại nhân, giả làm hành khất tìm bắt tên Nam Phong này. Bất cứ ai hành hung thì đều bị khép tội tòng phạm.
Một vị khách đang mua thuốc dáng vẻ rất quý phái, đến lấy giấy tờ xem qua, chứng nhận đó chính là công sai của huyện đường, mọi người mới sợ hãi để cho họ giải đi. Khi nghe hai sai nha bẩm báo đã bắt được Trịnh Nam Phong, Bạch Công lập tức truyền thăng đường, chỉ mặt mắng trước:
– Trịnh Nam Phong, tại sao ngươi giết Quách Ngạn Trân tại cầu Bình An? Bản quan đã biết rõ tất cả rồi, hãy khai thật ra đi.
Trịnh Nam Phong ung dung đáp:
– Tiểu nhân vốn là người ở Ngũ Lý, mới dọn tới chưa được mấy tháng nên không hề biết cầu Bình An ở đâu và cũng không hề biết Quách Ngạn Trân là ai, làm sao đại nhân nói là giết người được?
Bạch Công gằn giọng, nói:
– Ngươi đã giết Quách Ngạn Trân rồi cắt đầu vất đầu vào nhà họ Ngô để phi tang, không cho ai nhận diện. Như thế đã quá rõ ràng, nếu không thành thật khai ra thì đừng trách bản quan dụng hình đấy.
Nam Phong vẫn không biến sắc, thưa:
– Thật là oan ức! Tiểu nhân ở cách đây rất xa, đến nỗi chưa hề nghe tin có người chết thì làm sao mà gọi là thủ phạm được.
Viên Khổng mục thấy Nam Phong chối cãi quyết liệt thì bước ra thưa:
– Ngũ Lý tuy rất xa nhưng vẫn có đường huyện đi qua cầu Bình An tới dốc Đại Thụ.
Bạch Công thấy suy đoán rất đúng, chắc chắn hắn là tên côn đồ sẵn sàng ra tay giết người một cách dã man đến vậy nhưng không có chứng cứ, hắn không nhận tội thì không thể hoàn thành văn án. Do đó ông lệnh cho sai nha đè hắn xuống đánh bốn mươi trượng, rồi sau đó dùng kẹp khảo đả nhưng hắn rất gan lì, ngất đi tỉnh lại mấy lần vẫn nhất định không nhận tội, đành phải giam vào ngục.
Bạch Công rất bực tức vì đã mất công lao tra khảo thổ thần mới tìm ra được chân chính thủ phạm, nay hắn không nhận thì chẳng làm gì được, ông tự nghĩ đã có thể dùng phương cách lợi dụng thần thánh thì tại sao không sử dụng để bắt Trịnh Nam Phong phải khai ra. Do vậy mấy ngày sau Bạch Công không thăng đường, bất chợt một đêm gọi Trịnh Nam Phong tới, dịu giọng khuyến khích:
– Trịnh Nam Phong! Bản quan đã có đủ chứng cứ rồi, sao ngươi không nhận tội đi? Nếu mai này bản quan thăng đường tất sẽ dùng bằng hết các hình cụ để khảo cung, ngươi chịu đau khổ làm gì cho thiệt thân?
Trịnh Nam Phong tuy vẫn còn đau nhưng ngang nhiên hỏi lại:
– Đại nhân nhiều lần nói rằng đã có chứng cứ thì hãy đưa ra, nếu không phải là ngụy tạo thì tiểu nhân sẽ nhận tội ngay. Tiểu nhân giết người thì ai làm chứng, ai nhìn thấy, ai đứng ra tố cáo? Thí dụ như đại nhân đứng dưới công đường, không cần trả lời những câu hỏi ấy thì cũng sẽ bị buộc vào tội giết người mà thôi.
Thấy Nam Phong quá cứng đầu, Bạch Công nổi giận, đang định hô quân đánh trượng thì đột ngột có một cơn cuồng phong từ ngoài thổi thốc vào, đèn đuốc lập tức tắt hết, công đường tối sầm chỉ còn thấy mờ mờ. Trong bóng tối ấy đột nhiên lại có tiếng cười sằng sặc, âm thanh lí nhí rất ghê rợn khiến ai nấy đều kinh hãi bỏ chạy tán loạn. Đến như Bạch Công là quan triều đình thế mà cũng không giữ nổi tư cách, trốn xuống gầm bàn ngồi thu mình run lẩy bẩy.
Bạch Công ngồi dưới gầm bàn cố nén sợ cất tiếng hỏi ai đó thì đáp lại là tiếng cười còn lớn hơn rồi trong bóng tối mờ mờ có một bóng người không có đầu, tay cầm thủ cấp của chính mình lướt đi như không có chân, đến gần Nam Phong thì thò tay kia ra chộp lấy hắn, năm ngón tay sắc nhọn như tay ma quỷ. Thấy bóng đen ma quái ấy sắp nhấc mình lên đưa đi, Trịnh Nam Phong run cầm cập, nói nhỏ để đừng ai nghe thấy:
– Ngươi là Quách Ngạn Trân phải không? Đừng bắt ta đi, nếu vụ án này kết thúc an toàn thì ta hứa chắc sẽ lập đàn tràng bốn mươi chín ngày cho ngươi được siêu sinh tịnh độ.
Trịnh Nam Phong vừa dứt lời thì đột nhiên đèn đuốc bật sáng choang rồi Bạch Công đứng phắt dậy, chỉ mặt Nam Phong nói từng tiếng:
– Ngươi đã nói gì thì bản quan đã nghe hết rồi. Bây giờ ngươi còn già mồm chối cãi nữa không?
Biết là trúng kế của Bạch Công, Trịnh Nam Phong đành phải khai sự thật ra.
Nguyên hắn là tên đạo tặc nổi tiếng ở huyện bên, chuyên sử dụng đại đao để giết người cướp của, phi ngựa nhanh như gió khiến nhiều lần quan quân không thể đuổi kịp. Nam Phong còn có tính tham dâm, khi bắt được phụ nữ là cưỡng dâm ngay, quan quân mấy lần truy nã nên hắn phải trốn đến Ngũ Lý. Một hôm hắn dạo chơi, vui chân đi đến dốc Đại Thụ thì gặp một người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, lập tức xấn đến tỏ lời trêu hoa ghẹo nguyệt. Nữ nhân này chỉ chừng hơn hai mươi tuổi, không hề sợ hãi mà còn cho biết mình là con dâu của họ Quách, hôm nay theo lệnh của Quách ông đi mời khách đến chơi. Người đó chính là Diễm Cô, vợ của Ngạn Trân.
Vì là ban ngày ban mặt, Nam Phong tuy rất hứng thú với Diễm Cô nhưng không làm gì được, lấy ra một cái trâm rất quý đưa thử xem sao. Diễm Cô chẳng ngần ngại nhận lấy cài lên đầu, trông càng xinh đẹp rực rỡ hơn. Diễm Cô mỉm cười với hắn rồi quay lưng đi về nhà, tình cờ đánh rơi mất cái túi trong đó có đựng số tiền khá lớn. Nam Phong nhặt được, vui vẻ đứng chờ. Quả nhiên khi về tới nhà, soát thấy mất cái túi, Diễm Cô hoảng sợ vội đi trở lại đường cũ để tìm.
Khi nhìn thấy Nam Phong đứng chờ thì Diễm Cô biết ngay hắn đã nhặt được, hết lời năn nỉ xin lại kẻo bị chồng đánh đập. Nam Phong liền ra điều kiện phải lấy hắn mới chịu trả lại túi tiền ấy. Diễm Cô không chịu, nói rằng người chồng họ Quách rất hung dữ, nếu biết được chuyện gian dâm thì sẽ đánh chết chứ không tha. Vốn là kẻ tham dâm dục, nay được gặp người đẹp thì Nam Phong đâu thể dễ dàng buông tha, hết thuyết phục đến hăm dọa.
Cuối cùng Diễm Cô đành phải vuốt theo, nói:
– Nếu trượng phu đã đoái hoài tới tấm thân này thì xin chịu nhịn vài năm nữa, khi nào chồng thiếp chết thì lúc đó chúng ta tha hồ đi lại với nhau.
Trịnh Nam Phong nghe vậy mới bằng lòng trả lại cái túi nhưng khi về tự nghĩ nếu như Ngạn Trân chết càng sớm thì mình càng mau được hưởng thụ nhục dục với Diễm Cô. Hắn vốn giết người không gớm tay, lại có nhiều thủ đoạn đánh lừa quan quân nên dò la biết Ngạn Trân thường hay về vào buổi chiều tối, liền cầm dao đứng chờ ở cầu Bình An. Sau khi đâm chết Ngạn Trân, Nam Phong còn cắt đầu để không ai nhận ra tung tích nạn nhân.
Trước đây có lần Nam Phong đã trêu ghẹo vợ của Ngô Đậu Phụ nhưng bị bà ta từ chối thẳng thừng, mắng nhiều câu rất nặng. Vì vậy Nam Phong mang tức giận trong lòng mà chưa có dịp trả thù. Nhân thấy nhà Ngô Đậu Phụ ở chân cầu Bình An, giết Ngạn Trân xong hắn vất cái đầu vào nhà cho bõ ghét.
Hắn tưởng rằng hành động như thế sẽ không ai khám phá ra được, đến khi nghe tin Lã Quang Minh bị kết tội đưa lên cấp tỉnh thì càng yên trí hơn, ung dung ở nhà tung hoành tác quái, không thể ngờ được Bạch Công nhờ việc tra khảo thổ thần mà biết tên hắn, sai người đi bắt rồi sau lại bày kế Ngạn Trân hiện hình đòi mạng nên mới thất thố buộc miệng mở lời năn nỉ oan hồn của Ngạn Trân, trở thành chứng cứ không còn chối cãi được nữa.
Khai xong, Bạch Công bắt Nam Phong ký tên vào biên bản rồi ngày hôm sau truyền gọi Diễm Cô tới công đường. Bạch Công chỉ mặt Diễm Cô mà mắng:
– Ngươi thật là người đàn bà hư thân mất nết, suốt ngày chỉ biết trang điểm phấn son. Ngươi không biết như thế là vô tình khêu gợi tính dâm dục của người khác hay sao. Đến khi ngươi tình cờ gặp Trịnh Nam Phong cũng không biết giữ tiết hạnh, nhiều lời qua lại khiến hắn càng thêm ham muốn cướp đoạt về thỏa mãn. Đã vậy ngươi còn không nghĩ gì đến người chồng phải vất vả buôn bán nuôi cho ngươi được ăn ngon mặc đẹp, ngươi nói bừa bãi một câu là nguyên nhân khiến chồng ngươi phải chết thảm, xét ra đó cũng là tội nặng, không thể tha thứ được.
Sau đó Bạch Công sai làm văn án kết thúc án mạng giết người trên cầu Bình An, truyền tha cho Lã Quang Minh. Sau khi được cấp tỉnh phê chuẩn, Bạch Công chiếu theo đó thi hành án, sai dẫn ba người là Diễm Cô, Ngô Đậu Phụ và Trịnh Nam Phong ra pháp trường. Diễm Cô và Ngô Đậu Phụ được đặc ân treo cổ còn Trịnh Nam Phong thì bị chém đầu bêu trước nha môn thị chúng, xác vất ngoài đồng hoang cho các loại thú ăn thịt.
Vụ án này đồn đại đi khắp nơi, danh tiếng của Bạch Lương Ngọc được nhiều người biết tới, ai cũng khen ngợi ông là người nhiều mưu trí dám tra khảo cả thổ thần để tìm ra đúng thủ phạm, giải oan cho người hiền lương. Từ đó trở đi ông nổi tiếng chẳng kém gì Bao Công đời Nhân Tông triều Bắc Tống.