NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Thế giới phẳng

Chương 2

Tác giả: Thomas L. Friedman
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Ads Top

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa đã tạo ra thế giới trong sáu ngày và ngày thứ bảy ngài đã nghỉ. Việc làm phẳng thế giới kéo dài hơn một chút. Thế giới được làm phẳng bởi sự hội tụ của mười sự kiện chính trị, sự đổi mới, và công ti chính. Chẳng ai trong chúng ta đã nghỉ từ khi đó, hay có lẽ có bao giờ lại sẽ nghỉ. Chương này là về các lực đã làm phẳng thế giới và nhiều dạng và công cụ mới cho cộng tác mà sự làm phẳng này đã tạo ra.

LỰC LÀM PHẲNG # 1

9/11/89

Khi các Bức Tưởng đổ xuống và Windows [Cửa sổ] Đi lên

Lần đầu tiên tôi thấy Tường Berlin, nó đã có một lỗ rồi.

Đó là tháng 12 năm 1990, và tôi đi Berlin với các phóng viên đưa tin về Bộ trưởng Ngoại giao James A. Baker III. Tường Berlin đã bị chọc thủng một năm trước, ngày 9 tháng Mười một năm 1989. Vâng, trong một sự tình cờ thần bí tuyệt vời về ngày tháng, bức Tường Berlin đổ ngày 9/11. Bức tường, ngay cả ở trạng thái bị đâm thủng và bị vỡ, vẫn là một vết sẹo xấu xí ngang Berlin. Bộ trưởng Baker tiến hành cuộc viếng thăm đầu tiên của ông để xem chứng tích đổ nát này của chủ nghĩa cộng sản Soviet. Tôi đứng cạnh ông với một nhóm nhỏ các phóng viên. “Đó là một ngày sương mù, u ám,” Baker nhớ lại trong hồi kí của ông, The Politics of Diplomacy, “và trong áo mưa của mình, tôi cảm thấy giống mộthân vật trong một tiểu thuyết của John le Carré. Nhưng khi tôi nhòm qua một vết nứt trên Tường [gần Reichstag] tôi thấy sự ảm đạm [có] độ phân giải cao đặc trưng cho Đông Berlin, tôi nhận ra rằng những người dân thường của Đông Đức đã tự mình tuỳ nghi hành động một cách hoà bình và kiên định. Đấy là cuộc cách mạng của họ.” Sau khi Baker đã nhòm xong qua bức tường và tiến lên, các phóng viên chúng tôi lần lượt nhòm qua cùng lỗ bê-tông lởm chởm ấy. Tôi đã mang một đôi miếng tường về nhà cho các con gái tôi. Tôi nhớ nghĩ nó có vẻ quái đản làm sao – quả thực, một chuyện thật kì quái, bức tường xi măng này uốn khúc ngang một thành phố hiện đại chỉ vì mục đích duy nhất để ngăn người dân ở bên kia hưởng thụ, thậm chí thoáng thấy, tự do.

Sự sụp đổ bức Tường Berlin ngày 9/11/89 đã thả các lực lượng cuối cùng giải phóng tất cả những người bị giam cầm của Đế chế Soviet. Nhưng nó, thực ra, đã làm nhiều hơn rất nhiều. Nó làm nghiêng cán cân quyền lực trên thế giới về phía các nước tán thành cai trị dân chủ, đồng thuận, theo hướng thị trường tự do, và rời xa các nước ủng hộ sự cai trị độc đoán với các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Chiến tranh Lạnh đã là một cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống kinh tế- chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản – và với sự sụp đổ của bức tường, chỉ còn lại một hệ thống và mỗi người phải định hướng mình theo nó bằng cách này hay cách khác. Từ nay trở đi, ngày càng nhiều nền kinh tế sẽ được cai quản từ dưới lên bởi lợi ích, yêu cầu, và nguyện vọng của nhân dân, hơn là từ trên xuống. Trong vòng hai năm, đã không còn Đế chế Soviet nữa để núp sau hay để yểm trợ cho các chế độ độc đoán ở Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, hay Mĩ Latin. Nếu bạn không là một nền dân chủ hay một xã hội dân chủ hoá, nếu tiếp tục bám chặt vào hoạt động kinh tế điều tiết mạnh hay kế hoạch hoá tập trung, bạn bị coi là ở phía sai của lịch sử.

Đối với một số người, đặc biệt giữa các thế hệ già, đấy là sự biến đổi không được hoan nghênh. Chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống vĩ đại làm cho người ta nghèo ngang nhau. Thực ra cho việc đó trên thế giới không có hệ thống nào tốt hơn chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản làm cho người ta giàu không đồng đều, và đối với một số người đã quen với cung cách sống cặm cụi, hạn chế, nhưng an toàn Xã hội chủ nghĩa- nơi một việc làm, nhà ở, giáo dục, và lương hưu, cho dù xoàng, tất cả đã được đảm bảo- sự sụp đổ của Tường Berlin là vô cùng đáng lo. Song đối với nhiều người khác, nó đã là một tấm thẻ tự do ngoài nhà tù. Đó là vì sao sự sụp đổ của Tường Berlin được cảm nhận ở nhiều nơi đến vậy hơn chỉ ở Berlin, và vì sao sự sụp đổ của nó là một sự kiện làm phẳng thế giới như vậy.

Quả thực, để đánh giá đúng các tác động làm phẳng sâu rộng của sự sụp đổ Tường Berlin, tốt nhất đi trò chuyện với những người không phải Đức hay Nga. Tarun Das đã đứng đầu Liên minh Công nghiệp Ấn Độ khi bức tưởng Berlin đổ, và ông đã thấy ảnh hưởng lăn tăn suốt lộ trình của nó đến Ấn Độ. “Chúng tôi đã có đống khổng lồ này về quy định, kiểm soát và quan liêu,” ông nhớ lại. “Nehru lên nắm quyền [sau sự kết thúc cai trị thuộc địa của Anh] và đã có một nước khổng lồ để cai quản, và không có kinh nghiệm nào về điều hành đất nước. Hoa Kì đã bận với Châu Âu và Nhật Bản và kế hoạch Marshall. Cho nên Nehru ngó lên phương bắc, qua dãy Himalaya, và đã cử nhóm kinh tế gia của ông đi Moscow. Họ trở về và nói nước này [Liên Xô] gây kinh ngạc. Họ phân bổ các nguồn lực, cấp các giấy phép, có một uỷ ban kế hoạch quyết định tất cả mọi thứ, và đất nước chuyển động. Cho nên chúng tôi đã theo mô hình đó và quên rằng chúng tôi có một khu vực tư nhân… Khu vực tư nhân đó bị đặt dưới bức tường quy định này. Vào 1991, khu vực tư nhân vẫn đó, nhưng bị che giấu, và đã có sự ngờ vực về việc kinh doanh. Chúng kiếm lời! Toàn bộ cơ sở hạ tầng từ 1947 đến 1991 do nhà nước sở hữu … [Gánh nặng của sở hữu nhà nước] đã hầu như làm phá sản đất nước. Chúng tôi đã không có khả năng trả các khoản nợ của mình. Như một dân tộc, chúng tôi không có sự tự tin. Chắc chắn, chúng tôi đã có thể thắng vài cuộc chiến tranh với Pakistan, nhưng điều đó không cho quốc gia sự tự tin”.

Năm 1991, với Ấn Độ cạn hết ngoại tệ mạnh, Manmohan Singh, bộ trưởng bộ tài chính lúc đó (và là thủ tướng bây giờ), đã quyết định rằng Ấn Độ phải mở nền kinh tế của mình. “Bức Tường Berlin của chúng tôi sụp đổ,” Das nói, “và nó giống như thả một con hổ bị nhốt trong cũi. Kiểm soát thương mại bị bãi bỏ. Chúng tôi luôn tăng trưởng 3 phần trăm, được gọi là tỉ lệ tăng trưởng Hindu – chậm, thận trọng, và bảo thủ. Để kiếm [lợi tức tốt hơn], bạn phải đi Mĩ. Đấy, ba năm sau [cải cách 1991] chúng tôi tăng trưởng 7 phần trăm. Kệ cha sự nghèo nàn! Bây giờ để kiếm [ăn] bạn có thể ở lại Ấn Độ và trở thành một trong những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes…Tất cả các năm xã hội chủ nghĩa và kiểm soát đã đẩy chúng tôi xuống dốc đến điểm chúng tôi đã chỉ có 1 tỉ $ ngoại tệ. Ngày nay chúng tôi có 118 tỉ $… Chúng tôi đã đi từ sự tự tin trầm lặng đến hoài bão mãnh liệt trong một thập kỉ”.

Sự sụp đổ Tường Berlin đã không chỉ giúp làm phẳng các lựa chọn khả dĩ cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và cởi trói cho những năng lực to lớn bị dồn nén đối với hàng triệu người ở các nơi như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, và Đế chế Soviet trước đây. Nó cũng cho phép chúng ta nghĩ về thế giới khác đi – nhìn nó như một toàn thể không có vết khâu nối. Bởi vì Tường Berlin đã không chỉ chặn đường chúng ta; nó đã chặn tầm nhìn của chúng ta- khả năng của chúng ta để nghĩ về thế giới như một thị trường đơn nhất, một hệ sinh thái đơn nhất, một cộng đồng đơn nhất. Trước 1989, đã có thể có một chính sách phương Đông hay chính sách phương Tây, song khó để nghĩ về có một chính sách ‘toàn cầu’. Amartya Sen, nhà kinh tế Ấn Độ đoạt giải Nobel bây giờ dạy ở Harvard, một lần đã lưu ý tôi rằng “Tường Berlin đã không chỉ là một biểu tượng về giữ người dân ở bên trong Đông Đức – nó đã là cách ngăn cản một loại tầm nhìn toàn cầu về tương lai của chúng ta. Chúng ta không thể tư duy về thế giới một cách toàn cầu khi Tường Berlin còn đó. Chúng ta không thể nghĩ về thế giới như một tổng thể”. Có một câu chuyện thú vị tiếng Sanskrit, Sen nói thêm, về một con ếch sinh ra trong một cái giếng, ở đó và sống suốt đời trong giếng ấy. “Nó có một thế giới quan bao gồm cái giếng”, ông nói. “Đối với nhiều người trên hành tinh đó là cái thế giới đã giống như trước khi bức tường sụp đổ. Khi tường sụp đổ, nó giống như con ếch trong giếng đột nhiên có khả năng liên lạc với những con ếch ở các giếng khác …

Nếu tôi ca tụng sự sụp đổ bức tường, chính là vì tôi tin chắc rằng chúng ta có thể học từ nhau nhiều đến thế nào. Hầu hết tri thức là học được từ người khác qua biên giới”.

Vâng, thế giới trở thành chỗ tốt hơn để sống sau 9/11, vì mỗi sự bùng phát tự do kích thích một sự bùng phát khác, và bản thân quá trình đó có một tác động làm phẳng qua các xã hội, củng cố những người ở dưới và làm yếu những kẻ ở trên. “Quyền tự do của phụ nữ”, Sen lưu ý, nêu chỉ một thí dụ, “thúc đẩy phụ nữ biết đọc biết viết, có xu hướng giảm sinh đẻ và tỉ lệ chết trẻ em và tăng các cơ hội việc làm cho phụ nữ, rồi ảnh hưởng đến đối thoại chính trị và cho phụ nữ cơ hội có vai trò lớn hơn trong tự quản địa phương”.

Cuối cùng, sự đổ tường đã không chỉ mở đường cho nhiều người hơn để khai thác quỹ tri thức của nhau. Nó cũng mở đường cho chấp nhận các tiêu chuẩn chung- các tiêu chuẩn về nền kinh tế nên được điều hành ra sao, kế toán nên được làm thế nào, hoạt động ngân hàng nên được quản lí ra sao, các máy PC được sản xuất thế nào, và các bài báo kinh tế nên được viết ra sao. Tôi sẽ thảo luận điều này muộn hơn, song ở đây là đủ để nói rằng các tiêu chuẩn chung tạo ra một sân chơi phẳng hơn, bằng hơn. Diễn đạt theo cách khác, sự đổ tường làm tăng sự di chuyển tự do của các tập quán tốt nhất. Khi một tiêu chuẩn kinh tế hay kĩ thuật nổi lên và tự chứng tỏ mình trên vũ đài thế giới, nó được chấp nhận nhanh hơn nhiều sau khi bức tường không còn ngăn cản. Chỉ riêng ở châu Âu, tường đổ đã mở đường cho sự hình thành Liên Minh Châu Âu và sự mở rộng nó từ mười lăm thành hai mươi lăm nước. Điều đó, kết hợp với sự xuất hiện của euro như một đồng tiền chung, đã tạo ra một khu vực kinh tế đơn nhất từ một vùng một thời bị bức Màn Sắt chia cắt.

Trong khi các ảnh hưởng tích cực của sự đổ tường đã rõ ngay, nguyên nhân gây ra nó vẫn chưa rõ lắm. Đã không có một nguyên nhân đơn nhất. Ở mức độ nào đấy chính các con mối đã ăn ruỗng nền móng của Liên Xô, hệ thống đã bị các mâu thuẫn nội tại riêng và tính phi hiệu quả của nó làm suy yếu rồi; mức độ nào đó sự tích tụ quân sự của chính quyền Reagan ở Châu Âu đã buộc Kremlin tự phá sản do chi cho các đầu đạn; và ở mức độ nào đó các cố gắng bất lực của Mikhail Gorbachev để cải cách cái không thể cải cách nổi đã kết liễu chủ nghĩa cộng sản. Song nếu tôi phải chỉ ra một yếu tố như cái đầu tiên giữa những cái ngang nhau, đó là cách mạng thông tin bắt đầu vào đầu đến giữa các năm 1980. Các hệ thống toàn trị phụ thuộc vào sự độc quyền thông tin và vũ lực, và có quá nhiều thông tin bắt đầu tuột qua bức Màn Sắt, nhờ sự phổ biến của các máy fax, điện thoại, và các công cụ truyền thông hiện đại khác.

Một khối lượng tới hạn của các máy PC IBM, và hệ điều hành Windows đã đưa chúng vào cuộc sống, đến cùng nhau khoảng cùng thời kì mà bức tường đổ, và sự phổ biến của chúng đã đóng đinh vào quan tài của chủ nghĩa cộng sản, bởi vì chúng cực kì cải thiện truyền thông theo chiều ngang – có hại cho chính hình thức từ trên xuống mà chủ nghĩa cộng sản dựa vào. Chúng cũng tăng cường mạnh mẽ việc cá nhân thu thập thông tin và sự trao quyền cho cá nhân. (Mỗi thành tố của cách mạng thông tin này do những tiến hoá tách rời gây ra: mạng điện thoại tiến hoá từ mong muốn của người dân nói chuyện với nhau từ xa. Máy fax tiến hoá như cách để truyền thông văn bản trên mạng điện thoại. Máy tính cá nhân được các (trình) ứng dụng sát thủ [killer apps]* – bảng tính và xử lí văn bản. Và Windows tiến hoá từ nhu cầu biến tất cả các thứ này thành có thể dùng được và lập trình được bởi đại chúng).

Máy IBM PC đầu tiên vớ được thị trường năm 1981. Cùng lúc đó, nhiều nhà khoa học máy tính khắp thế giới bắt đầu sử dụng các thứ gọi là Internet và e-mail. Phiên bản Windows đầu tiên được bán năm 1985, và phiên bản đột phá thực tế làm cho PC thật sự thân thiện với người dùng –Windows 3.0 – được xuất bán ngày 22-5-1990, chỉ sáu tháng sau khi bức tường sụp đổ. Trong cùng thời kì này, một số người khác các nhà khoa học bắt đầu phát hiện ra rằng nếu họ mua một PC và một dial-up modem, họ có thể kết nối PC của họ với điện thoại và chuyển e-mail qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet tư nhân – như Compuserve và America Online.

“Sự phổ biến của máy tính cá nhân, máy fax, Windows, và dial-up modem nối với mạng điện thoại toàn cầu tất cả đến cùng nhau vào cuối các năm 1980 và đầu các năm 1990 để tạo ra nền cơ bản khởi động cách mạng thông tin toàn cầu,” Craig J. Mundie, tổng giám đốc kĩ thuật của Microsoft, lập luận. Mấu chốt là sự hợp nhất của tất cả chúng lại thành một hệ thống tương hoạt [có thể hoạt động với nhau] duy nhất. Điều đó xảy ra, Mundie nói, một khi chúng ta có một nền tính toán được chuẩn hoá ở dạng thô – máy IBM PC – cùng với một giao diện người dùng đồ hoạ chuẩn hoá cho xử lí văn bản và bảng tính – Windows – cùng với một công cụ truyền thông chuẩn hoá – dial-up modem và mạng lưới điện thoại toàn cầu. Một khi ta có nền tương hoạt cơ bản đó, thì các trình ứng dụng sát thủ đẩy sự phổ biến của nó rộng khắp mọi nơi.

“Người dân thấy rằng họ thực sự thích làm tất cả những thứ này trên một máy tính, và họ thật sự cải thiện năng suất,” Mundie nói. “Tất cả chúng có sự hấp dẫn cá nhân rộng rãi và khiến cá nhân người dân đứng dậy và mua một PC có thể chạy Windows và đặt trên bàn của họ, và điều đó buộc sự truyền bá nền tính toán mới này vào thế giới tính toán công ti còn nhiều hơn nữa. Người ta nói, ‘Chà, có một vật quý ở đây, và chúng ta phải tận dụng nó’.”

Windows được củng cố càng trở thành hệ điều hành hàng đầu, Mundie nói thêm, “càng có nhiều người lập trình đi viết các ứng dụng cho thế giới kinh doanh giàu có để đưa vào máy tính của họ, cho nên họ có thể làm nhiều việc kinh doanh mới và khác, điều đó bắt đầu làm tăng năng suất còn hơn nữa. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới trở thành các lập trình viên để khiến PC làm mọi thứ họ muốn bằng ngôn ngữ riêng của họ. Windows cuối cùng đã được dịch ra ba mươi tám ngôn ngữ. Người dân có khả năng làm quen với PC bằng ngôn ngữ của chính mình”.

Đấy là hoàn toàn mới và lí thú, nhưng chúng ta không được quên nền PC-Windows ban đầu này đã nông cạn đến thế nào. “Nền này bị ràng buộc bởi quá nhiều giới hạn kiến trúc,” Mundie nói. “Đã thiếu hạ tầng cơ sở”. Internet như chúng ta biết ngày nay – với các giao thức truyền dường như có phép màu, có thể kết nối mọi người và mọi thứ
– vẫn chưa nổi lên. Quay lại hồi đó, các mạng đã chỉ có các giao thức rất hạn chế để trao đổi file và các thông điệp e-mail. Cho nên những người dùng các máy tính với cùng loại hệ điều hành và phần mềm có thể trao đổi tài liệu qua e-mail hay chuyển file, nhưng ngay cả làm việc này cũng khá rắc rối nên chỉ có giới ưu tú tin học mới chịu khó. Bạn đã không thể đơn giản ngồi xuống và vèo một e-mail hay một file cho bất cứ ai ở bất cứ đâu- đặc biệt ở bên ngoài công ti của chính bạn hay ngoài dịch vụ Internet riêng của bạn- cách mà bạn có thể làm hiện nay. Đúng, những người dùng AOL có thể liên lạc với những người dùng CompuServe, nhưng việc đó đã chẳng đơn giản cũng không tin cậy. Kết quả là, Mundie nói, một lượng dữ liệu và sáng tạo khổng lồ đã tích tụ trong tất cả các máy tính đó, song đã không có cách dễ dàng, tương hoạt nào để chia sẻ nó và nhào nặn nó. Người ta đã có thể viết các ứng dụng mới cho phép các hệ thống được chọn để hoạt động cùng nhau, nhưng nói chung điều này chỉ giới hạn cho những trao đổi dự kiến giữa các PC bên trong mạng của một công ti đơn nhất.

Giai đoạn này từ 9/11 đến giữa 1990 vẫn dẫn đến sự tiến bộ to lớn về trao quyền cá nhân, cho dù mạng còn hạn chế. Đó là thời kì của “Tôi và máy của tôi bây giờ có thể nói chuyện với nhau tốt hơn và nhanh hơn, nên cá nhân tôi có thể làm nhiều việc hơn” và thời kì của “Tôi và máy của tôi bây giờ có thể nói chuyện với vài bạn bè và vài người trong công ti của tôi tốt hơn và nhanh hơn, nên chúng tôi có kết quả hơn”. Các bức tường đã sụp đổ và các cửa sổ- Windows- đã mở, làm cho thế giới phẳng

nhiều hơn bao giờ hết – nhưng thời đại của truyền thông toàn cầu suôn sẻ vẫn chưa rạng.

Tuy ta không để ý đến nó, đã có một nốt chối tai trong thời đại mới lí thú này. Đã không chỉ có người Mĩ người Âu cùng với người dân của Đế chế Soviet tán dương sự sụp đổ tường – và đòi công cho việc đó. Ai đó khác đã nâng li – không phải sâm banh mà là cà phê Thổ đặc. Tên hắn là Osama bin Laden và hắn có một chuyện kể khác. Quan điểm của hắn là các tay súng jihad ở Afghanistan, mà hắn là một, là người đã hạ bệ Đế chế Soviet bằng buộc Hồng Quân rút khỏi Afghanistan (với sự giúp đỡ của Mĩ và Pakistan). Và một khi sứ mạng đó đã hoàn tất – những người Soviet hoàn tất việc rút quân vào 15-2-1989, chỉ chín tháng trước khi Tường Berlin sụp đổ – bin Laden ngó quanh và thấy rằng siêu cường kia, Hoa Kì, có sự hiện diện to lớn ở quê hắn, Saudi Arabia, quê hương của hai thành phố Islam thiêng liêng nhất. Và hắn không thích điều đó.

Như thế, trong khi nhảy múa trên bức tường [đổ] và mở Windows của chúng ta và tuyên bố rằng không còn lựa chọn hệ tư tưởng khả dĩ nào cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do nữa, Bin Laden quay súng của hắn ngắm vào Mĩ. Cả Bin Laden và Ronald Reagan đã coi Liên Xô như “đế chế ác quỷ”, nhưng Bin Laden đi đến nhìn Mĩ cũng là ác quỷ. Hắn đã có một lựa chọn hệ tư tưởng khả dĩ cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do – Islam chính trị. Hắn đã không cảm thấy bị sự chấm dứt của Liên Xô đánh bại; hắn cảm thấy nó làm hắn bạo dạn. Hắn không cảm thấy hấp dẫn với sân chơi được mở rộng; hắn cảm thấy bị nó cự tuyệt. Và hắn đã không phải có một mình. Một số người nghĩ rằng Ronald Reagan đã kéo đổ tường, bằng làm phá sản Liên Xô qua chạy đua vũ trang; những người khác nghĩ IBM, Steve Jobs, và Bill Gates đã kéo đổ tường bằng trao quyền cho các cá nhân tải tương lai xuống. Nhưng ở thế giới khác, ở xứ Muslim, nhiều người nghĩ bin Laden và các đồng chí của hắn đã kéo đổ Đế chế Soviet và bức tường với nhiệt huyết tôn giáo, và hàng triệu người trong số họ được truyền cảm hứng để tải quá khứ lên.

Tóm lại, trong khi chúng ta ca tụng 9/11, các hạt giống của một ngày đáng nhớ khác-11/9 – đã được gieo. Nhưng sẽ nói nhiều hơn về điều đó muộn hơn trong cuốn sách này. Bây giờ, hãy để cho sự làm phẳng tiếp tục.

LỰC LÀM PHẲNG # 2

9/8/95

Khi Netscape lên sàn [bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng]

Vào giữa các năm 1990, cách mạng mạng PC-Windows đã đạt các giới hạn của nó. Nếu thế giới trở nên thực sự được kết nối, và thực sự bắt đầu trải phẳng ra, cách mạng cần đi vào pha tiếp theo. Và pha tiếp, Mundie của Microsoft lưu ý, “là đi từ một nền tính toán dựa trên PC sang một nền tảng tính toán dựa vào Internet”. Các ứng dụng sát thủ phát động pha mới này đã là e-mail và trình duyệt Internet. E-mail được thúc đẩy bởi các portal [cổng] tiêu dùng mở rộng nhanh chóng như AOL, CompuServe, và cuối cùng MSN. Nhưng đã có killer app mới, trình duyệt Web – có thể lấy các tài liệu hay các trang Web được chứa ở các Web site trên Internet và hiển thị chúng trên bất cứ màn hình máy tính nào – cái đó thực sự thu hút được trí tưởng tượng. Và khái niệm thực tế về World Wide Web – một hệ thống để tạo ra, tổ chức, và liên kết các tài liệu sao cho chúng có thể được duyệt một cách dễ dàng – đã được nhà khoa học máy tính Anh Tim Berners-Lee tạo ra. Ông lập Web site đầu tiên năm 1991, trong một nỗ lực để nuôi một mạng máy tính cho phép các nhà khoa học chia sẻ dễ dàng nghiên cứu của họ. Các nhà khoa học và nhà hàn lâm khác đã tạo ra một số trình duyệt [browser] để lướt Web ban đầu này, nhưng browser chủ đạo đầu tiên – và toàn bộ văn hoá duyệt Web cho quảng đại quần chúng – được tạo ra bởi một công ti khởi nghiệp bé xíu ở Mountain View, California, đợc gọi là Netscape. Netscape ra công chúng ngày 9 tháng 8, 1995, và thế giới không còn giống như trước nữa.

Như John Doerr, nhà tư bản mạo hiểm huyền thoại mà hãng của ông, Kleiner Perkins Caulfield & Byers, đã ủng hộ Netscape, diễn đạt, “Netscape chào bán lần đầu cho công chúng [IPO] đã là một tiếng gọi vang lảnh đối với thế giới để tỉnh dậy hướng tới Internet. Cho đến khi ấy, nó chỉ là lãnh địa của những người cải biến ban đầu và các tay cự phách”.

Pha do Netscape gây ra đã dẫn quá trình làm phẳng theo nhiều hướng then chốt: Nó cho chúng ta browser thương mại phổ biến rộng rãi đầu tiên để lướt Internet. Netscape browser đã không chỉ làm cho Internet sống động mà còn khiến cho Internet có thể truy cập được đối với mọi người từ đứa trẻ năm tuổi đến cụ già tám mươi lăm tuổi. Internet càng sống động, càng nhiều người tiêu dùng muốn làm các việc khác nhau trên Web, nên họ càng đòi hỏi nhiều máy tính, phần mềm, các mạng viễn thông có thể dễ dàng số hoá văn bản, âm nhạc, dự liệu, và ảnh và truyền chúng qua Internet đến máy tính của bất kể ai khác. Nhu cầu này được thoả mãn bởi một sự kiện xúc tác khác: Windows 95 trình làng, được giao tuần lễ sau Netscape đưa cổ phiếu của nó ra công chúng. Windows 95 mau chóng trở thành hệ điều hành được nhiều người dùng nhất khắp thế giới, và không giống các phiên bản Windows trước, nó có sự hỗ trợ Internet cài sẵn, cho nên không chỉ các browser mà tất cả các ứng dụng PC có thể “biết về Internet” và tương tác với nó.

Nhìn lại, cái cho phép Netscape cất cánh đã là sự tồn tại, từ pha sớm hơn, của hàng triệu PC, nhiều máy đã có sẵn modem rồi. Đó là những cái vai mà Netscape đứng lên trên. Cái mà Netscape đã làm là đưa ra một ứng dụng sát thủ mới – browser- cho số PC đã được lắp đặt này, làm cho máy tính và tính kết nối của nó hữu ích hơn một cách vốn có cho hàng triệu người. Đến lượt nó điều này làm nổi bật một sự bùng nổ về cầu đối với mọi thứ digital [số] và châm ngòi cơn sốt Internet, vì mọi nhà đầu tư nhìn vào Internet và kết luận là nếu mọi thứ sẽ được số hoá – dữ liệu, kho hàng, thương mại, sách, âm nhạc, ảnh, và giải trí – và được chuyển và bán trên Internet, thì cầu với các sản phẩm và dịch vụ dựa vào Internet sẽ vô tận. Điều này đã dẫn tới bong bóng cổ phiếu dot-com và một sự đầu tư quá mức vào cáp quang cần để chuyển tải tất cả thông tin số mới. Sự phát triển này, đến lượt nó, đã nối dây toàn bộ thế giới lại với nhau, và, không có ai thực sự dự kiến, đã biến Bangalore thành ngoại ô của Boston.

Hãy nhìn vào mỗi trong những tiến triển này.

Khi tôi ngồi với Jim Barksdale, nguyên CEO của Netscape, để phỏng vấn ông cho cuốn sách này, tôi đã giải thích cho ông rằng một trong các chương trước là về mười đổi mới, sự kiện, và xu hướng đã làm phẳng thế giới. Sự kiện đầu tiên, tôi bảo ông, là 9/11, và tôi giải thích tầm quan trọng của ngày đó. Rồi tôi nói, “Để tôi xem nếu ông có thể phỏng đoán tầm quan của ngày thứ hai, 9/8. Tất cả cái tôi nói cho ông là: 9/8. Chỉ cần một giây để Barksdale suy nghĩ trước khi phóng lại với câu trả lời đúng: “Ngày Netscape lên sàn, ra công chúng!”

Ít ai tranh cãi rằng Barksdale là một trong những nhà khởi nghiệp Mĩ vĩ đại. Ông đã giúp Federal Express phát triển hệ thống theo dõi và tìm vết bưu kiện của nó, sau đó chuyển sang McCaw Cellular, một công ti điện thoại di động, dựng nó lên, và trông coi sự hợp nhất của nó với AT&T năm 1994. Đúng trước khi việc bán kết thúc, một head-hunter [người kiếm người tài] tiếp cận ông mời làm CEO của một công ti mới gọi là Mosaic Communications, được lập bởi hai nhà đổi mới huyền thoại – Jim Clark và Marc Andreessen. Giữa 1994, Clark, đồng sáng lập của Silicon Graphics, đã chung sức với Andreessen để thành lập Mosaic, công ti mau chóng được đổi tên là Netscape Communications. Andreessen, một nhà khoa học máy tính trẻ tài ba, đã vừa dẫn đầu một dự án phần mềm nhỏ ở NCSA [Trung tâm Quốc gia về các Ứng dụng Siêu tính-National Center for Supercomputing Applications], đặt tại Đại học Illinois, đã phát triển Web browser có kết quả thực sự đầu tiên, cũng được gọi là Mosaic. Clark và Andreessen nhanh chóng hiểu được tiềm năng khổng lồ của phần mềm duyệt Web và quyết định hợp tác để thương mại hoá nó. Khi Netscape bắt đầu lớn, họ với tới Barksdale vì sự dẫn dắt và sự thấu hiểu cách hay nhất ra công chúng thế nào.

Ngày nay chúng ta coi công nghệ browser này là dĩ nhiên, nhưng thực sự nó là một trong những sáng chế quan trọng nhất trong lịch sử cận đại. Khi Andreessen trước đây ở phòng thí nghiệm NCSA Đại học Illinois, anh thấy mình có các PC, các máy trạm, và sự kết nối mạng cơ bản để di chuyển file quanh Internet, nhưng nó vẫn chưa thật hứng thú – bởi vì chẳng có gì để duyệt, không có giao diện người dùng để kéo và hiển thị nội dung các Web site của những người người khác. Cho nên Andreessen và đội của anh đã phát triển Mosaic browser, làm cho bất cứ kẻ ngốc, nhà khoa học, sinh viên, hay bà già nào có thể xem được các Web site. Marc Andreessen đã không sáng chế ra Internet, nhưng anh đã làm nhiều như bất cứ cá nhân nào để làm cho nó sống động và truyền bá nó.

“Mosaic browser bắt đầu năm 1993 với mười hai người dùng, và tôi biết tất cả mười hai người,” Andreessen nói. Chỉ có khoảng năm mươi Web site khi đó và chúng hầu hết chỉ là các trang Web đơn lẻ. “Mosaic”, anh giải thích, “được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia – National Science Foundation [NSF]. Tiền thực sự không phân bổ cho xây dựng Mosaic. Nhóm chúng tôi phải làm một phần mềm cho phép các nhà khoa học dùng các siêu máy tính đặt ở các vị trí ở xa, và để nối với chúng bằng mạng NSF. Cho nên chúng tôi xây dựng [browser đầu tiên như] các công cụ phần mềm cho phép các nhà nghiên cứu ‘duyệt’ nghiên cứu của nhau. Tôi nhìn nó như một vòng phản hồi dương: Càng nhiều người có browser, càng nhiều người muốn được kết nối, và sẽ càng có nhiều khuyến khích hơn để tạo nội dung và các ứng dụng và công cụ. Một khi loại việc đó khởi động, nó cứ thế cất cánh và hầu như chẳng gì có thể chặn nó. Khi phát triển nó, bạn không chắc bất cứ ai sẽ dùng nó, nhưng ngay khi nó khởi động chúng tôi đã hiểu rằng nếu có bất cứ ai dùng nó thì mọi người sẽ dùng nó, và khi đó chỉ còn vấn đề là nó sẽ lan ra nhanh thế nào và cái gì có thể là những cản trở trên đường”.

Quả thực, ai đã thử browser, kể cả Barksdale, có cùng phản ứng ban đầu: Chà! “Mỗi hè, tạp chí Fortune có một bài về hai mươi lăm công ti ngon nhất [coolest] khắp nơi,” Barksdale nhớ lại. “Năm đó [1994] Mosaic là một trong số đó. Tôi đã không chỉ đọc về Clark và Andreessen mà đã quay sang bảo vợ tôi, ‘Em yêu, đây là một ý tưởng lớn’. Và rồi chỉ vài tuần muộn hơn tôi nhận cú điện thoại từ headhunter. Cho nên tôi xuống và nói chuyện với Doerr và Jim Clark, tôi bắt đầu dùng phiên bản beta của Mosaic browser. Càng dùng nó tôi càng bị hấp dẫn hơn”. Từ cuối các năm 1980, người ta đã dựng lên các cơ sở dữ liệu với truy cập Internet. Barksdale nói rằng sau khi nói chuyện với Doerr và Clark, ông về nhà, gom ba đứa con ông quanh máy tính của ông, và hỏi mỗi đứa gợi ý một chủ đề có thể duyệt Internet để tìm – và làm chúng thán phục bằng đạt cái gì đó cho mỗi đứa. “Việc đó thuyết phục tôi,” Barksdale nói. “Cho nên tôi gọi lại cho headhunter và nói, ‘tôi là người của ông.’”

Browser thương mại đầu tiên của Netscape – có thể chạy trên một IBM PC, một Apple Macintosh, hay một máy tính Unix – được phát hành tháng 12-1994, và trong vòng một năm nó hoàn toàn chế ngự thị trường. Bạn có thể tải Netscape xuống miễn phí nếu bạn trong ngành giáo dục hay phi lợi nhuận. Nếu bạn là một cá nhân, bạn có thể đánh giá phần mềm miễn phí theo sự hài lòng của mình và mua nó trên đĩa nếu bạn muốn. Nếu bạn là một công ti, bạn có thể đánh giá phần mềm cho chín mươi ngày. Andreessen nói, “Lí do căn bản là: Nếu bạn có sức để thanh toán mua nó, xin hãy làm thế. Nếu không, hãy dùng nó dẫu sao đi nữa”. Vì sao? Vì tất cả việc dùng miễn phí kích thích một sự tăng trưởng ồ ạt về mạng, điều quý giá đối với tất cả các khách hàng trả tiền. Đã có kết quả.

“Chúng tôi đưa Netscape browser lên,” Barksdale nói, “và người ta tải nó xuống miễn phí cho thử ba tháng. Tôi chưa bao giờ thấy khối lượng như thế. Đối với các doanh nghiệp lớn và chính phủ, nó đã cho phép họ kết nối và giải phóng tất cả thông tin của họ, và hệ thống point-and-click [trỏ-và-nhắp chuột] mà Marc Andreessen sáng chế ra đã cho phép người thường dùng nó, không chỉ các nhà khoa học. Và điều đó làm cho nó là một cuộc cách mạng thật sự. Và chúng tôi nói, ‘Cái này sẽ chỉ tăng và tăng và tăng’”.

Chẳng gì đã chặn nó, và đó là vì sao Netscape đã đóng một vai trò làm phẳng hết sức quan trọng khác: Nó đã giúp khiến Internet thực sự có thể tương hoạt. Bạn sẽ nhớ lại rằng trong pha Tường Berlin-PC-Windows, các cá nhân có e-mail và các công ti có e-mail nội bộ đã chưa thể kết nối rất xa. Bộ định tuyến [router] Internet đầu tiên của Cisco, thực ra, được một đôi vợ chồng xây dựng ở Stanford những người muốn trao đổi e-mail; một người làm việc xa một máy tính lớn [mainframe] và người kia trên một PC, và họ đã không thể kết nối. “Các mạng công ti thời đó là [sở hữu] riêng và rời nhau,” Andreessen nói. “Mỗi [mạng] có các định dạng, các giao thức riêng, và các cách khác nhau để làm nội dung. Vì thế tất cả các ốc đảo thông tin này đã tách rời nhau. Và khi Internet nổi lên như một cuộc kinh doanh mạo hiểm có tính thương mại, công cộng, đã có một mối nguy hiểm thực sự rằng nó sẽ nổi lên theo cùng cách rời nhau”.

Joe ở phòng kế toán muốn lên PC của mình ở văn phòng và thử lấy các số liệu doanh thu mới nhất cho 1995, nhưng anh không thể làm việc đó vì phòng bán hàng có hệ thống khác với hệ thống mà phòng kế toán dùng. Đã cứ như một người nói tiếng Đức và người khác nói tiếng Pháp. Và rồi Joe nói, “Cho tôi thông tin giao hàng mới nhất từ hãng Goodyear về loại vỏ [lốp] xe nào họ đã gửi cho chúng ta,” và anh ta thấy rằng Goodyear dùng một hệ thống hoàn toàn khác, và đại lí ở Topeka lại dùng một hệ thống khác nữa. Rồi Joe về nhà và thấy đứa con học lớp bảy của mình tìm trên WWW cho bài luận học kì, dùng các giao thức mở, và ngó vào các tài sản của bảo tàng nghệ thuật nào đó ở Pháp. Và Joe nói, “Thật là điên. Phải có một thế giới hoàn toàn kết nối”.

Trong các năm trước khi Internet trở thành có tính thương mại, Andreessen giải thích, các nhà khoa học đã phát triển một loạt các “giao thức mở” có ý định làm cho hệ thống e-mail của mọi người hay mạng máy tính đại học kết nối suôn sẻ với hệ thống của mọi người khác – để đảm bảo rằng không ai có ưu thế đặc biệt nào đó. Các giao thức dựa vào toán học này, cho phép các dụng cụ số nói chuyện với nhau, giống như các ống thần diệu mà, một khi đã chấp nhận chúng cho mạng của bạn, sẽ khiến cho bạn tương thích với mọi người khác, bất kể họ chạy loại máy tính gì. Các giao thức này đã (và vẫn còn) được biết đến bằng các tên chữ cái hổ lốn của chúng: chủ yếu là FTP, HTTP, SSL, SMTP, POP, và TCP/IP. Cùng nhau, chúng tạo thành một hệ thống để vận chuyển dữ liệu quanh Internet một cách tương đối an toàn, bất kể công ti bạn hay các hộ gia đình có mạng gì hay bạn dùng máy tính hay điện thoại di động hay thiết bị cầm tay gì. Mỗi giao thức có một chức năng khác biệt: TCP/IP là hệ thống ống [nước] cơ bản của Internet, hay các toa xe lửa cơ bản, trên đó tất cả các thứ khác trên nó được xây dựng và di chuyển khắp nơi. FTP di chuyển các file; SMTP và POP di chuyển các thông điệp e-mail, chúng được tiêu chuẩn hoá, sao cho chúng có thể được viết và đọc trên các hệ thống e-mail khác nhau. HTML là một ngôn ngữ cho phép người dân thường tạo ra các trang Web mà bất cứ ai có thể hiển thị với một Web browser. Nhưng việc đưa HTTP vào để di chuyển các tài liệu HTML đi khắp nơi là cái sinh ra World Wide Web như chúng ta biết. Cuối cùng, khi người ta bắt đầu dùng các trang Web cho thương mại điện tử, SSL được tạo ra để cung cấp sự an toàn cho các giao dịch dựa trên Web.

Khi sự duyệt và Internet nói chung tăng lên, Netscape đã muốn làm cho chắc chắn rằng Microsoft, với sự chế ngự thị trường to lớn của nó, sẽ không có khả năng chuyển các giao thức Web này từ các chuẩn mở sang chuẩn riêng mà chỉ có các máy chủ Microsoft mới có khả năng xử lí. “Netscape đã giúp đảm bảo rằng các giao thức mở này sẽ không là sở hữu riêng bằng cách thương mại hoá chúng cho công chúng,” Andreessen nói. “Netscape xuất hiện không chỉ với browser mà với một họ các sản phẩm phần mềm thực hiện tất cả các chuẩn mở này để cho các nhà khoa học có thể liên lạc với nhau bất kể họ ở trên hệ thống nào – một siêu máy tính Cray, một Macintosh, hay một PC. Netscape đã có khả năng cho mọi người một lí do thật sự để nói, ‘tôi muốn theo chuẩn mở đối với mọi thứ tôi làm và đối với mọi hệ thống tôi làm việc với’. Một khi chúng tôi đã tạo ra một cách để duyệt Internet, người ta muốn một cách phổ quát để truy cập đến cái đã có ở đó. Cho nên bất cứ ai muốn chuẩn mở đã đến Netscape, nơi chúng tôi hỗ trợ họ, hay họ đi sang giới nguồn mở và có được cùng các chuẩn miễn phí nhưng không được hỗ trợ, hay họ đến các nhà cung cấp tư nhân của họ và nói, ‘tôi sẽ không mua đồ riêng của anh nữa …tôi sẽ không đăng kí vào vườn có tường bao của anh nữa. Tôi chỉ ở lại với anh nếu anh kết nối với Internet theo các giao thức mở này’.”

Netscape bắt đầu đẩy các chuẩn mở này qua việc bán browser của nó, và công chúng đáp ứng nhiệt tình. Sun bắt đầu làm vậy với các máy chủ của nó, và Microsoft làm vậy với Windows 95, coi việc duyệt hệ trọng đến mức nó xây dựng browser riêng của mình trực tiếp vào Windows với Internet Explorer thêm vào. Mỗi [công ti] nhận ra rằng công chúng, đột nhiên không thể có đủ từ e-mail và duyệt, đã muốn các công ti Internet làm việc cùng nhau và tạo ra một mạng có thể tương hoạt. Họ muốn các công ti cạnh tranh với nhau về các ứng dụng khác nhau, tức là, về cái mà người tiêu dùng có thể làm một khi họ lên Internet – chứ không phải về làm thế nào họ lên Internet lần đầu. Kết quả là, sau khá khá “các cuộc chiến định dạng” giữa các công ti lớn, vào cuối các năm 1990 nền tảng tính toán Internet đã được tích hợp một cách suôn sẻ. Chẳng mấy chốc bất cứ ai đã có khả năng kết nối với bất cứ ai khác ở bất cứ đâu trên bất cứ máy nào. Hoá ra là giá trị của tính tương thích đối với mỗi người là cao hơn nhiều giá trị của việc cố duy trì mạng có tường bao cỏn con của riêng bạn. Sự tích hợp này đã là một lực làm phẳng khổng lồ, bởi vì nó cho phép nhiều đến vậy người được kết nối với rất rất nhiều người khác.

Đã không thiếu người nghi ngờ ở thời đó, họ nói rằng chẳng cái nào trong số này sẽ hoạt động vì nó quá phức tạp, Andreessen nhớ lại. “Anh phải đi ra và kiếm một PC và một dial-up modem. Tất cả những người nghi ngờ đều nói, ‘Cần thời gian lâu để người ta thay đổi các thói quen và học một công nghệ mới.’ [Nhưng] người ta làm việc đó rất nhanh, và mười năm sau đã có tám trăm triệu người trên Internet”. Lí do ư? “Người dân sẽ thay thói quen nhanh khi họ có một lí do mạnh mẽ để làm vậy, và người ta có một sự thôi thúc bẩm sinh để kết nối với người khác,” Andreessen nói. “Và khi bạn cho người ta một cách mới để kết nối với người khác, họ sẽ chọc thủng bất cứ rào cản kĩ thuật nào, họ sẽ học các ngôn ngữ mới – người dân được nối mạng muốn kết nối với người khác và họ thấy khó chịu không có khả năng để làm vậy. Đó là cái Netscape giải phóng”. Như Joel Cawley, phó tổng giám đốc về chiến lược công ti của IBM, diễn đạt, “Netscape đã tạo ra một chuẩn về làm thế nào dữ liệu có thể được chuyển và sắp xếp trên màn hình đơn giản và hấp dẫn đến mức bất cứ người nào và mọi người có thể đổi mới sáng tạo trên nó. Nó nhanh chóng tăng quy mô ra khắp toàn cầu và cho mọi người từ trẻ con đến các công ti”.

Mùa hè 1995, Barksdale và các đồng nghiệp Netscape của ông đi một chuyến biểu diễn lưu động kiểu cổ với các nhà ngân hàng đầu tư từ Morgan Stanley để thử cám dỗ các nhà đầu tư khắp đất nước mua cổ phiếu của Netscape một khi nó ra công chúng. “Khi chúng tôi ở trên đường,” Barksdale nói, “Morgan Stanley nói cổ phiếu có thể bán cao ở giá 14 $. Nhưng sau khi chuyến trình diễn đang tiến triển, họ đã nhận được cầu đối với cổ phiếu, họ đã quyết định tăng gấp đôi giá mở cửa lên 28 $. Chiều cuối cùng trước khi khởi bán, tất cả chúng tôi đều ở Maryland. Đó là trạm cuối của chúng tôi. Chúng tôi có một đoàn xe limousine đen. Chúng tôi nhìn giống một nhóm Mafia nào đó. Chúng tôi cần tiếp xúc với [tổng hành dinh của] Morgan Stanley, nhưng chúng tôi đã ở đâu đó nơi điện thoại di động của chúng tôi không có sóng. Cho nên chúng tôi kéo vào hai trạm xăng chéo nhau này, tất cả các xe limo đen này, để gọi điện thoại. Chúng tôi gọi Morgan Stanley, và họ nói, “chúng tôi nghĩ đưa nó ra với giá 31 $. Tôi bảo, ‘Không, hãy giữ 28 $’, bởi vì tôi muốn người dân nhớ nó là một loại cổ phiếu 20 $, chứ không phải 30 $, nhỡ trong trường hợp không rất thành công. Rồi như vậy sáng hôm sau tôi có cuộc gọi hội nghị và nó được khởi bán với giá 71 $. Đóng cửa với 56 $ đúng bằng hai giá tôi đưa ra”.

Netscape cuối cùng đã là nạn nhân của áp lực cạnh tranh lấn át (và, được toà quyết định, độc quyền) từ Microsoft. Quyết định của Microsoft cho không browser của nó, Internet Explorer, như một phần của hệ điều hàng Windows có địa vị thống trị, kết hợp với khả năng của nó để ném nhiều lập trình viên vào duyệt Web hơn là Netscape, đã dẫn thị phần của Netscape ngày càng giảm. Cuối cùng, Netscape đã được bán với giá 10 tỉ $ cho AOL, mà AOL chẳng bao giờ làm gì mấy với nó. Nhưng tuy Netscape có thể đã chỉ là một ngôi sao băng về phương diện thương mại, nó đã là ngôi sao thế nào, và đã để lại vết ra sao.

“Chúng tôi đã có lời hầu như từ đầu,” Barksdale nói. “Netscape đã không phải là một dot-com. Chúng tôi đã không tham gia vào bong bóng dot-com. Chúng tôi khởi động bong bóng dot-com.”

Và nó đã là một bong bóng thế nào.

“Việc Netscape ra công chúng đã kích động nhiều thứ,” Barksdale nói. “Các nhà công nghệ thích các thứ công nghệ mới nó có thể làm, và người kinh doanh và dân thường bị kích thích về họ có thể kiếm được bao nhiêu tiền. Người ta nhìn thấy tất cả lũ trẻ này tất cả đều kiếm tiền từ đấy và nói, ‘nếu bọn trẻ đó có thể làm việc này và kiếm toàn bộ số tiền đó, tôi cũng có thể’. Tính tham lam có thể là một điều xấu – người ta nghĩ họ có thể kiếm được rất nhiều tiền mà không làm việc nhiều. Nó chắc chắn dẫn đến một mức độ đầu tư qua đáng, ấy là nói nhẹ đi. Mọi ý tưởng ngớ ngẩn và ngớ ngẩn hơn đều được tài trợ”.

Cái gì đã khiến các nhà đầu tư đi tin rằng cầu về sử dụng Internet và các sản phẩm liên quan đến Internet sẽ là vô tận? Câu trả lời ngắn gọn là số hoá. Một khi cách mạng PC-Windows đã chứng tỏ cho mọi người giá trị của khả năng số hoá thông tin và xử lí nó trên máy tính và các bộ xử lí văn bản, và một khi browser làm sống động Internet và khiến các trang Web hát và múa và hiển thị, ai cũng muốn mọi thứ được số hoá càng nhiều càng tốt sao cho họ có thể gửi nó đến ai đó khác các qua đường ống Internet. Như thế cách mạng số hoá đã bắt đầu. Số hoá là một quá trình thần diệu theo đó từ ngữ, âm nhạc, dự liệu, film, file, ảnh được chuyển thành các bit và byte – những kết hợp của các số 1 và số 0 – có thể được thao tác trên màn hình máy tính, chứa [và xử lí] trên một vi xử lí, hay được truyền qua vệ tinh và qua cáp quang. Bưu điện là nơi tôi thường đến để gửi thư, nhưng một khi Internet trở nên sống động, tôi muốn thư của tôi được số hoá để tôi có thể e-mail nó. Chụp ảnh đã thường là một quá trình phức tạp dính đến film tráng bạc được khai từ các mỏ cách xa nửa vòng trái đât. Tôi thường quen chụp ảnh với máy của mình, rồi mang film đến hiệu để giửi đến một xưởng lớn ở đâu đó để xử lí. Nhưng một khi Internet làm cho có thể gửi ảnh vòng quanh thế giới, gắn vào hay ở trong e-mail, tôi không còn muốn dùng film bạc nữa. Tôi muốn chụp các bức ảnh với định dạng số, có thể tải lên, chứ không phải tráng. (Và nhân tiện, tôi không muốn bị giới hạn ở dùng máy ảnh để chụp. Tôi muốn có khả năng dùng điện thoại di động của mình để làm việc đó). Tôi thường quen đến hiệu sách Barnes & Noble để mua và xem lướt các sách, nhưng một khi Internet trở nên sống động, tôi cũng muốn ngó lướt các sách ở dạng số trên Amazon.com nữa. Tôi thường quen đến thư viện để tìm kiếm, nhưng bây giờ tôi muốn làm việc đó ở dạng số qua Google hay Yahoo!, không chỉ bằng lang thang giữa các giá sách. Tôi đã quen mua CD và nghe các ca sĩ Simon và Garfunkel – các đĩa CD đã thay thế các album rồi như một dạng nhạc được số hoá – nhưng khi Internet trở nên sống động, tôi muốn các bit âm nhạc đó trở nên thậm chí dễ bảo hơn và di động. Tôi muốn có khả năng tải chúng xuống một iPod. Trong các năm vừa qua công nghệ số hoá đã tiến hoá và tôi có thể làm đúng điều đó.

Thế đấy, khi các nhà đầu tư quan sát sự đổ xô đi số hoá mọi thứ, họ nói với chính mình, “Con bò linh thiêng. Nếu ai cũng muốn số hoá tất cả các thứ này biến thành các bit và truyền qua Internet, thì cầu cho các công ti dịch vụ Web và cầu đối với cáp quang để xử lí tất cả các thứ được số hoá này quanh thế giới sẽ là vô tận! Bạn không thể thua nếu đầu tư vào đây!”.

Và như thế bong bóng hình thành.

Đầu tư quá đáng không nhất thiết là một việc xấu – với điều kiện cuối cùng nó được hiệu chỉnh. Tôi sẽ luôn nhớ buổi họp báo mà chủ tịch Microsoft Bill Gates tổ chức ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới 1999 tại Davos, ở đỉnh của bong bóng kĩ thuật. Các phóng viên đã dồn dập bỏ bom Gates với các phiên bản của câu hỏi, “Ông Gates các cổ phiếu Internet này là bong bóng, đúng không? Chắc chắn chúng là bong bóng. Chúng phải là một bong bóng?” Cuối cùng Gates điên tiết đã nói cho các phóng viên cái gì đó về ảnh hưởng, “Này, bọn mày, tất nhiên chúng là bong bóng, nhưng tất cả các cậu đều không nắm được điểm chính. Bong bóng này thu hút rất nhiều vốn cho công nghiệp Internet này, nó sẽ thúc đẩy sự đổi mới nhanh hơn và nhanh hơn”. Gates đã so Internet với việc đổ xô đi tìm vàng, ý tưởng là kiếm được nhiều tiền hơn bằng bán quần bò Levi, cuốc chim, xẻng, và phòng khách sạn cho những kẻ đào vàng hơn là từ đào vàng lên từ lòng đất. Gates đã đúng: Các cơn sốt và bong bóng về mặt kinh tế có thể là nguy hiểm; chúng có thể kết thúc với nhiều người mất tiền và rất nhiều công ti phá sản. Song cũng thường khiến đổi mới nhanh hơn và nhanh hơn, và năng lực thừa hoàn toàn do chúng khích lệ – bất luận là về đường sắt hay ôtô – có thể tạo ra các hệ quả tích cực không chủ ý của riêng nó.

Đó là cái đã xảy ra với cơn sốt cổ phiếu Internet. Nó châm ngòi sự đầu tư quá đáng khổng lồ vào các công ti cáp quang, rồi chúng đã đặt rất nhiều cáp quang trên đất liền và dưới đáy các đại dương, điều đó đẩy giá thành của một cuộc gọi điện thoại hay truyền dữ liệu ở bất cứ đâu trên thế giới xuống một cách đầy kịch tính.

Lắp đặt hệ thống cáp quang thương mại đầu tiên vào năm 1977, sau đó cáp quang đã dần dần thay thế các đường dây điện thoại bằng đồng, vì nó có thể mang dữ liệu và thoại được số hoá xa hơn nhanh hơn rất nhiều với lượng lớn hơn. Theo Howstuffworks.com, sợi quang được làm bởi các sợi thuỷ tinh tinh khiết về quang học mỗi sợi “mảnh như sợi tóc”, được xếp thành các bó, đợc gọi là “cáp quang”, để mang các gói thông tin số qua những khoảng cách xa. Vì các sợi quang này mảnh hơn sợi đồng nhiều, nhiều sợi hơn được bó vào một cáp có đường kính cho trước, có nghĩa là nhiều số liệu hay âm thanh hơn nhiều có thể được gửi trên cùng một cáp với chi phí thấp hơn. Lợi ích quan trọng nhất của sợi quang, tuy vậy, xuất xứ từ dải thông cao hơn rất nhiều của tín hiệu có thể truyền qua các khoảng cách xa. Dây đồng cũng có thể mang các tần số rất cao, nhưng chỉ được vài bước tín hiệu bắt đầu suy giảm cường độ do các hiệu ứng kí sinh. Sợi quang, ngược lại, có thể mang các xung quang học có tần số cực cao trên cùng một sợi mà không có suy giảm tín hiệu đáng kể ở khoảng cách nhiều dặm.

Các cáp quang hoạt động, ARC Electronics, một trong các nhà chế tạo giải thích trên Web site của mình, bằng cách biến dữ liệu hay âm thanh thành các xung quang học và truyền chúng trên các sợi quang, thay cho các xung điện để truyền thông tin trên dây đồng. Ở một đầu của hệ thống cáp quang là một máy phát. Máy phát nhận thông tin xung điện được mã hoá – các từ hay dữ liệu – đến từ dây đồng từ điện thoại ở nhà hay máy tính văn phòng của chúng ta. Sau đó máy phát xử lí và dịch các từ hay dữ liệu được mã hoá, được số hoá đó ở dạng điện từ sang các xung ánh sáng được mã hoá tương đương. Một diode phát quang (LED-Light Emitting diode) hay một diode phun laser (ILD-Injection Laser Diode) có thể được dùng để tạo các xung ánh sáng này, sau đó chúng được lùa chảy xuống cáp quang. Cáp hoạt động như một loại ống dẫn ánh sáng, dẫn các xung ánh sáng được tạo ra ở một đầu cáp qua đầu kia, nơi một máy thu nhạy cảm ánh sáng biến các xung trở lại thành các số 1 và 0 điện tử của tín hiệu ban đầu, như thế chúng có thể hiển thị trên màn hình máy tính của bạn hay như e-mail hay trong điện thoại di động của bạn như một âm thanh. Cáp quang cũng lí tưởng cho liên lạc an toàn, bởi vì rất khó nghe trộm nó.

Trên thực tế chính sự trùng hợp của cơn sốt dot-com và Luật Viễn thông 1996 là cái đã khởi động bong bóng cáp quang. Luật đã cho phép các công ti [viễn thông] nội hạt và đường dài có thể lấn vào việc kinh doanh của nhau, và cho phép đủ mọi loại hãng chuyển mạch địa phương mới đi cạnh tranh đầu đối đầu với các Baby Bells và AT&T về cung cấp cả các dịch vụ thoại và hạ tầng. Khi các hãng điện thoại này lên trực tuyến, chào các dịch vụ nội hạt, đường dài, quốc tế, dữ liệu, và dịch vụ Internet của riêng họ, mỗi hãng tìm cách có hạ tầng riêng của mình. Và vì sao không? Cơn sốt Internet đã dẫn mọi người đi cho rằng cầu về băng thông để mang tất cả lưu lượng Internet đó sẽ tăng gấp đôi cứ ba tháng một – cho đến vô tận. Cho khoảng hai năm đầu điều đó là đúng. Nhưng sau đó qui luật số lớn bắt đầu góp phần, và nhịp độ tăng gấp đôi chậm đi. Đáng tiếc, các công ti viễn thông đã không chú ý sát đến sự không xứng đôi nảy sinh giữa cầu và thực tế. Thị trường đã ở trong vòng kìm kẹp của một cơn sốt Internet, và các công ti cứ tiếp tục xây dựng năng lực nhiều và nhiều hơn nữa. Và cơn sốt thị trường cổ phiếu có nghĩa là, tiền là cho không! Nó là một bữa tiệc! Cho nên mọi trong các kịch bản lạc quan không thể tin nổi này từ mọi trong các công ti viễn thông mới này đều được tài trợ. Trong một thời kì khoảng năm hay sáu năm, các công ti viễn thông này đã đầu tư khoảng 1 ngàn tỉ $ để chăng dây khắp thế giới. Và hầu như chẳng ai nghi ngờ các dự đoán về cầu.

Ít công ti trở nên điên rồ hơn Global Crossing, một trong những công ti được tất cả các công ti viễn thông mới này thuê lắp đặt cáp quang cho họ khắp thế giới. Global Crossing được Gary Winnick thành lập vào năm 1997 và ra công chúng năm tiếp theo. Robert Annunziata, người chỉ đứng được một năm với tư cách CEO, đã có một hợp đồng mà Nell Minow của Corporate Library [Thư viện Công ti] đã từng chọn ra như tồi tệ nhất (từ quan điểm của các cổ đông) ở Hoa Kì. Giữa những thứ khác, nó bao gồm vé máy bay hạng nhất cho mẹ Annunziata đi thăm anh ta một lần một tháng. Nó cũng gồm phần thưởng 2 triệu cổ phiếu với giá 10 $ một cổ phần dưới giá thị trường.

Henry Schacht, một nhà công nghiệp kì cựu bây giờ ở E. M. Warburg, Pincus & Co., đã được đưa vào bởi Lucent, công ti kế tục của Western Electric, để giúp trông coi nó qua thời kì điên dại này. Ông nhớ lại bầu không khí: “Phi điều tiết viễn thông 1996 là cực kì quan trọng. Nó cho phép các hãng chuyển mạch địa phương xây dựng năng lực riêng của mình và bán cạnh tranh với nhau và với các công ti Baby Bells. Các công ti viễn thông mới này đến các công ti như Global Crossing và nhờ họ lắp đặt mạng cáp quang cho mình để họ có thể cạnh tranh ở mức truyền tải với AT&T và MCI, đặc biệt vì lưu lượng hải ngoại … Mỗi người đã nghĩ đây là một thế giới mới, và nó sẽ chẳng bao giờ ngừng. [Bạn có] các hãng cạnh tranh sử dụng vốn cho không, và mỗi hãng đều nghĩ cái bánh sẽ to ra vô tận. Cho nên [mỗi công ti nói,] ‘tôi sẽ đặt cáp quang của tôi trước khi anh đặt, và tôi sẽ có phần lớn hơn anh’. Nó được giả sử đúng là một đường tăng trưởng nằm dọc, thẳng đứng, và mỗi chúng ta đều nghĩ mình sẽ có phần của mình, vì thế mỗi người xây dựng theo các dự đoán tối đa và cho rằng họ sẽ có phần của mình.”

Hoá ra là trong khi doanh nghiệp-đến-doanh nghiệp và thương mại điện tử đã phát triển như dự kiến, và nhiều Web site mà chẳng ai dự kiến đã bùng nổ – như eBay, Amazon, và Google- chúng vẫn chỉ ngoạm một phần nhỏ của năng lực sẵn có. Cho nên khi sự vỡ nợ dot-com xuất hiện, đã có quá nhiều cáp quang ở đó. Cước điện thoại đường dài sụt từ 2 $ một phút xuống 10 cent. Và truyền dữ liệu hầu như là miễn phí. “Ngành viễn thông đã tự đầu tư đúng ra ngoài việc kinh doanh,” Mike McCue, tổng điều hành của Tellme Networks, một dịch vụ Internet kích hoạt bằng âm thanh, nói với CNET News.com tháng Bảy 2001. “Họ đã đặt nhiều cáp quang dưới đất đến mức về cơ bản họ tự hàng hoá hoá [commoditized] bản thân mình. Họ sẽ dấn vào các cuộc chiến giá cả ồ ạt với mọi người và đó sẽ là một thảm hoạ.”

Nó là một thảm hoạ đối với nhiều công ti và các nhà đầu tư của chúng (Global Crossing đã nộp đơn phá sản tháng Hai 2002, với 12,4 tỉ $ nợ nần), nhưng nó hoá ra là một mối lợi lớn cho những người tiêu dùng. Hệt như hệ thống đường cao tốc quốc gia được xây dựng trong các năm 1950 đã làm phẳng Hoa Kì, phá vỡ những khác biệt khu vực, và làm cho dễ hơn nhiều đối với các công ti để di chuyển tới các vùng lương thấp hơn, như Miền Nam, bởi vì trở nên dễ hơn nhiều để di chuyển người và hàng hoá đi các khoảng cách xa, như thế đặt các đường siêu tốc cáp quang toàn cầu đã làm phẳng thế giới phát triển. Nó giúp phá vỡ chủ nghĩa địa phương toàn cầu, tạo ra một mạng lưới thương mại toàn cầu suôn sẻ hơn, và làm cho việc di chuyển công việc được số hoá – các việc làm dịch vụ và việc làm tri thức- sang các nước có chi phí thấp hơn thật đơn giản và hầu như miễn phí.

(Tuy vậy, phải lưu ý rằng các đường siêu tốc cáp quang này ở Mĩ thường ngừng ở dặm cuối cùng – trước khi nối tới các hộ gia đình. Trong khi một lượng khổng lồ cáp quang đường dài được đặt để nối Ấn Độ và Mĩ, hầu như không công ti nào trong số các công ti viễn thông mới ở Hoa Kì đã lắp đặt đáng kể hạ tầng mạch nội hạt (local loop) mới, do thất bại của luật phi điều tiết viễn thông 1996 để cho phép cạnh tranh thực sự về mạch nội hạt giữa các công ti cáp và các công ti điện thoại. Nơi mạch dải rộng cục bộ đã được lắp đặt là ở các cao ốc văn phòng, đã được các công ti cũ phục vụ khá tốt. Cho nên điều này đẩy giá xuống đối với các doanh nghiệp – và đối với những người Ấn Độ những người muốn được trực tuyến ở Bangalore để kinh doanh với các doanh nghiệp đó – nhưng nó đã không tạo ra loại cạnh tranh có thể dẫn đến năng lực dải rộng cho quần chúng Mĩ ở nhà của họ. Điều đó bắt đầu mới gần đây.)

Đầu tư thừa quá rộng về cáp quang là một món quà biếu vẫn cứ tiếp tục cho, nhờ bản chất độc nhất của cáp quang. Không giống các dạng khác của đầu tư quá đáng vào Internet, nó là vĩnh cửu: Một khi cáp đã được đặt, chẳng ai đi đào chúng lên và bằng cách đó loại bỏ năng lực dư thừa. Cho nên khi các công ti viễn thông bị phá sản, các ngân hàng nắm lấy chúng và sau đó bán các cáp quang của họ với giá mười cent trên một dollar cho các công ti mới, các công ti ấy tiếp tục vận hành chúng, mà họ có thể kinh doanh có lãi, do đã mua chúng trong một cuộc bán tống bán tháo. Nhưng cách mà cáp quang hoạt động là mỗi cáp có nhiều sợi với khả năng truyền nhiều terabit [tera = 1.024 giga] dữ liệu trên một giây trên mỗi sợi. Khi các cáp quang này ban đầu được đặt, các chuyển mạch quang học – các máy phát và máy thu – ở mỗi đầu của chúng đã không thể lợi dụng hết năng lực đầy đủ của sợi quang. Nhưng mỗi năm kể từ khi đó, các chuyển mạch quang học ở mỗi đầu của cáp đó đã trở nên ngày càng tốt hơn, có nghĩa là ngày càng nhiều âm thanh và dữ liệu hơn có thể được truyền dọc mỗi sợi. Cho nên khi các chuyển mạch tiếp tục được cải thiện, dung lượng của tất cả cáp đã được lắp đặt rồi vẫn tiếp tục tăng lên, khiến cho càng dễ hơn và rẻ hơn để truyền tiếng nói và dữ liệu mỗi năm đến bất cứ phần nào của thế giới. Cứ như là chúng ta xây một hệ thống đường cao tốc quyết định nơi người dân đầu tiên được phép chạy 50 dặm một giờ, rồi 60 dặm một giờ, rồi 70 dặm một giờ, rồi 80 dặm một giờ, rồi cuối cùng 150 dặm một giờ trên cùng đường cao tốc ấy mà không có chút sợ nào về tai nạn. Chỉ có cái là đường cao tốc này không chỉ là đường quốc gia. Nó là đường quốc tế.

“Mỗi lớp đổi mới được xây dựng trên lớp sát kề,” Andreessen nói, người rời Netscape để khởi động một hãng công nghệ cao mới, Opsware Inc. “Và ngày nay, thứ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tôi đó là sự thực rằng một đứa trẻ 14 tuổi ở Rumania hay Bangalore hay Liên Xô hay Việt Nam có tất cả thông tin, tất cả các công cụ, và tất cả những phần mềm dễ kiếm để ứng dụng tri thức bằng bất cứ cách nào chúng muốn. Đó chính là lí do vì sao tôi chắc chắn rằng Napster tiếp theo sẽ ra mắt từ khu tả [trái]. Khi khoa học sinh học ngày càng trở nên có tính tính toán nhiều hơn và ít về các phòng thí nghiệm ẩm ướt hơn và khi tất cả các dữ liệu về gen trở nên dễ kiếm hơn trên Internet, tại điểm nào đó bạn sẽ có thể thiết kế các vaccin trên laptop [máy tính xách tay] của mình.”

Tôi nghĩ Andreessen chạm đến cái độc nhất về thế giới phẳng và thời đại Toàn cầu hoá 3.0. Nó sẽ được dẫn dắt bởi các nhóm và các cá nhân, nhưng có một nền tảng đa dạng hơn nhiều nền tảng của mười hai nhà khoa học tạo thành thế giới của Andreessen khi anh tạo ra Mosaic. Bây giờ chúng ta sẽ thấy mosaic [miếng ghép] con người nổi lên – từ khắp thế giới, từ khu trái [tả] và khu phải [hữu], từ Tây và Đông và Bắc và Nam – để dẫn dắt thế hệ tiếp về đổi mới. Quả thực, vài ngày sau khi Andreessen và tôi nói chuyện, đầu đề sau xuất hiện trên trang bìa của The New York Times ( 15-6-2004): “Hoa Kì cho phép 3 Thuốc Ung Thư từ Cuba.” Câu chuyện tiếp tục, “Chính phủ liên bang đã cho phép một công ti công nghệ sinh học ở California được cấp phép ba loại thuốc ung thư thí nghiệm từ Cuba – đưa ra một ngoại lệ đối với chính sách hạn chế nghiêm ngặt thương mại với nước đó.” Các nhà điều hành của công ti, CancerVex, nói rằng “đó là lần đầu một công ti công nghệ sinh học Mĩ được phép để license một loại thuốc từ Cuba, một nước mà một số nhà điều hành công nghiệp và khoa học nói là mạnh một cách đáng ngạc nhiên về công nghệ sinh học đối với một quốc gia đang phát triển… Hơn 1 tỉ $ đã được chi qua nhiều năm để xây dựng và vận hành các viện nghiên cứu ở phía tây Havana có nhân viên là các nhà khoa học Cuba, nhiều người được đào tạo ở Châu Âu”.

Chỉ để tóm tắt lại: Pha làm phẳng PC-Windows là về tôi tương tác với máy tính của tôi và tôi tương tác với mạng giới hạn riêng của tôi ở công ti của tôi. Sau đó đến pha Internet- e-mail– browser, và nó làm phẳng thế giới thêm một chút. Nó là về tôi và máy tính của tôi tương tác với bất cứ ai khác trên bất cứ máy nào, mà e-mail là như vậy, và tôi và máy tính của tôi tương tác với Web site của bất cứ ai trên Internet, mà việc duyệt là như vậy. Tóm lại, pha PC-Windows đã là cha của pha Netscape browsing – e-mail và cả hai cùng nhau cho phép nhiều người liên lạc và tương tác với nhiều người khác hơn đã từng có bao giờ ở bất cứ đâu trên hành tinh.

Nhưng trò vui mới chỉ bắt đầu. Pha này chính là nền tảng cho bước tiếp theo trong làm phẳng thế giới phẳng.

Bình luận
Ads Footer