Anh Frank Churchill đã không đến. Gần ngày mà anh dự định đến, một lá thư của anh cho thấy nghi vấn của chị Weston là có cơ sở. Hiện anh không có thời giờ, anh cho biết mình “rất lấy làm tiếc, nhưng vẫn hy vọng sẽ đến vào một ngày không xa lắm”.
Chị Weston cực kỳ thất vọng – thật ra còn thất vọng hơn cả ông chồng tuy rằng chị không kỳ vọng lắm như ông. Tính lạc quan luôn mong đợi điều tốt đẹp hơn là thực tế, thế nên hy vọng lại nhen nhúm. Trong nửa giờ ông Weston cảm thấy ngạc nhiên và buồn rầu, nó rồi ông bắt đầu nhận ra rằng nếu anh Frank đến muộn hai hoặc ba tháng thì là kế hoạch tốt hơn, thời tiết tốt hơn, anh có thể ở lại lâu hơn.
Ý tưởng như thế giúp cho ông thoải mái trở lại, trong khi chị Weston – vốn hay lo nghĩ – phỏng đoán rồi sẽ lập lại lời bào chữa và lỗi hẹn. Trong khi chị nghĩ ông chồng sẽ khổ sở, thì chính chị lại cảm thấy rất khổ sở.
Vào lúc này, Emma không còn tinh thần nào mà màng đến việc Frank Churchill sẽ đến hay không, ngoại trừ đấy là nỗi thất vọng ở Randalls. Bây giờ cô không còn thiết tha mong được quen biết anh. Thay vào đấy, cô muốn được tĩnh tâm, sống như lúc bình thường mà không có kỳ vọng gì cả. Tuy thế, vì cô muốn mình tạo bề ngoài bình thường, cô vẫn bày tỏ mối quan tâm về tình huống này, và chia sẻ nỗi thất vọng của hai vợ chồng Weston theo cung cách của tình bằng hữu tự nhiên.
Cô là người đầu tiên báo tin này cho anh Knightley và ra vẻ – hoặc đúng hơn, đóng kịch – phê phán thái độ của gia tộc Churchill khi muốn giữ anh Frank ở lại. Rồi cô cố nói năng nhiều hơn những gì cô nghĩ, về điểm lợi khi có thêm người trong xã hội thu nhỏ ở Surry, về niềm vui được gặp người mới quen, về ngày hội ngộ cho cả Highbury với sự hiện diện của anh, và còn nói thêm về suy nghĩ của cô đối với gia tộc Churchill. Cô nghe anh cất tiếng không đồng ý với cô, và lấy làm thú vị mà nhận ra rằng cô đang đứng về phía đối nghịch với quan điểm thực sự của mình, và đang viện dẫn lý lẽ của chị Weston để chống lại chính mình.
Anh Knightley nói một cách lạnh nhạt:
Hẳn là họ Churchill có lỗi, nhưng anh tin Frank sẽ đến nếu anh ấy thực sự muốn.
Em không biết tại sao anh nói thế. Anh ấy rất muốn đến, nhưng ông bà bác anh ấy không cho phép.
Anh không tin rằng anh ấy không thể đến sau khi đã nêu đủ lý lẽ. Không có bằng chứng thì anh cho là không có chuyện này.
Anh quả là kỳ khôi! Anh Frank Churchill đã làm gì để anh nghĩ anh ấy là người quái dị như thế!
Anh không cho rằng anh ấy là người quái dị chút nào. Anh nghĩ anh ấy tự cho mình cao hơn các mối quan hệ và không màng đến chuyện gì khác ngoài thú vui của mình, vì đang sống với những người làm gương xấu cho anh ta. Điều hoàn toàn tự nhiên là một thanh niên được nuôi nấng bởi những người tự mãn, xa xỉ và ích kỷ thì cũng sẽ tự mãn, xa xỉ và ích kỷ. Nếu Frank Churchill muốn đến thăm bố, anh ta hẳn đã sắp xếp để đi giữa tháng Chín và tháng Giêng. Một thanh niên vào tuổi này – bao nhiêu rồi? – hai mươi ba hoặc hai mươi bốn – có lẽ nào không biết quyết định chuyện đơn giản như thế. Không thể nào.
Nói thì dễ, và càng dễ hơn đối với anh vì anh làm chủ cuộc đời mình. Anh Knightley ạ, anh có óc phán xét tệ hại nhất trên đời đối với những khó khăn trong cuộc sống còn lệ thuộc. Anh không biết phải kiềm chế tâm tính ra sao.
Đừng cho rằng một thanh niên hai mươi ba hoặc hai mươi bốn tuổi thì không có óc tự chủ hoặc chân tay để xoay sở. Không thể nào anh ấy thiếu tiền hoặc thiếu thời gian rảnh rỗi. Trái lại, ta biết anh ta có cả hai và có nhiều, đến nỗi anh sẵn sàng vung ra cả hai để thoả mãn thú vui. Gần đây anh ta đi Weymouth. Điều này cho thấy anh ta có thể đi ra khỏi nhà Churchill.
Đúng, đôi lúc anh ấy được phép.
Và đấy là những lúc anh ta nghĩ là đáng công, là có thú vui.
Không công tâm khi phán xét hành vi của một người mà ta không hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Ta không thể nói về những khó khăn của thành viên với một gia đình khi chưa từng sống trong gia đình ấy. Chúng ta phải hiểu rõ về Enscombe và về tâm tính của bà Churchill trước khi ta nói đứa cháu của bà có thể làm gì. Có lúc anh ấy làm được nhiều việc, có lúc khác chỉ làm được ít hơn.
Emma, có một việc mà người đàn ông lúc nào cũng làm được nếu muốn, đấy là bổn phận, không phải làm qua sự động viên hoặc mánh khoé mà qua quyết tâm. Frank Churchill có bổn phận phải quan tâm đến bố anh ấy. Anh ấy biết điều này, thế nên mới co ‘những lời hứa và thư từ. Nhưng nếu anh thực tình muốn làm việc gì cụ thể, thì anh phải làm. Một người có suy nghĩ chính chắn phải nói với bà Churchill một cách đơn giản và quyết đóan “Nếu cháu có phải hy sinh cho bác vui thì cháu sẵn lòng, nhưng cháu cần đi thăm bố cháu ngay bây giờ. Cháu biết bố cháu sẽ buồn nếu lúc này cháu tỏ ra thiếu tôn trọng ông ấy. Vì thế , cháu sẽ lên đường ngày mai”. Nếu anh ta nói với bà ấy như thế ,với cung cách của một người trưởng thành, thì sẽ không có việc ngăn cấm.
Emma cười to:
Đúng, nhưng có lẽ khi anh ấy trở về thì sẽ có chuyện ngăn cấm khác. Một anh trai trẻ mà dùng ngôn từ như thế! Anh Knightley ạ, chỉ có anh mới nghĩ ra có thể nói cách ấy. Nhưng anh không có ý tưởng nào về điều kiện đòi hỏi trong hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh của anh. Anh Frank Churchill mà ăn nói như thế với ông bà bác đã nuôi nấng và bảo bọc cho anh ấy! Đứng giữa phòng và cố cất tiếng nói một cách rõ ràng! Làm thế nào mà anh tưởng tượng ra hành vi này?
Emma à, chắc chắn là người nhậy cảm sẽ không lấy làm khó khăn. Anh ta sẽ tự cảm thấy mình đúng lý. Lời tuyên bố – dĩ nhiên là phải phát biểu đúng cách – sẽ giúp anh ta làm tốt hơn, nâng anh ta lên tầm cao hơn, xác định quyền của anh ta mạnh mẽ hơn với người bảo hộ – tất cả còn hơn là dùng phương kế và mưu chước. Lòng tôn trọng sẽ được thêm vào tình thương. Họ sẽ cảm thấy rằng có thể tin nơi anh ta, rằng đứa cháu một khi đã làm chuyện đúng tình với bố nó thì sè làm chuyện đúng tình với mình, vì họ cũng như anh ta và tất cả mọi người đều cho là phải phép nếu anh ta đi thăm bố. Trong khi dùng quyền uy một cách ích kỷ để trì hoãn việc này, con tim họ không nghĩ đến điều tốt hơn cho anh mà chỉ tùng phục ý thích bốc đồng của mình. Ai cũng tôn trọng lối cư xử đúng cách. Nếu anh ta hành xử theo cách ấy, dựa trên phép tắc, một cách nhất quán và thường xuyên, thì đầu óc hạn hẹp của họ sẽ phải thay đổi theo anh ta.
Em nghi ngờ điều này. Anh cứ thích thay đổi đầu óc hạn hẹp, nhưng khi đầu óc hạn hẹp thuộc về người có uy quyền và giàu có thì em cho là mất đầu óc đó có thói quen tự cao tự đại thêm đến mức không ai thay đổi gì được. Em có thể tưởng tượng ra là nếu anh, với tư cách của anh, được chuyển đến sống trong hoàn cảnh của Frank Churchill, anh có thể ăn nói và hành xử theo cách anh đề xuất cho anh ấy , và anh có thể đạt kết quả tốt . Cả họ Churchill có thể không đáp lại lời nào, nó lúc ấy chỉ vì anh không quen vâng lời từ nhỏ nên anh dễ có phản ứng. Đối với người đã từng quen vâng lời thì không dễ gì mà bất thình lình vùng lên để hoàn toàn được tự chủ ngay lập tức, rồi xoá bỏ mọi kỳ vọng của họ là anh ấy phải biết ơn và kính trọng họ. Anh ấy có thể có lý trí mạnh để nhận ra điều gì là đúng, như anh vậy, nhưng trong tình huống đặc thù lại không làm được.
Thế thì đấy không phải là lý trí mạnh. Nếu không làm được thì không có sức thuyết phục.
Hỡi ôi, sự khác biệt giữa hoàn cảnh và thói quen! Em mong anh cố thấu hiểu một thanh niên dễ mến có thể cảm thấy ra sao khi trực tiếp đối đầu người mà từ thuở thơ ấu anh ấy luôn tôn kính.
Người thanh niên dễ mến của chúng ta là một thanh niên yếu đuối, nếu đây là cơ hội đầu tiên để anh ta quyết tâm làm điều đúng thình nhưng ngược lại ý muốn của người khác. Vào lúc này, anh ta phải có thói quen làm theo bổn phận thay vì cứ theo thông lê. Mà không xét phải trái. Anh có thể chấp nhận một đứa trẻ sợ hãi, nhưng một thanh niên như thế thì không được. Khi đã đến tuổi sống bằng lý lẽ, anh ta phải tự vực mình lên và thoát ra khỏi quyền uy không đúng lý. Anh ta phải chống lại ngay khi họ manh nha thái độ khiến anh ta xem nhẹ ông bố của mình. Nếu anh ta bắt đầu làm như thế, thì bây giờ hẳn sẽ không có khó khăn gì cả.
Emma lên tiếng:
Chúng ta sẽ không bao giờ đồng quan điểm về anh ấy, nhưng việc này không có gì là khác thường. Em không hề nghĩ anh ấy là một thanh niên yếu đuối, em chắc chắn anh ấy không phải vậy. Ông Weston không làm ngơ với chuyện điên rồ dù là đối với con trai ông, nhưng rất có thể ông ấy có tính nhẫn nhục, chịu đựng, mềm dẻo hơn là ý tưởng của anh về tố chất toàn vẹn của một con người. Em dám chắc anh Frank là như thế. Dù điều này khiến cho anh ấy chịu nhiều thiệt thòi, anh ấy sẽ được lợi ở mặt khác.
Đúng, tất cả lợi điểm của với ngồi yên trong khi đáng lẽ phải hành động, của cuộc sống chỉ biết hưởng thụ và cho mình là giỏi khi viện đủ lý do để thoái thác. Anh ta có thể ngồi viết một bức thư hoa mỹ, đầy ý tình và dối trá, rồi tự mãn mình đã tìm ra cách ổn thoả nhất để tạo hoà khí ở nhà và thuyết phục ông bố khỏi than phiền. Anh ghê tởm những lá thư của anh ta.
Anh có ý nghĩ lập dị mà có lẽ tất cả những người khác đều thích.
Anh cho là chị Weston không thích. Ý nghĩ như thế không thể thoả mãn một phụ nữ có lý trí và tình cảm nhậy bén, ở trong cương vị một người mẹ, nhưng lại không có tình cảm của một người mẹ để bỏ qua cho anh . Vì có chị ấy mà cần phải quan tâm gấp đôi đến Randalls, và hẳn chị ấy cảm thấy mất mát gấp đôi. Nếu bản thân chị ấy có vị thế cao, anh đoan chắc anh ta sẽ đến thăm, nhưng với hoàn cảnh này thì việc anh ta đến hay không là chuyện không quan trọng. Em có nghĩ là chị bạn của em bị yếu kém trong cách suy xét này hay không? Em có cho rằng chị ấy không tự nghĩ mình như thế? Không, Emma à, người trai trẻ dễ mến của em có thể dễ mến trong tiếng Pháp, không phải trong tiếng Anh. Anh chàng có thể rất “aimable”, có tư cách rất tốt, nhưng anh ta không có óc tinh tế kiểu Anh đối với tâm tư của người khác: thật sự anh ta không có gì là dễ mến.
Anh có vẻ như nhất quyết nghĩ xấu về anh ấy.
Anh Knightley ra vẻ phật ý:
Anh ấy à? Không hề có! Anh không muốn nghĩ xấu về anh ấy. Anh sẵn sàng công nhận chân giá trị của anh ấy như bất kỳ đàn ông nào khác, nhưng anh không được nghe về chân giá trị nào cả, ngoại trừ nhận xét có tính chất cá nhân rằng anh ấy có ngoại hình cao ráo, đẹp trai, có phong cách nhuần nhuyễn, khéo ăn khéo nói.
À, nếu không có lý do nào khác để khen, anh ấy sẽ trở thành quý giá ở Highbury. Ít khi chúng ta xem thanh niên nào là có cung cách tốt đẹp và hiền dịu. Chúng ta không nên tỏ ra tử tế rồi đổi lại đòi hỏi tất cả các đức tính. Anh Knightley, anh có thể mường tượng ra nỗi xúc động mà anh ấy tạo ra khi đến đây không? Khắp các giáo xứ Donwell và Highbury sẽ chỉ có một đề tài để bàn tán, chỉ có một mối quan tâm – một đối tượng, cho tính hiếu kỳ, tất cả sẽ chỉ có Frank Churchill, người ta sẽ không nghĩ và nói đến ai khác.
Xin lỗi nếu anh không bị choáng ngợp đến thế. Nếu anh thấy có thể chuyện trò với anh ta, anh sẽ lấy làm vui mà kết bạn; nhưng nếu anh ấy chỉ hợm hĩnh ba hoa, anh ấy sẽ không chiếm thời giờ và tâm trí của anh.
Ý tưởng của em về anh ấy là anh ấy có thể thích nghi mà trò chuyện theo sở thích của từng người, và có khả năng cũng như ý muốn để tỏ ra dễ mến đối với tất cả mọi người . Với anh, anh ấy sẽ nói về việc trồng trọt, với em, về hội hoạ và âm nhạc, và theo cách như thế với những người khác. Anh ấy có kiến thức tổng quát về mọi đề tài để giúp anh ấy đi theo hoặc dẫn dắt cuộc trao đổi và nói rất hay theo mỗi đề tài. Em có ý tưởng về anh ấy như thế.
Anh Knightley nồng nàn nói:
Còn ý tưởng của anh là, nếu anh ta làm theo thì không ai sẽ chịu nổi! Sao cơ! Vào tuổi hai mươi ba mà lại hơn ông tướng giữa đám đông – con người vĩ đại – một chính trị gia lão luyện có khả năng đọc được cá tính của tất cả mọi người, và khiến cho tài năng của tất cả mọi người góp phần cho anh ta phô trương tính ưu việt để phát tán lời ca tụng về anh ta, rằng anh ta có thể hiến cho mọi người trông như kẻ ngốc so với minh! Emma này, ngay cả cảm nghĩ tốt của em vẫn không thể chịu đựng nổi một anh chàng huênh hoang như thế.
Emma nói:
Em sẽ không nói gì về anh ấy nữa, anh đã biến mọi thứ thành xấu xa. Cả hai chúng ta đều có định kiến, anh thích bác, em bênh vực. Chúng ta không có cách nào đồng ý với nhau cho đến khi anh ấy thật sự đến đây.
Định kiến! anh không có định kiến.
Nhưng em có nhiều định kiến mà không thể lấy làm xấu hổ. Tình thương mến của em đối với hai vợ chồng Weston khiến cho em có định kiến tốt về anh ấy.
Anh ta là người mà anh không bao giờ nghĩ tới từ tháng này sang tháng khác.
Thái độ bực bội của anh Knightley khiến cho Emma lập tức nói về chuyện khác, dù co không thể hiểu tại sao anh lại bực bội.
Có ác cảm với một thanh niên chỉ vì anh này xem dường như có tâm tính khác với anh thì không xứng với đầu óc phóng khoáng mà lúc nào cô cũng thấy nơi anh. Vì thế, từ trước đến giờ cô không hề nghĩ rằng anh thiếu công tâm đối với chân giá trị của người khác.