NÊN sao chép, chia sẻ, KHÔNG NÊN thương mại hoá.

Tơ Đồng Rỏ Máu

Chương 3: Ngón tay khăn máu

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ
Ads Top

Ông già nằm trên giường bệnh là một bệnh nhân tâm thần phân liệt phạm tội hiếp dâm, đòi gặp đích danh Na Lan, nói là muốn tiết lộ một bí mật gây chấn động Giang Kinh thậm chí toàn quốc.

Sự thật này chắc chắn sẽ trở thành một dòng status được lan truyền rộng khắp trên weibo[1].

Sự thật về vụ án “Ngón tay khăn máu”!

Trong ba mươi năm qua, ở Giang Kinh đã xảy ra một loạt vụ án phụ nữ mất tích, các vụ việc cách nhau một hai năm hoặc vài năm. Tính đến nay, đã có ít nhất mười phụ nữ là nạn nhân của dạng vụ án này. Giang Kinh là thành phố lớn, dân số cả chục triệu người, không hiếm các vụ mất tích, nhưng loạt vụ án mất tích này có chung một đặc điểm.

Đặc điểm khủng khiếp.

Một ngày mùa xuân năm 1980, có một công chức bình thường đang sốt ruốt sốt gan vì chờ đợi, mong mỏi một điều thần kỳ rằng cô em gái Nghê Phượng Anh đã mất tích một tuần sẽ trở về nhà. Nhưng chỉ thấy xuất hiện một chiếc xe đạp đưa thư cùng một bưu kiện nhỏ. Bao bì không ghi họ tên địa chỉ người gửi. Bên trong là một hộp giấy, trong hộp giấy là một chiếc khăn tay màu trắng, góc khăn có ghi tên Nghê Phượng Anh do chính cô thêu.

Giữa khăn là một vết đỏ thắm.

Mở khăn ra, một ngón tay trắng nhợt!

Không lâu sau đó, công an xác định rằng vết đỏ ở khăn là máu của Nghê Phượng Anh, ngón tay ấy cũng là của cô.

Những người cư trú lâu năm tại Giang Kinh vẫn nhớ, trong những năm tháng yên bình ấy, vụ án Nghê Phượng Anh mất tích đã khiến bao người xót xa, đã trở thành đề tài bàn tán ở khắp nơi. Có một thời gian các cô gái trẻ không dám ra khỏi nhà buổi tối. Bấy giờ, một tờ báo chuyên viết về đời thường tên là Tin chiều Tân Giang liên tiếp đăng tin bài về vụ án này, cộng thêm các phim kinh dị, trinh thám chiếu rạp cùng thời như Vụ mưu sát số 405 hay Mây mù trên đỉnh Thần Nữ, khiến âm thanh rùng rợn của cái ác như thấm qua mặt báo mà tác động vào thần kinh của mọi người.

Hung thủ có thể là ai? Hồi đó người ta đoán già đoán non, có thể là bọn đặc vụ Mỹ-Tưởng vẫn nằm vùng ở đại lục từ ba mươi năm qua, có thể là tay chân của “bè lũ bốn tên” hoặc bọn xã hội đen Hồng Kông… Một suy đoán có vẻ thực tế hơn là, một gã trai trẻ nào đó cùng làm ở xưởng dệt với Nghê Phượng Anh đã yêu cô nhưng bị cô từ chối.

Nhưng dù hung thủ là ai, là nam hay nữ, thì cũng đã ẩn thân rất giỏi, vì hắn vẫn là một câu đố không lời đáp, tung tích Nghê Phượng Anh vẫn mịt mùng.

Truyền thông và dân chúng đều chỉ có trí nhớ ngắn hạn, nhất là trong thời đại xã hội đang phát triển rầm rộ, ai cũng tất bật với vô vàn thay đổi từng ngày. Vài ba năm sau, họ đã dần quên khuôn mặt xinh xắn hiền hòa của Nghê Phượng Anh.

Thế rồi ba năm sau, một buổi tối mùa hè, Mã Vân bỗng nhiên mất tích.

Mã Vân là cô giáo iểu học mới vào nghề một năm. Vào buổi tối mùa hè bất hạnh ấy, khi Giang Kinh đang phải chịu cái nóng ghê gớm chưa từng thấy suốt nhiều năm qua, Mã Vân và mấy cô bạn ra bờ sông Thanh Anh hóng mát, nghịch nước… giống hàng trăm người dân khác của thành phố. Đùa nghịch mãi, rồi nóng bức, Mã Vân xung phong lên đê mua kem về cho mọi người, nào ngờ cô ra đi không bao giờ trở lại.

Người đầu tiên liên hệ hai vụ Nghê Phượng Anh và Mã Vân với nhau là Trần Ngọc Đống, một công an ở khu Văn Viên. Anh công an trẻ tuổi thường được gọi là “chú em” này trước đó đã từng tham gia điều tra vụ Nghê Phượng Anh. Khi phần lớn đồng nghiệp cho rằng Mã Vân là vụ án riêng rẽ thì Trần Ngọc Đống đã lờ mờ nhận ra sự liên quan giữa hai vụ mất tích cách nhau ba năm này, anh bèn báo cáo lãnh đạo về sự suy đoán mạnh dạn của mình, nhưng lại phải nghe một cuộc “trao đổi” sâu sắc và tình cảm, “Vụ Nghê Phượng Anh chưa phá được không phải là lỗi của chú em. Trước giờ thời nào chẳng có những vụ bế tắc không thể đóng hồ sơ, chú khỏi cần canh cánh bên lòng hay ngờ vực nhiều như thế. Huống chi, vụ Mã Vân do công an Tân Giang phụ trách, chúng ta chỉ phối hợp tìm hiếm, thu thập tin tức do quần chúng báo lên, còn việc trinh sát cụ thể thì Văn Viên chúng ta không thể nhúng tay vào.” Đúng là thế, Mã Vân cư trú ở Tân Giang, Trần Ngọc Đống không có cơ hội tham gia vào vụ này. Về đến ký túc xá, anh mở cuốn sổ “Ghi chép công tác” ra viết một câu, “Mình có linh cảm rằng chẳng mấy chốc dự đoán của mình sẽ được chứng minh là đúng.”

Thật không may, linh cảm của Trần Ngọc Đống hoàn toàn chính xác. Mã Vân mất tích đến ngày thứ năm thì một bưu kiện được gửi về gia đình đang nóng lòng như lửa đốt của cô.

Đó là một cái hộp giấy, bên ngoài chỉ ghi họ tên địa chỉ người nhận, không ghi bất cứ thông tin gì về người gửi.

Dù cảnh sát đã dặn tình hình thế nào cũng phải trình báo ngay, cha Mã Vân vẫn quên bẵng, ông hấp tấp mở luôn cái hộp, kêu to một tiếng rồi ngã lăn ra.

Mẹ Mã Vân đi chợ vắng, một bác hàng xóm đã về hưu nghe tiếng kêu bèn chạy vội sang đỡ ông dậy. Ông Mã chưa bất tỉnh, mà chỉ bị sốc do huyết áp cao, ông nắm tay bác hàng xóm nói, “Mau báo cảnh sát… cái hộp kia… bác đừng nhìn nó… và đừng kể cho nhà tôi biết…”

Bác hàng xóm bèn gọi người, rồi tìm tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực… tuy nhiên bác vẫn không quên nhìn trộm vào cái hộp bí ẩn kia. Loài người là loài động vật tiến hóa không ngừng nhờ biết tò mò, dù rằng trong đại đa số trường hợp tò mò xong họ đều hối hận.

Bác già vừa tốt bụng lại vừa tò mò ấy nhìn vào hộp giấy. Chỉ nhìn một tích tắc mà ác mộng đeo bám bác suốt hơn hai mươi năm, đến tận khi bác qua đời.

Một cái khăn tay màu lục nhạt.

Một vết đỏ sẫm trên cái khăn.

Bên cạnh nó là một ngón tay trắng nhợt.

Công an thành phố thành lập tổ chuyên án, do một trong các phó giám đốc sở trực tiếp chỉ huy. Họ tổ chức trinh sát, phục kích suốt ngày đêm. Trần Ngọc Đống, vì có chút ít kinh nghiệm và bài học từ vụ Nghê Phượng Anh, nên được công an Văn Viên đề cử tham gia tổ. Tổ chuyên án tìm kiếm kiểu cuốn chiếu, rà soát gần như từng mét vuông suốt dải bờ sông hiện trường, nhưng không tìm thấy bất cứ manh mối nào về Mã Vân.

Cô có còn trên đời này không, hay đã biến thành một cái xác?

Tại sao hung thủ phải gửi về nhà chiếc khăn tay của người bị hại? Tại sao hắn lại chặt một ngón tay của cô?

Hai vụ án có do cùng một hung thủ gây ra không?

Hung thủ không để lại dù là một vết tích. Hắn là sát thủ “chuyên nghiệp” trong truyền thuyết chăng? Nghe chừng là chuyện chỉ xuất hiện trong phim xã hội đen do các lò sản xuất băng đĩa chui làm ra, chứ ở Giang Kinh thì chưa từng nghe nói đến. Tại sao lại giở thủ đoạn gây án chuyên nghiệp với hai cô gái rất bình thường? Hung thủ và nạn nhân có quan hệ gì? Hắn là một kẻ tâm thần cuồng sát ngẫu nhiên, hay là kẻ gây án có chủ đích có mục tiêu?

Những câu hỏi đại loại như thế đều được ghi trong cuốn sổ tay của Trần Ngọc Đống, anh viết kín đặc bốn trang giấy. Và vẫn còn rất nhiều câu hỏi anh chưa viết vào đây.

Cảnh sát thành phố Giang Kinh đã dốc toàn bộ lực lượng và tâm trí nhưng kết quả vẫn như vụ án Nghê Phượng Anh, không thể đóng hồ sơ. Mã Vân cũng như Nghê Phượng Anh đã biến mất khỏi thế giới này.

Trần Ngọc Đống vừa ngao ngán vừa phẫn nộ, mất ngủ liền mấy đêm, anh viết vào sổ tay, “Vụ án còn lâu mới dừng ở đây được. Tôi sẽ dốc hết sức lực đời mình để lôi tên hung thủ ác ma ra trước ánh sáng công lý.”

Thật không may, một lần nữa dự đoán của Trần Ngọc Đống lại đúng.

Chưa đầy hai năm sau, mùa xuân năm 1985, một cô gái tên là Tiết Hồng Yến mất tích. Lại cái hộp giấy, một khăn tay dính máu, và một ngọn tay trắng nhợt khiến người ta khiếp đảm.

Vụ án lại làm chấn động Giang Kinh, lại đẩy ảnh hưởng của tờ Tin chiều Tân Giang lên một tầm cao mới, và lại khiến mạch máu của Trần Ngọc Đống căng phồng. Sở Công an tai1p lập tổi chuyên án, Bộ Công an cũng cử chuyên gia xuống, cảnh sát toàn thành phổ tiếp tục lao vào trinh sát khám phá. Lần này Sở hạ quyết tâm chặn đứng tội ác, vụ án tàn bạo này mà không phá được thì sẽ gây cho người dân ấn tượng rất xấu, rằng công an chẳng hề tài ba như người ta tưởng, và sẽ kích thích làn sóng phạm tội đang dần nổi lên trong xã hội. Cho nên khẩu hiệu của tổ chuyên án là, Nhân dân tất thắng! Công an nhân dân tất thắng!

Năm ngoái ngoài tờ Tin chiều Tân Giang ra, còn có vài tờ nguyệt san về pháp chế cũng ăn theo, họ đặt cho loạt vụ án nói trên cái tên rất “văn học đại chúng” là “Vụ án ngón tay khăn máu”. Sau khi miêu tả sinh động hai trường hợp Nghê Phượng Anh và Mã Vân, họ còn tung ra những phỏng đoán sạc mùi tiểu thuyết về sự mất tích của Tiết Hồng Yến. Trong quá trình “sáng tác” này, những tình tiết thực hư về đời tư và gia đình của cả ba cô gái bị khai thác triệt để.

Chẳng nói cũng biết, khi Bộ Công an và Sở Công an tuyên bố rằng, nhờ nỗ lực phối hợp của cảnh sát toàn thành phố, vụ án “ngón tay khăn máu” đã được phơi bày, hung thủ bị đưa ra xét xử… thì tở Tin chiều Tân Giang và mấy trang tạp chí pháp chế kia phấn khích đến nhường nào!

Càng không khó để hình dung rằng mọi tình tiết về đời tư, gia đình… của hung thủ sẽ không thể bị bỏ sót.

[1] Mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc

Bình luận
Ads Footer