NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Hồ Tuyệt Mệnh

Chương 22: Câu chuyện thời nhà Minh

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ
Chọn tập
Ads Top

Đối diện với ảnh viện là một nhà hàng Tị Phong Đường (1), Na Lan bước vào ăn bữa trưa. Lúc chờ đồ ăn, cô mở ví lấy di động ra xem mới biết có cuộc gọi nhỡ. Của Đào Tử.

“Cậu đang ở đâu?” Đào Tử phủ đầu luôn.

“Đang ngồi trong hiệu Tị Phong Đường.”

“Để làm gì?”

“Làm gì à? Tớ tránh gió.”

“Nói vớ vẩn! Tớ về Giang Kinh tối qua, vốn định xuất hiện bất ngờ khiến cậu phải giật mình, nào ngờ ký túc xá vắng tanh vắng ngắt. Tớ định chờ cậu về sau khi đi chơi chán chê, đẩy cửa vào sẽ dọa cậu chết ngất, nào ngờ đợi suốt đêm cũng chẳng thấy cậu đâu. Tớ mới hiểu ra, tớ về quê thăm gia đình mấy hôm, cậu đã lấy chồng danh giá rồi!” Đào Tử lúc nào cũng thích nói năng khoa trương.

Na Lan cười gượng, đáp: “Cậu không biết à: tớ có nhà mà không thể về. Cậu biết không, Ninh Vũ Hân chết rồi!”.

Đào Tử “ôi” một tiếng, rồi nói: “Vẫn nõi là cô ta đang thất tình. Chắc là tự sát? Chuyện này và chuyện cậu lấy chồng danh giá có liên quan gì không?.

“Tớ phát hiện ra thi thể của cô ấy trước tiên. Hôm đó cô ấy hẹn tớ đến nhà.”

Đào Tử càng kinh ngạc, hồi lâu mới nói: “Lâu nay tớ cứ tưởng cậu và cô ấy là tình địch.”

“Cô ấy vốn định tâm sự cởi mở, có ý khuyên
tớ đừng làm việc cho Tần Hoài. Lúc tớ đến nhà Vũ Hân thì thấy cô ấy đã treo cổ, tắt thở. Anh Ba Du Sinh không cho tớ biết về các tình tiết nhưng tớ có cảm giác họ đã loại trừ khả năng tự sát và khẳng định rằng Ninh Vũ Hân bị giết hại. Sau sự kiện đó, có kẻ bám theo thậm chí định trừ khử tớ.” Giọng Na Lan trầm hẳn xuống.

“Thế thì cậu…”

“Tớ đành đi trốn. Có lúc ở nhà ông anh họ, có lúc ra ở khách sạn, rồi lại sang ở chỗ Tần Hoài.”

“Trời đất ạ, thì ra lời tiên tri đáng sợ kia đã ứng nghiệm, cậu đã về làm dâu nhà danh giá rồi.”

“Danh giá? Là nhà đá thì có!” Na Lan cảm thấy bất an, cô không muốn Đào Tử biết quá nhiều bí mật. Biết càng nhiều sẽ càng nguy hiểm. “Cậu trở lại thì tốt rồi. Con chuột hamster đã có người chăm nuôi. Mấy ngày vừa rồi tớ toàn nhờ đứa cháu họ Thành Viên Viên đến ký túc xá cho nó ăn.”

Đào Tử nói: “Tớ gặp Thành Viên Viên rồi, con bé cũng có trách nhiệm đấy.”

Na Lan nói: “Tớ không thể liên lạc nhiều với cậu vì sợ cậu bị rắc rối lây.”

“Rắc rối gì? Cậu giữ kẽ quá!” Đào Tử hơi bực mình.

Nhưng Na Lan vẫn giữ nguyên tắc: “Thật thế! Cậu nên tin tớ. Lần sau gặp nhau cậu sẽ biết. Hiện giờ tớ đang rất phiền hà.”

Quá nửa đêm hôm qua Na Lan từ đảo Hồ Tâm bơi sang bờ hồ, vào trong xe Odysseia của Tần Hoài thay đồ, sau đó vào ở một khách sạn tầm tầm. Lúc này còn mười tiếng đồng hồ nữa trời mới tối, ăn cơm xong cô đến thẳng thư viện thành phố Giang Kinh.

Cô muốn xem ngay cuốn “truyện ký” mà Sầm San San nói đến.

Tuy Na Lan đã chính thức được “nằm vùng” trong nhà Tần Hoài nhưng anh ta không dễ dãi cho phép cô tùy ý bước vào thư phòng.

Bên trong thư viện có đặt hai máy tính để cho độc giả tra cứu. Na Lan nhập vào máy chữ “truyện ký, Giang Kinh”, chỉ thấy một lô kết quả là các tiểu thuyết kinh dị lấy Giang Kinh làm bối cảnh, tác giả Tần Hoài. Na Lan hậm hực nhìn tên anh ta. Cô bỗng nảy ra một ý: dù là sách thời Minh hay Thanh, truyện ký về Giang Kinh lưu truyền đến này xuất bản thành sách chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề là mình không biết tên sách, nếu hỏi về chuyên gia về lĩnh vực này thì biết ngay.

Lẽ nào trong thư viện lại không có chuyên gia như thế?

Người thủ thư ở quầy phục vụ là một thư sinh có bộ ria thưa, mặt cắm vào màn hình máy tính chẳng khác nào nhập thiền nhưng đôi mắt thì chuyển dịch theo Na Lan. Thấy cô bước đến trước mặt, anh ta cố ra vẻ đang nhìn vào màn hình nhằm chứng tỏ “anh đây không màng gái đẹp”. Na Lan mỉm cười, hỏi:
“Chào anh. Em muốn hỏi một câu hơi thộn về cách tra cứu.”

“Câu hỏi về tra cứu thì không bao giờ thộn cả. Nếu không, tôi học bốn năm đại học, tôi là gã thộn chắc?” Anh thủ thư cười, lộ ra hàm răng đã bắt đầu xộc xệch. “Nói đùa vậy thôi, em cứ hỏi thoải mái đi.”

Na Lan nói: “Em muốn tìm một cuốn sách không hẳn là viết về Giang Kinh nhưng chắc chắn có liên quan đến Giang Kinh. Tác giả là người thời Minh hoặc Thanh, thuộc loại truyện ký… liệu có thể tìm thấy nó ở khu vực nào?”.

Vẻ mặt với bộ ria thưa đang rất đắc chí bỗng tiu nghiu. Anh ta gãi gãi mái tóc cũng thauw như thế, nói: “Điều này thì… không những không thộn mà còn rất chuyên nghiệp, Cho nên cần người có tay nghề để giải đáp. Tôi…”

Na Lan đang chờ anh ta nói “tôi chính là nhà nghề đây”, nào ngờ anh ta lại nhấc điện thoại, nói: “Tôi phải mò xem sao.” Rồi nói vào ống nghe: “Giáo sư Diêu phải không? Tôi là Trịnh, tôi dắt mối hàng giúp sư phụ đây. Vâng, người thật việc thật. Tôi dẫn đến gặp sư phụ nhé!” Anh ta đặt máy xuống, nói: “Đi theo anh!”

Na Lan cau mày: “Dắt mối? Người thật việc thật? Các người coi tôi là món đồ béo bở chắc?”.

“Người đẹp lại thích hài hước, không nhiều!” Anh chàng “Trịnh ria” bước ra khỏi quầy phục vụ, dẫn Na Lan xuống tầng hầm, vừa đi vừa nói: “Cô giáo Diêu là chuyên gia về sách cổ và địa phương chí của chúng tôi. Nếu bà ấy bó tay thì chúng ta chỉ còn cách thắp hương mời thần linh vậy.”

Cô giáo Diêu tự giới thiệu mình là Diêu Tố Vân. Được gọi là sư phụ nhưng cô chưa hề già, tuổi ngoài ba chục, khuôn mặt ưa nhìn, đặc biệt là cô son phấn hơi sặc sỡ không thật hợp với hình ảnh của nhân viên thư viện. Trên bàn làm việc đặt tấm biển ghi “Phó phòng tra cứu”. Nghe Na Lan nói xong, cô nghĩ ngợi rồi đáp: “Loại sách như thế không nhiều đâu. Tôi lấy ra vài cuốn cô thử xem có đúng cuốn cô cần không nhé!”.

Tố Vân bước đi, anh Trịnh cũng cáo từ Na Lan, nói: “Nếu em còn câu hỏi nào hơi thộn thì cứ lên gác tìm anh thộn này.” Na Lan bật cười, nói cảm ơn.

Chưa đầy năm phút sau Tố Vân đã cầm ra ba cuốn sách, cô chỉ vào một cuốn khá dày, nói: “Cuốn này rất đáng để ý. Tập hợp các truyện ký thời Minh, gồm các bài ký của hơn chục văn nhân của phủ Giang Kinh, đều viết về Giang Kinh và các vùng xung quanh.”

Na Lan cảm ơn rối rít, cầm cuốn đó lên, bìa để bốn chữ “Chiêu Dương kỷ sự”. Đúng là rất có hy vọng. Cô vội mở xem phần mục lục, tìm những chữ như “gió mưa, áo tơi…”

Không
thấy.

Cô nhớ lại các nhân vật và tình tiết trong ‘Phần dẫn 1″ hồ Chiêu Dương, Bá Nhan giấu châu báu, Phượng Trung Long, Văn Oanh. Rồi lướt nhìn các tiêu đề, quả nhiên thấy bài Văn Bính tạp lục. Văn Bính là Văn thái sư quyền cao chức trong – cha của tiểu thư Văn Oanh trong tác phẩm của Tần Hoài.

Bài này không viết về câu chuyện lời nguyền áo tơi trong mưa gió nhưng rất có thể có liên quan nào đó.

Na Lan lần theo số trang, giở đến bài “Văn Bính tạp lục”.

Văn Bính tự Hoàng Tích hiệu Sa Ông. Vốn quê Tô Liêu thuộc Giang Kinh. Cha tên là Sung, được kế thừa tước của tổ phụ, làm Thiên hộ Lệ Cẩm Y. Bính từ nhỏ được cha chú dạy võ nghệ, người cao lớn, mắt chim ưng, dũng mãnh quả cảm. Lớn lên lại ham văn chương, nổi bật là tài thơ phú, thường viết về cảnh sắc biên thùy, với những câu như “Trăng ta nhổ trại cầm kích xuất chinh. Sáng phá ải cờ bay trong gió mạnh”. Năm Gia Tĩnh thứ 7 dự kỳ thi võ, ông được nhận tước Cẩm Y thự phó Thiên hộ. Năm thứ 9 dự thi văn, được nhận chức Hàn lâm tu soạn. Sau khi cha mất, ông được kế thừa chức Cẩm Y thự Chỉ huy sứ, song từ chối chức Hàn lâm. Vài năm sau được thăng chức Đô chỉ hay đồng tri, toàn quyền điều hành mọi việc của Cẩm Y.

Bính và Nghiêm Tung là bạn rượu bạn thơ, kết thành bè đảng trong triều, dùng Cẩm Y và hào lại làm nanh vuốt, hễ ai trái ý thì bỏ tù đến chết hoặc tru diệt phanh thây. Mỗi lân bắt giết một quan to, Bính đều hậu thưởng thăng chức cho bọn tay chân. Năm thứ 26 Bính được thăng làm Thái tử Thái bảo, năm sau được thăng chức Thái phó, năm thứ 30 được giữ chức Thái bảo, tiếp tục cai quản Cẩm Y, thâu tóm mọi quyền lực.

Bính thăng tiến lên hàng quyền quý bởi y chơi thân với Nghiêm Tung, vợ y là Nghiêm thị, cháu gái của Tung. Vợ chồng Bính chỉ sinh một gái tên Oanh. Oanh lớn lên dung nhan tuyệt mỹ, nước da sáng hồng; ngày nguyên tiêu đi chơi hội họ đăng ở kinh thành, gặp một sĩ tử tuổi chừng hai mươi, đẹp như ngọc ngà, phong độ khác thường, hai bên cùng phải lòng nhau. Thực ra sĩ tử ấy là tên cường đạo, hiệu là Phượng Trung Long, có biệt tài trèo tường phi thân lại rất thạo sông nước. Nửa đêm hôm sau Long đột nhập phủ họ Văn cùng cô gái giao hoan đằm thắm, cứ thế kéo dào. Mùa thu năm sau Long đột nhập cung điện lấy trộm tấm bản đồ chỉ dẫn nơi tể tướng Bá Nhan cất giấu của cải bất nghĩa, là đảo giữa hồ Chiêu Dương phủ Giang Kinh. Long lại đột nhập phủ họ Văn đưa tiểu thu trốn khỏi kinh thành.

Đến phủ Giang Kinh thì gặp một đạo nhân thọt cản đường, ông ta tự xưng là thầy tướng, nói rằng: “Tiên sinh sắp gặp họa huyết quan, chỉ cần tránh xa hồ Chiêu Dương thì sẽ an lành.” Long cười nhạo. Cô gái hỏi: “Là thế nào?” Đạo nhân nói: “Hễ nhìn thấy
người mặc áo tơi câu cá ở hồ Chiêu Dương thì ắt có người bỏ mạng.” Long bỏ ngoài tai, tiếp tục cùng cô gái đến bên hồ dựng lều tranh mà ở. Một đêm mưa gió cô gái chợt tỉnh giấc, ra mở cửa sổ thì nhìn thấy người mặc áo tơi ngồi thuyền nhỏ câu cá, cô cho là điềm gở

Sáng ra, Long muốn sang đảo tìm kho báu, cô gái ra sức khuyên can nhưng Long không nghe, nói là hễ được kho báu sẽ bỏ nghề trộm cắp. Long xem chỉ dẫn của bản đồ, đi ngựa tìm đến nơi giấu của, lặng xuống nước. Cô gái mỏi mắt chờ đợi cả ngày vẫn biệt tăm, đêm ấy cô mất ngủ. Hôm sau, xác Long nổi lên giạt về, y đã chết đuối.

Bính mất con gái, chỉ sau một đêm tóc đã bạc trắng, sai Cẩm Y Vệ sứ và Đông Xưởng phiêu kỵ đi tìm khắp nơi. Long chết, cô gái mất chỗ dựa, được quan quân tìm thấy. Bính đích thân đến Giang Kinh đón con gái về, từ đón nhotts con trong thâm khuê. Lâu ngày, cô như bị ma ám, đêm đêm khóc than thảm thiết, ai nghe cũng thấy xót thương. Bính mời danh y chạy chữa, ai không chữa được đều bị đánh đòn đến chết. Cô gái dần bình phục, kết duyên với Trọng Mãn con trai Hứa Thường Thuật là quan Thị lang bộ Lại. Trọng Mãn có tài thơ văn hơn đời, rất được vua trọng dụng. Năm thứ 36 Bính mắc tội phạm thượng bị tru di cả họ, riêng cô con gái được miễn tội (2).

Na Lan đọc cổ văn không mấy khó khăn, gần như có thể khẳng định ghi chép này là nguyên gốc cho ‘Phần dẫn 1 “Lời nguyền áo tơi trong mưa gió”‘ của Tần Hoài. Cô đọc kỹ một lần nữa, phiên dịch lại từng câu chữ. Câu chuyện thật thú vị.

Lúc này cô mới chú ý đến tác giả: Du Bạch Liên. Có mấy câu giới thiệu, Du Bạch Liên là một học trò sống vào những năm Càn Long đời Thanh, là “thổ dân” của phủ Giang Kinh, công danh trắc trở nên viết sách làm thú vui. Bài “Văn Bính tạp lục” này và các tác phẩm khác của Du Bạch Liên đều nằm trong tập “Vãn Đình tùy thức” của ông.

Na Lan làm thủ tục mượn cuốn “Chiêu Dương kỷ sự” này, rồi lên gác tìm anh Trịnh ở quầy phục vụ. Trịnh cố ý giữ vẻ mặt “bình thản trước mọi nỗi buồn vui”, gượng cười: “Hoan nghênh cô em lại đến.”

“Anh giúp em một việc được không?”

“Phục vụ độc giả là nhiệm vụ của anh.”

Na Lan tủm tỉm: “Phiền anh photo cho em mấy trang trong sách này, sau đó… ở chỗ anh có máy scan không? Em muốn scan thành ảnh hoặc định dạng PDF, rồi nhờ máy tính của anh để…”

“Tức là giúp ba việc.”

“Việc cuối cùng em có thể tự làm trên mạng. Nếu phiền quá thì thôi cũng được. Em xin gửi phí photo và scan.”

Trịnh lại cười, nói: “Anh nói đùa thôi. Ba việc vặt, dễ ợt!”
Anh cảm thấy hôm nay là ngày tương đối khởi sắc trong công việc của một thủ thư mới mẻ.

Na Lan truyền các tờ PDF “Văn Bính tạp lục” và vài tác phẩm khác của Du Bạch Liên cho Cung Tấn là nghiên cứu sinh bộ môn Văn học cổ điển khoa Ngữ văn đại học Giang Kinh. Cung Tấn học trên Na Lan hai lớp, anh từng theo đuổi cô. Theo cách nói của Đào Tử thì Cung Tấn theo đuổi Na Lan theo lối lỳ lợm, không phải táo tợn, mà nên nói là trơ trẽn cực kỳ. Viết thư tình, Cung Tấn dùng lời lẽ bóng bẩy theo kiểu văn biền ngẫu, anh ta còn vẽ bức trang “Ỷ lan sĩ nữ đồ” dán ở cửa phòng cô, vẽ cô gái có khuôn mặt rất giống Na Lan, sinh động hơn cả những thiếu nữ Thập nhị nhạc phường trong tranh của Trần Dật Phi (3). Nếu hồi đó Na Lan chưa yêu Cốc Y Dương thì cô đã xiêu lòng rồi cũng nên.

Khi xưa Cốc Y Dương theo đuổi Na Lan, anh chỉ nói một câu “chúng ta đi xem phim nhé.”

Cho nên Đào Tử phê bình Na Lan rằng hồi đó cô OK “chú nhóc họ Cốc” quá dễ dãi, cho nên anh ta mới cạn tình như thế, đi Bắc Kinh rồi không thèm liên lạc gì nữa. Nhưng Đào Tử không biết nỗi riêng tư giữa Na Lan và Cốc Y Dương, Na Lan cũng không muốn nhắc đến, cô thừa nhận rằng tuổi trẻ sao tránh khỏi mắc sai lầm, biết lỗi rồi sửa thì vẫn là tốt.

Na Lan ra khỏi thư viện, tay cầm cuốn sách, ngồi trên bậc thềm ở vườn hoa phía sau thư viện hít thở không khí trong lành hiếm hoi giữa nội thành. Cô định gọi điện cho Đào Tử, giải thích rằng cô không e ngại gì bạn, chỉ vì cô đã trót thâm nhập vào nơi đầy rắc rối. Lẽ ra cô nên nghe Ninh Vũ hân tránh đi thật xa, nhưng đã muộn.

Cô còn đang do dự thì chuông điện thoại reo. Cung Tấn gọi.

“Em định chuyển nghề thì cứ sang khoa Ngữ văn, làm em gái anh đi! Cung Tấn có ưu điểm là rất nhẹ nhõm với thất bại. Không chinh phục được Na Lan, anh quay sang cưa hoa khôi khoa Hóa, cũng thất bại, anh lại cưa một nàng khoa Thương mại thì cưa đổ. Nay anh đã có bạn gái, cô sinh viên năm thứ nhất.

Na Lan nói: “Anh đã có em út rồi kia mà? Anh có thể cho em biết Du Bạch Liên có đáng tin không? Chuyện Bá Nhan giấu của, người mặc áo tơi câu cá, có thật không?”.

“Anh là dân gốc Giang Kinh, cho nên rất biết về Du Bạch Liên, ông là một trong những bậc kỳ tài thời đó, được gọi là đỉnh cai thi-thư-họa, riêng anh hơi khắt khe, anh cho rằng tài nghệ siêu quần của ông ta là lĩnh vực điêu khắc…”

Na Lan nhắc anh: “Đại huynh nói lan man rồi đấy!”.

Cung Tấn nói: “OK! Anh nói vậy: đời vua Gia Tĩnh triều Minh không hề có ai là Văn Bính tài ba dị thường đã đứng trong hàng tam công lại cai quản Cẩm Y Vệ. Chỉ là Du Bạch Liên viết truyện, bịa ra mà thôi. Còn chuyên Bá Nhan giấu của, người mặc áo tơi câu cá, là những câu chuyện cũ rích mà ông nội và bố anh đều hay kể lại. Họ tránh không nhồi sọ đứa trẻ ngây thơ là anh những điều nhảm nhí ấy, nhưng hễ nhấp vài chén rượu thì hai vị lại kể về truyền thuyết đó, hết sức ly kỳ cứ như là chuyện về UFO, có người nói mình nhìn thấy nhưng lại không có chứng cứ gì. Nhưng anh đã phát hiện ra một chuyện cực kỳ thú vị. Cung Tấn ngừng lại, cứ như là người mặc áo tơi vô hình đang nhử mồi câu Na Lan.

“Em đang nghe đây.” Cô ấm ức nhưng đành giả vờ đã “cắn câu”.

“Anh đã lục tìm ba cuốn “Vãn Đình tùy thức” mà ông nội và bố anh sưu tầm, thấy rằng chỉ có bản in năm thứ nhất Dân quốc có in bài “Văn Bính tạp lục”. Chứng tỏ người chỉnh lý biên tập cuốn “Chiêu Dương kỷ sự” rất chuyên nghiệp. Nói cách khác, người này đã thật sự tìm ra bản gốc chính xác của “Vãn Đình tùy thức”.”

Na La mở cuốn “Chiêu Dương kỷ sự” ra, thấy ghi họ tên chủ biên và một loạt tên những người hiệu đính chú thích chỉnh lý.

Trong đó có Tần Hoài.

Cô nói rất khẽ, rất khẽ, chỉ đủ cho mình nghe: “Mình biết người biên tập sách cổ xuất sắc ấy là ai rồi

Chú thích:

(1): Hiệu ăn kiểu Hồng Kông. “Tị Phong Đường” có nghĩa là “Nhà tránh gió”.

(2): Nguyên văn đoạn văn trên viết bằng thể văn ngôn (cổ văn). Không phải người Trung Quốc nào cũng đọc hiểu.

(3): Trần Dật Phi (1946 – 2005), họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng chuyên vẽ tranh sơn dầu

Chọn tập
Bình luận
Ads Footer