NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Điểm Bùng Phát

LỜI GIỚI THIỆU

Tác giả: Malcolm Gladwell
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Ads Top

Đối với sản phẩm giày Hush-Puppies – loại giày da mềm kiểu Mỹ cố điển có lớp đế kép nhẹ, Điểm Bùng Phát mới xuất hiện đâu đó giữa thới điểm cuối năm 1994 và đầu năm 1995. Trước thời điểm đó, nhãn hiệu này gần như đã chết. Con số bán ra giảm xuống còn 30.000 đôi một năm chỉ được tiêu thụ chủ yếu ở các đại lý vùng sâu vùng xa và các cửa hiệu gia đình ở những thị trấn nhỏ. Wolverine – công ty làm nên nhãn hiễu Hush-Puppies đã nghĩ tới việc loại bỏ sản phẩm từng giúp họ nổi tiếng. Nhưng kỳ tích đã xảy ra. Tại một buổi trình diễn thời trang, hai thành viên trong Ban quản trị của Hush Puppies, Owen Baxter và Geoffrey Lewis, tình cờ gặp một nhà tạo mẫu đến từ New York. Nhà tạo mẫu này cho biết sản phẩm Hush Puppies theo kiểu cổ điển bất ngờ trở thành mốt tại các câu lạc bộ và quán rượu trong khu thương mại Manhattan. Baxter nhớ lại: “ Chúng tôi được biết rằng sản phẩm của công ty được bày bán ở rất nhiều cửa hàng bán lẻ tạiVillage và ở Soho. Mọi người tìm đến các cửa hàng Ma&Pa – những gian hàng nhỏ vẫn còn bày bán giày Hush Puppies kiểu cổ điển – để mua bằng được”. Cả Baxter và Lewis đều bất ngờ. Trong suy nghĩ của cả hai người chưa bao giờ có việc những đôi giày rõ ràng quá lỗi mốt lại có thể làm nên cuộc hồi sinh. “Chúng tôi còn nghe nói cả Isaac Mizrahi cũng đang đi những đôi giày của chúng tôi”, Lewis phấn chấn, “Dù thực tình mà nói, lúc bấy giờ, tôi cũng không biết Isaac Mazrahi là ai!”.

Mùa thu năm 1995, mọi chuyện bắt đầu xảy ra rất nhanh. Đầu tiên là nhà thiết kế John Bartlett lên tiếng. Nhà thiết kế này muốn đưa giày Hush Puppies vào bộ sưu tập mùa xuân của mình. Rồi sau đó, Anna Sui – một nhà tạo mẫu có tiếng của Manhattan – cũng nói chắc nịch rằng, cô rất muốn những sản phẩm mang nhãn hiệu Hush Puppies xuất hiện trong buổi trình diễn của mình. Tại Los Angeles, nhà thiết kế Joel Fitzgerald đặt biểu tượng của nhãn hiệu Hush Puppies – chú chó con giống Basset mình dài – lên mái gian hàng Hollywood của ông và bỏ hẳn một gian triễn lãm nghệ thuật kế bên để chuyển thành một hiệu giày Hush Puppies. Trong lúc ông đang lúi húi sơn sửa và lắp đặt các kệ bày hàng, ngôi sao điện ảnh Pee-wee Herman bước vào hỏi mua hẳn hai đôi. “Đó hoàn toàn là do lời truyền khẩu”, Fitzgerald quả quyết.

Năm 1995, số giày Hush Puppies kiểu cổ điển bán được là 430.000 đôi. Doanh số tăng lên 4 lần trong năm tiếp theo và thêm một lần nữa Hush Puppies lại chiếm chỗ trên giá giày của các thiếu nữ Mỹ. Năm 1996, Hush Puppies giành được giải thưởng cho phụ trang xuất sắc nhất trong buổi trao giải của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang tại Lihncon Center. Vị chủ tịch hãng bước lên sân khấu cùng với các đại gia Calvin Klein và Donna Karan nhận giải thưởng cho thành tựu này – như chính bản thân ông là người đều tiên phải thửa nhận, công ty của mình gần như không làm gì để đạt được điều đó. Hush Puppies đã vùng dậy thần tình với tác nhân là những cô nhóc, cậu nhóc ở EastVillage và ở Soho.

Vậy điều gì đã xảy ra? Dù có là ai, những đứa trẻ đầu tiên này không hề có chủ định quảng bá cho giày Hush Puppies. Chúng đi những đôi giày này chỉ đơn giản vì ngoài chúng ra chẳng có ai đi nữa. Sở thích trẻ con đó lan tới hai nhà thiết kế thời trang, và họ đã dùng những đôi giày này tạo bước đà cho mục tiêu khác – Thời trang cao cấp. Những đôi giày là một cú chạm tình cờ. Không có ai cố gắng biến Hush Puppies trở thành trào lưu. Song, vì một lý do nào đó, đây chính xác là những gì đã xảy ra. Những đôi giày này đã vượt qua một điểm nào đó và rồi bùng phát. Làm thế nào những đôi giày trị giá 30 đô la vốn chỉ đồng hành với dân Hippi1 và những nhà thiết kế thời trang lại hiện hữu khắp nơi chỉ trong vòng có hai năm?

1

Cách đây không lâu, đã từng có thời điểm tại các khu vực lân cận quanh New York như Brownsville và Đông New York, các con phố thường trở nên u ám khi bóng chiều chạng vạng. Lúc đó, dọc vỉa hè hai bên, dân lao động không còn ai đi lại, lũ trẻ con không dám đạp xe trên đường, các cụ già cũng vắng bóng trên những bậc lên xuống hay ghế đá ở trong công viên. Những phi vụ buôn bán ma túy, những vụ thanh toán băng đảng diễn ra nhan nhản khắp mọi ngóc ngách của Brooklyn khiến hầu hết dân chúng vì sự an toàn của mình đều ở hết trong nhà khi màn đêm buông xuống. Bộ phận cảnh sát làm việc ở Brownsville trong khoảng những năm 1980 và đầu những năm 1990 thừa nhận rằng, vào thời điểm đó, khi trời vừa tắt nắng là máy bộ đàm của họ liên tục réo lên những đoạn trao đổi báo cáo giữa các cảnh sát tuần tra với nhân viên trực tổng đài về đủ loại bạo lực xã hội, tội phạm nguy hiểm vốn đã quá quen thuộc. Năm 1992, ở thành phố New York xảy ra 2154 vụ giết người và 626.182 vụ phạm tội nghiêm trọng, gánh nặng tội phạm tập trung nhiều nhất ở các khu vực như Brownsville và Đông New York. Nhưng rồi kỳ tích đã xảy ra. Tại một điểm cực kỳ quan trọng nhưng bí hiểm nào đó, tỷ lệ phạm tội bắt đầu giảm. Xu hướng này bùng phát. Trong vòng 5 năm, số vụ giết người giảm từ 64,3% xuống 7,70%, tổng số vụ phạm tội giảm gần một nửa xuống còn 355.893 vụ. Ở Brownsville và phía Đông New York, các vỉa hè lại đông đúc người đi dạo, lũ trẻ dong duổi đạp xe trên đường, còn các cụ già lạc hàn huyên trên những bậc thềm. “Đã có lúc chẳng có gì lạ khi ta nghe thấy cả chục tiếng súng liên thanh như thể đang đứng trong một khu rừng rậm”, thanh tra Edward Messadri chỉ huy lực lượng cảnh sát khu vực Brownsville tâm sự, “Còn bây giờ tôi không hề nghe thấy một tiếng súng nào nữa”.

Cảnh sát thành phố New York chắc chắn sẽ nói với bạn rằng, những thay đổi tích cực đó là do chính sách của thành phố được cải thiện đáng kể. Những nhà tội phạm học thì quy cho sự thuyên giảm của các hoạt động buôn bán ma túy và tình trạng già đi của dân số. Trong khi đó, các nhà kinh tế học lại khẳng định rằng, chính những cải cách từng bước của nền kinh tế thành phố trong suốt thập niên 1990 đã tác động đến việc thuê, tuyển những người có nguy cơ trở thành tội phạm. Cả ba luận điểm trên là những giải thích phổ biến đối với sự tăng giảm các vấn đề xã hội. Nhưng rốt cuộc lại chẳng có luận điểm nào thuyết phục hơn sự giải thích từ những cô cậu nhóc đã làm sống lại sản phẩm Hush Puppies ở EastVillage. Những thay đổi trong các hoạt động buôn bán ma túy, dân số, kinh tế là những xu hướng mang tính lâu dài, xảy ra trên khắp nước Mỹ. Chúng không giải thích được lý do tại sao tội phạm ở thành phố New York lại giảm nhanh và mạnh hơn bất kỳ nơi nào khác trên lãnh thổ nước Mỹ và tại sao nó lại chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn đến vậy. Những cải cách mà cảnh sát nhắc đến đúng là rất quan trọng. Song, vẫn còn một khe hở khó hiểu giữa phạm vi của những thay đổi trong chính sách và quy mô tác động ở những khu vực như Brownsville và Đông New York. Nói cho cùng, tội phạm ở thành phố New York không giảm từ từ vì nguyên nhân điều kiện sống của người dân được cải thiện từng bước. Nó giảm rất mạnh. Làm sao sự thay đổi của một nhóm chỉ số kinh tế và xã hội lại có thể khiến tỷ lệ tội phạm giết người giảm xuống 2/3 chỉ trong năm năm?

2

Điểm Bùng Phát là cuốn sách tóm lược một quan điểm, và quan điểm đó rất đơn giản. Theo đó, cách tốt nhất để hiểu sự xuất hiện của những trào lưu thời trang mới, sự tăng giảm của làn sóng tội phạm, hay sự biến đổi từ những đầu sách không tên tuổi thành tác phẩm bán chạy nhất, sự gia tăng của tình trạng hút thuốc lá ở trẻ vị thành niên, hiện tượng truyền khẩu, hay bất kỳ thay đổi bí ẩn nào đánh dấu bước chuyển trong cuộc sống của chúng ta là coi chúng ta như các đại dịch. Ý tưởng, sản phẩm, thông điệp và hành vi phát tán mạnh mẽ đúng như các virus truyền bệnh.

Sự bứt phá của Hush Puppies và tỷ lệ tội phạm giảm ở New York là những ví dụ rất điển hình về đại dịch khi hoạt động. Măc dù có vẻ như cả hai không có điểm chung nhưng trên thực tế, chúng lại có cùng một hình mẫu ngầm, rất cơ bản. Trước hết, cả hai đều là những ví dụ rất trực quan về các hành vi có tính lây lan. Rõ ràng, không có một cá nhân hay tổ chức nào quảng cáo và nói với mọi người rằng những đôi giày Hush Puppies truyền thống trông rất ấn tượng và khuyên họ nên dùng chúng. Lũ trẻ chỉ đơn thuần đi những đôi giày đó tới các câu lạc bộ, quán cà phê hay dung dăng khắp phố phường New York nhưng việc làm đó lại cho người khác thấy cảm nhận thời trang của các em. Các em chính là tác nhân truyền nhiễm thứ virus Hush Puppies.

Tại New York, sự giảm xuống của các vụ tội phạm chắc chắn cũng diễn ra theo cùng phương thức như vậy. Nguyên nhân của hiện tượng này không phải là do một tỷ lệ rất lớn những kẻ có nguy cơ trở thành kẻ giết người trong tương lai đột nhiên lộ diện trong năm 1993 và cam kết sẽ không tham dự vào bất cứ hành vi phạm pháp nào.

Nguyên nhân cũng không phải là do lực lượng cảnh sát đã thành công một cách thần kỳ khi can thiệp vào hầu hết số các tình huống có nhiều khả năng dẫn đến chết người. Điều thật sự diễn ra là có một số ít người trong một số tình huống có sự can thiệp, tác động từ phía cảnh sát hay các lực lượng xã hội mới nổi bắt đầu có những hành vi khác thường. Những hành vi này trong chừng mực nào đó lại truyền ảnh hưởng tới nhóm tội phạm tiềm ẩn trong những hoàn cảnh tương tự. Và rồi, phần lớn người dân New York bị “lây nhiễm” loại virus “bài trừ tội phạm” chỉ trong một thời gian ngắn.

Nét đặc trưng nổi bật thứ hai là trong cả hai trường hợp, những thay đổi rất nhỏ có thể có ảnh hưởng rất lớn. Tất cả các nguyên nhân có thể giải thích cho lý do tại sao tỷ lệ tội phạm ở New York giảm xuống đều là những thay đổi bên lề, những thay đổi tịnh tiến. Hoạt động buôn bán ma túy chùng xuống, tuổi dân số tăng lên, lực lượng an ninh làm việc hiệu quả hơn. Những ảnh hưởng thật to lớn. Hush Puppies cũng có những ảnh hưởng ngang tầm! vậy có tất cả bao nhiêu đứa trẻ bắt đầu đi giày Hush Puppies ở khu thương mại Manhattan? 20? 50? Hay 100 – con số tối đa? Nhưng hành vi có vẻ như chỉ là ý thích cá nhân của các em đã châm ngòi cho một trào lưu thời trang trên khắp thế giới.

Nhưng rốt cuộc, cả hai xu hướng trên đều diễn ra rất nhanh và gấp gáp. Nó không phát triển ổn định, đều đều từng bước một. Sẽ khách quan hơn nếu chúng ta nhìn vào biểu đồ tỷ lệ tội phạm của thành phố New York từ giữa những năm 1960 đến cuối những năm 1990. Đồ thị hiện ra như một đường vòng cung lớn. Năm 1965, tron thành phố xảy ra 200.000 vụ phạm pháp, và từ thời điểm đó trở đi, con số này bắt đầu tăng chóng mặt. Trong hai năm tiếp theo, con số này tăng lên gấp đôi và tiếp tục cho đến khi lên đến 600.000 vụ giữa thập niên 1970. Con số này được duy trì ổn định liên tiếp trong hai thập kỷ tiếp theo, trước khi tụt giảm mạnh vào năm 1992. Tội phạm không tự biến mất, cũng như giảm từ từ. Nó leo thang đến một điểm nhất định rồi chững lại.

Ba đặc tính được nói đến ở trên (thứ nhất – tính lây lan; thứ hai – thực tế những động thái nhỏ có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn, và thứ ba – thay đổi không xảy ra từng bước một mà bùng phát ở một điểm quan trọng nào đó) cũng chính là ba quy tắc mô tả phương thức lây lan của bệnh sởi trong khắp lớp học hay phương thức tấn công của dịch cảm cúm mỗi khi mùa đông đến. Trong ba đặc tính trên, đặc tính thứ ba – ý kiến cho rằng đại dịch có thể tăng hoặc giảm ở một điểm quan trọng nào đó – có ý nghĩa quan trọng nhất bởi nó bao quát cả hai đặc tính còn lại và cho phép chúng ta hiểu đúng nhất lý do tại sao những cải tổ tân tiến nhất lại diễn ra theo cách đã diễn ra. Điểm Bùng Phát là tên gọi được đặt cho điểm quan trọng trong diễn tiến của đại dịch, tại điểm đó tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi ngay lập tức.

3

Thế giới nằm trong vòng cương tỏa của đại dịch rất khác so với thế giới mà chúng ta cho rằng mình đang sống trong đó. Hãy suy nghĩ trong chốc lát khái niệm về tính lây lan. Nếu tôi nhắc đến cụm từ này trước mặt bạn, bạn sẽ liên tưởng ngay đến cảm lạnh, cúm hay có thể là thứ gì đó rất nguy hiểm như HIV hay Ebola 2. Trong đầu ta khi đó hiện ra một ý niệm sinh học rất cụ thể về ý nghĩa của từ tính lây lan. Nhưng nếu đó là một đại dịch tội phạm, hay thời trang thì chắc chắn sẽ phải có những yếu tố có khả năng lây lan như virus. Đơn cử một ví dụ đơn giản như trường hợp bạn ngáp thôi. Bạn sẽ thấy ngáp là một động tác có sức mạnh đáng ngạc nhiên. Bởi vì, ngay khi ta đọc từ “ngáp” ở hai câu trước và hai từ “cái ngáp” ở câu này, đa số chúng ta có thể sẽ ngáp trong vòng một vài phút nữa. Thậm chí khi tôi viết đến đoạn này tôi cũng ngáp hai lần. Nếu bạn đang đọc những dòng này ở nơi công cộng ư? Bạn mở miệng ngáp. Và có nhiều khả năng đa số những người nhìn thấy bạn ngáp cũng ngáp theo, rồi khi nhìn thấy những người này ngáp, sẽ có nhiều người khác cũng ngáp. Cứ thế, hành động này diễn ta trong một vòng ngáp ngày càng được nới rộng.

Tính lây truyền của ngáp lớn đến mức khó tin. Tôi có thể khiến cho một số trong các bạn ngáp khi chỉ đơn giản viết ra từ “ngáp” đó. Trong khi đó, những người ngáp theo khi thấy bạn ngáp bị lây bởi cảnh bạn ngáp – đây là hình thức lây lan thứ hai. Thậm chí, họ có thể ngáp khi chỉ cần nghe thấy tiếng bạn ngáp bởi vì ngáp cũng có thể lây truyền qua thính giác. Nếu bạn bật một cuộn băng ghi âm tiếng ngáp cho người mù nghe, họ sẽ ngáp theo. Cuối cùng, nếu bạn ngáp khi đang đọc đoạn này, liệu trong đầu bạn có ý nghĩ – dù vô thức và chớp nhoáng – rằng có thể bạn đang mệt hay không? Tôi đoán rằng một số trong các bạn đã nghĩ vậy và như thế ngáp cũng có thể lây lan trên phương diện cảm xúc nữa. Chỉ viết ra từ này thôi, tôi đã có thể gợi ra một cảm giác khác trong ý thức của bạn. Vậy virus cảm cúm có thể làm được điều đó không? Hay nói cách khác, tính lây lan là một đặc điểm không thể nắm bắt được của tất cả mọi thứ và chúng ta phải nắm nằm lòng điều này khi muốn nhận dạng và chẩn đoán đại dịch.

Quy tắc thứ hai của đại dịch – những thay đổi nhỏ, bằng cách nào đó, có thể gây ra những tác động rất lớn – cũng là một khái niệm khá cấp tiến. Là con người, chúng ta đã và đang bị xã hội hóa sâu sắc khi nhẩm tính sơ mối quan hệ giữa nguyên nhân và hệ quả. Chúng ta nhận ra rằng, nếu muốn truyền tải một cảm xúc mạnh, muốn thuyết phục ai đó tin rằng ta yêu thương họ, lời nói cần được thể hiện bằng giọng nồng nhiệt, say đắm và chân tình. Còn nếu muốn thông báo tin xấu cho ai đó, chúng ta hạ giọng và thận trọng với từ ngữ nói ra. Chúng ta được dạy tư duy rằng những điều đi sâu vào bên trong mỗi một thỏa hiệp, mối quan hệ hay hệ thống nào cũng phải trực tiếp liên quan với những phần thể hiện ra bên ngoài cả về cường độ và phạm vi. Hãy xem xét câu đố sau như một ví dụ. Tôi đưa ra một tờ giấy khổ lớn và yêu cầu bạn gấp nếp tờ giấy đó lại, rồi từ phần đã gấp, bạn lại gấp tiếp. Cứ thế cho đến khi bạn gấp được 50 lần. Bạn cho rằng tờ giấy sau khi gấp sẽ cao bao nhiêu? Để trả lời cho câu hỏi đó, phần lớn mọi người đều hình dung chồng gấp đó trong đầu và ước chừng độ cao của chồng giấy sẽ bằng chiều dày của quyển danh bạ điện thoại. Người nào mạnh dạn hơn sẽ cho rằng nó cao ngang một chiếc tủ lạnh. Còn câu trả lời chính xác là: chiều cao của chồng giấy gấp đó xấp xỉ bằng khoảng cách từ trái đất đến mặt trời. Còn nếu bạn muốn gấp lại một lượt nữa thì nó vẫn bằng khoảng cách ngược lại từ mặt trời đến trái đất mà thôi. Câu đố này đồng thời cũng là một thí dụ về cấp số nhân trong toán học. Đại dịch cũng là một ví dụ về cấp số nhân: khi một virus tấn công vào xã hội, nó nhân lên gấp hai, và gấp hai tiếp cho đến khi ( nói một cách hình ảnh) nó trở thành một phiến giấy lớn chạm được tới mặt trời sau chỉ sau 50 lần gấp. Là con người, chúng ta cũng có những lúc gặp khó khăn với kiểu cấp số nhân này, bởi vì kết quả cuối cùng – hệ quả – dường như lại không tương ứng với nguyên nhân. Để đánh giá được đúng sức mạnh của đại dịch, chúng ta phải bỏ qua kỳ vọng về tính tương ứng. Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng: đôi khi, những thay đổi to lớn theo sau những sự việc nhỏ, và đôi khi, những thay đổi này có thể xảy ra rất nhanh.

Khả năng xảy ra của những thay đổi đột ngột là tâm điểm của Điểm Bùng Phát và có lẽ cũng là khía cạnh khó chấp nhận nhất. Cụm từ này được sử dụng phổ biến lần đầu vào năm 1970 mô tả việc di dời tới các vùng ngoại ô của người Mỹ da trắng sinh sống ở những thành phố cổ của Đông Bắc Mỹ. Khi số người Mỹ gốc Phi ỏ một vùng lân cận nào đó đạt tới mức nhất định – 20% chẳng hạn – các nhà xã hội học nhận thấy cộng đồng đó sẽ “bùng phát”: Hầu hết những người Mỹ da trắng sót lại dời đi gần như ngay lập tức. Điểm Bùng Phát là điểm tới hạn, là ngưỡng và là điểm chặn. Có một Điểm Bùng Phát cho tội phạm bạo lực ở New York hồi đầu những năm 1990, cho sự hồi sinh của sản phẩm Hush Puppies cũng như chắc chắn có những Điểm Bùng Phát cho sự ra đời của bất kỳ tiến bộ công nghệ nào. Năm 1984, Sharp tung ra thị trường loại máy fax giá rẻ đầu tiên và bán được khoảng 80.000 chiếc ngay trong năm đó. Ba năm tiếp theo, các doanh nghiệp vẫn đều đặn và từ từ mua máy fax. Đến 1987, số người có máy fax lớn đến mức có thể hiểu là tất cả mọi người đều muốn có thiết bị này. 1987 chính là Điểm Bùng Phát của sản phẩm này với một triệu chiếc được bán ra. Đến năm 1989, hai triệu máy fax đã đi vào sử dụng. Điện thoại di động cũng xâm nhập thị trường theo phương thức tương tự. Trong suốt thập niên 1990, loại sản phẩm này càng trờ nên nhỏ hơn, rẻ hơn. Chất lượng dịch vụ cũng được nâng cấp tốt hơn. Đến năm 1998 khi công nghệ này đạt tới Điểm Bùng Phát, gần như ngay lập tức tất cả mọi người đều sở hữu một chiếc điện thoại di động.

Tất cả các đại dịch đều có Điểm Bùng Phát. Jonathan Crime, nhà xã hội học của Đại học Illinois, đã xem xét ảnh hưởng từ một số hình mẫu quan trọng trong cộng đồng như người có việc làm, nhà quản lý, giáo viên – những người được Cục điều tra Mỹ Census Bureau đánh giá là có “địa vị cao” – tới cuộc sống của những thanh thiếu niên sống trong cùng khu vực. Ông hầu như không phát hiện được sự khác biệt đáng kể nào về tỷ lệ mang thai hay tỷ lệ bỏ học giữa 40% và 5% những người lao động có vị thế trong cùng khu vực. Tuy nhiên, khi số người có việc làm giảm xuống dưới 5%, các vấn đề bắt đầu bùng nổ. Chẳng hạn như đối với học sinh da đen, khi tỷ lệ người có việc làm giảm 2,2% ( từ 5,6% xuống 3,4%) khiến tỷ lệ bỏ học tăng gấp đôi. Tại cùng Điểm Bùng Phát đó, tỷ lệ nữ giới tuổi vị thành niên có thai cũng tăng lên gần gấp đôi – trước đó tỷ lệ này chưa bao giờ cao như vậy. Bằng trực giác, chúng ta giả định rằng mọi liên đới địa lý và các vấn đề xã hội đều giảm đều và ổn định. Nhưng đôi khi chúng lại không thể giảm đều đặn. Tại Điểm Bùng Phát, cùng một lúc, nhà trường mất khả năng kiểm soát học sinh và các mối ràng buộc gia đình trở nên lỏng lẻo.

Tôi còn nhớ khi còn là một cậu nhóc, tôi đã chứng kiến chú chó nhỏ của tôi lần đầu tiên nhìn thấy tuyết trắng toát. Quá đỗi vui mừng và hoan hỉ, nó vẫy đuôi rối rít, hít hà đánh hơi lớp tuyết trắng mềm mại kỳ lạ và rên rỉ theo cách của riêng nó. Thời tiết buổi sáng khi tuyết bắt đầu rơi không lạnh hơn tối hôm trước là bao. Tối hôm trước, nhiệt độ là hơn 1oC và lúc này nhiệt độ chưa đến 0oC. Hay nói cách khác, gần như mọi thứ vẫn vẹn nguyên nhưng thật ngạc nhiên, tất cả đã thay đổi. Mưa biến thành một thứ gì đó hoàn toàn khác. Nó lá tuyết. Tận trong sâu thẳm, chúng ta đều là những người theo chủ nghĩa tiệm tiến, kỳ vọng của chúng ta được lập ra theo từng giai đoạn. Còn thế giới Điểm Bùng Phát lại là nơi những điều không thể đoán trước lại trở thành có thể, nơi những thay đổi cơ bản xảy ra không chỉ đơn thuần là do may mắn. Trái ngược với tất cả dự đoán của chúng ta – thế giới đó rất chắc chắn.

Trong hành trình nghiên cứu quan điểm cấp tiến này, tôi và bạn sẽ ghé qua Baltimore để tìm hiểu đại dịch giang mai hoành hành ở đó. Tôi cũng sẽ giới thiệu ba mẫu người rất thú vị mà tôi gọi là Nhà Thông Thái, Người Kết Nối và Người Bán Hàng – những người có vai trò chủ chốt trong các đại dịch truyền khẩu có khả năng xoay vần cả khẩu vị, xu hướng và thời trang của tất cả chúng ta. Tôi sẽ đưa bạn tới hai chương trình thiếu nhi thành công là Sesame Street và Blue’s Clues, và dẫn bạn bước vào thế giới hấp dẫn của một người đàn ông – người đã góp phần giúp hãng thu âm Columbia nhận ra nên xây dựng thông điệp như thế nào để đạt được tác động tối đa lên khán giả. Bạn cũng sẽ cùng tôi đến thăm một công ty công nghệ cao ở Delawere và thảo luận về những Điểm Bùng Phát chi phối cuộc sống nhóm, hay tới hệ thống giao thông ngầm của New York để hiểu được sự lây lan của đại dịch tội phạm đã bị xóa sổ như thế nào. Mục đích đi kèm sau tất cả những minh chứng vừa nêu đều là để trả lời cho hai câu hỏi đơn giản xoay quanh vấn đề mà tất cả chúng ta đều muốn thực hiện được trên cương vị nhà giáo dục, phụ huynh, người làm marketing, doanh nhân và nhà làm luật. Hai câu hỏi đó là: Tại sao chỉ có một số ý tưởng, một số hành vi hay một số sản phẩm có thể khởi phát đại dịch còn một số khác thì không? Và chúng ta có thể làm gì để có thể tự mình khởi phát và kiểm soát các đại dịch vì mục đích riêng?

Bình luận
Ads Footer