NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Nhục Hồng Ngải

Chương 2: Điên cuồng

Tác giả: Thục Linh
Ads Top

Những ngày sau đó là những ngày tìm kiếm con trong điên cuồng của Bách. Đã ba ngày trôi qua mà vẫn chưa có thông tin gì. Bố mẹ anh cũng đã lên nhà anh ở để hỗ trợ tìm kiếm, ông bà ngoại cũng đang thu xếp ở bên nước ngoài về. Họ hàng chú bác hai bên đều đang nỗ lực hết sức có thể để tìm ra tung tích của Nhật. Trong nhà có chuyện nên chẳng ai còn tâm trí làm gì.

“Cháu tôi…cháu trai bé bỏng của tôi. Khổ thân cháu tôi…Đấy, tao đã bảo mày đưa nó về tao trông cho, thì có phải không có chuyện gì rồi không!” Mẹ Bách đấm ngực thùm thụp, rít lên đầy đau khổ. Bách không muốn nghe nữa, lui vào phòng riêng, khóa trái cửa lại. Anh dựa lưng vào cửa, nín thở để nén những luồng cảm xúc. Anh mở đôi mắt ra, nhìn khắp căn phòng. Căn phòng này là phòng ngủ cũ của vợ chồng anh, giờ là nơi hai bố con anh ngủ mỗi tối. Anh nhìn đâu cũng thấy hình dáng của đứa con trai bé bỏng. Trên chiếc ga giường xộc xệch, chỉ có 2 chiếc gối, một to một nhỏ vẫn nằm lăn lóc đầy lạnh lẽo, tấm chăn mỏng nhăn nhúm vứt ở một góc giường. Anh vẫn nhớ như in những lần hai bố con cùng chơi game, đùa nghịch nhau rồi nằm lăn ra ngủ trên chiếc giường ấy. Ở góc trong của phòng là một chiếc tủ quần áo bằng gỗ lớn. Ngày nào cũng như ngày nào, anh cũng bế thằng bé lại gần tủ quần áo, cho con chọn bộ quần áo mà nó thích nhất, với lấy khăn tắm rồi công kênh Nhật lên vai, hai bố con cùng đi tắm với nhau. Trên sàn căn phòng vẫn còn rải rác những món đồ chơi của cậu bé: ô tô đồ chơi, lego, siêu nhân,…Mọi chuyện dường như vẫn còn đây.

Bách run run ngồi xuống đầu giường. Tay anh sờ nhẹ vào một chiếc váy hoa được gấp gọn ở cạnh đó. Đây là chiếc váy cũ của vợ anh, người đã mất từ ba năm về trước. Ngày nào thằng bé cũng gối đầu lên chiếc váy hoặc rúc mặt vào đó mới ngủ ngon được, mặc dù giờ đây chiếc váy đã chẳng còn sót lại chút mùi hương nào của vợ anh. Anh khẽ khàng nhấc chiếc gối nhỏ vỏ hình Doraemon của con trai đặt lên đùi, sau đó nâng chiếc váy cũ của vợ đặt lên gối của con. Anh siết chặt hai món đồ đó vào trong lòng, gục mặt khóc nức nở. 6 năm về trước, anh đã có cho mình một gia đình nhỏ, một hạnh phúc lớn lao sau bao nhiêu năm đấu tranh đầy đau khổ. Anh những tưởng hạnh phúc đó là mãi mãi thế nhưng giờ đây, anh đã chẳng còn lại gì.

[…]

“Xuân Bách….đừng bao giờ lại gần tớ nữa…”. Cô gái cột tóc đuôi gà, mặc bộ đồng phục học sinh, gắt lên rồi quay lưng bỏ đi. Dưới sân trường nắng nhạt nhòa, lá cây khẽ xao động.

“Dương! Nghe tớ giải thích đi!”. Bách chạy theo bóng lưng của cô gái nhưng càng chạy bóng cô gái càng xa.

Bộp! Một bàn tay nắm lấy khuỷu tay của Bách, giật ngược lại.

Anh thảng thốt quay ra đằng sau.

Vẫn là Dương. Lần này cô tiều tụy trong bộ váy xám, khóe miệng rỉ máu, bấu chặt lấy tay anh.

“Con của em! Anh hứa mà! Anh tìm con về cho em! Nhanh lên!!”…Dương lay anh điên cuồng, òa khóc nức nở.

“Anh..anh…”

“Lách tách…lách tách…” Từng hạt mưa đổ xuống xung quanh hai người. Dương ngẩng đầu lên. Từng hạt mưa là từng giọt máu đỏ lòm, chảy trên gương mặt cô. Chiếc váy xám cô mặc dần ướt thẫm những vệt đỏ.

Bách giật mình ngồi bật dậy trong đêm. Hóa ra đó chỉ là một giấc mơ. Đây là giấc mơ đầu tiên của Bách về Dương- vợ của mình sau khi cô mất. Kì lạ rằng từ sau khi vợ mất, chưa một lần nào anh mơ về cô mà nhìn được rõ khuôn mặt của cô đến vậy. Có lẽ những ngày vừa qua đã rút cạn sức lực của anh, anh vừa ngủ thiếp đi một lát. Giấc mơ vừa rồi khuấy động trong lòng anh những cảm xúc vô thực đầy xa xăm, đau đớn lẫn hạnh phúc.

Bách nhìn chong chong vào đồng hồ, giờ đã điểm hơn ba giờ sáng. Tay anh khẽ sờ vào khung ảnh vẫn được đặt ở chiếc bàn đầu giường, ảnh của anh và vợ đang bế Nhật, lúc ấy mới được gần 1 tuổi, ngồi trên ghế sofa, mỉm cười hạnh phúc. Gương mặt vợ anh đầy hiền hậu, tay nắm chặt lấy tay anh.

Trước khi vợ anh mất, anh đã hứa với cô, bằng giá nào cũng nuôi nấng và bảo vệ đứa con duy nhất của hai người, mang lại cho thằng bé cuộc sống hạnh phúc. Anh cứ nhìn trân trân vào khuôn mặt của vợ trong khung ảnh. Anh đã không thể mang lại cho cô cuộc sống trọn vẹn, đến lời hứa này anh cũng không thực hiện được ư? Anh sẽ buông xuôi hay sao?

[…]

Sáng ngày hôm sau, bà Mừng- mẹ của Bách dậy sớm bởi nỗi lo lắng không sao ngủ được, đã thấy anh đang lục đục sắp xếp gì đó ngoài phòng khách.

Hóa ra Bách đang đi qua đi lại thu dọn đồ đạc vào trong một chiếc túi vải dù lớn.

“Con…con làm gì thế hả?”

Bách chẳng nói chẳng rằng, cứ thế phăm phăm thu dọn đồ đạc.

Xong xuôi, khóa chiếc phecmotuya của chiếc túi lại, anh mới ngẩng đầu lên nói với mẹ.

“Con đi đây, con phải tìm thấy thằng bé cho bằng được. Có thông tin gì mẹ hẵng gọi cho con…Còn không thì không cần lo lắng cho con nhiều….”

“Đi đâu? Mày định đi đâu? Ở lại nhà còn xem bên công an như thế nào. Các bác bên này rồi các anh chị cũng đang đi tìm kiếm rồi, đang tìm được mấy nơi nhận tìm giúp những đứa trẻ mất tích…” Bà Mừng thao thao, tay níu lấy tay cầm của chiếc túi, muốn ngăn con trai lại.

“Con quyết tâm đi rồi…Con sẽ hỏi từng nơi một cho tới khi nào thấy được thằng bé mới thôi. Mẹ đừng cản con. Để lâu hơn lành ít dữ nhiều…”. Bách cất giọng nói khó khăn, mắt đục ngầu nhìn ra phía cửa.

Anh nắm lấy tay mẹ, khẽ dứt ra rồi lấy từ trong cạnh chiếc túi một cuốn sổ nhỏ, giúi vào tay bà.

“Đây là tiền tiết kiệm vợ chồng con làm lụng suốt mấy năm nay tích cóp được. Con mang theo 1 quyển, còn quyển này mẹ cầm lấy, ở nhà có chuyện gì cần dùng tới mẹ cứ dùng, chưa đáo hạn cũng rút hết ra mẹ ạ…Có tin gì mẹ cứ điện cho con ngay, mẹ nhé!”. Nói xong Bách xách chiếc túi lên đi dần ra phía cửa.

Bà Mừng vẫn gọi với theo: “Mày đi, ngộ nhỡ có làm sao, mẹ sống thế nào hả con!”.

“Mẹ yên tâm…con phải sống để đưa thằng bé về…” Bách chẳng quay lưng lại, tiến ra cửa chính căn nhà, bước ra ngoài và khẽ khép cửa lại.

Bà Mừng bất lực nhìn theo bóng lưng của đứa con trai gầy gò liêu xiêu trong chiếc áo sơ mi nhàu nát bước ra phía cửa khuất dạng mà lòng đau như cắt.

Bách leo lên chiếc xe số, chạy thẳng hướng công ty của mình. Anh vào văn phòng, nộp đơn xin nghỉ việc. Người sếp biết chuyện của gia đình anh nên cũng không nỡ ngăn cản, chỉ nói: “Cậu cứ lo cho xong việc gia đình, khi nào ổn muốn quay lại cứ nói với tôi…”. Bách cúi đầu cảm ơn người sếp rồi quay lưng bỏ đi. Trong lòng anh dâng lên sự tê tái. Anh biết rằng con đường trở về của anh còn rất xa xôi. Cuộc sống cũ ngày nào đã bị tước khỏi anh mãi mãi. Anh nguyện đánh đổi tất cả những gì đang có để tìm thấy đứa con của mình. Anh đã tự tay cắt đứt đường trở về chỉ để nuôi 1 quyết tâm duy nhất là nhìn thấy cậu con trai lần nữa.

Anh rút sạch tiền trong cuốn sổ tiết kiệm của anh ra: Hơn 200 triệu đồng một chút. Đây là toàn bộ số tiền anh đang có lúc này. Để lại một ít tiền mặt, anh chuyển số còn lại vào thẻ đem theo. Anh mua một chiếc điện thoại đen trắng, tháo sim ở chiếc điện thoại smartphone đang dùng ra lắp vào để đảm bảo điện thoại luôn bật mà không nhanh hết pin.

Bách kiếm tấm bìa các tông lớn và dán một tấm biển vào tấm bìa: CẦN TÌM CON TRAI. CON TRAI TÔI LÀ TRẦN MINH NHẬT SINH NGÀY…đầy đủ các thông tin để bất cứ ai đi qua cũng có thể nhìn rõ, đeo ra sau lưng. Anh cũng in tờ rơi treo lên xe, đi khắp các con phổ của từng tỉnh để dò hỏi. Bách cứ đi hết tỉnh này sang tỉnh khác, hễ cứ có người gọi đến có thông tin gì là anh lái xe qua ngay. Thế nhưng không biết bao nhiêu lần hi vọng của anh bị dập tắt bởi đứa trẻ được tìm thấy không phải con anh. Cũng nhiều lần có những cuộc gọi tống tiền gọi đến, giả làm người giam giữ con anh khiến anh hoảng loạn. Lòng anh khổ tâm vô cùng, người đen cháy đen sạm cả đi.Ngày qua ngày anh chỉ vật vờ tìm chốn nghỉ tạm rồi lại lao đầu đi tìm con. Người qua đường nhìn thấy hình bóng một người đàn ông ngược nắng ngược gió, đeo tấm biển sau lưng đi tìm con mà không khỏi chạnh lòng xót ruột.

Được một tuần kể từ ngày anh rời nhà, anh nhận được cuộc gọi từ mẹ. Tay anh run run ấn nút nghe.

“Bách…Bách! Con đang ở đâu rồi…Có tin gì không?”

“Con cũng không rõ nữa, đang ở đâu đó gần Thanh Hóa. Vẫn không thấy gì mẹ ạ…”

“Ừ…các chú công an vừa báo tin là….nhìn thấy vài hình ảnh của cháu bé giống với Nhật, bị hai người đàn ông bế đi, chở trên xe máy ra ngoài bệnh viện, theo hướng ngoại thành…Ghi lại bởi vài camera hành trình hôm nó mất tích…Không rõ ràng lắm…” Giọng bà Mừng càng về cuối càng nghẹn cả lại.

Tim Bách đang đập thình thình, nghe đến đó dường như không còn muốn đập thêm nữa. Anh run lẩy bẩy, mắt hoa đi. Anh cũng nghĩ đứa con anh bị bắt cóc nhưng trong thâm tâm anh vẫn hi vọng thằng bé đi lạc rồi đang tá túc lại đâu đó mà thôi. Sự thật ập đến khiến anh không sao tin nổi, hóa ra thằng bé bị bắt cóc ngay từ đầu…Giờ thì…

“Vậy giờ tìm ngay ra họ đi chứ! Công an họ làm việc sao rồi mẹ?” Bách vội hỏi.

“Biển số nhìn không rõ con ạ, vẫn phải điều tra thêm. Vả..vả lại…hôm trước mẹ với chị Khuê có đi xem bói…Người ta bảo là…bảo là..thằng bé lành ít dữ nhiều….giờ cũng không còn sống nữa..bị người ta hại…Nên làm lễ gọi hồn về để thờ…”.

“Mẹ thôi ngay đi!” Bách gắt lên. “Sống phải thấy người chết phải thấy xác. Không đâu tự dưng thằng bé bị bắt cóc như vậy được. Con không bao giờ tin mấy lời nói vô căn cứ như vậy. Mẹ lo ở nhà đi tìm thằng bé đi! Đừng có mà linh tinh thêm đau đầu!”

Bà Mừng lặng đi chẳng biết nói gì thêm. Bách tắt máy cái bụp rồi ngồi sụp xuống vệ đường. Anh đang dừng nghỉ chân dưới một hàng cây cạnh đồng ruộng nào đó, tìm chút bóng mát. Chẳng có chủ ý mà nước mắt anh cứ lăn dài, lăn dài, chảy tòng tòng xuống nền đất dưới chân. Anh thầm chửi mình yếu đuối. Anh khuỵu xuống, nằm lăn ra đất như không còn thiết tha gì nữa.

Anh nằm bất động ở đó rất lâu, vài tiếng đồng hồ, giờ anh có đứng dậy đi cũng cảm thấy vô vọng quá rồi. Vài người lo lắng dừng xe hỏi thăm anh nhưng anh chẳng buồn trả lời, chỉ khua tay mời đi. Khi trời gần như tối xuống, bất chợt có một vật khua rất mạnh vào người anh. Anh giật mình quay đầu hé mắt thì nhìn thấy một ông lão trông khắc khổ, đeo chiếc kính đen, mặc bộ quần áo bộ đội cũ sờn đang khua cây gậy gỗ vào người anh.

“Cái gì vướng thế hử!”. Ông lão nói.

Bách lúi húi ngồi dậy nhường chỗ cho ông lão mù, miệng nói: “Cháu xin lỗi…”

Vừa bước tới, ông lão vừa lẩm bẩm: “Không phúc là họa, không họa là phúc. Đau đớn há chi nằm đây ngáng đường lão già này. Cũng coi như có duyên, lão sẽ gieo cho anh một quẻ Kinh dịch nhé…”

“Gì cơ ạ?” Bách không hiểu ông lão nói gì.

“Buồn rầu gì nói ra nào. Lão đứng từ xa đã thấy u ám không chịu nổi rồi!”

Bách ngần ngừ một chút rồi cũng quyết định trút bầu tâm sự với người đàn ông xa lạ này: “Con trai cháu mất tích từ hai tuần nay rồi. Cháu tìm khắp mọi nơi không thấy, bao nhiêu người giúp đỡ cũng không nổi…Mẹ cháu nói thằng bé mất rồi. Giờ cháu đau đớn không thể chấp nhận được…”

Ông lão rút từ trong chiếc túi đeo chéo ra một túi rút nhỏ hơn, lôi ra 3 đồng tiền có lỗ và một chiếc đĩa sứ nhỏ. Ông úp hai đồng tiền xu vào bát rồi lắc lắc lên trong lòng bàn tay, miệng lẩm bẩm gì đó.

Lắc xong, ông lão ngửa chiếc đĩa lên, sờ vào hai đồng tiền ở trên đó. Cứ thế ông lắc khoảng đâu 5,6 lần rồi mới trầm ngâm giải thích:

“Đây là ba đồng tiền Âm dương, có thể dùng để xin quẻ chỉ dẫn…Lão đem theo bên mình 20 năm nay rồi…”

“Vâng…Quẻ…nói sao ạ?” Bách hỏi một cách thờ ơ bởi vốn dĩ anh không muốn tốn thời gian vào những điều này, thế nhưng giờ đây anh cần một lời khuyên để bấu víu vào.

Ông lão khẽ cười, mở miệng giải quẻ. Những gì ông lão nói ngày hôm đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Bách sau này.

Bình luận
Ads Footer