Nói về vua Tuyên vương và Trương phi đang ngồi uống rượu, chơi trăng, bỗng đâu có trận gió thổi tới, làm cho đèn đuốc đều tắt sạch, thị nữ ó lên, chạy đi kiếm lửa, một lát thắp đèn lên được thì thấy bao nhiêu đồ vật, mất hết không còn một món chi, chỉ thấy Tuyên vương và Trương phi ngồi đó trơ trơ, đều thấy làm lạ! Thiên tử lại truyền nội thần bày tiệc rượu khác. Trương phi tâu với Tuyên vương rằng :
– Vợ chồng mình ăn mừng tiết Trung thu, lòng thành cảm động tới trời, nên quỷ thần hưởng hết.
Tuyên vương cả mừng, thị nữ lại châm rượu thêm. Tuyên vương uống tới say vùi. Trương phi cũng còn ép uống, rồi mới sanh ra một kế, thừa cơ hội ấy quyết hại cho được Chung Vô Diệm, mới trừ yên hậu hoạn. Nếu Chung hậu mà khuất bóng, thời khắc chức Chiêu đương ắt ở tay mình, tính rồi liền quỳ xuống mà tâu rằng :
– Mong ơn Thiên tử, xin tha tội cho Chung nương nương.
Tuyên vương nói :
– Vì ta thương Triệu phi, nên mới biếm Chung xủ phụ, ái khanh đừng nói tới tên đó nữa, trẫm lại thêm ghét đắng, ghét cay, ở Lãnh cung cũng bị chết có ngày, trẫm sẻ kiếm mưu hại nó.
Trương phi nghe Thiên tử nói vậy, bụng mừng phơi phới, biết gặp đặng cơ hội rồi, bèn kề tai nói nhỏ phải như vầy …như vầy…Tuyên vương đương say, chẳng biết chi là phải quấy, liền cho cung nữ uống rượu say mèm, tư bề thanh vắng, Trương phi lấy những đồ lưu huỳnh, thuốc pháo, rồi vợ chồng dắt nhau thẳng tới Lãnh cung. Khi đến nơi thấy tường vách đứng khó nổi lên, Tuyên vương mới bảo Trương phi đứng lên vai mình, leo lên vách phóng hỏa. Khi ấy Chung hậu, cung nữ ăn tiệc xong rồi, sửa soạn vào cung an nghỉ, thình lình bắt nháy mắt, lòng dạ rất xốn xang, nằm không an giấc, ngồi dậy bấm tay làm một quẻ, mới biết Tuyên vương và Trương phi âm mưu hãm hại mình, trong quẻ lại thấy sao Thái âm đè trên sao Thanh long, bèn giận máng rằng :
– Vô đạo hôn quân, cứ biết ham mê tửu sắc, không kể tới thân thể mnìh là một vị đế chủ Đông Tề, là cha mẹ muôn dân, có lẻ đâu cho con đàn bà đứng lên vai của mình làm điều vô nghĩa vô lễ như vậy. Rồi đây bốn phương xao động, thì ngươi chẳng khỏi bị vây ở nơi Đàm thành một trăm ngày, cớ ấy cũng tại mình làm ra, chớ đem lòng oán trách.
Nói rồi liền niệm mấy câu linh văn, hóa ra một bày ong, bay tới nơi góc tường, đốt Trương phi té nhào xuống đất, lỗ đầu chảy máu. Tuyên vương bồng lấy Trương phi mà chạy về cung, kế một lát, thấy lửa đỏ rực trời. Cung nữ khóc la dậy đất ! Chung hậu bèn nói rằng :
– Ta có phương pháp cứu đặng chúng bây, mau mau đem đao mã tới đây, níu áo ta đeo chung quanh mình ngựa, mắt thì phải nhắm lại, chẳng nên trể nải mà cháy tiêu.
Hết thảy bọn cung nữ là ba mươi hai người, vâng lịnh ra hậu cung, đem cây Định tề đao và dắt Thần mã tới. Chung hậu nhảy phóc lên ngựa, hai bên cung nữ bu chặt như ong. Chung hậu niệm mấy câu hỏa độn chân ngôn, ngựa vụt bay lên trên không, ra khỏi hầm lửa, đứng trên đám tường vân ngó xuống. Chung hậu lại sợ Tuyên vương sanh dạ nghi nan, liền lấy tay chỉ xuống Lãnh cung bao nhiêu ghế bàn hóa ra như thây cháy, lại niệm hô thần chú, đòi Nam Phương hỏa thần tới, dùng tam muội hỏa, thiêu hủy cho hết Lãnh cung. Lúc đó ở trong tam cung lục viện thấy bên Lãnh cung lửa dậy, la cứu vang trời, quân Nội thần vào Đông cung báo cho Tuyên vương. Tuyên vương lật đật chạy ra khỏi cửa cung, kịp truyền đánh loan phụng cỗ, cảnh dương chung, tề tập bá quan tới cứu hỏa. Trong giây phút kẻ xe người ngựa, chạy đến rần rần, đem hết quân Ngự lâm tới Lãnh cung chửa lửa, kẻ kiếm gáo người xách nước, la réo om xòm, tưới một hồi lâu ngọn lửa mới tắt. Yến Anh khi ấy mới nói :
_ Như Nương nương mà bị cháy, lấy ai mà bảo hộ giang sơn, phò xã tắc.
Điền Côn nghe như vậy thì rơi lụy dầm dề, trong ruột đau như dao cắt, văn thần võ bá thảy đều thương tiếc, không biết lửa ở đâu, ai cũng đem dạ ưu sầu than thở ! Tuyên vương mới biết mình làm điều quấy, Chung hậu ở trên mây xem thấy bắt tức cười, rồi bay tuốt về Thương sơn lánh mặt.
Đây nói về Đông lộ vương là Điền Côn và văn võ triều thần đến đốc quân Ngự lâm tưới tắt hết lửa rồi bèn bới tro ra mà tìm kiếm, thấy thi hài nằm sắp lớp, nhìn chẳng biết ai là ai. Điền Côn giọt ngắn giọt dài, Yến Anh cũng tuôn rơi lụy ngọc ! Xúm nhau lại tâu với Thiên tử, xin minh cớ sự ấy bởi ai, một là lửa hoả tai, hai là ngưiờ ta đốt, có lẽ đâu trong cung cấm mà có gian tế tới đây ? Điền Côn cứ theo kêu nài :
– Xin Phụ vương tra xét, chẳng kể là Vương phi quốc thích, cùng là Nội giám cung nga, xin tra khảo cho ra, con bắt nó thường mạng.
– Tuyên vương nói :
– – Khuyên Vương nhi đừng vội nóng, để thủng thẳng sẽ hay, quân sư chiếm quẻ có tài, coi một quẻ ai làm sẽ biết.
Phán rồi, vua tôi dắt nhau trở về Kim loan điện, truyền nội thị đặt bày hương án, quân sư Yến Anh vâng mạng, quỳ xuống trước bàn đảo cáo với trời đất, rồi cầm tiền xủ quẻ, thấy bổn mạng còn bình an, loạn động lụa hào, nội quầy sách giao, thời đà biết ý, song thiên cơ bất lậu, không dám tả hết cho ai hay, liền viết ra một bài, có mấy câu đoán như vầy :
Người đàn bà đi trước.
Người đàn ông theo sau.
Đem những đổ hỏa thiêu.
Tới Lãnh cung mà đốt.
Vách tường cao chót vót.
Hai chân đạp vai rồng.
Phạm tội với Thiên công ,
Bị bầy ong chích mặt.
Sẩy chân té xuống đất.
Dấu tích còn sờ sờ.
Muốn biết ai bây giờ,
Chẳng phải người đâu tới.
Yến Anh viết xong rồi đưa cho Nội thần dâng lên cho Tuyên vương xem. Thiên tử coi rồi cả kinh, cứ lấy mắt ngó Yến Anh, và mắng thầm rằng:
– Thằng lùn này thiệt giỏi, nó biết các việc của ta, nếu như nó nói ra, ắt triều thần dị nghị.
Vua Tuyên vương lại truyền nội thị, đưa bài đoán ấy xuống cho quan coi. Điền Côn coi rồi khóc ngất một hồi, không biết tính phương kế chi mà minh oan cho Quốc mẫu. Yến Anh nói:
– Xin Điện hạ bớt cơn sầu não, mà lo tẩm niệm nương nương. Điện hạ hãy tâu với Thánh thượng, phải chiếu theo quốc lễ.
Điền Côn tuân lời tâu với Thiên tử, Tuyên vương chuẩn tấu truyền cho quan nội các, sắm sửa đồ tẩm liệm Chung hậu xong rồi đem linh cửu về nơi Bạch hổ điện. Tuyên vương cũng giả làm bộ than khóc Chung nương nương. Điền Côn tuy là con nuôi nhưng cũng như trưởng nam, nên cũng mũ rơm áo bã và văn võ bá quan, thảy đều quảy hiếu cư tang, làm chay bảy thất, cầu cho siêu độ vong hồn.
Trương phi từ khi leo lên phóng hỏa bị bầy ong chích mặt. Thiên tử bồng về Đông cung dưỡng bịnh, còn Thiên tử mắc lo việc tang chế cho Chung hậu ở nơi Bạch hổ điện hoài hoài. Xảy đâu thấy nội giám tới tâu rằng:
– Đông cung nương nương bệnh thế trầm trọng, e sống không nổi.
Tuyên vương nghe báo hồn vía đều bay lên mây, vội vàng trở về ông cung đòi các quan ngự y tới điều trị. Giây phút Yến Anh và văn võ đều tựa tới hầu thăm. Thiên tử cho ngồi chuyện vãn. yến Anh khi ấy tâu rằng:
– Xin bệ hạ chớ khá ưu phiền, mà hao tổn mình rồng, tôi đã biết bệnh chứng của Đông cung phi rồi, chẳng qua là người bị nọc ong, trong vài bửa thì lành căn bịnh.
– Tuyên vương nghe nói liền kiếm chuyện khác nói qua, rồi truyền lệnh cho các quan và ngự y thảy đều về an nghỉ.
– Còn Chung hậu cưỡi mây bay về tới núi Thương sơn là chỗ quê xưa, liền sà xuống và kêu cung nữ bảo mở mắt ra, bèn khiến vào Chung gia trang mà thông báo. Quân gia đinh nghe kêu, lật đật ra mở cửa, thấy một người mặt mũi hung thần ác sát, liền quỳ xuống lạy lia lịa mà thưa rằng:
– Chung viên ngoại tôi giàu lắm, để tôi chỉ cho, xin trại chủ đừng giết tôi tội nghiệp.
– Chung hậu ngồi trên lưng ngựa nghe nổi tức cười và nói lại rằng:
– Mày hãy vào thông báo cho Chung viên ngoại hay nói rằng: Tuyên vương chánh hậu là Chung Vô Diệm về thăm.
Gia đinh nghe nói nửa mừng nửa sợ, lật đật vào báo với viên ngoại hay, vợ chồng vội vã chạy ra mừng rỡ vô cùng! Chung hậu khi ấy xuống ngựa cầm tay mẹ than khóc một hồi, rối dắt nhau vào nhà thư thất. Kế thấy hai người anh là Chung Long, Chung Hổ và hai người chị dâu, đều tới mừng rỡ! Chung phu nhân khi ấy mới hỏi Chung hậu rằng:
– Vì làm sao mà con về đây thăm cha mẹ đặng?
Chung hậu liền thuật hết các việc tai nạn cho cha mẹ nghe , vợ chồng Chung viên ngoại cũng động lòng thương con than thở . Chung hậu từ đấy ở với cha mẹ , ngày thời dạo hoa chơi kiểng , đêm thời xem xét bình thơ, chờ cho tai nạn mãn rồi, ắt có quân sư tới rước.
Đây nhắc lại khi lửa cháy lãnh cung , các quan ngỡ chắc là Chung hậu bị thiêu, chỉ một mình quân sư Yến Anh biết sự Chung hậu đã dùng phép hỏa độn, mà cứu bọn cung nữ bay về Thương Sơn , nhưng chẳng dám nói ra, bởi vậy cho nên vua Tuyên vương và triều thần cứ mỗi thất là 7 ngày, làm chay niệm Phật, cầu cho siêu độ vong hồn, tới nay đã đủ bảy thất rồi, mới sắm sửa phát tang, đưa linh cửu tới Sơn lăng mai tang, khi sắp đạt xong xuôi, phát pháo động quan, Điên Côn thì phò giá triệu, còn Tuyên vương cũng giá ngự đi sau, văn võ Triều thần đều đưa đông đủ. Khi tới Sơn lăng an tang xong rồi, bá quan hộ giá trở về thành . Không dè Điền Côn đã sắp đặt xong xuôi, phát ba tiếng pháo truyền cho tám viên dõng tướng , với ba ngàn binh sĩ, sửa cất dinh trại trước là ở giữ coi mồ mã, sau nửa không chịu tước lộc triều đình, sơn hà một cõi thinh thinh, sức này dễ ai hơn cho đặng. Tuyên vương khi ấy thấy vậy âu sầu mà nghĩ rằng:
– Điền Côn nay đã trở lòng, thời không con ai dám ra địch thủ, còn Chung hậu cũng đã chết rồi, ắt giang san khốn lớn.
– Nghĩ như vậy ngậm ngùi, ngày đêm thêm buồn bực, canh khuya tư tưởng như hồn Đỗ Quyên