NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Lịch Sử Vạn Vật

Chương 2. HỆ MẶT TRỜI

Tác giả: Bill Bryson
Ads Top

Ngày nay các nhà thiên văn có thể làm được những việc kỳ diệu nhất. Nếu một ai đó đánh một que diêm trên mặt trăng, họ có thể lập tức nhận ra được ngọn lửa này. Bất kỳ một chuyển động nhỏ nhất nào của các vì sao xa xôi, họ có thể tìm ra được kích cỡ và đặc điểm và thậm chí cả khả năng tồn tại đời sống của các hành tinh rất xa này – những hành tinh ở khoảng cách xa đến mức chúng ta phải mất nửa triệu năm để đi bằng tàu không gian đến đó. Với kính thiên văn sóng vô tuyến, họ có thể ghi nhận được các chuỗi bức xạ cực nhỏ ở các hành tinh đó.

Tóm lại, gần như không có gì diễn ra trong vũ trụ mà các nhà thiên văn không thể tìm được khi họ muốn. Đây là lý do tại sao mãi đến năm 1978 không ai có thể biết được rằng sao Diêm vương (Pluto) có một mặt trăng xoay quanh nó. Vào mùa hè năm đó, một nhà thiên văn trẻ tuổi tên là James Christy tại đài thiên văn U.S Naval ở Flagstaff, Arizona, đang theo dõi các hình ảnh về sao Diêm vương (Pluto) như thường lệ thì anh ta nhận thấy rằng có một cái gì đó xuất hiện – một cái gì đó rất mờ và khó xác định, nhưng rõ ràng nó không phải là sao Diêm vương (Pluto). Khi tham khảo ý kiến của một đồng nghiệp tên là Robert Harrington, anh ta kết luận rằng những gì anh ta trông thấy chính là một mặt trăng. Và nó không giống bất kỳ mặt trăng nào khác. Có liên hệ mật thiết với sao Diêm vương (Pluto), nó là mặt trăng lớn nhất trong hệ mặt trời.

Đây thực sự là một khám phá vô cùng bất ngờ về sao Diêm vương (Pluto), trước đó người ta chưa bao giờ xem nó là một hành tinh mạnh. Vì trước đó khoảng không gian chiếm đóng của sao Diêm vương (Pluto) được xem là ngang bằng với khoảng không gian bị chiếm đóng bởi mặt trăng của chúng ta, điều đó có nghĩa là người ta xem sao Diêm vương (Pluto) nhỏ hơn so với bất kỳ hành tinh nào khác – thậm chí còn nhỏ hơn cả sao Thủy (Mercury). Thật vậy, bảy mặt trăng trong hệ mặt trời, kể cả mặt trăng của chúng ta, đều lớn hơn nó.

Lúc này câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể tìm ra được mặt trăng này. Câu trả lời ở đây là một phần do hướng xoay của đài thiên văn, một phần do mục tiêu thiết kế của các phương tiện tại đài thiên văn, và một phần do đó là sao Diêm vương (Pluto). Theo lời nhà thiên văn Clark Chapman: “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng các nhà thiên văn thường quan sát bầu trời vào ban đêm. Điều đó không đúng. Hầu hết các kính thiên văn chúng ta có trên thế giới đều được thiết kế để quan sát những đối tượng cực nhỏ trên bầu trời ở khoảng cách rất xa nhằm tìm ra những chuẩn tinh hoặc nhằm tìm kiếm các lỗ đen hoặc quan sát các ngân hà ở rất xa. Mạng lưới kính thiên văn đã được thiết kế và xây dựng bởi quân đội”.

Chúng ta đã bị ảo giác khi hình dung một giải pháp không thể tồn tại trong thiên văn học. Sao Diêm vương (Pluto) trong bức ảnh của Christy xuất hiện khá mờ nhạt và mặt trăng của nó không phát sáng như bạn nghĩ, nói đúng ra nó là một điểm mờ nhạt mơ hồ trên bức ảnh. Sự mờ nhạt như thế khiến chúng ta mất bảy năm để có thể bắt gặp lại hình ảnh này và xác định sự tồn tại của nó.

Một điều thú vị về khám phá của Christy là nó xảy ra tại Flagstaff, cũng tại nơi này vào năm 1930 sao Diêm vương (Pluto) đã được khám phá lần đầu tiên. Sự kiện quan trọng này có liên hệ mật thiết đến nhà thiên văn Percival Lowell. Lowell, xuất thân từ một trong những gia đình giàu có nhất ở Boston, có khả năng thiên phú về lĩnh vực thiên văn, người ta nhớ đến ông qua niềm tin của ông rằng sao Hỏa (Mars) bị bao phủ bởi các con kênh do người sao Hỏa xây dựng với mục đích dẫn nước đến khu vực khô nhưng có khả năng sản xuất gần đường xích đạo hơn.

Lowell tin chắc rằng, tại một nơi nào đó bên ngoài sao Hải vương (Neptune) tồn tại một hành tinh thứ chín chưa được khám phá được gọi là hành tinh X. Lowell thiết lập niềm tin này trên cơ sở là những biến động mà ông nhận thấy trong quỹ đạo của sao Thiên vương (Uranus) và sao Hải vương (Neptune), và ông đã trải qua những năm cuối đời nhằm khám phá hành tinh X này. Thật đáng tiếc, ông qua đời đột ngột vào năm 1916, có lẽ một phần kiệt sức vì quá trình nghiên cứu của mình, và mọi việc nghiên cứu đều bị dừng lại trong khi những người thừa kế của Lowell tranh giành tài sản của ông. Tuy nhiên, vào năm 1929, những người chỉ huy đài thiên văn Lowell quyết định tiếp tục việc nghiên cứu này và thuê một nhà thiên văn trẻ đến từ Kansas tên là Clyde Tombaugh.

Tombaugh trước đó không hề được đào tạo chính thức về lĩnh vực thiên văn, nhưng anh ta là người rất siêng năng và sắc sảo, và sau một năm kiên nhẫn tìm kiếm anh ta bắt gặp sao Diêm vương, một điểm ánh sáng mờ trên nền trời lấp lánh. Đó là một khám phá kỳ diệu, và điều này cho thấy rằng sự tiên đoán của Lowell về sự tồn tại của một hành tinh nằm ngoài sao Hải vương (Neptune) là không đúng. Tombaugh có thể lập tức nhìn thấy hành tinh mới hoàn toàn không giống với quả khí cầu khổng lồ mà Lowell đã xác định trước đó, nhưng mọi nhận định của anh hoặc của bất kỳ ai về đặc điểm của hành tinh mới này đều nhanh chóng bị quên lãng vì mọi người quá hào hứng với khám phá mới này. Đây là hành tinh đầu tiên do người Mỹ khám phá. Nó được đặt tên là sao Diêm vương (Pluto). Sau khi qua đời Lowell nổi tiếng là một thiên tài bậc nhất, và không ai nghĩ đến Tombaugh, ngoại trừ các đồng nghiệp tỏ lòng kính trọng anh.

Ngày nay một số nhà vũ trụ học vẫn nghĩ rằng có thể có một hành tinh X ở đó – một hành tinh cực lớn, có lẽ to gấp mười lần so với sao Mộc (Jupiter), nhưng ở xa đến mức chúng ta không thể nhìn thấy. (Nó nhận được ít ánh nắng mặt trời đến mức nó gần như không hề phản chiếu ánh sáng). Ý tưởng ở đây là: nó không phải là một hành tinh bình thường như sao Mộc (Jupiter) hoặc sao Thổ (Saturn) – nó xa hơn rất nhiều; có thể nói nó cách xa chúng ta 4,5 triệu dặm – nhưng lại giống mặt trời hơn. Hầu hết các chòm sao trong vũ trụ đều mang tính nhị nguyên (hai ngôi), điều này làm cho mặt trời lẻ loi của chúng ta trở nên hơi kỳ quặc.

Về phần sao Diêm vương, không ai có thể biết chắc rằng nó to đến mức nào, hoặc cái gì cấu thành nó, bầu khí quyển của nó ra sao, hoặc thậm chí thực ra nó là thứ gì. Nhiều nhà vũ trụ học tin rằng nó hoàn toàn không phải là một hành tinh, mà chỉ là một vật thể lớn nhất được tìm thấy (cho đến nay) trong một phân mảnh của ngân hà được biết là vành đai Kuiper. Vành đai Kuiper thực ra là một học thuyết của nhà thiên văn có tên là F. C. Leonard vào năm 1930, nhưng tên gọi này (Kuiper) là để tôn vinh Gerard Kuiper, một nhà khoa học gốc Hà Lan làm việc tại Hoa Kỳ, ông đã khai triển học thuyết này. Vành đai Kuiper là nguồn tạo ra những gì chúng ta gọi là các sao chổi ngắn hạn – những sao chổi xuất hiện và biến mất khá đều đặn – trong số các sao chổi này thì sao chổi Halley nổi tiếng nhất. Những sao chổi lẩn khuất tồn tại lâu hơn (trong đó có sao chổi Hale-Bopp và Hyakutake) đến từ áng mây Oort xa hơn nhiều.

Rõ ràng sao Diêm vương không vận hành giống các hành tinh khác. Nó không những còi cọc và tối tăm, mà quá trình chuyển động của nó còn hay thay đổi đến mức không ai có thể nói cho bạn biết rằng sao Diêm vương sẽ xuất hiện ở đâu trong một thế kỷ sắp tới. Trong khi đó các hành tinh khác di chuyển theo một quỹ đạo tương đối cố định, quỹ đạo của sao Diêm vương nghiêng một góc 17 độ, giống như chiếc vành nón đội lệch trên đầu. Quỹ đạo của nó thay đổi bất thường đến mức trong một khoảng thời gian dài khi nó di chuyển quanh mặt trời, nó có thể xuất hiện gần với chúng ta hơn cả sao Hải vương (Neptune). Thực ra, trong suốt những năm 1980 và 1990, sao Hải vương là hành tinh cách xa hệ mặt trời nhất. Chỉ vào ngày 11 tháng Hai, 1999, sao Diêm vương mới quay trở lại quỹ đạo bên ngoài hệ mặt trời, nó sẽ ở đó trong suốt 228 năm sắp tới.

Vậy thì nếu sao Diêm vương là một hành tinh, rõ ràng nó là một hành tinh kỳ quặc. Nó rất nhỏ: chỉ bằng ¼ của 1% khối lượng trái đất. Nếu bạn đặt nó vào Hoa Kỳ, nó chỉ chiếm diện tích của khoảng bốn mươi bang miền Nam. Chỉ riêng điều này thôi cũng khiến nó trở thành bất thường; điều đó có nghĩa là hệ các hành tinh của chúng ta gồm có bốn hành tinh chứa đá, bốn hành tinh lớn chứa khí, và một quả cầu băng tuyết nhỏ. Hơn nữa, chúng ta có mọi lý do để tin rằng chúng ta sẽ sớm tìm được những quả cầu băng tuyết khác thậm chí còn lớn hơn trong khoảng không gian này. Khi ấy chúng ta sẽ gặp rắc rối. Sau khi Christy tìm được mặt trăng của sao Diêm vương, các nhà thiên văn bắt đầu quan tâm đến việc này nhiều hơn vì đến đầu tháng 12 năm 2002 họ đã tìm được hơn sáu trăm vật thể di chuyển quanh sao Hải vương. Trong số sáu trăm vật thể này có một cái được gọi là Varuna to bằng với mặt trăng của sao Diêm vương. Ngày nay các nhà thiên văn nghĩ rằng có thể có hàng triệu những vật thể giống như thế. Khó khăn ở đây là, đại đa số những vật thể này quá tối. Chúng có suất phân chiếu (sự phản chiếu) khoảng 4 phần trăm, số còn lại tối như than – và dĩ nhiên những “hòn than” này cách xa chúng ta khoảng 4 tỉ dặm.

Và chính xác thì chúng ở cách chúng ta bao xa? Chúng ta gần như không thể hình dung được. Bạn biết đấy, không gian quá bao la. Chúng ta hãy hình dung rằng chúng ta sắp sửa tham gia một cuộc hành trình bằng tên lửa. Chúng ta sẽ không đi xa như thế – chúng ta chỉ đến biên của hệ mặt trời của chúng ta – nhưng chúng ta cần phải hiểu được rằng khoảng không gian này rộng lớn đến mức nào và rằng chúng ta chỉ có thể di chuyển được một khoảng cách nhỏ đến mức nào.

Đây là tin xấu, tôi e rằng thế, chúng ta sẽ không thể quay về nhà để dùng bữa tối. Thậm chí với tốc độ ánh sáng, chúng ta cũng phải mất tám giờ đồng hồ để đến được sao Diêm vương. Nhưng dĩ nhiên chúng ta không thể di chuyển với một vận tốc như thế. Chúng ta sẽ phải di chuyển bằng tàu không gian, và so với tốc độ ánh sáng thì tốc độ của tàu không gian được xếp vào loại khá ì ạch. Cho đến nay tốc độ di chuyển nhanh nhất mà con người có thể đạt được là tốc độ của tàu không gian Voyager 1 và Voyager 2, chúng có thể bay với vận tốc khoảng 35 nghìn dặm trong một giờ.

Lý do tàu Voyager được bắn đi vào tháng Tám và tháng Chín 1977 là vì sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương, và sao Hải vương chỉ xuất hiện thẳng hàng với nhau sau mỗi 175 năm. Điều này giúp hai tàu Voyager có thể vận dụng được kỹ thuật “trợ trọng lực” và có điểm đáp. Ngay cả như thế, chúng ta cũng mất chín năm để đến được sao Thiên vương, và mười hai năm để đến được quỹ đạo của sao Diêm vương. Tin tốt ở đây là, nếu chúng ta đợi mãi đến tháng Một năm 2006 (đây là lúc tàu không gian New Horizons của NASA bắt đầu cuộc hành trình hướng đến sao Diêm vương) thì chúng ta có thể tận dụng được nhiều kỹ thuật hiện đại, và đến đó trong khoảng mười năm – tuy thế tôi e rằng quá trình quay trở về trái đất từ sao Diêm vương sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dù sao thì đó cũng sẽ là một chuyến đi dài.

Hệ mặt trời của chúng ta có thể là thứ sống động nhất trong suốt hàng triệu dặm, nhưng mọi thứ cấu thành nó mà chúng ta có thể nhìn thấy được – mặt trời, các hành tinh, các mặt trăng, hàng tỷ các tảng đá của các chòm sao, các sao chổi, và các mảnh vụn trôi dạt hỗn độn khác – lấp đầy một phần triệu không gian hiện hữu. Bạn nhận thấy rằng không tấm bản đồ nào có thể mô tả được những thứ tồn tại bên ngoài hệ mặt trời. Hầu hết các biểu đồ bạn trông thấy ở trường học đều mô tả các hành tinh xuất hiện hài hòa với nhau – thực ra khoảng cách giữa các hành tinh trong thực tế là thứ chúng ta không thể minh họa được. Sao Hải vương trong thực tế không chỉ xa hơn sao Mộc chút ít, nó nằm bên kia sao Mộc – cách xa chúng ta gấp năm lần so với sao Mộc, nó xa đến mức nó chỉ nhận được 3 phần trăm ánh sáng mặt trời so với sao Mộc.

Chính vì những khoảng cách quá lớn này nên chúng ta không thể vẽ hệ mặt trời theo đúng tỉ lệ thực, ngay cả khi bạn dùng nhiều trang giấy dán lại với nhau. Trong một biểu đồ về hệ mặt trời theo đúng tỉ lệ thực, nếu trái đất được thu nhỏ có đường kính bằng hạt đậu thì sao Mộc cách xa chúng ta hàng trăm mét và sao Diêm vương cách xa chúng ta một dặm rưỡi (và có kích thước bằng một con vi khuẩn, thế nên bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy nó). Cùng một tỉ lệ như thế, Proxima Centauri, ngôi sao gần chúng ta nhất, sẽ cách chúng ta mười nghìn dặm.

Thế nên hệ mặt trời của chúng ta quá bao la. Trước khi chúng ta đến được sao Diêm vương, chúng ta phải di chuyển đủ xa để có thể trông thấy mặt trời của chúng ta chỉ còn bằng đầu kim. Nó nhỏ hơn so với một ngôi sao sáng. Trong khoảng không gian bao la đó bạn có thể hiểu được rằng tại sao những vật thể quan trọng nhất – chẳng hạn như mặt trăng của sao Diêm vương – lại không được người ta chú ý đến. Mãi đến khi tàu Voyager khởi đầu cuộc viễn chinh của nó, sao Hải vương vẫn được xem là hành tinh có hai mặt trăng; Voyager đã tìm được thêm sáu mặt trăng khác nữa. Khi tôi còn bé, hệ mặt trời được xem là có ba mươi mặt trăng. Tổng số mặt trăng hiện nay, trong hệ mặt trời là “ít nhất chín mươi”, khoảng một phần ba trong số này được khám phá trong vòng mười năm qua.

Dĩ nhiên, điểm cần ghi nhớ ở đây là, khi nói đến vũ trụ chúng ta không thực sự biết được thứ gì thực sự đang tồn tại trong hệ mặt trời của chúng ta.

Lúc này chúng ta đang di chuyển nhanh để hướng đến sao Diêm vương. Nếu bạn kiểm tra lại lịch trình của mình, bạn sẽ nhận thấy rằng đây là một chuyến đi hướng về biên điểm của hệ mặt trời, và tôi e rằng chúng ta vẫn chưa đến được biên điểm của hệ mặt trời. Sao Diêm vương có thể là vật thể cuối cùng xuất hiện trong các biểu đồ tại nhà trường, nhưng hệ mặt trời vẫn chưa dừng lại ở đó. Thực ra, chúng ta không thể đến được biên điểm của hệ mặt trời trừ khi chúng ta băng qua dải mây Oort, một khu vực bao la tập hợp các sao chổi trôi dạt, và chúng ta không thể đến được dải mây Oort vì một lý do khác – tôi rất tiếc phải nói về điều này – phải mất mười nghìn năm chúng ta mới đến được đó.

Dĩ nhiên chúng ta chẳng hy vọng gì về một cuộc hành trình như thế. Một chuyến đi 240.000 dặm đến mặt trăng đã là một việc rất khó khăn đối với chúng ta. Cuộc hành trình hướng đến sao Hỏa, được kêu gọi lần đầu bởi Tổng thống Bush, đã bị hủy bỏ khi người ta ước tính nó ngốn mất 450 tỉ đô-la Mỹ và có thể gây thiệt mạng cho tất cả các thành viên trên tàu (ADN của họ sẽ bị xé toạc bởi những hạt năng lượng mặt trời rất cao).

Dựa vào những gì ngày nay chúng ta biết được và suy luận được, chúng ta chẳng mảy may hy vọng rằng loài người sẽ đến được biên của hệ mặt trời – chẳng bao giờ. Cho đến nay, ngay cả với kính thiên văn Hubble, chúng ta không thể khảo sát được dải mây Oort, thế nên chúng ta không thực sự biết được rằng nó có ở đó. Sự tồn tại của nó có lẽ chỉ dựa vào giả thuyết. [1]

Tất cả những gì chúng ta có thể nói về dải mây Oort là: nó khởi đầu từ đâu đó phía bên kia sao Diêm vương và trải dài khoảng hai năm ánh sáng trong vũ trụ. Đơn vị đo lường cơ bản trong hệ mặt trời là Astronomical Unit, hay còn gọi là AU, tượng trưng cho khoảng cách từ mặt trời đến trái đất. Sao Diêm vương cách chúng ta khoảng 40 AU, tâm điểm của dải mây Oort cách chúng ta khoảng năm mươi nghìn AU. Tóm lại, nó ở rất xa.

Nhưng giả sử rằng chúng ta đến được dải mây Oort. Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy là nó rất yên tĩnh. Lúc này chúng ta đang ở một nơi rất xa – xa đến mức mặt trời không còn là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời nữa. Điều đáng nói ở đây là ngay cả ánh sáng lấp lánh từ xa của mặt trời cũng có thể giữ được các sao chổi này di chuyển theo đúng quỹ đạo của chúng. Đây không còn là sự liên kết mạnh mẽ, thế nên các sao chổi di chuyển khá chậm, ở tốc độ khoảng 220 dặm trong một giờ. Liên tục và liên tục, vài sao chổi thoát ra khỏi quỹ đạo của chúng do bởi bất kỳ sự gián đoạn nào về trọng lực, dù là rất nhỏ – chẳng hạn khi có một vì sao nào đó di chuyển ngang qua. Đôi khi chúng bị bắn vào khoảng không gian vô tận, không bao giờ quay trở lại, nhưng đôi khi chúng cũng rơi vào một quỹ đạo xa hơn và di chuyển quanh mặt trời. Trong một năm có khoảng ba hoặc bốn sao chổi trong số này, được biết là các sao chổi tồn tại lâu, băng ngang hệ mặt trời. Đôi khi các vì sao lạc này va chạm phải một thứ gì đó cứng rắn, chẳng hạn trái đất. Chúng rơi vào trung tâm của hệ mặt trời, chúng có thể rơi trúng bất kỳ nơi nào, Manson hoặc Iowa. Chúng phải mất một khoảng thời gian dài để đến được đó – ít nhất ba hoặc bốn triệu năm – thế nên chúng ta không cần quan tâm đến chúng và chúng ta sẽ đề cập đến chúng trong phần sau của câu chuyện.

Đó là hệ mặt trời của chúng ta. Và phía bên kia hệ mặt trời là gì? Không gì cả và rất nhiều, điều này tùy thuộc vào sự quan sát của bạn.

Tóm lại, không gì cả. Khoảng không gian hoàn hảo nhất do con người tạo ra vẫn không rộng bằng sự trống rỗng trong khoảng không gian giữa các vì sao. Người hàng xóm gần chúng ta nhất, Proxima Centauri, đây là một trong ba ngôi sao thuộc chòm sao Alpha Centauri, cách chúng ta 4,3 triệu năm ánh sáng, đây là một khoảng cách rất nhỏ trong vũ trụ học, tuy thế nó vẫn bằng một trăm triệu lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. Để đi hết khoảng cách này bằng tàu không gian, chúng ta phải mất ít nhất hai mươi lăm nghìn năm, và dù là bạn thực hiện chuyến đi này bạn vẫn chẳng đến được đâu cả ngoại trừ khoảng không gian vô tận. Để đến được sao Thiên lang (Sirius), chúng ta phải mất thêm 4,6 triệu năm ánh sáng nữa. Nếu bạn nhảy từ sao này đến sao kia để đến được trung tâm của dải ngân hà này, bạn phải mất một khoảng thời gian lâu hơn khoảng thời gian có sự sống tồn tại trên trái đất này.

Tôi xin phép lặp lại, không gian vô cùng rộng lớn. Khoảng cách trung bình giữa sao này với sao kia là 20 triệu triệu dặm. Thậm chí khi bạn di chuyển bằng tốc độ ánh sáng, những khoảng cách như thế này vẫn là một thách thức lớn. Dĩ nhiên, có thể là người ngoài hành tinh đã di chuyển hàng tỷ dặm để đến Arizona, nhưng điều đó dường như không thể xảy ra.

Tuy nhiên, theo thống kê thì khả năng xuất hiện người ngoài hành tinh là một giả thuyết tốt. Không ai biết được rằng trong dải ngân hà có bao nhiêu vì sao – chúng ta dự đoán khoảng 100 tỷ cho đến 400 tỷ – và dải ngân hà này chỉ là một trong 140 tỷ dải ngân hà trong vũ trụ, có một số dải ngân hà khác còn lớn hơn dải ngân hà của chúng ta. Vào những năm 1960, một Giáo sư tại Cornell tên là Frank Drake, ông rất quan tâm đến những con số phi thường này, đã trình bày một phương trình nổi tiếng để tính toán những thay đổi của đời sống văn minh trong vũ trụ dựa vào hàng loạt những khả năng khác nhau.

Theo phương trình của Drake, bạn chia con số những vì sao trong khu vực đã chọn nào đó của vũ trụ với con số những vì sao có khả năng là một hành tinh; bạn lấy kết quả đó chia cho con số những hành tinh có khả năng duy trì sự sống; rồi bạn lại lấy kết quả ấy chia cho con số những hành tinh đang duy trì sự sông; và vân vân. Sau mỗi lần chia, kết quả lập tức giảm thiểu – tuy nhiên dù bạn có làm gì thì kết quả cuối cùng cũng là hàng triệu.

Đây quả là một ý tưởng thú vị. Có thể chúng ta chỉ là một trong hàng triệu đời sống văn minh khác. Thật đáng tiếc, vũ trụ quá bao la, khoảng cách bình quân giữa hai nền văn minh này ít nhất cũng là hai trăm năm ánh sáng. Điều này có nghĩa là, ngay cả khi người ngoài hành tinh trông thấy chúng ta qua kính viễn vọng của họ, họ chỉ có thể trông thấy được ánh sáng của trái đất cách đây hai trăm năm. Thế nên họ không thể trông thấy bạn và tôi. Họ chỉ có thể trông thấy cuộc Cách mạng Pháp và Thomas Jefferson và những người đang mua bán tơ lụa – những người không biết được nguyên tử là gì, hoặc gen di truyền là gì. Hai trăm năm ánh sáng là một khoảng cách vượt quá khả năng của chúng ta.

Thế nên ngay cả khi loài người chúng ta không đơn độc, chúng ta vẫn phải sống một mình. Carl Sagan đã tính toán rằng con số các hành tinh tồn tại trong vũ trụ có thể lên đến 10 tỷ triệu – một con số ngoài sức tưởng tượng. Nhưng còn có một điều ngoài sức tưởng tượng nữa là khoảng không gian mà chúng xuất hiện rải rác. “Nếu chúng ta ngẫu nhiên xuất hiện trong vũ trụ”, Sagan viết, “khả năng bạn xuất hiện trên hoặc gần một hành tinh là ít hơn một phần tỷ triệu triệu”. (Đó là 1033, hoặc một con số 1 và theo sau đó là ba mươi ba con số 0).

____________

[1] Chúng ta cũng có thể gọi là dải mây Opik-Oort, đây là tên của một nhà thiên văn người Estonian là Ernst Opik, ông đã trình bày giả thuyết về sự tồn tại của nó vào năm 1932, và là tên của nhà thiên văn người Hà Lan là Jan Oort, ông đính chính lại những tính toán này vào năm 1950.

Bình luận
Ads Footer